sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Hẹn hò với châu Âu - Chương 05 - 06

Chương 5: Verona - Thành phố của những câu chuyện tình

Ngoài Venice, tôi còn có dịp lang thang khắp nhiều thành phố khác của Ý như Roma, Trento, Torino, Milan... Nhưng thành phố thứ hai để lại cho tôi nhiều ấn tượng và tình cảm nhất lại là một thành phố nhỏ xinh đẹp mang tên: Verona.

Tôi còn nhớ trên chuyến tàu ngang dọc nước Ý, tôi ngẫu nhiên làm quen với một cô gái Ý tên là Cecilia. Cô có nước da ngăm và khuôn mặt xinh đẹp. Chính cô đã giúp tôi quên đi nỗi buồn phải ngồi chờ ở Milan hai tiếng đồng hồ vì tàu chậm (việc rất thường ở Ý) nhờ những câu chuyện phong phú của cô về cảnh đẹp và hệ thống giao thông của đất nước phóng túng và xinh đẹp này. Trước khi chia tay nhau, cô hóm hỉnh bảo tôi: “Nước Ý có quá nhiều thành phố xinh đẹp, nhưng nàng phải và nhất định phải đi Verona”. “Tại sao?”. “Vì đó là thành phố quê hương tôi và là nơi bắt đầu cũng như kết thúc của rất nhiều những câu chuyện tình”.

Vì câu nói đó, vì Romeo và Giulietta, tôi hăm hở cùng các bạn mình lên đường đi Verona, mặc dù chuyến tàu đưa tôi tới ga Verona Porta Nuova vẫn chậm như thường lệ. Nhà ga không tráng lệ như Milan mà nhỏ xinh, hiền hòa như chính thành phố Verona này vậy. Đoàn xe buýt nối đuôi đưa chúng tôi về trung tâm thành phố trong cái nắng chiều nhàn nhạt và bầu trời gờn gợn đầu tháng Hai, mùa xuân.

Trời tối dần và lạ thay, mặc dù đây là lần đầu tiên đến Verona nhưng tôi cứ có cảm giác như đang… về nhà. Tối đến, không khí ở Verona giống hệt như phố cổ Hà Nội ngày mồng Hai Tết, lác đác người qua lại trên những khu phố có những ngôi nhà nhỏ hơi cũ kỹ, cửa hơi sờn, đèn đường thì tối mờ mờ kèm thêm hơi lạnh khiến khung cảnh khá lãng mạn. Đêm đầu tiên ở Verona của tôi trôi qua êm đềm sau tách cà phê espresso cùng người bạn ở một quán nhỏ có sân, vườn và cả chiếc đèn bão đu đưa trước gió. Ngay phút gặp gỡ đầu tiên, tôi biết mình đã dành tình yêu cho thành phố xinh đẹp Verona này rồi.

Trước khi đặt chân đến Verona, tôi chỉ biết đây là thành phố của câu chuyện tình nổi tiếng Romeo và Giulietta, nhưng khi cầm cuốn sách về Verona và lang thang trong các ngõ nhỏ phố nhỏ của thành phố, tôi bàng hoàng nhận ra Verona có quá nhiều điều đáng để ngưỡng mộ.

Là thành phố nhỏ nhưng Verona trải qua một quá trình lịch sử biến động lâu dài suốt từ thời La Mã cổ đại đến nay. Đến nỗi bản đồ du lịch Verona phải chia thành các khu vực như Verona thời La Mã, Verona thời Trung Cổ, Verona dưới thời cộng hòa Venice, thời đế quốc Áo và đặc biệt là Verona với ảnh hưởng của những nghệ sỹ vĩ đại như: Verona của kịch gia Shakespeare, Verona của nhà thơ Dante. Chẳng thế mà Verona còn được mệnh danh là “một bào tàng khảo cổ ngoài trời” hay “sân khấu ngoài trời” của các sự kiện lớn.

Verona chỉ đứng hàng thứ hai sau Rome về số lượng các công trình kiến trúc thời La Mã vẫn còn tồn tại đến ngày nay. Tôi run run bước chân trên con đường mang tên Postumia, vừa đi vừa săm soi cả những viên gạch dưới chân bởi tôi được biết, con đường này không khác nhiều như nó vốn thế từ hai nghìn năm về trước. Công trình nổi bật nhất của Verona thời La Mã chính là Arena, nhà hát ngoài trời với kiến trúc vòng tròn bậc thang. Được xây dựng từ thế kỷ đầu tiên của Công nguyên, Arena dường như thách thức với thời gian. Cho đến giờ, Arena vẫn là nơi diễn ra Festival Opera hàng năm vào mùa hè. Mùa hè 2011 là festival lần thứ 89. Tôi chưa có dịp tham dự một kì Festival nào, nhưng tôi luôn thầm nhủ rằng nếu chàng trai nào tặng tôi vé mời thưởng thức những giọng opera cao vút ở Arena vào một đêm hè thì đó là món quà đánh gục trái tim tôi cũng như bất kì người phụ nữ lãng mạn nào khác.

Dù không thờ Thiên Chúa, chắc chắn bạn cũng sẽ trào dâng niềm kính Chúa khi chạm tay vào những pano bằng đồng ở cửa của nhà thờ San Zeno, ngắm nhìn những phù điêu trang trí như ngầm khoe sự thịnh vượng uy quyền một thời ở nhà thờ San Anastasia, và nghe thánh ca ở nhà thờ lớn Duomo Verona. Đây cũng là những công trình tiêu biểu của Verona thời Trung Cổ nếu không kể đến hai căn nhà hay hai “pháo đài tình yêu” vô cùng nổi tiếng: nhà của chàng Romeo và nhà của nàng Giulietta. Từ nhỏ, tôi đã không thích câu chuyện này của Shakespeare vì nó quá bi kịch. Tôi thì chỉ thích những mối tình đẹp đẽ, mạnh mẽ dù trọn vẹn hay dang dở. Tuy nhiên, tôi vẫn ghé thăm nhà của “chàng” và “nàng”. Chẳng ai biết hai người có thực sự sống ở Verona hay không, nhưng những chứng tích của câu chuyện tình ấy vẫn còn đây, kể cả mộ nàng Giulietta đặt trong hầm của tu viện San Francesco al Corso. Đến giờ tôi vẫn chưa biết lý do tại sao tôi không vào được nhà Romeo. Trước mặt tôi cánh cửa gỗ nặng trịch đóng kín với hàng gạch xây ken dày, một người phụ nữ hiện đại quý phái từ trong đi ra nói một tràng tiếng Italia và… đóng sầm cánh cửa lại. Điều trái ngược là nhà của nàng Giulietta với bức tượng đồng của nàng dưới sân lại luôn rộng mở. Người ta cũng bán kèm những đồ lưu niệm tình yêu trong nhà nàng. Ban công căn nhà nàng vẫn còn đó và rất nhiều du khách, đặc biệt là những đôi yêu nhau thường để cô gái hát trên ban công còn chàng trai đứng dưới ngóng lên, tha thiết và say đắm. Tượng nàng bằng đồng nơi cánh tay phải xinh xinh buông lơi và khuôn ngực bên phải sáng bóng vì rất nhiều du khách, đặc biệt là các chàng trai thường đặt nụ hôn lên đó (tôi cũng không biết vì sao không phải là cánh tay và khuôn ngực bên trái, hay nơi đó chỉ dành riêng cho chàng Romeo?).

Những công trình cầu kỳ, điệu đà của Verona thời Venice, tráng lệ của Verona thời đế quốc Áo khiến tôi chùn chân, mỏi gối, say sưa ngắm nhìn và mơ mộng. Sau tất cả những lãng mạn ngập tràn ấy, tình yêu của tôi với Verona có lẽ sâu đậm hơn nữa nhờ những phút lang thang trên những con phố nhỏ xộc xệch mà tôi không thể nhớ hết tên. Gọi là xộc xệch cũng không sai, quảng trường trung tâm Centro Storico rộng lớn với dãy nhà cổ nối dài còn giữ nguyên những bức tranh sơn trên cửa, nhưng cửa sổ thì cũ và long chốt, rơi rụng nhiều, mái sập và cần cẩu vẫn bắc ngang ở trên mái. Tôi đi đi lại lại khu vực này nhiều vì bên cạnh dãy những cửa hàng xa xỉ tráng lệ là khu chợ trời bán đủ thứ, kể cả đồ nhái Gucci. Ở đây, tôi tìm cho mình được một quán ăn rất rẻ và ngon, có người hành khất cứ năm giờ chiều là kéo violin những bản tình ca da diết. Tôi cũng tìm được một góc nhỏ để uống cà phê với chiếc tách cũ sơn vẽ cầu kỳ và cả chiếc thìa khuấy chạm trổ bằng bạc. Những buổi tối lang thang vô định là thú vị nhất vì Verona khá yên bình chứ không lộn xộn như Rome. Những chiếc đèn đường luôn tỏa ra thứ ánh sáng nhàn nhạt như trăng cuối mùa. Đi một đoạn là bắt gặp nhà thờ hoặc tu viện, kỳ bí và thâm nghiêm, ngẩng đầu lên gặp ngay những ban công xưa cũ, cứ như lúc nào cũng có nàng tựa cửa hát đợi chàng. Chàng trai duy nhất của nhóm chúng tôi bị gọi đùa là Casanova (tên của một chàng đa tình nổi tiếng), và khi tôi bất chợt gọi tên bạn để hỏi giờ, tiếng gọi Casanova vang lên giữa đêm tối khiến nhiều người giật mình ngoái lại nhìn, cánh cửa sổ căn nhà phía trên cũng lục tục mở ra. Hình như cư dân Verona đều sẵn sàng đón nhận những câu chuyện tình hiển hiện trong thành phố của mình. Bạn sẽ bắt gặp rất nhiều đôi lứa nắm tay nhau đi dạo ở Verona, nhưng cũng chẳng hiếm những người đi một mình, vừa đi vừa đốt thuốc, làm tôi liên tưởng đến lời nói của Cecilia: “Verona là nơi bắt đầu và kết thúc của những câu chuyện tình”.

Tôi không biết lời Cecilia nói là thật hay không, giống như chẳng ai biết chuyện Romeo và Giulietta là thật hay huyền thoại, tôi chỉ biết rằng, khi đứng tư lự bên dòng sông Adige vào tháng Hai, tình yêu của tôi với Verona đã thực sự bắt đầu và sẽ không bao giờ kết thúc. Hoa thủy tiên vàng đã nở ven sông báo hiệu mùa yêu tháng Hai đã về. Chưa chia xa mà tôi đã mong sẽ có dịp trở lại với Verona, uống cà phê espresso vào mỗi tối để đủ tỉnh táo lang thang khắp thành phố dịu dàng này mỗi khi màn đêm buông xuống.

Chương 6: Ba Lan mùa tuyết chưa tan

Nhìn lại các chuyến đi, tôi phát hiện ra mình vẫn giữ một thói quen đặc trưng của người Việt: du xuân. Nói vui thế bởi mùa xuân châu Âu của tôi luôn đầy ắp các cuộc hành trình. Đó là mùa tôi phải đi hội thảo ở nhiều nơi, nhân thể đi du lịch, thêm nữa lại có dịp nghỉ lễ Phục Sinh dài - một cái cớ tốt để tôi không thể ngồi nhà.

Tôi đến Ba Lan vào một ngày đầu xuân khi tuyết vẫn còn chưa tan hết, chỉ có hàng cây phủ sương trắng với nắng mai tràn hai bên đường.

Ấn tượng đầu tiên của tôi với Ba Lan là một thoáng ngạc nhiên vì sân bay ở Warszawa quá nhỏ so với tưởng tượng của tôi, có lẽ chỉ giống như Nội Bài của mười năm về trước. Hải quan sân bay thì khá lạnh lùng. Ngoại trừ hộ chiếu visa, họ còn hỏi han rất nhiều thủ tục giấy tờ phức tạp khác, thậm chí còn nói tiếng Đức với tôi để kiểm tra xem có đúng tôi là sinh viên Áo không. Tôi thầm nhủ chắc là do ở Ba Lan người Việt quá đông. Hồi đi Praha, tôi cũng gặp tình trạng tương tự như thế này. Sau khoảng hơn ba mươi phút, tôi thở phào vì đã được cho phép vào địa phận Ba Lan. Cảm giác căng thẳng và hơi khó chịu ban đầu nơi cửa khẩu biến mất ngay khi cơn gió lành lạnh mùa xuân ùa đến cùng nụ cười ấm áp của cô gái Ba Lan bán những bông hoa thủy tiên vàng xinh xắn bên góc sân bay. Hình ảnh các cô gái Ba Lan xinh đẹp với ánh mắt mê hồn còn theo tôi suốt dọc hành trình khám phá Ba Lan, đất nước chịu sự tàn phá của chiến tranh nhưng vẫn đẹp và quyến rũ vô cùng.

Ba Lan - Những dấu vết thời gian

Thủ đô Warszawa còn được gọi là Phoenix City - Thành phố Phượng hoàng bởi sự vươn mình mạnh mẽ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Khu phố cổ Warszawa (Rynek Starego Miasta) vẫn giữ nguyên nét cổ kính với những phù điêu trang trí bằng đồng tinh xảo bên nhiều khung cửa, những viên gạch đỏ xếp nếp hằn in bao dấu giày. Nhìn bên ngoài, khu chợ xinh đẹp dường như chưa bao giờ trải qua những đau thương. Ít ai biết rằng, để khôi phục lại khu chợ cổ này sau Chiến tranh thế giới, người ta đã chắt chiu từng viên gạch nhỏ, vẽ lại từng ngôi nhà còn lại trong ký ức mỗi người, với nỗ lực phi thường để trả lại nét đẹp nguyên sơ cho khu chợ. Khu chợ cổ của Warszawa tuy đơn giản mà khiến tôi đi không biết mỏi! Những ngõ gạch nhỏ, những quảng trường đông đúc cuối tuần dường như đã là đặc trưng của phố cổ châu Âu, nhưng ở Warszawa, tôi thấy bên cạnh vẻ tráng lệ, phố cổ có nét gì đó rất hiền, hiền nhất ở cách trang trí đẹp mắt mà hài hòa, giản dị. Dù không sắc sảo nhưng vô cùng gợi cảm. Đường phố ngày thứ bảy tấp nập người qua lại nhưng những cửa hàng cũng không vì vậy mà trở nên vội vã. Người bán hàng trong lúc bày lên kệ những món đồ xinh xắn còn tranh thủ tưới vạt hoa hồng chưa nở bên cửa sổ. Bên trong cửa hàng bán đá hổ phách, thứ đá vàng trong vắt gợn vân nâu rất phổ biến ở Đông Âu. Ông già chủ tiệm tủm tỉm cười ngã giá với những du khách trẻ, vừa nói vừa đủng đỉnh lau một miếng đá bóng loáng lên. Quảng trường chợ rất đông người tụ tập, đám uống rượu mạnh Leroux, đám uống bia Zywiec hay Warka, vài người đàn ông hút thuốc, vài người đàn bà chuyện trò. Đông đúc là thế nhưng lạ thay vẫn có vẻ gì đó yên tĩnh lạ thường. Có lẽ bởi họ chỉ rì rầm nói chuyện và lim dim tận hưởng ánh nắng sớm. Gây “ồn ào” nhất có lẽ là tiếng accordeon và violon phía góc phố, nơi những bản nhạc của Chopin đang vi vút ngân lên. Tôi cũng ngồi tận hưởng chút rượu hoa quả Nalewka với bánh ngọt Delicje bên chiếc bàn gỗ ở góc quảng trường, sung sướng đeo thêm vào cổ chiếc vòng kết từ bánh mỳ, một nét đặc trưng của khu chợ danh tiếng này.

Ở Ba Lan, khi đi dọc những con phố của thành phố Warszawa và Łódź - hai điểm dừng của tôi, tôi rất nhớ Hà Nội. Có lẽ vì Ba Lan vẫn còn giữ nhiều dấu ấn của một thời Xã hội chủ nghĩa Đông Âu xưa, với những khu nhà làm việc xây đơn giản mà kiên cố, những chung cư đông đúc phấp phới áo quần và những nhà máy công xưởng lớn. Có nhà máy đã hồi phục, trở thành một công ty khang trang, có những nhà máy dệt giờ chỉ còn là khu nhà gạch đỏ bỏ không, nghe nói chuẩn bị sửa lại thành trung tâm thương mại. Kiến trúc ở Warszawa còn lưu lại cả những căn nhà sừng sững vững chãi, canh gác bởi những bức tượng chiến binh Xã hội chủ nghĩa kiên cường. Nhiều cửa hàng khiến tôi liên tưởng đến những cửa hàng mậu dịch ở Việt Nam ngày xưa với kiểu bày hàng, bán hàng y hệt nhau. Người Việt sinh sống ở Ba Lan rất nhiều nên đi đâu bạn cũng bắt gặp những quán nhỏ mang tên Quê Hương, Sài Gòn, Hương Sen... Những cái tên ấy khiến tôi nhớ da diết hương vị món ăn quê nhà dù đã bụng bảo dạ là sang đây chỉ ăn món Ba Lan cho biết.

Ở một phía khác của thành phố Warszawa, những căn nhà chọc trời, những trung tâm thương mại lớn mọc lên tự bao giờ. Tấm biển quảng cáo của hãng thời trang H&M choán đầy cả vỉa hè. Tôi thờ ơ ra vào khu trung tâm này vì mua giày Clark, Geox hay đồ Esprit thì ở đâu chẳng có, cớ gì phải đến Warszawa. Tôi thích lang thang ở khu chợ cổ hơn, nhưng khu thương mại này cũng cho thấy một góc khác của Warszawa hiện đại, trẻ trung và năng động. Những cô gái tóc vàng đang sải bước rộn ràng bên lề đường còn đọng những đống tuyết chưa tan làm trái tim tôi xao xuyến, như một lần chợt rung động trước những vẻ đẹp mới mẻ, thoáng qua trong cuộc đời.

Ba Lan - Tưởng tượng và hơn thế nữa

Ba Lan trong suy nghĩ của tôi khi còn bé chính là một câu thơ của nhà thơ Tố Hữu trong bài Em ơi Ba Lan. Có lẽ vì vậy mà hình ảnh Ba Lan trong tôi luôn là một rừng bạch dương với sương trắng nắng tràn đầy trên thân cây đẹp như tranh vẽ. Ba Lan trong tưởng tượng của tôi là nơi người ta ăn bánh mỳ với cục mỡ to tướng, như đứa bạn hàng xóm có bố đi nghiên cứu sinh ở Ba Lan kể với tôi ngày xưa.

Khi tôi đến nơi này, Ba Lan hiện ra với một phần những gì mà tôi biết và muôn phần những điều khiến tôi phải nhớ. Con gái Ba Lan thật đẹp! Tôi không quên kỷ niệm khi ba đứa tôi hỏi đường một cô gái Ba Lan mảnh dẻ để đến nơi có tượng nàng tiên cá bằng đồng “the Warsaw mermaid”, cô gái say sưa chỉ dẫn, chúng tôi cũng gật lia lịa. Và khi cô đi rồi thì chẳng ai trong chúng tôi nhớ được những gì cô nói vì tâm trí còn vương vấn theo bước chân cô mãi. Chàng trai trong nhóm bị hớp hồn đã đành, hai đứa con gái chúng tôi cũng ngơ ngẩn trước vẻ đẹp của cô. Hình như các cô gái Ba Lan đều như thế: cao ráo, mảnh dẻ, tóc vàng ánh lên dưới nắng và mắt thì biếc xanh thăm thẳm. Không những rất đẹp, các cô còn luôn dành cho chúng tôi ánh mắt thân thiện và nụ cười đủ xua tan đi cái lạnh lẽo của mùa tuyết chưa tan.

Món ăn Ba Lan cũng ngon và ấn tượng như vẻ đẹp Ba Lan vậy! Món bánh mỳ kẹp mỡ có cái tên Ba Lan rắc rối làm tôi không thể nhớ được nhưng ăn thơm mà không ngán, xúc xích và cải bắp muối chua rất dễ chịu, món súp lúa mạch đen Zurek đựng trong quả bí ngô nhìn lạ mà hấp dẫn, lại còn món “Kaczka na jabłkach” - vịt nướng táo thì đã ăn rồi không ai có thể quên.

Chắc chẳng cần dùng những mỹ từ để ca ngợi thì âm nhạc của Ba Lan cũng làm rung động đến tận tâm can tôi như hàng thế kỉ qua đã làm đắm say nhân loại! Như bao người khác, tôi chỉ biết đến Chopin nên đã cố công tìm đến công viên có bức tượng đá của ông dù trời mưa tuyết rất lạnh. Tôi nghe lại những bản nhạc của ông mà tôi biết. Lòng tôi xáo động, tự cảm thấy sao những âm hưởng nhẹ nhàng ấy hợp với khung cảnh bình yên, trầm mặc mà đầy suy tưởng của đất nước này đến thế. Sao ấm áp đến thế khi tay cầm bánh mỳ nóng vừa đi vừa chạy cho kịp tàu điện mà nhạc Chopin từ Ipod cứ dìu dặt bên tai. Khi đến thành phố Łódź, tôi còn biết thêm Arthur Rubinstein, cây piano người Ba Lan - Mỹ, một trong những người chơi dương cầm vĩ đại nhất thế kỷ hai mươi. Ông sinh ra ở thành phố Łódź trong một gia đình người Do Thái. Bức tượng bằng đồng thể hiện hình ảnh ông chơi đàn tọa lạc trên con phố cổ Piotrkowska gần khách sạn tôi ở. Sáng nào tôi cũng dậy sớm, ngồi bên cạnh bức tượng này, gần chiếc khóa son cũng bằng đồng to tướng trên hè phố để đón nắng mai, nghe nhạc, uống cà phê với một người bạn đi cùng. Hai chúng tôi cùng say sưa ngắm nhìn khu nhà Do Thái ở Łódź với những hình vẽ trầm mặc trên tường như bàng quan trước mọi biến động của lịch sử.

Người Ba Lan rất thân thiện, đàn ông, đàn bà và cả trẻ con đều thế. Một cậu bé được bà mình dắt đi học và chỉ cho bức ảnh Giáo hoàng Jean Paul trong một cửa tiệm. Giáo hoàng vốn là người Ba Lan, ông đã chụp bức hình này trong lần về thăm quê hương. Cậu bé chỉ bức ảnh Đức Giáo hoàng đó cho chúng tôi và nói: “Ông ấy là người Ba Lan đấy. Còn các anh chị người nước nào?”. Nghe bà cậu bé dịch lại, chúng tôi giới thiệu chúng tôi từ đâu đến, bắt tay và chụp ảnh với cậu bé. Giờ chắc cậu lớn lắm rồi, nhưng tôi vẫn nhớ ánh mắt tinh nghịch, thân thiện và đầy tự hào của cậu.

Ba Lan đã đem lại cho tôi những điều hơn cả tưởng tượng của tôi từ thuở ấu thơ. Tôi yêu mến Ba Lan, chính vì thế, tôi muốn viết lại những dòng này, biết đâu sẽ lại xây dựng cho những đứa trẻ khác, như các con Maia, Mayo của tôi chẳng hạn, những tưởng tượng đẹp về đất nước đáng yêu ấy.

Một ngày nào đó, khi lớn lên và có dịp đặt chân đến nơi này, các con tôi sẽ thấy Ba Lan còn hơn cả những gì trong tưởng tượng của chúng.

Khi tôi rời Ba Lan, tuyết năm ấy vẫn chưa tan.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx