sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 3

Chú Hanno phải đến lạy trước thi hài bà nội, bố chú bắt như thế.

Trong bụng chú sợ lắm, nhưng chú không dám chống chế. Hôm bà cụ tham hấp hối, ông tham ngồi ở bên bàn ăn than phiền với vợ về hành vi của ông Christian, rằng khi mẹ nguy kịch nhất thì chú ấy bỏ đi ngủ nên mắng cho một trận. Ông nghị cố ý nói chuyện ấy trước mặt con.

— Chú ấy thần kinh yếu, anh Thomas ạ! - Bà Gerda trả lời.

Ông nghị đưa mắt nhìn Hanno. Ông cố ý để cho con bắt gặp ánh mắt mình rồi nói, vẻ nghiêm khắc rằng chuyện đó không thể tha thứ được. Lúc đó mẹ đau đớn lắm, những người ngồi cạnh cũng phải xấu hổ thấy mình bình yên vô sự. Sao lại hèn nhát đến thế! Trước cảnh đau khổ ấy, mình tránh không muốn chịu đau khổ chút nào hay sao?

Nghe bố nói vậy, Hanno không dám có ý kiến gì về việc phải chiêm ngưỡng thi hài bà nội cả.

Trước hôm đưa đám, Hanno đi giữa bố và mẹ, từ căn phòng lớn cột tròn bước sang phòng này. Chú thấy căn phòng này đã thay đổi hoàn toàn, bày biện y hệt Noel năm ngoái. Khi mọi người xếp hàng đi vào, chậu cảnh và cọc nến bạc to xen kẽ nhau thành hình vòng cung. Phía trước, dưới vòm lá cây xanh um, tượng đức Chúa Jesus trắng đặt trên bệ đen bóng. Bức tượng này vốn để ở hành lang phía ngoài. Mặt tường phủ voan đen, gió thổi bay lất phất. Bức thảm màu xanh da trời và bức phù điêu thường mỉm cười với những người đến ăn bữa tiệc đoàn tụ gia đình trước đây, đã bị che kín. Chú Johann đứng giữa những người thân thích mặc toàn đồ tang, trên tay áo thủy thủ của chú cũng đính một miếng lụa đen to tướng. Trong phòng, hoa bó, hoa vòng nhiều vô kể, thơm sực nức, thỉnh thoảng lại còn ngửi thấy một mùi nhàn nhạt rất lạ nhưng cũng quen quen. Cả hai mùi đó cùng làm cho chú ngây ngất. Chú đứng trước bàn thờ sợ hãi nhìn bà cụ tham nằm thẳng dưới làn vải xa-tanh trắng.

Đó không phải là bà nội! Cái mũ có dải xa-tanh trắng ngày lễ bà thường đội, mái tóc lòi ra phía dưới cái mũ vẫn là bộ tóc giả màu nâu của bà, nhưng cái mũi nhọn hoắt kia, đôi môi cụp vào trong kia, cái cằm vểnh ngước lên kia, hai cánh tay bắt tréo, nhìn qua cũng biết lạnh ngắt, cứng đờ, vàng khè, mòng mọng kia, đều không phải của bà. Hoàn toàn là một người giả nặn bằng sáp, mà chú chưa hề thấy! Nặn người giả ăn mặc như thế rồi chưng bày ở đây thì sợ thật! Chú nhìn về phía phòng phong cảnh, có cảm tưởng như bất cứ lúc nào bà nội thật cũng có thể ở trong ấy đi ra. Nhưng bà không đi ra, bà chết rồi! Thần chết đã vĩnh viễn đánh đổi bà bằng con người sáp này! Mắt và môi bà khép chặt! Thật khó mà gần được!

Chú đứng đấy, trọng lượng toàn thân dồn cả sang chân trái, chân phải hơi co, chỉ mấy ngón chân khẽ chạm đất, một tay nắm cái nơ thủy thủ trước ngực tay kia thì buông thõng mềm nhũn. Chú nghiêng đầu sang một bên, mái tóc xoăn màu vàng nhạt xòa xuống tận thái dương. Dưới hàng lông mi nhíu lại, đôi mắt vàng thau có quầng xanh mở to, vẻ tư lự và bực dọc nhìn vào mắt người chết. Chú thở rất chậm, hầu như không dám hít không khí vào mũi, sợ phải ngửi thấy cái mùi vừa lạ vừa quen kia mà hương thơm ngào ngạt của hoa ở trong phòng không át nổi. Mỗi lần mùi đó xộc vào mũi thì lông mày chú nhíu lại, môi chú run lên một lúc... Cuối cùng chú thở dài một cái, nghe như tiếng nấc mà không có nước mắt. Bất giác bà Tony cúi xuống hôn chú một cái rồi dắt chú đi ra.

Vợ chồng ông nghị, bà Tony, cô Erika đón tiếp người trong thành phố đến viếng ở trong phòng phong cảnh tới mấy tiếng đồng hồ liền. Khách khứa xong thì bắt đầu cử hành lễ tang cụ bà Elisabeth Buddenbrook. Bà con họ hàng ở Frankfurt và Hamburg về đây cả để được phố Meng đón tiếp niềm nở lần cuối cùng. Phòng khách, phòng phong cảnh, phòng lớn cột tròn, hành lang đều chật ních người. Dưới ánh nến sáng lòa, mục sư ở nhà thờ Sankt Marien đứng trang nghiêm trước quan tài làm lễ. Ông bắt tréo hai tay để dưới cằm, bộ mặt nhẵn thín nhô lên khỏi cái cổ áo rộng bản, ngước nhìn trời, lúc say sưa, lúc buồn rười rượi, lúc hiền hòa tươi tỉnh.

Bằng giọng lên bổng xuống trầm, ông ca ngợi đức tính của người quá cố, nào là cao thượng, khiêm tốn, lạc quan, chân thành, từ thiện, dịu hiền và đặc biệt nhắc tới “Dạ hội Jerusalem” và “Trường học ngày chủ nhật”. Ông đem hết tài hùng biện làm cho cuộc sống giàu sang phú quý của người chết càng trở nên xán lạn huy hoàng... Cuối cùng, khi đả động tới sự chết chóc, ông nói một cách văn vẻ: người chết đã “yên giấc ngàn thu!”

Bà Tony biết rất rõ rằng, lúc này đứng trước những người khách đến viếng, bà phải có cái tư thế trang nghiêm, tỏ rõ mình là tang chủ. Bà và Erika, cô con gái của bà, đứng ở một vị trí được mọi người rất chú ý, ngay trước quan tài chất đầy vòng hoa, sát cạnh mục sư, còn ông Thomas, bà Gerda, ông Christian, cô Klothilde, chú Johann, cụ tham Kröger - người duy nhất được ngồi ghế - đều đứng ở chỗ không lấy gì làm nổi lắm, chẳng khác những người họ hàng xa. Bà Tony đứng thẳng người, vai nhô lên, hai tay chắp lại, cầm khăn mùi soa vải lanh viền đen. Bà vô cùng tự hào về việc mình được đóng vai chủ chốt trong những ngày khác thường này, tự hào đến mức quên hết mọi cảm giác đau khổ. Bà biết mọi người đang dồn mắt nhìn mình cho nên bà chỉ nhìn xuống đất, thỉnh thoảng cũng ngước lên nhìn quan khách một lần. Bà thấy trong số những người đến viếng có vợ chồng Julchen Möllendorpf họ Hagenström... Đúng, lần này những người ấy cũng đến, đó là người nhà Möllendorpf, người nhà Kistenmaker hay người nhà Langhals và Överdieck. Mặc dù bà Tony Buddenbrook gặp phải chuyện Grünlich, chuyện Permaneder hay chuyện Weinschenk, trước khi bà rời khỏi ngôi nhà tổ tiên để lại này, thì họ đến đây một lần nữa để chia buồn với bà, an ủi bà!...

Bài điếu văn của mục sư Pringsheim vẫn thao thao bất tuyệt. Ông ta cố tình khơi gợi nỗi đau buồn do đám tang mang lại cho mọi người. Ông ta cặn kẽ giải thích cho họ biết là tổn thất mà họ chịu đựng to tát nhường nào. Ông có cách làm cho những kẻ không khóc được nữa cũng chảy nước mắt ra, mà họ cũng thực sự cảm ơn cách làm đó của ông. Khi ông nhắc tới “Dạ hội Jerusalem” tất cả những vị bạn già của người chết đều nức nở, trừ cụ Kethelsen vì cụ không nghe thấy gì hết. Cụ ngơ ngác nhìn ngược nhìn xuôi theo thói quen của người điếc. Ngoài ra, hai chị em bà Gerhardt cũng không xúc động gì. Hai cụ cầm tay nhau đứng trong góc tường, mắt vẫn ráo hoảnh. Trước cái chết của người bạn già, hai cụ chỉ thấy vui. Không những chỉ thấy vui mà chắc chắn hai cụ còn ghen, nếu như hai cụ biết ghen tị và tức giận.

Còn bà Weichbrodt thì người ta chỉ thấy bà ra sức vuốt mũi, lần nào cũng phát ra tiếng kêu giòn giã. Ba chị em họ Buddenbrook ở phố Breiten cũng không khóc. Các cô không có thói quen lau nước mắt. Nét mặt các cô tuy có bớt chua ngoa hơn ngày thường song lại lộ vẻ hả lòng lắm. Thì ra Tử thần không thiên vị một ai. Thật là chí công vô tư...!

Khi hai tiếng “A-men” cuối cùng của mục sư Pringsheim tan vào không trung, bốn người phu khiêng đội mũ tam giác màu đen tiến vào. Họ bước nhẹ chân nhưng rất nhanh đến nỗi thân sau áo dài của họ cứ phồng lên. Họ đến ngay trước quan tài. Ai cũng quen mặt bốn người chuyên làm thuê làm mướn này cả. Những nhà giàu sang mỗi lần mở tiệc đều gọi họ đến bê những chồng đĩa to tướng. Người ta cũng thường thấy họ đứng ngoài hành lang nốc những chai rượu vang đỏ của hãng Möllendorpf. Ngoài ra, gặp lúc những gia đình loại một, loại hai có đám ma, họ là những nhân vật không thể thiếu được. Họ làm việc này cũng nhẹ nhàng thành thạo như thế. Họ rất biết những giờ phút khi chiếc quan tài bị người lạ đến khiêng đi là những giây phút hết sức nặng nề, cho nên phải làm thật gọn ghẽ, thật dứt khoát, chỉ mấy động tác nhẹ nhàng, không một tiếng động, họ đã đưa ra khỏi linh sàng đặt lên vai, hầu như không ai kịp cảm thấy cái đau khổ của giờ phút đó. Thế là chiếc quan tài có vòng hoa phủ kín đã được đưa ra khỏi căn phòng lớn cột tròn, không lề mề mà cũng không hấp tấp.

Các bà, các cô vây quanh bà Tony và cô con gái, bắt tay vẻ long trọng. Hai mẹ con bà cũng sập mí mắt xuống nói mấy lời cảm tạ. Họ nói không nhiều quá, mà cũng không ít quá, đúng là vừa phải. Lúc này, những người khách đàn ông sửa soạn đi ra ngoài lên xe ngựa.

Thế là đoàn người mặc toàn quần áo màu đen từ từ chuyển động. Họ đi qua những đường phố xám xịt, ẩm ướt, ra khỏi cổng thành, thủng thẳng dọc theo con đường cây cối hai bên rụng sạch lá đang dầm trong mưa lạnh. Cuối cùng thì đến nghĩa địa. Đội nhạc đứng sau một lùm cây thấp trơ trụi lá cử một bài nhạc buồn. Mọi người theo sau quan tài bước trên một đoạn đường mềm xốp, đến cạnh một rừng cây thấp. Ở đấy có một tấm bia đá xây theo kiểu tháp, trên có tượng thánh giá đúc bằng xi măng, khắc hàng chữ đen to tướng ghi rõ đây là nghĩa trang họ Buddenbrook. Một tấm nắp đậy bằng đá khắc huy hiệu gia tộc nằm cạnh lỗ huyệt đen ngòm xung quanh cây cối xanh biếc.

Chỗ sâu sâu dưới đất là nơi chuẩn bị cho người mới đến. Mấy hôm gần đây, ông nghị thân hành đôn đốc mở rộng phần đất này ra, dời hài cốt những người dòng họ Buddenbrook ra hai bên. Trong tiếng nhạc buồn cuối cùng, chiếc quan tài đầy những sợi dây đung đưa từ từ hạ xuống. Khi chạm đất, nghe “bịch” một tiếng. Mục sư Pringsheim tay đeo găng lại bắt đầu đọc kinh cầu nguyện. Giọng ông trong trẻo, nhiệt tình và chân thành đã được rèn luyện nhiều, từ phía huyệt vọng đi, bay bổng trên nền trời mùa thu thê lương, vắng lặng. Cuối cùng, ông cúi người xuống, gọi tên họ người chết rồi đưa tay làm dấu. Khi ông dứt lời cũng là khi tất cả quan khách đưa tay đeo găng lên cất mũ, lầm rầm cầu nguyện thì trên trời lóe ra một tia nắng. Mưa đã tạnh, chỉ dăm ba hột lác đác từ trên cành cây nhỏ xuống. Trong tiếng mưa rơi lách tách xen lẫn vài tiếng chim kêu ngắn ngủi, giòn tan như đang hỏi nhau điều gì. Tiếp đó, quan khách lần lượt đến trước mặt hai ông con trai và ông anh ruột người quá cố, bắt tay một lần nữa.

Những giọt mưa trắng bạc bám đầy vào chiếc áo dạ dày cộp màu sẫm của ông Thomas Buddenbrook. Khi quan khách lần lượt bước tới, ông đứng giữa ông Christian và bà Gerda. Gần đây, người ông có hơi đẫy ra chứng tỏ ông có phần già hơn trước. Đó là dấu hiệu duy nhất của sự già nua trên con người luôn luôn chú ý giữ gìn sức khỏe này. Má ở phía sau bộ râu trê nhọn hoắt cũng đầy đặn hơn một ít, chỉ có nước da là bờn bợt như trước. Vị nào chìa tay ra, ông cũng khẽ nắm lấy một lát, lúc đó đôi mắt sưng đỏ của ông nhìn vào mặt khách tỏ vẻ ân cần.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx