Khoảng hơn 740 năm trở về trước, vương triều nhà Lý của nước Đại Việt nối đời trị vì đất nước đã được 220 năm. Đến đời vua thứ tám là Hạo Sảm 1 sau khi lên ngôi, nhà vua lâm bệnh, phải sống trong đau khổ. Chưa đầy mấy năm, nhà vua băng hà. Nhà vua không có con trai làm thế tử nối ngôi, nên công chúa Chiêu Thánh 2 vốn trông coi công việc nhiếp chính đã lên kế vị ba năm nhưng chỉ mải mê công việc tu hành, không biết gì đến chính sự.
Xem lại cách sách sử của Hán, Đường, Tống đều thấy ghi chép nước Đại Việt chẳng khác chi một quận nơi miền biên ải xa xôi với các tên khác nhau như An Nam, Giao Chỉ…
Nhưng dân tộc Đại Việt là một dân tộc thông minh, tài trí. Từ ngày xưa, họ đã trải qua các thời đại dựng nước như Hùng vương, Thục vương. Và sau đó trong thời bắc thuộc, họ đã liên tiếp đứng lên chống lại sự đô hộ của bắc quốc qua các thời đại Trưng nữ vương, tức hai chị em bà Trưng Trắc, Trưng Nhị và vương triều nhà Lê. Đến đời vua thứ ba của nhà Lý là Nhật Tôn vương, Đại Việt chỉ xưng "Giao Chỉ quận vương" trong các văn thư quốc giao với nhà Tống, còn trong nước vẫn xưng "Đại Việt hoàng đế". Đến đời vua thứ sáu là Thiên Tộ 3, nước Đại Việt vốn ngang nhiên hùng cứ một phương, đã nhân lúc nhà Tống cất quân đi đánh nước Kim, và rục rịch Nam tiến, bèn tìm cách thoả hiệp với thiên tử Hiếu Tông nhà Tống, xây dựng nên quốc gia hoàn toàn độc lập, xưng danh là "Đại Việt quốc", nhưng trong nước lại tự xưng là "Đại Việt hoàng đế quốc", với ngụ ý lớn: vua nước Đại Việt cũng bằng vai với Hoàng đế nước Trung Hoa. Thiên Tộ đại vương là một ông vua cực kỳ thông minh tài trí, luôn luôn tìm cách thoát khỏi ách áp bức bóc lột của nhà Tống ở phương bắc, đã tại vị được 39 năm. Sau khi nhà vua băng hà, thế tử Long Hàn 4 lên kế vị.
Lúc bấy giờ, Trần Nhật Chiếu 5 là chồng của công chúa Chiêu Thánh - con gái vua Long Hàn lên làm tể tướng, phò tá vua Long Hàn.
Vua Long Hàn do có bệnh lâu ngày, đã đặt ra chức "Tam công" gồm có hoàng thúc Lý Long Tường, hoàng thân Lý Quân Tất và phò mã Trần Nhật Chiếu 6. Nhà vua giao cho ba người này phò tá quốc sự, nhưng rốt cuộc, Trần Nhật Chiếu với lòng tham không đáy, đã cùng với công chúa Chiêu Thánh gây bè kéo cánh, loại bỏ hoàng thúc và Lý Quân Tất. Sự thật, một tay Trần Nhật Chiếu thu nắm hết mọi quyền thế trong nước. Hoàng thái tử Hạo Sảm cũng luôn đau yếu. Trong hoàn cảnh đó, vua Long Hàn băng hà, thái tử lên ngôi kế vị, nhưng do đau ốm lâu ngày cũng băng hà nốt. Công chúa Chiêu Thánh theo mưu gian của Trần Nhật Chiếu đã lên ngôi kế vị trong ba năm.
Tế tướng Trần Nhật Chiếu sau khi đưa phu nhân của mình lên ngai vàng 7 và cho ngồi yên trong Đông cung, đã tự mình khuynh đảo quốc sự, lập mưu gian cướp đoạt ngôi báu.
Đến năm Bảo Khánh thứ ba 8, vương triều nhà Lý chuyển sang vương triều nhà Trần.
Vào một ngày trời quang mây tạnh khi mùa mưa đã qua, mặt trời ban mai toả chiếu xuống cung điện ở Trường An, kinh thành của nước Đại Việt.
Từ sáng, trời bắt đầu nóng, công chúa Chiêu Thánh, nữ vương đời thứ chín của nước Đại Việt ra lệnh triệu tập các quận công của chín quận và các tướng lĩnh hàng ngũ phẩm về triều họp bàn quốc sự.
Sáng hôm nay, theo lệnh, các văn võ bá quan của đất nước lần lượt tụ họp về ngôi chính điện. Bốn cửa của chính điện được mở to, trước cửa lính thị vệ đứng gác, tay lăm lăm giáo dài kiếm sắc, tỏ rõ uy thế của nước Đại Việt. Trong ánh nắng chói chang, các quan chức bộ Lễ áo mũ chỉnh tề, ghi chép tên họ bá quan văn võ và hướng dẫn họ vào chính điện.
Trong chính điện đã tề tựu đông đủ các quận công và bá quan văn võ.
Ở nước Đại Việt từng do các đại vương trị vì thiên hạ, giờ đây Long Tường đã mất chúa thượng. Còn công chúa Chiêu Thánh thì ngồi trong Đông cung, làm Quốc sư chân tu. Trong khi đó tại nơi chính điện, chồng của công chúa - Trần Nhật Chiếu nắm trọn mọi quyền hành trong tay, mặc sức lộng hành ngang ngược.
Với chức danh tể tướng, một ngôi thứ còn thấp hơn ngôi thứ cả Long Tường. Trần Nhật Chiếu không đi đâu cả mà chỉ quanh quẩn trong hàng ngũ các bá quan văn võ tụ họp tại chính điện, lái câu chuyện trao đổi giữa họ đi theo ý định của mình.
- Buổi chầu hôm nay, đức đại vương không lâm triều ư?
Trong số quần thần, có ai đó buông lời trống không như tự hỏi mình.
Và có tiếng thì thào của một người nào đó bên cạnh:
- Tướng Trần Vũ đi sứ sang Tống đã về chưa?
Rõ ràng đây không phải là một câu hỏi muốn hỏi riêng với một ai đó. Bởi thê đã có tiếng nói bâng quơ đáp lại:
- Tướng quân đã về nước hôm qua rồi. Có lẽ sẽ đến cùng với ba vị chúa công.
Những câu chuyện rời rạc không đầu không đuôi được trao đổi qua lại với nhau như vậy đã làm cho chính điện trở nên khá ồn ào. Vừa lúc ấy, bỗng người lính gác ở cửa đông của chính điện hô lớn:
"Quan đại giám lâm triều!"
Gian chính điện đang ồn ào bỗng im phăng phắc, tưởng chừng con muỗi bay qua cũng nghe rõ. Không khí gian chính điện trở nên trang nghiêm, trầm lắng. Tất cả các hàng văn võ bá quan đều cúi rạp mình chờ đợi.
Trần Nhật Chiếu, một trong ba vị chúa công của nước này vốn là người xuất thân ở đất Văn, đã quá ngũ tuần, chồng của công chúa Chiêu Thánh, tức phò mã của nhà vua. Ông là một người có thân hình đẫy đà, khuôn mặt màu da đồng, hai mắt xếch ngược, lạnh lùng thâm hiểm.
Một chốc sau, Trần phò mã bệ vệ bước lên ngai tể tướng. Hai bên tả hữu, các thị nữ cầm những chiếc quạt to phe phẩy.
Tướng quân Trần Vũ đứng hẳn ngay phía sau quan tể tướng, càng làm nổi bật thêm uy thế của Trần tể tướng.
Bầu không khí rờn rợn hôm nay cho thấy nghị đàm rất khác với thường lệ.
Trong khi đó, từ phía đông cung vang lên tiếng trống "bum, bum, bum" càng như thôi thúc buổi hành lễ. Lễ bộ thị lang cùng các quan viên của bộ này khúm núm trình lên quan tể tướng sổ ghi chép các lễ vật do các quận công tiến cống và danh sách bá quan văn võ cùng các quận công tham dự buổi triều kiến.
Quan tể tướng đưa mắt nhìn qua bản danh sách xong, đặt lên bàn. Ngài đưa mắt nhìn khắp một lượt gian chính điện rồi bắt đầu cuộc nghị sự. Bằng một giọng oai nghiêm, ngài nói:
- Đức đại vương ngọc thể bất an, nên kẻ hạ thần, tướng công Trần Nhật Chiếu sẽ chủ toạ cuộc nghị sự hôm nay. Đặc biệt, quan tả hữu vị tướng quân Trần Vũ được cử đi sứ sang chầu thiên tử nước Tống hơn một tháng trước, đã hoàn tất thành công mọi sứ mạng trở về. Đây quả là vận may mà trời đã ban cho chúng ta vậy.
Nói đến đây, Trần Nhật Chiếu dứt lời và qua sang nhìn Trần tướng quân đang đứng phía sau. Tất cả mọi người trong chính điện đều đổ dồn ánh mắt về phía Trần tướng quân.
Trần tướng quân cúi gập chiếc lưng cánh phản xuống thi lễ.
Quan tể tướng nói tiếp:
- Thiên tử nước Tống có gửi một bức tâm thư, hôm qua đã trình lên đại vương. Sau này sẽ công bố bức tâm thư đó. Có điều đức đại vương quý thể bất an nên đã nhiều lần bày tỏ ý định nhường ngôi cho kẻ hạ thần này. Dù kẻ hạ thần là phò mã của vương triều Lý, đã chịu nhiều ân sủng của các bậc tiên vương, nhưng một việc quốc gia đại sự như thế này sao lại chỉ có nơi cung nội tự ý quyết định được? Vậy xin các vị quận công và bá quan văn võ hãy bàn bạc và quyết định. Xin mời quý vị cho biết ý kiến quý báu.
Lời quan tể tướng vừa dứt, khắp gian chính điện bỗng im phăng phắc, tưởng như mọi người đều nín thở. Tất nhiên trong hàng ngũ các quận trưởng và bá quan văn võ đều có những người đã từng mấy đời nối tiếp cháu con trung thành với nhà Lý trong hơn 220 năm qua; và cũng có phe phái theo gia đình họ Trần đã nắm lấy quyền binh qua hai đời Vua Long Hàn và Hạo Cán.
Trong giờ phút suy tàn của đời vua thứ chín vương triều Lý, giữa cảnh tượng buồn vui chen lẫn này, có một người từ giữa chính điện đứng phắt dậy, ánh mắt của tất cả mọi người đều dồn về phía đó. Người đó không phải ai khác mà chính là em ruột của Lý Quân Tất, một trong ba người được phong chức chúa công.
- Tiện nhân là Hàn lâm học sĩ Lý Quân Châm, thật lấy làm xấy hổ đấng Thái tổ đại vương đã hết sức đau lòng khi nhìn thấy cảnh lương dân quằn quại trong đau thương bởi bầy giặc cướp hoành hành khắp bốn phương. Do vậy mà, Người đã bất chấp hiểm nguy đứng lên quét sạch lũ hung tàn, xây dựng nên cơ đồ đất nước. Tuân theo nghĩa lớn đó của đức Thái tổ, các bậc đại vương qua nhiều đời kế tiếp trị vì thiên hạ, luôn toả sáng một tấm lòng của thánh chỉ: bệ hạ là bệ hạ của muôn dân; thánh thượng không phải chỉ là thánh thượng của triều đình mà còn là thánh thượng của muôn dân. Sau đó đến đời thứ tư là Kiến Đức đại vương, bọn Quách Quỳ nhà Tống vào năm thứ tám Hy Ninh, đã sang xâm lấn đất đai của ba hạt thuộc tỉnh Quảng Yên hòng cướp đoạt cương thổ phía bắc. Nhà vua đã thân chinh cầm quân dẹp tan lũ giặc, lại còn vượt qua dãy núi Côn Lôn đẩy lui chúng về sào huyệt. Đến đời thứ sáu, Thiên Tộ đại vương, thể theo ý nguyện của Nhật Tôn đại vương đời thứ ba, một mặt dốc tâm dạy bảo muôn dân, mặt khác để giương cao quốc uy, xác lập chủ quyền đất nước, đã thoả hiệp với hoàng đế Hiếu Tông nhà Tống, xây dựng nền đế chế Đại Việt, một quốc gia hoàn toàn độc lập, làm cho uy quyền đất nước toả sáng muôn phương. Các bậc tiên vương suốt trong 220 năm có dư đã mang lại bao ơn đức trời biển cho muôn dân nước này. Chẳng hiểu cơ trời bất hạnh hay sao mà đại đức vương Hạo Hán không có thái tử nối ngôi nên công chúa Chiêu Thánh đã lên ngôi Thánh thượng. Đó là một điều rất đỗi đương nhiên. Nhưng lấy có đại vương Chiêu Thánh quý thể bất an để nhường ngôi cho phò mã Trần tể tướng là điều quá ư không hợp lệ. Có một điều suy nghĩ không chỉ của kẻ bầy tôi này, đó là Hoàng Thúc Lý Long Tường, người con trai thứ hai của Thiên Tộ đại vương, là một bậc hiền nhân, công cao đức cả, được muôn dân tôn kính. Bởi vậy, người kế vị Chiêu Thánh đại vương chỉ có thể là chúa công Lý Long Tường, dòng dõi chính thống của tiên vương.
Hàn lâm học sỹ Lý Quân Châm nghẹn ngào, dứt lời trong tiếng khóc, phủ phục xuống đất, oà lên nức nở, làm lay động cả gian chính điện im lìm. Ngồi trên bệ ngọc, tể tướng không giấu nổi bộ mặt trầm uất nặng nề, quát to:
- Hàn lâm học sỹ Lý Quân Châm ăn nói vô lễ. ta đây tuy là tể tướng, là kẻ bầy tôi nhưng lại là phò mã của Thiên Tộ đại vương. Vợ ta là bệ hạ thánh thượng. Việc tông miếu, xã tắc chỉ được quyết định trong tông thất cung nội làm sao một kẻ Hàn lâm học sỹ lại dám ăn nói bừa bãi, buông ra những lời kiêu căng mạn thượng vượt quá quyền hạn như vậy?
Trần tể tướng nói đoạn quay sang phía Trần tướng quân:
- Hãy tước chức vụ và hạ ngục ngay tên học sĩ kia cho ta!
- Dạ...
Tướng quân Trần Vũ sát khí đằng đằng, từ phía sau lưng quan tể tướng tiến lên mấy bước rồi đứng lại; tỏ vẻ uy nghiêm quan trọng, Trần tướng quân cất cao giọng ra lệnh:
- Quân cấm vệ đâu, bắt hạ ngục ngay tên này cho ta.
Khoảng hơn mười tên lính cấm vệ biết sẽ có chuyện này xảy ra hôm nay nên đã phục sẵn ở ngoài. Nghe lệnh truyền, chúng chạy rầm rập vào bắt trói Lý Quân Châm không chút nể nang và lôi đi về phía cửa tây.
Tướng Trần Vũ đứng nhìn bọn lính cấm vệ trói và lôi Lý Quân Châm đi cho đến khi mất hút mới trở lại đứng bên cạnh Trần Nhật Chiếu, bày ra gian kế:
- Hôm nay tiểu tướng để cho mật chỉ của đức đại giám bị trắc trở thật lấy làm xấu hổ. Theo thiển ý của tiểu tướng, ta hãy giải tán cuộc nghị sự hôm nay và chỉ triệu tập riêng các quận công và các đại quan văn võ vào trong Đông cung để quyết định việc này trước sự chứng kiến của bệ hạ thánh thượng. Được như vậy sẽ tốt hơn cả.
Sự việc xảy ra làm cho quan tể tướng tức điên ruột. Lòng đầy phẫn uất, ngài không biết tính kế ra sao, bỗng nghe như vậy ít nhiều ngài cũng nguôi bớt cơn giận. Bình tâm trở lại ngài nói:
- Ý kiến của tướng quân hay đấy. Ta sẽ về cung. Tướng quân ở lại, cố thu xếp cho khéo.
Nói xong, quan tể tướng rời gót:
"Đức đại giám hồi cung!"
Các thị nữ vội chạy đến dìu Trần tể tướng đi về phía Đông môn của ngôi chính điện. Các triều thần văn võ đồng loạt đứng nghiêm tiễn quan tể tướng ra về.
Tướng Trần Vũ dương dương tự đắc, lớn tiếng cáo thị với toàn thể quần thần:
- Quan tể tướng dặn rằng chỉ có các quận công, các vị đại quan các bộ tối hôm nay là được triệu tập về Đông cung để nghị bàn trước bệ hạ thánh thượng.
Ngày hôm đó, khó nhọc lắm tướng Trần Vũ mới thu xếp xong cuộc hội triều và Trần tướng quân đã trở thành kẻ tâm phúc đắc lực nhất của Trần tể tướng.
Mưu việc lớn lần này cũng là Trần tướng quân. Vừa qua, vị tướng họ Trần này đã kiến nghị với quan tể tướng cho mình làm sứ mang nhiều bảo vật và ngựa quý của Đại Việt sang triều cống nhà Tống. Trần tướng quân tìm cách gặp gỡ làm quen với quan đại thần họ Thái ở Khu mật viện, và nhờ quan đại thần giúp đỡ để thành đạt mưu kế. Sau đó công chúa Chiêu Thánh quy y đầu Phật, mời các tăng lữ vào trong cung thất. Công chúa đã trở thành Quốc sư chân tu, như vậy làm sao có thể trị vì đất nước. Thế là Trần tướng quân dâng sớ lên Thiên tử mong Thiên tử khuyên công chúa truyền ngôi cho chồng là Trần Nhật Chiếu. Viên tướng họ Trần nhận được chiếu chỉ chấp thuận và trở về nước.
Sự thật lúc bấy giờ nhà Tống đang trong thời Nam Tống, bị nhà Kim xâm lược từ phía bắc, quốc thổ bị mất nên không còn bụng dạ đâu để nghĩ tới công việc của phiên bang, chỉ mong sao phiên bang không mang lòng phản trắc, chịu quy phục thế là quý lắm rồi.
Ngày hôm ấy, Tả hữu vị tướng quân Trần Vũ sau khi lâm vào thế bí đã kiếm cớ giải tán cuộc nghị bàn và lui về chỗ ở của mình, nhưng trong lòng vẫn chưa yên.
Hoàng thúc Lý Long Tường là dòng dõi chính thống nối tiếp của triều Lý. Nếu Hoàng thúc còn đứng vững thì đó không những là điều không thể chấp nhận được mà hơn thế nữa còn là hậu hoạ lớn cho gia môn họ Trần.
Nghĩ vậy, tướng Trần Vũ quyết định phải triệt hạ Lý Long Tường. Trần Vũ gọi một kẻ bộ hạ tâm phúc là hiệu uý Kỳ đến và ra lệnh:
- Ngay từ bây giờ, nhà ngươi phải bí mật lén đến vùng Việt Thành đất Giao Chỉ tìm hiểu kỹ động tĩnh của Lý Long Tường và những người mà ông ta đã tiếp xúc gần đây. Công việc xong sáng ngày mai quay về đây báo cho ta biết.
Mệnh lệnh của Trần tướng quân vừa dứt, hiệu uý Kỳ vội cúi gập lưng, cố giấu vẻ nham hiểm trên nét mặt, đáp:
- Bẩm tướng quân, tướng quân đã ra lệnh, thì kẻ tiểu quan này xin phụng mệnh thừa hành một cách hết sức kín đáo, không ai có thể biết. Huống nữa, đây lại là một việc hệ trọng như vậy, tướng quân không nói ra, kẻ tiểu quan này cũng hiểu được việc mình phải làm.
Hiệu uý Kỳ nói xong, sắp sửa bước ra thì Trần tướng quân gọi lại, đưa cho mấy nén bạc và nói:
- Này, cầm lấy cái này bỏ vào túi!
Kỳ vội cúi đầu, tay phải giơ ra đỡ lấy những nén bạc do Trần tướng quân ban cho, còn tay trái đưa lên gãi gãi đầu, mồm lắp bắp những gì không ai nghe rõ.
Sau khi đám lính của hiệu uý Kỳ đi rồi, tướng Trần Vũ cũng đi mất hút về phía Đông cung, dáng chừng như đang nghĩ ngợi điều gì.
(1)Tức vua Lý Huệ Tông (1211-1224), tên là Sảm hay Hạo Sảm (1194-1226) (BT)
(2)Công chúa Chiêu Thánh tên Phật Kim sau đổi Thiên Hinh, con gái vua Lý Huệ Tông. Nhà vua không có con trai nên công chúa được nối ngôi, tức Lý Chiêu Hoàng (1224-1235)
(3)Tức vua Lý Anh Tông (1138-1175) (BT)
(4)Vua kế vị Lý Anh Tông Thiên Tô là Lý Cao Tông (1176 - 1210), theo chính sử Việt Nam tên là Long Trát (có người phiên âm là Long Cán) (BT)
(5)Trần Nhật Chiếu theo tác giả là chồng của công chúa Chiêu Thánh và công chúa là con gái của Long Hàn, ở đây có sự nhầm lẫn: Phần trên tác giả viết công chúa Chiêu Thánh là con gái của Hạo Sâm hay Lý Huệ Tông là đúng (chú thích 2). Chồng của công chúa Chiêu Thánh theo tư liệu Việt Nam là Trần Cảnh (1218-1277), cháu của Trần Thủ Độ. Trong phần này và cả phần sau, đối chiếu với chính sử Việt Nam, Trần Nhật Chiếu có khi là Trần Cảnh, có khi là Trần Thủ Độ (BT)
(6)Sự kiện này không có trong chính sử Việt Nam, nhưng được ghi chép trong gia phả họ Lý Hoa Sơn ở Hàn Quốc. Tác giả xây dựng trên cơ sở dữ liệu này
(7)Lý Huệ Tông không có con trai nối ngôi nên lập công chúa Chiêu Thánh lên làm vua. Trần Thủ Độ đã bố trí cho cháu mình là Trần Cảnh vào hầu trong cung rồi lấy Lý Chiêu Hoàng và buộc công chúa nhường ngôi cho chồng lập ra vương triều Trần
(8)Theo chính sử Việt Nam, Trần Cảnh lên ngôi vào năm Bảo Khánh thứ 1 triều Tống Lý Tông
@by txiuqw4