sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 8

Bà Tony bước lên cầu thang, một tay nâng tà áo, tay kia áp lên má chiếc găng da màu nâu. Không phải bà bước mà nói là bà lảo đảo thì đúng hơn, mấy lần suýt ngã. Chiếc mũ trên đầu nghiêng về một bên, hai má nóng bừng, môi trên hơi nhếch, lấm tấm mấy giọt mồ hôi. Bà không trông thấy ai nhưng cứ vừa đi vừa lẩm bẩm, chốc chốc lại nghe rõ một vài tiếng, đó là vì bà sợ quá mà thảng thốt nói ra: “Không hề gì!”

— Không có gì quan trọng cả... Chúa không để cho như thế! Chúa đã biết xảy ra việc gì rồi! Ta tin như thế. Không thể xảy ra được... Ôi, lạy Chúa, hằng ngày con xin cầu nguyện Chúa...

Bà sợ quá nên cứ lẩm bẩm những câu không có ý nghĩa gì cả, chân bước thất thểu lên tầng gác ba, rồi đi qua hành lang.

Cửa thông ra phòng phía trước nhà để ngỏ. Bà chị dâu đi ra.

Sự sợ hãi, sự ghê tởm làm cho những nét trên khuôn mặt trắng trẻo xinh xắn của bà Gerda Buddenbrook thay đổi hẳn. Đôi mắt màu nâu hơi gần nhau, có quầng thâm chớp chớp trông hết sức buồn bã, bối rối. Thấy bà Tony đi tới, bà liền giơ tay vẫy gọi rồi ôm chầm lấy, gục đầu lên vai bà.

— Chị Gerda, chị Gerda! Làm sao thế? - Bà Tony kêu lên - Có việc gì thế hả chị? Sao thế ạ? Ngã à? Người ta nói thế nào? Ngất đi phải không? Bây giờ anh ra sao rồi? Chúa phù hộ! Có khổ không, chị nói cho em nghe với, chị!

Nhưng bà không trả lời được ngay. Bà chỉ thấy toàn thân bà Gerda run rẩy. Sau đó, bà nghe có người ghé vào tai thì thầm:

— Khi người ta cõng anh về - Bà nghe như thế - trông thương hại quá! Cả đời anh không để một tí bụi dính vào người, thế mà bây giờ đến nỗi như thế kia! Thật là khôi hài, thật là quá quắt!

Họ nghe có tiếng ai nói chuyện khe khẽ. Cửa thông sang phòng thay áo mở ra, bà Ida Jungmann mặc váy trắng tay cầm chậu thau, đứng ở cửa, mắt đỏ hoe. Trông thấy bà Tony, bà liền cúi đầu lùi lại một bước nhường lối. Cằm bà run run.

Bà Tony bước vào phòng ngủ, bà chị dâu theo sau. Tấm màn hoe che cửa sổ khẽ bay. Bước vào phòng mùi ê-te và mùi các thứ thuốc khác lẫn lộn phả vào mũi. Ông Thomas Buddenbrook nằm trên giường gỗ hồng đào lớn, đắp chiếc chăn lông ngỗng màu đỏ tươi, mặc quần áo ngủ thêu hoa. Mắt ông khép hờ, con ngươi đưa ngược lên, môi run run dưới chòm râu rối bời, chốc chốc có tiếng ứ ự từ trong cổ họng đưa ra. Bác sĩ trẻ tuổi Langhals cúi lom khom đang tháo cái băng dính đầy máu trên mặt ông và nhúng một dải băng khác vào chậu nước để ở đầu giường, sau đó nghe tim, bắt mạch. Johann ngồi trên tấm đệm mềm để trên đầu giường, vừa mân mê cái nơ trên áo lính thủy, vừa lắng nghe thanh âm từ trong miệng bố đưa ra. Bộ quần áo bê bết bùn đất vắt trên một chiếc ghế.

Bà Tony quỳ xuống cạnh giường, nắm bàn tay giá lạnh nặng chịch của ông anh, nhìn đăm đăm vào mặt. Lúc này bà thấy rằng dù Chúa có biết hay không, Chúa cũng đã để cho chuyện bất hạnh kia xảy ra rồi!

— Anh Tom! - Bà gọi khe khẽ - Anh có nhận ra em không? Anh thấy thế nào? Anh không thể bỏ chúng em mà đi như thế được! Ôi, không thể được!

Bà không nghe thấy tiếng trả lời nào cả. Bà ngước mắt nhìn bác sĩ Langhals, cầu cứu. Bác sĩ đứng kia, mắt nhìn xuống, vẻ mặt bác sĩ tỏ ra rằng đó là ý chí của Chúa thân yêu, nhưng ông lại không lấy thế làm vui.

Bà Jungmann đi ra xem có việc gì cần đến bà hay không. Cụ bác sĩ Grabow đến. Cụ hòa nhã bắt tay mọi người rồi lắc đầu khám, và cũng làm những việc như bác sĩ Langhals vừa làm...

Chuyện truyền đi khắp thành phố nhanh chóng như một cơn gió. Ở cổng ra vào luôn luôn có tiếng chuông gọi, người giúp việc cứ luôn luôn phải chạy vào thưa có khách đến hỏi thăm. Bệnh tình ông nghị vẫn chưa có gì thay đổi. Ai cũng được trả lời giống nhau.

Cả hai vị bác sĩ đều thấy ít ra đêm hôm nay phải có một người hộ lý đến giúp việc. Thế là cho người đi gọi bà xơ Leandra đến. Khi bà ta vừa bước vào, trên mặt bà ta không có vẻ gì sợ hãi, kinh hoảng cả. Lần nào bà ta cũng để túi xách, khăn quàng, áo ngoài vào một chỗ, rồi bắt đầu làm việc, nhẹ nhàng, khéo léo.

Johann ngồi hàng giờ trên cái đệm, nhìn chung quanh, lắng nghe tiếng ứ ừ kia. Chú phải học bổ túc môn toán, nhưng chú biết lần này việc xảy ra trong nhà làm cho ông giáo có cái áo vét dạ cũng phải kinh ngạc. Ngay bài tập chú cũng bỏ, không nghĩ tới, hơn nữa chú còn bĩu môi chế nhạo! Bà Tony đi tới, ôm chặt lấy chú, nước mắt chú cũng trào ra. Nhưng thường thì chú chỉ ngồi im lặng, vẻ mặt lạnh lùng, trầm tư, con mắt ráo hoảnh, chớp chớp. Chú thở khe khẽ và không đều, hình như chú đang chờ cái mùi thơm kỳ quái khác thường kia!...

Gần bốn giờ, bà Tony đã quyết định. Bà mời bác sĩ Langhals sang phòng bên cạnh, tay vòng lại, đầu ngả ra phía sau rồi để cằm tì sát ngực.

— Thưa bác sĩ - bà nói - chỉ có bác sĩ mới giúp được việc này thôi, nên mới nhờ đến bác sĩ! Xin bác sĩ nói thật cho! Tôi là một phụ nữ đã được thử thách nhiều. Trong cuộc sống tôi phải chịu đựng biết bao nhiêu chuyện đau đớn, tàn khốc. Bác sĩ cứ tin ở tôi!... Ông anh tôi liệu có thể sống đến ngày mai không? Xin bác sĩ cứ nói thẳng cho!

Bác sĩ Langhals nhìn thẳng vào móng tay cái của mình, nói đến sự bất lực của con người và chuyện ông anh bà có sống nổi đến ngày mai không, hay chỉ vài phút nữa thôi... đó là câu hỏi hết sức khó trả lời.

— Như thế thì tôi biết tôi phải làm gì rồi! - Nói xong, bà đi ra, bà cho người nhà đi mời mục sư Pringsheim.

Mục sư vội đến, không kịp ăn mặc chỉnh tề. Áo choàng thâm nhưng lại không có mũ. Ông lặng lẽ nhìn bà xơ Leandra rồi ngồi xuống cái ghế để cạnh giường người ta vừa mang đến cho ông. Ông nói mấy câu để xem người bệnh có nhận ra mình nữa hay không. Không có một phản ứng nào nên ông đành chuyển sang nói chuyện với Thượng đế bằng tiếng La-tinh rất trang nhã. Giọng ông lúc bổng, lúc chìm, có lúc trầm lắng, có lúc the thé, sắc mặt ông cũng có lúc ảm đạm mà nhiệt thành, có lúc ôn hòa mà rạng rỡ... Khi ông phát âm chữ “r” trơn tuột đặc biệt của ông, Johann thấy rõ là ông vừa uống cà phê và ăn bánh sữa.

Ông nói, ông và những người có mặt ở đây không còn cầu xin cho sinh mệnh của người thân yêu này nữa, bởi vì họ thấy rằng Chúa gọi về là ý định của Chúa. Bây giờ chỉ cầu xin Chúa ban ơn cho người đó yên tĩnh rời khỏi trần thế này. Sau đó, ông đọc hai đoạn kinh thích hợp với cảnh này bằng một giọng thật xúc động, rồi đứng dậy. Ông bắt tay bà Gerda Buddenbrook, bà Tony rồi đưa cả hai tay lên xoa đầu Johann, nhìn đăm đăm vào đôi mắt sụp xuống của chú. Thân hình ông run rẩy vì thương tiếc và đau khổ. Ông chào bà Jungmann, cuối cùng lạnh lùng đưa mắt liếc nhìn bà xơ Leandra rồi ra về.

Bác sĩ Langhals về nhà một lúc rồi trở lại, thấy vẫn nguyên như cũ. Ông chỉ nói với người giúp việc điều gì đó rồi cáo từ. Cụ bác sĩ Grabow cũng tới lần nữa, xem xét cẩn thận một lượt rồi cũng rút lui. Ông Thomas Buddenbrook vẫn trợn mắt, miệng lắp bắp và vẫn ú ớ trong cổ họng. Trời tối dần. Ngoài kia, nắng chiều mùa đông hiện lên bầu trời, rọi vào cửa sổ, chiếu thẳng vào đống quần áo bết bùn vắt trên ghế.

Khoảng năm giờ, bà Tony vì quá xúc động đã làm một việc chưa kịp suy nghĩ kỹ. Lúc đó bà đang ngồi cạnh giường đối diện với bà chị dâu, bỗng bà chắp hai tay lại, bằng giọng cổ họng đọc to một đoạn trong bài Tụng ca:

“Chúa hỡi! Hãy dứt... - Bà đọc to, mọi người ngây ra lắng nghe.

“Hãy dứt mọi nỗi khổ đau,

Cho người sức mạnh nước vào cõi tiên...”

Bà thành tâm quá nên những lời cầu nguyện âm thầm bà cũng đọc lên thành tiếng. Bà không nghĩ rằng đoạn thơ ấy bà không thuộc, đến dòng thứ ba là phải ngừng lại. Quả nhiên như thế. Khi giọng lên cao thì bà bỗng thôi, không đọc tiếp nữa. Bà đành ngồi thật nghiêm trang, thay cho đoạn kết thúc của bài ca.

Mọi người trong nhà nức nở chờ đợi bà đọc tiếp, cảm thấy bối rối. Johann cố ho lên thật to nghe như rên. Sau đó, trong bầu không khí trầm lắng, chỉ còn lại tiếng thở đau đớn của ông Thomas Buddenbrook nữa mà thôi.

Khi chị hầu gái bước vào thưa với mọi người rằng ở phòng bên đã chuẩn bị thức ăn, mọi người mới được giải thoát. Nhưng lúc ai nấy ở trong phòng ăn sắp sửa ăn xúp thì bà xơ xuất hiện trước ngưỡng cửa. Bà dịu dàng vẫy tay gọi mọi người.

Ông nghị sắp tắt thở. Ông rên lên hai ba tiếng khe khẽ rồi thôi. Môi cũng không động đậy nữa. Đó là lần duy nhất bệnh tình biến đổi. Trước đó, hai con mắt ông đã đờ đi rồi. Mấy phút sau, bác sĩ Langhals tới. Ông áp ống nghe đen ngòm của ông vào ngực người chết, nghe hồi lâu rồi giám định theo đúng lương tâm nhà nghề, nói:

— Đúng thế, ông nghị không còn nữa!

Bà xơ Leandra đưa cánh tay trắng trẻo mềm mại ra, lấy ngón tay cái vuốt thật cẩn thận hai mắt người chết.

Lúc ấy, bà Tony chạy đến quỳ xuống cạnh giường, úp mặt vào chăn, khóc to, không kiềm chế, để cho tình cảm bộc lộ thoải mái. Tình cảm ấy được bộc lộ thì tinh thần bà cũng sảng khoái trở lại. Bà thường như thế, đó cũng là hạnh phúc bẩm sinh của bà. Lúc bà đứng dậy, nước mắt đầm đìa, thì tinh thần bà thanh thản, cứng cáp hơn ban nãy. Bà đã lấy lại được cái thăng bằng trong tâm hồn. Bà nghĩ ngay đến việc báo tin buồn không chậm trễ - cần in ngay một lô giấy cáo phó thật đẹp!

Ông Christian xuất hiện. Ông đang ở câu lạc bộ, nghe tin ông anh ngã ở ngoài đường, thế là về ngay. Nhưng sợ phải thấy cảnh ghê rợn, nên ông cố tình đi một vòng ở ngoài cửa thành để không ai biết tìm ông ở đâu nữa. Bây giờ bỗng thấy ông ló mặt về. Ông vừa vào đến cửa thì đã nghe tin ông anh qua đời.

— Sao có thể thế được nhỉ? - Ông nói, thất thểu bước lên cầu thang, hai mắt đảo quanh.

Ông cũng đứng cạnh giường, giữa bà em gái và bà chị dâu, đầu để trần, má lõm sâu, hai hàng râu rối bù, mũi to, khoằm khoằm, chân vòng kiềng gầy guộc, trông như cái dấu hỏi. Đôi mắt nhỏ trũng sâu của ông nhìn vào mặt người chết, khuôn mặt ấy trở nên trầm mặc, giá lạnh, xa vời, thật khó lòng mà trách móc. Mọi lời trách móc của người đời không thể làm cho nó xúc động được nữa rồi... Khóe miệng ông Thomas chảy xuống, trông như đang dè bỉu ai. Ông Christian đã từng trách anh rằng: “Tôi có chết đi thì anh cũng chẳng thèm nhỏ lấy một giọt nước mắt!”. Thế mà bây giờ người bị trách móc đã chết rồi, không trối trăng một lời! Ông ta bước vào thế giới bên kia một cách kiêu hãnh, đẹp đẽ, làm cho mọi người cảm thấy xấu hổ, cũng như những việc ông ta vẫn làm lúc sinh thời. Lúc ông ta còn sống, hễ ông Christian nói đến bệnh tình của mình, nói đến bóng ma vẫy gọi mình, nói đến chai rượu cồn, cánh cửa sổ mở, ông ta thường nhìn một cách lạnh lùng, khinh bỉ để trả lời. Bây giờ nghĩ lại, ông ta làm thế đúng hay sai? Điều ấy không phải hỏi. Nó không có một ý nghĩa gì hết, bởi vì Tử thần độc đoán, chuyên chế đã chọn đúng ông ta, rửa sạch tội lỗi cho ông ta, đón ông ta đi, dành cho ông ta một vinh dự rất cao, khiến mọi người phải kính nể và quan tâm đến ông ta. Còn ông Christian thì lại bị Tử thần ruồng rẫy. Tử thần còn tiếp tục đùa giỡn ông bằng những trò chơi, không còn làm ai kính nể ông cả. Chưa bao giờ ông Thomas Buddenbrook lại được ông em trai kính nể như lúc này. Không còn nghi ngờ gì cả, đúng là chỉ có cái chết mới làm người khác tôn trọng những nỗi đau khổ của ta, dù là những nỗi đau khổ nhỏ bé không đáng đếm xỉa tới. Cái chết cũng làm người khác phải tôn kính ta. “Thế là anh đi rồi, em xin cúi mình chào anh!”. Ông Christian nghĩ thầm. Ông vụng về quỳ xuống, hôn bàn tay lạnh giá đắp dưới chăn. Rồi ông lùi lại hai bước, bắt đầu nhìn chung quanh, cặp mắt đảo qua đảo lại.

Những người đến viếng có vợ chồng các bà ở ngoài phố Breiten. Ông Marcus cũng tới, cô Klothilde đáng thương cũng có mặt, cô đứng cạnh giường, gầy còm, nhỏ bé, xanh xao, hai tay đeo găng sợi khoanh trước ngực, mặt đờ đẫn như không cảm xúc chút nào.

— Bà Tony, bà Gerda chớ tưởng rằng tôi không khóc - giọng bà ngậm ngùi kéo dài - lòng tôi đã giá lạnh! Tôi không còn nước mắt nữa. Không ai có thể không tin lời cô nói. Cô đứng kia, khô cằn, tàn héo.

Cuối cùng, mọi người rời căn phòng ấy, nhường chỗ cho một bà già móm mém, ít ai ưa. Bà ta đến để giúp bà xơ Leandra tắm rửa và khâm liệm cho ông Thomas.

Tối hôm ấy, đã khuya lắm rồi bà Gerda Buddenbrook, bà Tony, ông Christian và Johann vẫn còn ngồi dưới ánh đèn măng-sông, chung quanh cái bàn tròn trong phòng khách, làm việc không biết mệt. Họ ngồi xúm lại, kê danh sách những người phải gửi giấy cáo phó, viết phong bì. Mấy cái bút kêu loạt soạt cùng một lúc. Chốc chốc lại nghĩ ra một người nào đó, lại ghi vào danh sách... Việc này cần có Hanno giúp, vì chữ chú rất đẹp, và thời gian cũng gấp lắm.

Trong nhà, ngoài nhà đều tĩnh mịch, thỉnh thoảng chỉ có tiếng chân bước, nhưng rồi lại mất hút. Cái đèn măng-sông kêu xè xè. Có ai đó thì thào một tên người, tiếp theo là tiếng loạt soạt trên giấy. Khi ánh mắt mọi người gặp nhau, họ mới nhớ là có việc chẳng lành xảy ra. Bà Tony đưa bút lia lịa, vẻ trịnh trọng. Nhưng như thể đã tính toán cẩn thận, cứ năm phút bà lại buông bút xuống, nắm chặt tay, để lên khóe miệng, than thở:

— Ôi, thật tôi không còn hiểu ra sao nữa! - Bà kêu lên như vậy, có nghĩa là bà bắt đầu rõ dần việc gì đang xảy ra.

— Nhưng bây giờ thế là thôi! - Bỗng bà kêu lên một cách tuyệt vọng rồi ôm lấy cổ bà chị dâu mà khóc nức nở. Khóc một lúc, hình như có thêm sức, bà lại tiếp tục viết.

Ông Christian cũng giống như cô Klothilde đáng thương, không có lấy nổi một giọt nước mắt. Ông cảm thấy thế thật là xấu hổ. Ý nghĩ sợ rằng người khác cười ông cứ đè nặng lên tim ông. Với lại, lúc nào ông cũng lo cho sức khỏe của mình, đó cũng là nguyên nhân làm cho tinh lực ông cạn dần, tình cảm ông chai đi. Chốc chốc ông lại đứng dậy, đưa tay sờ cái trán nhẵn thín, hạ thấp giọng, nói:

— Ôi, thảm hại quá!

Câu ấy ông nói với bản thân ông, cố trách mình, mong nhỏ được vài giọt nước mắt.

Bỗng xảy ra một việc làm đảo lộn tất cả mọi việc. Johann cười phá lên. Lúc viết phong bì, chú viết đến một cái tên rất buồn cười, thế là chú không nhịn được. Chú đọc lên, cúi rạp người về phía trước, rung rung, hít không khí vào, không thể kiềm chế được nữa. Thoạt đầu ai cũng tưởng chú khóc, nhưng không phải chú khóc. Người lớn chỉ còn biết nhìn chú nữa mà thôi, chẳng biết làm thế nào cả. Lát sau, mẹ chú đưa chú đi ngủ.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx