sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 3: Giã Từ Cố Quốc

Hai gian nhà tranh đã sắp sẵn mọi thứ chờ Hoàng thúc. Trong nhà được chỉnh trang sạch sẽ tươm tất. Giữa nhà kê một chiếc chõng tre thấp rộng.

Lý công tử xuống ngựa. Mấy người trai trẻ trong nhà ra đỡ dây cương dắt ngựa vào chuồng.

Lý công tử đến trước kiệu, mở rộng cửa. Hai người đưa bốn mắt nhìn nhau. Sau khi chia tay ở núi Việt Thanh sáu ngày trước, nay Hoàng thúc và Lý công tử mới gặp lại nhau lần đầu.

- Thưa Hoàng thúc, mấy ngày hôm nay đi đường dài chắc Người mệt lắm?

Hoàng thúc tỏ vui mừng trước lời vấn an của Lý công tử.

- Không sao. Công tử còn vất vả hơn ta nhiều. Trời phạt ta đã đành. Còn công tử và bao nhiêu người khác nữa chẳng có tội gì cũng phải chịu khổ cực này. Nghĩ vậy lòng ta thực xót xa.

Các tráng đinh lùi lại phía sau Lý công tử, lặng lẽ cúi đầu chào Hoàng thúc. Họ đặt một đôi giày trước kiệu, chờ Hoàng thúc bước xuống.

Lý công tử đỡ lấy tay Hoàng thúc:

- Xim mời Hoàng thúc vào nhà.

Hoàng thúc một tay vịn vào cửa kiệu, luồn hai nửa bàn chân vào đôi giày đặt sẵn bên ngoài, bước ra khỏi kiệu.

Đã mấy ngày ngồi trong kiệu khá tù túng, hai chân mỏi tê, Hoàng thúc bước đi khập khiễng, đầu óc mông lung, người cảm thấy lao đao.

Lý công tử hai tay dìu Hoàng thúc, đưa vào nhà.

Trong nhà chưa tối nhưng đã nhọ mặt người. Người hầu bước vào nhà, châm đóm vào mồi lửa và đưa lên ngọn nến. Ngọn lửa chạm vào năm chiếc bấc nến cháy dần lên, tỏa sáng khắp gian phòng.

Hoàng thúc ngồi yên lặng một chốc, nhìn khắp lượt gian phòng, cất tiếng nói như rên:

- Ờ... gian nhà trông cũng khá đấy chứ?

Người đưa mắt nhìn lên bức tranh sơn thủy trên tấm bình phong và hàng chữ khắc trên tấm hoành phi.

Người hầu mang cây nến cắm đây đó khắp gian phòng xong, lui bước ra ngoài, còn nói với lại:

- Thưa Lý công tử, nước tắm đã sắp sẵn rồi ạ.

- Vậy hãy đưa Hoàng thúc đi tắm.

- Vâng ạ...

Nói xong người hầu bước ra ngoài, Lý công tử lễ phép nói:

- Xin mời Hoàng thúc đi tắm xong rồi dùng cơm tối.

Lý công tử nói đoạn, đứng lên đưa Hoàng thúc ra ngoài.

Một chốc sau, hai người tắm xong trở vào nhà. Bữa cơm tối đã được dọn sẵn.

Hai người ngồi đối diện, rót rượu mời nhau. Uống được mấy chén, Lý công tử bắt đầu kể lại câu chuyện xảy ra từ kinh thành Thăng Long tới đây.

Thời gian qua, Hoàng thúc cũng đã rất sốt ruột muốn biết sự thể ra sao, nhưng cũng hiểu rằng không thể vội vã. Bởi vậy Người rất chú ý lắng nghe.

Lý công tử rành rọt thuật lại mọi điều tai nghe mắt thấy, từ sau khi đưa Hoàng thúc rời khỏi núi Việt Thanh...

Nào là chuyện phò mã Trần Nhật Chiếu cho gọi các trưởng hạt các miền và bá quan văn võ tới hội triều tại chính điện, định thông qua việc kế thừa ngôi vua mà lại không có sự hiện diện của công chúa Chiêu Thánh. Do có sự phản đối của Hàn lâm học sĩ, việc không thành, phò mã đành chấm dứt cuộc hội triều và bắt giam Lý Quân Chiêm... Chuyện Trần Phú đi sứ sang Tống, mang theo nhiều đồ cống lễ sang bàn mưu tính kế, thỏa thuận với nhau đưa người họ Trần lên cầu xin Thiên tử nước Tống công nhận, để đến năm Bảo Khánh thứ tư nếu được kế vị sẽ đưa sứ giả sang chúc mừng vào ngày đã được cai trị thiên hạ... Chuyện triều đình nhà Tống bàn đến cả năm Hoàng thúc có thể nối dõi huyết thống của triều Lý, khiến cho tính mạng của Hoàng thúc cũng bị đe dọa... Chuyện Trần Vũ dâng kế hiến sau khi Trần tể tướng bị mất mặt. Theo đó, công chúa Chiêu Thánh đã gọi các trưởng hạt các miền và các quan đại thần đến điện Tử Vi nói rõ ý định nhường ngôi vua cho phò mã Trần Nhật Chiếu...

Hoàng thúc lắng nghe hết mọi chuyện, nét mặt đượm vẻ buồn. Như hiểu hết mọi nỗi điên đảo của thế sự. Người xúc động hỏi:

- Còn Lý học sĩ, hiền đệ của Lý công tử, tính mạng đang nguy cấp, biết làm sao bây giờ?

Nhưng Lý công tử không chút dao động, thản nhiên đáp:

- Thưa Hoàng thúc, em trai của hạ thần đã quyết liều thân vì nghĩa lớn. Em nó đã đưa gia đình trốn thoát đi các nơi, và ngày hôm ấy nó vào triều. Em nó còn giúp hạ thần đưa Hoàng thúc ra đi. Đến hôm nay mới thưa được mọi chuyện với Hoàng thúc thực là có lỗi. Việc đưa được Hoàng thúc đến đây cũng là nhờ em nó lo liệu sắp xếp trước cho đó ạ.

- Sự thể như thế này, nói trước cho ta biết có hay hơn không?

Lý công tử đáp:

- Trước khi hạ thần ra đi, đã định liên lạc với gia quyến của Hoàng thúc ở Đông cung, nhưng từ hơn mười hôm trước đó mọi liên hệ với bên ngoài đã bị cắt đứt. Không còn cách nào khác, kẻ hạ thần đành phải nhờ bà cụ già buôn đồ cổ chuyển bứa thư, báo để gia đình Hoàng thúc yên tâm.

Hoàng thúc lắc đầu đưa mắt nhìn ra ngoài cửa sổ và nói:

- Về người nhà của ta, dù sao công chúa Chiêu Thánh còn đấy chưa chắc chúng đã dám làm gì. Chỉ hiềm một nỗi những đồ tế lễ thờ cúng tổ tiên không mang đi được.

Lý công tử đoán biết được nỗi lòng của Hoàng thúc liền đáp:

- Thật may quá, đồ tế lễ đã được rước theo đây cả rồi.

- Thật vậy ư? Vậy đồ tế lễ để ở đâu?

Nét mặt của Hoàng thúc rạng rỡ hẳn lên. Người ngồi dịch lại gần Lý công tử.

Lý công tử đứng dậy, Hoàng thúc cũng đứng dậy theo. Cả hai người giống như đã hẹn trước với nhau, đều đi sang phòng bên cạnh. Phòng nhỏ nhưng sạch sẽ. Trên một bộ phản gỗ rộng kê giữa nhà, các đồ thờ cúng được sắp xếp rất ngay hàng thẳng lối. Những quý vật đó như đang minh chứng cho uy danh và mạch sống liên tục qua tám đời vua trong 220 năm của Vương triều Lý.

Nhìn thấy các đồ thờ cúng, Hoàng thúc quỳ xuống, chắp hai tay vái lạy, giọng nghẹn ngào:

- Thưa các đấng tiên vương, thưa đức phụ vương... Hãy tha tội cho đứa cháu con bất trung bất hiếu này...

Nỗi ai oán bấy lâu kìm nén trong lòng Hoàng thúc giờ đây được dịp thốt ra, lan tỏa khắp gian phòng.

Nhưng ngọn lửa cháy trên đầu các cây nến cắm trên mỗi bài vị tỏa sáng như đang dõi theo hình bóng của Hoàng thúc đang rung lên trong tiếng nức nở.

Lý công tử đứng ở phía sau cũng sụt sùi rơi lệ, trong lòng trào lên nỗi sót đau vô hạn.

Một chốc sau, Lý công tử cố trấn tĩnh lại, gạt nước mắt, đỡ Hoàng thúc đứng dây, an ủi:

- Sự đã rồi, mong Hoàng thúc hãy nguôi quên nỗi xót đau, liệu tìm phương kế mới. Thời gian nay đã muộn rồi. Chúng ta nên kịp bắt tay vào việc tiếp nhận thờ cúng tông miếu tổ tiên.

Đến lúc này Hoàng thúc mới cầm được nước mắt.

- Công tử nói đúng đấy. Thôi được rồi, chúng ta hãy vào trong kia nói chuyện một chốc đi.

Nói xong, Người lui bước và trở về phòng mình.

Về đến nơi, Người ngồi xuống, nét mặt bừng lên niềm suy nghĩ mới. Bảo vệ giữ gìn các đồ thờ cúng là công việc tối ư quan trọng, không thể ngồi đây tiếp tục khóc than. Một lúc sau, Hoàng thúc nói:

- Số phận hiền đệ của công tử và gia đình của công tử là điều ta còn lo lắng hơn.

Lý công tử rất cảm kích trước sự quan tâm của Hoàng thúc đối với em mình và gia đình mình, nhưng mọi việc đã quyết xong cả rồi, bèn nói:

- Xin đội ơn tấm lòng ưu ái của Hoàng thúc. Em nó đã quyết liều thân với nước. Dạ thưa, "trung thần bất sự nhị quân", tôi trung không thờ hai vua. Cả gia đình của hạ thần đều đã tản mát lánh nạn về phương nam hết cả rồi.

Hoàng thúc hỏi lại, có phần ngờ ngợ:

- Ơ này, mà tại sao lại đi về phương nam. Phương bắc không an toàn hơn ư?

- Thưa không phải thế đâu ạ, ở phương bắc quân lính canh gác dày đặc. Cũng vì vậy nên hạ thần mới phó tá Hoàng thúc đến đây. Ngoài ra, trên mặt biển khơi, các tàu buôn của Tống còn đang đậu. Đợi thêm bốn năm hôm nữa, các tàu kia nhổ neo quay về Tống, lúc đó ta sẽ ra đi.

Tất cả những điều bí mật được giữ kín đến ngày hôm nay bây giờ Hoàng thúc mới hiểu hết. Trong bước phong trần, hình ảnh của Hoàng thúc trông thật lam lũ, rất thương tâm. Người tâm sự:

- Đến bây giờ ta mới rõ nguồn cơn. Ta cũng đã nghĩ đi vào Thuận Hóa ắt là có chuyện gì đây. Quả thực hiền đệ của công tử đã suy nghĩ hết sức thấu đáo, kín kẽ.

Cố nén nỗi đau thắt ruột, Lý công tử se sẽ cất tiếng than không kìm nén nổi:

- Thật khủng khiếp quá!

Vừa lúc ấy, có người rón rén vén bức mà tre, nhè nhẹ bước vào phòng. Hoàng thúc và Lý công tử đều nghiêng ánh mắt về phía có người vào. Người đó không phải là ai khác mà là Ngô Anh Cơ sống ở trấn Thuận Hóa. Cô gái mỉm cười duyên dáng, chắp hai tay lên trước mặt, cúi chào Hoàng thúc.

- Tiện nữ là Ngô Anh Cơ xin vấn an đức Hoàng thúc, đức Hoàng thúc đi đường sá xa xôi, đột ngột đến đây chắc là vất vả lắm ạ?

Hoàng thúc có phần ngỡ ngàng, bối rối, không biết người con gái này là ai mà lại biết rõ cảnh ngộ và tung tích của mình nên nhìn sang Lý công tử hỏi:

- Không biết quý tiểu thư này là ai vậy?

Như thấu hiểu được suy nghĩ trong lòng Hoàng thúc, Lý công tử lúc này mới nói rõ lai lịch người con gái.

- Thưa Hoàng thúc, cô Ngô Anh Cơ này là con gái út của ngài Ngô Nguyên Thanh một vị Hàn lâm học sĩ dưới thời Thiên Tộ đại vương đấy ạ. Do sự vu cáo của Trần đại giám, nên Ngô học sĩ đã chết trong ngục tối, gia sản nhà bị tịch biên. Không còn cách nào khác, hai mẹ con đưa nhau vào đất Thuận Hóa sống âm thầm. Thời gian qua, để phụng dưỡng mẹ già, cô gái út đành phải nhắm mắt đưa chân vào chốn ca lâu và nay tiếng tăm đã nổi khắp mọi vùng châu Thuận Hóa. Những người biết được gốc gác đó chỉ có hai anh em kẻ hạ thần mà thôi. Và lại cô ấy cũng là bà con phía ngoại của kẻ hạ thần nên mọi việc lần này cũng nhờ em nó rất nhiều.

Hoàng thúc lắng nghe lời kể, đưa mắt nhìn cô gái, không giấu nổi một nỗi xót thương trong lòng.

- Tình cảnh của ta đáng thương rồi mà cảnh ngộ éo le của nàng lại càng đáng thương hơn.

Đang lúc mọi người trò chuyện thì mấy người hầu mang mâm rượu đến. Một chốc sau, Ngô Anh Cơ rót rượu ra một chiếc chén đặt trước mặt Hoàng thúc.

Uống được mấy tuần rượu, buồn lòng, bụng đói đầu óc mơ màng, Hoàng thúc nhìn Ngô Anh Cơ, bèn đưa chén rượu ra mời:

- Nào, Ngô tiểu thư hãy uống đi một chén!

Tiểu thư đỏ mặt:

- Dạ thưa, Hoàng thúc tha cho. Kẻ hạ thần đâu dám...

Bằng giọng nhỏ nhẹ, Hoàng thúc dỗ dành:

- Tiểu thư ơi... ta bây giờ đâu còn là Hoàng thúc nữa. Mà tiểu thư cũng chẳng phải là kẻ bầy tôi. Chúng ta chẳng qua chỉ là những kiếp người chung số phận. Này, tiểu thư, hãy cầm lấy chén rượu này...

Hai mắt Hoàng thúc ánh lên niềm cảm động thật thà mời tiểu thư.

Lý công tử đứng bên cạnh trông thấy cũng cảm thấy áy náy, nên khuyên Ngô Anh Cư:

- Đây là chén rượu Hoàng thúc ban cho, hãy cầm lấy đi em.

Trước câu nói ân cần của Lý công tử, Ngô tiểu thư đưa hai tay đỡ lấy chén rượu:

- Tiện nữ mạn phép xin chén ngự tửu do Hoàng thúc ban cho.

- Thế mới vui chứ!

Hoàng thúc vốn là con người của hào hoa phong nhã, đưa mắt nhìn đăm đăm Ngô Anh Cư, cười nói vui:

- Ngô Anh Cư là một tuyệt sắc giai nhân mà ngay ở chốn kinh thành ta cũng chưa nhìn thấy đó.

Ngô Anh Cư đưa chén rượu lên môi nhấp nháp một tí xong mới uống.

Gương mặt cô phản chiếu qua ánh nến càng trở nên rạng rỡ.

Ngô Anh Cư đặt chén xuống và rót đầy rượu vào một chén bạc mới, bưng hai tay cung kính dâng lên Hoàng thúc.

- Xin kính mời Hoàng thúc cạn chén rượu này.

- Thế là nàng bảo ta uống cạn chén rượu này sẽ sống lâu trăm năm ngàn năm có phải không?

Hoàng thúc nói xong, cất tiếng cười trong trẻo.

- Tiện nữ lần đầu được bái kiến Hoàng thúc. Tiện nữ được biết Hoàng thúc nức tiếng đồn thanh cao, phong nhã. Hôm nay được bái kiến Hoàng thúc, tiện nữ đã được thỏa nguyện mong ước.

Trên chiếu, rượu được rót ra từng chén. Cùng với thời gian trôi qua, niềm vui tăng lên, tình cảm trở nên chan chứa nồng nàn. Những sợi tóc của Hoàng thúc buông xuống lõa xõa khiến Ngô Anh Cư cảm thấy tiếc không được nhìn rõ mặt Người. Nàng đứng dậy, đến bên Hoàng thúc:

- Tiện nữ xin được sửa lại mái tóc của Hoàng thúc. Xin Hoàng thúc cho phép.

- Bình nhật ta thích để tóc xõa, chỉ có ngày hôm nay Ngô tiểu thư muốn đến sửa lại mái tóc cho ta. Ta đành chiều theo ý tiểu thư vậy.

Nói đoạn, Hoàng thúc ngồi ngửa người, hai tay chống ra phía sau.

- Xin Hoàng thúc cứ ngồi tự nhiên và dựa lưng vào thành ghế ạ.

- Ờ, nàng hãy làm theo như ý nàng.

Chỉ trong chốc lát, những sợi tóc lõa xõa đã được vuốt lên cẩn thận, và nàng cởi dải lụa buộc trên đầu mình ra buộc lại cho gọn gàng búi tóc cho Hoàng thúc.

Hai gương mặt của Hoàng thúc và của giai nhân lồng bóng lung linh trong trước gương soi đặt trước mặt nàng. Hoàng thúc tươi cười nhìn lên gương mặt của nàng, còn nàng thì mím chặt môi, dùng hai bàn tay ngọc ngà đưa lên đưa xuống nhè nhẹ vuốt ve mái tóc.

- Thưa Hoàng thúc, xong rồi ạ. Những mong Hoàng thúc sẽ thấy thoải mái hơn.

Nói xong nàng quay về ngồi xuống chỗ cũ của mình. Nàng định bụng sẽ nhìn kỹ hơn dung nhan của Hoàng thúc.

- Thưa Hoàng thúc xin kính mời Hoàng thúc uống thêm một chén.

- Ờ, hôm nay ta uống đến thỏa thích thì thôi.

Nói đoạn, Người kề môi vào chén rượu do Ngô Anh Cư đưa hai tay cung kính bưng lên mời, và uống cạn một hơi.

Mới ba mươi sáu tuổi, trông Hoàng thúc còn rất trẻ. Trên khuôn mặt của Người, trên gương mặt của người hiện lên một phẩm chất trong sáng thanh cao.

Thân hình Người dong dỏng cao, khuôn mặt trắng trẻo đã ửng hồng vì men rượu. Đôi mắt của Người chan chứa tình thân ái, hai đồng tử sáng long lanh. Giọng nói của Người ấm áp, thấm đượm tình yêu thương.

Như người xưa thường nói, các bậc anh hùng hào kiệt hay những bậc trượng phu phong nhã hào hoa, dù có sức mạnh rung trời chuyển đất, bao giờ cũng trầm tĩnh vững vàng, thản nhiên tự tin. Hình ảnh đó bây giờ chẳng phải đã thể hiện rõ ràng ở nhân cách của Hoàng thúc đó sao. Đắm chìm trong suy nghĩ ấy, cô gái bỗng thấy trong lòng mình rạo rực một niềm hạnh phúc. Vừa ngưỡng mộ kính trọng Người, nhưng nàng đồng thời cũng cảm thấy có một niềm xúc động khác thường còn hơn thế đang dâng trào trong lòng mình.

- Thưa Hoàng thúc, từ nay cho đến khi Hoàng thúc rời khỏi nơi đây, xin cho phép tiện nữ được theo hầu hạ Hoàng thúc. Nếu được vậy thì đó là niềm vinh hạnh không gì sánh bằng đối với tiện nữ.

- Ta cảm ơn tấm lòng đáng quý của nàng, nhưng giờ đây ta không còn là Hoàng thúc nữa, mà cũng chẳng có gì đáng để được tiếp nhận sự hầu tiếp của nàng.

Hoàng thúc nói xong, đầu hơi cúi xuống, vẻ mặt đăm chiêu, hai mắt nhắm lại.

Ngô tiểu thư cảm thấy như mình đã nói lỡ lời, làm tổn thương đến tình cảm của Hoàng thúc, bèn lấy hai tay vuối lên đầu gối Hoàng thúc tỏ vẻ âu yếm.

- Thưa Hoàng thúc, Hoàng thúc nghĩ vậy làm chi. Tiện nữa đã quyết một lòng vì Hoàng thúc. Xin mời Hoàng thúc uống thêm chén rượu nữa.

Lý công tử đã có phần chuếnh choáng hơi men, hai mắt lim dim, cúi người xuống nói với Hoàng thúc:

- Xin Hoàng thúc thể tỉnh, hãy nhận lấy lời thỉnh cầu đó của Ngô tiểu thư, chẳng can hệ gì đâu mà.

Lúc này, Ngô tiểu thư được lời như cởi tấm lòng, hai mắt sáng long lanh, nói với giọng nũng nịu:

- Thưa đức Hoàng thúc suy nghĩ lại cho tiểu nữ đượ nhờ. Lý công tử cũng nói như vậy rồi mà.

Lời nói thiết tha của nàng chẳng khác nào như một mũi kim xuyên vào lòng kẻ trượng phu...

Hoàng thúc ngồi trầm ngâm, im lặng, bỗng nắm lấy tay nàng và nói:

- Nào rượu đâu rót thêm chén nữa. Ta sắp phải từ giã đất nước này, dân tộc này rồi mà nàng vẫn xin hầu tiếp ta. Tấm lòng vị nghĩa ấy của nàng thật cao cả và đáng quý biết bao!

Qua câu nói của Hoàng thúc, nàng hiểu rằng Hoàng thúc đã chấp nhận lời thỉnh cầu của nàng, lòng nàng bừng lên niềm vui khó tả.

- Thưa Hoàng thúc, tiện nữ xin hát dâng lên Hoàng thúc một bài ca.

Lý công tử lúc đầu dõi theo thái độ của tiểu thư, cảm thấy rất đáng thương, nhưng giờ đây cũng vui lây cho niềm vui vui đó của tiểu thư, bèn nói:

- Thưa Hoàng thúc, kẻ hạ thần cũng đã nghe nói tài nghệ đàn hát của tiểu thư là nhất phẩm thiên hạ đấy ạ.

Hoàng thúc nghe nói vui mừng bảo:

- Vậy nàng hãy cho ta thưởng thức tiếng đàn nhất phẩm thiên hạ.

Ngô tiểu thư cầm lấy cây đàn tranh dựng ở phía sau bình phong đưa lên lựa phím so dây. Tiếng đàn trầm bổng réo rắt một lúc sau đã hòa quyện vào nhau nghe sao mà du dương thổn thức...

- Mong đức Hoàng thúc và Lý công tử đừng chê lời hát tiếng đàn hãy còn vụng về của tiện nữ.

Ánh mắt của Hoàng thúc và Lý công tử đều quay về phía nàng. Nàng ngồi xếp bằng duyên dáng trước tấm bình phong về tranh thủy mặc, tay trái lướt nhẹ thướt tha trên các phím đàn, tay phải đưa lên chỉ ra ngoài cửa sổ...

Một vầng trăng khuyết sau rầm lững lờ nhô lên khỏi mặt nước biển đông.

- Hoàng thúc xin hãy nhìn xem...

Lời ca trong trẻo, tiếng đàn thánh thót của tiểu thư lan khắp gian nhà. Tiếng đàn tiếng hát ấy đã xuyên thấm vào lòng của Hoàng thúc và Lý công tử.

Lời ca ấy vẫn tiếp tục réo rắt:

Hoàng thúc ơi, trăm năm thương nhớ, tiện nữ hôm nay được thỏa lòng vui hát với vầng trăng và phong cảnh nên thơ chốn thảo đường này. Hỏi ai có thể ngăn cản được niềm vui của tiện nữa đêm nay...

Gian nhà dần dần biến thành một hỷ trường, rộn ràng trong niềm hân hoan.

- Hoàng thúc ơi, xin nghe tiện nữ hát.

Nghe tiếng hát của Ngô Anh Cơ, Hoàng thúc càng thêm trầm ngâm, tư lự.

- Tiểu thư ơi, tiếng hát của nàng quả là tiếng hát của thần tiên... Ta lại muốn mời nàng chén rượu

Nói xong. Người cầm chén rượu đưa lên môi nàng.

- Tiện nữ xin mạn phép uống chén ngự tửu Hoàng thúc ban cho. Xin đa tạ Hoàng thúc.

Uống xong, Ngô Anh Cơ lại tiếp tục hát:

Ngô tiểu thư dứt tiếng hát, mang chiếc đàn tranh dựng lại bên chiếc bình phong, cúi đầu vái chào Hoàng thúc.

- Lời ca vụng về của tiểu nữ, Hoàng thúc nghe nhiều chắc nhàm chán.

- Lời ca tiếng đàn nổi tiếng thiên hạ của tiểu thư thật danh bất hư truyền. Rất tiếc ta đã gặp nàng quá muộn.

- Xin đức Hoàng thúc chớ quá khen kẻ tiện nữ quê mùa này. Xin mời Hoàng thúc dùng thêm một chén rượu nữa.

Trên bàn rượu, các thứ nhắm đã cạn, bát đĩa ngổn ngang.

Đêm đã về khuya tự lúc nào. Hoàng thúc và Lý công tử vừa say vừa mệt, ai nấy đều ngả mình ra ngủ. Ngô tiểu thư ngồi thức, mở mắt trông chừng cho đến khi trời sáng. Nàng lấy chân mình kê dưới đầu làm gối cho Hoàng thúc. Đêm mùa hè ngắn ngủi, một đêm chẳng khác nào một thoáng trôi qua. Mặt trời đã lên cao hơn đọt ngọn cau, chiếu sáng khắp muôn cảnh vật. Trên bờ biển, các thuyền đánh cá nhỏ to chen chúc nhau tấp nập ra khơi.

Những người đàn bà dân chài chắp hai tay giơ lên lưu luyến tiễn chồng con của họ ra khơi, cầu mong đánh được nhiều cá, trở về bình an.

Bầy chim hải âu tung lượn lao xao, lúc lao vọt lên cao, lúc bay sà xuống mặt nước như một mũi tên rồi lại vun vút bay đi.

Cách bến về phía xa xa, một chiếc thuyền lớn treo cờ Nam Tống đang bỏ neo đậu.

Các phu thuyền thả xuống biển một chiếc xuồng nhỏ. Hai phu thuyền leo lên xuống khua mái chèo rẽ nước vào bờ.

Chỉ trong chốc lát họ đã leo được lên bờ. Một người bước xuống thuyền, dáng đi vội vã, rảo bước về phía gian nhà tranh nơi Hoàng thúc đang nương náu.

Vừa trông thấy người quét sân, ông ta liền hỏi:

- Lý công tử đã dậy chưa?

- À, chào ông Vương. Xin mời vào. Lý công tử đang nóng ruột chờ ông đấy. Mọi người đã ăn sáng xong rồi.

Nói xong, người quét sân chạy vào nhà nói với Lý công tử:

- Thưa Lý công tử, có ông Vương người nước Tống đến tìm.

- Ông Vương à? Sao đến muộn thế. Chúng tôi đang chờ đây. Trước hết phải đưa hành lý lên thuyền đã.

- Vâng... Trước định sau ba ngày nữa sẽ nhổ neo, nhưng nay đổi lại, tối nay phải đi rồi.

Lý công tử nghe vậy không khỏi bàng hoàng, bèn quay sang nhìn Hoàng thúc và Ngô Anh Cơ.

- Ngay tối hôm nay à?

Không một chút thay đổi nét mặt, ông Vương lạnh lùng đáp:

- Vâng, phải thế thôi. Ba ngày nữa, sóng gió bất thường, nên tối hôm nay đi là tốt nhất.

Những đìều mà Lý công tử nghĩ đến, cũng như những gì mà Ngô Anh Cơ phác hoạ lên trong mấy ngày còn lại, tất cả giờ đây đã tan biến thành bọt nước.

Đương nhiên, những người sắp giã từ cố quốc ra đi có nỗi buồn riêng của mình. Còn đằng này Ngô Anh Cơ vừa mới gặp đã phải vội chia ly thì nỗi lưu luyến bịn rịn trong lòng càng không sao nói hết.

Lý công tử đưa mắt nhìn lên gương mặt của Hoàng thúc rồi đưa mắt nhìn lên gương mặt của Ngô tiểu thư.

Nghe chưa hết câu nói, họ Vương liền đáp lại với giọng cộc lốc khô khan, mang nặng dấu ấn cửa quyền của bọn phu thuyền không một chút tình nghĩa.

- Không được đâu!

Hoàng thúc ngồi bên cạnh, thấy cảnh tượng ấy, đã hiểu ra tất cả, bèn nói:

- Thôi được rồi. Hôm nay chúng ta sẽ rời bến. Đằng nào cũng phải ra đi, vậy hãy kíp lên đường, sớm lúc nào hay lúc ấy.

Nói xong, Hoàng thúc nín lặng, đưa mắt thẫn thờ nhìn xuống đất.

Tất cả hơn hai mươi tráng đinh theo phò tá Hoàng thúc đến tề tựu đông đủ trước sân nhà.

- Các người hãy mang theo tất cả đồ hành lý mà chúng ta sẽ phải mang đi, cùng ông Vương nhanh chóng lên tàu.

- Xin vâng.

Các tráng đinh cũng ngậm ngùi bịn rịn theo thân phận của họ, im lặng khiêng các đồ thờ cúng là chính và các đồ vật khác ra mạn thuyền.

Lý công tử cũng đi cùng với họ ra bến.

Trong sân nhà tranh chỉ còn lại Hoàng thúc và Ngô tiểu thư. Ngô tiểu thư nói với Hoàng thúc bằng một giọng nhỏ nhẹ:

- Hoàng thúc ơi, tiện thiếp cứ nghĩ sẽ được hầu hạ Hoàng thúc ít nhất cũng vài ngày nữa. Nào ngờ đâu, Hoàng thúc sắp phải vội vã ra đi, chỉ dám thương cho số phận của tiện thiếp bạc phước vô duyên!

Hoàng thúc lấy hai tay vuốt lên mái đầu Ngô tiểu thư, an ủi:

- Không phải tiểu thư bạc phước mà ta đây mới là người chịu số phận hẩm hiu. Nàng ơi, ta rất hiểu nàng.

- Hoàng thúc ơi, được gặp Hoàng thúc như thế này, tiện thiếp đã thoả nguyện được nỗi mong ước ngàn thu. Đằng nào Hoàng thúc cũng sắp ra đi rồi. Hoàng thúc hãy ôm tiện thiếp vào lòng, xin chỉ một lần này thôi.

Hoàng thúc đưa tay đỡ lấy Ngô tiểu thư đang thổn thức ra khỏi lòng mình và ngồi lùi lại phía sau.

- Ngô tiểu thư ơi, ta không còn chỗ dung thân trên mảnh đất này nên mới phải ra đi. Tấm thân này chẳng còn sá chi, ta đã quen đi hết mọi nỗi mong ước trên đời.

- Hoàng thúc ơi, chẳng phải thế đâu. Dù Hoàng thúc có rời khỏi mảnh đất này, nhưng nơi đây còn có biết bao nhiêu người dù muốn theo Hoàng thúc cũng chẳng được không riêng gì một mình tiện thiếp... Nếu Hoàng thúc còn nghĩ đến trăm họ đáng thương, và những người đã mất đi vĩnh viễn, xin Hoàng thúc hãy ôm lấy tiện thiếp vào lòng, chỉ một lần này thôi... Được như thế, tiện thiếp sẽ mang tâm hồn của Hoàng thúc gieo đi khắp nơi nơi.

Lời van xin khẩn thiết của nàng, không chỉ là biểu hiện của tình yêu mà chính là tiếng kêu xé lòng của trăm họ sinh ra chẳng gặp điều lành trên đất nước này.

- Ngô tiểu thư!

Hoàng thúc đưa hai tay ôm lấy tiểu thư. Tiểu thư ngã vào lòng Hoàng thúc, rung lên nức nở.

Hoàng thúc và tiểu thư ôm lấy nhau quấn quít trong niềm ân ái yêu thương. Tình yêu của họ đã dâng cao, hai trái tim đập mạnh trong hơi thở gấp...

Tiểu thư đắm mình trong giây phút hạnh phúc. Nỗi đau toàn thân đã tan hết như một cơn bão táp đi qua. Nàng ngồi dậy, sửa lại mái đầu.

Hoàng thúc im lặng thẫn thờ, hai mắt nhắm nghiền, nằm không động đậy.

Tỉểu thư lại vuốt mái tóc, điểm trang khuôn mặt.

- Thưa Hoàng thúc, Hoàng thúc có điều gì suy nghĩ buồn phiền chăng? Hoàng thúc trước lúc ra đi đã thoả nguyện được nỗi ước mong cho tiện thiếp. Hoàng thúc ơi, dù Hoàng thúc có ra đi nơi chân trời góc bể xa xôi, dám cầu xin mong Hoàng thúc được vạn thọ vô cương, bình yên đất lạ.

- Tiểu thư ơi, ta chỉ cảm thấy lòng nặng trĩu. Ta là một kẻ có tội, không sống được với giang sơn đất nước nên đã phải ra đi! Lại còn gieo nỗi khổ cho nàng trước lúc xa cách...

Hoàng thúc mở mắt ra rồi nhắm mắt lại. Nàng lại gục vào lòng Hoàng thúc thổn thức:

- Xin Hoàng thúc đừng làm cho tiện thiếp phải khóc thêm. Hoàng thúc có nghe chăng những lời ai oán khóc than của trăm họ đang tiễn đưa một vị hoàng tử được muôn dân mến mộ? Nỗi ân hận trong lòng tiện thiếp có lớn đến đâu chăng nữa, cũng chẳng thể nào sánh được với nỗi ai oán đớn đau kia của trăm họ. Hoàng thúc ơi, trên bước đường đời, cũng có lúc thịnh lúc suy, trong trị vì thiên hạ cũng có khi tỏ khi mờ. Dám mong đức Hoàng thúc hãy quên đi tất cả, cố gắng giữ gìn quý thể an khang.

Những giây phút bịn rịn lưu luyến cứ thể vô tình trôi... Trời đã về chiều. Lý công tử ra thuyền Nam Tống lo liệu việc hành lý đã trở về.

- Thưa Hoàng thúc, mọi việc đã sắp đặt xong xuôi. Chỉ chốc nữa thôi là chúng ta phải ra đi.

Nét mặt Hoàng thúc đượm vẻ ngậm ngùi:

- Người ra đi đã đến lúc phải đi.

Ánh mắt Hoàng thúc dõi nhìn về phía bờ biển xa xa. Con đường phía trước, nước mây một màu mịt mùng...

Ngô Anh Cơ ngồi bên cạnh trông thấy Lý công tử dáng điệu thiểu não cũng noi một câu ra chiều trách móc:

- Lý công tử đi gặp những kể phu thuyền nhẫn tâm, trở về bây giờ cũng nhẫn tâm rồi.

Lý công tử chỉ biết đưa mắt nhìn xuống đất.

Nhìn thấy cảnh tượng não lòng đó. Hoàng thúc bất giác nghiêm sắc mặt nói:

- Tiểu thư ơi, đừng quá buồn lòng. Ta ra đi đây đâu phải là biệt tăm mãi mãi. Chắc rồi ta sẽ trở lại với Tổ quốc thân yêu của ta, trở về lại với mảnh đất này, nơi nàng vẫn chờ ta đó. Chúc nàng ở lại bình yên cùng với muôn dân trăm họ.

- Hoàng thúc ơi...

Nói chưa hết câu, tiểu thư đã ngã xỉu xuống đất. Lý công tử vội lại dỗ dành. Nhưng Hoàng thúc cố làm ra vẻ thờ ơ, từ từ đứng dậy đi thay áo. Người mặc bộ quần áo màu xanh, trông giống như một chủ thuyền và cũng giống như một người lái buôn. Lý công tử quay lại chỗ Hoàng thúc thì thầm điều gì đó rồi đến trước mặt Ngô Anh Cơ.

- Ngô tiểu thư, ta cảm ơn nàng đã hầu hạ Hoàng thúc. Những người ra đi giờ đã phải cất bước lên đường. Tiểu thư ơi, căn nhà tranh và khu đất nơi xa xôi này, tất cả đều đã được mua xong để đón Hoàng thúc và sắp xếp cho cuộc ra di không ai hay biết này. Tất cả giấy tờ văn tự cùng với một ít tiền dự phòng đã để sẵn trong ngăn kéo kia. Tiểu thư hãy đón mẹ già về đây nương náu. Cầu trời khấn phật mẹ con được bình an mạnh khoẻ!

Tiểu thư oà lên khóc nức nở như người mất hồn, chẳng còn bụng dạ nào nghe những lời công tử nói. Ngô tiểu thư vốn thông minh, lanh lợi là vậy mà trước giờ phút ly biệt đau thương này, đã không kìm nổi lòng mình.

Lý công tử thấy vậy đành ra ngoài trước, Hoàng thúc quàng tay ôm lấy tiểu thư đang quằn quại khóc lóc, dỗ dành nàng:

- Ta sắp lên đường rồi mà sao tiểu thư nỡ để cho ta tan nát ruột gan. Nào, nàng hãy trấn tĩnh lại đi. Ta sắp phải đi rồi...

Nghe nói vậy, nàng liền im tiếng khóc, ngồi ngay ngắn lại. Nàng cắn răng lau nước mắt.

- Hoàng thúc ơi, bây giờ tiện thiếp sẽ không khóc nữa. Xin mời Hoàng thúc lên đường. Tiện thiếp xin đưa Hoàng thúc ra bến thuyền.

Hoàng thúc ôm lấy tiểu thư vào lòng. À không, Hoàng thúc không chỉ ôm Ngô tiểu thư, mà ôm cả mảnh đất của cha ông, ôm lấy tất cả đồng bào cốt nhục yêu thương của mình vào lòng.

Một chốc sau, hai người chia tay nhau. Đây có lẽ là lần ôm nhau cuối cùng giữa hai người.

Lý công tử dáng vẻ mệt mỏi đang lê bước chân về phía bến thuyền xa xa. Theo sau là Hoàng thúc và Ngô tiểu thư.

Mặt trời đã gác đầu non phía tây, ánh ráng chiều trải dài trên bãi biển một màu vàng nhợt.

Gió biển thổi vào đất liền, nhưng cái nóng vẫn chưa dịu bớt.

Trong số những người qua lại nơi đây, không một ai biết được hành tích của họ. Trông họ giống như những người lái buôn thường hay đi lại với nước Tống, hoặc cùng lắm như một cặp vợ chồng dân đánh cá.

Lý công tử đi trước, đến đứng trước mũi xuồng nhỏ, dáng chừng nửa muốn giục Hoàng thúc lên thuyền, nửa muốn giành lấy những giây phút cuối cùng để giữ lại thêm chút nữa dấu chân của mình trên mảnh đất của cố quốc thân yêu.

Hoàng thúc cùng Ngô tiểu thư cũng đã đến trước mũi xuồng từ lúc nào.

Lý công tử nhìn thấy Hoàng thúc.

Hoàng thúc cố nén vẻ mặt đau xót không nói được nên lời. Nhưng thời gian không cho phép họ kéo dài thêm sự nấn ná. Bằng một giọng yếu ớt, Lý công tử quay về phía Hoàng thúc.

- Thưa Hoàng thúc, xin mời Hoàng thúc lên thuyền.

Hoàng thúc quay lại nhìn Ngô tiểu thư. Ngô tiểu thư đứng cách xa khoảng mười bước chân, cố cắn răng nén nỗi đau xót trong lòng. Thật bất ngờ, trên khoé mắt của nàng còn ánh lên cả nụ cười. Hoàng thúc gửi lại lời chào ly biệt bằng thân hình không còn tuỳ ý cử động được nữa. Có mắt mà không nỡ nhìn, có lời mà đành lặng yên bước lên thuyền.

Lý công tử quay nhìn về phía tiểu thư, đưa tay lên vẫy vẫy.

- Ngô tiểu thư... ở lại mạnh giỏi!

Tiểu thư giơ hai tay lên.

- Cầu chúc Hoàng thúc lên đường bình an. Lý công tử lên đường bình an, nhớ chăm lo Hoàng thúc.

Các phu thuyền khua mạnh mái chèo, chiếc xuồng rẽ nước xanh, từ từ rời bến.

Một chốc sau, chiếc xuồng chở họ cặp vào mạn thuyền lớn. Hoàng thúc và Lý công tử được các phu thuyền đỡ lên. Sau đó chiếc thuyền con cũng được bốc lên nốt.

Ngô tiểu thư lấy khăn tay lau nước mắt giàn giụa. Chiếc khăn ướt đẫm những lệ, hết lớp này đến lớp khác.

Nàng đưa chiếc khăn đỏ lên vẫy vẫy. Bên dưới hàng mi những giọt lệ tuôn rơi lã chã, ánh sáng của buổi chiều là phản chiếu lên phía sau lưng nàng một màu vàng ảm đạm của cảnh chia ly.

Các phu thuyền nhổ neo, lựa chiều gió, quay mũi thuyền định hướng xuất phát.

Hoàng thúc và Lý công tử đứng trên mạn thuyền, dáng cao cao. Quay nhìn về châu Thuận Hoá. Không, họ không chỉ nhìn về châu Thuận Hoá mà nhìn về mảnh đất Nam quốc Đại Việt, non sông một dải mênh mông.

Ai cũng giữ im lặng, dáng chừng như không biết ra đi rồi có trở về không. Chỉ còn lại bóng hình lẻ loi của Ngô tiểu thư đang đứng ở một góc bến thuyền giơ lên vẫy vẫy chiếc khăn tay ướt đẫm nước mắt.

Cả Hoàng thúc và Lý công tử đều giơ cả hai tay lên vẫy lại.

Hơn hai mươi tráng đinh đi theo Hoàng thúc, tất cả đều vẫy tay.

Họ cũng gửi lại lời chào ly biệt với non sông nặng nghĩa nặng tình.

Con thuyền từ từ xa bờ, không còn nghe thấy tiếng hát ngậm ngùi đó của Ngô tiểu thư, mỗi lúc một xa dần về phía chân trời. Những cánh chim hải âu hôm nay bay lượn cũng khác với thường ngày. Trên mặt biển bao la, hình bóng con thuyền mờ dần trong cảnh nước mây man mác.

Chỉ còn một mình tiểu thư với chiếc bóng lẻ loi đứng nhìn mặt biển.

Trời chiều đã ngả bóng hoàng hôn. Mọi người trên bến đều đã về nhà. Chỉ còn một mình Ngô tiểu thư lơ đãng nhìn về phía biển khơi xa thẳm...


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx