sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 9

Khoảng bảy tháng sau, ông tham Buddenbrook cùng bà tham từ Ý trở về. Tuyết tháng ba còn đọng trên đường phố Breiten. Một hôm vào lúc năm giờ chiều, một cỗ xe ngựa đỗ trước ngôi nhà giản dị mới quét vôi ấy. Hai ba đứa trẻ và mấy người lớn đứng lại nhìn những người trên xe bước xuống. Tony đứng ở cửa, có vẻ tự hào về công việc chuẩn bị của mình. Hai người đầy tớ gái đứng phía sau, đầu đội mũ trắng, mặt áo liền váy, cộc tay, có đai thắt, do cô thuê cho chị dâu, lúc này cũng ra cửa đón chủ nhà.

Gerda và Thomas mặc áo khoác bằng da, vừa từ trên cỗ xe ngựa đầy hòm xiểng xuống thì Tony mặt đỏ hây hây vì làm việc, vì phấn khởi, liền bước nhanh xuống tam cấp ôm lấy anh chị, dắt vào hành lang.

— Anh chị đã về! Anh chị đã về! Anh chị hạnh phúc quá! Đi chơi xa, anh chị đã trông thấy ngôi nhà này chưa nhỉ? Toàn là cột tròn!... Gerda, cậu xinh hơn trước nhiều nhé! Nào, cho mình hôn một cái!... Không, hôn miệng cơ!... Thế... thế...! Anh Tom cũng khỏe đấy chứ? Phải, anh cũng phải được hôn một cái. Ông Marcus nói: “Thời gian anh chị đi vắng, công việc ở nhà trôi chảy cả. Me đang chờ anh chị ở phố Meng đấy, nhưng anh chị cứ nghỉ một lát đã... Anh chị uống trà nhé! Không thì tắm cái cho thoải mái? Tất cả đều chuẩn bị đầy đủ cả rồi. Anh chị không thể chê vào đâu được nữa. Bác Jakob làm ra trò. Em cũng thế! Có bao nhiêu sức lực dốc ra hết...

Họ cùng bước vào phòng ngoài để hai người đầy tớ và anh xà ích khuân hành lý vào nhà. Tony nói:

— Mấy căn phòng ở tầng dưới tạm thời anh chị chưa dùng đến mấy... Em chỉ nói là tạm thời thôi đấy nhé! - cô lặp lại rồi lè lưỡi ra liếm môi trên - ở đấy, đẹp tuyệt - vừa nói cô vừa mở rộng cánh cửa bên phải - Trước cửa sổ là loại cây đằng bốn mùa xanh tươi... Bàn ghế giản dị lắm... toàn gỗ sồi... Đằng kia, phía cuối hành lang có một căn phòng tương đối rộng. Bên phải là nhà bếp và phòng để thức ăn... Chúng ta lên gác đi! Em muốn chỉ cho anh chị xem tất cả mọi thứ!

Họ bước lên tấm thảm rộng, màu đỏ sẫm, trải dọc cầu thang thoai thoải. Trên gác, phía sau cửa kính là một dãy hành lang không rộng lắm thông sang phòng ăn; chính giữa phòng ăn là một cái bàn tròn nặng chình chịch, ấm nước trên bàn sôi sùng sục. Tường dán giấy màu đỏ sẫm trông như gấm, dọc tường để mấy cái ghế chạm bằng gỗ hồ đào, đệm bện nhung lau, và một cái tủ buýp-phê rất lớn. Ngoài ra còn có một phòng khách xung quanh tường treo những tấm màn màu xám, phía trong có một nơi tiếp khách rất gọn, có màn che. Nơi tiếp khách bày cái đi văng bọc nhung màu xanh lá cây. Còn một cánh cửa sổ nhô ra phía ngoài. Nhưng một phần từ tầng gác này lại bị cái phòng khách khá rộng, có ba cửa sổ, chiếm mất. Họ đi qua đây, vào phòng ngủ.

Phòng ngủ ở đầu phía bên phải hành lang, trong phòng treo bức rèm có những bông hoa to tướng và bày hai cái giường gỗ đào. Tony lại đi thẳng ra cái cửa ngầm phía sau, vặn quả đấm, mở ra thì có một cái cầu thang xoáy trôn ốc. Cái cầu thang này đi quanh co mãi rồi thông thẳng xuống nhà hầm đi ra phòng tắm và phòng của bọn đầy tớ gái.

— Căn phòng này đẹp! Em phải ngồi nghỉ ở đây một lát. - Gerda vừa nói vừa ngả người xuống chiếc ghế có lưng tựa để trước giường, rồi thở phào một cái.

Ông tham cúi xuống hôn lên trán vợ:

— Em mệt à? Thật đấy, anh cũng phải thay bộ quần áo sạch mới được...

— Em đi xem ấm nước trà đã sôi chưa - Tony nói - Em chờ anh chị ở phòng ăn nhé!... Nói xong, cô đi sang phòng ăn.

Khi Thomas sang, nước trà đã được rót vào bộ ấm chén Meißen, hơi bốc nghi ngút.

— Anh sang bây giờ! - Thomas nói - Chị Gerda còn muốn nằm nghỉ nửa tiếng đồng hồ nữa. Chị ấy hơi nhức đầu. Lát nữa chúng ta sẽ về phố Meng... Mọi việc ổn cả rồi chứ, hở Tony thân mến? Me, cháu Erika, và Christian đều khỏe cả chứ?... Nhưng trước hết anh chị xin chân thành cảm ơn cô - Ông vừa nói vừa giở tay ra để tỏ tình cảm của mình - Anh chị làm phiền cô nhiều lắm, cô quả là người tốt bụng! Cô thu xếp mọi thứ đâu vào đấy, thật là đẹp đẽ, chu đáo! Ngoài hai chậu cây cọ làm cảnh, chị định bày ở cửa sổ vào mấy bức tranh mà anh đã tìm mua, thì không thiếu thứ gì nữa... Bây giờ đến lượt cô nói đi! Về phần cô thì thế nào, dạo này làm những việc gì?

Tom kéo một cái ghế đến cho em gái. Ông vừa nghe Tony kể vừa thong thả uống nước trà và ăn bánh bích quy.

— Chao ôi, anh Tom! - Cô trả lời - Em thì còn có việc gì làm nữa cơ chứ! Đời em thế là tàn rồi!

— Cô chỉ nói bậy thôi, Tony! Cô lại nói đến cuộc đời gì gì rồi... nhưng cứ ru rú ở nhà thì chán chết, phải không?

— Đúng đấy, anh Tom ạ! Quả thật em buồn lắm. Có lúc buồn phát khóc lên được. Thu xếp nhà cửa cho anh chị thế mà làm cho em thích thú đấy. Anh không biết chứ thấy anh chị về, em mừng lắm... Nhưng em ở nhà thì cũng chẳng vui gì cả. Có lẽ nghĩ thế là có tội, cầu mong Thượng đế tha thứ cho em - Bây giờ em ba mươi tuổi rồi, nhưng cũng chưa phải đến cái tuổi kết bạn với các bà già sắp về chầu trời, với hai chị em bà Gerhardt, hay với các ông mặc quần áo thụng đen, chuyên ăn bám các bà quả phụ như mẹ... Em không tin họ tí nào cả, anh Tom ạ! Họ là những con sói đội lốt cừu... là những kẻ táng tận lương tâm... Đúng, chúng ta là những người còn có nhiều thiếu sót, có nhiều tội lỗi, nhưng khi những người đó làm ra vẻ lo đời thương người, cho em là người đi lầm đường, thì em không thể không nhìn thẳng vào mặt họ mà chế giễu cho hả dạ. Xưa nay, em đinh ninh là con người sống với nhau phải bình đẳng, giữa chúng ta và Thượng đế kính yêu không cần một tầng lớp trung gian nào cả. Anh cũng biết kiến giải chính trị của em rồi đấy. Em mong rằng công dân đối với chính phủ...

— Nói như vậy là cô cảm thấy cô đơn phải không? - Thomas không muốn cô nói ra ngoài đề, bèn ngắt lời hỏi một câu - Nhưng, chả phải là có cháu Erika đấy hay sao?

— Phải đấy, anh Tom ạ. Em rất yêu cháu, mặc dù cũng có người nói em sinh ra đã là không thích trẻ con rồi... Nhưng anh biết đấy... em không giấu anh bất cứ chuyện gì. Em rất thực bụng, nghĩ gì nói vậy.

Em không biết dùng những lời lẽ văn hoa...

— Đó là mặt tốt của cô đấy, Tony ạ.

— Nói giản đơn thì như thế này, em chỉ buồn một nỗi là hễ nhìn cháu thì em nghĩ đến Grünlich... Ngay cả mấy chị ở phố Breiten cũng nói con bé giống bố nó như đúc. Với lại mỗi lần cháu đứng trước mặt em, em không khỏi nghĩ rằng: “Mình luống tuổi rồi, sắp thành bà già rồi, đời mình tàn rồi. Mấy năm trước đây, mình có thể tạm gọi là sống, chứ như bây giờ dù có sống đến bảy, tám mươi tuổi đi nữa, chẳng qua mình cũng chỉ ngồi ở đây nghe bà Lea Gerhardt đọc kinh mà thôi! Nghĩ như thế quả là buồn lắm, anh Tom ạ! Mỗi khi nghĩ thế, em thấy nghẹn ngào như có vật gì mắc ở cổ họng, không thở được nữa. Nhưng anh biết đấy, em thấy em còn trẻ lắm, em vẫn tâm tâm niệm niệm là mình sẽ làm lại cuộc đời... Cuối cùng em còn phải nói rằng không riêng gì ở nhà mà bất cứ nơi nào trong thành phố, em cũng thấy không được thoải mái, không phải vì em đui tối không biết gì đến hoàn cảnh của mình. Em không phải là một con ngỗng, cái gì em cũng biết rõ cả, anh tin em như vậy. Em đã ly dị chồng, em phải hiểu điều đó. Điều đó rõ như ban ngày, anh có thể tin những lời em nói là rất thực. Mỗi khi em nghĩ đến thanh danh nhà ta bị nhơ nhuốc, mặc dù không phải là lỗi lầm của em, lòng em vẫn nặng trĩu xuống. Mặc dù anh đã làm được nhiều chuyện lừng lẫy tiếng tăm, mặc dù anh kiếm được rất nhiều tiền và nay đã thành một nhân vật quan trọng trong thành phố, người ta vẫn cứ nói: “Hừ!... Cô em gái ông ta bỏ chồng đấy!”. Chẳng hạn Julchen Möllendorpf, con gái ông Hagenström, nó gặp em, không bao giờ nó chào hỏi em cả... Tất nhiên, nó là một con ngốc! Nhưng người khác cũng vậy thôi... Tuy thế em vẫn không mất hết hy vọng, anh Tom ạ. Em vẫn tin là mọi việc sẽ tốt đẹp! Em còn trẻ... Chả phải em vẫn còn chút ít nhan sắc hay sao? Nếu em đi bước nữa, me sẽ không cho nhiều đâu, nhưng thế nào chả cho một món tiền lớn. Đi bước nữa ư? Anh Tom ạ, em thú thực với anh rằng đó là nguyện vọng tha thiết của em! Lấy chồng, mọi việc sẽ tốt đẹp, và vết dơ sẽ không còn nữa... Trời ơi, giá như có ai xứng đáng với nhà ta thì em sẽ có thể lập lại gia đình được! Anh có cho những điều em nghĩ đó hoàn toàn là không tưởng không?

— Không đâu, Tony ạ! Hoàn toàn không phải là không tưởng! Anh cũng thường nghĩ như vậy. Nhưng anh cho rằng trước tiên em phải đi ra ngoài một dạo, lấy lại tinh thần, thay đổi hoàn cảnh...

— Đúng thế đấy! - Cô sôi nổi trả lời - Bây giờ em phải kể cho anh nghe câu chuyện nhỏ này.

Thomas rất lấy làm vui lòng: bất giác anh ngả người ra phía sau. Anh đã hút sang điếu thuốc lá thứ hai. Bên ngoài, màn đêm từ từ buông xuống.

— Chuyện thế này nhé! Trong khi anh vắng nhà, suýt nữa em kiếm được việc làm, một chân dạy trẻ cho nhà nọ ở Liverpool[103]! Anh nghe chắc anh bực bội lắm nhỉ?... Không được đẹp mặt lắm phải không? Phải, phải, chắc không được đẹp mặt lắm... Nhưng nguyện vọng bức thiết của em là muốn đi cho xa. Nói giản đơn, việc ấy của em không thành. Em gửi cho bà ta một bức ảnh, bà ta bảo không thể nhận lời được vì em xinh quá, mà nhà bà ta lại có một cậu con trai lớn. “Cô xinh quá”, trong thư bà ta viết như vậy... Ha, chưa bao giờ em vui sướng như khi nghe câu đó!

Hai anh em cười khoái chí.

— Nhưng bây giờ em lại tính cách khác rồi, - Tony nói tiếp - Em nhận được thư của Eva Ewers mời em đến Munich, hiện giờ nó đã thành bà Niederpaur rồi. Chồng nó là giám đốc xưởng rượu. Nó bảo em đến thăm nó. Em rất muốn nhân dịp này đi chơi một chuyến. Tất nhiên, cháu Erika không thể đi với em được. Em sẽ cho nó vào trường nội trú của cô Sesemi Weichbrodt. Đến đấy, nó sẽ được chăm sóc chu đáo. Anh có phản đối không?

— Hoàn toàn đồng ý. Dù sao đi nữa thì cô cũng nên thay đổi không khí một tí.

— Đáng như thế! - Cô xúc động nói - Nhưng bây giờ đến lượt anh nói đấy, anh Tom ạ! Anh cứ ngồi nghe em lải nhải chuyện riêng của em, em thật là ích kỷ. Bây giờ anh nói đi! Trời ơi, anh hạnh phúc lắm!

— Đúng đấy, Tony ạ! - Anh nói giọng tin tưởng. Một phút im lặng. Anh nhả khói thuốc ngậm ở miệng sang phía bên kia bàn, nói tiếp - Trước hết, anh cảm thấy sung sướng vô cùng vì anh đã lấy vợ, đã lập gia đình. Cô biết rõ đấy, anh không thích sống một mình. Sống một mình lúc nào cũng cảm thấy cô đơn, lang thang, mà anh thì lại có hoài bão riêng, điều đó cô biết rồi. Anh cho rằng sự nghiệp của anh, dù là về mặt thương mại - Ông nói đùa một tí - hay là mặt chính trị, đều đã đến lúc rồi... Nhưng người ta thường phải làm chủ gia đình, hay làm bố đã, rồi mới được người khác tín nhiệm thật sự. Thế mà trước đây quả thật anh có thể nói là anh như nghìn cân treo đầu sợi tóc. Tony... anh có phần quá khắt khe. Trong một thời gian dài, anh cho là không thể tìm được người nào vừa ý. Nhưng Gerda xuất hiện đã thay đổi tất cả. Anh thấy ngay rằng chị ấy là người có một không hai trên đời này, trời đất chung đúc nên... Mặc dù anh biết trong thành phố có nhiều người không tán thành cách nhìn của anh đâu. Chị ấy là một người kỳ diệu, hiếm có. Tất nhiên chị ấy khác cô lắm đấy, Tony ạ, tuy cô giản dị lại tự nhiên... Tóm lại, em gái anh là một người sôi nổi, hoạt bát - Bỗng anh hạ thấp giọng, nói tiếp - Tất nhiên chị Gerda cũng có cái sôi nổi của chị ấy. Khi chị ấy kéo violon thì có thể thấy rất rõ. Nhưng cũng có thể nói có lúc chị ấy hơi lạnh... Tóm lại, chúng ta không thể lấy kích thước bình thường mà đo chị ấy được. Chị ấy bẩm sinh có khí chất của nhà nghệ sĩ, chị ấy có những nét độc đáo riêng, vừa thần bí vừa hấp dẫn.

— Đúng, đúng!

Tony nói. Cô chăm chú lắng nghe lời anh trai. Lúc này trong nhà tối om nhưng họ vẫn chưa nghĩ đến chuyện thắp đèn.

Cửa hành lang mở. Trước mắt hai anh em Tony, một bóng người thon thon xuất hiện trong bóng tối với bộ quần áo ngủ bằng lanh trắng như tuyết lòa xòa tận mặt đất. Mái tóc dày màu đỏ sẫm bao bọc khuôn mặt nõn nà. Đôi mắt màu nâu, có quầng xanh, cách nhau không xa lắm.

Đó là Gerda, mẹ của chú bé Buddenbrook tương lai.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx