sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Phần 10 - Chương 1

Mỗi lần ông Thomas Buddenbrook cảm thấy buồn trong lòng, ông thường tự hỏi mình là người thế nào đấy, mình có lý do gì để tự cho mình hơn những người thị dân chất phác, cần cù, đầu óc đơn giản ở thành phố này? Đã tan biến rồi tất cả những ước mơ sôi nổi và những lý tưởng đẹp đẽ thời trai trẻ! Vừa làm vừa chơi, hoặc lấy công việc làm trò chơi, theo đuổi mục đích chỉ có ý nghĩa tượng trưng với tâm tình nửa đùa nửa thật, cái biện pháp thỏa hiệp ấy, cái cách xử thế thông minh, không coi việc gì là quan trọng ấy của kẻ hoài nghi mà lạc quan, chỉ có được ở người đầy sức sống, vui tính, thích khôi hài... Nhưng ông Thomas Buddenbrook thì lại thấy mình mệt mỏi lắm rồi, chán nản lắm rồi!

Tất cả những gì đáng được hưởng trong cuộc sống trước kia ông đều đã được hưởng, hơn nữa, ông còn biết rất rõ đỉnh cao trong cuộc sống của ông - ông nói thêm, nếu như cuộc sống tầm thường dung tục này còn có cái gì có thể gọi là đỉnh cao - thì ông đã vượt qua rồi!

Chỉ nói đơn thuần về mặt tiền của thì vốn liếng của ông đã giảm đi nhiều lắm, việc kinh doanh của Công ty ông sút kém hẳn. Nhưng tính cả tài sản của bà mẹ để lại cho và tiền mặt bán nhà và đất ở phố Meng thì ông vẫn còn hơn sáu mươi vạn mark. Duy chỉ có vốn đầu tư vào Công ty, mấy năm lại đây, không làm sao sử dụng được hết.

Đến khi mua hoa màu ở trang trại Pöppenrade, thì ông nghị ấm ức hồi đó chẳng lợi lộc gì. Từ lần thua thiệt ấy, tình hình không tốt đẹp lắm mà ngày càng xấu đi. Trước mắt, lúc này mọi việc đang lên như diều gặp gió. Hơn nữa, từ ngày thành phố này gia nhập liên minh thuế quan, nhiều cửa hiệu bé tí mấy năm nay đã thành hãng buôn lớn, chỉ có Công ty Johann Buddenbrook là lẹt đẹt hoài, không hưởng được chút gì do thời đại đưa tới. Có ai hỏi đến công ăn việc làm, ông lại xua tay uể oải trả lời: “Ôi dào! Chả có gì phấn khởi cả!...”. Một người cạnh tranh ráo riết với ông nghị và cũng là bạn thân - ông tham Hagenström - có lần nói, ông Thomas Buddenbrook chỉ là đồ trang trí của Sở giao dịch mà thôi. Câu nói đùa ấy vốn chỉ châm biếm cái vẻ bề ngoài bệ vệ, oai nghiêm của ông nghị, nhưng người trong thành phố lại rất tán thưởng, cho là câu nói đầy ý nghĩa.

Nếu về đường buôn bán, ông thua thiệt đủ điều là do ông mệt mỏi, không phấn chấn, tận tâm tận lực cho cái công ty cũ kỹ này nữa, thì về hoạt động chính trị, ông lại bị những cái khách quan hạn chế làm ông không thể vươn lên được. Mấy năm gần đây, ông được bầu vào nghị viện; những gì ông đeo đuổi, ông cũng đạt được cả rồi. Bây giờ trở đi, chẳng qua là cố giữ lấy chức vị cũ mà thôi, không còn gì mà đeo đuổi nữa hết. Chỉ là hiện tại, chỉ là hiện tại, trong khoảnh khắc, không có những mưu đồ to tát! Cố nhiên, ông rất biết lợi dụng chức vị của ông, người khác ở vào địa vị ông, sẽ không có quyền thế như vậy đâu, mà địch thủ của ông cũng không có cách nào phủ nhận được ông là “cánh tay phải, cánh tay trái của ngài thị trưởng”. Nhưng làm thị trưởng, thì ông không đủ tư cách, bởi vì ông là thương gia, không phải là nhà trí thức; ông không tốt nghiệp trường văn khoa nào, không phải luật gia, chưa từng học ở học viện nào cả. Từ lâu vì hay đọc sách lịch sử, văn học để qua thì giờ nhàn rỗi, ông cảm thấy về tinh thần, về trí lực hay về học vấn, ông đều hơn hẳn những người chung quanh, cho nên khi ông nghĩ rằng, chỉ vì mình chưa học luật mà không được ngồi vào cái ghế hạng nhất của tiểu vương quốc, nơi ông sinh trưởng này, thì ông ấm ức hết sức. “Trước kia chúng ta dại quá!”, có lúc ông phàn nàn với ông bạn chí thân thường sùng bái ông là ông Stephan Kistenmaker như thế. Nhưng chữ “chúng ta” ông nói đó chỉ là bản thân ông mà thôi - “Chúng ta vội vã chui ngay vào hãng buôn, chả chịu học hành cho đến nơi đến chốn!”. Ông Kistenmaker trả lời: “Ừ, ông nói phải đấy! Nhưng mà việc gì cơ?”

Bây giờ phần lớn thời gian ông nghị làm việc ở cái bàn gỗ đào hoa tâm trong phòng giấy riêng. Trước hết vì căn phòng này kín đáo, không ai nhìn thấy ông chống đầu lim dim mắt suy nghĩ, nhưng chủ yếu là vì người bạn của ông, ông Marcus, ngồi trước mặt ông cứ luôn tay sắp xếp giấy tờ, vê râu, làm bộ làm tịch khiến ông không chịu nổi, nên ông không thể không bỏ chỗ ngồi sát cửa sổ ở cái phòng giấy chung kia được.

Cái tính tỉ mẩn của ông Marcus nay đã trở thành cố tật rồi, một cố tật quái gở, gần đây ông Thomas Buddenbrook trông càng ngứa mắt, thậm chí cảm thấy như bị sỉ nhục, bởi vì ông phát hiện ra rằng chính ông cũng như thế, và điều phát hiện đó làm ông giật nảy mình! Đúng rồi, xưa nay ông ghét cay ghét đắng cái tính tỉ mẩn ấy, mà gần đây ông lại tỉ mẩn như thế, mặc dù nó có một tính chất khác và do một tâm tình khác.

Lòng ông trống trải, ông không thấy có một kế hoạch nào làm cho ông phấn chấn, không có một công việc nào hấp dẫn, đáng để ông hồ hởi dốc hết tâm trí vào. Nhưng mặt khác, ông chưa mất hết bản năng hoạt động: đầu óc ông không thể nghỉ ngơi; ông còn hoạt động mặc dù sự cần thiết đó không giống tính tham công tiếc việc tự nhiên và bền vững của các vị tổ tiên. Bởi vì sự cần thiết hoạt động của ông là giả tạo, có tính chất thần kinh. Cơ bản mà nói, đó là một chất ma túy, cũng như lúc nào ông cũng phải ngậm trên môi điếu thuốc lá Nga loại nặng... Không những ông không mất đi bản năng hoạt động, mà càng ngày ông càng không thể khống chế nổi. Bản năng ấy ở ông đã chiếm ưu thế và trở thành một cực hình. Nó phân tán vào vô số việc nhỏ nhặt linh tinh, và ông bị những việc nhỏ nhặt linh tinh vô nghĩa ấy giày vò. Phần lớn là việc nhà cửa, việc ăn mặc. Vì tâm tư ông không được thoải mái nên thường thường những việc ấy, ông cũng làm lung tung, không ra sao cả. Nhưng ông cũng mất khá nhiều thì giờ và tâm sức vào đấy.

Những cái mà người trong thành phố gọi là “hình thức”, “hư vinh” của ông, thường ngày cứ tăng mãi, tăng đến mức làm cho ông cũng phải thấy đến xấu hổ. Mặc dù vậy, ông chẳng thể dứt bỏ được những thói quen mới có kia. Đêm đêm ông ngủ yên giấc, nhưng mê mệt, tưởng chừng như chưa được nghỉ ngơi. Buổi sáng thức dậy - lúc ấy đã chín giờ, trước kia ông dậy sớm hơn nhiều - từ lúc ông mặc bộ quần áo ngủ đi sang phòng thay quần áo với ông thợ cắt tóc Wenzel, cho đến lúc ông thấy mình đã chỉnh tề, chuẩn bị cho một ngày làm việc, mất tròn nửa tiếng đồng hồ! Bấy giờ ông mới xuống gác hai uống trà sáng. Ông sửa soạn con người ông rất chu đáo. Từ việc tắm nước lạnh trong buồng tắm đến việc chải bụi trên áo, cuối cùng uốn lại bộ râu bằng cái cặp nóng, mỗi chi tiết đều theo trình tự nhất định, không được đảo lộn, đến nỗi về sau những động tác nhỏ nhặt ấy cứ diễn đi diễn lại hằng ngày làm ông bực bội điên lên được. Nhưng ông biết chưa làm đủ động tác nào đó, hoặc làm qua quít một chút, thì nhất định ông chưa đi ra khỏi phòng. Ông rất sợ mất cái cảm giác sạch sẽ, tinh khiết, không để vương hạt bụi nào. Nhưng rồi, mấy tiếng đồng hồ sau, cái cảm giác ấy cũng biến mất, thế là ông lại phải sửa soạn con người ông một lần nữa.

Chỉ cần đừng để cho người ngoài bàn tán, có thể tiết kiệm được cái gì là ông tiết kiệm cái đón nhưng ăn mặc thì ông không tính toán. Tất cả quần áo của ông đều do thợ may cừ Hamburg cắt đo, và để giữ gìn, bổ sung những bộ áo quần ấy, ông không hà tiện. Trong phòng thay áo quần của ông, cứ mở cánh cửa trông giống cánh cửa lớn thông sang phòng bên cạnh, thì có thể thấy cái tủ chìm trong tường, rất lớn, trong đó hàng dãy mắc áo, giá áo bằng gỗ, treo đầy đủ các kiểu áo quần từng mùa, mặc trong trường hợp khác nhau: áo sơ mi, y phục ngày lễ thường, y phục ngày lễ lớn, áo đuôi én; quần thì gấp gọn, xếp đầy các ngăn. Trên cái bàn gương năm ngăn kéo, nào là lược, bàn chải, dầu chải tóc, chải râu, trong ngăn kéo là các loại áo may-ô, những thứ này giặt luôn, thay luôn và luôn luôn được bổ sung.

Không những mỗi buổi sáng ông mất rất nhiều thì giờ ở trong cái phòng tối này, mà mỗi lần đi dự tiệc, đi họp ở nghị viện, mỗi lần tham gia mít-tinh với công chúng, tóm lại hễ có dịp xuất hiện trước mặt người khác, ông đều mất thì giờ trong căn phòng này. Thậm chí, trước bữa ăn trong gia đình, chỉ có vợ ông, Johann, bà Ida mà ông cũng phải tô điểm lại. Chiếc sơ mi mới thay, chiếc áo vét là thẳng đứng, mặt mũi sáng sủa, mùi nước hoa bơm lên bộ râu, thậm chí vị mằn mặn của nước súc miệng cũng làm ông sảng khoái y như một diễn viên sau khi hóa trang bước ra sân khấu. Đúng thế thật! Ông Thomas Buddenbrook sống ở đời này như một diễn viên, như một diễn viên suốt đời đóng một vai kịch lớn. Trừ những lúc ngồi một mình hoặc những lúc nghỉ ngơi ngắn ngủi, mỗi chi tiết trong cuộc sống hằng ngày ông đều như đóng kịch. Bất cứ cái gì ông cũng đem tất cả tinh lực ra ứng phó và không một điều gì không làm ông mỏi mệt. Bởi vì lòng ông mỏi mệt, tâm hồn ông trống rỗng - trống rỗng đến ghê sợ, thậm chí lúc nào ông cũng cảm thấy mơ màng, đầu óc bí rì rì - thêm vào đó chức vị mà ông không thể thoái thác được và lòng quyết tâm không gì lay chuyển nổi của ông là ăn mặc phải xứng với thân phận, bằng mọi cách che giấu các biểu hiện suy đồi của mình mà giữ thể diện, nên trong cuộc sống, ông nghị trở thành giả tạo, không tự nhiên, mỗi lời nói, mỗi cử chỉ của ông trước mọi người đều kiểu cách đến khó chịu.

Tình hình đã như vậy, ông lại có một số hành vi kỳ quặc, một số thị hiếu quái gở làm cho chính ông cũng phải ghê tởm. Trong đời có người không muốn đóng một vai trò nào cả, họ ngồi một chỗ kín đáo, không ai để ý, mà quan sát người khác. Ông nghị thì không phải là người như thế. Ông không thích ẩn náu một nơi để người khác xuất hiện trước mặt mình trong ánh sáng huy hoàng. Ông muốn ánh sáng chiếu vào người ông cho thật chói chang để ông nhìn người khác ngồi trong bóng tối, và ông sẽ chi phối họ với tư cách là người nổi danh và được sùng bái trong giới xã giao, hoặc là một thương gia năng nổ, hoặc là một chủ công ty có tiếng tăm, hoặc là một nhà diễn thuyết hùng biện... Chỉ có như thế, ông mới có cảm giác an toàn, cách bức và có cảm giác mình đang đóng kịch say sưa, mọi thành công trong sự nghiệp của ông là nhờ vào cảm giác này. Đúng vậy, năm tháng trôi qua cái thú say sưa của người đóng kịch làm ông quen dần. Khi ông đứng trước bàn, tay nâng cốc rượu, mặt tươi hơn hớn, cử chỉ tiêu sái, hòa nhã, chúc tụng mọi người bằng những lời lẽ hoa mỹ, cái hoa mỹ trong lời lẽ của ông thật đến kinh người, thì ai cũng phải hoan hỉ. Lúc ấy, mặc dù mặt ông trắng bệch, ông vẫn là Thomas Buddenbrook của năm xưa. Nhưng khi ông không có việc gì, ngồi một mình, thì ông không thể nào tự kiềm chế được. Bấy giờ, một cảm giác mệt mỏi chán ngán trào lên trong lòng, nét mặt của ông ảm đạm và tư thế của ông rã rời. Ông chỉ còn mong muốn có mỗi một điều là đầu hàng trước tâm trạng tuyệt vọng buồn nản kia, chuồn thẳng về nhà mà nằm khểnh, gối đầu lên cái gối mát mẻ!

Hôm ấy, bà Tony đang ăn bữa tối ở ngõ Hàng cá, nhưng chỉ một mình bà mà thôi. Lẽ ra con gái bà cũng đến, có điều chiều hôm đó, cô ta vào nhà lao thăm chồng; như mọi lần cô ta thấy mỏi mệt trong người nên ở nhà.

Ngồi trước bàn ăn, bà nói chuyện về Hugo Weinschenk, bảo rằng anh ta rất đau khổ; sau đó, mọi người bàn bạc không biết có thể viết đơn lên nghị viện xin ân xá được hay không. Lúc bấy giờ, vợ chồng ông nghị và bà Tony ngồi quanh cái bàn tròn ở phòng khách, trên bàn treo ngọn đèn măng-sông lớn. Bà Gerda Buddenbrook ngồi đối diện bà Tony, tay cầm kim đang thêu. Khuôn mặt xinh đẹp trắng trẻo của bà nghị cúi xuống chiếc khăn tay, mái tóc dày, đen mượt của bà phản chiếu ánh đèn. Cái kính cặp mũi của bà Tony nằm nghiêng trên sống mũi như thừa, bà đang chăm chú buộc cái nơ đỏ lên quai cái làn màu vàng, chuẩn bị làm tặng phẩm sinh nhật cho một người quen. Ông nghị ngồi nghiêng trên cái ghế đệm lò-xo có lưng tựa, ngả người ra phía sau, chân gấp lại, đọc báo, chốc chốc lại rít một hơi thuốc Nga, rồi nhả ra một làn khói trắng qua bộ râu.

Đó là một buổi tối chủ nhật ấm áp mùa hè. Cánh cửa sổ rộng lớn mở toang, không khí dịu mát tràn vào. Từ bên bàn nhìn sang bức tường tam giác màu tro của tòa nhà đối diện, có thể trông thấy những ngôi sao lấp lánh giữa các đám mây đang trôi chầm chậm. Phía trước đường, quán bán hoa tươi của vợ chồng Iwersen vẫn chưa tắt đèn. Xa hơn một chút, trong cái ngõ yên tĩnh có tiếng đàn phong cầm vọng ra, rất nhiều âm sai, người chơi đàn hình như là bạn của anh xà ích.

Ngoài cửa sổ thỉnh thoảng lại có tiếng cười đùa. Mấy người thủy thủ quàng tay nhau vừa đi vừa hát, miệng ngậm thuốc lá, họ từ một nơi nào đó khả nghi gần bến tàu đi tới một nơi càng khả nghi hơn. Tiếng nói oang oang và bước chân loạn xạ của họ mất dần trong cái ngõ chạy ngang.

Ông nghị để tờ báo xuống cái bàn bên cạnh, cho kính mũi vào túi áo gi-lê, đưa tay lên xoa trán và dụi mắt.

— Chẳng có quái gì, tờ báo này chẳng có quái gì! - Ông nói - Tôi đọc, lại nhớ đến các cụ ngày xưa nói đến các món ăn “nhạt như thè lưỡi ra ngoài cửa sổ”... Xem ba phút hết ngay. Chẳng có quái gì!

— Đúng, anh nói đúng đấy...! - bà Tony dừng tay nói, nhìn ông anh qua cặp kính - Báo này có gì đâu! Trước kia, hồi em còn bé, em cũng đã nói, tờ báo này đến là nghèo nàn. Tất nhiên, em cũng xem, biết làm thế nào? Còn tờ nào khác nữa?... Suốt ngày cứ phải đọc tin đại thương gia này, ông nghị nọ sắp tổ chức lễ cưới tiền, cưới bạc... phát ngấy lên được. Phải có một tờ báo khác, ví dụ như tờ...

Bà chưa nói hết câu đã cầm tờ báo lên, giở ra, nhìn từng cột, vẻ khinh thường. Bỗng mắt bà dừng lại ở một mẩu tin ngắn bốn năm dòng... Tiếng bà nghẹn lại. Bà cầm kính đọc, vừa đọc miệng bà vừa há ra. Đọc xong, bà kêu lên, đưa hai tay lên ôm má.

— Không thể thế được!... Không thể có việc ấy được! Không, chị Gerda... anh Thomas, anh chị xem này!... Dễ sợ chưa! Thương cho con Armgard! Nó gặp việc này!...

Bà Gerda ngước đầu lên, ông Thomas ngạc nhiên quay sang phía bà em gái. Bà Tony đọc to mẩu tin, giọng bà run run, nhấn từng chữ tưởng như chữ nào cũng liên quan đến vận mệnh mọi người. Tin từ Rostock cho biết, ông chủ trang trại Pöppenrade là von Maiboom đêm hôm qua tự tử bằng súng lục ngay trong phòng giấy. “Nguyên nhân hình như là vỡ nợ. Ông von Maiboom để lại một vợ, ba con”. Đọc xong, bà để tờ báo rơi xuống đầu gối, ngả người ra phía sau im lặng, mắt buồn thảm nhìn ông anh và bà chị dâu.

Khi bà đọc xong thì ông Thomas Buddenbrook quay người đi, nhìn phòng khách tối om sau bức màn.

Căn phòng lặng ngắt, hai phút sau ông mới hỏi:

— Bằng súng lục à - Làm thinh một lúc, ông nói chậm rãi, gằn từng tiếng như châm biếm - Ừ lão quý tộc ấy kết liễu đời mình như thế ư?

Rồi ông lại trầm ngâm suy nghĩ. Tay ông mân mê râu mép, cử chỉ bối rối ấy không đi đôi với ánh mắt mơ màng, trì trệ, không tự chủ của ông.

Ông không hiểu nỗi buồn của bà em gái và không đoán được cuộc sống sau này của người bạn gái Armgard ra sao, cũng không chú ý đến bà Gerda, bà ta không quay đầu lại nhưng vẫn chăm chú dò xét chồng bằng đôi mắt màu nâu rất gần nhau, có bóng tối che phủ.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx