sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 4

Khi trong phòng chỉ còn một mình, ông nghị lại ngồi xuống cạnh bàn, vào chỗ cũ, rút cái kính cặp mũi ra, định đọc nốt tờ báo đang đọc dở. Nhưng chỉ được hai phút, mắt ông lại rời tờ báo nhìn ra ngoài, qua khe hở bức rèm phía đối diện. Ông nhìn rất lâu vào phòng khách tối om, tư thế vẫn như trước.

Sắc mặt ông thay đổi đến nỗi người khác khó mà nhận ra! Những thớ thịt ở khóe miệng và hai gò má xưa nay vốn căng, trông rất phù hợp với ý chí kiên cường của ông, vậy mà bây giờ xìu lại, mềm nhũn. Bộ mặt từ lâu ông cố làm ra vẻ cảnh giác, thận trọng, hiền lành, hăng hái, bỗng rơi xuống như cái mặt nạ, thay vào đó là sự mệt mỏi khổ não, mắt buồn rầu đờ đẫn nhìn vào vật gì đó, nhưng lại chẳng trông thấy gì, quầng mắt đỏ ửng, cuối cùng thì bị nước mắt che mờ đi. Ông không còn can đảm tự lừa dối mình nữa. Trong bấy nhiêu ý nghĩ nặng nề, hỗn độn, chập chờn trong đầu óc, ông chỉ còn dừng lại ở cái ý nghĩ vô cùng đau khổ sau đây: Thomas Buddenbrook tuy mới bốn mươi hai tuổi đầu, nhưng tinh thần sức lực khô kiệt cả rồi!

Ông thở dài, đưa tay thong thả sờ trán và mắt, rồi theo thói quen, châm một điếu thuốc, mặc dù ông cũng biết hút nữa chỉ hại sức khỏe mà thôi. Ông vẫn nhìn vào bóng tối trong làn khói cuồn cuộn... Những đường nhăn âu sầu trên nét mặt tương phản với mái tóc chải bóng mượt như của nhà binh! Bộ râu ép để dài bôi nước hoa, cằm và hai má thì cạo nhẵn thín. Bộ tóc ấy ông đã mất khá nhiều thì giờ chải đi chải lại cho bằng được chỗ lưa thưa phía sau đỉnh đầu. Còn ở thái dương thì ông vuốt ngược lên, ở giữa rẽ đường ngôi bé tí tẹo. Phía trên hai tai không uốn như trước kia nữa mà cắt ngắn làm cho không thể nhìn thấy đã hoa râm... Bản thân ông cũng cảm thấy sự tương phản ấy, hơn nữa, ông còn biết rằng, sự không ăn khớp giữa cử chỉ hoạt bát nhanh nhẹn và khuôn mặt tái nhợt của ông không thể lọt khỏi cặp mắt bất cứ người nào trong thành phố.

Như thế không có nghĩa là đi ra ngoài uy thế của một người quan trọng, không thể thiếu được như ông đã bị giảm sút rồi. Ngài thị trưởng tiến sĩ Langhals đã từng lớn tiếng nhắc lại câu nói của ngài Överdieck, thị trưởng khóa trước: “Ông nghị Buddenbrook là cánh tay phải và là cánh tay trái của ngài thị trưởng đấy!”. Câu nói đó, không những bạn bè ông nghị lấy làm thích thú mà ngay cả những người có lòng ghen ghét ông cũng không sao phủ nhận được. Nhưng mặt khác, thì hình như ai cũng biết rõ là công việc làm ăn của công ty Johann Buddenbrook không bằng trước kia nữa, thậm chí ông Stuht ở phố Đúc Chuông ngồi ăn xúp với vợ giữa bữa trưa cũng đưa chuyện ấy ra bàn tán làm cho ông Thomas Buddenbrook nẫu ruột nẫu gan!

Nhưng chính ông phải chịu trách nhiệm nhiều nhất về chuyện này. Ông là người giàu có, đã thua lỗ mấy lần, nặng nhất là lần năm sáu mươi sáu, nhưng lần ấy cũng chưa làm cho công ty lay chuyển. Tất nhiên, ông vẫn mở tiệc mời khách như trước kia, trên bàn tiệc vẫn không thiếu thức gì, ai cũng vừa lòng, nhưng ông vẫn nhận thấy thời vận của ông đã qua rồi và không bao giờ trở lại nữa. Thật ra, những ý nghĩ ấy là dựa vào những điều ông nghĩ thầm trong bụng hơn là vào sự thực khách quan. Với lại, chính những ý nghĩ ấy đã khiến ông nghi ngờ hết chuyện này đến chuyện khác và làm cho ông thiểu não vô cùng. Xưa nay, chưa bao giờ ông giữ chặt tiền như thế này, và trong sinh hoạt hằng ngày, ông lại đo lọ nước mắm đếm củ dưa hành như dạo này. Ông đã tự chửi rủa hàng trăm lần về chuyện làm ngôi nhà mới để rồi khuynh gia bại sản. Ông cho rằng chính vì làm ngôi nhà ấy mà sinh ra đen đủi thế kia. Mùa hè, ông không đi chơi xa, mà chỉ dạo chơi ở những công viên bé nhỏ trong thành phố thay cho những chuyến đi nghỉ bên bờ biển hoặc trên núi. Bữa ăn của vợ chồng ông và cậu con theo lời ông dặn dò tỉ mỉ lần này lượt khác cũng trở nên hết sức đơn giản. Đối chiếu với cái phòng ăn rộng rãi lát ván, trần nhà cao vút hoa lệ, cũng như những bộ bàn ghế sồi sang trọng thì những bữa ăn đơn giản đến buồn cười. Đã lâu lắm rồi, chỉ đến ngày chủ nhật mới có món ăn tráng miệng. Mặc dù quần áo ông vẫn đẹp như xưa, nhưng bác Anton ở lâu trong nhà này nói với người dưới bếp rằng, dạo này hai ngày ông nghị mới thay sơ mi một lần, vì sơ mi loại hảo hạng không ngâm nước giặt mãi được... Ngoài ra, bác còn biết thêm một việc nữa là, rồi đây thế nào bác cũng bị thải về. Bà Gerda phản đối chuyện đó. Một tòa nhà rộng như thế này mà chỉ thuê ba người đầy tớ thì không trông nom xuể. Nhưng ý kiến của bà Gerda cũng không có tác dụng gì, vì mặc dù lâu nay bác Anton vẫn thường đánh xe cho ông Thomas Buddenbrook đến nghị viện, cuối cùng người đầy tớ già ấy vẫn phải ra về với một số tiền công thỏa đáng.

Những biện pháp này ăn khớp với việc buôn thua bán lỗ của ông nghị. Cái tinh thần hăng say của cậu Thomas Buddenbrook hồi trẻ một dạo đã làm cho công ty phát tài, bây giờ không tìm thấy đâu nữa. Còn ông Friedrich Wilhelm Marcus, vị cổ đông chỉ góp vào một ít vốn kia, thì xưa nay có tác dụng gì đâu! Về tài năng cũng như về tính cách, ông ta đều thiếu tinh thần chủ động.

Tuổi tác ông Marcus ngày càng cao thì nhược điểm của ông ta càng tăng thêm mà thôi, cuối cùng hầu như thành cố tật. Lần nào ông ta thái thuốc hút cũng mất khoảng mươi phút (đầu cuộn thuốc còn lại, ông ta bỏ vào ví tiền). Vì ông ta thường vừa thái thuốc, vừa mân mê bộ râu, ho sặc sụa, đảo mắt nhìn sang phải nhìn sang trái, rất thận trọng. Buổi tối, trong phòng giấy, đèn măng-sông thắp sáng khắp cả mọi nơi, nhưng ông ta vẫn đốt một cây nến để trên bàn làm việc. Cứ cách nửa giờ, ông ta lại đi ra vòi nước gội đầu. Một hôm, sáng sớm, không hiểu người nào vô ý để cái bao tải không dưới bàn làm việc, ông ta tưởng con mèo, cứ thế đuổi cho kỳ được. Ông ta quát ầm ĩ làm cho cả nhà ôm bụng cười chết ngất... Không được, ông ta không còn là người có thể xua đuổi được tâm trạng buồn rầu của người bạn chung lưng đấu cật với ông ta, gây dựng lại cơ đồ cùng hãng mình. Cũng như bây giờ đây, có lúc ông nghị ngồi nhìn chằm chằm gian phòng tối om, ánh mắt đờ đẫn mà trong đầu óc tính toán tới chuyện buôn bán những cái vặt vãnh, không đáng kể vào đâu, như công ty Johann Buddenbrook đã từng hạ mình xuống làm. Sự tính toán ấy quả là đáng thương hại!

Bất giác ông cảm thấy xấu hổ, bực bội, tuyệt vọng.

Nhưng chả nhẽ như vậy không được hay sao? Vận dù đen mấy đi nữa cũng phải có lúc hết. Ông nghĩ như vậy. Khi vận đen tới thì an phận thủ thường chờ thời cơ, dự trữ lực lượng, chẳng phải là thông minh ư? Tại sao bây giờ bà Tony lại bảo ông làm chuyện ấy, làm cho ông mất cái trạng thái an phận thủ thường thông minh kia, để mà chuốc lấy những điều lo lắng nghi ngờ? Chả nhẽ đã đến lúc rồi hay sao? Chả nhẽ đó là tín hiệu hay sao? Liệu ông có nên lấy lại tinh thần, đứng dậy gắng sức mà làm không? Vừa rồi, ông cự tuyệt đề nghị hợp lý của bà Tony, giọng nói của ông hết sức kiên quyết. Nhưng chuyện ấy đến đó là kết thúc thật hay sao? Hình như không phải? Ông đang ngồi đây suy nghĩ một cách khổ sở kia mà? Con người ta khi nào cảm thấy bất lực, không chống lại nổi sự cám dỗ thì mới đâm ra bực bội với đề nghị của người khác như thế! Té ra bà Tony cũng ranh mãnh đấy!

Ông đã trả lời với bà em gái như thế nào nhỉ? Nhớ hình như ông cố tình nói những câu làm cho người ta ghê tởm như: “hành động bẩn thỉu... đục nước béo cò... bóc lột tàn nhẫn... đánh một người không còn đủ sức chống đỡ... dùng mưu chiếm những món lợi khổng lồ...”. Khá lắm! Có điều người ta không thể không hỏi lại, làm gì mà phải dùng những lời lẽ ghê gớm như thế? Chắc chắn ông tham Hagenström không thể dùng những lời lẽ đó, cũng không sao tìm ra được những lời lẽ đó. Rốt cuộc, ông Thomas Buddenbrook là một thương gia có khí phách, dám hành động hay chỉ là một người nhu nhược đắn đo, do dự làm gì cũng lo lắng chần chừ. Đúng rồi, quả thật đây là một vấn đề: lâu nay từ khi ông bắt đầu tính toán các vấn đề, thì đây là một vấn đề. Cuộc sống thật là gian khổ mà cũng thật là tàn nhẫn, vô tình.

Đời kẻ thương gia chính là hình ảnh thu nhỏ của cuộc sống phức tạp. Trong cuộc sống đầy gian khổ này, ông Thomas Buddenbrook có đứng vững được như tổ tiên hay không? Từ lâu rồi, ông thấy một số việc khiến ông hoài nghi điều đó. Hồi còn trẻ, trước cuộc sống vô tình, ông thường bắt buộc tình cảm của mình trơ đi, ông tập xử thế tàn nhẫn, tập chịu đựng sự tàn nhẫn mà không cho là tàn nhẫn, tập coi sự tàn nhẫn của người đời là tất nhiên, chả nhẽ không bao giờ ông tập được điều ấy hay sao?

Ông nhớ lại những cảm tưởng mà biến cố thảm hại năm 1866 đã in sâu trong đầu óc ông, cũng như những nỗi đau khổ không sao hình dung được đã áp đảo ông lúc bấy giờ. Ông thiệt mất một món tiền to... Ừ, tất nhiên không phải ông không chịu nổi sự thiệt hại ấy! Nhưng đó là lần đầu tiên ông đích thân cảm thấy, thực sự cảm thấy đời của kẻ thương gia là tàn nhẫn. Trong cuộc sống đó, tất cả những gì gọi là lương thiện, dịu dàng, yêu thương đều bị cái thiên tính tự vệ lạnh lùng, thô bạo che lấp đi. Trong cuộc sống đó, người nào gặp điều không may thì sẽ không được bạn bè, kể cả bạn bè thân thích nhất, đồng tình thương hại, mà bị họ “hoài nghi” - một sự hoài nghi tàn nhẫn do sợ liên lụy đến mình. Chả nhẽ trước kia ông không rõ điều đó hay sao? Chả nhẽ ông còn phải kinh ngạc nữa ư? Vậy mà hồi ấy ông bực bội suốt đêm nằm không ngủ được. Sự tàn nhẫn đáng nhục đáng ghét đó trong cuộc sống dường như đã để lại trong lòng ông một vết thương không sao lành được, khiến ông vừa ghét vừa giận. Về sau, khi tâm trạng ông đã dịu đi, tinh thần ông đã ổn định, ông cảm thấy xấu hổ về sự nhu nhược của mình thời kỳ ấy.

Sao mà ông ngu xuẩn đến thế! Sự nhu nhược của ông sao mà buồn cười đến thế. Sao ông lại có thể có cái thứ tình cảm ấy được nhỉ? Còn phải tự hỏi thêm một câu: “Ông là một thương gia có đầu óc thực tế, hay là một người mơ mộng hèn nhát?”

Chà, câu hỏi đó ông đã tự đặt ra cho mình hàng nghìn lần rồi! Khi ông kiên quyết, vững lòng tin thì ông trả lời thế này, nhưng khi tâm hồn mệt mỏi thì ông trả lời thế nọ. Vì ông thông minh, thành thực nên cuối cùng ông không thể không thừa nhận một sự thực: ông là người ba phải!

Trong đời ông, trước sau ông vẫn xuất hiện trước mắt mọi người với tư thế một nhà hoạt động. Thế nhưng, dù chúng ta thừa nhận ông là một người như vậy, thì chả nhẽ như vậy lại không đúng câu cách ngôn của Goethe mà ông thích trích dẫn, đó chỉ vì ông đang “cố tình làm ra như vậy” hay sao? Nếu nói rằng trước kia ông cũng đã có lúc thành công... đó chỉ có thể do tác dụng phản xạ của nhiệt tình và hưng phấn trong người ông mà thôi, chả nhẽ lại không phải như vậy ư? Bây giờ đây ông ngã xuống rồi, tinh lực của ông hầu như khô kiệt rồi - xin Chúa phù hộ, hay hy vọng đó chỉ là hiện tượng tạm thời - chả nhẽ không phải là sự xung đột trong lòng ông rất không tự nhiên, rất hao tổn tâm lực và là kết quả tất nhiên của việc không làm thế nào giữ cho tinh thần thăng bằng được hay sao?... Cha ông, ông nội ông hay cụ cố ông có mua lương thực non ở Pöppenrade hay không, điều đó không quan trọng! Nhưng các vị đều là những người thực tế, các vị đều rắn rỏi, cứng cỏi, thẳng thắn tự nhiên hơn ông nhiều, mấu chốt vấn đề là ở đó.

Ông vô cùng bàng hoàng lo lắng, ông cảm thấy cần hoạt động, cần không gian, cần ánh sáng. Ông đẩy lùi cái ghế ra đằng sau, đi sang phòng khách, thắp những ngọn đèn dầu treo chính giữa nhà, trên cái bàn dài. Ông đứng dậy, tay run run thong thả mân mê sợi râu mép, vừa thẫn thờ đưa mắt nhìn gian phòng sang trọng. Phòng khách nối liền với phòng hút thuốc lá tạo thành mặt chính của tòa nhà. Bàn ghế bày biện trong phòng khách màu nhạt, tay vịn và lưng tựa hình sóng lượn, lại còn chiếc piano hình tam giác, trên để hộp đàn violon của bà Gerda. Bên cạnh là một tủ sách nhỏ và cái giá để bản nhạc rất đẹp, bức phù điêu trên cửa chạm các thiên thần đang chơi đàn chơi sáo. Những thứ ấy làm cho gian phòng gần giống một phòng âm nhạc.

Phía trước cái cửa sổ nhìn ra ngoài, bày cây cọ làm cảnh.

Ông Buddenbrook im lặng đứng ở đấy hai ba phút, rồi đi sang phòng xa-lông, vào phòng ăn rồi thắp hết những ngọn đèn ở đấy lên. Ông đến trước tủ buýp-phê uống một cốc nước, có lẽ để trầm tĩnh lại, cũng có thể chỉ để làm một việc gì đó mà thôi. Uống nước xong, ông chắp tay sau lưng, vội vã đi vào phía trong. Bàn ghế bày ở phòng hút thuốc màu sẫm, vách xung quanh đóng ván. Ông máy móc mở hộp thuốc lá, nhưng đóng lại ngay, sau đó lại mở cái hộp gỗ sồi bé nhỏ để trên bàn đánh bài, trong đựng bài lá, sổ ghi điểm và các thứ đồ chơi tương tự. Tiện tay, ông lấy một nắm xúc xắc bằng xương, cho lọt qua kẽ tay rơi xuống rào rào, rồi đóng nắp hộp lại và tiếp tục bước tới.

Cạnh phòng hút thuốc lá là một phòng bé nhỏ lắp kính màu. Trong phòng chỉ bày mấy cái kỷ trà, có thể gấp lại được, trên để cái hộp đựng các thứ rượu mùi. Từ đấy đi ra, có thể đi vào phòng khách lớn trải thảm hoa. Bốn cửa sổ lớn của phòng này treo rèm màu mận chín, phía ngoài cửa sổ là vườn hoa. Chiều rộng của phòng khách bằng chiều rộng của tòa nhà. Trong phòng khách bày mấy cái ghế xô-pha thấp lè tè, mặt ghế cũng màu mận chín như các bức rèm trên cửa sổ. Lại có mấy chiếc ghế, lưng tựa cao, đặt ngay ngắn dọc bức tường. Sau hàng lan can của lò sưởi là những hòn than giả, trên có giấy trang kim lấp lánh nhìn xa giống như lò than đang cháy. Trên cái bệ đá cẩm thạch phía trước cái gương, đặt hai lọ hoa to tướng bằng sứ.

Khắp dãy nhà này ở đâu cũng thắp đèn măng-sông, hình như vừa tan tiệc, người khách cuối cùng vừa bước ra khỏi. Ông nghị đi từ đầu đằng này đến đầu đằng kia phòng khách, rồi đứng trước cửa sổ căn phòng nhỏ, nhìn ra vườn hoa.

Trăng lơ lửng trên nền trời cao, nằm gọn giữa đám mây tựa lông cừu, trông rất bé. Dưới ánh trăng những tia nước từ các vòi dưới cành cây bồ đào vươn dài, phun ra, nghe thánh thót. Ông Thomas nhìn ra đình hóng mát ngăn tầm mắt ông lại, nhìn khoảng sân nhỏ bé và hai cột trụ hình vuông, đỉnh nhọn lấp lánh ánh trăng, nhìn con đường rải sỏi thẳng ra bồn hoa, thảm cỏ sạch sẽ vừa mới xới đất... Nhưng toàn bộ cảnh trí sắp đặt cân đối ấy không làm cho lòng ông lắng xuống chút nào, trái lại càng làm cho ông bực bội đau xót thêm. Ông đưa tay nắm chặt quả đấm cửa sổ, tựa trán vào đấy. Những ý nghĩ rối loạn lại trỗi dậy làm cho ông hết sức khổ sở.

Ông sẽ làm thế nào đây? Ông nhớ lại câu mình nói lúc nãy với bà em gái, một câu vừa buột miệng nói ra đã thấy vô vị rồi và làm cho ông day dứt vô cùng. Lúc nãy, khi nói đến bá tước Strelitz, nói đến địa chủ, rõ ràng ông đã bộc lộ ý kiến của ông, rằng địa vị của người sản xuất cao hơn thương nhân và tầng lớp trung gian nhiều. Câu nói ấy có phù hợp với tình hình thực tế hay không? Chà, trời ơi, kỳ thực có phù hợp với tình hình thực tế hay không, chẳng can hệ gì cả. Vấn đề ở chỗ, tại sao ông bộc lộ tư tưởng đó ra? Tại sao ông nghĩ đến vấn đề ấy? Hoặc giả hỏi thêm một câu nữa, tại sao ông lại nghĩ đến vấn đề ấy được? Chẳng nhẽ ông có thể phân bua với cụ thân sinh, cụ cố nội hoặc bất cứ người nào trong thành phố rằng tại sao ông có thể triền miên với ý nghĩ ấy và tại sao ông có thể nói ra ý nghĩ ấy? Người ta nếu đã tin tưởng vào nghề nghiệp của mình không chút hoài nghi, nếu trong lòng không mong muốn gì khác, thì chỉ biết có nghề nghiệp đó, và cũng chỉ tôn trọng có nghề nghiệp đó mà thôi...

Bỗng ông cảm thấy đầu nóng bừng, máu cứ dồn lên mặt, mặt ông đỏ gay. Ông lại nghĩ tới một chuyện xảy ra cách đây khá lâu. Một lần ông cùng chú em Christian đi trong vườn hoa tòa nhà cũ phố Meng, hai người cãi nhau kịch liệt, hết sức đau lòng; hồi bấy giờ chuyện như thế xảy ra luôn... Ông Christian vốn hay ăn nói lỗ mãng làm người ta phải xấu mặt. Lần ấy ông ta cũng nói một câu hết sức bừa bãi trước mặt mọi người, ông nổi giận, không sao kìm được nữa, bèn cãi nhau với ông ta hết sức gay gắt. Lúc bấy giờ, ông Christian nói: “Cứ nghĩ kỹ mà xem, người nào làm nghề buôn bán cũng bịp bợm cả...”. Có gì đâu nhỉ? Về cơ bản câu nói ngu xuẩn vô vị ấy có khác gì câu ông vừa nói với bà em gái? Vậy mà lúc bấy giờ ông lại nổi cơn lôi đình, bắt bẻ hết điều này điều nọ... Nhưng còn Tony gian xảo kia, nó nói thế nào: “Người nào giận dữ chẳng qua người đó là...”

— Không được! - Bỗng ông nghị nói to. Lát sau, ông ngửng đầu lên, buông tay khỏi cửa sổ, lùi lại một bước, vẫn nói to - Không thể như thế mãi được! - Tiếp đó, ông ho khan một tiếng, quay người đi, cúi đầu, tay chắp sau lưng, đi đi lại lại suốt mấy gian phòng, cố xua đuổi cảm giác không vui do những câu ông nói một mình vừa rồi đem lại.

— Không thể thế được! - Ông nhắc lại - Nhất định phải chấm dứt. Mình đang để thời gian trôi qua, mình đang sa lầy xuống vũng bùn. Có thể mình ngu xuẩn hơn Christian! - Tình cảnh của ông, không phải ông không hiểu nó, đó là điều rất đáng biết ơn! Sẽ sửa đổi như thế nào đây, quyền ấy ông vẫn nắm trong tay! Bằng bất cứ giá nào cũng phải sửa đổi!... Phải nghiên cứu xem... nghiên cứu xem... Chuyện mua bán người ta nói đó rốt cuộc là thế nào nhỉ? Những thứ sẽ thu hoạch... Lúa mì, lúa mạch ở Pöppenrade? Phải buôn chuyến này! - Ông xúc động nói khẽ, thậm chí còn vung tay lên - Mình phải buôn chuyến này mới được!

Đây có phải như người ta thường nói là “cơ hội ngàn năm có một” không nhỉ? Có phải là dịp này mà trở tay một cái là có thể làm cho tiền vốn bỏ ra - cứ cho là bốn vạn mark đi - tăng lên gấp đôi không nhỉ (gấp đôi e nhiều quá, nhưng cứ hẵng nói thế đã)? Đúng, đó là trời xui đất khiến để mình phấn chấn lên! Chỉ là bước đầu thôi, chỉ là bước đầu tiên. Còn như tất cả khó khăn sẽ gặp khi làm việc này thì chẳng qua là mình phải ăn năn rằng mình đã vượt ra ngoài đạo lý mà thôi. Việc này mà thành công thì mình sẽ phấn chấn hơn, sẽ lấy lại được dũng khí, sẽ có nhiều ý chí rắn rỏi, sẽ giữ vững được hạnh phúc và quyền thế...

Xin lỗi, Công ty Strunck - Hagenström không xơi được món này đâu! Một công ty khác ở vùng này, do quan hệ bè bạn, đã phỗng tay trên mất rồi! Đúng! Nhất định như thế, lần này tình nghĩa riêng tư đã trở thành nhân tố quyết định. Đây không phải là một chuyến buôn bình thường như mọi chuyến buôn khác, không cần vắt óc suy nghĩ, chỉ theo lề lối làm ăn cũ cũng có thể thành công được. Nhờ có bà Tony ở giữa làm môi giới nên việc này có mang tính chất riêng tư, vì vậy phải làm cho cẩn thận, giữ bí mật. Chao ôi, Hermann Hagenström không phải là người làm việc này đâu!... Ông Thomas là một thương gia lợi dụng được tình cảm trong việc buôn bán lần này, thì về sau, buông tay ra ông sẽ biết cách lợi dụng tình cảm cho mà xem. Huống chi lần này ông lại giúp được một nhà điền chủ đang gặp khó khăn, mà bà Tony là bạn của vợ chồng von Maiboom, ông không thể nào từ chối không giúp được. Thế thì viết thư! Tối nay, ông sẽ viết, và sẽ không dùng loại giấy có in nhãn hiệu của Công ty, mà là loại giấy riêng của ông, có in dòng chữ Nghị viên Buddenbrook. Lời lẽ phải hết sức uyển chuyển, hỏi xem vài hôm nữa đến chơi, liệu có được không.

Mặc dù như vậy, vẫn còn gay go chẳng khác gì đi trên con đường trơn như rải mỡ, cần phải thật cẩn thận... Có điều như vậy càng hợp với tâm tính của ông!

Ông bước mỗi lúc một nhanh, hơi thở cũng mỗi lúc một dồn dập. Ngồi một lúc, ông tiếp tục đứng lên đi quanh trong mấy căn phòng. Ông nhớ lại câu chuyện từ đầu, nghĩ tới ông Marcus, tới Hermann Hagenström, tới Christian và Tony và dường như ông nhìn thấy những bông lúa mì chín vàng ở Pöppenrade đang đung đưa trước gió. Ông ước ao sau chuyến buôn này, Công ty sẽ lên như diều được gió. Ông bực bội xua đuổi mọi điều lo nghĩ vẩn vơ, rồi giơ tay lên nói:

— Nhất định phải làm cú này!

Bà Tony đẩy cánh cửa thông sang phòng ăn, nói to:

— Em về nhé!

Nhưng ông chỉ đáp lại lơ đãng.

Ngoài cổng, sau khi chia tay với ông Christian, bà Gerda đi vào nhà một mình. Đôi mắt nâu kỳ dị (đôi mắt ấy rất gần nhau) của bà trông có vẻ thần bí. Mỗi lần nghe nhạc, mắt bà thường như vậy. Ông nghị dừng lại hỏi xem nhạc sĩ Tây Ban Nha biểu diễn violon như thế nào?

Cuối cùng ông nói với bà rằng ông sẽ vào đi ngủ ngay bây giờ.

Nhưng ông chưa đi ngủ ngay mà vẫn đi đi lại lại. Ông nghĩ tới những bao đựng các loại lúa mì, lúa mạch sẽ chất lên tận nóc các kho “Sư tử”, “Cá kình”, “Cây sồi”, “Cây bồ đề”. Ông tính toán xem nên trả giá bao nhiêu, tất nhiên cũng phải trả cho có tình có lý... Nửa đêm, ông bước khẽ xuống phòng giấy ở tầng dưới, ngồi dưới ánh sáng cây nến của ông Marcus, viết liền một mạch cho ông von Maiboom ở Pöppenrade một bức thư. Viết xong, miệt mài đọc lại, ông thấy đây là bức thư đầu tiên trong đời ông viết lưu loát hay ho như thế.

Đó là chuyện đêm hăm bảy tháng năm. Hôm sau ông nói giọng khôi hài với bà em gái rằng, ông đã suy nghĩ nhiều về chuyện ấy, rằng ông không nỡ để von Maiboom gặp rủi ro, lọt vào tay bọn bịp bợm. Và ngày ba mươi tháng năm, ông đi Rostock, thuê một cỗ xe ngựa về thôn quê.

Mấy hôm sau nữa, ông phấn chấn hẳn lên, chân bước thoăn thoắt, nét mặt dịu dàng, hòa nhã. Ông trêu chọc cô Klothilde với ông Christian, ông có một thái độ chân thành cởi mở. Ông cười cười nói nói với bà Tony. Ngày chủ nhật, ông chơi một tiếng đồng hồ với Hanno ở trên sân thượng gác ba, vừa giúp con chuyển những bao lương thực bé tí vào các nhà kho bé tí có mái ngói đỏ ối, vừa bắt chước những người phu khuân vác dô ta, giọng kéo dài... Ngày mồng ba tháng sáu, trong cuộc họp hội đồng thị dân, ông đã diễn thuyết hết sức hùng hồn, hết sức thích thú về vấn đề thuế khóa, một vấn đề khô khan vô vị nhất thế giới. Thính giả đều nhất trí khen bài diễn thuyết của ông. Còn ông tham Hagenström phản đối ông thì trở thành mục tiêu cho mọi người chế giễu.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx