sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Phần 6 - Chương 1

Hầu như sáng nào Thomas Buddenbrook cũng ăn lót dạ lần đầu một mình trong phòng ăn xinh xắn kia, vì vợ ông sáng sớm thường hay nhức đầu, người mệt mỏi, nên muộn lắm mới bước ra khỏi phòng ngủ. Ăn sáng xong, ông liền đi đến phố Meng, phòng làm việc của Công ty vẫn để ở đấy. Ở đấy, ông lại ăn bữa sáng thứ hai với bà mẹ, Christian và chị Jungmann ở tầng giữa. Mãi đến bốn giờ chiều, ông mới lại được gặp Gerda trong bữa ăn trưa.

Vì công việc làm ăn buôn bán nên tầng một tòa nhà cũ vẫn sầm uất tấp nập, nhưng trên tầng hai thì lại trống trải, trông thật thê lương. Bé Erika đã được cô Weichbrodt nhận vào ở nội trú rồi. Klothilde đáng thương đã tìm được chỗ ký túc rẻ tiền và đã mang bốn năm thứ đồ đạc riêng đến nhà bà tiến sĩ Krauseminz góa bụa, dạy ở trường trung học. Ngay cả Anton, người đầy tớ cũ, cũng rời nhà này sang nhà mới, vì ông chủ rất cần anh ta. Thỉnh thoảng, Christian đến câu lạc bộ. Khoảng bốn giờ chiều, quanh bàn tròn, chỉ còn lại bà cụ tham và chị Jungmann, ngồi trơ trọi ở đấy. Tất nhiên không cần phải chống hai tấm ván quanh bàn tròn lên nữa. Trong phòng ăn rộng lớn trống trải, treo đầy ảnh các vị thánh, cái bàn tròn ấy trở nên nhỏ bé lạ thường.

Từ ngày cụ tham Johann Buddenbrook qua đời, khách khứa đi lại chơi bời cũng vắng hẳn. Trừ một số linh mục, mục sư thỉnh thoảng đến thăm hỏi, chỉ ngày thứ năm, bà cụ tham mới có dịp gặp một số bạn bè thân thiết, còn thì không gặp vị khách nào khác nữa. Nhưng mặt khác, con trai và con dâu cụ đã tổ chức một bữa tiệc rất linh đình. Phòng ăn và phòng khách bày chật ních, lại còn thuê đầu bếp và mượn người đến làm thêm. Rượu thì đặt ở hãng Kistenmaker. Bữa tiệc bắt đầu từ năm giờ, kéo dài tận mười một giờ khuya vẫn còn nghe tiếng cười nói ồn ào. Gia đình các ông Langhals, Hagenström, Huneus, Kistenmaker, Överdieck, Möllendorpf, các thương gia, học giả, người đã có gia đình hay đang sống độc thân, đều có mặt trong bữa tiệc hôm ấy. Ăn xong thì đánh bài Whist, nghe âm nhạc. Ở Sở giao dịch, người ta bàn tán mãi về chuyện đó suốt cả tuần lễ. Bữa tiệc ấy chứng tỏ rằng bà tham trẻ quả là người xuất sắc trong giới xã giao... Tối hôm ấy, các ngọn nến cháy đến lúc tàn, bàn ghế ngổn ngang. Mùi rượu, mùi sơn hào hải vị, mùi nước hoa, mùi cà phê, xì gà và hương vị đậm đà của các bà các cô lẫn với hương vị những bông hoa cắm trên bàn tiệc còn thoang thoảng. Bây giờ chỉ còn lại hai vợ chồng ông tham, Thomas nắm chặt tay vợ nói:

— Tuyệt quá, em Gerda ạ! Chúng ta không có gì phải xấu hổ. Chuyện này quan trọng đấy! Anh không thích bày ra khiêu vũ, không thích để bọn trẻ nhảy nhót lung tung, với lại cũng không có chỗ. Nhưng những người có vợ con gia đình thì họ thấy thú vị lắm. Tất nhiên tiệc tùng như thế này tốn kém... nhưng rất đáng đồng tiền!

— Anh nói đúng đấy - Gerda vừa trả lời vừa sửa lại đường đăng ten trước ngực, bộ ngực nõn nà của bà tham thấp thoáng sau đường đăng ten, đẹp như bằng đá cẩm thạch - Em cũng thích mở tiệc, chứ không thích bày ra khiêu vũ. Tiệc để lại cho người ta một cảm giác thoải mái... Tối hôm nay, lúc chơi nhạc em có một cảm giác rất đặc biệt... Bấy giờ đầu óc em như cứng lại, gí điện vào cũng không làm cho em thay đổi sắc mặt.

Mười một giờ ngày hôm sau, khi Thomas ngồi cạnh mẹ ăn sáng, ông đọc cho cụ bà nghe bức thư sau đây:

Munich, ngày 2 tháng 4 năm 1857

Quảng trường Marien nhà số 5

Me thân yêu,

Con mong me tha lỗi cho con. Con đến đây đã được tám ngày rồi mà vẫn chưa viết thư cho me, thật là quá đáng. Ở đây, con phải đi xem nhiều nơi nên bận không có chút thì giờ nào nữa. Những chuyện ấy con sẽ kể sau. Trước hết, con xin hỏi thăm sức khỏe những người ruột thịt. Me, anh Tom, chị Gerda, cháu Erika, anh Christian, Klothilde và chị Jungmann đều bình yên cả chứ ạ? Ấy là điều con quan tâm nhất. Chà, mấy hôm nay con được xem rất nhiều thứ, phòng triển lãm tranh, phòng trưng bày tác phẩm điêu khắc, xưởng nấu rượu Hoàng gia, nhà hát Hoàng gia, nhà thờ, nhiều nhiều vô kể! Lúc nào về, con sẽ kể lại cho cả nhà nghe, chứ không làm sao viết hết được. Chúng con còn ngồi xe ngựa đến động Isartal, ngày mai sẽ đi Würmsee chơi. Hành trình các ngày đã được sắp xếp xong xuôi cả rồi. Eva đối với con rất tốt. Ông Niederpaur, giám đốc xưởng rượu, cũng là người nhã nhặn. Chúng con ở cạnh một quảng trường rất đẹp, ngay trong thành phố. Chính giữa quảng trường có một cái giếng, như cái giếng ở chợ nhà ta ấy. Ngôi nhà chúng con ở rất gần nhà Quốc hội. Xưa nay con chưa thấy tòa nhà nào đẹp đến thế! Từ trên xuống dưới toàn là tranh, đủ các màu sắc, nào là Thánh George đang giết rồng, nào là các vị chư hầu già xứ Bayern[104] mặc quần áo sang trọng, đeo đầy huy chương, cả nhà thử tưởng tượng xem!

Đúng thế! Con thích Munich lắm. Không khí ở đây làm cho đầu óc con thoải mái vô cùng. Bệnh dạ dày của con hiện giờ cũng đã khỏi. Con rất thích uống bia, nhất là vì nước ở đây không được sạch nên lại càng uống nhiều hơn. Nhưng con vẫn chưa ăn quen các món ăn ở đây. Ở đây rau ít nhưng lại rất nhiều bột mì. Chẳng hạn như món xúp, đến là đau đầu! Người ở đây không biết ăn bít-tết, vì cửa hàng thịt cứ thái thịt nát vụn. Ngoài ra, ở đây con cũng không được ăn cá. Suốt ngày chỉ uống bia với các món ăn nguội, như dưa chuột, khoai tây. Thật là thảm hại! Dạ dày con đã kêu ầm ĩ lên phản đối rồi.

Tất nhiên, cả nhà sẽ nghĩ rằng gặp môi trường mới thì phải làm cho mình quen với những sự vật mới. Con đến đây mà như đi ra nước ngoài. Tiền, dùng loại khác, nói chuyện với người thường hay với đầy tớ, rất khó hiểu nhau. Họ cho con nói nhanh quá, còn con thì cho họ nói ngọng nghịu, không rõ ràng gì cả. Ngoài ra, ở đây còn có đạo Thiên chúa, con ghét họ lắm, chắc cả nhà biết rồi, con coi thường thứ đạo này lắm!...

Đọc đến đây, ông tham bật cười. Tay ông vẫn cầm mẩu bánh mì cặp phó-mát có cả gia vị đặc biệt, ngả người tựa vào lưng xô-pha.

— Anh Tom, anh cười gì thế? - Bà cụ tham hỏi, rồi lấy ngón tay giữa gõ hai cái xuống khăn bàn - Em con một mực theo đạo của ba con, ngoài tôn giáo Cơ đốc thì xem thường những lời đường mật khác. Me lấy làm sung sướng vô cùng. Me biết anh ở Pháp, ở Ý lâu rồi, ít nhiều cũng đồng tình với đạo Thiên chúa. Nhưng đó không phải là tôn giáo của anh. Anh Tom, đó là một thứ đạo khác, me biết là cái gì rồi. Tuy chúng ta muốn rộng lượng, nhưng những việc này, thái độ giễu cợt và thành kiến đều có tội. Nhất định me phải cầu xin Thượng đế Người giúp các con tuổi tác càng lớn thì càng biết nghiêm túc về mặt này, kể cả anh và Gerda, vì me biết nó cũng là hạng người không tin đạo lắm. Me nghĩ rằng, anh nghe những lời me nói đó, anh không bực mình chứ?

Thomas đọc tiếp:

“Trên bờ giếng dựng một pho tượng Đức mẹ. Đứng ở cửa sổ, con có thể nhìn thấy thỉnh thoảng có người đến đặt vòng hoa. Một số người dân thường mang theo những vòng hoa hồng đến, quỳ xuống cầu nguyện, trông thật cảm động. Mặc dù trong sách có viết! “Hãy trở về căn nhà nhỏ của người!”, nhưng ngoài đường phố, các thầy tu thường qua lại, lúc nào họ cũng làm ra vẻ đạo mạo. Nhưng chắc me không nghĩ rằng đã xảy ra chuyện thế này. Hôm qua, một người có địa vị cao trong Giáo hội ngồi xe ngựa đi qua rạp hát, có lẽ là một vị cha cố, một vị đạo cao đức trọng - dù là người nào đi chăng nữa - nhưng lúc xe đi qua người con, ông ta cứ chằm chằm nhìn con qua cửa sổ. Ánh mắt đó y hệt như ánh mắt của viên thiếu úy đội cận vệ! Như me đã biết, xưa nay con không hề tôn trọng các vị đi truyền đạo hay các vị linh mục, bạn của me, nhưng so với các vị cha cố lẳng lơ này trong Giáo hội thì các vị Trieschke “nước mắt lưng tròng” kia đã thấm vào đâu!”.

— Nói cái gì thế này! - Bà cụ tham giật mình kêu lên.

— Đúng là Tony! - ông tham nói.

— Thế là thế nào hả, anh Tom?

— Có lẽ cô ấy đùa vị cha cố đấy thôi... thử xem ông ta là người thế nào. Con biết cô ấy lắm! Dù sao thì đôi mắt ông ta cũng đã làm cho cô ấy thích thú... Có lẽ đó là ý định của cha cố.

Bà cụ tham không muốn hỏi cặn kẽ chuyện này nữa. Thomas lại đọc tiếp:

Tối hôm nọ, ông Niederpaur có tổ chức một bữa tiệc, thật là thú vị. Mặc dù người ta chuyện trò với nhau con không nghe kịp, nhưng con cảm thấy có lúc họ nói những câu mập mờ hai nghĩa[105]. Thậm chí họ còn mời một ca sĩ trong cung đình đến hát mấy bài. Còn có một họa sĩ đến gặp con xin vẽ một bức tranh nhưng con từ chối, con thấy thế nào ấy. Con thú nhất là ngồi nói chuyện với một người, họ Permaneder. Trước đây, me và các anh đã nghe nói đến họ này chưa? Ông ấy là một thương gia buôn hublon[106], dí dỏm ra trò, rất được mọi người ưa thích. Ông ấy đã quá tuổi trung niên nhưng chưa vợ con gì cả. Trong bữa tiệc, ông ấy ngồi cùng bàn với con. Sau bữa tiệc, con nói chuyện với ông ấy rất lâu. Vì trong số khách đến dự, ông ấy là người duy nhất theo Tân giáo. Với lại, tuy ông ấy nói mình là người Munich nhưng quê thì lại ở Nürnberg. Ông ấy nhiều lần cho con biết rằng, ông ấy đã nghe tiếng Công ty nhà ta từ lâu. Lúc nói câu đó, giọng ông ấy rất cung kính. Anh Tom ạ! Liệu anh có thể tưởng tượng nổi lúc ấy em vui sướng biết ngần nào không? Ông ấy lại hỏi thăm tỉ mỉ tình hình nhà ta, có mấy anh chị em, và những chuyện tương tự như thế. Thậm chí ông ấy còn hỏi thăm cả cháu Erika và Grünlich. Ông ấy thường đến nhà ông Niederpaur, có thể ngày mai ông ấy cũng cùng đi Würmsee với chúng con.

Me thân yêu! Lần sau con sẽ nói thêm, chứ bây giờ không thể viết tiếp được nữa. Nếu vui vẻ và mạnh khỏe, như me vẫn thường nói thì con còn ở đây thêm ba bốn tuần nữa. Sau đó, con sẽ kể chuyện Munich cho cả nhà nghe, chứ quả thật trong thư, con không biết viết thế nào cả. Nhưng con có thể nói là rất thích nơi đây, chỉ cần bày vẽ cho một chị nấu bếp biết nấu món xúp cho ra trò. Me biết đấy, con đã thành bà già rồi, những ngày đẹp đẽ nhất đời con đã trôi qua rồi. Trên đời này, con không còn mong mỏi cái gì nữa. Nhưng nếu như sau này cháu Erika có thể xây dựng tại đây một gia đình thật hạnh phúc thì con cũng không phản đối.

Đọc đến đây, bất giác ông tham lại dừng ăn sáng, cất tiếng cười ha hả rồi tựa người ra lưng ghế xô-pha:

— Cô ấy thật là một con người kỳ diệu, me ạ! Nếu như cô ấy có muốn giả vờ thì cũng khó mà biết được! Con phục nhất cô ấy điểm đó. Nhưng quả thật cô ấy không biết giả vờ, nghệ thuật giả vờ của cô ấy còn kém những mười vạn tám nghìn dặm!

— Đúng thế đấy, anh Tom ạ - Bà cụ tham nói - Em con là người tốt, lý ra nó phải được hưởng hạnh phúc.

Sau đó bà cụ đọc hết bức thư.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx