sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Hãy nói yêu thôi, đừng nói yêu mãi mãi! - Tập 3 - Chương 10

Bầu trời có muôn vàn vì sao

Đ.L.C.H

Ấu thơ, ấu thơ kì diệu, sức tưởng tượng mới bay bổng làm sao! Sự lãng mạn mới vô bờ bến làm sao! Bạn hãy thử nhìn và nghe một bé mẫu giáo nói:

– Mẹ ơi, hôm nay con vừa ăn thịt 5 con khủng long và 2 con cá sấu (Bé đang hể hả kể về thành tích "tiêu diệt" những viên kẹo gôm chip chip hình dạng những con thú).

– Mẹ ơi, ngày mai con sẽ làm hoàng tử cứu mẹ, mẹ đừng khóc nữa...

Nếu nghĩ như nhà bác học Nguyễn Trường Tộ và Pascal, lịch sử nhân loại như một đời người, thì tuổi mẫu giáo thật kì vĩ và bay bổng như thần thoại, như cổ tích của con người thời cổ đại vậy.

Bất hạnh thay, khi ta càng lớn, càng "già" thì tính thực tế ngày càng chiếm chỗ và đôi khi sự lãng mạn còn bị chế giễu. Đó là một nhầm lẫn đáng tiếc. Trong tình yêu của giới trẻ bây giờ, người ta nói mãi về sự lựa chọn giữa một anh chàng đi xe xịn, ăn mặc mốt và một anh chàng mặc áo ông bố, quần ông chú, đội mũ "tào phớ", đi dép đứt quai (bán ve chai sẽ được tiền dây đồng nhiều hơn tiền nhựa và dễ bị... sét đánh!) nhưng trong túi đút đến 3 cái thẻ thư viện. Tôi tin anh chàng "tào phớ" rồi sẽ qua Paris, sẽ vào vũ trụ, mặc dù hôm nay anh ta đi bộ.

Sự lựa chọn của tuổi trẻ nếu chỉ thiên về thực tế sẽ là một thảm hoạ. Bởi còn lãng mạn mới còn việc để làm, còn lí tưởng để mà hướng tới, còn khát vọng để mà kiếm tìm chỗ đứng trong tương lai. Chỉ nhìn thực tế, có nghĩa là chỉ thoả mãn cái hiện tại, nghĩa là cằn cỗi, là chấm hết.

Nếu nhìn xuống đất, bạn sẽ lựa lối cho đôi chân có lợi, bạn sẽ nhặt được của rơi, sẽ tránh dẫm phải "mìn dẻo" của vài ba chú chó. Nhưng nếu nhìn xuống đất, bạn chỉ được khoảng cách bất quá 2 mét. Nếu ngước nhìn trời cao, bạn sẽ có một khoảng cách vô tận – khoảng cách đó mới làm nên chiều cao của một đấng nam nhi như Napoléon từng nói.

Nếu loài người chỉ nhìn xuống, họ sẽ chỉ tạo ra được những chiếc xe bốn bánh phỏng sinh học các loài côn trùng, muông thú. Nhưng họ đã nhìn lên trời, đã thấy loài chim và họ đã biết bay lên, bay xa. Để đưa người vào vũ trụ thoát nạn nhân mãn, để đón người ngoài Trái đất trong tình hữu nghị hoặc để chiến đấu với họ nếu phải giành nhau không gian sinh tồn.

Tại sao lại cứ phải "leo" Everest?

NGÔ THỊ PHÚ BÌNH

Tôi đã từng tự hỏi, tại sao người ta cứ phải chinh phục Everest một cách vất vả như vậy? Khó nhọc vượt qua những thác băng khổng lồ, những khe băng nứt, những con đường mòn cheo leo, khốn khổ vì cái buốt lạnh chết chóc, chịu đựng sự nguy hiểm của không khí loãng, với cái chết sẵn sàng đến ngay khi bạn chỉ chệch một bước chân... Tại sao ta không dùng... máy bay và bay thẳng lên ngọn núi cao gần 9 km đó?

Câu trả lời rất đơn giản: Chỉ là vì KHÔNG THỂ, con người không thể lên cao quá nhanh. Chúng ta sẽ chết vì cơ thể không kịp làm quen với không khí loãng, thiếu oxy trong máu gây ra một kiểu chết đuối trên cạn, một cú choáng ngất và thế là bạn gục ngã vĩnh viễn.

Các nhà leo núi không chỉ lên đỉnh một cách rất từ từ, họ còn dừng chân ở các trạm dừng một cách có chủ ý. Đó là để dành thời gian cho cơ thể làm quen với điều kiện ngày càng khắc nghiệt.

Họ còn truyền tai nhau kinh nghiệm sống còn, "lên cao ngủ thấp", tức là ban ngày trèo lên cao, nhưng ban đêm ngủ thì sẽ xuống ngủ ở khu vực thấp hơn. Thậm chí sẽ leo lên leo xuống như thế vài ngày, trước khi thực sự chinh phục cực thứ ba của thế giới.

Và nếu như bạn là một tay mơ, họ cũng chỉ ra cho bạn thời gian ở trên núi của bạn chỉ nên là 2 - 3 ngày, sau đó có không chinh phục được cũng nên tạm thời xuống núi. Nếu bạn đã chinh phục được đỉnh, thời gian bạn đứng trên đỉnh cũng không nên quá 30 phút, sau đó lời khuyên cũng là... hãy xuống núi, chuẩn bị cho một cuộc chinh phục khác...

Tôi vẫn tự hỏi tại sao Britney Spears lại có một cú rơi sâu đến như vậy trọng cuộc sống. Có phải bởi vì một cỗ máy quá hoàn hảo và quá thạo việc đã đưa cô ấy lên đỉnh quá nhanh bằng tốc độ của một chiếc máy bay siêu thanh?

Tôi tự hỏi phải chăng không có phép màu nào lại chính là phép màu vĩ đại nhất, để chúng ta tự mình chậm mà chắc, leo lên những đỉnh núi của cuộc sống?

Hãy cảm ơn thời gian! Thời gian cho chúng ta từ những đứa trẻ có thể nhẩn nha mà lớn lên và học hỏi mọi điều. Đừng mong ước những vinh quang sớm sủa, những thành công dễ dàng! Chấp nhận những thử thách mà cuộc đời đặt dưới chân như một phần của trò chơi. Đi bằng đôi chân mình, từ từ mà bước... Bạn sẽ đi rất xa trên con đường của mình.

Còn thời cưỡi ngựa bắn cung…

Có hai loại người, những người làm việc và những người giành được lời khen ngợi. Hãy cố tham gia vào nhóm đầu tiên, ở đó ít cạnh tranh hơn.

(Indira Gandhi)

Có một lần, cô cháu gái 12 tuổi ưa vẽ vời của tôi thổ lộ rằng lớn lên cô muốn làm thợ may. Khi ấy, tôi đùa “Phải trở thành nhà thiết kế thời trang nổi tiếng chứ. Làm thợ may chán chết!” Nhưng cô bé cương quyết: “Con không muốn nhà thiết kế nổi tiếng. Con muốn là thợ may”. Chị họ tôi ngán ngẩm lắc đầu “Giờ thì nói gì cũng được, chứ mai mốt lớn mà đòi làm thợ may là không được đâu nghe con”.

Nhưng tôi, nhìn đôi mắt trong veo kiên định của cháu và giật mình. Cơ sở nào để người ta xếp loại nghề nghiệp này là tầm thường, còn nghề nghiệp kia là vinh quang? Vì số tiền kiếm được? Vì trình độ học thức mà nó đòi hỏi phải có? Hay vì danh tiếng?

Khi còn trẻ, chúng ta thường gắn ước mơ của mình với hai chữ “nổi tiếng”. Có lẽ Byron nói đúng “Danh tiếng là cơn khát của tuổi trẻ”. Muôn đời. Nhưng, có khi nào cơn khát đó dẫn chúng ta đi lạc đường hay không? Tôi ra về và nghĩ đến ước mơ thợ may của cháu tôi.

Mơ ước làm thợ may không ngăn cản ta học hỏi để may những bộ áo chuẩn mực như các hãng thời trang hạng nhất. Nếu bạn muốn hai thứ: thợ may và danh tiếng, bạn có thể trở thành một thợ may xuất sắc, rồi danh tiếng sẽ đến sau đó.

Nhưng ước mơ của cháu tôi chỉ là thợ may thôi. Mơ ước làm thợ may, không có nghĩa chính xác là chỉ mở một tiệm may nhỏ xíu kề bên khu chợ nhỏ xíu ở một trị trấn nhỏ xíu nào đó. Nhưng nếu đó là tất cả những gì cô bé muốn, cắt và may những bộ áo đẹp cho người khác, thì có gì sai? Nếu đó là những gì bạn muốn, chứ không phải là những gì chán ngắt mà bạn bắt buộc phải làm.

Tôi có một người bạn, từng là một học sinh giỏi, tốt nghiệp đại học loại xuất sắc, rồi học thạc sĩ ở nước ngoài, và bây giờ, anh trở về mảnh đất của cha mình ở một vùng quê hẻo lánh để trồng những cây ăn trái, suốt ngày xắn quần xới gốc và tưới cây. Có người nói với tôi rằng như vậy thật là phung phí bao nhiêu năm ăn học. Nhưng bạn tôi, chính bạn, biết rằng những năm tháng ấy không hề phung phí, và trở lại làm một người nông dân không hề là một bước lùi. Những trái cây anh trồng là loại quả sạch tốt cho sức khỏe và có chất lượng hảo hạng.

Mỗi người đều phải leo lên những bậc thang đời mình. Có người mơ ước xa: đến đỉnh cao nhất. Có người mơ ước gần: một hai bậc, rồi sau đó, một hai bậc tiếp theo. Có người cứ lặng lẽ tiến bước theo mục tiêu của mình, gạt bỏ mọi thị phi. Có người đi chu du một vòng thiên hạ, nếm đủ đắng cay rồi mới chịu trở về với ước mơ ban đầu. Nhưng cũng có người lỡ bay quá xa và không thể điều khiển đời mình được nữa, chỉ còn buông xuôi và tiếc nuối. Tôi nhận ra rằng, thực ra, mục tiêu của ước mơ chẳng đưa ta đến đâu cả, chỉ có cách thức mà bạn thực hiện ước mơ mới đưa bạn đến nơi bạn muốn.

Có lẽ chúng ta cần một cái nhìn khác. Rằng chẳng có ước mơ nào là tầm thường cả. Và chúng ta học không phải để thoát khỏi nghề rẻ rúng này, để được làm nghề danh giá kia. Mà học là để mình có thể làm điều mình yêu thích một cách tốt nhất và từ đó kiếm về cho mình thu nhập cao nhất có thể, một cách xứng đáng và tự hào.

Mỗi một con người đều có vai trò của mình trong cuộc đời này và đều đáng được ghi công. Đó là lý do để chúng ta không vì thèm khát vị thế cao sang này mà rẻ rúng công việc bình thường khác. Cha mẹ chúng ta, phần đông, làm những công việc rất bình thường. Và đó là một thực tế mà chúng ta cần nhìn thấy. Để trân trọng. Không phải để mặc cảm. Để bình thản tiến bước. Không phải để tự ti. Nếu tất cả đều là doanh nhân thành đạt thì ai sẽ quét rác trên những đường phố? Nếu tất cả là bác sĩ nổi tiếng thế giới thì ai sẽ là người dọn vệ sinh bệnh viện? Nếu tất cả đều là nhà khoa học đoạt giải Nobel thì ai sẽ là người tưới nước những luống rau muống? Nếu tất cả là kỹ sư phần mềm thì ai sẽ gắn những con chip vào máy tính.

Phần đông chúng ta cũng sẽ là những người bình thường. Nhưng điều đó không thể ngăn cản chúng ta vượt lên từng ngày. Bởi luôn luôn có một đỉnh cao cho mỗi nghề bình thường.

Nghề báo khiến tôi gặp gỡ nhiều người nổi tiếng và tôi nhận ra rằng danh tiếng giống như tháp Bayon, người ta phải đi một vòng mới nhìn thấy hết các mặt của nó. Danh tiếng, với một số người, là mục tiêu duy nhất của cuộc đời. Nhưng với vài người khác, sự nổi tiếng giống như một tai nạn, xảy ra ngoài ý muốn và chẳng mang đến điều gì tốt đẹp. Đôi khi người ta xem danh tiếng là phần thưởng đáng giá cho công việc. Nhưng cũng có người nói rằng danh tiếng chỉ là món hàng khuyến mãi không mấy hữu dụng khi họ được làm điều họ yêu thích. Và bởi thế, khi rũ bỏ danh tiếng, hào quang, quyền lực để trở về với cuộc sống “tầm thường”, họ chẳng tiếc nuối chi.

Nhà văn Sơn Nam có lần đọc cho tôi hai câu thơ mà ông tình cờ sưu tầm được khi lang thang bên những phận người nhỏ bé:

“Còn thời cưỡi ngựa bắn cung.

Hết thời cúi xuống lượm(dây) thun… bắn ruồi.”

Oprah Winfrey có nói “Nếu bạn đạt đến danh vọng mà vẫn chưa hiểu được mình là ai, thì chính danh vọng sẽ xác định bạn là ai”. Như vậy, danh vọng là thứ chỉ nên có khi ta hiểu được mình và điều khiển được nó. Điều khiển được nó nghĩa là cầm lên được, đặt xuống cũng được. Bởi danh tiếng có lừng lẫy ra sao, địa vị có cao sang đến thế nào, thì cũng sẽ có lúc ta phải rời yên xuống ngựa. Ai trong chúng ta đủ ngốc nghếch để tin rằng mình có thể giương cung được mãi?

Hosokawa Morihiro từng là Thủ tướng Nhật Bản mới cách đây vài nhiệm kỳ, nhưng đến năm 60 tuổi, ông rời chính trường và về sống ở một thung lũng thuộc tỉnh Kanagawa. Tại đó, ông trồng rau và học làm gốm. Hosokawa nói một trong những điều ông thích ở nghề gốm là nó khiến ta chỉ tập trung vào cái ta đang thực hiện và “một khi tôi đã quyết chuyện gì là tôi theo đuổi cho tới cùng”. Ông học làm gốm từ cơ bản và chỉ làm những tách trà nhỏ theo kiểu xưa, nhưng ông làm rất chuyên tâm, và cuối cùng đã tổ chức triển lãm những tác phẩm gốm của mình như một nghệ sĩ thực thụ.

Nghệ nhân gốm Morihiro đã khiến tôi nhận ra rằng xã hội này sẽ tốt đẹp hơn không phải bởi tất cả đều trở nên danh tiếng và giàu có, mà bởi mỗi người chúng ta (dù nổi tiếng hay vô danh) làm công việc của mình một cách chuyên tâm và tự hào. Hosokawa đã là một chính trị gia tận tâm khi ở trên đỉnh cao danh vọng, và khi chỉ là một thợ gốm học việc, ông cũng vẫn tận tâm như vậy.

Rốt cuộc thì đó mới chính là điều đáng để chúng ta theo đuổi: được chuyên tâm với công việc mà mình yêu thích. Đó là bí quyết của thành công. Và đó cũng là bí quyết của hạnh phúc. Phải vậy không?

Bên đời ta còn ai đó lạc loài…

PHẠM LỮ ÂN

Trong mọi người đều có một con quỷ đang say ngủ, người tốt là người sẽ không đánh thức con quỷ, trong bản thân anh ta hay trong người khác.

(Mary Renault)

Một người bạn lâu ngày đến nhà tôi, thấy để trong phòng đọc sách một bức tượng nhỏ có ba con khỉ bịt mắt, bịt tai, bịt miệng, cứ trầm ngâm nhìn mãi. Trước khi ra về, như không kìm lòng được, anh chỉ bức tượng và nói bâng quơ: “Sống vậy cũng hay nhỉ, không cần thấy những điều chướng mắt, không cần nghe những điều chướng tai, chẳng cần ý kiến ý cò chi cho mệt. Mình sống yên phận mình thôi”…

Tôi mỉm cười, với tay lấy bức tượng xuống cho anh xem và giải thích rằng đó là quà tặng của một người bạn Nhật, trong dịp ông ghé nhà tôi và nghỉ lại vài hôm. Tự tay đặt món quà lên kệ sách, ông kể rằng người Nhật có câu châm ngôn “Mi-zaru, kika-zaru, iwa-zaru” nghĩa là “không thấy, không nghe, không nói”. Vì từ “zaru” gần âm với “saru” nghĩa là con khỉ, nên người ta khắc hình ba con khỉ bịt tai, bịt mắt, bịt miệng với vẻ mặt ngộ nghĩnh để biểu thị cho triết lý này. Hình tượng đó được không ít người suy ra rằng hãy cứ sống an phận, mặc kệ những gì đang xảy ra xung quanh. Nhưng theo ông điều mà bức tượng muốn nhắc nhở chính là “đừng nhìn bậy, đừng nói bậy, đừng nghe bậy”… Và hình ảnh đó quen thuộc với rất nhiều nền văn hoá, chứ không chỉ ở Nhật Bản.

Nhưng điều tôi muốn kể không phải là về bức tượng đó, mà là về bạn tôi. Sau khi nghe tôi giải thích, anh đột nhiên ngồi xuống và tâm sự nhiều điều. Anh cần chia sẻ, cần một ý kiến, một lời động viên…Anh cần một người có thể lắng nghe anh bộc lộ sự tức giận và phẫn nộ. Nhưng tại sao mãi đến lúc đó anh mới nói? Thật ngạc nhiên khi tôi biết được, rằng anh đã nghĩ tôi đặt bức tượng ấy trên kệ sách hẳn có lý do. Như thể nó biểu thị cho một cách sống mà tôi muốn hướng tới, gạt bỏ mọi phiền nhiễu và chỉ tìm bình an cho riêng mình. Nếu đúng như vậy, anh đã ôm mối oán hận của mình ra về. Và có thể, với tính nóng nảy của mình, anh sẽ phải “đánh “ai đó” một trận cho hả giận”…

Tôi đã ngồi một mình rất lâu sau khi tiễn bạn ra cửa, và nhận ra một điều, đôi khi chúng ta chỉ cách nhau có một bức tượng nhỏ xíu, hay một câu nói bâng quơ.

Có những lúc ta nhìn cuộc sống đang diễn ra và cảm nhận nỗi sợ hãi lớn dần lên trong mình. Sợ hãi những gì ta không thể lường được, sợ hãi trước cái ác, những thủ đoạn mưu mô… Đôi khi ta thấy nó không chỉ ở xa xôi đâu đó trên mặt báo, mà gần mình đến nỗi có thể gây nên những thiệt hại, mất mát và tổn thương hiển hiện về thể xác hay tinh thần. Những lúc ấy, càng ở một mình chúng ta càng hoang mang. Chỉ khi tìm đến ai đó, trò chuyện, giãi bày, tâm sự, an ủi…chỉ khi ngồi bên nhau, chúng ta mới thấy mình đủ mạnh để tự vệ trước cái xấu.

Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta không thể ngồi bên nhau?

Có một điều tôi rút ra được từ những cuốn truyện trinh thám, đó là nạn nhân thường là những người đơn độc, những người bị ngăn cách với người khác đôi khi bằng một bức tượng nhỏ xíu, hay một câu nói bâng quơ…Và vì thế, họ không thể chia sẻ những bí mật, những sai lầm, những nghi ngờ, sự giận dữ hay nỗi lo âu. Và trong cuộc đời thực cũng vậy, nạn nhân thường là những người đơn độc. Bởi vậy, đừng bao giờ trở thành một người đơn độc, hay để người khác trở thành đơn độc. Chúng ta có nguy cơ trở thành nạn nhân khi rời nhau ra, khi bị xé lẻ. Chúng ta đã đọc truyện bó đũa từ thời thơ bé, nhưng chúng ta cứ quên nó hoài. Là người tốt, không đủ. Là người lương thiện, không đủ. Để tự vệ trước cái ác chúng ta cần sức mạnh của số đông.

Thỉnh thoảng, chúng ta lại bật ngửa khi nhận ra rằng “người tưởng như thế đó mà lại làm ra chuyện thế này ư ?” Chúng ta bất ngờ khi một cô bạn vốn vui vẻ thân thiện ngày xưa bỗng một hôm ra tay xé áo đánh người như trong phim xã hội đen vậy. Chúng ta bất ngờ khi một người vốn hiền lành bỗng dưng có hành động bạo lực. Nhưng có thật người ta biến đổi bất ngờ đến vậy không?

Câu trả lời là không, chẳng có ai ngủ một đêm thức dậy bỗng hoá ra độc ác, hay ưa bạo lực, hay trở thành kẻ xấu. Luôn luôn có một quá trình. Luôn luôn có những biểu hiện trong quá trình đó dù rất nhỏ. Điều đáng buồn là dường như chúng ta luôn tặc lưỡi lướt qua những điều rất nhỏ. Và rồi, những điều tồi tệ diễn ra là bởi chúng ta đã bỏ qua những điều rất nhỏ đó. Những điều tốt nho nhỏ chúng ta đã không làm, như một cái mỉm cười, một lời thăm hỏi quan tâm, một sự giúp đỡ… Và những điều xấu nho nhỏ chúng ta đã làm, như một lời xúc xiểm bâng quơ, một ánh nhìn khinh rẻ tình cờ…Sẽ rất tai hại nếu chúng ta quên rằng một lời nói tử tế chân thành có thể xoa dịu và níu giữ con người với cái thiện, cũng như chỉ một lời rẻ rúng cũng có thể gây tổn thương sâu sắc và đánh thức con quỷ ngủ say…

Làm sao để loại trừ cái ác? Câu trả lời thường thấy là hãy tránh xa nó, và nếu bắt gặp thì trừng phạt nó thích đáng. Nhưng còn một cách nữa, đó là đừng để người khác có cơ hội trở thành người xấu. Đừng bỏ rơi, đừng ép uổng, đừng khinh khi. Đừng lừa gạt, đừng lợi dụng, đừng phản bội. Đừng gây tổn thương. Đừng dồn ai vào đường cùng…

Tôi không dám nói rằng cái thiện luôn mạnh hơn cái ác. Tôi không biết chắc. Đôi khi tôi nhìn thấy cái thiện bị đánh nốc ao trên sàn đấu trong cuộc chiến đơn độc. Nhưng tại sao chúng ta lại để nó trở thành cuộc chiến đơn độc? Tôi biết chúng ta đông hơn. Những người mong muốn điều tốt đẹp cho cuộc sống này, luôn luôn đông hơn. Vậy thì hãy làm cho chúng ta mạnh hơn. Hãy tìm đến nhau, bạn bè, người thân, đồng nghiệp, đồng hương, đồng loại…Hãy giúp đỡ và xin được giúp đỡ, hãy xiết chặt lại những mối dây liên hệ và đừng để ai thành kẻ lạc loài. Những kẻ lạc loài, thường dễ trở thành thủ phạm, hoặc trở thành nạn nhân.

Thế cho nên, giữa cuộc sống bộn bề đôi khi cũng cần nhìn lại, để tự hỏi lòng xem, phải chăng ngay bên cạnh đời ta vẫn còn có ai đó lạc loài?

Đó là khi ta lạc mất nhau rồi

Mênh mông quá khoảng trống này ai lấp

Khi thanh âm cũng bất lực như lời

(Khúc mùa thu – Hồng Thanh Quang)

Tôi biết chuyện của cô một cách tình cờ. Mẹ cô là bạn thân của dì tôi, vẫn còn thảng thốt khi kể lại chuyện cô con gái 19 tuổi vừa được cứu sống sau khi cắt cổ tay tự tử vì thất tình. Mối tình kéo dài từ năm lớp mười cho đến khi cô vào đại học. Trước khi đi du học, bạn trai cô hứa hẹn rất nhiều, kể cả chuyện sẽ kiếm học bổng để đưa cô theo… Nhưng chưa đầy một năm, anh đã công khai sống chung với một cô gái khác bên xứ người, và đề nghị chia tay cô qua email.

Mẹ cô tìm cách an ủi: “Nó như vậy là không xứng với con, đừng tiếc làm gì”. Cô chỉ cười lớn: “Có gì đâu! Ba đồng một mớ đàn ông mà mẹ, con không quan tâm đến ảnh nữa”. Vậy nên bà cứ đinh ninh là cô đã nguôi ngoai rồi. Ai ngờ cô “nói một đằng nghĩ một nẻo”, lòng vẫn ấp ủ thương nhớ, căm hận, đến nỗi cắt cổ tay. May mà gia đình đưa đến bệnh viện kịp thời.

Mẹ cô chảy nước mắt khi tâm sự. “Tính nó là vậy, có gì buồn thường không nói ra, chỉ giấu trong lòng, còn mặt ngoài cứ cười hơ hớ. Lúc nó nhỏ tui luôn nhớ đến điều đó, mà sao bây giờ nó lớn tui lại quên. Nó nói “có gì đâu” là tui cho qua liền. Cái nhạy cảm của người làm mẹ như tui để đâu rồi không biết nữa”

Đó là một lời tự trách. Nhưng tôi nghe như một câu hỏi vậy.

Các nhà khoa học đã chứng minh rằng những đứa trẻ sơ sinh có thể cảm nhận được những cảm xúc của người khác. Hẳn nhiên, trước tiên là cảm xúc của mẹ chúng. Nếu người mẹ vui sướng hạnh phúc, đứa trẻ sẽ tỏ vẻ mãn nguyện, ngủ ngoan, hay cười. Nhưng nếu người mẹ lo lắng, buồn phiền, đau khổ hoặc không muốn có con thì đứa trẻ sẽ phản ứng theo cách khác. Nó bú ít, khó ngủ, quấy khóc nhiều, cáu bẳn, đau bụng… Mặc dù người mẹ không hề tỏ ra điều gì khác thường khi chăm sóc bé.

Thật lạ lùng phải không? Dường như chúng ta được sinh ra đời cùng với một món quà vô giá, đó là sự thấu cảm bẩm sinh. Và rồi món quà ấy mai một dần theo thời gian. Hay chính ta đã vứt bỏ nó đi trong hành trình sống của mình?

Như Daniel Goleman, tác giả của hai cuốn sách nổi tiếng Trí tuệ cảm xúc và Trí tuệ xã hội đã nhắc chúng ta rằng, sự thấu cảm là một phần của trí tuệ xã hội. Và chúng ta đang đánh mất nó. Chúng ta tưởng mình đang được kết nối, khi friendlist trong Facebook của ta dài ra từng ngày. Nhưng cùng lúc đó, chúng ta đang mất dần kết nối với nhau. Chúng ta say sưa với ảo tưởng nắm bắt được cảm xúc của những người quen ở nơi xa xôi nào đó, thậm chí cả người xa lạ, trong khi vô tình thờ ơ với người thân thuộc đang ở ngay bên cạnh mình. Mạng lưới rộng đến nỗi một đứt gãy nhỏ bên cạnh làm ta không để tâm. Nhưng chính những đứt gãy nhỏ kề cận, chứ không phải những đứt gãy rời rạc ở xa, mới làm ta trở thành một tinh cầu cô độc.

Có vẻ như càng ngày chúng ta càng phải dựa dẫm quá nhiều vào ngôn ngữ, để có thể hiểu nhau. Khi hỏi thăm một ai đó: “Mọi chuyện sao rồi?” và câu trả lời: “Cám ơn. Vẫn tốt” làm chúng ta dễ dàng hài lòng đến nỗi chúng ta bỏ qua những gì có thể nằm sau những câu nói. Sự mệt mỏi nơi khoé môi. Nét buồn trong ánh mắt. Sự nhạy cảm, hay đúng hơn, khả năng thấu cảm của chúng ta giờ đây giống như chiếc ăngten bị bỏ quên. Nó vẫn ở đó nhưng không ai dùng nó để bắt sóng nữa.

Chúng ta dựa vào từ ngữ nhiều đến nỗi, khi ai đó nói rằng chúng ta không hiểu gì về họ cả, chúng ta sẽ trả lời rất nhanh: “Bạn không nói làm sao tôi hiểu được” như thể việc chúng ta không hiểu hoàn toàn là lỗi của họ.

Sách vở thường viết rằng, hai thế hệ rất khó hiểu nhau, cha mẹ và con cái không hiểu nhau, đàn ông và phụ nữ không hiểu nhau. Vì chúng ta bày tỏ theo những kiểu khác nhau, chúng ta diễn giải sự việc theo cách khác nhau, chúng ta dùng từ ngữ với những ý nghĩa khác nhau.

Tôi tự hỏi, có phải ta đã chấp nhận những lý lẽ ấy như sự biện hộ cho chính mình. Và quên rằng vẫn còn có một cách khác để hiểu. Rằng sự giao tiếp thực sự giữa con người với nhau có thể vượt qua ngôn ngữ. Đó là cách mà những người yêu thương nhau thường dùng, khi họ thực sự yêu thương.

Yêu và biết cách yêu là hai điều khác nhau, phải vậy không

Ta luôn có thể yêu cho bản thân mình, bằng cách nào cũng được, nói hay không nói, chia sẻ hay không, nhưng để yêu cho người khác thì phải biết cách yêu – tức là biết cách bắt sóng cảm xúc của người ấy để vuốt ve yêu thương chia sẻ với chính những cảm xúc thường tìm cách lẩn trốn ấy. Đó là khi ta giao tiếp không phải để bày tỏ chính mình mà là để thấu hiểu người ấy. Nói hay thinh lặng không phải để mở cửa tâm hồn chính mình, mà tìm đường vào tâm hồn người ta yêu. Đó là khi ta lắng nghe, không chỉ những lời nói, mà lắng nghe một làn sóng, một tín hiệu vô thanh. Những tín hiệu yếu ớt của cảm xúc.

Cũng Daniel Goleman, trong một bài phỏng vấn đã nói đại ý rằng, chúng ta hoàn toàn có thể mài giũa trí tuệ xã hội của ta, lấy lại khả năng thấu cảm, bằng một cách đơn giản: hãy chuyển sự chú ý của ta sang người ta yêu. Ngay khi ta thực sự chú ý đến họ, ta sẽ ngay lập tức bắt được trường cảm xúc của người ấy. Phía sau lời nói, phía sau biểu hiện, thậm chí phía sau sự yên lặng.

Phải vậy không em, đôi khi ta chỉ cần trở lại ngồi yên bên nhau là đủ. Đủ để hiểu.

Như ngày xưa, khi ta khởi đầu yêu.

Chúng ta thường khởi đầu một tình yêu với một người khi nhận ra rằng ta và người ấy có thể hiểu nhau mà không cần nói. Những xung động buổi ban đầu trong tim ta thường không phải là ngôn từ. Chỉ cần nhìn vào mắt nhau, hay thậm chí chỉ cần ở bên nhau trong cùng một bầu không khí, dường như ta đã hiểu nhau. Và khi mối tình trở nên bền chặt hơn, ta tự hào vì người kia chưa nói hết ý mà người này đã hiểu: tình cảm, nhu cầu chia sẻ, nỗi buồn, niềm vui, sự lo âu… Chiếc ăngten thấu cảm trong ta thật nhạy.

Nhưng rồi, thời gian qua, đến lúc nào đó bỗng dưng ta nhận ra người này đang trách người kia rằng nếu không nói ra làm sao hiểu được. Có lẽ từ khi đó tình yêu đã bước qua một khúc quanh.

Và cuối cùng, khi nói bao nhiêu cũng không hiểu. Càng nói càng không hiểu nhau…

Đó là khi ta nhận ra ngôn từ chưa bao giờ là đủ. Có biết bao điều ta muốn bày tỏ cho người ta yêu – những điều ta mong người ấy thấu hiểu – những yêu thương, oán giận, xót xa, giày vò tự sâu thẳm trái tim ta – nhưng không ngôn từ nào đủ sâu sắc, trọn vẹn lý tình, không ngữ pháp nào đủ phức tạp để diễn tả. Từ ngữ lúc ấy thậm chí còn có bộ mặt phản trắc vì sự đa nghĩa của chúng. Và chúng ta hiểu sai, chúng ta bị hiểu sai. Chúng ta như đi trong rừng rậm của những ý niệm đan chồng chéo lên nhau. Bao nhiêu cuộc tình đã và sẽ còn diễn ra theo cách đó? Không phải sự thấu cảm cạn dần theo tình yêu mà là ngược lại, tình yêu cạn dần theo sự thấu cảm.

Khi ta phải viện đến từ ngữ để tìm cách hiểu nhau, thay vì nghĩ về nhau, nắm bắt cảm xúc của nhau để hiểu nhau. Đó là khi ta nhớ đến Saint Exupéry với lời cảnh tỉnh “Ngôn ngữ là cội nguồn của mọi ngộ nhận.”

Và buồn thay, đó cũng là khi ta để lạc mất nhau rồi.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx