sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Hãy nói yêu thôi, đừng nói yêu mãi mãi! - Tập 3 - Chương 09

Bản thân chúng ta là giá trị có sẵn

PHẠM LỮ ÂN

Lâu rồi, tôi có đọc được bài phỏng vấn Ngô Thị Giáng Uyên, tác giả cuốn sách được nhiều bạn trẻ yêu thích - “Ngón tay mình còn thơm mùi oải hương”. Trong đó cô kể rằng khi đi xin việc làm ở công ty Unilever, có người hỏi nếu tuyển vào không marketing mà làm sales thì có đồng ý không. Uyên nói có. Nhà tuyển dụng rất ngạc nhiên bởi hầu hết những người được hỏi câu này đều nói không. “Tại sao phỏng vấn marketing mà lại làm sales?”. Uyên trả lời: “Tại vì tôi biết nếu làm sales một thời gian thì bộ phận marketing cũng sẽ muốn đưa tôi qua đó, nhưng đã quá muộn vì sales không đồng ý cho tôi đi.”

Chi tiết này khiến tôi nhớ một câu chuyện khác về diễn viên Trần Hiểu Húc. Khi cô đến xin thử vai Lâm Đại Ngọc, đạo diễn Vương Phù Lâm đã đề nghị cô đóng vai khác. Hiếu Húc lắc đầu: “Tôi chính là Lâm Đại Ngọc, nếu ông để tôi đóng vai khác, khán giả sẽ nói rằng Lâm Đại Ngọc đang đóng một vai khác”.

Đâu là điều giống nhau giữa họ? Đó chính là sự TỰ TIN. Và tôi cho rằng họ thành công là bởi vì họ tự tin.

Có thể bạn sẽ nói “Họ tự tin là điều dễ hiểu. Vì họ tài năng, thông minh, xinh đẹp, học giỏi…bla…bla … Còn tôi, tôi đâu có gì mà tự tin?”

Tôi không cho là vậy. Lòng tự tin thực sự không bắt đầu bởi những gì người khác có thể nhận ra, như gia thế, tài năng, dung mạo, bằng cấp, tiền bạc, quần áo,…Mà nó bắt đầu từ bên trong bạn, tự sự BIẾT MÌNH. Biết mình có nghĩa là biết điều này: Dù bạn là ai thì bạn cũng luôn có sẵn trong mình những giá trị nhất định.

Gốc rễ vấn đề là ở chỗ đó, bản thân bạn không đủ để bạn tự tin sao?

Bạn thân bạn-con người độc đáo nhất trên thế gian này. Bạn biết chăng, thế gian này có điều kỳ diệu, đó là không ai có thể là bản sao 100% của ai cả. Bởi thế, bạn là độc nhất, tôi cũng là độc nhất. Chúng ta đều là những con người độc nhất vô nhị, dù ta đẹp hay xấu, có tài hay bất tài,cao hay thấp, mập hay ốm, có năng khiếu ca nhạc hay chỉ biết hát lào khào như con vịt đực….

Vấn đề không phải là vịt hay thiên nga. Vịt có giá trị của vịt, cũng như thiên nga có giá trị của thiên nga. Vấn đề không phải là hơn hay kém, mà là sự riêng biệt. Và bạn phải biết trân trọng chính bản thân mình. Người khác có thể đóng góp cho xã hội bằng tài kinh doanh hay năng khiếu nghệ thuật,thì bạn cũng có thể đóng góp cho xã hội bằng lòng nhiệt thành và sự lương thiện.

Bạn có thể không bẩm sinh mà học giỏi, nhưng bạn luôn chuyên cần và vượt qua bản thân từng ngày một. Bạn có thể không hát hay, nhưng bạn là người không bao giờ trễ hẹn. Bạn không là người giỏi thể thao nhưng bạn có nụ cười ấm áp. Bạn không có gương mặt xinh đẹp, nhưng bạn rất giỏi thắt cà vạt cho ba, và nấu ăn rất ngon. Chắc chắn, mỗi một người trong chúng ta đều được sinh ra với những giá trị có sẵn. Và chính bạn hơn ai hết, trước ai hết, phải biết mình, phải nhận ra những giá trị đó.

Hơn thế nữa, nếu bạn thực sự tự tin, bạn cũng sẽ biết tôn trọng người khác. Bởi nếu bạn đã hiểu được giá trị của bản thân mình, chắc chắn bạn sẽ hiểu được giá trị của mỗi người bạn gặp. Bạn sẽ nhìn thấy sự giống nhau giữa một ca sĩ nổi tiếng và một người quét rác vô danh, giữa một danh nhân xuất khẩu hàng nghìn tấn thuỷ sản đi nước ngoài và một bà cụ bán cá tươi trong chợ. Bạn sẽ trân trọng những người đó như nhau.

Bản thân mỗi chúng ta là giá trị có sẵn. Nếu bạn muốn có một cơ sở để xây dựng lòng tự tin thì hãy bắt đầu từ đó. TỪ CHÍNH BẢN THÂN MÌNH.

Nhớ giữ ấm

HÀ NHÂN

Hà Nội những ngày cuối tuần vừa rồi tầm tã mưa và lạnh. Người ta nói đang đợt rét nàng Bân. “Nàng Bân xưa may áo ấm cho chồng/ Áo may xong không còn mùa lạnh nữa/ Nàng Bân khóc đất trời thương lệ ứa/ Cho rét về đáp lại nỗi nhớ mong” (thơ Tế Hanh)

Mưa rào rạt lúc sáng sớm, lúc đêm khuya và gió lùa hun hút. Đôi lần nhìn ra con đường mịt mờ mưa, tôi nhớ những ngày còn đi học xa nhà.

Khi lấy áo ấm trước đợt gió mùa về. Khi mở tủ lấy chiếc bánh bột sắn. Khi xếp lại cuốn sách đọc dở. Mỗi lần tôi lại nhặt được tờ giấy nhỏ, thường là một tờ lịch ngày, mặt sau viết dòng chữ: “Nhớ giữ ấm”. Có khi mùa hạ đã sang, nắng ươm vàng trên mặt sông, sương sớm đã có vị mặn của mùa khô hạn, mà lấy chiếc mũ vải, tôi lại thấy trong đó có tờ lịch. Mặt sau vẫn là dòng chữ “Nhớ giữ ấm”. Lời dặn dò của ba tôi.

Người đã xa khuất nhiều năm. Nhiều lần giở cuốn sách tôi không còn nhặt thêm một mảnh giấy nào nữa. Nhưng trên đường đời, tôi lại được nhận những lời nhắc nhở theo những cách khác. Đó là khi ghé qua nhà một người quen biết, thấy trên bàn mẩu giấy nhắn: “Cơm ủ trong chăn, cứ lấy mà ăn kẻo đói”. Đó là khi đi về sau một ngày miệt mài, nhận được một cái quàng vai cảm thông. Đó là khi, giữa một hành lang dài hun hút, với vô số gương mặt lạ, có một người cầm cốc nước ấm dừng lại và hỏi han.

Và cũng nhiều lần tôi cảm nhận được điều đó theo một cách trái ngược. Đó là khi tai lùng bùng với những lời đãi bôi trơn tuột. Ngôn ngữ không qua tim và chỉ là hời hợt điệu nhảy bộ máy cấu âm cuống họng, trót lưỡi, đầu môi… Là khi một ánh mắt trẻ thơ bị ung thư thăm thẳm trên bản tin thời sự, mà những cái cái đầu vẫn cắm cúi với bữa cơm ngon dở. Là khi cảm hứng về một ý tưởng đơn giản về điều hay lẽ phải cho cuộc đời trôi qua trước hờ hững của bao nhiều người. Là khi cảm giác như lạnh lẽo bao trùm không gian giữa ngày nóng nực. cái hơi lạnh do con người toả ra chợt khắc khoải nhớ mẩu giấy “Nhớ giữ ấm” biết bao nhiêu.

Không ai sinh ra đời với trái tim lạnh. Nhưng để giữ ám nó mãi mãi là điều không dễ chút nào. Có người vì hời hợt mà quên rằng mọi thứ trên mặt đất này không tự nhiên mà có. Có kẻ vì sự ân hận mà để lửa ham muốn thiêu đốt khiến tâm hồn trở nên hoang lạnh. Có người vì lấy việc săn tìm cơ hội cá nhân làm lẽ sồng mà ấm lạnh bất thường. Mỗi ngày sống của họ là tập hợp hỗn độn những phức cảm khó lường. Có người vì mê lú. Có người vì phó thác cho nước chảy mây trôi.

“Nhớ giữ ấm” cho trái tim mình. Để giữ ấm cho những người quanh mình. Chiếc áo “may ba tháng ròng mới trọn cổ tay” cũng chỉ là chiếc áo. Chỉ hơi ấm từ trái tim của nàng Bân mới có thể khiến rung động đất trời.

Khi cô ngựa vằn khoác lên mình bộ lông báo đốm

PHẠM LỮ ÂN

Một cô bạn tâm sự với tôi rằng, cô không biết nên làm gì với lọ nước hoa mà anh chàng đồng nghiệp vừa tặng. Khi hai người đang trong tình trạng “tình trong như đã mặt ngoài còn e”, anh tặng cô chai nước hoa Tendre Poison nhân dịp đi công tác nước ngoài về và nói “đó là mùi hương anh rất thích”. Cô sung sướng lắm, chỉ khổ một nỗi, cô không thích và không thấy hợp với cái hương thơm nồng nàn dịu ngọt đó. Mỗi lần sử dụng cô như phải trở thành một người khác.

Tôi nói, em có ba chọn lựa: một là sử dụng mùi hương đó chỉ vì anh ta yêu thích – không loại trừ khả năng nó sẽ khiến anh ta nhớ …người yêu cũ của mình. Hai là cho anh ấy biết em không thích mùi hương đó và cho anh ấy biết em sẽ rất hạnh phúc nếu anh ta tặng em những loại nước hoa nào. Ba là bỏ qua anh chàng ấy nếu chàng ta không vừa lòng với chọn lựa thứ hai.

Mùi hương có thể nói nhiều về người sở hữu nó, vì thế, nước hoa cũng có thể là một chiếc áo hoá trang. Mỗi mùi hương thường quyến rũ một (vài) kiểu người nào đó nên nếu dùng loại nước hoa không đúng với mình, em có thể quyến rũ …không đúng người.

Một anh bạn thân của tôi, lúc trước có hẹn hò với một cô gái, thấy cũng rất xứng đôi, trừ một việc, cô …không thích cả hai mùi nước hoa của anh. Đó là hai mùi nước hoa mà anh ưa thích nhất, nó luôn khiến anh thấy thoải mái và tự tin khi bước ra ngoài. Nó khiến anh thấy mình là mình. Đôi khi, thật điên rồ khi nghĩ rằng anh đã chấp nhận chia tay một cô gái xinh đẹp thay vì chia tay với chai nước hoa giá chỉ vài triệu. Chuyện nhỏ như hạt cát. Nhưng là hạt cát trong chiếc giày – anh nói. Và cuối cùng anh đã cưới một người con gái khác. Tất nhiên, cô yêu thích mùi nước hoa của anh.

Sự thật là những “lấn cấn” nhỏ nhặt đôi khi quan trọng hơn những bất đồng lớn. Bởi cái lấn cấn đó chính là tiếng chuông báo động của giác quan thứ sáu…mơ hồ nhưng rõ ràng là có nguyên do.

Giống như đi mua một chiếc áo, có khi ta lấn cấn vì nó “chỉ” hơi chật chút, hơi rộng một chút, hơi dài một chút…nhưng màu sắc, chất vải, kiểu dáng quá đẹp, thêm vào lời dụ dỗ ngọt ngào của cô bán hàng khiến ta bỏ qua lấn cấn ban đầu. Kinh nghiệm bản thân cho tôi biết thường thì những chiếc áo đó sau khi mua về được nhét vào hốc tủ sau nhiều lần ướm vào rồi lại bỏ ra. Bạn không thể khoác một tấm vải đẹp nếu nó không khiến bạn tự tin và thoải mái.

Tình yêu cũng vậy.

Vì sao em chưa tìm thấy Mr/Ms. Right của mình? Nhiều khả năng là vì chính em cũng chưa tìm thấy mình. Đó là lý do vì sao ở tuổi mười lăm thường có quá nhiều chàng trai yêu thích chỉ một cô gái, hoặc quá nhiều các cô gái yêu thích chỉ một chàng trai. Và vì sao những mối tình đầu thường hay tan vỡ. Người ta bảo không nên lao vào tình yêu khi còn quá trẻ, vì nhiều lý do, và lý do chính đáng nhất, theo tôi, là khi đó ta chưa định hình được bản thân: ta là ai? ta muốn gì? Ta không thể biết mình cần gì khi chưa xác định được là mình thiếu gì.

Có một cô gái hay đến ngồi ở quán cà phê quen của tôi, một mình, uống cà phê đen và châm thuốc hút. Nhìn dáng vẻ và điệu bộ, tôi có cảm giác gần như chắc chắn đó không phải là kiểu của cô. Nhưng vì sao cô làm vậy?  Nếu em tỏ ra mình là người không cần đến một bờ vai thì em sẽ không có được một bờ vai. Nếu em tỏ vẻ mình không muốn nghe lời nói dối thì em phải có khả năng chấp nhận những lời nói thật.

Trong bộ phim George of the Jungle (Brendan Fraser đóng) có một câu thoại khiến tôi bật cười: “Vằn đi với vằn, đốm đi với đốm”. Nếu em là vằn mà khoác lên người chiếc áo đốm, thì hiển nhiên em sẽ thu hút các chàng đốm còn chàng vằn thì…bỏ chạy.

Con người ta có thể thay đổi, và cũng hay thay đổi, nhưng không thay đổi quá nhiều. Thường thì, theo thời gian, những cái “khác với trước đó” mà ta thấy ở một người là do người ta bộc lộ bản thân nhiều hơn là do thay đổi. Bi kịch của cô ngựa vằn khoác lên mình lớp áo đốm là sau khi nhận ra lớp da thật sự đằng sau lớp áo hoá trang thì chàng đốm cũng bỏ đi nốt…Hoặc là bỏ đi sau khi đã xơi tái cô vằn.

Đó là điều vẫn diễn ra hàng ngày. Đó, đôi khi, vẫn là cách chúng ta đánh mất tình yêu, tình bạn của người khác, và là nguyên nhân khiến người khác đánh mất tình yêu, tình bạn của chúng ta.

Thực ra, con người mà ta thể hiện trước nhân gian thường không bao giờ trùng khớp với con người thật sự của ta. Chỉ khác nhau ở chỗ cái phần che giấu ấy là gì, và nhiều hay ít. Năng lực, tình cảm, sự yếu đuối và cả sự mạnh mẽ, những yêu thương và cả những mưu mô toan tính… Đôi khi, ta nhìn xung quanh và thấy cuộc đời như một vũ hội hoá trang vậy, dù rằng có người khoác chiếc áo hóa trang là để tấn công, và có người, để tự vệ. Chỉ những người đủ tin tưởng vào con người cũng như đủ tin tưởng vào bản thân mới có thể bước ra khỏi nhà với con người thật của chính mình. Được kết bạn với những con người như vậy luôn luôn là một may mắn.

Nhưng dù chúng ta hoá trang vì mục đích gì thì vẫn có một sự thật không thay đổi: con người mà ta thể hiện gần với con người thật của ta chừng nào thì những mối quan hệ của ta nhiều khả năng bền vững chừng nấy. Em thể hiện càng gần với bản chất của mình bao nhiêu thì càng có nhiều cơ hội yêu được đúng người bấy nhiêu…

Đó chính là lý do để cô ngựa vằn chẳng việc gì phải tìm cách khoác lên mình bộ lông báo đốm.

Bạn đâu phải là một quân Domino

NGÔ THỊ PHÚ BÌNH

Có rất nhiều điều chỉ bạn mới có thể hiểu cho mình. Nó bé nhỏ, mong manh thôi, với người khác rất có thể là vô nghĩa nhưng bạn lại quyết định gìn giữ nó.

Giống như một cô bé nọ nuôi giữ trong chiếc balô nhỏ của mình một con rắn nhỏ. Con rắn không độc, nó hiền lành thôi, cứ buổi tối lại trườn ra khỏi balô, ghếch cãi đầu thon dài nhỏ nhắn lên ngắm nhìn ngọn đèn trên bàn học. Nhưng vì nó là một con rắn nên chẳng thể để cho tất cả mọi người cùng biết. Ai chẳng e ngại môt con rắn, dù nó chẳng làm hại ai, phải không? Cô bé ấy nuôi một con rắn và người khác nhận ra rằng ta có thể yêu chân thành, ngay cả một sinh vật kỳ quặc!

Bạn vẫn gìn giữ một cái vỏ kẹo. Cái kẹo của một cậu bạn trai, mà bạn thầm quý mến. Cái kẹo thì phải ăn rồi, nhưng cái vỏ kẹo thì vẫn giữ lại. Có thể bạn bè cười bạn giữ rác. Nhưng không phải bạn đang giữ một cái vỏ kẹo, mà là đang giữ những phút giây xao động nhẹ nhàng, giữ một cảm xúc đẹp dành cho một cậu bạn hiền và chân thực...

Bạn treo một bức tranh lên tường, bức tranh không đẹp. Nhưng đó là bức tranh mà bạn đã vẽ với tất cả tâm hồn mình trước một khung cảnh đẹp đến kỳ lạ của thiên nhiên. Dù chưa đủ tài năng để biến nó thành tác phẩm nghệ thuật, nhưng bạn yêu nó vì yêu những giây phút rung cảm của chính mình. Chỉ điều đó cũng đã xứng đáng để nó tồn tại...

Có những điều mà người khác không phải là bạn nên không thể hiểu. Có những thứ mà chỉ mình bạn yêu. Có những thứ khó lòng chia sẻ. Nhưng chỉ vì mình bạn thôi, nó đã đủ đầy ý nghĩa. Bởi ai đang thuộc về sự quan trọng nhất trong thế gian này? Chính là bạn!

Đừng vì mọi người ghét mà mình phải ghét. Đừng vì mọi người yêu mà mình phải yêu. Bạn đâu phải một quân cờ domino xếp hàng tăm tắp cùng những quân domino khác, đứng cùng đứng, ngã cùng ngã...

Chính sự phong phú của muôn vì tinh tú trong vũ trụ cũng không thể bằng sự phong phú của hàng tỉ tỉ tế bào trong cơ thể bạn, tạo nên con người bạn. Hãy giữ gìn bạn như một bản thể đặc sắc và riêng biệt, để tạo nên cả thế gian rực rỡ sắc màu.

Sự dũng cảm của khát vọng

Đ.L.C.H

Khi nhà thơ Lưu Quang Vũ viết câu thơ "Tôi chán cả bạn bè tôi, mấy năm rồi họ chẳng nói được câu gì mới" thì hẳn là Vũ buồn. Nhưng nỗi buồn đó chắc chắn sẽ là lớn hơn rất nhiều nếu không xảy ra với thi ca mà xảy ra với kiến thức đời sống, với khoa học kỹ thuật và công nghệ, bởi ở đó người ta luôn chờ đợi những tiến bộ tính theo từng phút từng giờ.

Thơ đời sau có thể không bằng được thơ Đường, thơ Tống. Một nhà văn hôm nay có thể nói không "vật" nổi một nhà văn thời Cổ điển hay Phục hưng. Cũng như một Nguyễn Du của Trung đại bóng rợp trùm lên cả đương đại là chuyện dễ chấp nhận. Nhưng thật bất hạnh nếu chiếc máy hơi nước của thế kỷ XV đến hôm nay vẫn tiếp tục bò lê bò càng trên phố xá đông đúc. Thật bất hạnh nếu vi trùng lao cho đến hôm nay vẫn chưa có tên gọi là vi trùng Cốc. Thật bất hạnh nếu trong vốn từ vựng của loài người hôm nay chưa biết đến từ vắc-xin và thật bất hạnh khi con quỷ đậu mùa vẫn tiếp tục thò bàn tay gớm ghiếc lên những gương mặt thiên thần của các em bé ngày nay. Muốn có được sự tiến bộ để vượt lên, để cho hôm nay khác hôm qua như vậy phải bắt đầu từ khát vọng.

Trước hết là khát vọng của con người vượt qua tăm tối của nhận thức để tìm đến sự thật - sự thật của kiến thức, của chân lý khoa học.

Đó cũng là khát vọng tự do của con người, bởi người ta chỉ thực sự tự do khi có đủ hiểu biết. "Tự do là tất yếu được nhận thức" (Các Mác).

Đó còn là khát vọng của lòng yêu nước, yêu thương con người, muốn thay đổi cách nghĩ cách làm, sao cho xã hội tốt hơn, đưa cuộc sống con người tiến lên một bước phát triển mới. Ông Nguyễn Trường Tộ thuở còn bé thơ đã bỏ thời gian đi dọc con đê sông Hồng suốt hai ba ngày, để quan sát, để ước lượng những đống cát trong lòng sông cao hơn mặt ruộng bên ngoài đê đến một hai trượng thì hẳn là không phải vì để vui chơi mà vì ông thương người dân châu thổ sông Hồng thường xuyên trong cảnh lụt lội. Đê Văn Giang ở Hưng Yên hồi đó vỡ 18 năm liền. Để rồi lớn lên, bằng những nghiên cứu thực nghiệm, ông đề xuất giải pháp trị thuỷ sông Hồng bằng ý kiến trái ngược và mới lạ, không phải đắp đê mà là đào kênh giảm lưu lượng để vừa tránh hoạ vỡ đê lại tận dụng được phù sa cho cả một vùng đất châu thổ của ông cha để lại. Đây chỉ là một ý kiến nhỏ trong vô số những luận điểm đề xuất để canh tân đất nước của ông Nguyễn Trường Tộ.

Nhưng tại sao khát vọng lại cần có lòng dũng cảm?

Bởi con người không dám phủ định những tri thức của chính mình. Nghiệp chướng này người ta gọi là sở tri chướng. Trong lịch sử dằng dặc gần 20 thế kỷ, chỉ vì người ta lỡ tin theo A-ri-xtốt rằng vật nặng rơi nhanh hơn vật nhẹ mà đến cuối thế kỷ 16, khi Ga-li-lê trèo lên đỉnh tháp nghiêng Pi-sa để thả hai viên bi nặng nhẹ khác nhau rơi xuống đất để làm thực nghiệm cho mọi người thấy tận mắt rằng vận tốc hai viên bi đó giống nhau thì lập tức ông đã bị cho thôi việc và khởi đầu của bao nỗi đoạ đầy danh dự, kéo dài cho đến tận cuối thế kỷ XX. Cuộc đời của Nguyễn Trường Tộ phần nào đó, cũng như vậy.

Em muốn tập sống tự lập, cần lòng dũng cảm... Suy cho cùng, chính nhờ ngược gió mà những cánh diều đã bay lên.

Hãy kiêu hãnh và tự do, như những chú gà rừng

Đ.L.C.H

Tôi là chúa tể của chính tôi…

(Benjamin Franklin)

Anh bạn 18 tuổi mấy hôm nay đang lên tiếng đòi tự do: được mua xe mới để tự lái đi học thay vì để ba đưa đón hoặc đón xe bus, được đóng cửa phòng khi tiếp bạn thay vì mở cửa như mẹ quy định, được thỉnh thoảng ngủ đêm lại nhà trọ của bạn cùng lớp khi có liên hoan thay vì phải về nhà trước mười rưỡi tối…

Bạn nói với tôi rằng thật quá “oải” với sự bảo bọc của cha mẹ. Thậm chí, mỗi lần cắt tóc bạn đều phải theo ba đến tiệm quen. Trong câu chuyện, bạn thú nhận rằng, cho đến tận hôm nay, bạn chưa bao giờ tự xúc cơm vào chén của mình. Đó là việc của mẹ, bà, hoặc cô giúp việc. Bạn chỉ việc bưng tô cơm đã xúc sẵn lên ngồi trước ti vi và ăn.

Đến năm mười bốn tuổi tôi vẫn chưa tự xếp quần áo cho mình. Tất cả đều là việc của mẹ. Giặt, phơi, xếp, ủi, treo lên móc. Mỗi sáng, tôi chỉ việc mặc những chiếc áo rất thẳng thớm tinh tươm để đến trường. Cho đến một ngày nọ mẹ đi vắng, và trời trưa đang nắng bỗng lắc rắc vài hạt mưa. Không cách nào khác, tôi phải làm. Lấy quần áo từ sào phơi, ôm vào phòng. Tôi chợt nhận ra quần áo vừa lấy từ sào xuống thật là thơm, một mùi hương mới mẻ, lạ lẫm, thanh sạch, “nóng giòn”. Mùi của nắng. Và lần đầu tiên trong đời, tôi ngồi xuống bên đống quần áo, lóng ngóng, bắt đầu xếp từng cái một.

Tôi chỉ muốn nói rằng …những ví dụ đó không hoàn toàn là những việc nhỏ nhặt.

Khi không tự làm điều gì đó cho bản thân – chẳng hạn như việc xúc cơm, với bạn, hay việc xếp quần áo, với tôi – ta có thể tận hưởng cảm giác thoải mái của sự bảo bọc (hay lười biếng), nhưng đồng thời, chúng ta cũng đang đánh mất dần – từng chút – một điều rất có ý nghĩa với đời mình: bản năng độc lập.

Bản năng mạnh mẽ nhất của con người là học lấy những kỹ năng sống nhằm tự tồn tại. Vừa lọt lòng mẹ, chúng ta khóc oe oe đòi sữa, vì “con khóc mẹ mới cho bú”. Không có ai dạy cả, Rồi ba tháng biết lẫy, bảy tháng biết bò, chín tháng lò dò biết đi…Rồi nhảy cú nhảy đầu tiên. Ngã cú ngã đầu tiên…Cha mẹ đứng quanh vỗ tay cổ vũ, khen ngợi. Nhưng chính chúng ta, dù bé nhỏ, mong manh như vậy, khi mới vài tháng tuổi đã tự mình làm nên những kỳ tích.

Hãy nhớ lại lúc bé thơ. Khi nào mẹ cho bạn cầm kéo cắt hình chiếc lá: đó là khi mẹ tin rằng bạn có thể cầm kéo mà không tự cắt vào tay mình. Ba mẹ không bế ẵm ta nữa, nếu ta đã biết đi, muốn tự đi một mình và quan trọng nhất là khiến ba mẹ tin rằng ta có thể tự đi một mình, biết vịn vào ghế, biết tự đứng dậy được khi vấp ngã. Có bao giờ bạn tự hỏi: tại sao cha mẹ có thể thả tay ra cho bạn đứng chựng khi bạn mới mười tháng tuổi, mà vẫn xúc cơm cho bạn khi đã mười tám tuổi. Nếu mẹ có thể xúc cơm cho bạn thì có gì lạ đâu nếu ba không yên tâm để bạn lái xe một mình…

Nếu chúng ta không chứng tỏ được rằng mình có thể tự làm, người khác sẽ tin rằng chúng ta không thể tự làm. Nếu bạn không tự làm được điều dễ dàng, cớ sao tôi phải tin rằng bạn có đủ trách nhiệm và nhận thức để làm điều khó hơn?

Trang Tử nói: “Gà rừng trong đầm cỏ đi mười bước mới nhặt được một hạt thức ăn, đi trăm bước mới uống được một ngụm nước. Nhưng chúng không mong cầu được sống trong lồng” Chúng ta có giống được những con gà rừng không? Nếu chúng ta vì ưa thích thóc gạo bày sẵn mà chịu chui vào chiếc lồng. Rồi từ sau những song tre đó, chúng ta đòi trả tự do?

Từ xúc cơm, xếp quần áo, sách vở, đến chọn trường, chọn nghề, tìm việc, kiếm sống, chọn chồng chọn vợ, chọn tương lai… Chúng ta sẽ quá quen với việc được sắp sẵn. Chúng ta ưa làm việc đã được người khác lên kế hoạch hơn là tự mình vạch ra kế hoạch. Chúng ta chuộng thói quen hơn sáng tạo. Chúng ta chỉ vui khi có người tâng bốc, chỉ hết buồn nếu có người an ủi vuốt ve. Chúng ta thậm chí không muốn tự phân biệt sai đúng trừ khi có người làm thay. Chúng ta không thể làm chủ đời mình. Cứ như vậy, chúng ta đánh mất bản năng của gà rừng và biến thành con chim trong lồng lúc nào không biết nữa. Thậm chí, một con chim trong rất nhiều lớp lồng.

Như vậy đó, anh bạn! Không ai lấy mất tự do của chúng ta, chỉ có chúng ta tự nguyện đánh mất nó, thay vì cố gắng giữ lấy nó. Chúng ta, ở tuổi mười tám, thỉnh thoảng kêu gào rằng tại sao cha mẹ lấy hết tự do của con, mà quên rằng chính mình đã đánh mất tự do – từng chút một – từ lâu lắm. Khi được ai đó làm thay một việc nhỏ, và chúng ta chấp nhận việc ấy như điều hiển nhiên, nghĩa là chúng ta đã tự đan thêm một song tre cho chiếc lồng đời mình.

Tác giả Robert Fulghum từng trở thành best seller với một cuốn sách có tựa đề thú vị “Tất cả những gì tôi cần phải biết tôi đều được học ở nhà trẻ”. Đó là những nguyên tắc sống: chia sẻ, chơi công bằng, không đánh bạn, để đồ đạc vào chỗ cũ, không lấy những gì không phải của mình, dọn dẹp những gì bạn bày ra, nói xin lỗi khi làm tổn thương ai đó, rửa tay trước khi ăn, học một ít, suy nghĩ một ít, vẽ và hát và nhảy múa và chơi và làm việc một ít mỗi ngày, ngủ trưa, có ý thức về những điều kỳ diệu, cây cối và các con vật đều chết – và chúng ta cũng vậy, từ đầu tiên và quan trọng nhất cần phải học: quan sát.

Hãy đếm xem: 100 chữ. Những gì cần phải học chỉ như vậy. Chúng ta được học ở nhà trẻ nhưng đã đánh rơi dần trong quá trình lớn lên. Cũng như khi sinh ra, ta đã có sẵn bản năng độc lập nhưng lại đánh mất nó trong quá trình sống. Không có bản năng độc lập, chúng ta không thể nắm giữ được tự do. Nghĩa là trước khi đòi tự do, bạn phải tìm lại bản năng độc lập của mình.

Mọi thứ đơn giản hơn chúng ta tưởng. Thậm chí có thể nói rằng cuộc đời này rất giống một nụ hôn, nó có thể tệ hơn, hay tuyệt hơn nụ hôn trước đó, nó có thể khiến bạn hạnh phúc, cũng có thể làm bạn vỡ mộng, nó có thể khiến bạn nhận ra mình yêu, hay nhận ra mình hoàn toàn không yêu. Nó chứa đựng những bí mật mà bạn chỉ khám phá được sau khi đã hoàn thành.

Hãy tự mình hoàn thành, và bạn có thể nói bạn là chúa tể của chính mình. Như những chú gà rừng.

Hãy luôn luôn kiêu hãnh và tự do như những chú gà rừng.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx