sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 3

Bà theo cầu thang đi lên gác ba, không đi về phía cái ban công nhỏ bên phải mà lần theo dãy lan can bằng bạch kim đi qua một gian phòng rộng, lại bước qua cái cửa không đóng thông ra hành lang. Bên trái hành lang có một cái cửa đi vào phòng thay quần áo của ông nghị. Lại còn có một cái cửa ở cuối hành lang. Bà thận trọng xoay nhẹ cái núm cửa, đi vào gian phòng phía trong.

Gian phòng này rộng khác thường, treo rèm hoa gấp nếp. Bốn bức tường hơi trống trải. Ngoài bức tranh to lồng khung kính đen treo đầu giường bà Jungmann (tranh vẽ với diễn viên thủ vai các nhân vật ca kịch của ông đứng vây quanh), ngoài ra có một hình người tóc vàng, áo đỏ cắt bằng giấy màu của nước Anh đính lên tường bằng những cái đinh ghim to. Bà Ida Jungmann đang ngồi trước cái bàn to để giữa nhà (mặt bàn có thể tháo ra được) vá tất cho Hanno. Người đàn bà Phổ trung thành này năm nay đã ngoài năm mươi, mặc dù tóc đã ngả sẫm từ lâu, nhưng vẫn bóng mượt màu đen và màu xám lẫn lộn chứ chưa bạc hẳn. Bà vẫn khỏe mạnh, nhanh nhẹn, lưng vẫn thẳng, đôi mắt màu nâu vẫn sáng sủa, tinh tường, không hề có vẻ mệt mỏi, chẳng khác gì hai mươi năm về trước.

— Chào bà Ida, bà tốt quá! - Bà Tony đã cố hạ thấp giọng nhưng không giấu được nỗi vui mừng. Câu chuyện ông anh vừa kể làm cho bà vui hết sức. - Bà khỏe chứ?

— Chao ôi, bà Tony, bà nói gì thế hả? Bà cái gì? Khuya thế này còn đến chơi ư?

— Ờ, đến gặp anh Thomas một lát... Bàn chuyện buôn bán ấy mà. Không thể để trễ được... đáng tiếc quá, không đâu vào đâu cả... Cháu ngủ rồi sao? Bà hất cằm về phía cái giường con kê sát tường, bên trái, đầu giường có bức màn xanh lục chăng sát cánh cửa lớn thông sang phòng vợ chồng ông nghị Buddenbrook...

— Vâng - bà Ida nói - cháu ngủ rồi!

Bà Tony nhón chân bước tới cạnh cái giường con nhẹ nhàng vén cửa màn lên, cúi xuống ngắm nhìn khuôn mặt đứa bé đang ngủ say.

Johann nằm ngửa trên giường, khuôn mặt bé nhỏ giữa mớ tóc dài màu nâu nhạt nghiêng sang một bên, mũi gí sát vào gối, ngáy khe khẽ. Một cánh tay đặt lên ngực, tay kia gác lên cái chăn len để dọc theo người, ống tay áo vừa rộng, vừa dài che khuất mười ngón tay. Nhưng chúng ta vẫn có thể nhìn thấy những ngón tay quắp lại của chú thỉnh thoảng lại khẽ động đậy một cái. Cái miệng bé tí, hơi há ra, thỉnh thoảng lại mấp máy như đang cố rặn ra một tiếng gì đó. Chốc chốc khuôn mặt bé nhỏ ấy lại lộ vẻ đau khổ, lúc nào cũng bắt đầu từ dưới lan dần lên, cái cằm khẽ run run trước, rồi hai bên mép chúm lại, tiếp đến cánh mũi phập phồng, cuối cùng thớ thịt trên cái trán hẹp nhăn nhúm... Lông mi của chú rất dài, nhưng vẫn không che hết quầng thâm ở mắt.

— Cháu đang nằm mơ đấy - bà Tony thương hại nói. Rồi bà cúi xuống người chú bé, nhẹ nhàng hôn lên khuôn mặt ấm áp của chú. Sau khi sửa lại cái màn thật cẩn thận, bà đi về đứng cạnh bàn. Dưới ánh đèn vàng khè, bà Ida đang chăng chiếc tất lên giá thêu, xem các lỗ thủng để vá.

— Bà vá tất đấy à, bà Ida? Gặp bà là bao giờ cũng thấy vá tất!

— Như thế đấy bà Tony ạ... Từ ngày nó đi học, cái gì nó cũng xé rách hết.

— Cháu lành tính lắm cơ mà?

— Phải, phải... nhưng mà!

— Cháu có thích đi học không bà?

— Không, không thích đến trường, bà Tony ạ! Nhưng lại rất thích ở nhà học với tôi. Và tôi cũng muốn như thế. Bà biết đấy, các thầy cô ở trường có nuôi nó từ khi trứng nước lớn lên đâu, nên khi dạy dỗ nó, họ không biết cách đối xử với nó... Thằng bé không thể chú ý cái gì lâu được, một lát là mệt mỏi rồi....

— Thương cháu tôi quá, cháu đã bị đánh lần nào chưa nhỉ?

— Cái đó thì chưa, lạy Chúa... Các thầy các cô cũng không nhẫn tâm như vậy đâu! Hễ thằng bé ngước mắt lên nhìn là...

— Lần đầu cháu đến trường thì thế nào? Có khóc không?

— Có chứ lỵ! Nó khóc, nhưng khóc rất khẽ, không ra tiếng, như khóc thầm một mình. Về sau, nó kéo áo bố nó, đòi ở nhà bằng được!

— Anh tôi đưa cháu đến trường đấy à?... Bà Ida này, đúng như thế. Giờ phút ấy nặng nề lắm đấy! Hồi tôi mới đi học ấy mà, tôi còn nhớ rõ ràng như mới xảy ra ngày hôm qua. Tôi gào thét ầm lên. Thú thực với bà tôi thét, tôi gào y như con chó con bị xích. Lúc đó buồn chết đi được. Vì sao ấy à? Bởi vì trước nay sống ở nhà sung sướng thế kia, có khác gì cháu Hanno bây giờ đâu. Tôi nhận thấy con nhà giàu, chúng nó đứa nào cũng khóc cả, còn bọn con nhà nghèo thì chẳng lấy chuyện đi học làm điều, chúng nó cứ giương mắt nhìn bọn tôi mà cười... Ua, cháu làm sao thế, bà Ida kìa?

Một tiếng thét ở giường con vọng ra làm dứt câu chuyện của bà. Bà vừa khoát tay ra được nửa vòng thì dừng lại, hốt hoảng chạy tới. Đó là một tiếng thét khiếp sợ, nhưng trong nháy mắt, lại đã vang lên tiếng thét thứ hai, thứ ba, và thứ tư... tiếng sau đau khổ khiếp sợ hơn tiếng trước... “Ôi! Ôi! Ôi!” Bây giờ là một tràng âm thanh kháng cự đầy tức giận, tuyệt vọng và vì quá khiếp sợ nên khản đặc, chỉ vang lên khi nằm mê, hoặc khi gặp việc gì sợ hãi lắm. Thoắt một cái, Johann đã chồm dậy, đứng thẳng người trên giường, miệng lẩm bẩm gì nghe không rõ, hai con mắt màu nâu trợn tròn một cách kỳ quặc, nhưng nó không nhìn thế giới hiện thực này mà nhìn vào một thế giới nào hoàn toàn khác hẳn.

— Không sao đâu - bà Ida nói - nằm mê thôi![124] Chao ôi, có lúc còn hãi hơn thế này nữa kia! - Nói xong, bà thong thả bỏ kim bỏ chỉ xuống, bước thình thịch đến trước mặt Hanno, vừa khẽ an ủi một câu, vừa đỡ chú nằm xuống, đắp chăn lại.

— À, thì ra là nằm mê! - bà Tony lại nói - Rồi cháu có tỉnh không hở bà?

Mắt Hanno thao láo, cứ nhìn chằm chằm vào cái gì ở đâu, miệng cứ mấp máy nhưng chưa tỉnh.

— Làm sao? À... à... đừng làm ồn lên nữa!... Cháu nói gì? - Bà Ida nói.

Bà Tony cũng chạy lại lắng nghe chú bé đang lẩm bẩm.

— Tôi đi vào vườn hoa... Hanno ú ớ - cho tôi... củ hành... cái bình tưới nước!

— Chú ta đang ngâm thơ đấy! - Bà Ida Jungmann lắc đầu nói - Thôi, thôi! Nằm ngủ đi!

— Một chú bé lùn tí hon... đứng dậy... hắt xì hơi...

Hanno nói tiếp và rên rỉ một lúc. Bỗng nét mặt chú thay đổi, mắt lim dim, đầu lắc qua lắc lại trên gối rồi tiếp tục đọc, giọng đau khổ:

Trăng sáng vằng vặc

Con trẻ khóc vang

Đồng hồ điểm mười hai tiếng,

Xin Chúa hãy cứu vớt chúng con!

....

Đọc xong mấy câu trên, chú thở dài, nước mắt sau hàng mi ứa ra, từ từ lăn xuống má... Bây giờ chú đã tỉnh hẳn. Chú ôm lấy bà Ida, nước mắt lưng tròng, nhìn bốn chung quanh rồi ấm ứ gọi “Cô Tony!”.

Hầu như chú đã bình tĩnh lại rồi, chú trăn trở một lúc rồi lặng lẽ ngủ.

— Quái! - Sau khi bà Ida trở lại ngồi xuống cạnh bàn, bà Tony lên tiếng nói - Cháu đọc bài thơ gì thế hả bà?

— Thơ trong sách giáo khoa của nó đấy mà! - Bà Ida Jungmann trả lời - trong đó có chuyện Cái còi kỳ lạ của trẻ con quái gở lắm... Nó vừa học xong bài ấy hai hôm nay, nó kể khá nhiều chuyện về chú bé lùn tí hon ấy. Bà đã nghe nói về chú bé tí hon ấy chưa nhỉ?... Dễ sợ lắm, chú bé tí hon lưng gù đi khắp nơi, đánh vỡ nồi niêu, ăn vụng kẹo, lấy trộm củi, làm cho cái xa quay tơ không quay được, trêu chọc mọi người... Rồi thế này nữa chứ, cuối cùng cũng xin người ta cầu nguyện cho mình! Vì thế mà in sâu vào đầu óc thằng bé ấy. Suốt ngày thằng này chỉ nghĩ đến câu chuyện ấy. Bà có biết nó nói gì không? Nó nói hai ba lần rằng: “Chú ta làm như thế không có gì là ác cả, không ác, bà Ida nhỉ?... Chú ta buồn quá nên mới làm thế, nhưng làm xong lại càng buồn hơn... Nếu cầu nguyện cho chú ta thì chú ta không làm như thế nữa”. Tối nay, trước khi mẹ nó đi dự dạ hội âm nhạc, đến xem nó đi ngủ, nó còn hỏi mẹ nó là, nó có thể cầu nguyện cho chú bé tí hon lưng gù được không?

— Nó đã cầu nguyện cho chú bé tí hon thật đấy à?

— Không cầu nguyện thành tiếng, nhưng rất có thể là đã cầu nguyện thầm... Còn có một bài thơ khác, đề là Cái chuông của người vú em, nhưng xưa nay nó không hề nhắc tới, có điều hễ nhắc tới là nó khóc...

Thằng bé hơi một tí là khóc, mà đã khóc thì khóc mãi, rất lâu.

— Bài thơ ấy có chỗ nào thảm lắm không bà?

— Làm sao mà biết được! Hanno chỉ đọc thuộc đoạn đầu, tức là đoạn nó ú ớ trong cơn mê vừa rồi ấy mà, đoạn sau không sao đọc nổi nữa. Lại còn đoạn nói tới anh xà ích... ba giờ sáng đã phải rời khỏi ổ rơm, lần nào đọc cũng khóc...

Bà Tony cười cảm động, nhưng liền đó nét mặt bà lại trở nên nghiêm nghị.

— Nhưng mà, bà Ida này, như vậy không hay đâu! Tôi thấy cháu đa sầu đa cảm như vậy không hay đâu! Anh xà ích ba giờ sáng đã phải dậy... Chao ôi! Có như vậy mới là xà ích chứ! Tôi thấy thằng bé này chuyện gì cũng cho là quan trọng và chuyện gì cũng để tâm... Như vậy hao tổn tinh thần lắm đấy, bà Ida ạ. Bà cũng nên nói cho bác sĩ Grabow biết... kể ra thì - bà khoanh tay trước ngực, nghiêng đầu sang một bên, chân gí xuống nền nhà, buồn rầu nói tiếp - Cụ Grabow già lắm rồi! Hẵng khoan nói đến chuyện gì khác, cụ là người tốt bụng, đứng đắn, lương thiện đấy, nhưng tài chữa bệnh của cụ thì tôi không phục lắm đâu, bà Ida ạ! Lạy Chúa, con nói sai, xin Chúa tha thứ cho con! Ví dụ chuyện thần kinh cháu Hanno thất thường, nằm ngủ hay thấy những giấc mơ khủng khiếp, hãi quá mà nhảy chồm dậy... Những chuyện đó bác sĩ Grabow đều biết tất, nhưng liệu cụ làm được gì nào? Chẳng qua cụ chỉ có thể cho chúng ta biết đó là chứng bệnh gì, hay chỉ nói được mấy tiếng La-tinh Pavor nocturnus[125] mà thôi... Đúng, lạy Chúa, như vậy cũng là điều dạy bảo có ích! Không, cụ không có tài năng gì hết! Cụ chỉ là một người lương thiện, là một người bạn của gia đình mà thôi! Người có tài không phải như vậy. Người tài năng lúc trẻ đã lộ ra rồi. Cụ Grabow đã trải qua cuộc cách mạng 1848, hồi ấy cụ còn trẻ lắm. Nhưng bà nhớ lại mà xem, hồi đó cụ có xúc động gì không nào? Máu trong người cụ có sôi sục lên vì tự do, vì chính nghĩa, để lật đổ bọn độc tài đặc quyền đặc lợi không nào? Đúng, cụ là một nhà trí thức, nhưng tôi dám chắc rằng cụ không hề bận tâm vì cái luật liên bang vu vơ tột bực của cái đạo luật liên quan đến trường đại học và báo chí! Xưa nay cụ chưa hề có một cử chỉ hiên ngang khẳng khái nào, chưa hề có hành động nào vượt ra ngoài khuôn khổ! Bao giờ cụ cũng chỉ cười hì hì và kê cho người bệnh cái thực đơn: một tí thịt bồ câu và ít bánh mì Pháp, nếu bệnh tình trầm trọng thì thêm một thìa xi-rô... Chào bà Ida nhé, chúc bà ngủ ngon! Ôi chà, không phải ai cũng như cụ ấy! Tôi tin là có những người thầy thuốc khác thế hoàn toàn!.... Đáng tiếc là tôi không gặp chị Gerda... Thôi, cảm ơn bà. Ngoài hành lang còn đèn, chào bà nhé!

Khi bà Tony ra ngoài, đi qua phòng ăn, bà vặn cái nắm đấm, mở cửa, thò đầu nhìn vào phòng khách để chào anh trai. Bà thấy lúc đó trong phòng đèn sáng trưng, ông Thomas đang chắp tay ra sau lưng, đi đi lại lại.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx