sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 3

Cụ James Möllendorpf là vị nghị viên thương nhân già nhất, chết rất ly kỳ và cũng rất dễ sợ. Cụ mắc bệnh đái đường, mấy năm cuối đời, cụ hoàn toàn mất hết bản năng giữ gìn thân mình. Cụ nghiện bánh ngọt và bánh ga-tô, lại không hề biết ăn cho có chừng mực. Bác sĩ Grabow cũng chuyên theo dõi sức khỏe cho gia đình Möllendorpf, đã tìm mọi cách ngăn cản, người nhà thì lo ngay ngáy, vừa van xin vừa cưỡng bức không cho cụ ăn, nhưng cụ nghị già ấy đã làm những gì nào? Mặc dù thần kinh đã bị tàn phế một nửa, cụ vẫn thuê một căn nhà trong ngõ hẻm phố Gröpel, nếu không thì ở ngõ Engelswisch, để tìm một chỗ thật kín đáo, hằng ngày lẻn đến đó ăn ga-tô ngốn ngấu... Người ta đã tìm thấy cụ hồn lìa khỏi xác ở đây, miệng còn ngậm nửa cái bánh ngọt nhá dở, ngoài ra, trên quần áo và trên cái bàn con xiêu vẹo, cũng đầy vụn bánh. Bệnh mãn tính kia chưa kịp làm cho cụ kiệt sức thì một cơn gió độc đã cướp mất sinh mạng của cụ.

Về cái chết ghê tởm của cụ, người trong gia đình này cố tìm mọi cách che giấu không cho người ngoài biết, nhưng rồi tin ấy vẫn lan nhanh trong thành phố, trở thành câu chuyện làm quà khắp đường khắp ngõ. Ở Sở giao dịch, ở câu lạc bộ, ở quán ăn “Hài hòa”, ở phòng giấy các hãng buôn, ở nghị viện thị dân hay trong các buổi khiêu vũ, tiệc tùng, dạ hội do nhà nào đó tổ chức, đâu đâu người ta cũng bàn tán bởi vì chuyện xảy ra vào tháng hai năm 1862 - đúng vào mùa các hoạt động xã giao nhộn nhịp nhất. Thậm chí ngay trong buổi “Dạ hội Jerusalem”, ở nhà Buddenbrook, khi bà Lea Gerhardt đọc xong câu kinh cuối cùng thì các bà bạn của cụ tham cũng thầm thì về cái chết đột ngột của cụ nghị Möllendorpf. Thậm chí bọn con gái ở lớp học ngày chủ nhật, khi khép nép bước vào cổng nhà Buddenbrook cũng thì thào bàn tán. Còn bác Stuht ở phố Đúc chuông và bà vợ thường hay lui tới các gia đình giàu sang, thì lại kể càng tỉ mỉ.

Nhưng hứng thú của con người ta không thể dừng lại ở cái xác chết mãi được. Tin cụ nghị qua đời vừa truyền đi thì một vấn đề quan trọng liền nảy ra ngay.... Sau khi đất đã lấp lên người chết, còn lại chuyện này cứ lẩn quẩn trong đầu óc mọi người, ai sẽ kế thừa chức vị của cụ?

Tâm trạng người nào người ấy cũng căng thẳng hẳn lên! Các hoạt động trong bóng tối nhiều hẳn lên! Nếu là một người nào ở đâu đến đây tham quan các di tích thời trung thế kỷ hay phong cảnh đẹp ngoại ô thành phố, tất nhiên sẽ không thấy gì hết. Nhưng đằng sau cái bề ngoài đó, ẩn giấu bao nhiêu chuyện chạy chọt kèn cựa, bao nhiêu chuyện sôi nổi lo âu. Đủ các thứ lập luận vững chắc, đủ các thứ ý kiến không dễ gì bác được đang xung đột nhau. Lúc đầu là tranh cãi ồn ào, không ai chịu ai, sau đó lại châm chước cho nhau, dần dần thì dung hòa với nhau. Nhiệt tình của mọi người bị khuấy động. Hư vinh và tham vọng đang chờ thời cơ nảy nở. Những hy vọng bị chôn vùi bấy lâu nay lại ngo ngoe trỗi dậy nhưng lại bị dập tắt một lần nữa. Vị thương gia già Kurz ở ngõ Bánh mì lần nào bầu cũng chỉ được ba bốn phiếu, trong kỳ bầu cử lần này, cụ lại run run ngồi nhà chờ người ta gọi tên mình. Nhưng rồi vẫn không trúng. Sau đó, cụ vẫn làm ra vẻ đứng đắn, điềm nhiên, tự đắc, ra ngoài đi dạo, chống ba-toong xuống vỉa hè kêu “cạch cạch”. Suốt đời cụ không làm được ông nghị cho đến khi nằm dưới mồ, cụ sẽ phải ôm mối hận nghìn thu...

Khi cả gia đình Buddenbrook tụ tập vào ngày thứ năm bàn luận đến cái chết của cụ James Möllendorpf, bà Tony nói vài ba câu tỏ ra thương tiếc, rồi bắt đầu lè lưỡi liếm môi trên, đảo mắt nhìn anh trai, vẻ láu lỉnh. Không may cả hai động tác đó đều lọt vào mắt ba cô gái họ Buddenbrook, các cô liền đưa cặp mắt sắc như dao nhìn nhau, rồi như nghe theo một mệnh lệnh, cả ba cô đều nhắm mắt, mím môi trong một giây đồng hồ. Ông tham cũng mỉm cười để đáp lại cái cười láu lỉnh của ba em gái, rồi bắt sang chuyện khác. Ông biết bà Tony đang vui mừng nghĩ đến chuyện gì rồi, đó chính là câu chuyện mà mọi người trong thành phố đang bàn tán.

Có những tên tuổi vừa nêu ra đã bị phủ quyết ngay. Nhưng cũng có những tên tuổi nêu ra thì vinh dự được thẩm xét. Cụ Kurz ở ngõ Bánh mì già quá rồi, dù thế nào thì cũng cần phải bổ sung những lực lượng mới. Ông tham Huneus, chủ hãng buôn gỗ, gia tư có hàng trăm vạn, bắc lên cân thì rõ ràng là nặng hơn, nhưng đáng tiếc là theo hiến pháp quy định, ông ta không có quyền ứng cử, vì đã có một người anh là nghị viên rồi! Trong danh sách những người ứng cử, có mấy vị có thể đứng vững được, là ông tham Eduard Kistenmaker, chủ hãng rượu, và ông tham Hermann Hagenström. Ngoài ra còn có một vị, từ đầu đã được người ta nhắc đến, ấy là ông Thomas Buddenbrook. Ngày bầu cử mỗi lúc một gần, người ta thấy rất rõ, ông Thomas Buddenbrook và ông Hermann Hagenström là hai người có nhiều hy vọng trúng cử nhất.

Không còn nghi ngờ gì nữa, ông Hermann Hagenström có một số người ủng hộ và sùng bái. Ông ta sốt sắng với những công việc có ích. Công ty Strunck Hagenström phát triển với tốc độ kinh người; cuộc sống xa hoa của ông ta, tòa nhà sang trọng ông ta ở, cũng như loại bánh dẻo gan ngỗng ông ta ăn sáng đều đã làm tăng thêm thanh thế của ông ta. Vị thương gia này thân hình cao lớn, hơi béo, có bộ râu quai nón màu đỏ hoe cắt ngắn, cái mũi hơi tẹt đính vào môi trên. Ông nội ông ta trước kia là một người vô danh tiểu tốt, ngay cả bản thân ông ta cũng không hiểu rõ bình sinh ông nội mình như thế nào nữa. Bố ông ta lấy một người đàn bà giàu có nhưng thân thế có chỗ khả nghi, nên vẫn không có chỗ đứng trong giới xã giao. Còn ông ta thì lại thông gia với các gia đình Huneus và Möllendorpf, được xếp vào năm sáu danh gia vọng tộc trong thành phố, tên tuổi ông ta nghiễm nhiên ngang hàng với các dòng họ cao quý đó, bản thân ông ta cũng trở thành một nhân vật hiển hách được mọi người kính nể, là điều không cần bàn cãi gì nữa. Điều mới lạ trong tính cách ông ta, đồng thời cũng là điều khiến ông ta có thể thu hút được người khác là ông ta có tư tưởng tự do và rất độ lượng. Cũng chính là điều làm cho ông ta hơn hẳn mọi người, và được mọi người muốn đưa ông ta lên địa vị lãnh đạo. Cách làm tiền cũng như cách ăn tiêu rộng rãi của ông ta không giống tính cần kiệm, cẩn thận, quy củ của một số người cùng giới. Ông ta có chủ trương riêng của mình chứ không chịu để cho truyền thống ràng buộc, mà cũng không biết theo những tập tục cũ. Ông ta không ở ngôi nhà kiểu cũ tổ tiên để lại, rộng bao la gần như lãng phí, có một con đường lát những phiến đá lớn xuyên qua dãy hành lang quét sơn trắng. Tòa nhà của ông ta ở phố Sand tức là dãy phố đi từ phố Breiten về hướng Nam, một tòa nhà kiểu mới, hoàn toàn khác với kiểu truyền thống thô lỗ, xấu xí. Mặt chính quét qua một nước sơn trông chất phác, giản dị; mỗi văn phòng to hay nhỏ đều hợp với thực tế, đồ đạc bàn ghế sang trọng mà lại rất thoải mái. Cách đây không bao lâu, nhân một buổi dạ hội lớn tổ chức ở tại nhà, ông ta có mời một nữ diễn viên ca kịch của Nhà hát thành phố đến. Tiệc xong, ông ta mời cô này hát mấy bài cho khách nghe. Trong số những người khách này có cả em ông ta, một luật gia rất yêu văn nghệ và có ít nhiều tài năng văn nghệ. Hát xong, ông ta khẩn khoản đãi một món tiền rất hậu. Nếu trong hội nghị đại biểu thị dân có vị nào đề nghị bỏ ra một món kinh phí lớn để tu sửa, bảo tồn các di tích lịch sử thời trung cổ để lại, thì ông Hermann sẽ là người không tán thành, thế nhưng mặt khác, ông ta lại là người đầu tiên, người đầu tiên trong cư dân toàn thành phố, trang bị đèn măng-sông ở nhà ông ta và bày ở bàn giấy ông ta làm việc, đó là sự thực không thể tranh cãi được. Nếu nói ông tham Hagenström cũng tuân theo một thứ truyền thống nào, thì đó chính là tư tưởng tự do tiến bộ, khoan dung rộng rãi và không có thành kiến, kế thừa được của cụ Hinrich Hagenström, bố đẻ ông ta. Người ta sùng bái ông ta cũng ở khía cạnh ấy.

Uy tín của ông Thomas Buddenbrook thì được xây dựng trên cơ sở khác. Người ta kính trọng ông không phải chỉ vì bản thân ông là người đáng kính trọng mà còn vì những đức tính của bố, của ông nội và ông tổ truyền lại mà người ta chưa quên. Hẵng khoan nói đến những thành tích của bản thân ông về mặt buôn bán và hoạt động xã hội, ông còn đại diện cho truyền thống vẻ vang của một gia đình thương nhân có hàng trăm năm lịch sử. Tất nhiên là cái phong cách tốt đẹp rộng rãi làm cho người ta vui lòng khâm phục khi ông bảo vệ và thể hiện truyền thống ấy, có lẽ là cái quan trọng nhất. Ông hơn hẳn người khác, kể cả những vị đồng nghiệp có học thức ở chỗ ông đã được theo một nền giáo dục chính quy rất tốt đẹp. Bất cứ ông xuất hiện ở nơi nào, phong cách đó của ông không những làm cho người ta kính trọng, mà còn làm cho người ta cảm thấy ông khác biệt....

Ngày chủ nhật, ở trong gia đình Buddenbrook, vì có mặt ông tham, nên mọi người thường chỉ nói qua về chuyện bầu cử sắp tổ chức nay mai, và thái độ cũng rất lãnh đạm. Khi nói chuyện đó, bà cụ tham thường lặng lẽ đảo đôi mắt sáng quắc liếc nhìn hai bên. Chỉ có bà Tony là không tự kiềm chế được thỉnh thoảng muốn tỏ ra mình là người hiểu biết khá nhiều về hiến pháp. Những điều khoản trong hiến pháp liên quan đến việc bầu cử nghị viên, bà đều nghiên cứu kỹ lưỡng, cũng giống như một năm trước đây, bà đã từng bỏ công nghiên cứu luật hôn nhân. Bà nói với mọi người về phòng bầu cử, về cử tri và phiếu bầu, suy tính mọi trường hợp có thể xảy ra, thuộc lòng lời thề trang trọng mà mỗi cử tri phải đọc trước khi bỏ phiếu, và giải thích cho mọi người biết thế nào gọi là “công khai bình luận”. Theo hiến pháp, “công khai bình luận” tức là công khai thảo luận các tên trong bản danh sách ứng cử viên ngay trong phòng bầu cử. Hơn nữa, bà còn tỏ ra rất muốn tham gia “công khai bình luận” về tư cách của ông Hermann Hagenström. Một giây đồng hồ sau đó, bà lại cúi đầu xuống đếm những hạt mận để trong cái đĩa anh trai dùng đựng mật: “Trúng... không trúng... trúng... không trúng... trúng!”. Nói đến chữ cuối cùng, bà nhanh nhẹn lấy đầu nhọn cái nĩa cắm hạt mận thiếu ở đĩa bên cạnh sang... Sau bữa ăn, không thể nào nhịn được nữa, bà cầm cánh tay kéo ông tham đến trước cửa sổ.

— Chao ôi! Nếu anh trúng cử, anh Tom... Nếu huy hiệu gia đình nhà ta cũng được treo trong nghị viện thành phố... thì em sung sướng biết chừng nào! Em sung sướng có thể ngã nhào xuống đất mà chết ngay, đấy rồi anh xem!

— Thật ư, hả cô Tony thân mến! Tôi van cô, cô hãy tự kiềm chế lại chút nữa, nghiêm túc hơn nữa! Chả phải thường ngày cô đứng đắn lắm cơ mà? Chả nhẽ tôi cũng chạy chọt khắp nơi như ông Kurz hay sao? Nhà ta không có thêm chức “nghị viên” cũng đã sang trọng rồi... Dù thế này hay thế kia, tôi thấy cô cứ sống yên ổn bình thường mà hay hơn đấy.

Những cơn xúc động, những lời bàn luận, những ý kiến xung đột nhau như đã kể trên ngày càng tăng thêm. Ông tham Peter Döhlmann, vị công tư buôn thua bán lỗ chỉ còn lại cái tên hiệu trống rỗng, hơn nữa lại ăn hết cả vốn liếng của cô con gái hăm bảy tuổi đầu, cũng tham dự cuộc tranh đua này. Ông ta không những đến dự tiệc ở nhà ông Thomas Buddenbrook, mà cũng đến dự cả bữa tiệc ông Hermann Hagenström mời, và bất cứ dự tiệc nhà nào, ông ta cũng nói oang oang, gọi chủ nhà là “nghị viên” cả. Ông Siegismund Gosch, như một con sư tử, nổi cơn giận gầm thét ầm ầm, chạy ngược chạy xuôi, bất cứ người nào không muốn bỏ phiếu cho ông tham Buddenbrook, thì ông ta không thèm phí một lời nói, cứ muốn bóp cổ cho chết ngay lập tức.

— Thưa các vị... a hèm... ông tham Buddenbrook thật là người vô cùng vĩ đại! Nghĩ lại chuyện xảy ra đầu năm 1848, cụ thân sinh ra ông tham chỉ nói có một câu thôi mà đã dẹp được cơn thịnh nộ của cả đám người nổi loạn. Bấy giờ tôi đứng cạnh ông cụ... Nếu như trên đời này còn có chính nghĩa thì cụ thân sinh ra ông tham cũng như cụ cố đẻ ra thân sinh ông tham lẽ ra phải được làm nghị viên từ lâu rồi...

Nhưng nếu suy xét thật kỹ, thì cái làm cho lòng ông Gosch rực cháy chính là bà vợ trẻ của ông tham đúng hơn là bản thân ông tham. Xưa nay vị môi giới chào hàng này chưa hề nói chuyện với bà một câu nào. Ông ta không thuộc hạng thương gia giàu có, chưa hề ngồi vào bàn ăn những nhà đó, cũng chưa hề đi lại thăm hỏi những nhà đó, nhưng như trên chúng tôi đã nói, bà Gerda vừa xuất hiện ở địa phương này thì vị môi giới chào hàng buồn rũ rượi, lúc nào cũng chăm chú tìm tòi những sự vật kỳ lạ kia, đã phát hiện ra bà ngay. Dựa vào bản năng ít khi sai lầm của mình, ông ta thấy ngay được rằng, thế nào bà cũng sẽ đưa lại cho cuộc sống bằng phẳng nhạt nhẽo của ông ta một số nội dung mới, mặc dù lúc bấy giờ ông ta vẫn chưa biết bà tên họ gì. Ông ta đã hiến dâng toàn bộ linh hồn và thể xác của ông ta cho bà, cam tâm làm nô lệ cho bà. Không ai giới thiệu ông ta với bà cả, nhưng từ hôm đó, tâm thần ông ta lúc nào cũng luẩn quẩn bên cạnh người đàn bà thần kinh nhạy bén và vô cùng khó tính kia, y hệt như con hổ luẩn quẩn bên người dạy thú. Lúc tình cờ gặp bà ngoài phố, ông ta bước tới trước mặt bà Gerda, bỏ cái mũ con chiên đội trên đầu xuống chào, làm bà Gerda giật mình kinh hãi. Lúc đó ông ta nét mặt buồn rầu, tư thế nham hiểm, nhưng lại khúm núm, cũng hệt như dáng điệu con hổ trước người dạy thú... Cái thế giới tầm thường này không thể đưa đến cho ông ta cơ hội làm những việc hung hãn ghê rợn đối với người đàn bà ấy, nhưng nếu như có cái cơ hội đó thì, một người lưng gù, âm thầm, lạnh lùng trong cái áo khoác ngoài của mình như ông ta, sẽ vui vẻ, hết lòng hết dạ vui vẻ thực hiện ngay! Cái phong tục tập quán ngán ngẩm của cái thế giới này không cho phép ông ta dùng những âm mưu như giết người, phạm tội hay vấy máu để đưa người đàn bà này lên ngôi báu! Không thể làm được việc gì vì bà, có chăng chỉ là bỏ cho ông chồng được mọi người tôn sùng nhiệt liệt của bà một lá phiếu ở trong nghị viện! Hoặc giả sau này có một ngày nào đó ông ta sẽ đưa toàn bộ bản dịch các vở kịch của Lope de Vegas cho bà xem mà thôi!


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx