Về đến quán trọ, Lý công tử đem câu chuyện Tiêu Vĩnh Vạn thuật lại tỉ mỉ với Hoàng thúc và xin Hoàng thúc cho phép sáng ngày mai lên đường. Hoàng thúc vui vẻ thuận lời và bản thân cũng muốn đi cùng. Thời gian qua ở quán trọ suốt ngày buồn tẻ, nên Hoàng thúc quyết định đi cùng cho khuây khỏa.
Buổi tối ngày hôm ấy, Lý công tử ra lấy hành lý của Tiêu Vĩnh Vạn về để lo liệu. Sáng hôm sau hai người lên ngựa sớm, phóng về phía cửa bắc, thúc ngựa chạy được khoảng hơn hai trăm dặm thì trông thấy thung lũng Đông Hải. Nhưng hai người không đi vào thung lũng Đông Hải mà rẽ sang bên phải, đi được hơn ba mươi dặm nữa thì trông thấy một ngọn núi lớn. Trên lưng chừng núi, mây phủ trắng, cây cối rậm rạp một màu xanh ngắt. Mới nhìn qua cũng thấy đầy vẻ bí ẩn.
Ánh mặt trời hạ tuần tháng năm từ sáng đã bắt đầu nóng. Cây cỏ một màu xanh mướt làm thư thái tâm hồn của kẻ đi đường. Bên dưới chân núi, bầy chim họa mi đua nhau hót líu lo khắp đó đây, Lý công tử cảm thấy khoan khoái trong lòng:
- Lâu lắm chúng ta mới được ra ngoài đồng vắng, thật thư giãn đầu óc quá.
Hoàng thúc ghìm cương ngựa, mỉm cười hỏi:
- Thời gian qua, cứ nằm bẹp trong quán trọ, bây giờ đến một nơi sơn thủy hữu tình như thế này, tự nhiên cảm thấy lòng yêu cuộc sống lại bừng lên.
Hai người vừa thúc ngựa vừa đi xuống dưới núi, lần hồi chỗ này chỗ nọ để tìm ra ngôi nhà tranh. Bỗng từ trên núi có một người đi xuống.
Khoảng cách thu hẹp dần lại, hình ảnh người đó càng hiện lên rõ nét. Người đó đi về chỗ hai người đang đứng. Đó là một người trạc hơn năm mươi tuổi, ăn vận quần áo đạo sĩ. Lúc người đó sắp đi qua chỗ Hoàng Thúc, Lý công tử liền nói:
- Khí không phải với quý nhân. Bên dưới ngọn núi này nghe nói có ba gian nhà tranh, không rõ ở chỗ nào, xin phiền quý nhân chỉ bảo cho biết.
Người khách đi đường chau vầng trán, nheo mắt nhìn Lý công tử nói với giọng trách cứ:
- Này, anh là người còn trẻ, muốn hỏi đường người già phải xuống ngựa mà hỏi chứ.
Lý công tử thấy mình có phần khiếm lễ, liền nhảy xuống ngựa, đi về phía trước người đó, cúi người xin lỗi.
- Xin lỗi quý nhân. Đã hai ngày nay chúng tôi đi ngựa từ đường xa đến đây, người mệt mỏi nên có điều thất lễ.
Lúc này, người khách đi đường mới cười ha hả mà bảo rằng:
- Được, được. Phải thế chứ. Biết làm theo điều lễ là tốt. Còn gian nhà tranh vừa nói, các ông leo lên đến hết dốc núi, nhìn xuống sẽ trông thấy rất rõ.
Vừa nói, ông già vừa đưa tay phải chỉ lên ngọn núi phía đối diện và chăm chú nhìn Hoàng thúc:
- Quý ông định lên núi tìm ai?
Lý công tử nắm chắc cương ngựa trong tay, lễ phép đáp lại:
- Dạ thưa, được biết trên núi có một vị đạo sĩ, có đúng không ạ?
Người khách lắc đầu, nói với giọng yếu ớt:
- Các ông định đi tìm vị đạo sĩ ấy à? Thật uổng công các ông đến đây. Có đi tìm cũng không gặp được. Hơn mười ngày trước đây tôi đã đến để tìm gặp vị đạo sĩ nhưng cũng không tìm được. Tôi đã chờ ở ngôi nhà tranh đó, nhưng không gặp được, giờ phải quay trở về.
Lý công tử tỏ vẻ ngạc nhiên.
- Thế vậy ư? Vị đạo sĩ ấy làm việc gì mà khó gặp đến vậy?
Người khách đi đường cười lớn.
- Đạo sĩ làm gì ư? Vị đạo sĩ ấy làm công việc tu hành. Tôi không gặp được nên phải về đây. Nhưng nghe nói vị đạo sĩ ấy là một vị chân tu đã hóa rồng, tạo ra mây. Không có chỗ nào là không có mặt nhưng không cố định chỗ nào. Vị đạo sĩ ấy cho rằng tất cả các vương, hầu, khanh, tướng dưới thiên hạ này đều là những kẻ hèn hẹ, nên dù có tôn vinh đạo sĩ và đến xin gặp, đạo sĩ cũng không gặp. Đó thật là một vị đạo sĩ chân tu thanh khiết biết bao.
Nghe lời nói đó, tai Hoàng thúc như căng ra, tâm hồn cuốn hút theo câu chuyện. Bởi lẽ vị đạo sĩ này cũng giống như những vị đạo sĩ hay yêu thích trăng sáng trong rừng sâu và những cảnh nước mây sông núi mà bản thân Hoàng thúc đã đọc thấy trong các sách xưa.
- Thế vị đạo sĩ đó tu hành đạo gì vậy?
Nghe Hoàng thúc nêu ra câu hỏi bất ngờ, người khách đi đường mỉm cười, đáp:
- Tôi làm sao biết được. Có lẽ đạo tiên chăng.
Người đó trả lời như vậy và nhìn về hướng tây, định thúc ngựa rảo bước, còn nói với lại một câu:
- Mặt trời đã xuống núi rồi, tôi đi đây. Đằng nào các ông cũng đã đến rồi, nhanh mà đi xem một chút.
Người khách đi đường giơ tay chỉ ra phía sau làm dấu rồi quay ngựa theo đường của mình.
- Xin cảm ơn quý ông đã ân cần chỉ bảo cho chúng tôi.
Lý công tử nói xong liền bước lên ngựa. Người khách đi đường nheo mắt quay lại nhìn rồi đi thẳng. Một chốc sau, hai người đã lên hết con đường dốc. Từ trên đỉnh đèo nhìn xuống, quả thật có ngôi nhà tranh nằm trong khe núi quay về hướng nam. Hai người lại theo một lối mòn khá dốc đi xuống và đã đến được trước mặt ngôi nhà. Các cây đại thụ xung quanh ngôi nhà hiện lên một màu xanh thẳm. Có biết bao nhiêu kỳ hoa dị thảo đang nở rộ đua khoe sắc thắm. Giữa lúc ấy ở phía sân trước ngôi nhà có một ông cụ già râu tóc bạc phơ đang vun xới cho hoa cỏ.
Lý công tử bước xuống ngựa, đi bộ đến trước mặt cụ già, lễ phép cúi đầu chào.
- Xin chào cụ ạ, tiện nhân có đôi lời xin thưa với cụ.
Cho đến khi Lý công tử bước đến đứng bên cạnh mình, ông già vẫn làm ra vẻ như không trông thấy, chỉ mải mê chăm sóc hoa. Đến khi nghe Lý công tử nói vậy, ông mới giơ tay trái lên đấm đấm vào lưng.
- Úi dào, cái lưng này… Có gì nói đi.
- Hai chúng tôi có việc khẩn cấp, muốn xin đến gặp đức đạo sĩ ạ.
Ông cụ già ngước mắt nhìn Hoàng thúc và Lý công tử một lát rồi nói:
- Chà! Không biết có việc gì gấp thế. Gặp đạo sĩ khó lắm. Dù sao các ông cũng đã đến đây, xin mời lên nhà.
Ông cụ vừa nói vừa mở cánh cửa giậu bện bằng những cây muồng nhỏ, bước vào trong sân. Hoàng thúc và Lý công tử buộc ngựa vào gốc cây, bước theo sau.
Ông già bước lên nhà trước, vào ngồi ở chỗ góc bếp, và mời khách ngồi ở phía trên.
Lý công tử mời Hoàng thúc ngồi, nhưng Hoàng thúc đến ngồi bên cạnh cụ già còn Lý công tử thì ngồi cạnh Hoàng thúc.
- Các ông đã cưỡi ngựa đến đây, đúng vậy chứ gì. Nhưng trước các ông cũng đã có nhiều người không quản đường sá xa xôi tìm đến để gặp đạo sĩ, và họ đã ở trong căn nhà này đến mấy tháng, nhừng chờ mãi không gặp được, họ đành phải quay về.
Hoàng thúc hiểu được ý nghĩa câu nói của ông già.
- Không phải thế đâu cụ ạ. Tất nhiên gặp được đạo sĩ thì đó là nguyện của chúng tôi. Nhưng vì có một vật phải chuyển gấp cho đạo sĩ nên chúng tôi mới phải đi ngựa đến tìm.
Ông già tỏ ra không quan tâm gì đến lời nói của Hoàng thúc, mà cứ nói theo cách suy nghĩ của mình:
- Nhiều người đến đây cũng đều nói muốn liên lạc với đạo sĩ. Nhưng đạo sĩ không muốn gặp ai cả. Bây giờ các ông đến đây lại nói muốn trao đồ vật gì đó. Không khéo tôi lên thưa với đạo sĩ rồi lại bị quở trách cũng nên.
Lúc này, Lý công tử lấy ra một bức thư dày cộp và một chiếc bọc, mang đến đặt trước mặt ông già.
Vốn nét mặt lạnh lùng, ông già nhận các thứ đồ vật và đặt ở chỗ ngồi gần cửa bếp.
Hoàng thúc đưa mắt nhìn về phía chiếc hoành phi treo ở vách dưới. Trên bức hoành phi có viết một thứ chữ gì đấy lần đầu tiên nhìn thấy, nên đành chịu, không sao hiểu được.
Hoàng thúc nghĩ mãi mà không ra, bèn hỏi ông già.
- Thưa cụ, chữ viết trên tấm hoành phi kia là chữ gì vậy?
Ông già ngoái cổ về phía bức hoành phi, và nói:
- Chà, tôi cũng không biết nữa. Đó là chữ của vị đạo sĩ viết ra và treo lên đó. Có lẽ là thứ chữ của nước Bột Hải cũng nên.
- Vậy Bột Hải là nước man di có phải không?
Ông già đáp lại bằng giọng bâng quơ:
- Chà, thế sự xoay vần tôi cũng chẳng biết, mà chữ nghĩa tôi cũng chẳng hay, nên không thể nói được gì.
Hoàng thúc cảm thấy không yên trong lòng. Việc lưu lại nước Kim trên đường đi qua đã rất thấp thỏm. Nếu chữ kia do ông đạo sĩ viết ra thì… chắc ông ta là người nước Kim. Nếu vậy thì không chừng chúng ta sa vào cạm bẫy của dân man di rồi cũng nên. Hơn nữa nghĩ đến con người có tên là Tiêu Vĩnh Vạn, thấy anh ta một mình đánh nhau với mấy chục tên khác, chắc cũng có thể anh là tên cầm đầu một toán cướp. Theo lời anh ta nói, anh không phải người nước Kim, cũng không phải người nước Tống. Đây cũng là điều đáng nghi hoặc. Ngày xưa khi còn ở trong nước, đã có lần nghe các sứ thần Trung Quốc sang nói rằng ở nước Kim, không riêng quân sĩ mà cả đến người dân thường đều là giống dã man, là bọn "man di" tàn ác khét tiếng.
Không khí trong phòng trở nên trầm uất. Lý công tử cũng cảm thấy không yên trong lòng, chỉ còn biết liếc nhìn ảnh mắt của Hoàng thúc.
Ông già đứng dậy mang bức thư và bọc đồ vật ra ngoài.
Hoàng thúc và Lý công tử không nói được gì, chỉ biết đưa ánh mắt cảnh giác nhìn bốn xung quanh. Trong gian phòng nhỏ bé, tao nhã, không có gì bài trí. Chỉ có thời gian trầm lặng trôi qua. Hoàng thúc và Lý công tử vẫn không sao bỏ qua được cảm giác lo lắng, như thể số phận hai người đang được quyết định tại nơi đây.
Thời gian trôi đi khoảng một lúc lâu, ông già quay trở về cùng với một đứa trẻ.
- Nãy giờ các ông đợi sốt ruột lắm phải không. Tôi đã trình lên đạo sĩ thư và gói đồ vật các ông mang đến. Đạo sĩ liền bảo đưa hai người đến đó và đã cho đứa trẻ này xuống đây. Nào, các ông hãy lên gặp đạo sĩ đi.
Ông già lại quay sang đứa trẻ:
- Các vị này là những vị khách đến để xin gặp đạo sĩ, cháu hãy mau đưa khách lên đi.
- Vâng ạ…
Đứa trẻ trả lời xong, đến trước mặt hai người, cúi chào lễ phép.
- Các quý khách không quản đường sá xa xôi, tìm đến gặp đạo sĩ chúng tôi như thế này vất vả quá. Đạo sĩ cho tiểu đồng đến đây, để mời quý khách lên, tiểu đồng xin được chào quý khách.
Hoàng thúc và Lý công tử cũng đứng dậy theo. Những động tác của họ đã trở nên chậm chạp, có lẽ họ cảm thấy có phần e ngại, không yên trong lòng do quá lo nghĩ về gốc gác của chiếc hoành phi trên vách.
Ông già nhìn vẻ chậm chạp của hai người, bèn lắc lắc đầu tỏ ý không vui.
- Nào, hai vị lên nhanh đi chứ. Đạo sĩ đã cho cháu bé xuống đây mời khách lên núi. Quả thật lần đầu tiên tôi được biết có sự việc như thế này, kể từ khi tôi đến đây.
Ông già có tính bộc trực nghĩ sao nói vậy.
Lúc này, Hoàng thúc mới đáp lại:
- Vâng, chúng tôi đi đây. Xin cảm ơn cụ.
Lý công tử thấy Hoàng thúc quyết chí đi, bản thân cũng thêm vững dạ.
Theo sự hướng dẫn của đứa trẻ, hai người ra khỏi nhà, bước đi theo một lối mòn.
Hoàng thúc và Lý công tử đi theo sau đứa bé, nhưng vẫn không sao xua tan hết cảm giác rờn rợn trong lòng.
Ánh mặt trời chiều chiếu xuống sườn núi đầy hoa thơm cỏ lạ và cây cối um tùm. Nhiều giống chim rừng không biết tên cất tiếng hót líu lo. Song những cảnh thần tiên nên thơ đó chẳng làm khuây khỏa được những nỗi lo âu thấp thỏm trong lòng Hoàng thúc và Lý công tử. Đứa trẻ dẫn hai người đi lên một con đường dốc rồi lại dẫn xuống, cuối cùng họ tới một thung lũng.
Thung lũng này trông khá lạ mắt, bốn bề có núi bao bọc, ở giữa là một khoảnh đấy bằng phẳng, yên tĩnh. Nơi chính giữa có ba gian nhà nhỏ lợp bằng một thứ giống như vỏ cây.
Đứa trẻ đi ngang qua gian nhà tranh thứ nhất, đưa khách vào gian nhà giữa.
Hai người dù sao cũng đã đến đây rồi, đành nghe nó bảo sao làm vậy. Họ đến trước ngôi nhà tranh ở giữa.Cửa bốn bề mở toang. Trông thấp thoáng có một bóng người mờ mờ, ảo ảo, ngồi bên trong sau chiếc mành làm bằn những thân cây lau mảnh mai. Từ bên trong nghe văng vẳng tiếng đàn thập lục vọng ra.
Đứa trẻ đưa khách vào trong phòng và nói:
- Xin các vị chờ ở đây một chốc ạ. Đạo sĩ chúng tôi hiện nay đang ngâm thơ. Khi nào xong, tiểu đồng xin đưa các vị sang gặp.
Hoàng thúc và Lý công tử ngồi xuống. Hai người lắng tai nghe những vần điệu trầm bổng như đang khóc than cho khe núi sâu yên tĩnh này, khóc than cho số phận của hai người đành phải rời bỏ tổ quốc ra đi, chịu đựng bao nỗi đau khổ ê chề, giải thoát họ khỏi những nỗi ngờ vực căng thẳng từ khi họ đến đây.
Những âm điệu trầm bổng qua tiếng đàn của đạo sĩ vẫn tiếp tục đều đều. Thỉnh thoảng có tiếng hát điểm thêm theo cung bậc của tiếng đàn. Lời hát không chỉ khóc than cho số phận của Hoàng thúc và Lý công tử, mà còn như khóc than cho số phận của những con chim trong rừng sâu… Những âm điệu trầm bổng đó đã lan tỏa ra trong khe núi, làm cho cả cỏ cây cũng thổn thức rưng rưng. Cả Hoàng thúc và Lý công tử đều chìm đắm trong cảnh mơ màng thoát khỏi nơi trần thế, cảm thấy mình đã hóa thành thần tiên, cưỡi trên những âm thanh trầm bổng bay lượn trong không trung như những cánh chim. Nỗi lo ngải vẩn vơ đã được xóa tan đi hết. Cả hai người bình tâm trở lại. Đứa trẻ mang trà đến.
- Quý khách chắc đã mệt, xin đợi thêm cho một chốc nữa. Sắp xong rồi đấy ạ. Xin mời quý khác dùng trà.
Đứa trẻ đặt hai chén trà trước mặt Hoàng thúc và Lý công tử rồi bước ra ngoài.
Những âm điệu trầm bổng vẫn tiếp tục ngân lên. Cảm giác mơ màng và những nồi buồn dâng lên, tưởng chừng như oan hồn của A – hoàn – vinh – vinh, con gái vua Nghiêu đang khóc than nức nở trên sống Tiêu Tương cũng về nơi thung lũng này.
Hai người đưa chén chè lên miệng nhấp nháp, trong lòng cảm thấy thư thái hơn. Đây là chè của thần tiên, hương thơm phảng phất. Lúc này âm thanh trầm bổng đã ngưng lại, ánh nắng của vầng tịch dương soi vào bức mành che nơi cửa sổ phía tây đang mở rộng, chiếu những tia nắng vàng yếu ớt vào trong gian nhà.
Đứa trẻ nghe thấy tiếng đàn đã chấm dứt, bèn lặng lẽ bước vào gian nhà của đạo sĩ.
- Ông nội ơi, cháu đã mời khách vào rồi, hiện nay khách đang ngồi chờ ở phòng khách ông ạ.
Đứa trẻ cầm lấy chiếc đàn thập lục của đạo sĩ bước vào thư phòng.
Vị đạo sĩ từ từ ngồi dậy, cuốn bức mành treo, nhìn sang phòng khách, bắt gặp ánh mắt của Hoàng thúc và Lý công tử.
Vị đạo sĩ đầu tóc bạc phơ, mình mặc đạo phục màu trắng, đôi mắt ôn hòa, hiền hậu. Hoàng thúc và Lý công tử cảm thấy hư bị thu hút bởi một vẻ uy nghiêm nào đó. Nhưng không phải thế. Hình ảnh đầy nhân hậu của vị đạo sĩ giống như một vị sứ trời, giờ đây như đang xoa dịu hai người trên bước đường lưu vong gian khó…
Vị đạo sĩ mỉm cười, nói với Hoàng thúc và Lý công tử:
- Để khách chờ lâu thế này thật không phải. Xin mời quý vị lên đây.
Hoàng thúc và Lý công tử đứng dậy, bước vào phòng theo sự hướng dẫn của đạo sĩ.
- Xin có lời thăm sức khỏe đạo sĩ. Tiểu nhân là Lý Long Tường của nước Đại Việt.
- Tiểu nhân là Lý Quân Tất theo phò Hoàng thúc nước Đại Việt.
Muốn nói lên thân phận riêng của mình mà không đợi ai hỏi. Đó cũng là tấm lòng ngay thật của Hoàng thúc và Lý công tử.
Vị đạo sĩ cười vui vẻ:
- Các vị đi đường sá xa xôi, chắc vất vả lắm. Đặc biệt còn giúp đỡ Tiêu Vĩnh Vạn nữa, rất cảm ơn. Tôi là Yaryun Su, một người bình thường, không tên tuổi, đang sống những năm tháng nơi chốn rừng sâu này.
Hoàng thúc trấn tĩnh trong lòng, đưa mắt nhìn đạo sĩ. Đạo sĩ mỉm cười đầy phúc hậu, đưa mắt nhìn lại Hoàng thúc. Hai mắt Hoàng thúc lại quay nhìn xuống đất. Một lát sau, Hoàng thúc ngước nhìn lên:
- Xin cảm ơn đạo sĩ đã dành thì giờ tiếp, chúng tôi vốn chỉ là những thân phận nhỏ nhoi trên cõi đời này. Nhờ có Tiêu đại nhân, chúng tôi mới được đến đây bái yết đạo sĩ, thật lấy làm vinh hạnh lắm.
Nghe Hoàng thúc nói, đạo sĩ gật gật đầu.
- Thật là con người nhân phước. Người thấy điều nghĩa mà không né tránh mới là người quân tử. Nhưng con người ta ở đời muốn làm được điều sở nguyện khó lắm. Tôi xem thư của Tiêu Vĩnh Vạn, và đã hiểu rõ lai lịch của hai vị. Vậy các vị định sang nước Cao Ly có phải không?
- Thưa vâng… Đất nước của mình có, bờ cõi của mình có, thế mà lại không ở được phải đi phiêu bạt tấm thân. Đạo sĩ đọc trong thư chắc đã rõ. Nghe nói nước Cao Ly là một đất nước tốt đẹp, nên chúng tôi muốn sang đó gửi thân.
Lúc này, đứa trẻ bước vào nói với đạo sĩ cơm tối đã sửa xong.
Vị đạo sĩ nhìn đứa trẻ:
- Cháu mang tất cả vào đây. Các vị khách chắc đã quá bữa.
Trong phòng, bóng hoàng hôn đã buông xuống. Đứa bé thắp nến lên đặt bốn góc phòng.
Gian phòng sáng hẳn lên. Hoàng thúc đưa mắt nhìn khắp lượt, thấy trống vắng, không bày biện một thứ gì.
Mâm rượu được đặt ở chính giữa. Vị đạo sĩ ngồi một bên, bên đối diện là Hoàng thúc. Lý công tử ngồi ngay ngắn phía trái Hoàng thúc. Đứa trẻ ngồi thu mình lễ phép bên cạnh đạo sĩ.
- Ông nội ơi, cháu rót rượu nhé.
- Ừ, phải đấy. Cháu ngồi bên cạnh mời rượu quý khách nhé…
Đứa trẻ tỏ vẻ thích thú, ngồi đối diện với Hoàng thúc, hai tay bưng lấy chén rượu mời Hoàng thúc xong lại mời Lý công tử. Vị đạo sĩ thấy các chén rượu đã được đặt trước mặt mọi người, bèn đưa mắt nhìn khắp một lượt và nói:
- Nơi đây vùng sơn dã chẳng có chi, chỉ vài thức nhắm đạm bạc và rượu, xin mời các vị.
Đứa trẻ đưa hai tay cầm lấy bầu rượu, rót vào chén của ba người.
- Ông nội ơi, ông nội uống rượu đi. Có thế các vị khách mới uống.
Vị đạo sĩ cầm chén rượu đưa lên uống. Hoàng thúc và Lý công tử cũng cầm đưa lên uống cùng. Trên bàn rượu, có mấy chiếc đĩa để thức nhắm. Chủ và khách cùng uống rượu và ăn các thức nhắm. Cả rượu và thức nhắm đều đượm hương vị thơm nồng ngọt ngào…
Lý công tử nhìn đứa trẻ.
- Chà, rượu này là rượu gì mà uống vào thấy bừng bừng cả người. Trời đất, rượu gì thế nhỉ?
Đứa trẻ cúi đầu chào, cung kính đáp:
- Dạ, rượu này là rượu nhà cất để mời ông nội uống, gọi là "Bất lão tửu", làm bằng sâm núi và nhiều vị thuốc quý khác.
Hoàng thúc thấy Lý công tử quá để ý đến rượu, chau mày lại. Nhưng nghe nói "Bất lão tửu" bên nâng lên uống hết một chén. Vị đạo sĩ nhìn thấy vậy liền nói:
- Nào hãy uống nhiều đi. Vị khách trẻ tuổi này thế mà khá đấy! Có tốt nói tốt, có xấu nói xấu thế mới gọi là "nhân chi thường tình", lẽ thường của người đời chứ.
Nói xong đạo sĩ bật cười thoải mái.
Một tuần rượu đã qua.Vị đạo sĩ đặt chén xuống, uống chậm rãi từng ngụm nhỏ.
Hoàng thúc và Lý công tử lúc này mới nhớ lại những đắn đo khi nãy. Lý công tử buột miệng nói:
- Thưa đạo sĩ, lúc nãy tiện nhân thấy có chữ đề trên bức hoành phi treo ở thảo đường phía dưới kia, có hỏi vị chủ nhần và được biết đó là chữ của nước Bột Hải. Dạ thưa, không biết chữ đó có nghĩa gì vậy?
Vị đạo sĩ cười to một lát rồi nói.
- Đúng rồi. Chữ đó do tôi viết đấy. Nhưng không phải chữ của nước Bột Hải mà là chữ của nước Kim đấy. Nghĩa của nó là Minh đức.
Lúc này, Hoàng thúc cũng muốn xóa đi mọi sự ngờ vực, dù là chỉ trong thoáng chốc thôi cùng với nỗi lo trong lòng, bèn hỏi:
- Thưa đạo sĩ, đạo sĩ giỏi chữ của nước Kim man di ấy phải không?
Trước câu hỏi đó, đạo sĩ không giấu nổi mối hoài cảm trong lòng, bèn thở hắt ra một hơi dài rồi nói chậm rãi:
- Tôi vốn là người của nước Cao Cù Ly. Cũng giống như các vị, nước mất nhà tan, phải ra đi tìm cuộc sống lưu vong. Số phận của tôi cũng giống như số phận các vị. Các vị đã cứu thoát Tiêu Vĩnh Vạn, lại còn muốn sang nước Cao Ly, mẫu quốc của tôi để sinh sống. Bây giờ tôi biết nói gì với các vị đây. Tổ tiên của tôi vốn là kẻ bầy tôi bao đời trung thành phụng thờ nước Cao Cù Ly. Về sau Cao Cù Ly mắc mưu nhà Đường, nên đã bị suy vong, và nước Tân La (Shila) ra đời. Tất cả trung thần của nước Cao Cù Ly đều hoặc là chết, hoặc bị bắt làm tù binh, đưa sang mảnh đất này. Nếu họ không chết một cách thê thảm thì cũng chịu chung số phận nô lệ. Số người này ước tính có đến mấy mươi vạn. Lúc ấy may thay có nhiều người đã tránh được cơn tao loạn, rời bỏ mảnh đất của cố quốc, tìm đường lánh nạn, trai gái trẻ già bồng bế nhau đi về phía tây bắc của nước Cao Cù Ly. Lúc bấy giờ ông cụ tổ của tôi là một tướng lĩnh của nước Cao Cù Ly. May thay vì đi về phía bắc, nên đã nhận được sự giúp đỡ và phaâ phát cho quần áo lương thực, nên đã đưa được đoàn người tị nạn đến tận biên giới của nước Mạt Cát 1. Nhưng còn nhiều dân tộc của Cao Cù Ly, họ biết đi về đâu. Họ chỉ có một lòng trung thành mong khôi phục lại đất nước. Kết cục, cụ Yaruyn, tức cụ tổ của tôi, đã liên kết với nhiều trọng thần cũ, xếp lại hành trang, nằm gai nếm mật, tụ nghĩa tại vùng biên giới của nước Mạt Cát với cố quốc để tiến hành cuộc đấu tranh nhằm giành lại độc lập cho cố quốc. Lúc bấy giờ không có người kết thừa huyết thống của Hoàng đế Cao Cù Ly, và mọi người chỉ biết sát cánh lại bên nhau để giành lại độc lập cho đất nước. Dần dần sức mạnh của họ được nhân lên và mở rộng ra, tiến tới sáp nhập nước Mạt Cát vào làm một và lập nên "nước Bột Hải". Tất nhiên đây cũng là kết quả công lao do máu xương và mồ hôi của tổ tiên chúng tôi xây đắp nên. Tuy cùng một dân tộc, nhưng nước Bột Hải này đã trở lại thù địch nước Tân La, còn Tân La thì lại xây dựng quan hệ chủ tớ với nhà Đường vốn là một nước thù địch. Về sau Tân La suy vong và nước Cao Ly ra đời. Song cũng giống như trước đây, Cao Ly tại tiếp tục có quan hệ chủ tớ với Đường rồi đến Tống, và đem lòng thù hận với Bột Hải và nước Kim vốn dĩ cùng chung huyết thống với mình. Đó là điều rất đáng thương tâm. Tất nhiên mưu kế của cả Đường và Tống đều rất nguy hiểm. Họ tự cho mình có quyền thống lĩnh thiên hạ, và coi các nước láng giềng là man di, mọi rợ. Nếu các nước này muốn hòa hợp lại thì chúng tìm cách ly gián, tách nhau ra, nước nào có quốc lực mạnh lên, chúng tìm cách áp đặt chiến tranh làm cho suy yếu. Từ trước đến nay, chúng đều dùng mưu kế đó để thống trị các nước lân cận. Nước Bột Hải vừa mới ra đời, do nhiều duyên cớ, nên cụ tổ của tôi thấy khó giành lại độc lập cho đất nước Cao Cù Ly nên đành đến sống ẩn dật ở vùng sâu này, đến nay đã mười lăm đời.
Hoàng thúc và Lý công tử cảm thấy những điều vị đạo sĩ gặp phải cũng giống như tấm lòng trắc ẩn của bản thân mình; cả hai người có lẽ đến hôm nay mới hiểu hết nguyên do vì sao mình lại có những cảm nghĩ như vậy đối với nước Kim. Hoàng thúc mỉm cười nói:
- Nghe lời của đạo sĩ, có thể hiểu hết được tinh thế trong thiên hạ. Bản thân nước chúng tôi cũng mắc vào mưu thâm của nước Tống nên vương triều đã thay đổi, và chẳng phải đã suy vong đó sao.
- Tất nhiên sức mạnh của mỗi nước là điều quyết định, song nhiều khi bị nghiêng ngửa bởi mưu kế hung ác của nước lớn.
- Thưa đạo sĩ, đạo sĩ ở đây tu luyện đạo phái gì?
¬Đạo sĩ mỉm cười trước câu hỏi của Hoàng thúc và trả lời:
- Đạo gì cơ? Sống là cũng đạo rồi còn gì.
Hoàng thúc có vẻ như chưa xóa hết được nỗi hoài nghi trong lòng, bèn nói:
- Đạo sĩ quá khiêm tốn. Đạo dưỡng sinh là đạo cao nhất trong các đạo. Những vùng phụ cận xung quanh đây nức tiếng đồn rằng đạo sĩ đã tu luyện thành công một đạo rất kỳ diệu.
Đạo sĩ nghe qua, tỏ vẻ thờ ơ:
- Những điều người ta nói trên đời này, tất cả chỉ là những lời đồn nhảm nhí. Tu luyện đạo của thần tiên hay tu luyện một đạo phái nào đó là do con người đi tu quyết định. Còn tôi, thì tấm thân này đã gắn với cảnh trời mây non nước, làm sao tôi không yêu nó được. Hiện nay cứ nhìn thế sự trong thiên hạ thì biết. Nhà Tống trị nước bằng Nho giáo, nhưng lại khuyên nhiều nước như Cao Ly, nước Đại Việt, hay Mông Cổ, Nhật Bản sùng bái đạo Phật. Đó là tấn trò được bày đặt ra. Rất đáng ngẫm suy. Hiện nay nước Tống đang khốn khổ vì nạn xâm lược của nước Kim. Thực ra Kim đánh Tống để giành lại đất đai bị mất của mình. Người nước Tống đang kêu lên Hoàng Hà là "Hoạn Hà!" Để xoa dịu và áp chế nước Kim, Tống đã cử sứ thần cầu hòa sang Mông Cổ, hàng năm đưa nhiều gái đẹp sang đó. Cùng lúc họ ra sức truyền bá đạo Phật. Xem ra một ngày không xa nữa, họa lớn ắt sẽ đến. Liệu có ai dám lớn tiếng nói rằng sẽ không rời vào tình thế "nuôi hổ trong nhà, chuốc họa về sau".
Điều cơ bản của đạo là sự đại đồng tiểu dị mà. Nhưng suốt cả thời gian lịch sử từ Đường đến Tống, các học giả trong Khu mật viện đều nghiên cứu phân tích kỹ điều này, và từ đó họ đi đến quyết sách đẩy tất cả các đạo khác vào rừng núi để cách ly, chỉ giữ lại Nho giáo. Một khi con người ta học theo đạo Phật rồi thì họ sẽ từ bỏ nghĩa vua tôi, cấm những đạo nuôi dưỡng tình cha con và quan hệ trong tương sinh giữa vợ chồng, từ bỏ lục căn, tức là sáu cảm giác của con người như mắt, mũi, tai, lưỡi, thân thể, ý nghĩ để đi tìm một sự quy tịch về cõi Niết Bàn. Đó chính là cái nguyên nhân làm cho đạo Phật không thể chung sống với Nho giáo là đạo lấy tứ lý 2 làm gốc, xác lập theo các chuẩn tắc tam cương, ngũ thường 3. Rốt cuộc đó là một kế sách nhằm dẹp những đạo khác vào trong rừng núi, và truyền bá đạo Phật sang nước láng giềng để làm hao mòn quốc lực của các nước đó. Bởi vậy họ chỉ cho tu hành đạo Phật ở những nơi sơn cùng thủy tận, còn bản thân họ thì tự động tung các thế lực truyền giáo sang các nước khác và lợi dụng điều đó một cách khôn khéo. Đó mới chính là mưu kế của những kẻ được gọi là "trị giả". Mặt khác, đạo của Mạc Tử 4 lạ#i xem khinh Nho giáo vì đã tạo ra những thủ tục phức tạp rườm rà như phép tắc, lễ nghi cho các đế vương bao đời dựa vào đó cai trị muôn dân, và dùng các phép tắc lễ nghi đó để phân biệt trên, dưới, sang, hèn. Như vậy, đạo của Mạc Tử chủ trương các phép tắc nuôi dưỡng muôn dân phải chất phác giản dị, phải theo triết lý nhàn cư thì làm sao hợp với ý của những kẻ trị giả đó được.
Giãi bày được một lúc, đạo sĩ cầm chén rượu đặt trước mặt mình lên uống một ngụm.
Hoàng thúc nghe câu chuyện của đạo sĩ về tình hình ở phương Đông, lại nghĩ đến đất nước mình.
- Xin đạo sĩ cho biết tình hình nước Đại Việt chúng tôi sắp tới sẽ như thế nào.
Đạo sĩ nhìn Hoàng thúc, mỉm cười nói:
- Ông đã rời bỏ cố quốc của vua nhà Lý, nay có thể sang sống bình yên ở nước Cao Ly. Đã gọi là thế lực, thì thịnh suy là lẽ tự nhiên. Chính trị cũng có lúc mờ lúc sáng. Thôi đừng nghĩ đến những ngày đã qua của vương triều Lý nữa. Ngày xưa có một câu danh ngôn như thế này: "Đừng nuôi ngựa gày, đừng dạy múa hát cho kỹ nữ". Ngựa nếu nuôi tốt, béo lên, chất lượng con ngựa được nâng cao, sẽ thành ngựa quý. Kỹ nữ nếu được dạy hát, dạy thanh luật, thì có thể múa hát được. Thế nhưng chỉ mấy năm sau, con ngựa đó và người kỹ nữ đó sẽ thay đổi chủ từ người này sang người khác. Con ngựa đó, người kỹ nữ đó dù có yêu mến người chủ mới, cũng sẽ để lại một quá khứ đau thương cho người chủ cũ năm xưa. Và người chủ mới đó ít lâu sau chắc gì sẽ lại không thay đổi. Nước Đại Việt của các ông cũng giống như vậy thôi. Vương triều Lý đã thương yêu họ Trần là bày tôi của mình, đưa lên làm phò mã. Nhưng phò mã cũng chẳng khác gì người kỹ nữ hay con ngựa kia, đã làm cho triều Lý suy vong và nghiễm nhiên bước lên ngôi báu. Nhưng một ngày không xa, rồi cũng sẽ gặp phải cảnh tượng như ông bây giờ. Nghĩ lại những ngày đã qua mà làm gì.
Vì chưa xua tan được nỗi lưu luyến mong trở lại cố quốc, nên Hoàng thúc sau khi nghe những lời nói lạnh lùng đó của đạo sĩ, vẫn im lặng, đầu cúi xuống, ánh mắt xót xa. Như để xoa dịu nỗi đau đớn xót xa của Hoàng thúc, Lý công tử bèn hỏi đạo sĩ một câu bâng quơ:
- Tại sao đạo sĩ lại gắn bó đời mình vào nơi đây?
Đạo sĩ cười sang sảng.
- Đúng vậy, còn nguyên do vì sao, sau này tôi sẽ nói để hai ông biết.
Lúc này đứa trẻ rót những giọt rượu cuối cùng vào chén và bưng đưa Hoàng thúc cùng Lý công tử.
Đêm đã về khuya. Hoàng thúc lễ phép chào vị đạo sĩ, tỏ ý cao lui.
- Đạo sĩ tuổi cao, chắc đã mệt. Tối nay, chúng tôi đã được nghe những lời nói tốt đẹp và thưởng thức rượu ngon.
- Tôi không hề gì. Chỉ sợ các vị khách đi đường sá xa xôi, chắc đã mệt. Tối nay mời hai vị nghỉ ngơi cho khỏe. Sáng mai chúng ta sẽ nói chuyện tiếp.
Vị đạo sĩ đứng dậy. Hoàng thúc và Lý công tử cũng đứng dậy theo.
Vị đạo sĩ quay lại phía đứa cháu.
- Cháu đưa quý khách vào phòng nghỉ, để quý khách được nghỉ ngơi bình yên.
- Vâng ạ.
Đứa trẻ đưa Hoàng thúc và Lý công tử vào phòng khách nơi hướng đông.
Sáng ngày hôm sau, ánh mặt trời đã lọt qua khe cửa sổ chiếu vào trong phòng. Hoàng thúc và Lý công tử ngồi dậy, mỗi người uống một bát nước lạnh để ở trên đầu chỗ nằm, cảm thấy người sảng khoái. Tuy hôm qua có uống nhiều rượu, nhưng đã hết cơn say.
Hoàng thúc mở toang cửa sổ, nhìn ra ngoài, ở nơi thung lũng êm đềm này, ông mặt trời đã nhô lên đỉnh núi phía đông tự bao giờ. Khắp nơi đó đây, các loại kỳ hoa dị thảo nở rộ, đang đua thắm khoe tươi, cây cối trên núi có ánh nắng mặt trời trở nên tràn đầy sức sống. Các loài chim, vui hát những bài hát líu lo theo từng loài. Những khúc hát của riêng từng loài đó không hiểu sao đã tạo nên một sự hòa hợp như tiếng đàn trầm bổng của vị đạo sĩ chiều hôm qua.
- Đây quả là nơi tiên cảnh!
Hoàng thúc chỉ nói riêng với mình thôi, nhưng đứa trẻ ở phòng bên cạnh đã nghe được. Nó có vẻ như đang chờ các vị khách thức dậy…Nó chạy đến trước mặt Hoàng thúc, lễ phép vái chào và vấn an:
- Thưa quý khách tối hôm qua có được an giấc không ạ. Xin mời đi cùng với tiểu đồng ra rửa tay. Đạo sĩ có dặn là khi quý khách thức dậy sẽ đưa quý khách ra ngôi lăng ở phía trước kia.
Hoàng thúc và Lý công tử đi theo đứa trẻ ra bờ suối phía trước sân. Dòng suối trong lành chảy từ trong khe núi ra phát lên tiếng reo róc rách. lấy nước mát rửa mặt rồi xoa lên tay chân, lòng cảm thấy nhẹ nhõm lâng lâng. Song vì mới là đầu mùa hạ, nước còn lạnh nên không xoa được lâu.
Theo sự hướng dẫn của đứa trẻ, hai người trở lại nhà, đã thấy đạo sĩ ngồi trên chiếc ghế trong sân chờ khách. Hoàng thúc và Lý công tử bước đến phía trước, chào đạo sĩ:
- Xin chào đạo sĩ. Tối hôm qua được nghe đạo sĩ nói nhiều lời hay ý phải, chúng tôi nghe rất thích thú.
Thấy Hoàng Thúc và Lý công tử đến chào, đạo sĩ liền bắt chuyện vui vẻ.
- Đâu dám. Sáng nay tôi định cùng các vị đến chỗ lăng phía trước kia, nên đang ngồi chờ.
Hoàng thúc và Lý công tử nghe nói rất đỗi vui lòng, vội cúi người chào, Hoàng thúc nói:
- Thật phiền đạo sĩ. Đạo sĩ đã dành sự đón tiếp ân cần như thế này cho chúng tôi..
Đứa trẻ mang theo một chiếc đàn tranh và một cái rổ làm bằng sợi dây muồng, trong xếp mấy cái bát, đi trước dẫn đường.
Đạo sĩ khoác tấm áo choàng của người tu hành dệt bằng vải gai, đi theo sau. Hoàng thúc và Lý công tử đi theo hai bên cạnh.
Cả đoàn bước đi những bước lặng lẽ. Họ trèo lên một con đường dốc rồi lại đi xuống. chẳng mấy chốc họ đã có mặt ở chỗ lăng. Có tám sống núi nối liền nhau tạothành tám con rồng, khi hoà quyện lúc đối đầu nhau, bao bọc một khoảng đất bằng phẳng, bốn phía nhìn ra chừng ba nghìn bước, nằm chình giữa là một ngôi mộ lớn.
Nguồn nước trong vắt từ trong dãy núi bát sơn chảy ra, hợp lưu ở phía Đông Bắc của ngôi mộ lớn, giống như nguồn nước trời tinh khiết hợp lại, rồi chảy vòng theo khe núi phía đông.
Hoàng thúc ngày trước thích môn toán số nên có theo học và cũng có cả kiến thức về môn địa lý, nên đã đưa mắt nhìn bao quát địa thế xung quanh. Ngôi lăng này xây dựng theo hình Bát sơn, các cốt núi hợp lại với nhau, nguồn nước trời tinh khiết chảy ra từ trong cốt lõi của núi đã hợp lưu lại. Bởi vậy mới nhìn qua đã thấy được đây là thế đất cao để chọn các bậc vua chúa.
Ngôi lăng ở giữa giống như hình của một đỉnh núi. Trên lăng cỏ mọc đều tăm tắp. Xung quanh lăng các loại kỳ hoa dị thảo nở rộ tươi tốt. Các giống chim vô danh đang vui hót líu lo khắp tám hướng xung quanh. Tất cả những cái đó đã tạo nên cảnh thần tiên trong cảnh thần tiên vậy.
Nhìn thấy Hoàng thúc đăm chiêu ngắm nhìn với vẻ nghiêm túc, đạo sĩ gật đầu nói:
- Hoàng thúc nước Đại Việt hình như cũng giỏi về môn địa lý?
Đạo sĩ đến trước lăng, lần đầu tiên dung cách xưng hô tôn kính với Hoàng thúc.
- Thưa vâng. Tôi cũng có biết ít nhiều. Ngôi lăng này quả thực là nơi kỳ địa để để dành cho bậc đế vương.
Lý công tử không hiểu toán số địa lý nên chẳng hiểu gì về câu chuyện trao đổi giữa hai người. Lúc này đứa trẻ mang chiếc rổ đến đặt trước tấm bia đá lớn dựng trước lăng và bày mâm cúng lễ. Cháu lấy một chén sạch múc ít nước trong suốt nơi chỗ hợp lưu của dòng nước trời tinh khiết đặt lên mâm và thắp hương. Xong cháu trải một chiếc chiếu ra phía trước, và đạt chiếc đàn thập lục lên trên. Cháu đến chỗ ông đang đứng:
- Nội ơi, mọi việc sắp đặt xong rồi ạ.
Vị đạo sĩ gật gật đầu, dáng chừng như đã hiểu, đoạn kéo Hoàng thúc đến phía trước giới thiệu. Hoàng thúc đến phía trước chiếc bia đá. Trên bia chỉ khắc một dòng chữ" Đông bia chi lăng", ngoài ra không còn thấy một dòng chữ nào ghi lại, đây là lăng mộ của ai, người nào xây, xây vào lúc nào, xây như thế nào. Hoàng thúc suy nghĩ một mình: phải chăng đây là ngôi lăng làm sẵn để sau này an tang đạo sĩ khi đạo sĩ qua đời.
- Ngôi lăng này phải chăng do đạo sĩ lập nên?
Với vẻ mặt tràn đầy hoài cảm, đạo sĩ đáp:
- Không phải đâu. Đây là ngôi lăng này do cụ tổ mười lăm đời của tôi phụng lập nên đó. Đây là một ngôi lăng thấm đầy máu và nước mắt.
Hoàng thúc có vẻ ngạc nhiên.
Nếu vậy chẳng hay ngôi lăng này là ngôi lăng đã chôn cất một vị nào đó rồi chăng?
Vị đạo sĩ nhìn lên phía trên lăng, rồi thở ra một hơi dài. Cụ đưa mắt thẫn thờ nhìn ra bốn phía và chậm rãi nói:
- Trong lăng này đã chọn cất hai mươi vạn bộ hài cốt. Sau khi nhà nước Cao Cù Ly uy vong, rất nhiều người bị bắt về Đường và bị giết một cách thảm thê hoặc bị hành hạ mà chết trong các nhà ngục; và cũng không biết bao nhiêu người nằm sương gội tuyết đấu tranh không mệt mỏi cho nhà nước Cao Cù Ly và đã ngã xuống…Hài cốt của các vị ấy đã được thu nhặt và đem về đây chôn cất. Ôm lấy mối hận thù ghi xương khắc cốt, các vị ấy đã vĩnh biệt cõi đời rồi mà không thể quay về cố quốc, kết cục đành phải gửi nắm xương tàn nơi đất khách quê người. Ông cụ tổ mười lăm đời nhà tôi biết rõ cảnh ngộ này. Ông cụ chẳng quản tấm thân mình là người hoàng tộc đã từ bỏ mọi nỗi vương vấn với đời, về sống thầm lặng ở nơi đây. Từ Đường đến Tống cụ đã đi khắp mọi nơi thu nhặt hài cốt đem về đây chôn cất. Từ sau đó trở đi, tổ tiên của tôi đời này qua đời khác đã lưu lại nơi đây trông coi ngôi lăng. Cháu bé này là cháu nội của tôi. Bố của cháu cũng như Tiêu Vĩnh Vạn là người được các ông cứu giúp, đã tránh né con mắt của bọn quan lại, đi các nơi thu nhặt hài cốt đem về. Lần này bố cháu vào trong kinh thành nước Kim, không bao lâu nữa sẽ quay về.
Hoàng thúc và Lý công tử nghe câu chuyện của vị đạo sĩ rồi, mới biết được lai lịch bi thảm của ngôi lăng, biết được cuộc đời của đạo sĩ và Tiêu Vĩnh Vạn
- Thưa đạo sĩ, nếu nước Cao Cù Ly giành lại được độc lập và khôi phục lại những vùng đất đai đã mất, chắc phải chuyển ngôi lăng này về cố quốc đẻ chôn cất lại
Nghe Hoàng thúc nói, vị đạo sĩ chỉ lắc đầu
- Hoàng thúc không biết rõ sự tình nên mới nói vậy thôi. Nước Cao Cù Ly chúng tôi đã suy vong rồi. Nay không còn ai để kế thức tinh thần đó, và sau này chắc cũng không.
Nghe lời nói đó Hoàng thúc cảm thấy ái ngại trong long.
- Nếu vậy thì…
- Biết làm sao được. Phải đợi đến tám trăm năm nữa, khi cả ba nguồn nước"Thiên thuỷ", Địa thuỷ", và "Quốc vận thuỷ" hợp lại nhau thì mới…
Vị đão sĩ nói đến đây, bỗng ngập ngừng yên lặng.
"Vạn lý tha hương", muôn dặm xa quê, một khắc lâu tưởng chừng ba thu, thế mà còn phải đợi tám trăm năm nữa. Câu nói nghe như chết lặng trong lòng. Sau này dù ta đã vùi thân nơi đất Cao Ly rồi thì những linh hồn đang yên nghỉ trong ngôi lăng này, sẽ mãi mãi, mãi mãi chẳng bao giờ có thể trở về được nơi cố quốc. Nghĩ như vậy, vị đạo sĩ lại hướng về nấm mồ, lầm rầm đọc những câu khấn vái không ai nghe hiểu mà chỉ nghe hiểu được những lời lõm bõm như – Hoàng thúc Lý Long Tường và hoàng tộc Lý Quân Tất của nước Đại Việt.
Cho đến lúc này, cả hai người mới hiểu rõ, vị đạo sĩ gọi mình là Hoàng thúc, Hoàng tộc trước lăng và cả hai ngươi đều nghĩ rằng sở dĩ như vậy là vì họ đã được đón tiếp như quốc khách trước ngôi lăng này.
Vị đại sĩ đến trước bia mộ thắp hương và dâng lễ bái. Hoàng thúc và Lý công tử cũng làm theo đạo sĩ thắp hương và dăng lễ bái. Đó là do Hoàng thúc và Lý công tử xuất phát từ tấm lòng thành của mình chứ không phải do đạo sĩ hay ai khác khuyên bảo họ làm như vậy.
Quay về phía Hoàng thúc, sau khi dâng lễ xong. Người vẫn còn phủ phục trước nấm mộ, vị đạo sĩ nói:
- Xin cảm ơn quý vị. Các linh hồn của tổ tiên chúng tôi chắc sẽ vui lòng nơi chín suối vì Hoàng thúc của nước Đại Việt đã đích thân đến đây dâng lễ bái, tỏ nguyện tấm lòng thành.
Hoàng thúc không cầm được hai hàng nước mắt lã chã tuôn rơi như những giọt châu.
Trên khuôn mặt của Lý công tử đứng bên cạnh cũng đầm đìa nước mắt.
Đạo sĩ lặng lẽ đến trước chiếc đàn, ngồi cuống bãi cỏ, đặt chiếc đàn lên đầu gối so dây. Một lúc sau các cung bậc bắt đầu réo rắt. Mặt trời nhô lên đằng Đông như cố ý chỉ chiếu xuống xung quanh đạo sĩ, những âm thanh trầm bổng bay chập chờn cung quanh lăng rồi vút lên tám đỉnh núi xung quanh. Không, nhưng âm thanh đó dường như đang luồn qua các khe núi và tan dần vào trong rừng cây.
Các âm thanh réo rắt, khi dài khi ngắn, khi to khi nhỏ, lúc rầm rộ lúc nỉ non, khi du dương thổn thức, lúc gào xé cõi lòng. Cả núi rừng chung quanh như đang khóc than cùng tiếng nhạc.
Ông già đạo sĩ thỉnh thoảng đưa mắt rời khỏi dây đàn nhìn về phía ngôi lăng
Những đàn hạc bay trên không cũng xà xuống ngôi lăng kêu lên những tiếng kêu thổn thức rồi bay đi.
Vô số những linh hồn đang yên giấc ngủ sâu trong lăng cũng như đang than khóc
Những ngón tay trắng trẻo của đạo sĩ như đang nhảy múa trên các dây đàn.
Một chốc sau, đạo sĩ mới đặt cây đàn xuống, lấy tay trái chống xuống vạt cỏ rồi đứng lên
Đứa cháu nhanh nhẹn cất cây đàn và các đồ tế lễ vào trong chiếc rổ
Hoàng thúc và lý công tử lau nước mắt đứng bên cạnh.
Vị đạo sĩ đã làm cho cả vạn vật trong thung lũng sụt sùi rơi lệ, giờ đây đang chậm rãi bước tới chỗ Hoàng thúc, nói với vẻ thảnh nhiên:
- Chà… các vị đứng lâu chắc mệt. Bây giờ chúng ta xuống núi ăn sáng đi.
Hoàng thúc lấy tay phủi những lá cỏ bám sau lưng đạo sĩ
- Nghe tiếng đàn hát của đạo sĩ. Mọi nỗi đau buồn trong lòng chúng tôi đều tiêu tan.
Vị đạo sĩ nhìn Hoàng thúc cười, nói:
- Đó là tiếng khóc của kẻ trượng phu!
Đứa bé đi trước, Hoàng thúc đi theo sau. Được một chốc, Hoàng thúc quay lại nhìn phía sau, bỗng sững người lại, cảm thấy hết sức ngạc nhiên, đưa mắt ngơ ngác nhìn xung quanh. Lý công tử thấy khác bèn hỏi:
- Hoàng thúc ơi, sao thế? Chúng ta đi chứ.
- Lạ quá, rõ ràng hoàn toàn không còn nhận ra con đường lúc chúng ta đến là con đường nào và cũng không còn biết ngôi lăng nằm ở chỗ nào nữa.
Đến đây, Lý công tử như sực nhớ ra điều gì, bén quay lại nhìn về phía lăng, nhưng cũng không còn nhận ra gì nữa
Vị đạo sĩ hiểu ý, bèn quay lại cười, nói:
- Không có gì ngạc nhiên đâu. Con đường đi đến lăng là con đường người phàm trần khó tìm thấy. Chỉ có tôi và đứa cháu dẫn đường mới tìm ra được
Hoàng thúc và Lý công tử chừng như cũng hiểu, nên cảm thấy yên lòng. Phải rồi nếu nơi yên nghỉ của những linh hồn cao cả nhưng cô đơn kia bị giày xéo dưới gót giày của bọn quan quân nước ngoài thì sẽ hệ trọng biết chừng nào. Một lát sau họ đã trở về ngôi nhà tranh.
Ăn sáng xong, mặt trời đã đứng bóng. Được một lúc, Lý công tử nói với Hoàng thúc:
- Thưa Hoàng thúc, chúng ta rời quán trọ được ba ngày rồi. Bây giờ ta nên trở về thôi.
Thời gian trôi qua lúc nào không hay. Hoàng thúc cũng đã trở về với thực tại của mình, bèn chép miệng mỉm cười nói với đạo sĩ:
- Thưa đạo sĩ, chúng tôi xin phép trở về. Hai hôm rày được nghe nhưng lời quý báu của đạo sĩ và đã làm phiền đạo sĩ rất nhiều.
Hoàng thúc nói xong đứng dậy, Lý công tử cũng đứng dậy theo.
Với vẻ buồn đầy lưu luyến, đạo sĩ nói:
- Ước gì các vị ở chơi thêm mấy hôm nữa thì hay quá, nhưng ở đằng ấy còn có nhiều người đang trông mong các vị nên tôi không dám giữ.
Hoàng thúc và Lý công tử vái chào đạo sĩ và bước ra sân. Đứa trẻ đã dắt ngựa và chờ sẵn từ lúc nào. Đạo sĩ cũng theo ra tiễn chân.
Hoàng thúc và Lý công tử vái chào đạo sĩ một lần nữa
- Xin kính chúc đạo sĩ ở lại bình yên. Chúng tôi xin phép trở về.
Hoàng thúc lễ phép cúi chào đạo sĩ nhiều lần.
Đạo sĩ đưa tay lên vẫy vẫy với lời chào tử biệt
- Các vị ra đi, tôi mong nhớ nhiều. Đường xá xa xôi, chúc các vị thượng lộ bình an. À, khi về gặp Tiêu Vĩnh Vạn xin nhắn giùm tôi, nhờ Tiêu Vĩnh Vạn đưa các vị sang đến đất Cao Ly.
Được lời như cởi tấm lòng, Hoàng thúc nói:
- Xin cảm ơn đạo sĩ, chúng tôi xin nói lại với Tiêu đại nhân.
- Hoàng thúc ăn ở rất có nhân đức, sang đất Cao Ly hẳn sẽ được đón tiếp nồng hậu. Nhưng trên con đường đời, đâu phải đi đến chỗ nào cũng gặp sự thái bình an lạc. Có thể ở nước Cao Ly, rồi đây trong một ngày không xa nữa cái hoạ khôn lường sẽ ập đến.
Đạo sĩ cuối cùng căn dặn như vậy.
Hoàng thúc và lý công tử một lần nữa bái biệt đạo sĩ và lên ngựa ra đi. Đạo sĩ vẫn còn đúng đó nhìn theo cho đến khi bóng hai người khuất sau đỉnh đèo.
Mãi đêm hôm đó hai người mới về đến quán trọ Thanh Châu. Đêm đã khuya không liên lạc được với ngoài thuyền. Đến ngày hôm sau, Hoàng thúc và Lý công tử mới ra được đến thuyền đậu ngoài khơi.
Vừa trông thấy Hoàng thúc và Lý công tử,các tráng đinh đứng trên mạn thuyền đều mừng rỡ đón chào như trẻ con vui mừng gặp lại bố mẹ.
Đã lâu mới gặp các tráng đinh, Hoàng thúc vui vẻ uý lạo mọi người. Lý công tử vội vã bước trước vào trong khoang thuyền, nhìn thấy Tiêu Vĩnh Vạn rất đỗi vui mừng reo lên:
- Tiêu huynh chắc sốt ruột lắm phải không? Tôi đã đưa Hoàng thúc đến gặp đạo sĩ, mãi đến tối khuya hôm qua mới về đến quán trọ. Các vết thương của Tiêu huynh thế nào rồi?
Tiêu Vĩnh Vạn cũng hết sức vui mừng, vùng đứng dậy reo lên:
- Các vị đi đường xá xa xôi chắc vất vả lắm… Thật quá bất ngờ. Nhờ thuốc tốt, nên các vết thương của tôi gần như lành hẳn rồi.
Lúc này Hoàng thúc bước vào khoang thuyền, Lý công tử mời Hoàng thúc ngồi vào ghế trên và giới thiệu với Tiêu đại nhân:
- Vị này là Hoàng thúc của chúng tôi.
Tiêu Vĩnh Vạn đáp lại với một thái độ cung kính:
- Xin kính chào Hoàng thúc. Tiểu nhân tên là Tiêu Vĩnh Vạn. thật không ngờ các vị đã cứu sống sinh mạng của tiểu nhân, lại còn vì một chút việc nhờ vả nhỏ mọn của tiểu nhân, đã không quản đường xá xa xôi vất vả ra công giúp đỡ. Tiểu nhân cảm thấy thật xấu hổ trong lòng.
Nghe nói vậy Hoàng thúc vội đỡ lời:
- Không có gì đâu, về lai lịch của quý công tử, được sự giới thiệu của đạo sĩ chúng tôi đã hiểu rõ. Các vết thương đã đỡ chưa?
Tiêu Vĩnh Vạn một lần nữa, lại một lần nữa co duỗi tay chân của mình như cốt để cho mọi người nhìn thấy và nói:
- Thưa vâng. Nhờ ơn chăm sóc nên các vết thương hầu như đã lành hẳn.
Lý công tử ngồi bên cạnh kể lại tường tận câu chuyện đi tìm vị đạo sĩ mấy ngày qua.
Một lát sau Hoàng thúc nói với vẻ hài long:
- Nếu không có quý công tử, làm sao chúng tôi có thể gặp được một vị đạo sĩ siêu phàm như vậy.
- Thưa đâu dám ạ.
Lý công tử mỉm cười nói như nài nỉ:
- Đạo sĩ có bảo với chúng tôi, nói lại với Tiêu huynh thế nào cũng nhờ Tiêu huynh đi cùng dẫn đường cho chúng tôi đến nước Cao Ly.
Hoàng thúc cũng khẩn khoản nói thêm:
- Thế nào quý công tử cũng cố giúp cho.
Tiêu Vĩnh Vạn nghiêm chỉnh, vui vẻ nhận lời:
- Thưa vâng. Tiểu nhân cũng đã nghĩ như vậy. và đạo sĩ cũng đã có lời. Tiểu nhân sẽ đưa quý vị sang đất Cao Ly.
Giữa lúc ấy, người lái thuyền bước vào khoang nói:
- Thưa Lý công tử, hôm nay chúng ta phải nhổ neo vào lúc có con nước tối.
Lý công tử nhìn Tiêu Vĩnh Vạn nói:
- Tiêu đại nhân. Hôm nay chúng ta phải nhổ neo vào con nước tối, không có việc gì chứ?
Tiêu Vĩnh Vạn nhìn ra biển một lúc rồi nói:
- Tối hôm nay có gió tây bắc, được đấy.
Người lái thuyền ra ngoài lo công việc xuất phát. Trong khoang còn lại ba người.. Lý công tử quay vế phía Tiêu Vĩnh Vạn nói:
- Thưa Tiêu đại nhân, nhờ có sự hướng dẫn của đạo sĩ, chúng tôi đã đến viếng lăng Đông Tiên. Tiêu đại nhân thu nhặt được nhiều hài cốt như vậy thật vất vả quá. Lần này nghe nói Tiêu đại nhân đi sang kinh thành nước Kim và đang trên đường trở về, có phải thế không?
Câu nói gợi lên trong lòng Tiêu Vĩnh Vạn bao nhiêu bồi hồi xúc cảm. Anh nói:
- Hai vị đã đến viếng lăng Đông Tiên. Thật quý hoá quá. Tôi đã cùng với con trai vị đạo sĩ ra đi rồi trở về. Nhưng sự đời đâu phải lúc nào cũng theo ý chúng ta. Không còn cách nào khác, vị ấy đã đi sang nước Mông Cổ. Và chỉ còn có tôi trở về một mình. Đến giữa đường thì xảy ra cơ sự thế này.
Qua câu nói, Hoàng thúc có vẻ nghĩ ra điều gì, bèn hỏi:
- Vị đạo sĩ đã kể cho nghe và tôi cũng biết được đại thể đôi điều. Thế ra quý công tử cùng con trai vị đạo sĩ đã đến được vùng biên giới và đã sang cả đến đất Mông Cổ rồi ư? Vậy tình hình ở đó thế nào?
Tiêu Vĩnh Vạn đáp:
- Vâng ạ. Nhà Tống bề ngoài làm ra vẻ hoà thân với nước Kim nhưng bên trong lại kích động Mông Cổ đánh nhau với nước Kim và nước Cao Cù Ly. Còn ở Mông Cổ thì dòng họ Yaryun của nước Liêu do có bất hoà với nước Kim nên đã sang Mông Cổ họp bàn với nước này giành lại độc lập cho cố quốc của mình. Do vậy vị đạo sĩ đã cho con trai của mình sang nước Mông Cổ thuyết phục nhưng họ không nghe.
Qua câu chuyện, Hoàng thúc càng hiểu tình hình chính trị phức tạp của Bắc quốc.
- Nghe lời của đạo sĩ, tôi đã hiểu được tình hình và rất khâm phục dân tộc Cao Cù Ly đã đấu tranh ngoan cường bền bỉ để giành lại độc lập và những đất đai đã bị mất.
Nghe vậy, Tiêu Vĩnh Vạn bèn thở dài:
- Nếu mọi việc đều do số phận an bài thì đành chịu. Nhưng đằng này mọi cái lại do con người ta. Mưu kế sâu hiểm của những kẻ thống trị Đường, Tống là muốn nắm trọn thiên hạ trong tay.
Được lời như cởi tấm lòng, hoàng thúc bèn nói them:
- Đúng vậy. Vị đạo sĩ cũng đã nói."Pháp gian tắc thương dân. Giáo dục tắc thương quốc". Đạo pháp mà gian tà thì gây đau thương cho nhân dân, nếu truyền bá những giáo lý dung tục cho trăm họ thì sẽ làm tổn hại cả đất nước. Cứ bằng vào sự thật lịch sử mà xem xét thì thấy các nước giáp biên giới với họ như chúng ta thì thấy triển vọng sau này không lấy gì làm sang sủa.
Giữa lúc ba người đang say sưa câu chuyện, quên cả thời gian thì người lái thuyền bước vào:
- Thưa Lý công tử, chúng ta sắp rời bến rồi ạ.
- Đã đến giờ rồi sao?
- Vâng. Đã đến giờ rồi. Nước thuỷ triều đang dâng lên kia.
- Được rồi.
Lý công tử bước ra khỏi khoang thuyền, nhìn xung quanh. Mặt trời đã khuất sau rặng núi phía tây. Hình ảnh của trấn Thanh Châu bao phủ trong ánh hoàng hôn mỗi lúc một mờ dần trong bóng tối, chỉ còn tiếng sóng vỗ bì bọp hai bên mạn thuyền. Bóng dáng lờ mờ của trấn Thanh Châu không phải là quê hương nơi cố quốc nên cũng chẳng có gì phải để phải nặng tình lưu luyến, và nơi sắp đến là nước Cao Ly còn nhiều mới lạ, biết có ai người vui mừng ra đón tiếp ta? Con thuyền vẫn vô tình lướt trên ngọn sóng. Cùng với bóng tối, cái mất đi lại là nỗi lẻ loi hiu quạnh. Biển Đông mênh mông, muôn vàn những đợt sóng to nhỏ xô tới như đang mừng vui chào đón người khách tha phương. Lý công tử đưa mắt đăm đăm nhìn ra biển khơi xa xăm, đắm chìm trong nìêm suy nghĩ miên man.
(1)Một nước cổ xưa nằm ở vùng giáp ranh giữa đất Mãn châu – Trung Quốc và Siberi ngày nay (ND)
(2)Tứ lý: trung, hiếu, tiết, nghĩa (ND)
(3)Tam cương: ba cặp quan hệ: quân – thần (vua – tôi); phụ – tử ( cha – con); phu – thê (vợ – chồng ). Ngũ thường: năm đạo lý làm người: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín (ND)
(4)Một phái trong Bách gia chư tử thời Xuân Thu – Chiến quốc ở Trung Quốc (ND)
@by txiuqw4