sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 6

Sievert Tiburtius, người nhỏ, đầu to, để bộ râu quai nón vàng óng, dài mà thưa. Ông ta thường rẽ đôi râu, vắt ra hai bên cho đỡ vướng. Trên cái đầu tròn lông lốc của ông ta, có rất nhiều cụm tóc xoăn như lông cừu. Tai ông ta to tướng, nhìn là phải để ý ngay, vành tai cuộn vào trong, phía trên nhọn hoắt, y hệt tai cáo; mũi thì như một cái cúc bẹp gí, dính vào giữa mặt; lưỡng quyền dô cao; đôi mắt màu tro, bình thường thì híp lại, trông rất hồn nhiên, nhưng lúc nào đó thì lại có thể mở to một cách lạ lùng, càng giương càng to, tưởng như trông con ngươi sắp rơi ra ngoài...

Đó là mục sư Tiburtius ở Riga. Ông ta đến truyền đạo ở miền trung nước Đức mấy ngày rồi, nay trên đường về, ghé qua đây. Tại quê nhà, ông ta đã có một vị trí xứng đáng trong việc truyền đạo. Ông ta mang theo thư giới thiệu của một ông bạn cùng nghề, đã từng được thưởng thức các món ăn như xúp kiểu Mockturtle, giăm-bông trộn nước sốt Schalotte ở phố Meng, đến đây thăm cụ tham. Cụ bà giữ ông ở lại chơi mấy hôm; và ông ta ở lại trong một căn phòng rộng lớn ở cạnh hành lang tầng dưới. Căn phòng này chuyên để tiếp khách.

Ông ta ở lại đây đã quá ngày quy định trước. Tám ngày rồi mà ông ta còn muốn đi xem nơi này nơi nọ, nào là cuộc vũ đạo ma quỉ và chuông thiên thần ở nhà thờ Sankt Marien, tòa thị chính thành phố, nhà thủy thủ, hoặc tượng mặt trời có con mắt như con mắt người ở trên gác chuông, vân vân... Sau mười ngày, ông ta năm lần bảy lượt nói đến chuyện lên đường, nhưng hễ có người nào hơi tỏ ý muốn giữ lại, thì ông ta bằng lòng ngay.

So với ông Jonathan và ông Trieschke “nước mắt lưng tròng”, ông Tiburtius tốt hơn nhiều. Ông ta không mảy may để ý đến những làn tóc xoăn trước trán Tony, cũng không viết thư cho cô, nhưng lại để ý đến cô em út rất mực đoan trang của Tony là Klara. Khi ông ta đứng trước mặt Klara, khi ông ta nói chuyện với cô hay bước đến gần cô, hai con mắt ông ta cứ mở to một cách lạ lùng, càng giương càng to, trông con ngươi hầu như lúc nào cũng có thể rời ra được... Hơn nữa, hình như suốt năm ông ta quanh quẩn bên Klara bàn chuyện đạo với cô, bàn công việc nội trợ, không thì đọc cái gì đó cho cô nghe... Giọng ông ta vừa thanh vừa cao, và cứ ngắt quãng, nghe rất buồn cười, như tất cả người quê ông trên bờ biển Baltic. Mới đến hôm đầu, ông ta đã nói:

— Xin cho phép tôi mạnh dạn nói một câu, bà tham ạ! Cô Klara của bà đúng là viên ngọc vô giá Thượng đế ban cho bà đấy. Cô bé đáng yêu quá!

— Cha nói đúng đấy!

Bà cụ trả lời, nhưng ông ta nói đi nói lại câu đó hai ba lần, khiến bà cụ phải đưa đôi mắt xanh trong suốt của mình quan sát kỹ ông ta, làm cho ông ta phải giới thiệu khá tỉ mỉ thân thế, hoàn cảnh gia đình và tiền đồ của ông ta. Thì ra ông ta xuất thân trong một gia đình thương gia, bà mẹ đã qua đời, ông ta là con một, ông bố già rồi nên thôi không buôn bán gì nữa, nhưng của nhiều, tha hồ ngồi hưởng. Một ngày kia, cái đó sẽ về tay mục sư Tiburtius. Ngoài ra, nghề nghiệp của ông ta cũng bảo đảm cho ông ta một khoản thu nhập khá lớn.

Klara Buddenbrook năm nay mười chín tuổi. Mái tóc đen chải bóng mượt, đôi mắt nâu vừa nghiêm trang vừa mơ mộng, sống mũi hơi cong, miệng lúc nào cũng mím chặt, người dong dỏng cao, trông rất yểu điệu. Tóm lại, cô đã là một thiếu nữ xinh đẹp, nghiêm trang, có cái phong cách độc đáo riêng của mình. Trong nhà, cô rất thân với Klothilde đáng thương, và cũng ngoan đạo như cô ta. Ông bố Klothilde vừa mất gần đây, cô ta cứ nghĩ là chẳng bao lâu nữa cô ta sẽ “thu xếp ổn thỏa”, có nghĩa là sẽ mang theo tiền của và đồ dùng ông bố để lại, đến ở nhà phước cho yên thân. Tất nhiên, Klara không giống Klothilde ở chỗ Klothilde biết ngoan ngoãn vâng lời và chịu đựng cũng như phải quỵ lụy để kiếm miếng ăn. Trái lại, khi Klara nói với đầy tớ, thậm chí cả khi chuyện trò với anh, chị và mẹ, giọng của cô trời sinh ra vẫn nghiêm nghị, trầm ngâm như thế, hầu như cô chỉ biết hạ thấp xuống để quyết định, không biết đưa cao lên để hỏi, bao giờ cũng như đang dõng dạc ra lệnh cho kẻ khác. Những lúc cô nói nghe dứt khoát, rắn rỏi, gắt gỏng, ngạo mạn là những ngày cô nhức đầu.

Trước khi ông tham qua đời để lại cái không khí đau thương buồn thảm bao trùm lấy tòa nhà này, khi giao thiệp với bạn bè, dù ở nhà mình hay nhà các bạn có hoàn cảnh giống mình, lúc nào Klara cũng tỏ ra kiêu kỳ, khó mà xúc phạm tới. Bà cụ tham nhìn con nghĩ thầm trong bụng, dù của hồi môn nhiều và nó căn cơ như thế, nhưng kiếm cho nó một người chồng thì quả thật là khó. Các thương gia hay báng đạo, rượu chè be bét, chuyên đi tìm thú vui, mà ở xung quanh nó thì không một ai ưng nó rồi, vậy thì chỉ có những người truyền đạo may ra mới xứng đôi với đứa con gái tính tình nghiêm nghị, một lòng tin tưởng ở Thượng đế như nó. Bà cụ đã có ý nghĩ như vậy từ lâu, nên khi mục sư Tiburtius hơi nói bóng nói gió về việc ấy thì bà cụ tỏ ra rất sốt sắng niềm nở, mặc dù có kiềm chế lại.

Quả nhiên, việc đó phát triển theo điều đã dự đoán trước, không sai một tí nào. Một buổi chiều quang đãng, ấm áp tiết tháng Bảy, cả nhà đi chơi xa. Bà cụ, Antonie, Christian, Klara, Klothilde, Erika và chị Jungmann, cả mục sư Tiburtius nữa, hồ hởi đi ra cổng thành, định đến một hàng quán nhỏ ở vùng quê xa xôi, ngồi cạnh bàn gỗ ngoài sân ăn dâu, uống sữa hoặc kem mơ, ăn tối xong lại đến chơi ở một vườn cây ăn quả rộng lớn trồng đủ các loại cây râm mát, cây giẻ chua, và những bụi dâu thấp lè tè, lại còn có cả vườn rau trồng củ cải và khoai tây chạy dài ra tận bờ sông.

Sievert Tiburtius và Klara cố ý đi sau mọi người. Bên cạnh Klara, Tiburtius trông thấp hẳn. Ông ta bỏ cái mũ lá rộng vành ở trên đầu xuống, râu rẽ đôi vắt lên hai vai, mắt giương to hơn nữa, thỉnh thoảng lấy mùi soa lau mồ hôi trán, thỏ thẻ nói chuyện với cô rất lâu. Trong khi chuyện trò, hai người cùng đứng lại, Klara nghiêm túc và bình tĩnh, trả lời một tiếng “vâng!”.

Về nhà, bà cụ tham hơi mệt, nóng bức, ngồi một mình trong phòng phong cảnh, lúc đó mục sư Tiburtius bước vào, ngồi xuống cạnh bà. Bên ngoài vẫn là cái không khí yên tĩnh của buổi chiều chủ nhật khiến người ta sinh ra đăm chiêu nghĩ ngợi. Ông ta lại thủ thỉ với bà cụ tham một hồi lâu. Chờ ông ta nói xong, bà cụ tham nói:

— Được rồi! ông mục sư thân mến ạ! Việc ông cầu hôn rất hợp với ý của tôi. Với lại, tôi bảo đảm với ông rằng, về phía ông, ông cũng chọn được một người con gái tốt! Ai ngờ rằng ông ở lại nhà tôi chơi mấy hôm mà lại gặp được điều may mắn lớn lao thế này! Hôm nay, tôi vẫn chưa thể trả lời dứt khoát được. Tôi còn phải viết thư báo cho anh tham nó biết chuyện này. Ông cũng biết là hiện giờ anh tham nó còn ở nước ngoài. Ngày mai ông cứ về Riga làm việc đi. Tôi chúc ông lên đường bình an. Chúng tôi cũng định ít lâu nữa sẽ ra biển nghỉ mấy tuần lễ... Chả bao lâu ông sẽ nhận được thư trả lời của tôi. Cầu xin Thượng đế phù hộ cho chúng ta để chúng ta được bình yên mạnh khỏe, sau này sẽ gặp lại nhau.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx