sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Hãy nói yêu thôi, đừng nói yêu mãi mãi! - Tập 3 - Chương 11

Yêu hơn một người?

PHẠM LỮ ÂN

Nếu em đã hỏi thì quan điểm của tôi là: hoàn toàn có thể. Tại sao người ta có thể yêu cùng lúc mười hai đứa con (thậm chí vừa con nuôi lẫn con ruột), yêu cùng lúc năm ông anh bà chị mà lại không thể ỵêu hai người đàn ông hay đàn bà cùng lúc?

Việc khuyến cáo “chỉ nên yêu một người” cũng giống như khuyến cáo “đang lái xe đừng nhìn cô gái đẹp bên kia đường” vậy. Nó góp phần giảm rủi ro và ngăn cản tai nạn giao thông. Nhưng nếu em có đủ khả năng để vừa nhìn, vừa lái xe, tôn trọng luật giao thông và không gây tai nạn cho người khác thì…

Tuy nhiên, cái thực tế mà em nhìn thấy: một người đàn ông quan hệ cùng lúc nhiều người phụ nữ, những ông chồng không chung thủy, những cô gái phân vân giữa hai chàng trai… không đơn giản là những ví dụ của…yêu hơn một người cùng lúc. Nó có thể là sự đam mê thể xác, toan tính bạc tiền, trò chơi chinh phục…

Thôi được, tôi đồng ý là chúng ta chỉ nói đến tình yêu thuần túy, vô vị lợi, hoàn toàn thuộc về cảm xúc. Có thể yêu hai người cùng lúc bằng tình yêu thực sự không?

Nếu em đã hỏi thì quan điểm của tôi vẫn là: hoàn toàn có thể.

Tình yêu là điều rất khó lý giải. Người ta thường nói, tình yêu không có biên giới. Điều đó đúng với tuổi tác, giai cấp, màu da, chủng tộc…thậm chí đúng với cả …giới tính và đương nhiên, số lượng. Chuyện yêu cùng lúc hai ba bốn năm hay sáu người gì đó là chuyện hoàn toàn mang tính cá nhân. Không phải mối tình nào cũng kết thúc với lòng thù hận, bởi thế, không ít người phải đối phó với tình trạng hình ảnh người yêu cũ chưa chịu vẫy tay chào mà hình ảnh người yêu mới đã ào ào xông tới. Em hoàn toàn có thể giữ lấy hai hình ảnh đó trong tim mình, người yêu của em cũng vậy. Dù sao trái tim cũng là thứ khó kiểm soát và chẳng ai biết được ta giấu gì trong tim ta.

Nhưng, trong khi yêu bao nhiêu người cùng lúc luôn là bí mật của riêng trái tim em, thì việc tồn tại trong mối quan hệ yêu đương với hơn một người cùng lúc lại không còn là vấn đề riêng nữa.

Mọi con người đều có quyền tự do chọn lựa và chịu trách nhiệm với lựa chọn của mình. Điều tối quan trọng trong mọi mối quan hệ, giữa người với người, đó là sự tôn trọng. Chúng ta phải tôn trọng quyền được biết và quyền được lựa chọn của đối phương. Nếu em không thể (hay không muốn) chọn lựa thì em vẫn phải trả cho những đối tượng kia quyền chọn lựa của họ. Thực tình, không mấy người kết án trái tim đâu, người ta chỉ kết án những toan tính ích kỷ của cái đầu. Người ta dễ thông cảm với một trái tim đa đoan, nhưng hiếm khi tha thứ cho sự lừa dối. Bởi tình yêu thường không liên quan gì đến đạo đức, nhưng cách ứng xử với con người thì có.

Tôi biết một người đàn ông có đến bốn bà vợ sống rất vui vẻ với nhau. Bí quyết của ông là trước khi đến với ai, ông đều thành thật kể với họ, rồi kể với các bà vợ mình. Nếu tất cả đồng ý thì ông tới luôn. Nếu một trong các bà từ chối thì ông không theo đuổi nữa. Đa số mọi người nể trọng ông thay vì phê phán. Tôi chắc cả thế giới này đều có lúc mong được như ông (joke). Tuy nhiên, ít ai đủ bản lĩnh, đủ thành thật như ông. Vấn đề duy nhất là trong nhà ngoài ngõ từ vợ cho đến người xa lạ ai gặp ông cũng hỏi: “Trong bốn bà, ông yêu bà nào nhất?” Đó là việc duy nhất khiến ông phải đau đầu đối phó và là bí mật duy nhất mà ông quyết không trả lời nhằm giữ hoà khí giữa bốn bà, bởi như một câu danh ngôn mà tôi quên mất tên tác giả: “Một người được yêu chỉ thật sự hạnh phúc khi biết mình đã được yêu hơn ai.” Những bi kịch trong cung cấm thời xưa thường bắt đầu khi ông vua trả lời câu hỏi đó, dù bằng lời hay bằng hành động.

Vì tình yêu không giống nhau ở mỗi người, tôi không thể mang cảm giác khi yêu của tôi gán ghép cho người khác. Tôi không dám khẳng định rằng vì tôi chỉ yêu có một người trong một thời điểm nghĩa là cả thế giới cũng (phải hay nên) như vậy. Tôi chỉ muốn chia sẻ với em, từ góc độ cá nhân, tôi tin rằng, khi ta yêu một người nào đó, ta đã trao hết cả trái tim, tâm trí, thời gian và chẳng còn gì để dành cho một người khác nữa. Khi ta yêu một người nào đó, ta thậm chí quên hết cả thế gian…

Một anh bạn của tôi thú nhận rằng lý do để anh phải chọn chỉ một người rất đơn giản: Anh không đủ tiền, thời gian và sức lực để ngồi chịu trận trong rạp xem bộ phim — and the City hai lần, đi hội chợ triển lãm nữ trang và áo cưới hai lần trong một tuần…Phải mua hai món quà trong ngày Valentine và băn khoăn không biết nên ăn tối với ai trong ngày sinh nhật của chính mình…Và dù sao thì anh cũng chỉ dẫn được một cô về ra mắt mẹ để xin cưới.

Tôi cũng gặp vài người ưa thích quá trình sàng lọc, nhưng số đó ít thôi, còn đa số những người khác cả đàn ông lần phụ nữ mỗi lần yêu đều hy vọng tìm được đúng người để đi đến hôn nhân. Cho dù em nghĩ về hôn nhân một cách lạc quan hay bi quan, thì khi thực sự yêu ai đó em cũng mong muốn gắn kết với người ấy đến cuối cuộc đời.

Tình yêu không phải là điều chỉ đơn giản xảy ra rồi tồn tại như thế mãi. Nó bắt đầu bằng một chồi non – một rung động khi nhìn thấy người ấy. Nhưng nếu em chỉ rung động mà không nhìn thẳng vào mắt người ấy lần nào thì tình yêu như cánh chim không có chỗ đậu. Nếu em chỉ nhìn mà không nói thì tình yêu sẽ chết non. Nếu em chỉ tỏ tình rồi để đó đi làm việc khác mà không dành thời gian trò chuyện, hẹn hò, cà phê, xem phim cuối tuần, dự sinh nhật, tâm sự, chia sẻ, động viên, cãi nhau, khóc lóc, giận dữ rồi làm hoà thì tình yêu sẽ bị suy dinh dưỡng.

Yêu thì không khó, nhưng sống cùng tình yêu thì không dễ.

Tôi còn nhớ tấm thiệp mà tôi mua cho kỷ niệm năm năm ngày cưới của mình. Một cánh chim tung gió trên trời. Một con cá kiếm dưới biển. Cả hai lao vào nhau, gặp nhau ở ngay mặt nước và cùng biến đổi, kết hợp thành một…con thuyền. Chim trời hoá thành cánh buồm. Cá nước hoá thành thân thuyền. Trước mặt là biển rộng. Đó là một hình ảnh ví von hoàn hảo. Tình yêu chính là quá trình biến hoá đó. Nó thực sự là như vậy. Nó đôi khi, không hề dễ dàng mà đầy những trải nghiệm đau đớn. Tình yêu, không chỉ là gặp gỡ và đồng hành. Tình yêu cũng không phải là sự tận hiến từ một phía mà là kết hợp trong một quá trình hoá thân cùng nhau. Ta vẫn kết nối với môi trường nuôi sống ta, nhưng cũng không còn hoàn toàn là ta nữa. Để sống cùng với tình yêu thực sự thì phải chấp nhận điều đó.

Em có khả năng hiến mình trong bao nhiêu quá trình hoá thân như thế – cùng một lúc – nếu em nói những mối tình hiện tại của em đều là yêu thực sự?

Phần III

Nói Bởi Trái Tim

Biển Cha, Trời Con

PLOY

Tuổi trẻ của cha là biển cả. Tuổi trẻ của con sẽ là bầu trời.

Tôi mở cửa sổ, nhìn bầu trời đêm Bangkok bao la. Những tòa cao ốc vẫn óng ánh đèn và xe hơi vẫn nườm nượp trên dãy cao tốc trước mặt. Bất giác, tôi đưa tay lên cao, chẳng rõ bản thân muốn làm gì. Không viễn tưởng thèm hái một ngôi sao. Cũng không toan tính bắt chút không khí vào đùa chơi trong lòng bàn tay.

Tôi nhìn chằm chặp đôi tay mình mảnh dẻ. Bàn tay tôi nhỏ nhắn như tay em bé gái, “đôi tay ếch con” như ngày bé cha mẹ vẫn gọi yêu. Cả bàn tay mềm mịn tưởng không xương, chẳng lấm dù là một vết chai của việc cầm bút. Ai từng nắm tay, bắt tay tôi đều ấn tượng rằng tôi rất sướng: đôi tay chẳng động việc gì.

Ngắm tay mình kiêu sa giữa trời, tôi nhớ đôi tay cha to lớn, khô ráp, đen nắng, sần chai – dấu tích mà thời gian cũng không làm phai được từ chuỗi tháng ngày ông lênh đênh biển cả. Tôi nợ đôi tay ấy quá nhiều. Thế nhưng số lần – đếm được bằng đầu ngón tay – tôi nắm đôi tay ấy lại vào những ngày mà nó giằng co giữa nóng lạnh của sự sống và cái chết. Tôi không mảy may chuyện mình nên nắm tay cha khi tay ông còn ấm áp.

Lần cuối chạm tay cha, khi luồn tay mình vào bàn tay ông đã cứng, tôi biết chắc một điều: từ giây phút ấy trở đi, mỗi lần mân mê đôi tay mình công chúa, tôi sẽ hối hận. Sách vở, lời hay ý đẹp từ internet khuyên tôi quên chuyện buồn mà vui sống. Tôi chỉ cười nhạt. Những ai tin lời hoa mỹ đó, chỉ vì họ chưa đến lúc nghiệm ra rằng trong cuộc đời, mỗi người chắc chắn sẽ sống cùng ít nhất một nỗi day dứt. Quên đôi khi là bất khả thi. Ký ức chỉ tạm lắng và khi gặp một hình ảnh, một sự vật nhang nhác, nó sẽ khơi lại.

Tôi, đáng thương và đáng trách thay, ân hận không chỉ một nỗi.

Tôi đã luôn nung nấu viết một tiểu thuyết về cha – tuổi thơ cô đơn, tuổi trẻ xa xứ, cuộc đời ngang dọc nhiều miền đất và đại dương. Tôi đã định dành cho ông bất ngờ to lớn. Tôi đã nghĩ mình còn ối thời gian.

Khi tôi bắt đầu viết về ông – lúc này đây – thì món quà đã thành lời tạm biệt. Những câu chuyện trong đầu tôi bỗng dưng không liền mạch, không phiêu lưu, không lãng mạn như từng ngẫm nghĩ. Chỉ có những khoảnh khắc rất thật về cha mà trí nhớ tôi, một cách bí hiểm, đã chọn lưu lại.

Biển

1. Tôi ghét biển. Biển đem cha đi mãi suốt những ngày tôi bé con. Nên theo góc độ nào đó, biển đã nuốt mất một phần tuổi thơ của tôi vào bụng.

Vài tháng sau khi tôi chào đời, cha bắt đầu đi tàu. Những chuyến buôn bán vượt đại dương không cho phép cha chứng kiến tôi thực hiện cú lẫy đầu tiên và nghe tôi bi bô “ba ba…”. Khi cất tiếng gọi cha lần đầu, tôi nói đã sõi lắm rồi. Sau những chuyến hải trình kéo dài hàng tháng trời, có khi ngót nghét cả năm, cha luôn đem về cho tôi cơ số quà bù đắp thương nhớ. Sinh ra thời đất nước chỉ vừa mở cửa, nhưng tuổi thơ tôi đầy ứ những hộp sữa bột ngoại, những lon nước trái cây đắt đỏ, búp bê mặc váy ren hồng biết đi biết hát, máy bay điều khiển từ xa… Còn nhiều nhiều nữa những thứ mà trẻ con ngày ấy chẳng biết là có trên đời để mà tưởng tượng, thèm muốn. Nên theo góc độ nào đó, biển đã cung phụng cho ấu thơ tôi được vạn phần sung sướng.

Dù thế, tôi vẫn ghét biển.

2. Cha lên bờ khi tôi 8 tuổi. Vốn quen cha chỉ ở nhà dăm ba tháng mỗi năm, nên việc ông có mặt trong tất cả bữa ăn gia đình gây cho tôi chút lạ lẫm ban đầu. Từ một món thực phẩm theo mùa như bánh trung thu, ông trở thành cơm bữa. Cái trầm trồ nghe chuyện về bến cảng, chim âu, cổ tích các loài cá và những vùng đất lạ mòn vẹt dần khi đêm nào cha cũng kể. Cái nô nức của một chiều tan học thấy cha đón ở cổng trường cũng lụi tàn nhanh. Mỗi ngày mỗi gặp, có lẽ vì thế mà tôi càng ít gần ông. Đôi mắt của con bé 8 tuổi chỉ mới biết ưa thích những thứ hiếm lạ, chứ nào hay việc tìm kiếm, trân trọng điều quý báu ẩn giấu trong những cái quen thuộc.

Từ ngày cha thôi đi tàu, mùa Hè nào gia đình tôi cũng đi nghỉ mát ở biển. Cha hào hứng ra mặt ngay từ phút hành lý được chất lên xe, và càng gần đến biển tinh thần ông càng phấn chấn. Đến nơi, cha ùa ra tắm biển trước các con, dẫu Mặt Trời treo bỏng rát trên đỉnh đầu. Tôi nhận ra, cha dành cho biển một thứ tình cảm khá phức tạp và vĩ đại. Một khối lòng trộn lẫn yêu đương đôi lứa, thân thuộc anh em và kính trọng hàm ơn. Ánh mắt ông nhìn biển… Da diết và bỏng cháy. Êm đềm và tha thiết. Thuộc về và ngưỡng vọng.

Tôi hy vọng sau này mình cũng có thể nhìn một điều gì đó trong cuộc sống này bằng ánh mắt như thế.

3. Ngày nhỏ, cứ đi tắm biển là tôi phăm phăm cùng chiếc phao ra xa thật xa, mặc kệ hôm ấy biển động sóng cao đến đâu. Máu liều thủy thủ của cha có lẽ đã di truyền vào cô con gái.

Nhưng từ năm 10 tuổi, tôi mất hứng thú với việc tắm biển, nếu không muốn nói là hoảng sợ. Năm đó, tôi sém chết đuối khi sa chân vào một hố lốc xoáy gần bờ. Lúc lặn ngụp trong hốc nước cao quá đầu, tôi vẫy vùng để ngoi lên nhưng lòng chẳng thoáng chút sợ chết. Tôi nhớ rõ như thế. Tôi biết cha – một thủy thủ, một tay bơi cự phách – sẽ cứu. Và ông đã đến nhấc bổng tôi lên, nâng chặt trong đôi tay rắn chắc.

Bá cổ cha, hổn hển thở vì sặc nước, một niềm tin, một cảm giác an toàn đã đến trong tôi và ở lại suốt nhiều năm sau này: dù bất cứ chuyện tồi tệ gì xảy đến, dù sai phạm gì, tôi vẫn luôn có cha nâng đỡ. Dù tôi chạy đi xa như thế nào, vẫn luôn có một vòng tay để ùa về, rồi vùi chặt trong đó.

4. Có một lần dạo biển cùng cha, tôi chẳng nhớ rõ khi ấy mình bao nhiêu tuổi, còn rất bé hay đã dậy thì, ông đã nhìn về phía những con sóng đang đạp nhau vào bờ và nói: “Bầu trời của đàn ông ngày càng rộng. Bầu trời của phụ nữ ngày càng hẹp. Nhưng con, hãy đi thật xa vào, con gái!”.

Ý nghĩa câu nói đấy, đến tận ngày nay tôi vẫn còn chút mơ hồ. Những người cha thường mong con gái sống an nhàn, yên lắng và hạnh phúc. Nhưng cha tôi dường như đã lái tôi sang một con đường rộng, nhiều màu nhưng cũng hứa hẹn không ít trồi sụt. Cha lạ. Mà có lẽ ông không lạ. Ông chỉ là đã nhìn thấu con người tôi từ lúc ấy.

Và ngay giây phút đó, câu nói ấy đã khiến tôi ngước lên bầu trời, mơ ước và quyết định hòa làm một: Tôi sẽ đi thật xa, sẽ nhìn thế giới thật nhiều, nhưng sẽ bằng một con đường khác với cha. Tôi sẽ kiến tạo con đường riêng của mình để có được một tâm hồn giàu có như ông.

Trời

5. May mắn (cho xã hội) là tôi đã chẳng thể thành bác sĩ, nếu không tôi hẳn đã là một tay lang băm cự phách. Hay có khi tôi đã chán ghét trường Y, ruồng rẫy cái ước mơ một-thời-rất-lớn mà dở dang việc học.

May mắn là cha đã nhận ra tôi không hợp làm bác sĩ, bằng mọi cách ngăn cản. Khá ngược đời so với nhiều bậc cha mẹ tìm mọi cách tống con vào trường Y vì sang, vì tương lai sáng lạn.

Thật ra, nếu ép thân cố gắng, tôi cũng có thể thành một bác sĩ giỏi. Nhưng tôi vốn không có tố chất của một bác sĩ tốt – Điều này phải nhiều năm sau tôi mới đủ can đảm thừa nhận. Một bác sĩ giỏi mà không tốt thì đại họa! May mắn là cha đã nhận ra! Con cái khi bị cha mẹ can ngăn chuyện gì thường cố chấp, càng lao đầu làm theo ý mình để chứng tỏ bản thân. Cái tự ái trẻ con khiến con cái quên rằng những đôi mắt được thời gian tôi luyện có khả năng nhìn sâu và nhìn xa hơn. Vì vậy, chỉ một lần cũng được, trước khi quyết định đời mình, hãy lắng nghe cha mẹ. May mắn là tôi đã làm như thế.

Tôi yêu và tận hưởng cuộc sống mình hiện tại nhiều vô đối. Nhiều đến mức tôi quên mất đã có thời mình học ngày học đêm để đậu y khoa. Nhiều đến mức tôi không nhớ cả lý do mình khoái thành bác sĩ. Khi bản thân nhận ra chẳng thể nhớ được điều gì đã gieo mầm ước mơ, tôi chắc chắn ước mơ đó chỉ như cú say nắng đầu đời. Đẹp nhưng chóng phai.

Thật ra lúc đó tôi đã toan dọn khỏi nhà, làm mình làm mẩy để được toại ý. May mắn là cha đã kể cho tôi nghe một câu chuyện…

Năm ấy, cha sang Nga du học, nung nấu thành giáo viên Vật lý. Nhưng cuối cùng, ông chuyển sang Hàng hải vì đất nước cần nhân lực ngành ấy. Đến khi về nước, ông trở thành giảng viên dạy trong trường Hàng hải. Rồi các con ra đời, ông bỏ công việc ổn định, theo thuyền vượt ngàn dặm đại dương kiếm tiền nuôi con.

Mơ ước thưở thanh niên của cha – ông từ bỏ, tái theo đuổi, rồi lại từ bỏ. Để tôi được sinh ra và lớn lên trong sung sướng. Để giờ đây tôi có thể theo đuổi bất kỳ ước vọng nào bản thân nghĩ tới.

Mơ ước thưở thanh niên của cha – tôi đã nhớ về nó suốt trên con đường của mình, mỗi khi tôi mệt lả và muốn từ bỏ. Tôi được bọc trong may mắn, khi có một người hy sinh ước mơ cá nhân, cho tôi được tự chủ sống như mình thích. Nên tôi chỉ có thể đi, không thể dừng. Nên tôi có quyền ngã, nhưng bắt buộc phải biết đứng dậy.

6. Cha ốm, lần thứ hai.

Ông nằm yên trên giường, mắt khép hờ, mặt đượm đầy mệt mỏi. Tôi đưa tay vuốt làn tóc bạc mỏng mảnh trên đầu ông, chợt thấy là lạ. Cũng phải vài năm rồi tôi mới nhìn cha kỹ đến thế. Ông già đi quá nhiều so với hình ảnh mà tôi luôn giữ trong đầu. Tôi nhìn và bỗng nghĩ… Những nếp nhăn, những vết sẹo, những vết chai trên người cha – mỗi vết đều mang một câu chuyện. Những câu chuyện trải dài từ thưở ấu thơ ở làng quê nghèo, sang tuổi niên thiếu trên nước Nga trắng tuyết, sang tuổi trẻ bôn ba biển cả… Tôi rất tò mò, nhưng chẳng hiểu sao lại không thể hỏi thành lời khi cha tỉnh dậy. Tôi chỉ lén nhìn mà tưởng tượng về những dấu vết cuộc sống đã đi qua đời ông, những sự kiện đã dần hun đúc nên con người ông.

Khi thiêm thiếp trên giường, trong giấc mơ lúc ốm, trong giấc mơ lúc biết mình gần đất hơn trời, cha đã nghĩ gì? Những khoảnh khắc nào của cuộc đời đã tái hiện lại trong chuỗi ký ức chập chờn ấy?

Cha thiêm thiếp trên giường. Tôi bỗng thấy xa lạ và xấu hổ. Cha – người mà tôi nghĩ mình thân quen nhất, hóa ra tôi lại chẳng mấy thấu hiểu.

7. Cha ốm, lần thứ ba.

Bác sĩ bảo ông không qua khỏi hai ngày. Nhưng ông đã hôn mê gần một tháng trước khi vĩnh viễn lìa xa tôi.

Tôi đã không khóc quá nhiều trong những ngày tang ma. Tôi đã không khóc khi nhớ về ông. Tôi chỉ luôn rối trong ngàn ngàn câu tự hỏi: Vì sao ông lại cố gắng kéo dài sự sống, bất chấp lục phủ ngũ tạng đều mệt nhoài? Là ông muốn sống, dù chỉ đời thực vật gắn liền máy thở? Là ông chuẩn bị tâm lý cho tôi, phải khi chắc rằng tôi sẽ được định tâm và định thần, không quỵ ngã thì ông mới rời đi? Hay là cá tính ngoan cường không khuất phục của một thủy thủ đã ăn sâu vào máu thịt, buộc ông chống chọi đến cùng?

Mãi mãi chỉ là những câu tự hỏi.

Mãi mãi tôi sẽ luôn tự nhủ rằng mình sẽ kiên cường đến phút cuối bất chấp con đường mình đi gập ghềnh thế nào. Cuộc sống quý lắm. Một người sống trên đời là vì mình, và không chỉ vì mình.

8. Cha mất. Gần 3 tuần sau, tôi chuyển sang Bangkok làm việc. Người trợn mắt trách tôi vô tâm, vô cảm, cha vừa mất mà đã “hồi phục” chóng vánh để tìm một chân trời mới. Người hiểu tôi hơn thì thở dài, cứ khuyên tôi khóc đi cho nhẹ lòng, đừng cố ép mình tươi tỉnh, cứng rắn.

Tôi chẳng tìm thấy một cái cớ nào để bưng mặt khóc mãi. Nhớ một người, có nhất thiết phải sầu não? Thương một người, cố nhất thiết tỏ ra mặt cho ngàn vạn người khác xem?

Cha mất. Tôi đi. Đã đến lúc công chúa rời chiếc lồng son và để cuộc đời đánh đập đôi chút. Đã đến lúc đôi tay mềm như bún của tôi xây xát đôi chút.

Tôi đang đi những bước đầu tiên trên con đường chỉ có một hướng tiến-về-phía-trước. Tôi đang học cách chịu trách nhiệm 100% với cuộc đời của mình. Cha không còn là bình phong cho những sự vụ rắc rối tôi gây ra. Cha không còn lặng lẽ chờ tôi trong phòng khách tối đèn, chỉ an tâm đi ngủ khi tôi mò về nhà – thường rất muộn, sau hàng giờ dài miệt mài làm việc và bù khú bạn bè.

Tôi đang đi với một nụ cười. Vì cha yêu nụ cười tôi. Vì cha là một tia nắng ấm áp luôn tỏa sáng dẫn đường cho cô con gái rượu.

9. Một mình trên chuyến bay rời Việt Nam. Một mình trên bầu trời. Tôi nhìn những tảng mây ú nụ, xốp bồng rất dễ thương bên ngoài cửa sổ, bất chợt vui thích trong ý nghĩ rằng biết đâu “thiên thần papa” của tôi đang ngáy khò khò trên một đám mây to xinh nào đấy. Có khi tôi đã lướt qua ông mà không thể thấy.

Trên đùi tôi để mở cuốn album hình của ông xa xưa trong một mùa nước Nga phủ tràn tuyết trắng. Những tấm hình lẩn khuất một chuyện tình…

Ngoài mẹ tôi, tôi chưa từng biết đến những chuyện tình – một phần tuổi trẻ đa sắc của ông. Tôi tưởng tượng… rồi bỗng tay nắm lấy tay mình. Nhất định một ngày, tôi sẽ tìm thấy một bàn tay khác để sưởi. Nhất định một ngày, tôi sẽ tay trong tay một người nào đấy cùng bước trong cuộc sống này. Nhất định một ngày, cha tôi sẽ yên lòng rằng cô con gái nhỏ của ông sẽ không một mình lang thang bầu trời.

Ba lời nói dối

J.C.WATTS

J.C.Watts hiện là chủ tịch GOPAC – một tổ chức đào tạo cho những người theo đuổi sự nghiệp chính trị tại Mỹ.

Dưới đây là bài diễn thuyết của ông trước toàn thể sinh viên học sinh ở Altus, Oklahoma.

Có ba lời nói dối ở đất Mỹ ngày nay mà tôi mong muốn tất cả các bạn đều nhận thức được.

Lời nói dối đầu tiên là "Tôi được quyền mắc lỗi". Các bạn trẻ, lời nói dối đó sẽ làm cho các bạn liên tục vấp ngã mỗi khi bạn nghĩ rằng mình có quyền được phạm sai lầm. Tất cả chúng ta, ai cũng từng phạm sai lầm, nhưng thực chất thì chúng ta không được quyền phạm sai lầm. Nếu bạn sống mà cứ tin tưởng vào lời nói dối đó, bạn sẽ vấp phải hết trở ngại này đến trở ngại khác, không bao giờ có được phương hướng hay tài sản gì trong cuộc sống.

Các bạn là những người trẻ nên không biết được câu chuyện về chàng Len Bias. Cậu ấy là một tiền đạo bóng rổ của trường ĐHMaryland. Cậu chơi dự bị cho Boston Celtics, được dự đoán sẽ trở thành một ngôi sao, cùng với Larry Bird, Kevin McHale, và Robert Parrish, có thể đem chức vô địch về cho đội mình. Len Bias rất cao to, khỏe mạnh, nhảy và giữ bóng tốt, ném bóng hay, nhanh như sóc và có nhiều người ví cậu với Michael Jordan. Có một vài người bạn của Len Bias tới chơi. Họ chúc mừng cậu là người đầu tiên được chơi cho đội bóng rổ nhà nghề. Họ mang theo một ít cocaine. Len Bias thử một chút, và chỉ trong một vài phút, tim cậu ấy phản ứng lại với cocaine, và cuộc sống đã rời bỏ cậu. Đến bây giờ, tôi vẫn không xác minh được cậu ấy đã từng sử dụng ma túy hay không. Tận sâu thẳm trong tâm trí, tôi không nghĩ rằng Len Bias từng nghĩ "Có chuyện gì to tát đâu. Mình cũng chỉ là người. Cũng có quyền đựơc phạm sai lầm chứ. Nếu mình bị bắt thì sao? Nếu bị sốc thì sao? Mà thế thì có sao? Mình chỉ là người thôi, tất nhiên có khi phạm sai lầm chứ!". Các bạn trẻ, chỉ một sai lầm đó đã làm Len Bias mất cả mạng sống. Đó là lý do tại sao bạn đừng nên tin rằng "Tôi tất nhiên được phạm sai lầm". Chúng ta ai ai cũng có sai lầm, nhưng chúng ta không "tất nhiên" gì với những sai lầm cả.

Lời nói dối thứ hai, rất phổ biến ở bậc phổ thông, đó là "Chuyện đó sẽ không bao giờ xảy ra với mình đâu".

Các bạn trẻ, chúng ta ai cũng có niềm tin kiểu như thế. Chúng ta luôn tin rằng tất cả những điều xấu trong cuộc sống sẽ xảy ra với người khác, chứ không bao giờ xảy ra với chúng ta cả. Chúng ta tự bảo mình như thế – không bao giờ xảy ra với mình đâu! Có một câu chuyện xảy ra 6 năm về trước mà nếu tôi có sống thêm 150 nữa, tô cũng không thể nào quên. Tôi là một fan của môn bóng rổ và đội bóng tôi thích nhất là LA Lakers. Tôi đã từng thích thú xem Lakers thi đấu khi đội có Kareem Abdul-Jabbar, Magic Johnson, James Worthy, Maichael Cooper, toàn là ngôi sao. Tôi đã thích thú biết bao mỗi khi xem họ thi đấu!

Trong đó, vận động viên tôi thích nhất là Magic Johnson. Tôi thích nhìn cách anh ấy chơi bóng, rất khéo léo và nhanh nhẹn, lại có nụ cười rất dễ mến. Và có lần, khi từ sở làm về nhà để ngồi xem buổi họp báo của Lakers trên tivi, dĩ nhiên là có cả Magic Johnson nữa. Bạn có biết anh ấy nói gì với tất cả những thanh niên ở Mỹ không? Tôi sẽ không bao giờ quên điều đó, thậm chí nó còn văng vẳng bên tai tôi mỗi khi nhớ lại. Anh ấy nói: "Có lẽ tôi đã quá khờ dại. Tôi đã không bao giờ nghĩ chuyện này có thể xảy ra với tôi". Bạn biết Magic nói về điều gì không? Chuyện gì ma anh ấy nghĩ không thể xảy ra với mình? Magic Johnson có kết quả thử HIV dương tính! Và anh ấy nói: "Tôi đã không bao giờ nghĩ chuyện này có thể xảy ra với tôi". Tôi nghe anh ấy lặp đi lặp lại câu đó nhìêu lần…

Các bạn trẻ, mỗi khi các bạn làm sai việc gì, các bạn thường tự nói gì với mình? "À, chuyện đó chẳng bao giờ xảy ra với mình đâu mà!". Tôi vẫn nhớ 5 năm trước khi tôi bị mất cắp ôtô, ngay giữa ban ngày. Tôi nhớ khi viết bản tường trình cho cảnh sát, tôi đã viết rằng: "Không thể tin được là chuyện này lại xảy ra với tôi!". Chuyện này đáng lẽ phải xảy ra với những người khác. Tôi đọc thấy trên báo rồi, tôi xem trên tivi rồi, nhưng tôi không bao giờ nghĩ nó có thể xảy ra cho tôi… thế mà nó đã xảy ra. Bạn có biết Peter Rose không? Anh ấy lẽ ra vẫn chơi bóng chày ở giải chuyên nghiệp. Nhưng anh ấy bị đuổi vì đã cá độ trong các trận bóng chày, và như thế là phạm luật. Sâu thẳm trong tôi, tôi không nghĩ rằng Peter đã nghĩ: "Ah, chuyện đó không thể xảy ra với mình đâu, mình không thể bị bắt vì cá độ được!". Giá như có ai có thể nói với Peter Rose và Magic Johnson rằng: "Magic và Pete này, đây có phải là kỳ nghỉ đáng giá của các cậu chăng? Nó có đáng để để phải đánh đổi cả sự nổi tiếng, nghề nghiệp và tương lai của các cậu? Các cậu đã làm gì vậy?". Các bạn trẻ à, chuyện gì cũng có thể xảy ra, với bất kỳ ai.

Lời nói dối thứ ba, các bạn hãy suy nghĩ thật kỹ để thật sự hiểu nó, đó là: "Mình còn nhiều thời gian mà".

Các bạn trẻ, các bạn có biết mình thường tự nói gì với bản thân không? Chúng ta nghĩ: "Mình sẽ trở thành một cầu thủ bóng chày chuyên nghiệp, mình sẽ trở thành một cầu thủ bóng rổ nổi tiếng! Thế thì mình khỏi phải lo về môn Toán, môn Chính tả, hay Vi tính… Mình còn rất nhiều thời gian cho chúng!". Các bạn trẻ ơi, các bạn không hề còn nhiều thời gian đâu. Các bạn đang là những thanh niên, học sinh, sinh viên và các bạn phải tạ ơn thượng đế rằng vẫn còn có những con người lặng lẽ mà bạn gọi là giáo viên. Bạn phải cảm ơn thượng đế rằng bạn đang học với những giáo viên sẵn sàng phạt bạn, hoặc buộc bạn phải làm những gì bạn đã biết, vì họ tin rằng bạn có khả năng để hoàn tất công việc. Các bạn có hứng thú với rất nhiều thứ không liên quan tới khả năng của mình, không giúp gì cho công việc của mình sau này… Các bạn tự lừa dối mình vì các bạn không chịu dành thời gian cho những thứ mà bạn biết là cần thiết, như môn Toán, như Chính tả, như Vi tính… Các bạn nghĩ: "Mình còn rất nhiều thời gian cho chúng!". Không, bạn không hề còn nhiều thời gian, vì hôm nay là ngày bạn bắt đầu chuẩn bị cho cả cuộc sống sau này của bạn. Và tôi hy vọng bạn sẽ bắt đầu chuẩn bị ngay từ hôm nay.

Tổng kết lại, có ba lời nói dối, đó là: "Mình được quyền mắc lỗi". Không, các bạn không được phép như thế. Chúng ta tạo ra lỗi sai, nhưng chúng ta không được phép làm điều đó. Lời nói dối thứ hai là "Chuyện đó sẽ không bao giờ xảy ra với mình!". Đúng vậy, các bạn ạ, tất cả mọi việc đều có thể xảy ra với chúng ta. Và lời nói dối thứ ba chính là "Mình còn khối thời gian". Các bạn không có nhiều thời gian như vậy đâu. Tôi không biết bao nhiêu người trong số các bạn xem việc vào Đại Học là quan trọng. Một số trong các bạn có thể theo học ở một trường dạy nghề, số thể có thể tìm một việc làm ngay sau khi tốt nghiệp phổ thông. Tôi không biết các bạn rồi sẽ làm gì, nhưng hy vọng rằng các bạn sẽ hiểu được điều này: Những điều tốt đẹp luôn đến với những người chăm chỉ, trung thực và có trách nhiệm.. Mong rằng các bạn sẽ có đủ lòng tin để dõng dạc nói rằng"Mình có thể làm được!".

Ngọc Anh dịch


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx