sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 4

Một tuần lễ sau, có một ông cụ loắt choắt ngồi trên chiếc ghế quay, đệm da, cạnh bàn giấy trong phòng làm việc của ông nghị Buddenbrook. Râu cạo nhẵn thín, mái tóc bạc phơ xõa xuống trán và hai bên thái dương, lưng gù, hai tay chống vào cán chiếc ba-toong uốn cong, cằm nhọn hoắt, kê trên hai cánh tay bắt tréo, môi mím chặt, khóe miệng xệ xuống, đôi mắt vừa gian giảo, vừa đáng ghét, ông già nhìn ông nghị chằm chằm. Thấy cảnh đó, ai cũng lấy làm lạ tại sao ông nghị không tìm cách lánh xa, mà còn đi lại với con người như vậy? Nhưng ông Thomas Buddenbrook thì ngả người tựa vào lưng ghế, ánh mắt vẫn thản nhiên như không. Hơn nữa, nghe ông nói chuyện với ông già nham hiểm, giảo hoạt này thì thấy không khác gì ông đang nói chuyện với một người thị dân bình thường và lương thiện. Ông chủ công ty Johann Buddenbrook đang thương lượng với cụ Siegismund Gosch về giá cả tòa nhà ở phố Meng đấy.

Cuộc thương lượng này mất khá nhiều thời gian, vì cụ Gosch đặt giá hai vạn tám nghìn thaler, nhưng ông nghị lại cho là rẻ quá. Người môi giới chào hàng ấy chỉ lên trời mà thề rằng, chỉ có điên mới trả thêm một đồng nữa! Ông Buddenbrook hết lời khen nào là địa điểm thuận tiện, nào là đất đai rộng rãi. Còn cụ Gosch thì lại hoa tay múa chân nói một thôi một hồi rằng cụ liều lắm mới trả cái giá ấy và rất có nguy cơ khuynh gia bại sản. Lời giải thích của cụ lôi cuốn và sinh động, cụ nói chẳng khác gì cụ ngâm một bài thơ... Hừ! Nếu ông ta định bán tòa nhà này đi thì còn chờ gì nữa? Ai mua? Người muốn mua bỏ ra bao nhiêu tiền? Trong vòng một trăm năm liệu gặp được mấy ai thích mảnh đất này? Người bạn và là người tôn quý nhất của ông ta có thể bảo đảm với ông ta rằng, ngày mai chuyến xe từ Büchen sẽ có người nào đó vừa phát tài ở Ấn Độ về và có ý định sẽ đến ở tòa nhà cũ của gia đình Buddenbrook không? Tòa nhà này rồi sẽ nhất định vào tay Siegismund Gosch thôi! Và như thế cụ sẽ hết sạch sành sanh, cụ chỉ chuốc lấy chuyện phiền não vào thân, bởi vì lúc đó không còn gì tất cả, cũng sẽ không còn thì giờ ngóc đầu lên nữa. Cụ đến tuổi rồi, cụ đã gần miệng lỗ rồi, huyệt của cụ đã đào sẵn rồi!... Cụ say sưa với câu nói sau cùng ấy, thế là cụ bổ sung thêm mấy câu nữa, nào là hồn ma đang run rẩy, nào là đất cục rơi xuống nắp quan tài kêu lộp cộp!

Nhưng ông nghị vẫn tỏ ra không hài lòng. Ông lại nói tòa nhà ấy được cái tiện lợi là có thể chia nhỏ ra và ông có trách nhiệm với em trai, em gái ông. Dứt khoát phải ba vạn thaler mới xong! Với một thái độ nửa bực nửa vui, ông lắng nghe cụ Gosch đối đáp lại bằng những lời lẽ sắc bén. Cụ Gosch nói gần hai tiếng đồng hồ. Trong hai tiếng ấy, cụ đem hết tài tấn công của cụ ra, chẳng khác gì cụ đang đóng vai một người hai mặt, vai một tên lưu manh giả nhân giả nghĩa.

— Chúng ta nói một lời thôi, ông nghị ạ! Ông chủ trẻ tuổi của tôi! Tám vạn bốn nghìn mark đó là giá cao nhất mà lão già thật thà này có thể trả được!

Cụ nói ngọt như mía lùi, đầu nghiêng một bên, hai hàng lông mày giương lên cụp xuống, làm ra vẻ thật thà ngây thơ, một bàn tay trắng bệch giơ ra phía trước, ngón tay dài ngoẵng run run. Nhưng đó chỉ là dối trá bịp bợm mà thôi! Đứa trẻ con cũng nhìn thấy đằng sau bộ mặt giả dối kia, tên vô lại gian giảo ấy đang giở trò gì.

Cuối cùng ông Thomas Buddenbrook tuyên bố về giá cả thì ông còn phải suy nghĩ một thời gian nữa, ít ra cũng phải bàn với các em ông mới quyết định có bằng lòng bán với giá hai vạn tám nghìn thaler hay không, mặc dù xem tình hình thì với giá này khó thành công đấy.

Ông chủ động bắt sang chuyện khác, hỏi về công việc làm ăn buôn bán và sức khỏe của cụ Gosch.

Cụ Gosch rất không được như ý. Cụ vung tay lên với một tư thế tuyệt đẹp, hết sức phủ nhận ý kiến cho rằng hoàn cảnh của cụ rất thuận lợi. Cụ già rồi, chẳng khác gì ngọn đèn trước gió, như cụ vừa nói, lỗ huyệt của cụ đã đào sẵn rồi. Tối tối uống rượu nâng cốc lên đến môi lần nào cũng đổ ra ngoài mất nửa! Quỷ quái! Sao mà cánh tay cứ run quá thể! Nhưng chửi rủa có ăn thua gì. Cụ không thể điều khiển được tay cụ nữa... Nhưng thôi, mặc kệ nó vậy. Dù sao thì đời cụ, cụ cũng đã từng trải nhiều rồi. Trên đời này có chuyện gì to tát mà lọt qua mắt cụ! Các cuộc cách mạng, các cuộc chiến tranh khủng khiếp, cụ đều trải qua. Hơn nữa, có thể nói như thế này chăng, những làn sóng đó cũng đã dội vào lòng cụ. Chà, nghĩ tới cuộc hội nghị đại biểu thị dân có ý nghĩa lịch sử năm ấy, cụ và cụ tham Johann Buddenbrook, thân sinh ông nghị, vai kề vai cùng nhau trấn áp quần chúng nổi loạn! Ôi cái thời buổi ấy!... Thật là làm cho người ta kinh hồn bạt vía... Ôi, cuộc đời cụ thật là phong phú làm sao! Cụ không nói suông bao giờ. Nội tâm cụ không nghèo nàn chút nào. Mẹ kiếp, cụ đã biết được sức mạnh của cụ, “Sức mạnh như thế nào thì lý tưởng như thế ấy” - Feuerbach[133] nói như vậy. Thậm chí đến ngày hôm nay, thậm chí bây giờ đây, tâm hồn cụ cũng không phải là trống rỗng, trái tim cụ còn rất trẻ. Xưa nay, trái tim cụ chưa bao giờ mất, và mãi mãi không bao giờ mất được sức cảm thụ đối với sự vật lớn lao. Trái tim cụ sẽ mãi mãi giữ vững lý tưởng của cụ một cách trung thành và sôi nổi... Dù vào nằm trong quan tài rồi, cụ cũng không từ bỏ những lý tưởng ấy, quyết không từ bỏ! Nhưng không phải lý tưởng còn thì người ta sẽ thực hiện được đâu! Quyết không phải! Lý tưởng giống như những ngôi sao sáng trên trời, có thể nhìn thấy chứ không thể với tới. “Ôi, hy vọng, cái đẹp nhất trong cuộc đời của con người, là hy vọng, chứ không phải là hiện thực. Hy vọng dù hư ảo chăng nữa, ít nhất cũng dẫn dắt chúng ta đi suốt cuộc đời bằng con đường vui vẻ”[134]. Nhà văn ấy đến là hay bông đùa. Chứ không phải ư? Ông bạn và là ân chủ cao quý của cụ không cần nhớ những lời đó! Nhưng một người cô đơn, ở tầng lớp dưới, một người mơ tưởng trong đêm tối, thì lại rất cần!

— Ông hạnh phúc lắm - Bỗng cụ vừa nói vừa để một tay lên đầu gối ông nghị và đưa đôi mắt đẫm lệ nhìn ông nghị - Đúng như thế, ông không nên phủ nhận, nếu không ông sẽ phạm tội không kính Chúa đấy! Ông hạnh phúc lắm, ông ôm hạnh phúc trong cánh tay! Ông xuất trận đánh nhau và dùng cánh tay mạnh mẽ của ông mà chinh phục nó... Dùng đôi vai mạnh mẽ của ông! - Cụ nói chữa lại là “đôi vai”, vì không muốn lặp lại chữ “cánh tay” hai lần. Cụ im lặng một lúc. Những lời nói nhún nhường của ông nghị, cụ không nghe gì cả. Cụ buồn bã mơ màng, nhìn mặt ông nghị. Lát sau, cụ bỗng đứng dậy, nói:

— Chúng ta đang nói chuyện phiếm, lẽ ra chúng ta phải bàn chuyện nghiêm túc. Thời gian rất quý, không nên chần chừ, phí đi! Ông nghe tôi nói đây, bởi vì ông... ông có hiểu ý tôi không? Bởi vì... - Hình như cụ Gosch muốn nói một thôi hồi nữa, nhưng cụ kìm lại được. Cụ vung tay một cái, vẻ xúc động và sôi nổi, rồi nói to - Xin trả sản nghiệp này của lệnh đường hai vạn chín nghìn thaler đấy! Tức tám vạn bảy nghìn mark! Nói một tiếng thôi nhé!

Ông nghị Buddenbrook bằng lòng giá đó.

Đúng như dự đoán, bà Tony cho là rẻ quá. Trừ phi có người nào tôn trọng những kỷ niệm của bà đối với tòa nhà này, trả ngay một trăm vạn mark, bà mới cho là phải chăng. Nếu không phải như thế thì bao nhiêu cũng không vừa lòng bà. Nhưng rồi bà cũng chóng quen với con số ông anh nói với bà, nhất là lúc đó tâm trí, sức lực bà dồn hết vào mọi kế hoạch trong tương lai.

Thấy mình được chia bao nhiêu đồ đạc tốt, bà vui như mở cờ trong bụng. Mặc dù lúc đầu chưa ai nghĩ đến chuyện mời bà ra khỏi tòa nhà ông cha để lại này, nhưng bà đã vui vẻ đi hết nơi này đến nơi nọ, tìm thuê cho bà và gia đình bà một chỗ ở mới. Rời khỏi ngôi nhà cũ không phải là chuyện vui vẻ gì... nhất định như thế rồi! Hễ nghĩ tới chuyện đó, bà lại nước mắt lưng tròng. Nhưng mặt khác, lại được thay đổi hoàn cảnh, quả thật cũng có chỗ hấp dẫn... Như vậy chẳng phải là xây dựng lại gia đình, xây dựng lần thứ tư hay sao? Bà xem chỗ ở mới một lần nữa, lại bàn bạc với ông Jakob chuyện trang trí nhà cửa, rồi lại ra phố mua rèm mua thảm trải đất... Tim bà đập mạnh. Trong những ngày này, trái tim của người đàn bà đứng tuổi dày dạn với cuộc sống ấy đập mạnh hơn bất cứ lúc nào.

Cứ thế mấy tuần trôi qua, bốn tuần, năm tuần, sáu tuần. Trận tuyết đầu tiên của năm nay đã xuống, mùa đông đã tới, lò sưởi đã nổ lách tách. Người trong gia đình Buddenbrook bắt đầu buồn rầu nghĩ ngợi: “Noel năm nay sẽ thế nào đây?”. Giữa lúc đó xảy ra một chuyện, một chuyện đầy kịch tính làm cho mọi người ngơ ngác. Sự việc phát triển bỗng đến một bước rất đáng chú ý. Chuyện xảy ra... như từ trên trời rơi xuống. Bà Tony đang tiến hành được một nửa công việc, cũng phải đứng thừ người ra.

— Anh Thomas này! - Bà nói - Thần kinh em thất thường hay là cụ Gosch nói mê đấy! Không thể như thế được! Hoang đường quá, không, không thể tưởng tượng nổi! - Bà nói nửa chừng thì ngừng lại, đưa hai tay ôm lấy thái dương. Nhưng ông nghị chỉ nhún vai.

— Đã quyết định gì đâu, cô em ơi! Mới chỉ như thế thôi, nhưng cũng có khả năng như thế đấy. Cô bình tĩnh suy nghĩ thì cô sẽ thấy không phải là không tưởng tượng nổi đâu. Tất nhiên cũng hơi bất ngờ một chút. Khi cụ Gosch nới với anh lần đầu, bản thân anh cũng đã chùn lại. Nhưng nói không thể tưởng tượng nổi, thì chả nhẽ có điều gì không ổn hay sao?

— Chết, em không thể giương mắt mà nhìn! - Bà nói rồi ngồi xuống ghế, không động đậy, như khúc gỗ.

Chuyện gì thế nhỉ? Chả là đã tìm được người mua nhà rồi hoặc cũng có thể nói có một người tỏ ra thích thú chuyện này, muốn xem kỹ tòa nhà để thương lượng giá cả với nhau mà thôi. Người ấy chính là ông Hermann Hagenström, một nhà buôn lớn kiêm chức tham nghị Bồ Đào Nha.

Khi tin này đưa đến tai bà Tony lần đầu tiên, bà như tê dại đi, chẳng khác bị một đòn đánh vào đầu. Bà không thể tin và cũng không có sức mà nghĩ sâu hơn nữa. Nhưng bây giờ chuyện đó ngày càng trở thành hiện thực, ông Hagenström đã đứng trước cổng ngôi nhà ở phố Meng, chờ vào xem, thì bà lại hung hăng lên như thể linh hồn đã trở về với thể xác. Bà chống lại, bà cực lực phản đối. Bà tìm những lời gay gắt nhất, sắc sảo nhất rồi tung ra như tung những bó đuốc, những lưỡi búa.

— Nhất định không thể như thế được, anh Thomas ạ! Em còn hơi thở nào là em không để như thế! Dù bán một con chó đi nữa thì cũng phải xem xem người mua là người thế nào. Huống hồ chúng ta bán tòa nhà của mẹ! Tòa nhà của gia đình ta! Phòng phong cảnh to lớn!

— Nhưng tôi hỏi cô, rốt cuộc cái gì cản trở nào?

— Rốt cuộc cái gì cản trở ư? Trời ơi, cản trở cái gì? Cản trở lão ta, cản trở lão béo ấy chính là mấy ngọn núi lớn! Đúng là mấy ngọn núi lớn! Nhưng lão ta có nhìn thấy gì đâu! Lão ta không chú ý! Lão ta cũng không hề cảm thấy! Chả nhẽ lão ta là con vật hay sao? Xưa nay nhà Hagenström là thù địch với nhà ta... Xưa kia ông Hinrich Hagenström đã giở những thủ đoạn bỉ ổi với ông nội và ba chúng ta. Bây giờ nếu lão Hermann chưa làm cho anh bị thiệt, chưa giở trò đểu cáng ra với anh, chỉ vì chưa tìm ra cơ hội đó thôi! Hồi bé, em đã tát cho lão ta một bạt tai ở ngoài đường. Lúc ấy em có đủ lý do. Con Julchen, đứa em gái quý của nó, đã cào cấu em tơi bời. Tất nhiên đó là chuyện trẻ con, nên rồi cũng thôi. Nhưng lần nào gia đình ta gặp chuyện đen đủi thì chúng nó cũng đứng nhìn vẻ khoái chí lắm. Em hầu như là đối tượng cho chúng nó chế giễu... Có lẽ đó là ý muốn của Thượng đế chăng? Nhưng việc buôn bán, Hermann làm cho anh thua thiệt như thế nào, chèn anh bỉ ổi như thế nào, thì chỉ mình anh biết rõ. Anh Tom, về chuyện này, em không thể nào nói hết được. Cuối cùng, cháu Erika lấy được một người chồng tử tế, chúng nó cũng ăn không ngon ngủ không yên, tìm trăm phương nghìn kế làm cho Hugo Weinschenk mất thể diện, vào tù ra tội mới cam tâm. Những chuyện đó chỉ một mình ông anh trai nó làm cả. Con mèo đực ấy kiểm sát kiểm siếc gì! Bây giờ không ngờ chúng nó lại mặt dày mày dạn có những ý định lạ lùng như thế kia kìa.

— Cô Tony, nghe anh nói đây này! Một là chúng ta không có quyền bàn chuyện này. Chúng ta làm xong thủ tục với cụ Gosch rồi. Cụ ấy muốn bán cho ai thì bán, đó là quyền cụ ấy. Tất nhiên, anh cũng nghĩ như em. Qua chuyện này có thể thấy hình như số phận cố tình trêu chọc chúng ta...

— Số phận cố tình trêu chọc chúng ta ư? Anh Tom, đó là cách nghĩ của anh thôi. Còn em thì em cho là một điều nhục nhã, một cái tát vào mặt. Đúng như vậy đấy!... Chả nhẽ anh không nghĩ xem nó có ý nghĩa gì à? Anh nghĩ đi, anh Thomas! Nó chứng tỏ rằng, gia đình Buddenbrook hết thời rồi, mãi mãi không bao giờ ngóc đầu dậy được nữa! Phải dọn đi nơi khác để cho gia đình Hagenström thích thú dọn tới ở. Không được đâu, anh Thomas ạ! Em không thể diễn màn kịch đó được! Em không thể nhúng tay - dù chỉ là một ngón - vào chuyện nhục nhã ấy được! Cứ để cho lão ta đến. Nếu quả mặt lão ta dày như mặt mo thì cứ để lão đến mà xem! Em thì nhất định em không chào đón! Em sẽ cùng con em và cháu em ngồi trong phòng. Khóa trái cửa lại, không cho lão ta bước vào. Nhất định em sẽ làm như thế!

— Cô thấy thế nào phải thì cô làm, cô em thân mến của anh! Nhưng trước khi làm, cô cũng phải nghĩ lại xem, có nên theo những lễ nghi phong tục ngoài xã hội nữa không? Có lẽ cô cho rằng ông tham Hagenström sẽ đau khổ vì hành vi của cô chứ gì? Không đâu, cô em ạ! Cô nhầm rồi! Ông ấy không vì thế mà thích thú, cũng không vì thế mà buồn rầu, ông ấy chỉ kinh ngạc một chút, chỉ kinh ngạc bâng quơ một chút mà thôi... Vấn đề là, cô trút mọi nỗi oán giận của cô lên đầu ông ta, rồi cũng cho là ông ta oán giận cô, oán giận chúng ta như vậy. Nhầm rồi, cô Tony ạ, ông ta không oán giận gì cô cả. Ông ta oán giận cô làm gì cơ chứ? Ông ta không oán giận gì ai cả. Hiện giờ ông ta đang lúc đắc chí, thuận buồm xuôi gió, nên lúc nào ông ta cũng vui vẻ. Bất cứ đối với ai, ông ta cũng dịu dàng. Cô cứ tin như thế. Anh đã nói với cô bao nhiêu lần rồi. Khi gặp ông ta ngoài đường mà cô tự kiềm chế được, đừng sát khí đằng đằng, mắt ngước lên trời, không thèm để ý đến ai, thì nhất định ông ta niềm nở chào hỏi cô cho mà xem. Ông ta ngạc nhiên vì thái độ của cô, ông ta bình tĩnh hoặc giả hơi mỉa mai mà ngạc nhiên một vài phút, nhưng rồi vì ông ta không làm gì trái với lương tâm, nên ông ta vẫn điềm nhiên không bị thái độ của cô làm cho lúng túng. Cô trách ông ta làm gì nhỉ? Nếu như trong việc buôn bán làm ăn, ông ta vượt xa chúng ta, và về mặt hoạt động xã hội, có lúc ông ta cũng chèn ép anh, cái đó có hề gì đâu! Cái đó chỉ chứng tỏ rằng ông ta là một thương gia tài cán, một nhà chính trị có nhiều thủ đoạn hơn anh mà thôi... Cô bực tức cười nhạt như vậy là không phải lẽ chút nào cả! Bây giờ trở về chuyện nhà cửa. Cái tòa nhà cũ kỹ này không còn ý nghĩa thực tế đối với chúng ta nữa. Thực ra, chúng ta đã đưa tất cả những gì quý giá về nhà anh rồi... Anh nói điều đó để cô yên tâm. Mặt khác, tại sao Hagenström lại nảy ra cái ý này cũng rõ ràng lắm! Nhà ấy phát tài to, số người trong nhà cũng nhiều hơn trước. Từ ngày làm thông gia với gia đình Möllendorpf thì, về tiền của cũng như về danh vọng, nhà ấy vào bậc nhất. Nhưng họ còn thiếu một cái, bề ngoài họ còn thiếu một cái, vì họ cho họ là ưu việt, họ chưa có thiên kiến của thế tục, họ không nhận ra rằng, họ thiếu cái gọi là lịch sử vẻ vang, tức là sự hợp pháp hóa địa vị của họ. Bây giờ họ đang đi tìm cái đó. Họ muốn đến tòa nhà này chính là để tạo cho họ cái đó... Cô chờ đấy mà xem. Ông tham Hagenström sẽ tìm mọi cách giữ lấy những vật ở đây. Ông ta sẽ không tháo bất cứ một cái gì trong tòa nhà này, kể cả câu cách ngôn Dominus Providebit ở ngoài cổng, ông ta cũng để nguyên. Mặc dù nói cho công bằng thì công ty Strunck-Hagenström thịnh vượng được như ngày nay là do tay ông ta gây dựng nên, chứ chẳng phải ý trời gì hết!

— Anh nói hay lắm, anh Tom ạ! Nghe từ miệng anh thốt ra những lời như thế kia, em cũng thấy hả dạ! Chính em muốn nói như thế đấy. Trời ơi, nếu em có bộ óc như anh, em sẽ cho lão ta biết tay. Nhưng anh thì anh chỉ...

— Cô nên biết là bộ óc của anh chẳng giúp ích gì cho anh cả!

— Em đang muốn nói, nhưng anh thì chỉ nói chuyện này một cách bình thản và giải thích cho em biết vì sao Hagenström lại như thế. Quả thật, em không thể hiểu nổi sao anh lại bình tĩnh như vậy được...! Ái chà, dù anh có nói thế nào đi chăng nữa, thì anh cũng có một trái tim như em. Em không thể tin rằng trong lòng, anh cũng bình tĩnh như anh để lộ ra ngoài. Thấy em bất bình thì anh giải thích làm vậy thôi... chưa biết chừng cũng là để tự an ủi mình đấy...

— Cô đến là sắc sảo, cô Tony ạ! Cô chỉ nên chú ý anh làm như thế nào thôi, còn ngoài ra hoàn toàn là việc của anh!

— Anh Tom, em chỉ yêu cầu anh nói với em một điều nữa: chuyện đó phải chăng giống như một ảo ảnh làm đảo lộn hết cả?

— Rất giống!

— Một cơn ác mộng?

— Ai bảo không phải?

— Một màn hài kịch khiến người ta khóc dở cười dở?

— Thôi, thôi!

Quả nhiên, ông tham Hagenström đã đến phố Meng. Ông ta đến cùng cụ Gosch. Cụ Gosch tay cầm mũ con chiên đạo Gia-tô, lom khom, mắt nhìn ngược nhìn xuôi, vẻ nham hiểm, theo sau ông tham. Họ đưa tấm danh thiếp cho cô hầu gái vừa ra mở cửa, đi thẳng vào phòng phong cảnh.

Ông Hermann Hagenström mặc cái áo ba-đờ-xuy dạ, dày và nặng, dài tận gót, không cài khuy, để lòi bộ quần áo len Anh, màu cỏ úa, trông ra dáng một nhân vật quan trọng, một người thanh thế hiển hách ở Sở giao dịch. Ông ta béo lạ béo lùng. Không những hai cằm mà nửa mặt phía dưới cũng phì ra, bộ râu quai nón vàng óng ánh cũng không che giấu được. Lúc ông nhăn trán hay chau mày thì lớp da trên cái đầu tóc cắt ngắn cũng nhăn rúm lại. Cái mũi ở trên môi càng tẹt hơn trước, như dán chặt vào môi trên, lỗ mũi lấp sau hàng râu mép, thở đến là vất vả, thỉnh thoảng phải thở bằng mồm, một hơi rõ dài. Mỗi lần hít như vậy, lưỡi tách khỏi hàm ếch và cổ họng nên nghe “tặc” một tiếng khe khẽ.

Thoáng nghe tiếng tặc lưỡi quen thuộc đó, bà Tony mặt tái đi. Trước mắt bà tức khắc hiện ra cảnh cái bánh ga-tô chanh cặp xúc xích và gan ngỗng. Trong khoảnh khắc bà không giữ được cái vẻ kiêu ngạo lạnh lùng như băng giá nữa.

Bà đội cái mũ tang trên mái tóc chải bóng mượt, bộ quần áo màu đen may rất vừa, nếp gấp trước váy lên đến tận nửa lưng. Bà bắt tréo tay, nhún vai ngồi trên xô-pha. Sau khi hai ông khách bước vào phòng, bà còn cố làm ra vẻ bình tĩnh nói với ông nghị một câu vu vơ (ông nghị không muốn để một mình bà trước cảnh lúng túng này, nên đã đến đây). Khi ông nghị bước thêm mấy bước nữa ra giữa nhà niềm nở đón cụ Gosch chuyên làm nghề môi giới chào hàng và trân trọng chào hỏi ông tham Hagenström thì bà Tony vẫn ngồi im. Sau đó, bà mới khoan thai đứng dậy, hơi cúi xuống chào hai vị và lễ phép cùng anh trai mời khách ngồi. Bà cứ đưa mắt nhìn xuống đất, vẻ lạnh nhạt vô cùng.

Chủ và khách an tọa rồi, mấy phút đầu chỉ có ông tham Hagenström và cụ Gosch thay nhau nói chuyện. Cụ Gosch làm ra vẻ khiêm tốn tự ti, trông đến buồn nôn, ai cũng thấy đằng sau đó ẩn giấu một tâm địa nham hiểm vô cùng! Cụ mong chủ nhân tha thứ cho cụ đã đến quấy rầy. Cụ lại nói ông tham Hagenström muốn mua tòa nhà này nên có ý đến đây xem xem... Sau đó, ông tham Hagenström nói lại ý đó bằng những lời lẽ khác. Giọng của ông khiến bà Tony nhớ cái bánh ga-tô chanh cặp gan ngỗng. Đúng, nguyện vọng của ông tham là mua cho được tòa nhà này, mua cho mình hay mua cho người nhà cũng tốt. Ông mong điều đó có thể thực hiện được với mỗi điều kiện là nếu như cụ Gosch không bắt chẹt quá đáng. Ha, ha, tất nhiên ông không mảy may nghi ngờ gì, việc này nhất định sẽ làm cho mọi người vui vẻ.

Lời ăn tiếng nói cũng như cử chỉ của ông cởi mở, không gò bó chút nào, rõ ràng ông có tài xã giao. Tất nhiên, điều đó không thể mang lại cho bà Tony một ấn tượng gì. Nhất là để tỏ ra niềm nở, hầu như câu nào ông cũng nói với bà cả. Khi ông đề cập tới các thứ lý do vì sao phải mua tòa nhà này, giọng ông có vẻ như cầu xin người nghe thông cảm, ông nói:

— Cần phải thật nhiều không gian! Ngôi nhà của chúng tôi ở phố Sand, nói ra bà đây và ông nghị có lẽ không tin... đối với chúng tôi bây giờ chật chội quá, có lúc đến nỗi không trở mình được! Đừng nói khi có khách khứa, chỉ người nhà không thôi cũng chật rồi. Gia đình Huneus, gia đình Möllendorpf và gia đình anh Moritz, chật như là cá hộp. Bà xem, đó là lý do vì sao chúng tôi muốn tậu một tòa nhà rộng hơn.

Giọng ông có lúc như bực bội, vẻ mặt và cử chỉ của ông như muốn nói: “Chắc bà vẫn chưa hiểu làm sao tôi lại phải chịu cái tội ấy. Có lẽ là vì tôi ngốc chăng! Khả năng kinh tế của tôi, cảm ơn Thượng đế, vốn đủ để giải quyết vấn đề này cơ mà!”

— Tôi cũng muốn chờ - Ông nói tiếp - chờ khi nào hai cháu Zerline và Bob cần, tôi sẽ nhường ngôi nhà ấy cho chúng nó, tôi sẽ tậu một cái lớn hơn. Nhưng bà cũng biết cho rằng - nói đến đây ông ngừng lại một chút - con gái tôi, cháu Zerline đã đính hôn với Bob, con trai cả ông anh làm kiểm sát mấy năm trước... Không thể trì hoãn được nữa, muộn lắm cũng không thể để quá hai năm. Chúng nó còn trẻ lắm... thế mà lại hay! Nói tóm lại, tại sao tôi lại phải chờ chúng nó để rồi bỏ lỡ một cơ hội rất tốt? Như vậy thì thật vô nghĩa, thật là dại dột...

Mọi người đều đồng ý với những lời ông phân tích. Câu chuyện tạm dừng lại ở việc riêng của gia đình, dừng lại ở chỗ cưới xin sắp tới. Chuyện anh em thúc bá lấy nhau có lợi về kinh tế không còn là chuyện lạ lùng gì nữa ở địa phương này, nên cũng không ai phản đối. Mọi người hỏi về kế hoạch của đôi bạn trẻ trong tương lai, thậm chí còn hỏi cả chuyện du lịch trong tuần trăng mật của họ. Cô dâu, chú rể có định đến Riviera không, và những chuyện tương tự như vậy. “Chúng nó thích đi thì cứ để cho chúng nó đi, phải không?”... Mấy đứa bé hơn cũng trở thành đầu đề câu chuyện. Khi nói đến chúng, ông tham Hagenström một mặt tỏ ra hết sức xúc động, hết sức kiêu hãnh, mặt khác lại tỏ ra chẳng muốn nói, lúc nào cũng nhún vai. Ông có năm người con, ông Moritz, anh trai ông, có bốn người, trai gái đầy đủ cả... “Đúng như thế, các cháu đều khỏe cả, cảm ơn bà”. Làm sao chúng lại không khỏe cơ chứ, có phải không? Tóm lại một câu, chúng vừa rắn rỏi vừa hoạt bát. Tiếp đó, ông lại nói gia đình ông, số người cứ tăng liên tục, nhà cửa chật chội...

— Vâng, ở đây thì lại khác! - Ông nói - Bước chân lên cầu thang, tôi thấy rõ. Tòa nhà này quả là một hòn ngọc, đúng là một hòn ngọc, nếu như tôi có thể lấy hai vật to nhỏ khác nhau như thế mà so sánh được, ha ha...! Lấy những bức thảm treo trên tường kia mà nói, tôi thú thật với bà rằng, khi tôi nói chuyện với bà, mắt tôi không hề rời khỏi những bức thảm đó. Đẹp thật, đúng như vậy! Hễ tôi nghĩ rằng bà ở trong tòa nhà này suốt đời...

— Vâng, nhưng khoảng giữa cũng có rời khỏi mấy lần! - bà Tony nói giọng họng, nghe rất lạ. Thỉnh thoảng bà vẫn nói giọng ấy.

— Rời khỏi mấy lần, vâng!

Ông tham Hagenström lặp lại lời bà rồi cười nịnh. Ông đưa mắt nhìn ông nghị Buddenbrook rồi nhìn cụ Gosch, thấy hai người đang nói chuyện với nhau bèn dịch cái ghế mình ngồi đến sát xô-pha bà Tony, người cũng nhô về phía bà, đến nỗi ông thở phì phò, bà nghe rất rõ. Theo phép lịch sự, bà không thể lùi xa, nên không sao tránh được làn hơi nóng ông thở ra. Bà đành ngồi im lặng, lưng ưỡn thẳng, mi mắt sụp xuống nhìn ông nhưng ông không mảy may cảm thấy dáng điệu không tự nhiên, gượng gạo ấy của bà.

— Bà xem - Ông nói - Tôi còn nhớ hình như trước kia chúng ta có trao đổi thương lượng với nhau một lần? Tất nhiên, lần đó, trao đổi cái gì nhỉ? Một thức ăn kẹo bánh gì đấy, phải không?... Còn bây giờ thì lại là một tòa nhà...

— Tôi không nhớ.

Bà Tony nói, cổ bà cứng đơ hơn trước, bởi vì mặt ông ghé sát quá, đến nỗi chẳng còn ra thể thống gì nữa, không thể chịu nổi...

— Bà không nhớ ư?

— Nói thực, tôi cũng không còn nhớ đến chuyện kẹo bánh nào cả. Trong đầu óc tôi chỉ còn mang máng chuyện cái bánh ga-tô chanh cặp xúc xích gì đó, một món quà sáng làm cho tôi phải bực mình... Không nhớ rõ phần quà sáng đó là của tôi hay của ông... Lúc bấy giờ chúng ta còn trẻ con... Nhưng chuyện nhà cửa hôm nay hoàn toàn thuộc phạm vi nghề nghiệp của cụ Gosch...

Bà đưa nhanh mắt nhìn anh trai tỏ vẻ cảm ơn, vì lúc đó ông nghị Buddenbrook thấy bà lúng túng đã gỡ hộ bà. Ông đề nghị các vị khách đảo qua các phòng một vòng. Họ vui lòng làm như vậy. Thế là họ chào tạm biệt bà Tony và tỏ ý hy vọng lát nữa sẽ được gặp lại bà. Ông nghị đưa hai vị ra khỏi phòng ăn.

Ông dẫn họ lên gác, xuống gác, vào xem các căn phòng trên gác ba, các căn phòng cạnh hành lang gác hai rồi xuống tầng dưới còn xem cả nhà bếp và nhà hầm nữa. Họ không vào văn phòng, vì khi họ đi qua là lúc Công ty bảo hiểm đang làm việc. Họ trao đổi qua mấy câu về ông giám đốc mới của Công ty bảo hiểm. Ông tham Hagenström cứ khen lấy khen để rằng ông ấy là một người thành thực lắm, còn ông nghị thì giữ thái độ im lặng trước những lời khen ngợi ấy.

Tiếp đó, họ đi qua một vườn hoa hoang vắng, tuyết đang tan dần, xem cái đình hóng mát, rồi trở về sân trước (nhà giặt quần áo ở ngay trong sân này). Từ đó họ đi theo con đường chật hẹp lát đá ở giữa hai bức tường đến nhà kho ở sân sau. Ở đây, ngoài cây sồi, còn tất cả đều có vẻ tiêu điều. Cỏ dại mọc giữa các kẽ đá, rêu bám đầy tam cấp, cầu thang trong phòng ọp ẹp, phòng bi-a đã trở thành nơi ở trọ không trả tiền của các chú mèo hoang. Họ đến thăm nhà làm cho các chú một phen hú vía. Họ chỉ mở cửa nhìn, sàn nhà không chắc nữa nên họ không bước vào.

Ông tham Hagenström ít lời hơn trước. Rõ ràng ông đang bận tính toán và suy nghĩ. Ông cứ luôn miệng nói “được rồi, được rồi...” xem bộ điệu ông thì ông có vẻ nói bâng quơ, nhưng xem tinh thần thì lại như muốn nói rằng, nếu là chủ nhà thì nhất định ông sẽ sửa chữa lại hoàn toàn. Ông đứng một lúc trên nền xi măng ngang mặt đất, ngẩng lên nhìn những kho lúa trống rỗng ở phía trên, tinh thần vẫn như lúc nãy: “Được rồi, được rồi...”. Ông lại nói lầm rầm, tay cầm sợi dây tời nặng chịch lắc lắc. Sợi dây này cùng cái móc câu hoen gỉ phía dưới, treo lơ lửng giữa phòng lâu lắm rồi không ai đụng đến. Sau đó, ông quay ra.

— Cảm ơn ông nghị, làm phiền ông nhiều quá. Tôi tưởng hình như chúng ta xem hết cả rồi.

Ông vội vàng trở lên nhà, hầu như không nói năng gì nữa. Ngay cả khi hai vị khách vào phòng phong cảnh chào bà Tony (lần này họ không ngồi lại), và cả khi ông Thomas Buddenbrook tiễn họ xuống cầu thang, từ hành lang đi ra cổng, ông vẫn nói rất ít. Nhưng sau khi chủ khách chia tay, vừa bước chân xuống đường thì ông đã bắt chuyện ngay với ông Gosch. Trông chừng hai người nói với nhau say sưa lắm!

Ông nghị trở lại phòng phong cảnh, bà Tony đang ngồi thẳng người trước cửa sổ, mặt thừ ra, tay cầm que đan đan cho cháu Elisabeth bộ quần áo len màu đen. Cứ đan được vài mũi, bà lại liếc nhìn cái gương phản chiếu ngoài cửa sổ. Ông Thomas hai tay đút túi quần lặng lẽ đi đi lại lại mấy vòng trong phòng. Một hồi lâu, ông mới nói:

— Thôi được, chuyện này anh đã giao phó cho ông cụ làm nghề môi giới chào hàng rồi. Kết quả thế nào chúng ta chờ xem. Anh nghĩ chắc ông ấy sẽ mua cả tòa nhà, đằng trước để ở, đằng sau dùng vào việc khác...

Bà Tony không nhìn ông. Bà vẫn ngồi như lúc nãy, tay vẫn đan liên tục, có điều đôi que đan trong tay bà đưa đi đưa lại có vẻ nhanh hơn lúc nãy.

— À, tất nhiên ông ta sẽ mua thôi! Ông ta sẽ mua cả tòa nhà! - Lần này bà lại nói giọng cổ họng - Sao ông ta lại không mua? Không mua thì mới thật là ngốc, chẳng biết gì cả!

Bà rướn lông mày lên. Mắt đeo cái kính cặp mũi, chăm chú nhìn đôi que đan trong tay (Dạo này mỗi khi khâu vá đan lát, bà thường phải đeo kính, mặc dù không bao giờ bà có thể đeo ngay ngắn được). Đôi kim đan cứ ngoáy qua ngoáy lại, kêu lách tách, làm cho ruột gan bà rối bời.

Lễ Noel lại đến. Đây là lễ Noel đầu tiên vắng bà cụ tham. Lần này tổ chức ở nhà ông nghị vào tối hai mươi bốn tháng mười hai. Không mời ba cô gái già họ Buddenbrook ở phố Breiten và cũng không mời vợ chồng cụ Kröger. Dạo này cũng bỏ cái ngày “nhi đồng” hàng tuần. Ông Thomas Buddenbrook không thích mời những vị khách từng dự những buổi lễ Noel do bà cụ tham tổ chức đến để trao quà. Lần này chỉ mời bà Tony, bà dẫn cả Erika Weinschenk và bé Elisabeth, ông Christian, cô Klothilde đang ở trong nhà tu và bà Weichbrodt. Cũng như trước kia, bà Weichbrodt tối hai mươi lăm tháng mười hai hàng năm vẫn trao tặng một số quà ở căn phòng nhỏ ấm cúng của bà, hơn nữa không năm nào bà tránh khỏi sai sót một chuyện gì đó.

Những bà con nghèo trước đây đến phố Meng được tặng giày và quần áo len, năm nay cũng không có quà nữa. Ban đồng ca tiếng chuông nhà thờ cũng không đến. Chỉ có những người đến dự ngồi ở trong phòng khách hát qua loa bài Đêm Noel, đêm yên tĩnh. Rồi bà Weichbrodt dõng dạc đọc chương nói về đức Chúa ra đời ở trong Kinh thánh. Đó là việc của bà nghị, nhưng vốn bà không thích những chuyện như vậy nên bà Weichbrodt làm thay. Sau đó, mọi người khẽ hát những lời ca trong đoạn thứ nhất bài Ôi, cây Noel, vừa đi xuyên qua một dãy buồng về phía căn phòng lớn.

Không có gì đặc biệt làm cho mọi người vui. Trên nét mặt không thấy ai có vẻ thú vị. Chuyện trò cũng tẻ nhạt. Còn gì đáng nói nữa đâu? Những chuyện vui thú trên đời vốn không nhiều lắm! Họ nhắc tới bà mẹ quá cố, nói chuyện bán nhà, chuyện bà Tony thuê được căn phòng sáng sủa ở trong ngôi nhà gác rất xinh trước quảng trường Cây bồ đề ngoài cổng Holstein, khi nào ông Weinschenk được tha về thì thu xếp như thế nào... Trong lúc đó, chú Johann dạo mấy đoạn nhạc trên đàn piano mà chú học được của ông Pfühl, lại đệm cho mẹ kéo một bản nhạc của Mozart. Chú đánh sai mấy chỗ nhưng âm hưởng rất tuyệt, được mọi người khen ngợi và ôm hôn. Nhưng sau đó bà Ida Jungmann liền đưa chú lên giường vì tối nay trông chút nhợt nhạt, mệt mỏi, bệnh đường ruột của chú vẫn chưa lành hẳn.

Ông Christian từ hôm to tiếng với ông Thomas ở phòng ăn đến nay, không đả động gì đến chuyện vợ con nữa, còn quan hệ giữa hai người vẫn như trước kia, chẳng lấy gì làm đẹp đẽ lắm. Tối nay, ông không muốn nói chuyện với ai cả mà cũng chẳng buồn pha trò cười. Mắt ông long sòng sọc, chỉ để tỏ ra nửa người bên trái ông đang đau, mong mọi người thương hại. Sau đó, ông đến câu lạc bộ rất sớm, cho đến lúc cả nhà sum vầy trong bữa ăn tối như thường lệ, ông mới về. Gia đình ông Buddenbrook ăn mừng Noel năm nay như thế đó, nhưng ai nấy vẫn thấy phấn khởi.

Đầu năm 1872, cái gia đình ở phố Meng hoàn toàn tan rã. Những người hầu gái đều thôi không làm nữa. Bà Tony không ngớt ca ngợi Thượng đế, bởi vì chị Severin vẫn thường lên mặt chủ nhà làm cho bà trước nay không chịu nổi, bây giờ cũng ra đi, mang theo bộ quần áo lụa được chia, chăn màn và áo quần lót. Kế đó, cỗ xe ngựa chở đồ đạc đã đến, và bắt đầu thu dọn. Những thứ vợ chồng ông nghị được chia, như tủ chạm, giá cắm nến mạ kền, vân vân, lần lượt được chở về ngõ Hàng Cá. Những thứ của ông Christian thì chở đến căn nhà ba gian dành cho người độc thân ở gần câu lạc bộ. Còn gia đình bé nhỏ của bà Tony dọn về căn gác ngôi nhà sáng sủa, đẹp đẽ ở quảng trường Cây bồ đề. Ngôi nhà ấy nhỏ nhắn xinh xắn thậm chí có thể gọi là “tao nhã”; ở cửa tầng gác của bà Tony treo tấm biển đồng sáng choang, khắc chữ hoa: “Bà A. Permaneder Buddenbrook”.

Ngôi nhà ở phố Meng vừa được dọn sạch, thì một tốp thợ đã đến dỡ căn nhà ngang, bụi bay mù mịt, vẩn đục cả bầu trời. Mảnh đất này cuối cùng đã trở thành tài sản của ông tham Hagenström. Cho đến lúc tòa nhà ấy về tay ông ta, ông ta mới thấy thỏa mãn. Ở Bremen có một người nữa cũng đến mặc cả với cụ Gosch, nhưng ông tham Hagenström liền trả một giá cao hơn. Bây giờ ông ta đang vắt óc suy nghĩ tìm cách làm cho sinh lợi, chuyện ấy thì ông ta tài lắm, ai cũng phải phục. Đầu mùa xuân, cả nhà ông ta dọn đến tòa nhà phía trước, mọi thứ bày biện trong nhà đều cố giữ y nguyên, chỉ sửa sang đôi chút, như bỏ hết chuông giật, thay chuông điện vào... Dãy nhà ngang phía sau thì dỡ xuống, mà xây một ngôi nhà mới đẹp đẽ, sáng sủa, cửa mở về phía ngõ Xưởng bánh mì, thành một gian phố to.

Nhiều lần bà Tony thề với ông anh bà rằng, từ nay về sau quyết không một sức mạnh nào ở trên đời này có thể bắt bà ngó lại cái tòa nhà cũ ấy nữa, nhất định không bao giờ! Nhưng bà không có cách nào giữ được lời hứa của mình. Khi có việc, bà không thể không đi qua tòa nhà ấy, hoặc đi qua cổng gian phố vừa xây lên để cho thuê được một giá hời ở phía ngõ Xưởng bánh mì, hoặc đi qua bức tường tam giác của tòa nhà cao to, tráng lệ. Ở đây, dưới dòng chữ La tinh Dominus Providebit, bây giờ là tên Hermann Hagenström. Lúc ấy, bà Tony đứng giữa đường khóc òa lên trước mặt mọi người. Bà ngửa đầu ra phía sau giống như con chim sắp cất tiếng hót, đưa khăn tay lên che mặt, thế là khóc thảm thiết, nghe có vẻ vừa như phản kháng, vừa như oán giận. Người đi qua đường nhìn ngó, hoặc cô con gái khuyên can, bà cũng mặc kệ, nước mắt bà cứ thế chảy ròng ròng.

Trong đời bà, bà đã trải qua không biết bao nhiêu phong ba bão táp, lúc chìm lúc nổi, nhưng tiếng khóc của bà vẫn ngây thơ, ấm ức như thời còn bé.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx