sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Hãy nói yêu thôi, đừng nói yêu mãi mãi! - Tập 3 - Chương 08

Xử án một câu thơ

ĐOÀN CÔNG LÊ HUY

1. Bị đơn: Một câu trong bài ca dao quá nổi tiếng không ai là không biết: Trong đầm gì đẹp bằng sen/ Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng/ Nhị vàng bông trắng lá xanh/ Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn

2. Công tố viên: Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường. Theo nhà văn, bài thơ này có xuất xứ từ miệng lưỡi một gã đồ nho trịch thượng. Trịch thượng với cội nguồn. Không phải là gần bùn mà là từ   bùn, sen đã và đang được bùn nuôi dưỡng. Không lẽ câu ca dao nghìn năm lại dạy cho các em sự vô ơn bội nghĩa hay sao ? Ca dao nói chung, không như vậy. Đây là một cá biệt thốt lên từ một kẻ nguỵ quân tử “lỡ miệng”nào đó

3. Nguyên đơn kiêm chánh toà: Nhà thơ Phùng Quán. Chính chữ ”gần bùn, hôi tanh” đã làm cho “Ông Quán” nổi giận đùng đùng: “Tất cả là trong một chữ gần. Chỉ một chữ mà làm ta thấu gan thấu ruột. Nhân danh bùn, nhân danh sen, tôi đề nghị đuổi câu thơ phản trắc này ra khỏi kho báu của nhân dân”

4. Cảm xúc của người dự phiên toà: Tôi theo dõi “phiên toà”qua trang sách “Nhàn đàm” của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường. Thốt nhiên tôi thấy buồn.

Tôi, lũ chúng tôi đã học chuyên văn, đã học đại học rồi cao học ngữ văn, đã hàng chục lần “ăn” điểm 9, 10 khi bình giảng bài ca dao này. Bao giờ chúng tôi cũng ca ngợi nó như một hòn ngọc trong kho tàng folklore. Chúng tôi chỉ có một giọng. Không ai có một giọng xét đoán nào khác dù chỉ là một sự xét đoán mang tính hoài nghi khoa học. Không một tinh thần phê phán. Cả các nhà phê bình văn học cũng cùng một giọng ( hay ít ra là chúng tôi chưa được đọc một giọng nào khác)

5. Ý nghĩa xã hội của phiên tòa: Là … chẳng có ý nghĩa gì sất, khi các em đã và vẫn được học theo một kiểu học không cần sáng tạo. Cấp 1 học thuộc lòng những bài văn mẫu rồi chép lại nguyên văn là OK. Cấp 2 học thuộc lòng từng dấu chấm dấu phẩy trong bộ đề thi – đến cả những thầy cô tác giả bộ đề thi còn kinh ngạc về khả năng học thuộc lòng của họ.

Một báo cáo của Liên hợp Quốc cho biết, để có một thành phẩm giáo dục toàn diện, cần phải hội đủ 4 điều: Nghĩa vụ công dân, truyền thông, sáng tạo và phê phán. Mất khả năng phê phán cũng là mất luôn khả năng tìm tòi sáng tạo, mất tinh thần khoa học. Ngại tìm tòi cái mới dù chỉ là manh nha một ý tưởng nhỏ thì làm sao theo cho kịp cuộc sống bên ngoài đầy mới mẻ luôn diễn ra từng phút từng giờ.

Kể chuyện xử án câu thơ cũng là một cách nói vui thôi, cho các bạn nghe để chúng mình “tự xử”, tìm ra một phương pháp học sao cho phải, cho đúng trong nền tảng giáo dục còn nhiều yếu kém như hiện nay.

Bạn có nhận ra không, điều con người cân nhất chính là con người

Thần hộ mệnh

NGÔ THỊ PHÚ BÌNH

Có một người cha đi công tác xa, giữa bộn bề âu lo, thọc tay vào túi, bỗng thấy một chú ngựa nhỏ. Chú ngựa yêu quý của cô con gái yêu, có lẽ đã được bỏ vào túi trong một khoảnh khắc bí mật, bằng một cái nhón chân nhẹ nhàng. Chú ngựa như một lời chúc "Bình an, cha nhé!"

Có một người cha đi công tác xa, giữa bộn bề âu lo, thọc tay vào túi, bỗng thấy một chú ngựa nhỏ. Chú ngựa yêu quý của cô con gái yêu, có lẽ đã được bỏ vào túi trong một khoảnh khắc bí mật, bằng một cái nhón chân nhẹ nhàng. Chú ngựa như một lời chúc "Bình an, cha nhé!"

Có một người mẹ đi xuất khẩu lao động nước ngoài, chị chưa thạo tiếng Anh, điều đó khiến nhân viên hải quan nước bạn không có cảm tình lắm... Nhưng khi mở cuốn hộ chiếu của chị, nhân viên hải quan nọ bỗng mỉm cười, và thủ tục của chị được thực hiện nhanh chóng. Chị rất ngạc nhiên! Nhưng về sau chợt nhận ra là mình, khi đưa hộ chiếu, đã quên không giữ lại bức tranh trẻ con mà cậu con trai vẽ chị với mái tóc phidê và cặp kính rất dễ nhận ra. Chị kẹp bức tranh vào cuốn hộ chiếu vì đó, với chị, là hai thứ quan trọng nhất khi tới nơi đất khách quê người. Và điều kỳ lạ đã xảy ra. Có thể bởi người nhân viên hải quan xa lạ kia cũng có giữ bên mình một bức hình như thế!

Bạn tôi kể rằng từ khi đứa con ra đời, anh bắt đầu tập đi xe máy chậm! Tập bỏ thuốc lá! Làm việc gì cũng nghĩ đến đứa con mới chào đời! Con gái mình sẽ nghĩ sao? Nó sẽ ra sao nếu mình làm việc này, làm việc kia? Bạn tôi nói rằng chính anh cũng bất ngờ khi một cái sinh linh bé nhỏ lại có thể thay đổi cả cách sống của anh, và có lẽ sẽ là cả cuộc đời anh như thế!

*

*     *

Khi gặp những mối nguy khốn khủng khiếp, Harry Potter gọi ra vị thần hộ mệnh của mình! Một chú hươu toả sáng! Nghe cha đọc đến đây, con hỏi cha! Vậy thần hộ mệnh của cha trông giống thế nào?

Vậy con có biết, những lúc lo âu nhất, cha nghĩ đến nụ cười của ai không? Và cái ôm của ai có thể khiến cha quên đi những nỗi mỏi mệt của một ngày căng thẳng? Là con đấy, con yêu! Con là vị thần hộ mệnh giữ gìn trái tim và tâm hồn của cha! Và cha sống mỗi ngày một tốt hơn là vì con đấy!

Có lẽ đó cũng là lý do khiến rất nhiều ông bố bà mẹ giữ những bức ảnh của những đứa con của mình trên bàn làm việc, cài trong ví, giữ trên screensaver của máy vi tính như giữ bên mình một khoảng trời bình yên, như giữ cho tâm hồn mình một vị thần hộ mệnh bé bỏng, mà sức mạnh là một nụ cười lỏn lẻn, một câu nói thơ ngây, một cái níu tay âu yếm!

Ai qua là bao chốn xa...

P.L.A

Có một hôm, tình cờ lạc vào forum của trường cũ, tôi đọc được câu này của một người bạn thân thiết thưở ấu thơ: “Bình yên – là khi được ra khỏi nhá”

Tôi hiểu vì sao bạn viết vậy, vì tôi đọc được phía sau dòng chữ ấy một nỗi buồn vô hạn.

Nhà chỉ là một từ ngắn ngủi, nhưng hàm nghĩa của nó thì có thể rất mênh mông.

Nhà trong nỗi buồn của bạn là căn biệt thự vắng người, và mỗi khi có người thì đầy tiếng cãi vã.

Nhà trong kí ức của tôi là một căn nhà nhỏ khi tôi chưa đầy ba tuổi, nơi tôi chạy quanh chân ba trong cái sân nhỏ có trồng những cây cà chua.

Nhà trong nỗi nhớ của cô bạn thân vừa dọn qua khu phố mới kín cổng cao tường là cái xóm nhỏ ồn ào mà thân mật, những ngôi nhà cũ có hàng rào thấp và thưa, nơi người này có thể đứng ngoài đường mà lơ đãng ngó vô phòng khách nhà người khác..

Nhà cũng có thể là một gia đình ba người hay thậm chí hai mươi người, một thị trấn nhỏ hay một thành phố lớn.

Nhà đối với những người xa quê hương chính là cái dải đất hình chữ S nhỏ nhắn bên bờ biển Đông trên bản đồ thế giới, và với những phi hành gia làm việc trên trạm không gian, nhà có thể là viên ngọc xanh tuyệt đẹp ngoài vũ trụ kia, đang quay rất chậm.

Nhà cũng có thể là tình yêu của một ai đó dành cho ta, là trái tim ấm áp của một ai đó, nơi mà ta luôn ao ước được chạy đến náu mình. Để tìm lại sự bình yên.

Nhà chỉ là một từ ngắn ngủi, nó không đồng nghĩa với sự bình yên, nhưng chúng ta vẫn luôn khao khát rằng nó gắn với sự bình yên. Và khi nào nhà trái nghĩa với bình yên thì đó là khởi đầu của sự bất hạnh.

Tôi tin rằng mái nhà nào cũng từng có lúc đồng nghĩa với niềm vui và cả sự bình yên. Nhưng bạn của tôi ơi, sự bình yên của nhà không được mặc định là có sẵn. Nhà là phần cứng, còn sự bình yên, hạnh phúc, niềm vui là phần mềm. Gia đình là phần cứng còn tình yêu và sự thấu hiểu là phần mềm.

Bởi thế cho nên, sự bình yên là thứ phải được thiết lập, và vì thế, có thể tái thiết lập. Nếu ta là một phần của nhà, dù chỉ là một phần nhỏ, nếu ta thật mong muốn mái nhà thân yêu của ta có được nó, hay lại có nó một lần nữa, thì ta phải tham gia vào quá trình thiết lập đó.

Bằng một nụ cười xoa dịu, bằng một câu nói vị tha, bằng sự thương yêu nhẫn nhịn, bằng trái tim ấm sẵn sàng sẻ chia, một cái nắm tay thấu hiểu, hay có thể bằng một giọt nước mắt. Dù thế nào, cũng không phải bằng sự buồng xuôi.

Để kéo những trái tim về gần với nhau. Để setup nhà thành một nơi ta phải luyến tiếc khi rời xa và luôn mong mỏi quay về.

Bạn của tôi ơi, Tôi còn nhớ khi chúng ta còn nhỏ, lúc chúng ta cùng ngồi chung một chiếc ghê mây dưới tán mận trong vườn nhà, mẹ của bạn hát cho chúng ta nghe câu hát này:

“Ai qua là bao chốn xa, thấy đâu vui cho bằng mái nhà…”

Tôi vẫn nhớ, cho đến bây giờ, bài hát ấy. Và tôi vẫn nghĩ rằng, nếu đã không nơi đâu có thể bằng mái nhà của mình, thì điều tối thiểu ta có thể làm cho ký ức của mình, là đừng để nhà trái nghĩa với sự bình yên. Và rằng đừng đợi đên khi ta “qua bao chốn xa” rồi mới thấy mình yêu thương nó, vì biết đâu, đến khi ấy thì ta đã không thể nào về lại được.

Điều Con Người Cần Nhất

NGÔ THỊ PHÚ BÌNH

1. Đó là một buổi tối rất bình yên, cả nhà tôi đang cùng xem bộ phim truyền hình yêu thích thì chuông điện thoại reo. Mẹ nhấc máy. Chăm chú lắng nghe, nói “Vậy à, vậy à, ừ...”. Rồi đặt máy. Tôi thoáng thấy mẹ làm một việc rất lạ nữa - rút “giắc” cắm điện thoại. Rồi mẹ lại cùng bố con tôi xem phim. Đó là đêm cháy chợ Đồng Xuân. Bạn hàng hốt hoảng báo cho mẹ biết là lửa đã cháy đến sạp vải của nhà chúng tôi. Sau đó là những năm vay mượn, đầu tắt mặt tối, gây dựng lại từ đầu. Có lần tôi hỏi mẹ về tối hôm đó, mẹ trả lời êm ả: “Mẹ không muốn bố cuống lên rồi lao đến đó, nhỡ có làm sao...”. Cả cơ nghiệp lao đao, nhưng trong giây phút đó, mẹ chỉ nghĩ đến bố tôi.

2. Chị tôi dành dụm vốn liếng định mua một mảnh đất ở ngoại thành. Hẹn được với người ta mang tiền đến đặt cọc, chị vội vã gọi taxi. Dọc đường, chị bắt gặp một đoàn nam phụ lão ấu hớt hơ hớt hải bồng một cô bé bị trâu húc vẫy xe xin đi nhờ lên Hà Nội cấp cứu. Chị tôi lập tức bảo anh lái xe quay xe, đưa cô bé con, người mẹ, và cả chị thẳng về Hà Nội. Mẹ cô bé tê liệt vì sợ hãi, chỉ biết ôm con khóc ròng. Một mình chị lo toan cho cô bé vào phòng cấp cứu, nhập viện, thậm chí đóng luôn cả tiền viện phí khi biết người mẹ không có nổi 100 nghìn trong túi... Khi chắc chắn là cô bé an toàn, chị mới trở về nhà. Không bao giờ nhắc đến chuyến xe ấy tốn kém bao nhiêu, tiền viện phí thế nào, hay buồn vì mảnh đất ưng ý kia không kịp đặt cọc đã qua tay người khác. Và cứ đến Tết, nhà chị lại có thêm những người khách từ quê ra.

3. Cha tôi là một người thành đạt, cha rất yêu công việc, đi sớm về khuya, mất ăn mất ngủ. Còn mẹ tôi, trong mắt mọi người, là một phụ nữ thật bình thường với những lo toan giản dị. Nhưng có lần cha nói với tôi rằng dù cha rất yêu thích công việc, nhưng cha không cần nó, cũng như cha cũng chẳng cần lắm nhà cửa, tiền bạc. Tất cả những gì cha cần là mẹ, có mẹ là cha có tất cả, kể cả những thứ rất quý giá, như là... chúng tôi

Đôi khi bạn phải ngạc nhiên về những người mà bạn yêu quý. Sự an nhiên nơi tâm hồn họ. Những quyết định đơn giản mà quyết liệt. Sự bình thản của họ trước những thứ tưởng chừng rất quan trọng, nhưng lại không thật sự quan trọng. Cái cách mà họ tha thiết với con người. Giản đơn, nhưng mãnh liệt.

Nhưng hiểu được họ, bạn sẽ hiểu được niềm vui của thuỷ thủ đoàn khi nhìn thấy đất liền, của khách lữ hành khi nhìn thấy làng mạc, của nhà du hành vũ trụ qua khung cửa tàu nhìn thấy Trái Đất, của Robinson khi có được Thứ Sáu, nụ cười âu yếm của bất kỳ ai khi thấy một em bé sơ sinh. Cả việc tại sao, con người cứ mải mê tìm kiếm những nền văn minh ngoài Trái Đất... Và nỗi đau đớn khôn nguôi trào ra thành nước mắt và tiếng thét khi con người vì thiên tai, vì chiến tranh, vì bệnh tật, mà phải mất nhau trong cõi nhân gian...

Liệu bạn có nhận thấy, điều mà con người cần nhất trên thế gian này không phải danh vọng, không phải tiền bạc, không phải nhà cửa, không phải đất đai... Bạn có nhận ra không, điều mà Con Người cần nhất chính là Con Người...

Nghẹn lời thương đỏ mắt chuyện tương phùng

PHẠM LỮ ÂN

(Cho Ba đang nằm trên giường bệnh,

và những người cha khác.)

Cách nay hơn một tháng, Lê Thị Hà Tuyên – cô học trò 18 tuổi ở thị xã Tuy Hòa (Phú Yên) – bị tai nạn do nổ bình gas tại phòng trọ học. Cô bị phỏng toàn thân tới 66% và các bác sĩ tiên lượng khó qua khỏi. Ba Tuyên quyết cứu lấy đứa con thương yêu, đã đưa cô vào BV Chợ Rẫy và xin các bác sĩ phẫu thuật lóc da ở hai đùi mình để ghép cho con.

Những ngày này, người cha ấy vẫn đang lê lết hai đùi chân đã lóc da rỉ máu để chăm con.

Đó là một trong nhiều người cha mà tôi biết.

*

*     *

Nhà văn Jean-Louis Fournier trong tự truyện “Ba ơi mình đi đâu?” đã viết:

“Hồi còn trẻ, tôi thường ao ước về sau sinh được một lũ con. Tôi thấy mình vừa hát vừa leo lên những dãy núi, vượt qua các đại dương cùng những thủy thủ bé nhỏ nom rất giống tôi, đi khắp thế giới với phía sau là một bầy trẻ con vui vẻ, tò mò, ánh mắt sống động, những đứa trẻ sẽ được tôi dạy thật nhiều điều, tên gọi của cây cối, chim muông và các vì sao. Những đứa trẻ sẽ được tôi dạy chơi bóng rổ và bóng chuyền, những đứa trẻ sẽ cùng tôi thi đấu và không phải trận nào tôi cũng thắng.”

Giấc mơ đó chắc cũng giống như giấc mơ của bất cứ người đàn ông nào.

Jean-Louis Fournier có đến hai đứa con trai thiểu năng và “tật nguyền vĩnh viễn”. Mathieu đã chết và Thomas mãi đến ba mươi tuổi vẫn chỉ có thể lặp đi lặp lại hàng chục lần câu hỏi “Ba ơi mình đi đâu?”

“Những ai chưa từng sợ có một đứa con bất thường hãy giơ tay.

Chẳng có ai giơ tay cả.

Mọi người đều nghĩ đến chuyện đó như nghĩ đến một trận động đất, như nghĩ đến ngày tận thế, thứ gì đó chỉ xảy ra một lần.

Tôi có đến hai ngày tận thế.”

Những người đàn ông trở thành người cha không chỉ để hiện thực hoá ước mơ, mà còn để gánh vác trách nhiệm, nỗi lo lắng, đôi khi cả sự đau đớn và tuyệt vọng.

*

*     *

Tôi nhớ lúc nhỏ, có lần tôi phạm lỗi, mẹ phạt quỳ úp mặt vào tường suốt hai tiếng đồng hồ. Khi đi làm về, nghe mẹ kể lại, ba đã gọi tôi đến và nói: “Trở thành người như thế nào là tự do của con. Trở thành người tốt hay người xấu là tự do tuyệt đối của con. Con có toàn quyền lựa chọn cho cuộc đời mình. Ba mẹ yêu thương con không phải vì con ngoan mà vì con là con của ba mẹ, bởi vậy kể cả khi con trở thành một người xấu, một kẻ dối trá hay thậm chí trộm cắp, thì tình yêu của ba mẹ dành cho con vẫn không thay đổi. Nhưng ba muốn con biết rằng ba mẹ sẽ rất hạnh phúc và tự hào nếu con trở thành một người chính trực và biết yêu thương”

Đó là lý do đầu tiên để tôi muốn trở thành một người chính trực và biết yêu thương. Thậm chí là tôi chỉ cần một lý do đó mà thôi.

Kinh Talmud viết “Khi ngươi dạy con trai mình, tức là người dạy con trai của con trai ngươi” Bởi thế, hiển nhiên là tôi cũng sẽ nói với con tôi những lời ba tôi đã nói.

*

*     *

Ngạn ngữ Anh chép rằng “Một người cha hơn một trăm ông thầy”. Còn Sigmund Freud thì nói “Tôi không thể nghĩ ra nhu cầu nào trong thời thơ ấu mạnh mẽ hơn nhu cầu có được sự bảo vệ của một người cha”

Ai cũng có thể dạy một cậu con trai mới lớn lái xe, hoặc mở ra và lau cái bugi bị ướt khi đi qua quãng đường ngập nước. Nhưng thật đặc biệt khi cậu học những điều đó từ chính cha mình.

Ai cũng có thể dạy một cậu bé đá bóng và vẽ tranh. Ai cũng có thể đọc cho cậu bé nghe một cuốn sách hay kể chuyện trước khi ngủ. Ai cũng có thể trả lời những câu hỏi ngây thơ, tò mò và không chịu ngừng nghỉ của cậu. Nhưng sẽ là những giây phút thiên thần nếu đó là một người cha. Khi cậu có thể nằm cuộn trong lòng, gác chân lên bụng cha và cười khúc khích.

Và mẹ cậu sẽ bảo trông hai cha con giống nhau như hai hình vuông hay hai hình tròn hay hai ngôi sao hay hai trái tim, hai giọt nước hay hai tam giác đồng dạng. Dù là gì thì cũng giống nhau một cách ngộ nghĩnh.

Và người ta nói rằng đó là bằng chứng hiển nhiên nhất của sự tiếp nối.

*

*     *

Cha mẹ yêu thương chúng ta, và chúng ta yêu thương con cái mình bất kể giới tính. Nhưng có một điều chắc chắn là cha mẹ luôn chia sẻ điều gì đó đặc biệt hơn, sâu sắc hơn với những đứa con cùng phái tính với mình. Như mẹ và con gái, cha và con trai.

Cha và con gái là một tình cảm ngọt ngào, thậm chí dễ cảm nhận hơn tình cảm giữa Cha và con trai. Một đứa con gái với những lọn tóc mềm và giọng nói nũng nịu có thể làm trái tim người cha tan chảy. Chỉ những cô gái mới khiến người cha trở nên mềm mỏng và dịu dàng: “Con gái rượu của ba!”. Còn những đứa con trai luôn ít được tận hưởng sự dịu dàng đó từ cha, trái lại, luôn là sự nghiêm khắc, cứng rắn và thậm chí lãnh đạm. Nhưng dù vậy, sợi dây kết nối giữa cha và con trai luôn mãnh liệt hơn những mối liên hệ khác trong gia đình. Bởi “những gì nín lặng nơi người cha sẽ được nói ra nơi đứa con trai. Và tôi thường nhìn thấy ở những đứa con trai bí mật hiển lộ của người cha” (Friedrich Nietzsche)

*

*    *

Có bao nhiêu lần cha và con trai nhìn vào mắt nhau để nhìn thấy tình thương tràn đầy trong đó? Hay chỉ nhìn vào mắt nhau những khi đối đầu? Như Charles Wadsworth nói “Lúc mà một người đàn ông nhận ra rằng cha mình có lẽ đã đúng, thường thì ông ta có một đứa con trai nghĩ rằng ông ta đã sai”

Cha và con trai, sách vở thường dạy rằng hãy cố gắng để là bạn của nhau. Nhưng cũng như bạn bè đồng lứa, đôi khi ta không thể làm bạn với người mà ta mong được là bạn. Không phải người cha nào cũng có thể là bạn với con. Vì sự khác nhau (hay quá giống nhau?) về tính cách, chúng ta có thể xung khắc nhau như nước và lửa. Nhưng vậy thì sao? Cho dù không thể là bạn thì chúng ta vẫn luôn là cha và con trai.

Chẳng lẽ điều đó không đủ tuyệt vời hay sao?

*

*     *

Tôi nhớ ngày xưa khi tôi chuẩn bị nhập ngũ, cũng là lần đầu tiên xa nhà. Mẹ lăng xăng đồ đạc, nước mắt ngắn dài. Ba ngồi im không nói.

Tôi cứ ngỡ ba không để tâm.

Chiều nay, tôi bỗng nhớ lại dáng ngồi nghiêng nghiêng ấy, khi đọc được mấy câu thơ này:

“Không tiễn con ra phi trường,

Ba chỉ ngồi lặng yên quay mặt

Nghẹn lời thương đỏ mắt chuyện tương phùng”(*)

Phạm Lữ Ân

(*) Trích “Đôi mắt” – Vũ Quyên

Nhưng này, tôi biết chơi Yo – yo

NGÔ THỊ PHÚ BÌNH

Có một bài hát cho những bé lớp 1 mới học tiếng anh

Lời bài hát thế này:

Bạn có biết bơi ko ?

Không, tôi ko biết bơi …

Bạn biết đếm đến mười ko ?

Không, tôi ko biết đếm đến mười

Bạn có thể viết tên bạn ko ?

Không, không tôi ko biết viết tên mình …

Nhưng này, tôi biết chơi yo-yo

Đó là bài hát được yêu thích nhất của một cậu bé nhỏ mới vào lớp 1. Cậu ko học đọc, học viết trước khi đi học như nhiều cô bé, cậu bé khác. Cậu y xì như cậu bé nghịch ngợm trong bài hát, không biết nhưng “điều thông thường”, nhưng biết láp ráp cả thế giới bằng những miếng xép hình. Tụi bạn mới ai cũng thích chơi với cậu, vì dù cậu học không giỏi nhất lớp, nhưng có thể bày ra hàng ngàn trò chơi thú vị đến mê mẩn… Và cậu bé rất hãnh diện về “tài năng” ấy của mình.

Nói về tài năng, có vẻ như cô bé tên Bống cũng không giỏi giang bằng chị gái. Chị chững chạc, em lông bông, chị học rất giỏi, em học bình thường… Thế mà cô bé luôn tự hào: “nhưng em bé nào cũng yêu quý em”. Có gì lạ đâu, vì cô bé yêu tất cả các em bé. Quả là đôi khi chúng ta chẳng coi “biết yêu mến” và “được yêu mến” là tài năng đáng để tự hào, nhưng cô bé Bống đã hãnh diện vô cùng về điều đó. Đó cũng là lý do khiến cô bé hồn nhiên sống hạnh phúc ….

Bất kì đứa trẻ nào cũng tự hào về bản thân mình, niềm tự hào dù ngây thơ, nhưng vô cùng đáng trọng. Thế nhưng khi lớn dần lên cùng những trường những lớp, niềm tự hào và sự tự tin tươi mát thưở đầu đời ấy trong mội cậu bé cứ “bay hơi” dần đi sau nhưng bài giảng khôn sáo và cũ mòn.

Để đến mức, nàng công chú teen Mia sống mạnh mẽ và quả quyết với những lựa chọn của mình đến thế, mà một hôm bỗng hoảng hốt mất phương hướng, phải tự gõ lên trán rằng “mình giỏi gì dậy?”, “mình có tài năng nào không? “Để đến mức hàng ngàn teen đến phòng thi đã cắn bút trước một “ô vuông” mà nghành trong mẫu hồ sơ thi Đại học và Cao Đằng. Học suốt 12 năm trời, mà quá nhiều trong chúng ta đã ko thể tự nhận biết được mình giỏi về cái gì ?

Một ông già người Nhật 71 tuổi tên Yuzo Narumiya, chủ hãng Narumiya International, nhà sản xuất thời trang thiếu nhi số một tại Nhật, đã từng đắng cay thốt lên Sáng tạo bị trường học giết chết mà không ai bị bắt, vì thầy cô không nuôi dưỡng tinh thần sáng tạo của học sinh, tài năng của chúng lần hồi biến mất….

Chúng ta đã để mất đi, đã bỏ qua bao nhiêu tài năng khác thường và thú vị ? Bao nhiêu khả năng có một không hai đã chui chột vào trong những giờ học khô cứng, chỉ có một kiểu giảng bài duy nhất cho hàng ngàn học trò? Thậm chí, khi ra nước ngoài để học tập “phương pháp giảng dạy mới”, ai đó cũng từng đã muốn lấy nguyên giáo trình của những học sinh châu Âu để áp dụng thẳng cho những học sinh Châu Á.

May mắn là mọi thứ đang thay đổi! Nhiều thấy cô đã có những “giờ học kì diệu” làm học trò cứ phải kể mãi cho bạn bè mà không chán. Nhiều ngôi trường đã hiểu rằng học trò chỉ Sáng Tạo khi có Đủ tự tin để sáng tạo, và sự tự tin ấy bắt nguồn từ niềm tự hào về bản thân mà đứa trẻ nào cũng nuôi giữ nó trong tim mình từ thơ ấu… Bằng chúng là bài hát đáng yêu về cậu bé giỏi yo-yo hôm nay. Và không chỉ có vậy….

Hãy tự hào về tất cả những khả năng mà bạn có, họ dù chỉ là “tôi biết chơi yo-yo”. Và để làm được điều đó hãy luôn tự tìm lại chúng trong chính bản thân mình. Mỗi ngày!


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx