sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 7

Đã sang mùa đông. Qua lễ Noel không mấy chốc là tháng giêng, tháng giêng năm 1875. Trên mặt đường, tuyết và bụi đất lẫn lộn đóng thành những tảng cứng. Hai bên mé đường, tuyết chất thành đống. Trời ẩm dần, tuyết xám lại, nhũn ra và bắt đầu tan thành những dòng nước nhỏ. Đường phố ướt át, lầy lội. Từ trên mái nhà tam giác, tuyết tan thành nước, chảy xuống. Nhưng trên đầu, bầu trời xanh lơ không một gợn mây. Trong không khí như có ngàn vạn nguyên tử tỏa sáng, nhảy múa long lanh tựa thủy tinh...

Trung tâm thành phố thật là ồn ào náo nhiệt vì hôm nay là ngày chủ nhật lại đúng ngày phiên chợ. Người bán thịt bày quầy ngay dưới vòm cửa liên hoàn hình nhọn của nhà Hội đồng thành phố, đang cân thịt cho khách hàng với hai bàn tay đầy máu. Xung quanh vòi phun nước là hàng cá. Mấy bà béo ị ngồi ở đấy, tay mang những chiếc găng rụng gần hết lông, chân gác trên chậu than cho ấm. Họ đon đả chào mời các chị ở gái, các bà nội trợ. Ở đây không ai sợ mắc lừa. Chắc chắn là cá còn tươi, con nào cũng béo và đang vùng vẫy. Thùng chật như nêm, nhưng vẫn có những con bơi qua bơi lại không gò bó chút nào. Có những con nằm trên thớt mà vẫn giãy giụa, hai mắt thao láo, mang phập phồng, đuôi quẫy mạnh cho đến lúc người ta nắm lấy, chặt phập một nhát vào cổ đứt đôi bằng con dao đầy máu, bấy giờ mới thôi. Lươn vẫn bò qua bò lại, oằn èo. Những thùng sâu đen ngòm chứa đầy tôm của biển Baltic. Có lúc, một con cá chép rất khỏe nhảy lên, rơi xuống đường vừa bẩn vừa ướt, làm cho chủ nhân của nó vừa chửi càu nhàu, vừa chạy đến nhặt để vào chỗ cũ.

Buổi trưa, phố Breiten người qua lại rất đông. Học sinh đeo cặp sách đi tới, vốc những cục tuyết đã chảy nước ném nhau, phố xá rộn lên trong tiếng cười đùa. Những cậu con nhà khá giả đầu đội mũ thủy thủ kiểu Đan Mạch hoặc mặc những bộ quần áo kiểu Anh đúng mốt, tay xách cặp, mặt vênh váo - các cậu lấy làm hãnh diện được vào ban thực hành. Những ông thị dân có chút địa vị để râu con kiến, tay cầm ba-toong, mặt lộ vẻ tin tưởng vào chủ nghĩa tự do của quốc gia, nhìn vào cửa chính của nhà Hội đồng xây bằng gạch lưu ly. Hôm nay trước cổng có thêm hai người lính gác vì nghị viện đang họp. Hai người lính gác này khoác áo ca-pốt, đi đi lại lại không sai một bước, không hề để ý đến tuyết và bùn đất dưới chân. Đến giữa cửa chính, họ lại gặp nhau, nhìn nhau, trao đổi một câu gì đó, rồi mỗi người lại đi về một phía. Có lúc, viên sĩ quan đi tới, cổ áo dựng ngược, hai tay thọc vào túi - những viên sĩ quan ấy phần lớn đều đeo đuổi một hai cô gái của gia đình nào đó, mà cũng thu hút được ánh mắt thầm phục của các cô con nhà khuê các - Lúc này, hai người lính đang đứng trước vọng gác, nhìn mình từ đầu đến chân, bồng súng chào... Còn lâu mới đến lúc họ phải chào các ông nghị tan họp ra về.. Cuộc họp mới bắt đầu được bốn mươi lăm phút. Có lẽ cho đến khi tan họp sẽ có người đến đổi gác...

Giữa lúc ấy, một trong hai người lính gác nghe thấy tiếng động nhẹ ở phòng lớn nhà Hội đồng, tiếp theo có bóng áo đỏ của ông Uhlefeldt từ trong cửa xuất hiện. Ông Uhlefeldt đội mũ ba góc, đeo kiếm, vội vã bước ra, khẽ nói: “Xin chào!” rồi quay vào ngay. Bấy giờ mới nghe thấy tiếng chân bước trên đường lát đá...

Lính gác vội đứng nghiêm, gót chân dập vào nhau, cổ rướn thẳng, ngực ưỡn, báng súng áp sát vào chân rồi hô hai tiếng ngắn gọn và lập tức đứng tư thế chào. Một vị, tạm cho là vóc người tầm thước, tay cầm mũ, đi giữa hai người lính. Đôi lông mày nhàn nhạt của ông hơi xếch, trên khuôn mặt trắng bệch là hai hàng râu vừa nhọn hoắt vừa dài.

Hôm nay, ông nghị Buddenbrook ra về trước, không chờ tan họp...

Ông rẽ về bên phải, nghĩa là ông không đi theo con đường về nhà. Ông ăn mặc chỉnh tề, trang nhã, không chê vào đâu được. Bước đi của ông vẫn nhảy nhót như trước kia. Khi vào phố Breiten thì dọc đường, vừa đi ông vừa chào hỏi mọi người. Ông mang đôi găng tay lông cừu trắng, ba-toong cán bịt bạc kẹp ở tay trái. Dưới cổ chiếc áo da dày cộp có thể nhìn thấy cái cà vạt của bộ áo đuôi tôm màu trắng. Tuy có tô điểm, nhưng nét mặt ông vẫn lộ vẻ mệt mỏi. Nhiều người đi qua thấy nước mắt ông trào ra từ trong đôi mắt đỏ ké. Đôi môi ông mím chặt, lệch về một bên, trông rất kỳ dị. Chốc chốc ông lại nuốt cái gì đó vào cổ họng, hình như miệng ông đầy nước bọt. Nhìn bắp thịt hai bên má và thái dương, có thể biết mỗi lần nuốt như thế, ông phải nghiến chặt răng lại.

— Chao ôi! Ông Buddenbrook! Ông về trước đấy ư? Thật là chuyện hiếm có! - Đi đến phố Nhà máy xay, ông chưa kịp nhìn ra ai, bỗng người đi tới đã chào hỏi ông như thế. Đó là ông Stephan Kistenmaker, ông ta dừng lại trước mặt ông Buddenbrook. Ông là bạn cũ và là người sùng bái ông Buddenbrook. Về mọi vấn đề xã hội, ông ta đều nhìn ông Buddenbrook mà làm theo. Ông Kistenmaker râu quai nón, da mặt đã sạm lại. Lông mày ông ta rất rậm, mũi dài, đầy lỗ chân lông. Mấy năm trước, ông ta lãi được một món kha khác, thế là thôi từ đấy không mở quán rượu nữa. Anh Eduard, con trai ông ta, đứng bán thay, còn ông ta sống về lợi tức. Nhưng ông ta tự thấy xấu hổ với anh em bạn bè, nên cố làm ra vẻ bận rộn, không có thì giờ lui tới với họ.

— Tôi mệt quá thể! - Ông ta đưa tay lên xoa xoa mái tóc sấy quăn - Ôi, con người sinh ra ở đời này chỉ được cái việc là bận bịu hết ngày thì thôi! - Ông ta thường đứng hàng tiếng đồng hồ ở Sở giao dịch, hoa chân múa tay ra vẻ quan trọng lắm, kỳ thực ông ta chả có việc gì ở đấy cả! Ông ta nhận một số chức vụ hữu danh vô thực. Cách đây ít lâu, ông ta làm quản lý nhà tắm thành phố, ngoài ra còn làm bồi thẩm, làm giám đốc, làm người chấp hành di chúc. Ông sốt sắng với những công việc ấy, lúc nào cũng đưa tay lau mồ hôi trán.

— Vẫn đang họp đấy chứ, ông Buddenbrook? - Ông ta lại nói - Sao ông lại ra dạo phố?

— Ờ ông đấy à? Ông nghị nhếch mép trả lời khe khẽ - Tôi đau lắm...

Dễ có lúc đau không còn biết trời đất là gì nữa.

— Đau? Đau chỗ nào?

— Đau ở răng? Từ hôm qua, suốt cả đêm chẳng chợp mắt được tí nào... Thật không còn thì giờ nào nữa mà đến bác sĩ khám! Sáng sớm đã phải đến công ty, cuộc họp này tôi cũng không muốn vắng mặt.

Giờ thì đau không chịu nổi, tôi định đi đến đằng ông Brecht một tí...

— Ông đau răng nào ạ?

— Cái răng bên trái hàm dưới... răng hàm... sâu hết rồi! Đau không chịu nổi, thôi chào ông, ông Kistenmaker! Ông biết cho, thời gian của tôi rất ít ỏi...

— Tất nhiên, tôi biết! Ông tưởng tôi không biết ư? Công việc cứ chồng chất lên, làm không xuể. Xin chào ông! Mong ông chóng khỏi. Nhổ quách đi ông ạ. Giải quyết ngay tức thì là biện pháp hay nhất...

Ông Thomas Buddenbrook tiếp tục bước tới, hai hàm răng nghiến chặt, nhưng như vậy càng làm ông đau thêm. Chỉ một cái răng ấy thôi mà làm cho nửa người bên trái ông nhức nhối không chịu nổi, như lửa đốt, như kim châm. Chỗ viêm như có cái búa nhỏ đốt nóng đập mạnh, làm cho cả mặt ông nóng bừng, nước mắt cứ trào ra. Một đêm mất ngủ ảnh hưởng đến thần kinh. Vừa rồi ông phải cố gắng lắm mới đứng nói chuyện được với ông Kistenmaker mấy câu.

Đến phố Nhà máy xay, ông vào một ngôi nhà quét vôi vàng sẫm, lên gác hai, ở cửa sổ có tấm biển đồng khắc mấy chữ “Bác sĩ nha khoa Brecht”. Ông không thấy người hầu gái ra mở cửa. Hành lang ngào ngạt mùi thịt bò xào xúp-lơ. Ông bước vào phòng khám, mùi thuốc nồng nặc phả vào mũi.

— Mời ông ngồi, xin ông chờ cho một lát!

Một giọng nói như giọng nói bà già, đó là tiếng con vẹt. Con chim nhốt trong chiếc lồng sáng loáng, treo ở bức tường sau, nhìn ông bằng đôi mắt độc ác.

Ông nghị ngồi xuống cạnh cái bàn tròn, giở tờ Flic ra định đọc mấy mẩu chuyện cười, nhưng rồi lập tức ông gấp lại, chống cây ba-toong bịt bạc lạnh ngắt lên má, nhắm đôi mắt sưng mọng, khe khẽ rên lên mấy tiếng. Trong phòng im phăng phắc, chỉ có tiếng con vẹt mổ vào lồng. Dù không bận, ông Brecht cũng thích để khách đợi một lúc.

Lát sau, ông Thomas Buddenbrook lại đứng dậy rót nước ở cái bình để trên bàn ra uống. Mùi clo trong nước nồng nặc. Rồi ông mở cửa thông sang hành lang, gọi một tiếng, mong ông Brecht không có việc gì bận lắm không rời ra được, thì hãy nhanh lên một chút. Răng ông đau lắm rồi!

Lập tức, bộ râu trắng, cái mũi khoằm và cái đầu hói của bác sĩ nha khoa xuất hiện ở cửa phòng phẫu thuật.

— Xin mời vào! - Ông nói.

— Xin mời vào! - Con vẹt nhại lại.

Ông nghị đi vào, nét mặt ủ ê. “Chắc ông ta đau lắm!”. Ông Brecht nghĩ bụng, sắc mặt trở nên trắng bệch.

Hai người đi nhanh qua căn phòng sáng sủa, đến trước một cái ghế quay, có đệm đầu và tay vịn bọc nhung. Căn phòng này có hai cửa sổ, cái ghế kê ngay trước mặt cửa sổ. Ông Thomas Buddenbrook ngồi vào ghế, nói mấy câu ngắn ngủi về bệnh tình của mình rồi ngả đầu ra phía sau, nhắm mắt lại.

Ông Brecht nâng ghế cao hơn một tí, cầm gương nhỏ và cái kìm bằng thép khám. Tay ông có mùi xà phòng thơm, hơi thở có mùi thịt bò xào súp-lơ.

— Cái răng này không nhổ không xong! - Một lúc sau ông mới nói, sắc mặt ông càng tái hơn.

— Ông cứ nhổ cho! - Ông nghị nói, nhắm mắt lại.

Căn phòng im lặng một lúc. Ông Brecht đứng trước tủ chọn những dụng cụ cần thiết, sau đó đi đến cạnh bệnh nhân.

— Tôi bôi cho ông một tí thuốc - Nói xong, ông liền lấy một thứ thuốc gì, mùi rất nồng, bôi vào lợi. Rồi giọng thật nhẹ nhàng, bảo bệnh nhân ngồi yên, không được động đậy, há to miệng ra, ông bắt đầu nhổ.

Hai tay ông Thomas Buddenbrook nắm chặt tay vịn ghế bọc nhung. Ông không có cảm giác gì về cái kìm đưa vào răng thế nào cả, nhưng có tiếng lách cách từ miệng phát ra, đầu nhức nhối, có thể nói đến tận xương tủy. Ông hiểu rằng công việc đang tiến hành bình thường. Chúa phù hộ, ông cầu nguyện cho những phút ấy chóng qua đi. Nỗi đau đớn mỗi lúc một dữ dội, cứ tăng mãi vô hạn độ, đến mức không chịu đựng nổi, trở thành cực hình, đau kêu trời kêu đất, tim gan cũng phải nát ra, đầu óc như sắp nổ tung, lúc đó mới cho là xong, còn bây giờ thì mình chỉ có chịu đựng mà thôi!

Tình trạng ấy kéo dài ba bốn giây đồng hồ. Ông Brecht lấy sức quá mạnh, chân tay run lên. Sự kích động cao độ ấy của ông truyền sang ông Thomas Buddenbrook làm ông này nhỏm dậy. Nghe tiếng ứ ự trong cổ họng bác sĩ nha khoa. Bỗng ông cảm thấy có cái gì va chạm mạnh, chấn động toàn thân ông, rồi bực một tiếng! Ông vội vã mở choàng mắt... Đầu nhẹ hẳn, nhưng tai vẫn ù ù. Chỗ viêm ở hàm răng nhức như lửa đốt. Ông thấy rất rõ mục đích lần này chưa đạt được, vấn đề chưa được giải quyết thật sự. Tai họa này chỉ làm cho tình hình gay go hơn... Ông Brecht lùi lại một bước, tựa vào tủ thuốc, mặt tái mét, như mặt người chết, nói lắp ba lắp bắp:

— Cái răng... tôi biết trước mà!

Ông Thomas Buddenbrook nghiêng người, nhổ máu vào cái chậu xanh bên cạnh. Lợi ông bị xé rách ra. Ông mơ màng hỏi:

— Biết thế nào cơ? Răng ra sao rồi?

— Răng bị gãy, ông nghị ạ! Tôi sợ như thế mà! Răng của ông giòn quá... nhưng dù sao tôi cũng thử xem...

— Bây giờ làm thế nào?

— Ông cứ mặc tôi, ông nghị!

— Ông định làm gì?

— Phải nhổ chân răng ra. Dùng kìm. Cái răng này có bốn chân.

— Bốn chân? Nghĩa là phải chịu đau bốn lần?

— Biết làm thế nào được, cũng phải như thế thôi!

— Hôm nay chỉ thế này thôi. - Ông nghị nói và muốn đứng nhanh dậy, nhưng không hiểu sao không đứng lên được mà lại ngả đầu tựa ra phía sau.

— Ông Brecht thân mến ơi! Ông nên đòi hỏi vừa phải thôi - ông nói tiếp - Tôi yếu lắm... Hôm nay như thế là quá sức rồi. Ông làm ơn mở hộ cái cửa sổ kia có được không?

Ông Brecht làm theo yêu cầu của ông nghị và nói:

— Tốt nhất, mai kia bất cứ lúc nào ông lại đây để tôi làm cho xong. Phải nhận là, tôi cũng... Ông hãy để tôi rửa cho ông, bôi thuốc cho nó đỡ đau...

Xong hai việc ấy, ông nghị đi ra. Ông Brecht nhún vai tỏ vẻ đáng tiếc. Phải cố gắng hết sức ông bác sĩ nha khoa, mặt tái nhợt, mới làm nổi cử động ấy.

— Xin chờ một lát...! - Khi ông nghị đi qua phòng khám, con vẹt nói. Lúc ông Thomas Buddenbrook xuống đến tầng dưới, nó vẫn lải nhải.

Dùng kìm... Được, được, đó là chuyện ngày mai. Bây giờ thì sao? Về nhà nghỉ, cố gắng ngủ một giấc. Thần kinh đau đớn tưởng chừng mất hết cảm giác rồi, bây giờ thì miệng còn nóng bỏng, tê dại. Vậy thì về nhà!... Ông đi chậm rãi qua từng phố một, ai chào hỏi, ông trả lời qua một cách máy móc. Mặt ông lộ vẻ do dự, trầm tư, hình như ông đang suy nghĩ: “Rồi sẽ ra sao đây?”

Ông đã đi vào ngõ Hàng cá, bước lên vỉa hè bên trái. Được một quãng vài mươi bước, bỗng ông cảm thấy buồn nôn. “Sang quán rượu kia uống một chén brandy vậy!”. Nghĩ thế rồi ông đi ngang qua đường. Nhưng đến giữa đường xảy ra việc sau đây. Hình như có ai nắm chặt lấy đầu ông, quay rất mạnh, không cưỡng được, tốc độ mỗi lúc một nhanh, vòng quay mỗi lúc một nhỏ dần, cuối cùng một sức mạnh ghê gớm, tàn bạo không thương tiếc đập đầu ông vào trung tâm của vòng quay rắn như đá... Cả người ông quay đi nửa vòng, ông dang tay ra, ngã lăn xuống mặt đường ướt át!

Đường ngõ này rất dốc, nên nửa người trên của ông thấp hơn hai chân. Ông ngã mặt úp sấp, máu đọng thành vũng, mũ của ông lăn mấy vòng trên mặt đường. Chiếc áo khoác da của ông lấm đầy bùn và nước tuyết. Hai tay đi găng da cừu trắng ngập trong một vũng nước.

Ông đã ngã như thế. Một lúc sau mới có mấy người qua đường lật ông lại.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx