Trước đây tôi có nghe nói về một dòng họ Lý gốc Việt ở Hàn Quốc. Nhưng đến tháng 10 năm 1994 nhân dịp sang tham dự cuộc Hội thảo khoa học về "Nguồn gốc Hoàng thúc Lý Long Tường và hậu duệ họ Lý ở Hàn Quốc" do Hội giao lưu văn hóa Hàn - Việt và Hội kỷ niệm Hoàng tử Lý Long Tường tổ chức tại Seoul, tôi mới có dịp tiếp cận những tư liệu của dòng họ này. Tư liệu khá phong phú bao gồm những chuyện truyền khẩu của con cháu, một số di tích vật chất như tổ mộ, làng quê Hoa Sơn, thành lũy, nhà bia và đặc biệt có giá trị là những tư liệu chữ viết như Hoa Sơn Lý thị tộc phổ là bộ gia phả chép từ thủy tổ Lý Công Uẩn ở Việt Nam đến Lý Long Tường nhập cư vào vương quốc Cao Ly thế kỷ 13 cho đến các thế hệ hậu duệ 32 đời, bài văn bia Thụ hàng môn kỷ tích bi ghi chép hành trạng và chiến công chống quân xâm lược Mông Cổ của Lý Long Tường, tập sách Hoa Sơn quân bản truyện…
Ở Hàn Quốc có nhiều họ Lý, dòng họ Lý gốc Việt này thường gọi là Lý Hoa Sơn vì Hoa Sơn là quê hương đầu tiên khi Lý Long Tường nhập cư Cao Ly và cũng gắn liền với thực ấp và tước hiệu Hoa Sơn Quân do vua Cao Tông nước Cao Ly phong cho ông.
Đem đối chiếu tư liệu ở Hàn Quốc với tư liệu Việt Nam, có thể xác định Lý Long Tường là Hoàng tử con vua Lý Anh Tông (1138-1175), em vua Lý Cao Tông (1176-1210) và là chú vua Lý Huệ Tông (1211-1224). Vì vậy trong tư liệu chữ viết và trong ký ức của con cháu, vị tổ Lý Long Tường được gọi là Hoàng tử hay Hoàng thúc.
Trong chính sử của Việt Nam, cho đến nay chưa tìm thấy một tư liệu nào về Lý Long Tường. Những bộ chính sử tiêu biểu như Đại Việt sử lược, Đại Việt sử ký toàn thư… chép Lý Anh Tông sinh Long Xưởng năm 1151 và Long Trát tức Lý Cao Tông, năm 1173. Nhưng Đại Việt sử ký toàn thư lại xác nhận Long Trát là con trai thứ 6 của Lý Anh Tông. Như vậy, ít ra có 4 người con không được ghi vào chính sử và do đó, không tìm thấy tên Lý Long Tường trong chính sử thì cũng không thể coi là căn cứ đáng tin cậy để phủ nhận sự tồn tại của nhân vật này. Hơn nữa, sử biên niên không chép hoặc chép thiếu sót, một số nhân vật hay sự kiện lịch sử thì cũng không có gì lạ và có thể chứng minh được qua nhiều dân chứng.
Đối chiếu tư liệu họ Lý ở Hàn Quốc với tư liệu Việt Nam thì Lý Long Tường sinh sau năm 1173, năm sinh của Long Trát, và trước năm 1175, năm mất của Lý Anh Tông (cũng có thể 1175 hay đầu năm 1176 với giả thuyết Hoàng hậu mang thai trước khi nhà vua mất vào tháng 7 năm ất Mùi-1175). Có thể giả định ông sinh năm 1174 hay 1175 và là Hoàng tử thứ 7 (em của Lý Cao Tông và chú của Lý Huệ Tông, không phải là Hoàng tử thứ 2 như có người đã viết).
Lý Long Tường lớn lên khi vương triều Lý đang suy vong và trong cung đình diễn ra nhiều biến cố dồn dập dẫn đến sự sụp đổ của triều Lý (1009-1225) và sự thay thế của triều Trần (1226-1400).
Trước những thảm họa đó, Lý Long Tường cùng một số tôn thất nhà Lý đã tìm cách vượt biển ẩn tránh ra nước ngoài. Văn bia Thụ hàng môn ký tích bí chép sự việc này như sau: "Năm Bính Tuất niên hiệu Bảo Khánh (đời Tống, 1226), trong nước có loạn, việc thờ cúng tổ tiên ở nhà Tông miếu bị hủy bỏ. Ông là chú vua, khóc ở miếu Nam Bình rồi đem đồ tế khi chạy về phía đông. Ông nói rằng: không đi thì không thành được cái chí của ba người xưa (ý nói Vi Tử, Tỉ Can, Cơ Tử đời Ân, khi nhà Ân mất, mỗi người theo chí của mình; Vi Tử theo Chu để giữ việc thờ cúng, Tỉ Can can vua bị giết, Cơ Tử chạy ra nước ngoài để giữ dòng giống). Ông vượt biển đến sông Phú Lương huyện ủng Tân nước Cao Ly, ẩn ở Trấn Sơn phía nam phủ thành, đặt hiệu Vi Tử động". Mục đích ra đi của Lý Long Tường là để giữ việc thờ cúng tổ tiên như trường hợp Vi Tử đời Ân nên ông đặt hiệu là Tiểu Vi Tử và nơi ở là Vi Tử động.
Lý Long Tường được vua Cao Ly ưu ái, ban cấp cho đất cư trú. Ông cùng con cháu họ Lý nhanh chóng hòa nhập vào cuộc sống của vương quốc Cao Ly và được nhân dân trong vùng quí mến.
Lúc bấy giờ, phía tây Cao Ly, đế chế Mông Cổ đang phát triển như vũ bão và mở rộng chinh chiến, xâm lược bắc Trung Quốc, chinh phục Trung á, Tây á và Đông Âu. Năm 1253, quân Mông Cổ tấn công Cao Ly, đánh vào quốc đô và một cánh quân đánh vào ủng Tân. Lý Long Tường đã đứng ra tổ chức kháng chiến, cùng với quan quân trong phủ thành và nhân dân địa phương chiến đấu dũng cảm, mưu trí. Sau 5 tháng, quan giặc thua to, phải xin hàng.
Văn bia ghi chép chiến công này như sau: "Đời Ân Hiếu Vương nước Cao Ly, năm Quý Sửu (1253), đại quân Mông Cổ đến, trước đánh vào quốc đô, vua phải lánh ra đảo Giang Hoa. Quân địch lại tràn ra phía tây, đánh ủng Tân, thế rất nguy cấp. Ông bèn vì nghĩa khí, quyết đem quân ra khỏi thành cùng với quân trong phủ, trao phương lược cho các quân. Giao chiến 5 tháng, quân địch thua to, nói là muốn hàng, đem biếu 5 hòm vàng. Ông đoán biết mưu gian, sai khoét hòm, dội nước sôi vào, cả 5 tên thích khách cầm gươm sẵn trong hòm đều bị chết, rồi sai bịt kín lại và gửi trả. Quân Mông Cổ sợ lắm, liền xin hàng, thu quân rút chạy. Nghe việc ấy, vua rất khen ngợi, sai đổi Trấn Sơn làm Hoa Sơn. Lại lấy đất 30 dặm vuông, nhân khẩu của 20 hộ, cho ông làm thái ấp để phụng thờ tổ tiên. Lại sai dựng cửa gọi là Thụ hàng môn, lập biển ghi công trạng để biểu dương công huân, tức cửa thứ ba phía ngoài dinh quán này. Con cháu đời đời ở đô, nhập tịch Hoa Sơn".
Tại Hoa Sơn (nay thuộc Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên) còn lưu giữ nhiều di tích mang dấu ấn chiến công của Lý Long Tường như khu dinh quán, thành lũy. Thụ hàng môn với tấm bia Thụ hàng môn kỷ tích bi. Lý Long Tường đã cùng quân dân Cao Ly đánh bại quân xâm lược Mông Cổ của quân dân Đại Việt 5 năm (1258). Lúc đó, ông đã là một lão tướng khoảng gần 80 tuổi. Mộ của ông ở phía tây phủ thành ủng Tân 10 dặm, dưới chân núi Di ất.
Kể từ Lý Long Tường, con cháu dòng họ Lý Hoa Sơn ngày càng phát triển và sống hòa nhập vào cộng đồng cư dân Cao Ly trước đây cũng như Hàn Quốc hiện nay. Trong lịch sử, dòng họ Lý có nhiều người thành đạt, có người đỗ Tiến sĩ, có người giữ chức tước cao như Nghệ văn quán đại đề học, Lê tào tham nghị, Giám tu quốc sử, Thượng thư hữu bộc xã, có người văn chương nổi tiếng một thời…
Điều đáng quý, đáng trân trọng nhất là từ vị tổ Lý Long Tường thế kỷ 13 cho đến các thế hệ con cháu ngày nay, không bao giờ quên cố quốc, luôn luôn hướng về quê cha đất tổ với ý thức và tình cảm sâu lắng. Tại Hoa Sơn có một ngọn núi cao gọi là Quảng Đại Sơn, trên đỉnh có một nền đá bằng phẳng. Tương truyền rẳng, Lý Long Tường thường lên đó ngóng trông về phương nam, thương nhớ quê nhà. Ngọn núi đó vì thế mang tên Vọng cố hương.
Cháu đời thứ 31 là ông Lý Xương Cần đã nhiều lần về thăm quê hương của tiên tổ và ông cùng đại biểu của dòng họ từ năm 1994 đến nay hàng năm hành hương về dự lễ hội tại đền Lý Bát Đế ở Đình Bảng (Hà Bắc). Ông cùng những người nhiệt tâm lập Hội giao lưu văn hóa Hàn-Việt nhằm thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai nước và Hội kỷ niệm Hoàng tử Lý Long Tường nhằm nhắc nhở con cháu nhớ về cội nguồn tổ tiên. Ông cũng đang hoạt động tích cực góp phần mở rộng quan hệ giao lưu văn hóa, kinh tế giữa Hàn Quốc và Việt Nam.
Cuộc đời và sự nghiệp của Hoàng thúc Lý Long Tường cùng tấm lòng của hậu duệ họ Lý Hoa Sơn không những là đề tài nghiên cứu khoa học hấp dẫn mà còn gây cảm hứng sáng tác văn học, nghệ thuật.
Nhà nghiên cứu phương Đông cổ điển và nhà văn Khương Vũ Hạc (Kang Moo Hak, 1910-1994) đã viết một cuốn tiểu thuyết lịch sử nhan đề Hoàng thúc Lý Long Tường. Ông Lý Xương Cần cho biết, cuốn sách đã làm ông rất xúc động và đã có tác dụng nâng cao hiểu biết, khắc sâu tình cảm của con cháu họ Lý đối với Tiên tổ và Cố quốc. Ông có nhã ý muốn dịch ra tiếng Việt và xuất bản cuốn tiểu thuyết lịch sử trên tại Việt Nam để con cháu họ Lý ở quê tổ cũng như ở hải ngoại vả mọi người Việt Nam được thưởng thức tác phẩm và qua đó, hiểu thêm cuộc đời sóng gió và anh hùng của Hoàng thúc Lý Long Tường cũng như tấm lòng luôn luôn hướng về quê cha đất tổ của hậu duệ họ Lý Hoa Sơn.
Bản dịch do ông Trần Văn Thêm, chuyên viên Bộ ngoại giao thực hiện và nhà văn Đào Vũ nhuận sắc. Trong một thời gian hết sức khẩn trương, chỉ trong 5 ngày, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia đã nhiệt tình tổ chức xuất bản để cuốn sách có thể ra mắt bạn đọc Việt Nam đúng vào dịp lễ hội đền Lý Bát Đế (đền Đô) vào ngày 15 tháng 3 âm lịch năm Bính Tý tức ngày 2-5-1996.
Đây là một tác phẩm tiểu thuyết lịch sử với những đặc trưng của thể loại văn học này, chứ không phải là một cuốn sử hay tiểu sử. Đây đó trong tác phẩm có những miêu tả hay hư cấu chưa thật phù hợp với bối cảnh lịch sử và địa lý nước Đại Việt thế kỷ 13 thì cũng là điều dễ hiểu và cần thể tất vì tác giả thiếu những tư liệu lịch sử về phía Việt Nam và ngay trong tư liệu về Lý Long Tường lưu giữ ở Hàn Quốc so với những thư tịch trong nước cũng còn những điều cần phải được giám định và xác minh. Nhưng tinh thần xuyên suốt tác phẩm là tấm lòng trân trọng của tác giả đối với cuộc đời và sự nghiệp của Hoàng thúc Lý Long Tường và mối quan hệ hữu nghị lâu đời giữa nhân dân hai nước Việt-Hàn.
Nhân dịp phát hành bản dịch tiếng Việt cuốn tiểu thuyết lịch sử Hoàng thúc Lý Long Tường, tôi xin trân trọng giới thiệu tác phẩm với bạn đọc trong nước và bà con người Việt ở hải ngoại. Tôi hi vọng cuốn tiểu thuyết lịch sử này cùng với những kết quả nghiên cứu khoa học về Lý Long Tường và dòng họ Lý Hoa Sơn sẽ giúp người đọc hiểu thêm về một nhân vật lịch sử bị thời gian che phủ khá lâu và hiểu thêm tấm lòng của những người Việt xa Tổ quốc.
PHAN HUY LÊ
Giáo sư sử học, Đại học quốc gia Hà Nội
@by txiuqw4