Hoàng tử Lý Long Tường là con trai thứ hai của Thiên Tộ đại vương, em vua Long Hàn (đời vua thứ 7), chú vua Hạo Sam (đời vua thứ 8), Hoàng thúc cũng là chú của công chúa Chiêu Thánh (tức Lý Chiêu Hoàng)
Vua Long Hàn vốn là người ốm yếu và thái tử Hạo Sam cũng ốm yếu, nên vua đã nhiều lần cho gọi em trai là hoàng tử Lý Long Tường đến và khuyên em thừa kế ngôi vua.
Nhưng Hoàng thúc vốn là người rất nhân đức, đã một mực từ chối, bản thân chỉ thích trau dồi học vấn và nghiên cứu về toán số, noi theo chí hướng của bảy vị hiền triết Trúc Lâm.
Lúc bấy giờ chính sự đất nước lắm nỗi éo le. Công chúa Chiêu Thánh câu kết cùng với phò mã Trần Nhật Chiếu, mặc sức thao túng công việc của đất nước, làm cho quốc sự rồi bời. Hoàng thúc nghĩ nếu mình can dự vào e rằng gây cảnh huyết nhục tương tranh, do vậy nên đã lánh xa nơi quyền thế. Nhưng từ sau khi lên ngôi, công chúa Chiêu Thánh chưa một lần bước chân vào chính điện mà chỉ lôi kéo các tăng ni vào trong Đông cung bàn chuyện tu hành Phật pháp, do vậy đã có tiếng đồn công chúa chỉ là một quốc sư thờ Phật. Lời đồn đó không chỉ lan truyền trong nước mà còn lan truyền sang nước láng giềng, khiến mọi người bàn tán với nhau qua cửa miệng những lời bóng gió: Vương triều Lý rốt cuộc sẽ chuyển sang vương triều họ Trần!
Hoàng tử cảm thấy xấu hổ với đất trời không còn mặt mũi đâu để nhìn về tông miếu, xã tắc, Hoàng thúc đã chấm dứt danh hiệu - Tam công chức -, rời khỏi cung điện, leo lên núi Việt Thanh ở đất Giao Chỉ, nằm phơi sương, phơi gió trong suốt hơn mười ngày như một người điên, sống bằng rau rừng nước suối, ngày ngày ngâm thơ, than khóc.
Từ hai tháng trước khoảng hơn mười tên sĩ tốt ở Bình Hải đã mò đến tư dinh của Hoàng Thúc ở núi Việt Thanh để theo dõi động tĩnh của Người. Dĩ nhiên Hoàng thúc và nhưững người thân cận đều biết đó là gian kế của Tả hữu vị tướng quân Trần Vũ.
Vào trước hôm có cuộc họp của bá quan văn võ tại ngôi chính điện, đã xảy ra câu chuyện như sau:
Hôm đó, trong lúc Hoàng thúc trèo lên phiến đá Việt Thanh Nham nằm trên núi Việt Thanh ngồi than khóc, xót xa cho vận nước như ngọn đèn trước gió, thì Lý Quân Tất, từ dưới chân núi hớt hải chạy lên, rõ ràng như để báo tin khẩn cấp.
Lý Quân Tất là anh ruột của Hàn lâm học sỹ Lý Quân Châm, và cũng là người tâm phúc có một không hai của Hoàng thúc.
- Kìa, Lý công tử, có việc chi mà vội vã như vậy?
Lý Quân Tất chẳng đáp, chẳng thưa, vội chạy đến sụp lạy trước Hoàng thúc, đôi vai rung lên nức nở.
- Thưa Hoàng thúc, mọi việc thôi thế là hết rồi. Tướng Trần Vũ sang Tông đã làm hết mọi thủ tụcvới Thiên tử Lý Tông rồi.
Hoàng thúc sững sờ nghe tiếng khóc của Lý Quân Tất, không giấu nổi xót đau trong lòng.
- Có đúng thế không? Nếu vậy thì cơ nghiệp triều Lý chúng ta sẽ chấm dứt sau chín đời vua với gần 220 năm tồn tại!
Tiếng khóc của Hoàng thúc nghẹn ngào trong cổ:
- Phụ vương ơi, thật là tàn nhẫn quá chừng. Vương triều Lý nhà ta đã đến hồi mạt vận. Phụ vương ơi, hãy nghiêm trị đứa con bất hiếu này đi, phụ vương ơi... Mang tiếng còn non còn nước thế mà đứa con bất hiếu này không còn chỗ dung thân để giữ gìn đồ tế lễ thờ cúng tổ tiên. Có trời mà không còn chỗ đội đầu, có đất mà không còn chỗ đạp chân. Thảm thiết lắm phụ vương ơi...
Nức nở thổn thức theo tiếng khóc ai oán của Hoàng thúc, Lý Quân Tất như chợt tỉnh ra điều gì phải quyết chí ngay, liền đứng dậy, an ủi Hoàng thúc:
- Thưa Hoàng thúc, đại cục đã ngả nghiêng rồi. Nếu chúng ta cứ tiếp tục nấn ná lại nơi đây, ắt sẽ có ngày mang hoạ. Tối hôm qua, đứa em trai của hạ thần, một Hàn lâm học sỹ có nói rằng tướng Trần Vũ cho hay triều đình nhà Tống đã đồng ý cho phép họ Trần thừa kế ngôi vua: ngày mai sẽ cho gọi trưởng hạt các miền và bá quan văn võ đến để quyết định. Đại cục đã vậy, chúng ta phải mau mau thu dọn các đồ tế tự các tiên vương triều Lý kíp lên đường lánh khỏi nơi đây dù là tạm thời.
Nghe những lời phân trần thảm thiết của Lý Quân Tất, Hoàng thúc cảm thấy chẳng khác nào như bản án tử hình đã dội xuống đầu mình, cả trời đất tối sầm lại. Bình nhật, Hoàng thúc sống rất trong sáng, yêu đời lánh xa mọi tục luỵ, nên được mọi người đề cao là Vi Tư 1. Thế mà giữa lúc này, do quá quằn quại trong nỗi đau thương, Hoàng thúc đã không trấn tĩnh được mình nữa. Hoàng thúc biết rằng bây giờ có ngửa mặt lên trời than vãn, có giậm chân xuống đất khóc kêu cũng chả ích gì. Với vẻ mặt đầy tức giận, Hoàng thúc nói như thể phản bác lại Quân Tất:
- Sao công tử lại nói như vậy... các vị tiên tổ của chúng ta đời đời nối nhau sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này, vì tất cả cũng đều gửi xương nơi mảnh đất này. Giờ đây anh linh của các vị tiên tổ đang dõi theo chúng ta. Làm sao chúng ta có thể ra đi để tìm đường sống cho riêng mình. Dù có chết ta cũng muốn được gửi xương nơi quê hương tiên tổ đã từng sống...
Nhìn thấy Hoàng thúc nước mất tuôn rơi lã chã, Lý Quân Tất tuy cố an ủi Hoàng thúc nhưng không cầm lòng được cũng oà lên khóc theo. Nhưng không thể tiếp tục mãi như vậy được.
Như đã hiểu hết mọi nỗi cay đắng, Lý Quân Tất cố lau những giọt lệ như những giọt châu đọng trên hai mắt, nghẹn ngào nói với Hoàng thúc:
- Hoàng thúc ơi, triều đại nhà Lý coi như đã chấm dứt rồi. Nếu chúng ta cứ nấn ná lại đây sẽ có ngày gặp nguy mất. Chúng ta phải sớm rời khỏi nơi đây thôi Hoàng thúc ạ. Hạ thần đã sắp xong mọi để đưa đức Chúa công cùng với đồ tế lễ ra đi. Xin mời Chúa công kíp lên đường, không được chậm trễ phút giây nào.
Quân Tất nói xong lại an ủi Hoàng thúc, dìu Hoàng thúc đứng dậy và nói tiếp:
- Hoàng thúc ơi, ở phía cửa bắc kia có một đồn binh và bọn lính canh gác rất nghiêm ngặt, khó lòng thoát qua nổi. Nên ta phải đi theo hướng cửa nam... Hạ thần đã sắp sẵn mọi thứ rồi. Hạ thần sẽ xuống tư dinh nói khéo với bọn lính, xin mời Hoàng thúc đi theo mau. Thời gian gấp lắm rồi, xin Hoàng thúc đừng chần chừ phút giây nào nữa.
Lúc này, Hoàng thúc cũng không thể nào cứ vấn vương mãi với những suy nghĩ riêng của mình. Vả lại nếu để những đồ tế lễ của tông miếu tổ tiên rơi vào tay họ Trần thì sự bất trung bất hiếu đó còn nghiêm trọng gấp nhiều lần. Hoàng thúc quyết chí:
- Nếu vậy mọi việc ta đều phó thác cho Lý công tử. Ta sẽ đi ra ngoài cửa nam.
Hai mắt đẫm lệ, Hoàng thúc sững sờ quay lại nhìn lai lần cuối khắp lượt chung quanh rồi nhìn lên trời, miệng ráng chứng như lẩm bẩm điều gì rồi cất bước ra đi.
Phiến đá Việt Thanh Nham nơi Người thích lui tới, chiếc lều cỏ nơi Người ưa ngồi đọc sách... Hoàng thúc có vẻ như đã quên đi tất cả những nơi đó. Bước thấp bước cao, người thất thểu men theo con đường dốc gập ghềnh xuống núi mà không hề ngoái đầu nhìn lại.
Người bước đi giữa những hàng cau thẳng tắp được trồng rải rác đó đây bên cạnh những rặng dừa xanh lác đác, rồi đến một con đường mòn quạnh hiu hiểm trở không một dấu chân người, mọc đầy lau lách cỏ dại...
Hoàng thúc vẫn âm thầm bước đi. Chưa hết những nẻo đường gai góc, khắp nơi rắn độc, rắn hoa, lại tiếp đến những đoạn đường dốc cao hun hút, phải lấy hai tay gạt cây ra để mở lối đi và mất hút trong những lùm cây rậm rạp. Lâm vào cảnh tượng thê thảm đến bước đường này, Lý Quân Tất cũng lòng tan, dạ nát tưởng chừng sắp ngã gục.
Sau khi bình tâm xem xét lại cuộc hành trình, họ đành gạt nước mắt quay lại tư dinh.
Toà tư dinh ẩn mình sau những khóm hoa thơm cỏ lạ trong thung lũng phía đông núi Việt Thanh, trông thật thê lương ảm đạm.
Đàn chim ríu rít với nhau trong rặng dừa, dáng chừng như biết được Hoàng thúc đã ra đi, tỏ nỗi buồn nhớ khôn nguôi, muốn bay đến đậu trên nóc tư dinh, nhưng mái ngói đã nóng lên dưới ánh nắng chiều tà, chúng không đậu được đành uể oải cất cánh bay đi.
Lý Quân Tất đi lối cửa sau của toà tư dinh, nơi ngày thường Hoàng thúc hay qua lại, bước vào nhà. Hơn mười năm về trước, khi xây dựng khu tư dinh này, lão Trịnh hơn bảy mươi tuổi đã đến ở và giúp việc cho Hoàng thúc, lão không hề hay biết thế sự đã xoay vần, đang đứng trong nhà nhìn thấy Lý Quân Tất bước vào, lão chạy đến mừng rõ, nhưng không giấu nổi lo ngại.
- Ủa, Lý công tử, có việc gì vậy? Lý công tử đến có một mình, không có Hoàng thúc ư?
Lý công tử dù biết lão Trịnh là tâm phúc của Hoàng thúc, nhưng sợ làm hỏng việc lớn, nên vờ như không biết đáp lại:
- Nghe nói Hoàng thúc ngồi trong phòng đọc sách đã hơn mười ngày nay. Xin dặn ông lão chỉ biết vậy, có ai lên cũng đừng cho lên.
- Đức Hoàng thúc lại lên phòng đọc sách rồi ư? Trời đất quỷ thần ơi! Hoàng thúc sống trong thư phòng hơn mười ngày nay không cơm cháo gì, chỉ lấy nước dừa và rau rừng cầm hơi.
Lão Trịnh vừa nói vừa khóc, hai hàng nước mắt đầm đìa. Lý Quân Tất là con người tưởng như đã quay lưng đi với mọi việc đời, cũng không cầm được nước mắt trước nỗi thương tâm của lão Trịnh. Lý Quân Tất đột nhiên hỏi lão Trịnh:
- Lão Trịnh ơi, hôm nay có ai đến tìm Hoàng thúc không?
Lão Trịnh lấy ống tay áo lau nước mắt, đáp với giọng nghẹn ngào:
- Lý công tử cũng biết đấy, chỉ mới hai tháng trước đây thôi, trong tư dinh này có đến hai chục thị vệ theo hầu Hoàng thúc, hằng ngày không lúc nào không có mấy chục khách đến thăm. Thế mà gần đây chỉ còn có lão già này và bà lão mà thôi. Ngoài ra, chẳng có ai đến nữa, mà không đến cũng được.
Nói đoạn, lão Trịnh quay nhìn về phía đối diện của chiếc cổng lớn trước mặt tư dinh với ánh mắt đầy tức giận, rồi ông lại cúi nhìn xuống đất.
Đó là biểu hiện không lời nói lên nỗi căm ghét đám lính đến đó để theo dõi Hoàng thúc.
Lý công tử thấy đứng ở đây nói chuyện lâu không tiện, bèn từ trong nhà nhìn ra phía cổng trước, đi được vài bước lại quay vào, lấy trong túi ra một ít bạc trắng, đưa lão Trịnh.
- Lão Trịnh ơi, lão theo hầu Hoàng thúc, vất vả nhiều. Một chút này chẳng là bao, mong lão cầm lấy.
Lão Trịnh đưa mắt nhìn những đồng bạc nằm trên tay Lý công tử.
- Không đâu. Sao lại cho tôi nhiều thế này. Lão Trịnh già này cầm nhiều thế, biết làm gì!
Nói đoạn, ông lão lùi lại vài bước xin không nhận.
Lý công tử sợ quang cảnh này đập vào mắt bọn lính canh nên lấy tay trái ra hiệu, chỉ vào miệng. Ông lão đã quen vơớibầu không khí nơm nớp sợ hãi, chẳng nói thêm một câu nào nữa, cúi xuống đưa hai tay đỡ lấy những đồng bạc trắng, giấy vào thắt lưng.
- Đã có tôi đây theo phò Hoàng thúc. Ông lão yên tâm, không việc gì mà sợ. Lão Trịnh nhớ đừng cho ai lên phòng đọc sách của Hoàng thúc và giữ gìn tư dinh chu đáo nhé.
Nói đoạn, Lý Quân Tất phóng nhanh về phía trạm gác của bọn lính. Trong trạm gác có binh trưởng Hồ và năm lính khác đang ngồi nói chuyện với nhau.
Sáng hôm nay, phủ cẩm vệ lại cử đến thêm hai người nữa là binh trưởng Hoàng và binh trưởng Trương, ra lệnh phải hợp lực canh phòng cẩn mật hơn nữa.
Binh trưởng Hoàng ngồi trên sàn nhà, hai chân duỗi ra, đầu cúi - Mẹ kiếp. Thật là vận rủi. Nếu còn làm việc ở phủ cấm vệ, bây giờ chắc tớ đến chỗ mấy quán nhậu làm một chén cho giãn xương cốt. Còn ở đây, thằng cha già này lại không có đến một ngụm nước cay.
Nghe thấy vậy, cả bọn đều ngồi thừ người ra, chép miệng đắng ngắt.
Binh trưởng Hồ ngồi thu lu ngủ gật bên cạnh binh trưởng Hoàng, bỗng mở choàng mắt, đứng dậy lật tung chiếc túi lưng đặt bên cạnh như định lục tìm cái gì, xong vứt chỏng chơ ra sàn nhà, thốt lên:
- Chà, mụ vợ lại cuỗm đi mất của tôi rồi. Cái số tôi thật là đen đủi!
Bọn lính ngồi trong đám tỏ vẻ sửng sốt, Binh trưởng Hoàng buột miệng buông ra một câu:
- Cậu này điên rồi sao, bỗng nhiên làm toáng lên thế? Cuỗm mất cái gì cơ chứ?
Binh trưởng Hồ hếch mặt sang một bên bảo:
- À, không có gì. Rõ ràng hôm qua tôi đã để một đồng bạc vào túi lưng. Đang nhạt mồm quá, định lấy ra mua cút rượu nhấm nháp. thế mà mụ vợ nhà tôi lột đi lúc nào không biết!
Nghe nói đến rượu, cả toán đều nhao lên. Tất cả đứng dậy. Một người trong đám lính đứng lên nhìn ra ngoài, trông thấy Tam công Lý Quân Tất đi về phía trạm gác.
- A, Lý đại giám đang đến kìa!
Cả đám lính đổ dồn ánh mắt về phía đó. Bất giác đã trông thấy Lý công tử đến trước trạm gác. Lý công tử bước vào trạm gác với vẻ mặt tươi cười:
- Chà, các người vất vả quá. Có việc gì không?
Binh trưởng Hồ nhanh mồm nhanh miệng, chạy đến tự lúc nào, nhỏ nhẹ nói:
- Thưa Lý đại giám. Chúng em chẳng có gì vất vả ạ. Chỉ có điều nhạt mồm quá, chết mất thôi.
Nhìn quanh một lượt gian phòng đám lính ở, Lý công tử nói:
- Nhạt mồm thì làm một chén cho vui. Sao lại cứ ngồi nhịn khan như vậy?
Vừa nghe tán chuyện rượu, binh trưởng Hồ lại chép miệng nuốt nước bọt, mạnh dạn bước lên trước một bước, đưa tay phải lên gãi gãi đầu thưa:
- Bẩm quan đại giám, chúng em làm gì có tiền ạ.
Đoán được bụng dạ của bọn họ, Lý công tử móc túi lấy ra sáu dồng bạc trắng đưa cho:
- Này, tiền đây. Các người mua rượu uống cho vui.
Binh trưởng Hồ cười nhăn nhở...
- Xin tiền quan lớn như vậy thật không phải quá!
Nói đoạn đưa tay ra đỡ lấy tiền đặt lên bàn. Binh trưởng Hoàng đứng bên cạnh, như để tỏ sự mẫn cán hoàn thành chức trách của mình, vội nói:
- Thưa Lý đại giám, đức Hoàng thúc vẫn còn ở trên Việt Thanh Nham, chưa xuống núi!
- Ờ, nhà người không biết hay sao? Hoàng thúc gần đây giống như người mất trí. Ta cũng có lên xem, nhưng Người đã vào phòng đọc sách, đóng chặt cửa lại. Đã hơn mười ngày nay, có ai đến xin vấn an, Người cũng không tiếp. Người muốn sống yên một mình, từ chối mọi cuộc gặp gỡ với bất cứ ai, nên ta đành phải quay về. Thiên hạ vẫn chưa biết đức Hoàng thúc nay đã trở thành một người tàn phế.
Lý công tử cố ý rỉ tai bọn họ những lời như vậy để làm yên lòng họ.
Binh trưởng Hoàng mở túi lưng của mình đặt lên bàn, nói:
- Đức Hoàng thúc mà vào thư phòng đọc sách thì mười ngày nữa cũng chưa xuống tư dinh đâu. Cho nên thời gian ấy, chúng ta nên đi ngủ.
Nói xong, y vươn vai, xoãi chân, há hốc mồm ngáp dài.
Lý công tử nhìn các bộ mặt của đám sĩ tốt, mỉm cười:
- Nhà ngươi suy nghĩ khá lắm. Thôi hãy mua rượu về nhấm nháp cho vui. Ta đi đây. Hơn mười ngày sau sẽ quay trở lại
Lý công tử vừa quay trở ra, tất cả đám lính đều bước ra theo, cúi gập người, mũi như dính sát đất để tiễn đưa Lý công tử. Ngoài trời, hoàng hôn đã buông xuống từ lúc nào, bóng tối chùm lên cảnh vật. Lý công tử bước đi vội vã, men theo con đường dốc lần bước đi xuống, trong chốc lát đã khuất sau màn đêm.
Mặt trời đã lặn sau dãy núi phía tây. Mặt trăng buổi tối sắp đến ngày rằm nhô lên từ phía đông. Đó đây, những đám mây đen của buổi tối mùa hè kéo đến che kín gương mặt chị Hằng, nên chỉ còn là một đêm trăng mờ, khó khăn lắm mới nhận ra bóng người qua lại.
Tại chân phía nam núi Việt Thanh, khoảng hơn hai mươi trai tráng, tất cả đều ngồi thu mình bên con đường vắt ngang qua thung lũng, giữa những sườn đồi chập chùng như đang sắp sửa làm một việc gì.
Họ ngồi chụm vào nhau, cạnh đó đặt một cái kiệu.
Nét mặt họ đăm chiêu căng thẳng, dáng như đang chờ đợi một người nào đó. Họ quay nhìn về phía núi Việt Thanh. Nhưng núi Việt Thanh đã bị bao phủ trong màn đêm đen thẫm một màu, không còn nhận được ra hình dáng. Họ đang lặng lẽ chờ đợi một ai đó, cố nghiêng tai lắng nghe xem có bước chân người đi tới hay không.
Con đường mòn này tuy bao quanh kinh thành nước An Nam, nhưng ban đêm hầu như không có một bóng người qua lại. Một người tráng đinh leo lên cây dừa bên cạnh, chăm chú dõi nhìn về phía núi Việt Thanh thăm dò động tĩnh.
Người tráng đinh trên cây dừa bất chợt huýt sáo ba tiếng. Tất cả trai tráng đang ngồi thu mình bỗng đồng loạt đứng dậy, sửa sang lại kiệu, phía trước phía sau mỗi đầu hai người, sẵn sàng trong tư thế lên đường. Người tráng đinh theo dõi từ trên cây tụt xuống đất, dè dặt nhìn trước nhìn sau rồi nói vừa đủ nghe với đồng ngũ của mình:
- Chúng ta phải hết sức cẩn thận chu đáo cho đến khi đưa được đức Hoàng thúc qua khỏi cửa ải đất Giao Chỉ một cách an toàn. Phải đi nhanh mới qua khỏi được cửa thành trước khi cửa đóng.
Người tráng đinh nhắc nhở mọi người như vậy, nhưng không một ai trong số họ đáp lại. Tất cả đều im lặng. Không một ai hỏi thêm điều gì khác, bởi lẽ họ đã hiểu rõ việc này. Người tráng đinh nọ chạy đón Hoàng thúc đã gần như kiệt sức lê bước chân từ phía núi Việt Thanh đi tới, còn cách hơn một trăm bước.
Hoàng thúc đang đi tới, gặp người tráng đinh chạy đến, liền dừng chân. Người tráng đinh cúi gập lưng, thấp giọng lễ phép thưa:
- Bẩm Hoàng thúc, theo lời dặn của Lý công tử, chúng con xin đến rước Hoàng thúc. Xin chờ lệnh Hoàng thúc.
Hoàng thúc im lặng không nói gì, lặng lẽ bước theo sau người tráng đinh, như muốn bảo với họ: ta sẽ đi theo các ngươi.
Người tráng đinh vén bức mạn đen bên phải kiệu:
- Xin mời Hoàng thúc lên kiệu nhanh cho, thời gian gấp lắm rồi.
Trời tối quá, nhìn không rõ mặt, Hoàng thúc đứng lặng người, nhưng vẫn hiểu được những gì đang diễn ra. Người bước lên kiệu ngồi, và nói với giọng yếu ớt:
- Lý công tử chưa đến?
- Thưa vâng, Lý công tử có dặn ra khỏi cổng thành sẽ gặp nhau ạ.
Mấy người khiêng kiệu đưa đòn khiêng lên vai, hô lên se sẽ "Dô này! Dô này", làm cho nhịp thở ăn khớp theo độ rung của kiệu để nhịp bước chân không bị xộc xệch và họ bắt đầu chạy.
Phía sau, các tráng đinh giả làm lính hầu, vác giáo chạy theo.
Đúng vào lúc đêm trăng mờ mờ, nhìn không rõ mặt người, nên chuyến đi càng giống chuyến đi khẩn cấp của một bà mệnh phụ phu nhân nhà quan to nào đó.
Họ đã chịu đựng không biết bao nỗi gian truân mới qua được cổng thành, từ đó chạy liền ngày liền đêm mải miết vào phía nam và đã đến được đất Thuận Hoá.
Lại nói về Tam công Lý Quân Tất, sau khi thoát khỏi tư dinh liền đi về phía cửa tây, đến lưu lại tại nhà người em là Hàn lâm học sĩ Lý Quân Châm. Ngày hôm sau, Lý công tử mới hay rằng em mình do có chuyện trong buổi triều kiến hôm ấy nên đã bị bắt giam ở cấm phủ, còn tể tướng Trần Nhật Chiếu thì đã triệu tập các hạt trưởng các miền và các quan đại thần các bộ đến Đông cung để hiệu dụ việc kế thừa ngôi vua. Do vậy, Lý công tử đã lên ngựa nhằm hướng Thuận Hóa mải miết đuổi theo.
Chạy mấy ngày đường, chiếc kiệu chở Hoàng thúc cuối cùng đã đến được đất Thuận Hóa. Đoàn rước kiệu sửa soạn đi qua cửa thành.
Hoàng thúc ngồi trên kiệu có chiều mệt mỏi. Những người khiêng kiệu và cả toán tráng đinh cũng mệt mỏi nhưng vẫn lặng lẽ.
Với tấm lòng trung kiên vì Hoàng thúc, họ chẳng ngại đường sá xa xôi đã rong ruổi tới đây. Nhưng đến đất Thuận Hóa rồi mới biết, chưa thể thở phào nhẹ nhõm.
Bọn lính canh cửa bắc xét nét nhìn những người đi qua cửa thành để vào thành nội. Nhìn ai có vẻ khác thường, chúng lôi vào trạm xét hỏi bên cổng thành thẩm vấn điều này điều nọ.
Hoàng thúc ngồi trong kiệu suốt ngày đêm đã bốn, năm hôm nay, người mệt mỏi cũng ngả mình xuống, mơ màng hồi tưởng những ngày đã qua.
- Đây là đâu vậy?
Đã mấy ngày hôm nay, Hoàng thúc chẳng nói câu nào, nay bỗng bất ngờ hỏi người khiêng kiệu phía trước. Nghe thấy thế, người khiêng kiệu bối rối đáp lại:
- Bẩm Hoàng thúc, đây là cửa bắc của trấn Thuận Hóa. Xin Hoàng thúc ráng chịu thêm một chút, sắp đến nơi rồi ạ.
Hoàng thúc nghe nói trấn Thuận Hóa có hơi ngạc nhiên. Thuận Hóa nằm về phía nam đất Giao Chỉ, tại sao lại đến đây. Mấy hôm trước bàn với Lý công tử đã thỏa thuận với nhau sẽ qua nước Tống để đến đất Cao Ly ở phía đông cơ mà. Giữa lúc đang suy nghĩ miên man bỗng thấy hai người lính gác cổng thành cầm giáo đến chặn đường:
- Các người đi đâu đấy?
Người tráng đinh đi sau kiệu, chân khập khiễng bước tới đứng chắn ngang trước kiệu.
- Chúng tôi đến tư dinh quan lớn Trịnh Hy An, hiền đệ của quan trấn phủ miền này.
Mấy tên lính đứng chắn đường nghe nói đến nhà quan lớn Trịnh Hy An, tỏ vẻ khả nghi, liền vặn hỏi:
- Nhà qua Trịnh đại giám à? Vậy đây là vị nào, từ đâu đến vậy?
Sở dĩ chúng hỏi như vậy vì trong đám lính có một tên thường lui tới nhà Trịnh đại giám, nên hắn biết rõ nơi tư dinh đó. Người tráng đinh luống cuống không trả lời được.
Khi rời đất Giao Chỉ, Lý công tử có dặn khi đến châu Thuận Hóa phải làm như vầy, chứ không có nói lời chỉ bảo chi tiết. Mặc dù vậy, cũng không thể trả lời với bọn lính kia là mình không biết, lại càng không thể nói về hành trình của Hoàng thúc. Người tráng đinh lúng túng không biết trả lời thế nào, đứng thần người ra. Lúc này bọn lính gác cũng cảm thấy hơi lạ.
- Này, chúng tớ hỏi đằng ấy đi đâu, tại sao lại không trả lời? Mà thôi, cho chúng tớ xem có vị quan lớn nào trong kiệu vậy?
Vừa dứt lời, bọn lính đẩy người tráng đinh, định đến bên kiệu xem. Người tráng đinh nắm lấy tay tên lính ngăn lại.
- Này, không được vô lễ.
Giữa lúc ấy, ba người lính đứng sau kiệu liền vụt lao lên phía trước đứng chặn bọn lính lại, mở to những cặp mắt nảy lửa nhìn trừng trừng vào bọn lính. Tên lính định đến khám hiệu lùi lại phía sau một bước, kêu rống lên:
- Các người xông tới, tôi sẽ gọi quân lính ra bây giờ. Này, đừng có tự nhiên gây sự bất bằng. Biết điều thì hãy quy thuận đi.
Vừa nói, tên lính vừa giơ tay lên làm hiệu. Tên đội trưởng giữ cửa thành cùng khoảng hơn hai mươi sĩ tốt đang đứng trên thành lầu trông thấy cảnh tượng đó, liền chạy xuống chân thành, lăm lăm giáo mác trong tay, hừng hực khí thế, chỉ còn chờ lệnh quan giữ cửa là chúng xông vào hỗn chiến. Tình thế hết sức nguy cấp. Lúc này, Hoàng thúc cũng lâm vào cảnh khó xử. Lúc đầu giả vờ ốm, nằm đắp một chăn mỏng, nhưng đến bước này thì đành phải nhảy ra khỏi kiệu, liều một phen thôi, không còn cách nào khác. Người lấy một sợi dây nhỏ buộc lại búi tóc rối bời và định cởi chiếc áo vải ra, thay bằng chiếc áo nẹp dùng ngựa. Vừa lúc ấy có một người đi ngựa, đến đứng chắn ngang giữa những người tráng đinh và đám lính đang xảy ra cãi cọ.
Người ấy xuất hiện đột ngột, nên tất cả mọi cặp mắt xung quanh đều dồn về phía ông ta.
Không phải ai khác, đó chính là công tử Lý Quân Tất.
Hai tay vụt giơ lên, Lý công tử thét không ra hơi:
- Sao lại thế này?
Lý công tử xuất hiện, mang lại nỗi vui bất ngờ cho những người tráng đinh. Họ cúi rạp người chào Lý công tử. Một người trong số họ chớp chớp mắt, nói một cách thản nhiên như không:
- Dạ thưa... Chúng em đã bảo đoàn người rước kiệu đến tư dinh Trịnh đại giám. Thế mà những người này cứ đòi khám kiệu, thật chẳng ra làm sao.
Vừa mới tới nơi, Lý công tử chưa hiểu đầu đuôi câu chuyện, trong bụng có hơi hoảng. Đến giờ nghe nói mới rõ nguồn cơn, bèn đi về phía viên đội giữ cửa thành và rút từ trong lưng ra chiếc chiếu bài thông hành đưa cho họ trông thấy đoạn vui vẻ nói:
- Các người vất vả nhiều, người trong kiệu là bà chị dâu của ta vì đau ốm nên vào thành nội để chữa bệnh, các người yên tâm.
Đám người trông thấy chiếc bài thông hành do Lý công tử giơ lên, vội cúi rạp mình lùi lại phía sau. Lý công tử giắt trở lại chiếu bài vào lưng, nhảy lên ngựa. Các phu kiệu quay trở lại, đưa đòn khiêng lên vai, tiếp tục cuộc hành trình.
Mấy người tráng đinh sau một hồi cãi vã với đám lính gác cửa thành suýt đánh nhau, giờ đây cũng quân hết mệt nhọc, vội và cất bước lên đường.
Lý công tử cưỡi ngựa đi trước, đoàn khiêng kiệu bám gấp theo sau, tiến về bờ biển phía đông châu Thuận Hóa.
Không bao lâu sau, họ đã đến được một nơi trên bờ biển, ở đây có hai nhà tranh nhỏ bé. Mặt trời đã khuất đằng sau dãy núi phía tây, chỉ còn rớt lại chút nắng tàn trên bờ biển phía đông xa xa.
(1)Vi Tử đời nhà Ân. Khi nhà Ân mất, phải theo Chu để lo giữ việc thờ cúng
@by txiuqw4