sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 8

Quả thật mùa hè năm đó, gia đình Buddenbrook nhộn nhịp vô cùng, y hệt ngày tết.

Cuối tháng bảy, Thomas về đến phố Meng. Cũng như các thương gia khác trong thành phố, ông đã mấy lần đến bãi biển, nơi gia đình nghỉ mát. Còn như Christian thì anh tự cho phép anh nghỉ việc hoàn toàn. Lúc nào anh cũng kêu đau ở chân trái, bác sĩ Grabow bó tay chịu nên anh càng lo hơn...

— Không phải đau đâu... Không phải đau thật sự! - Anh vừa nhăn nhó giải thích vừa lấy tay xoa bóp vào đùi, chun mũi, mắt thì đảo đi đảo lại. - Chỉ buốt thôi, buốt hết cả chân, không chịu được, liên tục, không ngơi một chút nào, lan sang cả nửa người bên trái; nửa bên có quả tim cũng khó chịu lắm... Lạ thật... Tôi thấy bệnh này lạ lắm, anh Tom ạ! Anh nghĩ xem là bệnh gì?

— Thế à, thế à!... - Tom nói - Bây giờ thì chú phải nghỉ ngơi, tắm nước biển nhiều vào...

Thế là Christian đi ra bờ biển, kể chuyện cho những người đi tắm biển nghe. Tiếng cười vang lên khắp nơi. Nếu không thì đến khách sạn bờ biển đánh ru-lét với ông Peter Döhlmann, bác Justus và tiến sĩ Gieseke cùng mấy cậu công tử khác từ Hamburg đến.

Cũng như những lần trước đến Travemünde, ông tham Buddenbrook[99] và Tony lại đến phố Bờ biển thăm vợ chồng lão Schwarzkopf...

— Quý hóa quá, bà Grünlich ạ! - Lão chỉ huy hoa tiêu vui vẻ nói giọng quê miền bắc nước Đức - Ờ, bao lâu rồi đấy nhỉ? Chúng ta gặp nhau cách đây lâu lắm rồi! Thật là dịp may hiếm có!... Thằng Morten nhà tôi làm bác sĩ ở Breslau, nghe nói công việc cũng bận lắm. Thằng bé đến là nghịch ngợm!

Cụ bà Schwarzkopf chạy đi chạy lại, pha cà phê. Sau đó, họ lại ngồi ăn tối ở trên ban công trồng đầy hoa như dạo nào... duy chỉ khác một điều là bây giờ người nào cũng già hơn trước những mười lăm tuổi. Morten và Meta (cô đã lấy ông trưởng thôn Haffkrug) đều ở xa cả. Lão chỉ huy hoa tiêu râu tóc đều bạc phơ, tai điếc, nay đã về hưu rồi. Mái tóc bao lưới của bà cụ cũng đã lốm đốm bạc. Còn Tony cũng không còn ngốc nghếch như trước kia nữa, cô đã hiểu rõ cuộc đời, nhưng điều đó không cản trở gì đến việc cô thích ăn mật ong cả. Cô vừa ăn vừa khen:

— Đây là sản phẩm thiên nhiên chính cống. Nên ăn lắm!

Đầu tháng tám, gia đình Buddenbrook cũng trở về thành phố như nhiều gia đình khác. Tiếp đó, giờ phút long trọng đã đến. Tiburtius từ nước Nga, gia đình ông Arnoldsen từ Hà Lan cùng đến một lúc. Họ sẽ ở tại phố Meng một thời gian khá lâu.

Khi ông tham dẫn người vợ chưa cưới của mình bước vào phòng phong cảnh chào mẹ, đã diễn ra một cảnh vô cùng hấp dẫn. Bà cụ tham dang hai tay ra, đầu hơi nghiêng sang một bên, bước lên đón nàng dâu. Gerda bước từng bước trên tấm thảm màu nhạt, vừa lịch sự vừa đoan trang. Người dong dỏng cao nhưng đầy đặn nở nang, mái tóc màu đỏ sẫm rất dày, đôi mắt màu nâu thoang thoáng xanh hơi gần nhau, hàm răng trắng tinh, lúc cười sáng lấp lánh, sống mũi thẳng, cái miệng tự nhiên trời sinh đã để lại một cảm giác cao quý. Những nét đó tạo cho cô gái hăm bảy tuổi này một dáng điệu không tầm thường, nhã nhặn, dễ lôi cuốn. Mặt cô trắng trẻo trông có vẻ hơi kiêu, nhưng khi bà cụ tham dịu dàng đưa hai tay ôm đầu cô, thân mật hôn lên trán cô thì cô liền cúi xuống...

— Me rất vui mừng đón con về nhà me, về với gia đình me. Con sẽ là con gái xinh đẹp và đáng yêu của me. Me chúc con hạnh phúc - bà cụ tham nói - Con sẽ làm cho me con hạnh phúc... hiện giờ con đã làm cho anh con hạnh phúc lắm rồi, chả nhã me không thấy được điều đó hay sao?

Nói xong, bà cụ kéo tay phải Thomas đến cạnh người mình, hôn một cái.

Trừ lúc ông nội còn sống, hầu như tòa nhà rộng lớn này chưa hề tưng bừng náo nhiệt như thế này bao giờ. Nó vui vẻ đón tiếp tất cả những người khách. Chỉ có Tiburtius vì câu nệ nên đã chọn căn phòng cạnh phòng bi-a dãy phía sau, còn những người khách, từ ông Arnoldsen, một người hoạt bát, nhanh nhẹn, gần sáu mươi tuổi, râu màu xám, nhưng trông vẻ còn sung sức lắm, đến người con gái lớn trông như người ốm và con rể của ông, một người rất thích hưởng lạc, vừa đến đây đã được Christian dẫn đi chơi các nơi trong thành phố, kể cả câu lạc bộ, đều chia nhau ở mấy căn phòng trống cạnh phòng lớn cột tròn.

Tony thấy trong nhà chỉ có Sievert Tiburtius là người mục sư duy nhất, thì rất vui mừng, không sao tả xiết! Cô rất hài lòng và khâm phục anh trai cô về cuộc đính hôn này; người mà anh trai cô lấy làm vợ lại là Gerda, bạn cũ của cô; cuộc hôn nhân này sẽ mang danh dự lại cho gia đình và Công ty nhà cô. Cô nghe người ta thì thào bàn tán đến số tiền hồi môn là ba mươi vạn mark. Những nhận xét của người trong thành phố, của các gia đình khác, đặc biệt là của gia đình Hagenström về chuyện này, làm cho cô vui mừng như nở hoa trong bụng. Giờ phút nào cô cũng tươi cười hớn hở. Cô niềm nở ôm lấy người chị dâu tương lai, hết lần này đến lượt khác, mỗi giờ đồng hồ ít ra cũng tới ba lần...

— Ô, Gerda này! - Tony gọi to - Mình mến cậu lắm, cậu biết đấy, xưa nay mình vẫn mến cậu lắm đấy mà! Mình biết mình không làm cậu chịu nổi, trước kia cậu ghét mình lắm đấy, nhưng mà...

— Cậu nói gì thế, Tony - Gerda nói - Làm sao mà mình lại ghét cậu? Mình hỏi cậu, cậu đã làm gì có lỗi với mình đâu nào?

Không hiểu vì nguyên nhân gì, cũng có thể chỉ vì quá vui và không còn gì để nói nữa, Tony cứ một mực nói rằng xưa nay Gerda ghét cô lắm, còn về phần cô - nước mắt cô bỗng trào ra ngoài - lúc nào cũng lấy lòng thương yêu đáp lại sự oán ghét. Sau đó, cô kéo Thomas sang một bên nói:

— Anh làm thế đúng lắm, anh Tom ạ! Ồ, trời ơi, anh giải quyết việc này hay quá! Đáng tiếc là ba không được nhìn thấy, thật là đáng tiếc, như anh biết đấy! Phải, thế này thì bù đắp được bao nhiêu chuyện, kể cả chuyện về con người mà em không muốn nhắc đến tên nữa...

Bỗng cô sực nhớ đến chuyện hôn nhân giữa mình và Grünlich, bèn kéo Gerda vào một căn phòng trống, kể hết cho Gerda nghe, không bỏ sót một chi tiết nào. Rồi cô cùng Gerda ôn lại những kỷ niệm hồi còn đi học, ban đêm tán gẫu với nhau những gì. Hai cô lại nhắc đến Armgard von Schilling ở Mecklenburg và Eva Ewers ở Munich... Còn như chuyện đính hôn của Tiburtius và Klara, hầu như cô không đoái hoài tới. Nhưng hai anh chị kia cũng không để ý gì cả. Hai người thường cầm tay nhau, nét mặt nghiêm trang, ngồi thì thầm về tương lai sáng sủa của họ.

Gia đình Buddenbrook chưa đoạn tang, nên lễ đính hôn của hai người đều tổ chức ở ngay trong nhà. Mặc dù vậy, tên họ Gerda Arnoldsen vẫn lan nhanh trong thành phố. Đúng như thế, không sai tí nào, Gerda đã trở thành đề tài mọi người bàn tán khắp hang cùng ngõ hẻm, ở Sở giao dịch, ở câu lạc bộ, ở rạp hát, hay trong câu chuyện xã giao hằng ngày... Một vài chàng công tử chép miệng khen: “loại một”, đó là cách nói của người Hamburg thịnh hành hồi bấy giờ. Bất cứ thứ gì tốt nhất: rượu vang đỏ có dán nhãn hiệu, thuốc lá xì gà, tiệc sang, hay một Công ty to vốn, đều được gọi là “loại một”. Các chàng công tử hào hoa phong nhã thì nói vậy, nhưng một số thị dân thật thà, có nền nếp, lại lắc đầu không cho là phải.

— Kỳ quặc! - Họ bình phẩm - Ăn mặc như vậy, đầu tóc như vậy, dáng điệu như vậy, mặt mũi như vậy... kỳ quặc hết chỗ nói!

Thương gia Sörenson nói:

— Người cô ta có cái vẻ không biết nói thế nào! - Vừa nói, ông ta vừa chau mày ngoảnh mặt đi, y hệt khi ở Sở giao dịch người nào đó nói với ông ta chuyện gì hơi khang khác.

Còn ông tham Buddenbrook cũng vậy, Thomas Buddenbrook vốn hơi kiêu căng, hơi khác người thường, y hệt lớp cha chú ông. Mọi người đều biết - nhất là ông chủ hiệu vải Benthien thì lại càng biết rõ hơn ai hết - không những tất cả quần áo hảo hạng, hợp thời trang nhất của ông - quần áo của ông nhiều vô kể, áo ba-đơ-xuy, áo khoác, mũ, gi-lê, quần, cà-vạt - ngay quần áo lót cũng đặt may tận Hamburg. Thậm chí người ta còn biết rằng ngày nào ông cũng thay sơ mi, có ngày thay tới hai lần, mùi soa và bộ râu mép kiểu Napoleon III đều bôi nước hoa. Không phải vì Công ty mà làm thế, cũng không phải vì ông là người đại diện Công ty - Công ty Johann Buddenbrook không cần những thứ đó - mà chỉ vì ông muốn làm ra vẻ ta đây là sang trọng, quý phái... hoặc giả bảo là gì gì cũng được! Lại ví như những khi không cần phải nói những lời văn vẻ, khi trao đổi chuyện buôn bán hoặc thảo luận công việc ở tòa thị chính, ông thường trích dẫn lời của Heine[100], hay của một số nhà thơ khác... Cô ấy cũng cùng một kiểu như vậy... Đúng rồi, bản thân ông tham Buddenbrook có “vẻ gì đó rất khó nói” thật! Tất nhiên, khi người ta nói những điều đó, người ta tỏ ra vô cùng kính trọng, trước hết vì gia đình này là một gia đình rất đáng được kính trọng. Công ty vững chắc như bàn thạch, giám đốc là người đã có tài lại dễ gần, ông rất có cảm tình với thành phố này, chắc chắn thế nào sau này cũng làm được nhiều điều hay việc tốt cho thành phố... Lần này ông khôn ngoan cưới được một cô vợ vô cùng xứng đáng, của hồi môn những mười vạn thaler... đâu phải chuyện vừa! Nhưng về phía các bà các cô, có một số người cho Gerda “làm bộ làm tịch”, ở đây chúng tôi cần nói rõ, bảo “làm bộ làm tịch” thì quả là một lời bình phẩm khắc nghiệt quá!

Nhưng cũng có người mới gặp cô vợ chưa cưới của Thomas Buddenbrook ở ngoài phố lần đầu thì đã mê mẩn tâm thần. Đó chính là ông Gosch, làm nghề môi giới chào hàng.

— Ồ! - Ở câu lạc bộ hay “Nhà thủy thủ”, ông ta tay giơ cao cốc rượu lên, nét mặt đăm chiêu, trông bộ buồn cười lắm, miệng thì nói oang oang - các vị ạ, thật là một cô tiểu thư nghiêng nước nghiêng thành. Sắc đẹp của bốn nữ thần Hera, Aphrodite, Brynhildr và Melusine[101] tập trung vào một người!... Ồ, tạo hóa thật là kỳ diệu! - Ông ta thêm vào như vậy.

Trên trần nhà “Nhà thủy thủ” có treo mô hình một chiếc thuyền buồm và tiêu bản các loài cá, giữa nhà bày những chiếc ghế trổ hoa nặng chình chịch, các ngài thị dân ngồi ở đấy uống rượu, không một ai có thể hiểu rằng Gerda Arnoldsen xuất hiện là một việc lớn như thế nào trong cuộc sống an phận thủ thường, không có một thú vui nào khác ngoài cái thú vui thích săn tin lạ, của ông môi giới chào hàng Gosch.

Như trên đã nói, lễ đính hôn không định phô trương gì cả, nhưng chính vì vậy mà cuộc họp mặt trong phạm vi nhỏ ở phố Meng càng làm cho người ta bàn tán với nhau mãi. Ông Sievert Tiburtius cầm tay Klara, nói chuyện về bố mẹ ông ta, về tuổi thanh niên và dự định của ông ta sau này cho mọi người nghe. Những người trong gia đình Arnoldsen nói về các chị trong dòng họ mình. Thì ra người họ này đời đời ở Dresden, chỉ có một nhánh sang Hà Lan sinh sống. Sau đó, Tony lấy chìa khóa bàn sách trong phòng phong cảnh, nét mặt nghiêm trang, ôm quyển sổ ghi những việc lớn của gia đình, đi vào. Hai mẩu chuyện vừa mới xảy ra đã được Thomas ghi vào đây rồi. Cô bắt đầu trịnh trọng báo cáo lịch sử của dòng họ Buddenbrook, kể từ ông tổ làm nghề thợ may ở Rostock trở đi. Cô lại đọc cho mọi người nghe một số bài thơ chúc mừng của bạn bè gửi đến:

Duyên lành trăm tuổi keo sơn,

Người cần cù, kẻ đẹp hơn ánh hồng.

Tay Vulcan sánh tay chồng,

Anadyomene Venus chỉ bằng vợ yêu...

Đọc đến đó, cô liếc nhìn Tom và Gerda rồi đưa lưỡi liếm môi. Để tôn trọng tính chân thực của lịch sử, tất nhiên cô cũng không quên nói về con người đã xâm nhập vào nhà cô mà cô vốn không thèm nhắc đến tên...

Bốn giờ chiều chủ nhật, có mấy người khách quen đến. Ông Justus Kröger cùng bà vợ gầy yếu của ông ta. Hai vợ chồng nhà này ngày càng xung khắc hơn, vì bà ta vẫn liên tục gửi tiền cho Jakob, đứa con phá gia chi tử đã bị tước quyền thừa kế, sau khi nó sang sống ở bên Mỹ... Bà ta bớt xén từng ly từng tí các chi tiêu hàng năm làm cho hai vợ chồng già gần như phải ăn cháo qua năm đoạn tháng. Đàn bà như vậy thì biết làm thế nào? Lại có cả bà Buddenbrook ở phố Breiten và ba cô “thiên kim tiểu thư”, các cô cứ bịa đặt chuyện này chuyện nọ, lương tâm không chút cắn rứt, lúc nào cũng nói với mọi người là con Erika Grünlich vẫn chưa thấy khá hơn tí nào, càng lớn càng giống thằng bố bịp bợm. Các cô lại nói kiểu tóc của cô dâu bà cụ tham cầu kỳ quá... Ngoài ra, cô Sesemi Weichbrodt cũng đến. Cô kiễng chân hôn lên trán Gerda “chút” một cái, rồi nói rất tình cảm:

— Chúc em hạnh phúc, em thân mến!

Sau đó, ngồi vào bàn ăn. Ông Arnoldsen nâng cốc chúc mừng cô dâu chú rể, và nói chuyện rất thú vị. Khi mọi người bưng cà phê lên uống, ông chơi violon như một người Di-gan[102]. Lúc chơi, tình cảm của ông dạt dào nồng nhiệt, tài năng của ông rất điêu luyện... Lúc đó, Gerda cũng cầm cây Stradivari xưa nay chưa bao giờ rời khỏi người cô, hòa với ông hai bài với tiếng đàn ngọt ngào của mình. Hai bố con lại đến trước chiếc phong cầm để trong phòng phong cảnh hòa tấu với nhau, thật là tuyệt diệu. Bao nhiêu năm về trước, cũng ở nơi này ông nội ông tham đã từng thổi sáo hết sức du dương.

— Hay tuyệt! - Tony nói, - rồi ngả người tựa vào lưng ghế - Trời ơi, thật là tuyệt diệu! - Tiếp đó, cô nhìn lên trời, nghiêm túc, trang trọng, khoan thai nói, giọng xúc động chân thực -... Các vị đều biết thế nào là đời rồi... không phải ai bẩm sinh ra cũng có tài đó cả! Chẳng hạn như tôi, ông trời không cho tôi cái tài đó, mặc dù tối nào tôi cũng đọc kinh cầu nguyện... Tôi là một con ngỗng!... Gerda này, mình nói với cậu... Mình lớn hơn cậu mấy tuổi, mình đã hiểu đời... Cậu là người được ông trời hậu đãi, hằng ngày cậu nên quỳ xuống cám ơn Đức sáng tạo ra muôn loài!

—... Được ông trời hậu đãi à? - Gerda cười, để lộ hàm răng trắng nõn và xinh đẹp của cô.

Một lát sau, mọi người ngồi xuống, vừa ăn kem hoa quả pha rượu vừa bàn những chuyện phải làm nay mai. Họ đồng ý cuối tháng này hoặc đầu tháng sau, Sievert Tiburtius và gia đình ông Arnoldsen sẽ trở về, sau lễ chúa Giáng sinh, lễ cưới của Klara sẽ tổ chức long trọng ở gian phòng lớn cột tròn; còn lễ cưới của Thomas thì sẽ tổ chức ở Amsterdam. Nếu bà cụ tham khỏe mạnh, sẽ đến dự, nhưng phải lùi sang đầu xuân năm sau, vì giữa hai lễ cưới, phải để cho mọi người nghỉ ngơi một tí. Thomas tỏ ý không bằng lòng nhưng cả nhà vẫn định như thế.

— Thôi mà! - Bà cụ tham để tay lên vai con trai... - Tiburtius được quyền ưu tiên!

Mục sư và cô vợ mới cưới không có ý định đi chơi trong tuần trăng mật, nhưng Gerda và Thomas bàn với nhau sẽ đi du lịch qua miền bắc nước Ý, đến Florence. Họ định ở lại đấy hai tháng, trong thời gian này Tony và bác Jakob, thợ trang trí nhà ở phố Hàng Cá, cùng trang trí lại ngôi nhà nho nhỏ, xinh xắn ở phố Breiten. Ngôi nhà này là của một anh chàng độc thân nay sắp dọn đến Hamburg ở, nên Thomas đã thương lượng với anh ta mua lại. Ồ, thế nào Tony cũng phải trang trí cho thật đẹp! Cô nói:

— Anh chị sẽ được ở một ngôi nhà vừa xinh xắn vừa trang nhã!

Điều đó không một ai nghi ngờ cả.

Christian chun cái mũi sư tử, chân bước vòng kiềng, đi đi lại lại trong nhà, lúc nào mắt cũng nhìn thấy hai cặp vợ chồng mới nắm tay nhau ngồi đấy, tai thì nghe toàn những chuyện như cưới xin, của hồi môn, đi chơi tuần trăng mật! Anh thấy chân trái của anh nhức nhối hết cơn này đến cơn khác. Anh giương cặp mắt ti hí, sâu lõm, nhìn mọi người, lo lắng, nghiêm nghị, nét mặt đăm chiêu. Cuối cùng anh nhại giọng thầy giáo Marcellus Stengel, nói với cô em họ Klothilde người gầy đét, già khọm, ăn không biết no, đang ngồi làm thinh giữa đám người vui vẻ.

— Nào, Thilda, hai chúng ta cũng cưới chứ!... Tất nhiên, tôi muốn nói là... mỗi người sẽ tự tìm cho mình một đám!


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx