sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 6: Người Ngay Mắc Nạn

Lúc bấy giờ vào năm Cao Tông thứ 12, đời vua 23 của triều đại Cao Ly (dương lịch 1225). Dưới triều đại Cao Ly có một vị quyền thần tên là Thôi Trung HIếu, nắm quyền bính trong tay. Chính sách cai trị đất nước của họ Thôi đến lúc đó đã duy trì được 60 năm. Cách kinh đô Khai Thành của nước Cao Ly khoảng hơn 200 dặm về phía tây có một miền đất gọi là Ủng Tân thuộc An Tây đô hộ phủ (nay gọi là Hải Châu). Quan huyện cai quản xứ này là một người tên gọi Lý Hoàn Khuê thuộc hàng ngoại thích của Thượng tướng quân Lý Chi Chính.

Ủng Tân không phải là một huyện lớn nhưng là một miền đất thanh bình nằm trên bờ biển phía tây, núi sông tươi đẹp, mặt biển phía trước có rất nhiều đảo lớn nhỏ. Vốn dĩ nơi đây chỉ có những người dân địa phương sinh sống yên lành với nhau, nhưng mấy năm gần đây đã có nhìều người nước ngoài lui tới. Có lẽ họ là người lánh nạn từ nước Tống, nước Kim hoặc dân lái buôn đến buôn bán.

Trên đảo Xương Lân nằm ngoài khơi Ủng Tân, có một người tên gọi Chu Nhật Thường từ nước Tống sang định cư và sinh sống bằng nghề chài lưới. Người này thỉnh thoảng sang nước Kim hoặc quay lại nước Tống mua bán những đồ vật quý giá và khéo đối xử với quan lại địa phương nên đã thu phục nhân tâm khá thành công. Chu Nhật Thường có quan hệ giao tiếp rất thân mật với các quan lại địa phương vùng này.

Viên thừa lại họ Trương từ sau khi quen biết với Chu Nhật Thường, của cải mỗi năm một tăng lên, nay đã trở nên một kẻ giàu có đếm được trên đầu ngón tay của huyện thành Ủng Tân này. Quan tri huỵện Ủng Tân không phải không biết việc đó. Năm ngoái họ Trương đã xây cất một tư dinh khá to đập vào mắt mọi người ở bên dưới núi Quảng Đại Sơn. Một hôm quan tri huyện Ủng Tân cho gọi Trương thừa lại đến, nghiêm giọng bảo với anh ta:

- Này Trương thừa lại, nhà anh có phép màu gì mà kiếm được nhiều tiến thế?

Trương thừa lại ít nhiều bị choáng trước câu hỏi đó, bèn cung kính chắp hai tay trả lời:

- Bẩm quan, tiện nhân đâu có biết kiếm tiến. Tiện nhân chỉ bán một khoảnh đất nhỏ đủ gieo một đấu giống do tổ tiên để lại để xây một căn nhà thôi ạ.

Nghe vậy, viên quan huyện Lý Hoàn Khuê bèn vuốt chòm râu dài, nhìn xói vào dáng người và bộ mặt của viên Trương thừa lại. Họ Trương mặt choắt, người phì nộn, to ngang, da mặt xạm đen, hai xương lưỡng quyền nhô lên, trán ngắn, quanh mồm lưa thưa mấy sợi râu đỏ hoe. Mới nhìn qua cũng đã biết đấy là bộ mặt của kẻ gian tham, chuyên ăn của đút lót. Bị quan huyện nhìn xoáy vào mặt, Trương thừa lại cụp mắt xuống, cúi đầu.

Quan huyện chép chép miệng, nuốt nước bọt đắng ngắt:

- Người ta đồn về nhà ngươi nhiều lắm rồi đó. Liệu liệu mà tu tâm sửa tính, làm việc cho liêm chính.

- Bẩm quan, tiện nhân chẳng biết có việc gì khác. Chẳng lẽ tiện nhân lại không trung thành phụng sự công vụ hay sao?

Câu nói dối của Trương thừa lại nghe đến chối cả tai

Quan huyện không nói gì, đến một chốc sau bèn bảo:

- Thôi được rồi đó. Nhà ngươi lui đi!

- Bẩm vâng.

Nói xong Trương thừa lại bước ra ngoài.

Quan huyện mấy ngày mới đến huyện đường một lần, còn thì ông vẫn ở thư phòng nhà mình.

Mọi công việc lớn nhỏ của một quan chức địa phương, hầu như ông chỉ nghe báo cáo của các viên chức thừa lại rồi đưa ra các mệnh lệnh tại nhà mình.

Trương thừa lại từ chỗ quan huyện đi xuống, bước vào phòng làm việc của mình, bỗng nghe thấy người sai gia hô lớn: "Quan lớn hồi gia!"

Trương thừa lại cúi xuống liếc mắt nhìn, trông thấy quan bước xuống các bậc tam cấp của huyện đường, theo hướng về nhà quan, bèn lẩm bẩm một mình:

- Mẹ kiếp, tội tình gì nào? Người ta cất nhà to, kiếm được tiền hay không thì việc gì đến mày mà cứ lảm nhảm. Chẳng nhẽ tiền tao kiếm được lại bảo đưa cho mày à?

Người sai nah đi ngay ngang qua bên cạnh, ngỡ là Trương thừa lại trông thấy mình nên lầu bàu điều gì đó, bèn hỏi:

- Thưa quan thừa lại có lời gì vậy?

Trương thừa lại nét mặt hầm hầm nhìn người sai nha, nổi cáu quát to:

- Thằng này, ai khiến mày, cút đi!

Người sai nha đã có tuổi, bị mắng cụt hứng, lủi thủi bước đi. Giữa lúc ấy, có một người sai nha khác chạy xộc tới, nói với viên thừa lại họ Trương:

- Thưa quan thừa, chủ nhân Chu Nhật Thường ở đảo Xương Lân đến tìm quan thừa.

Trương thừa lại đang cau có mặt mày, nghe được tin đó bỗng mừng ra mặt, bèn đáp:

- Vậy bảo ông ta vào đi.

Một chốc sau, Chu Nhật Thường đến trước mặt thừa lại họ Trương, cúi gập lưng chào:

- Xin chào Trương thừa lại.

Trương thừa lại vừa trông thấy Chu Nhật Thương, tưởng như chờ đã lâu lắm:

- Lâu quá rồi nhỉ. Đang định đến thăm Chu chủ nhân thì Chu chủ nhân đã đến.

Chu Nhật Thường liếc nhìn khắp lượt bên trong huyện đường một chốc rồi nói:

- Thôi hãy dừng công việc lại đã. Chúng ta ra ngoài một chốc đi. Ngồi trong huyện đường nói chuyện e không tiện. Ta đi kiếm chỗ nào làm một chén nói chuyện cho vui.

Hai người bước ra khỏi huyện đường đi vào một quán rượu có tên "Thủ Hải quán" nằm trong một con hẻm phía sau huyện đường.

Người nữ chủ quán mau mồm mau miệng, đon đả ra gặp Trương thừa lại và Chu Nhật Thường đưa vào phòng lớn.

- Quan thừa lại lâu rồi chẳng đến quán của thiếp. Lâu nay chắc bận lắm chứ gì. Chu chủ nhân cũng lâu lắm không thấy lại. Chắc ở nơi khác có chỗ tươi mát hơn phải không nào?

Người nữ chủ quán Thu Hải này mới khoảng ba mươi, khá nhan sắc nên rất nổi tiếng trong làng tửu quán lại ăn nói rất có duyên nên Chu Nhật Thường cứ trông thấy chủ quán là thèm đến rỏ dãi, chân tay ngó ngoáy không yên.

- Tôi mà không đến với cô chủ thì còn biết đi đâu. Lâu nay hơi bận nên không đến được.

Nữ chủ quán túm gấu váy bước lên sàn gốc, mở toang cửa, mời hai người lên. Bước vào phòng, hai người chụm đầu vào nhau, định nói chuyện kín hở gì đấy/

Nữ chủ quán liếc mắt nhìn Chu Nhật Thường rồi lại nhìn Trương thừa lại, mỉm cười nói:

- Úi chao, quan hệ giữa hai vị thật thắm thiết. Cứ gặp nahu lúc nào cũng thấy thầm thì to nhỏ đến say sưa.

Nữ chủ quán nói xong bước ra ngoài, có lẽ muốn để cho hai người nói chuyện với nhau được tự nhiên. Chị ta gọi Ba-uy, người làm thuê, đến và bảo:

- Này Ba-uy, sửa soạn ngay mâm rượu. Hôm nay có khách quý đến, nhớ làm cho thật đặc biệt nghe.

Đến lúc này, Trương thùa lại mới lái câu chuyện sang hướng khác:

- Chu chủ nhân này, tình hình nay khác rồi. Lão già tri huyện gặp cứ bảo tôi có tài kiếm tiền.

Vẻ mặt của Trương thừa lại trông đến thiểu não, căng thẳng. Chu Nhật Thường sau khi nghe trường thừa lại nói vậy, bèn cười hì hì bảo:

- Quan thừa lại mà cũng lo lắng như vậy sao. Lão ấy dù có hỏi làm sao kiếm được nhiều tiền thì cũng là để biết vậy. Cái chính là mình phải mang đến cho lão một ít. Thế thì có gì mà phải lo. Cái đáng lo là đã đâm lao thì phải theo lao.

Trương thừa lại nghe Chu Nhật Thường nói vậy, tỏ vẻ không đồng ý, bèn nói:

- Chu chủ nhân biết đấy, tôi thì làm gì có tiền. Nếu có tiền cho lão ấy, thà đi mua đất còn hơn.

- Chà quan thừa có lòng tham hơi quá đấy. Món tiền bọ ấy, lại làm một chuyến là xong thôi mà.

Trương thừa lại có vẻ như vẫn chưa yên lòng vì câu nói của quan huyện.

- Chắc là lão ta đã nghe kẻ nào ton hót điều gì.

Chu Nhật Thường dằn giọng bảo:

- Thôi đừng có lo lắng nữa!

Nhưng Trương thừa lại vẫn thấp thỏm:

- Thực ra trong lòng tôi vẫn còn một nỗi chưa yên. Khi tôi đến mà ông già họ Trịnh trong hẻm núi Nhật Tiền Hoa để thúc nợ, thấy thái độ của ông già có hơi khang khác.

Ông già Trịnh có tên là Trịnh Nhân Hưng. Ông sống bên ngoài cửa Đông, và cũng là chỗ khá quen biết với Chu Nhật Thường.

- Cái gì? Lão ấy làm sao?

- À không. Có lẽ lão già ấy đã thậm thụt bẩm báo gì đó với lão quan huyện cũng nên.

- Cái ông già chết tiệt ấy đã nói những gì khiến quan thừa phải sợ như vậy?

- Không phải thế đâu. Tại tôi thúc nợ lão ghê quá. Tôi bảo với lão nếu không trả được nợ, thì gán đứa con gái cho tôi. Lão già phát khùng lên, bảo với tôi: Không được, nếu thế thì ông hãy cắt cổ tôi đi!

Nói xong, Trương thừa lại cúi mặt nhìn xuống đất. Thấy vậy, Chu Nhật Thường bèn nói:

- Quan thừa lại làm quan trị vì xứ sở này, thế mà lão già dở hơi ấy chỉ nói có một câu như vậy đã cuống lên. Lão già chết tiệt ấy để tôi trị cho. Còn đứa con gái, quan thừa cứ chiếm đi.

Trương thừa lại nghe nói có vẻ bùi tai.

- Nhưng mà Chu chủ nhân có diệu kế gì vậy?

- Diệu kế gì à? Cho lão ta về chầu Diêm vương! Không cần phải tốn kém ma chay làm gì. Cứ vứt lão xuống biển tây, thế là xong. Cái biệt tài ấy chưa phải là ngón cao nhất của Chu Nhật Thường này đâu nhá!

Nhưng Trương thừa lại lắc lắc đầu:

- Chà, phải làm như thế nào kia à?

"Nếu Chu Nhật Thường giết người bố, đứa con gái sau này biết được sự thật sẽ không thể quên được mối thù cha và sẽ không theo ta". Nghĩ như vậy nên Trương thừa lại tỏ ra chần chừ.

Hiểu được điều đó, họ Chu bèn nói:

- Quan thừa không phải bận tâm. Tôi sẽ làm gọn lão ấy đến quỷ thần cũng không hay biết. Quan thừa cứ yên tâm chiếm lấy đứa con gái. Hãy làm tới lên.

Lúc này Ba-uy mở cửa và bưng mâm rượu vào.

Mâm rượu đặt ở giữa, hai người ngồi đối diện nhau, vừa uống được vài tuần rượu. Chu Nhật Thường bèn kề tai họ Trương thì thầm điều gì đó.

Một chốc sau, Trương thừa lại mới mỉm cười. Bộ mặt y lộ vẻ nham hiểm. Y mở miệng nói:

- Rất tốt. Quả là mưu cao bậc nhất.

Chu Nhật Thường rung đùi đắc ý:

- Việc này vốn dĩ không phải bổn nghiệp… Nhưng thôi, quan thừa đừng bận tâm.

Cả hai tên thế là đã bày xong kế ác.

Núi Hoa Sơn tuy không cao nhưng phong cảnh hữu tình nên thơ, nằm ở phía đông, gần huyện thành ủng Tân, nên người dân ở đây đều xem như là ngọn núi sau làng của mình, thường hay lên xuống vui chơi, giải trí. Bên dưới núi Hoa Sơn có một ngôi nhà ngói lớn. Người chủ của ngôi nhà này khoảng ngoài năm mươi tên là Trịnh Nhân Hưng. Ông Trịnh là người giàu có trong huyện này. Đây là ngôi nhà của một gia đình có học thức, do tổ tiên bao đời truyền lại cho. Nhưng chẳng biết nó đã hết thời vận rồi hay sao mà người trong gia định hay đau ốm luôn, cửa nhà ngày một sa sút. Ông cụ tổ ba đời của họ Trịnh vốn là người trên đảo Giang Hoa, làm quan to trong triều, sau về sống ở quê nhà, vui với cuộc đời còn lại trong cảnh trăng hoa tuyết nguyệt. Không biết có phải vì quen với nếp sống của tổ tiên hay không mà ông già Trịnh sáng nào cũng leo lên núi Hoa Sơn rồi lại ra bãi biển thưởng thức phong cảnh thiên nhiên.

Lòng người trên cõi đời này thật khó lường; thấy nhà người ta phẳng lặng thì muốn ném sóng gió vào, thấy người ta khá giả lên thì lòng dạ bứt rứt. Có lẽ tại số kiếp hay chăng mà mấy năm lại đây thuyền của nhà ông Trịnh đi đánh cá cứ ra đến biển là bị hư hại. Nhưng đâu chỉ có thế. Họa vô đơn chí! Nợ của chỗ bạn bè thân đã trở thành mầm gây họa. Mọi cơ ngơi gia sản của ông đã bán sạch chỉ còn lại gian nhà để ở. Một mảnh đất còn lại cũng rơi vào tay Trương thừa lại mà vẫn chưa trả hết nợ. Với lòng tham vô đáy, ngày nào Trương thừa lại cũng đến thúc nợ. Cả nhà ông Trịnh vất vả lắm mới kéo dài được cuộc sống thường ngày. Mấy năm trước đây, bà vợ ông đã qua đời. Ông già chỉ còn một mụn con gái có tên là Anh Cơ. Anh Cơ mười chín tuổi sống trong cảnh cô nam, độc nữ nên gia đình rất đỗi quạnh quẽ. Ngày ngày ông dạy cho con gái học chữ nghĩa, học các lễ nghi, lấy đó làm nguồn vui lúc tuổi già. Toàn bộ gia sản của ông đã bị Trương thừa lại cướp sạch mà hắn vẫn còn chưa thỏa lòng. Hắn đòi phải gán con gái làm vợ lẽ cho hắn. Ông già nghe hắn nói vậy phẫn uất như muốn phát điên. Một cái thằng thừa lại nhãi ranh, mấy năm trước đây còn chưa dám ngồi trước mặt ta, thế mà bây giờ hắn dám ngạo mạn bảo ta nộp con gái yêu quý của ta cho hắn. Cơn phẫn uất của ông già không nén chịu được nữa đã nổ tung nữa.

Song mỗi khi nhìn thấy cô con gái Anh Cơ, ông già họ Trịnh lại quên hết mọi nỗi ưu phiền. Ngôi nhà ngói to như tấm lưng con cá voi mà các gian bên trong đều trống trơn. Chỉ có gian ngoài hiên và gian lớn là hai bố con ở, cảnh càng vắng vẻ thê lương. Tiết trời tháng sáu giữa hè, suốt ngày ông già Trịnh ngồi đọc sách ở gian nhà ngoài, đến tối bụng đói, mới vào nhà trong.

Nghe tiếng ho của bố, cô con gái Anh Cơ đang làm cơm tối trong bếp, ngoái đầu ra ngoài cửa.

- Bố ơi, đã quá bữa rồi.

- Bố đã đói đâu con.

Ông bố vừa nói, vừa lấy tay phải đấm đấm sau lưng, bước vào nhà trong.

- Bố ơi, bố đợi con một tý. Con sẽ bưng mâm lên để bố dùng cơm tối.

- Ừ, ừ.

Ông già Trịnh đăm chiêu nhìn chiếc áo đặt trong phòng do con gái khâu lấy.

Đây là chiếc áo của con. Cũng là áo lụa mà sao trông thương tâm quá.

- Thương tâm quá con ơi. Nếu mẹ con còn sống chắc không đến nỗi này. Ta không sắm nổi được bộ áo tươm tất cho đứa con gái một của ta… Thật là khốn khổ cho cái thân ta!

Trong lúc ông già than thở thì Anh Cơ đã bưng cơm tối lên đặt trước mặt, và mời bố:

- Mời bố dùng bữa tối ạ.

Bữa cơm tối có một con cá song nướng và ít rau rừng.

- Rau rừng ở đâu mà ngon thế con?

- Hôm nay, con lên núi Hoa Sơn hái về để bố thưởng thức đấy ạ.

- Thôi con đừng lên núi nữa. Tình hình gần đây đã khác trước rồi. Có nhiều kẻ lạ mặt thường tụ tập về xứ huyện này. Con lên núi như vậy, sẽ làm gai mắt bọn chúng đấy.

Ông lão họ Trịnh nghĩ đến thái độ bất lương của viên thừa lại họ Trương, trong lòng cảm thấy lo lắng.

- Bố ơi bố đừng lo lắng làm gì.

Anh Cơ mở nắp bát cơm.

- Bố ơi, mời bố xơi cơm. Đã quá bữa rồi.

- Ừ, bố con ta cùng ăn đi con.

- Để con thắp cây đèn dầu lên bố nhé.

Trong nháy mắt, giữa lúc Anh Cơ châm đóm thắp đèn vừa định đặt xuống mâm cơm, bỗng nghe bên ngoài sân vang lên một tiếng "xoảng"!

Ông già Trịnh đang và miếng cơm, cảm thấy có điều không bình thường, bèn to tiếng hỏi:

- Ai đấy?

Anh Cơ sợ hãi đến ngồi sau lưng bố.

Vừa lúc ấy, ở ngoài sân nghe có tiếng người lào xào. Một bọn người lấy khăn tay bịt kín mặt, chỉ chừa hai con mắt, ào vào nhà.

- Cái gì thế này? Các người là ai?

Bọn bất lương đến túm gáy ông già họ Trịnh đang định đứng dậy bước ra. Chúng hô lớn" Đứng yên không được động đậy!"

Tên cầm đầu bọn bất lương che kín mặt uy hiếp ông già Trịnh xong, bèn quay lại nhìn lâu la, ra lệnh:

- Bọn bay đâu, vào trói lão già và đứa con gái kia lôi đi cho ta!

- Dạ!

Ông già họ Trịnh chẳng hiểu đầu cuối làm sao, vội kêu lên:

- Này các người! Phận tôi sao cũng đành, nhưng không được động đến con gái của tôi. Tôi chẳng có tội tình gì. Các người hãy tha cho chúng tôi một lần này.

- Đứng im. Bố con nhà mày đã mắc tội lớn không sống được đâu!

Bọn lâu la không chút nể nang, dùng dây chão trối gô ông già Trịnh và cô con gái lại rồi lôi hai người ra nhét vào trong một chiếc kiệu được phủ kín.

- Bố ơi!

Bọn ác ôn lấy khăn tay nhét vào mồm Anh Cơ đang kêu khóc thảm thiết và mồm ông già Trịnh vẫn chưa hết nỗi bàng hoàng, khiến hai bố con đến thở còn không nổi chứ đừng nói chi đến chuyện kêu to.

Một chốc sau, hai người bị đưa đến bến thuyền. Chúng chuyển hai người lên thuyền, không biết chở đi đâu.

Nằm trong chiếc kiệu phủ kín mít chở trên thuyền, miệng, tai bị nét giẻ, mắt bị bịt lại, cả ông lão Trịnh và cô con gái đều mê man bất tỉnh. Tên đàn ông đeo mặt nạ, ra lệnh với giọng rắn đanh:

- Chèo thuyền ra khơi nhanh lên!

- Dạ.

Cùng với tiếng mái chèo khua bì bõm, chiếc thuyền vượt sóng lớn tiến đầu ra biển khơi.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx