sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 8: Quét Sạch Bọn Cướp Biển

Nhà của tên Chu dưới ánh trăng trông sơ sài, hoang dã. Đó là một căn nhà tranh lụp xụp, xung quanh không có cây cối. Họ Chu ân cần mời mọc. Cả đoàn người bước lên ngồi vòng tròn trên nền nhà thuộc gian phía trong. Chu Nhật Thường vào trước, ngồi xuống và mời mọi người:

- Nào xin mời các vị an tọa. Nhà cửa lúi xùi quá, mời khách vào thế này, cảm thấy rất áy náy. Hà, hà, hà…

Tiêu Vĩnh Vạn nhìn thấu ruột gan của Chu Nhật Thường đang lớn tiếng cười hô hố, bèn nói:

- Đâu phải thế. Chúng tôi lâu lắm mới bước lên bờ, được vào nhà ngồi như thế này đã cảm thấy mình trở lại với cuộc sống thanh bình.

Một chốc sau, người hầu mang một mâm lớn vào đặt ở giữa nhà.

Chu Nhật Thường lớn tiếng ra lệnh như để tỏ rõ uy thế của một chủ nhân:

- Nào chúng mày đâu, hôm nay nhà ta lần đầu tiên có nhiều khách quý đến. Chúng mày phải sửa soạn mâm rượu cho chu đáo nghe!

Tiêu Vĩnh Vạn bèn đứng dậy, làm trò khôi hài.

- Mới gặp nhau lần đầu mà đã cảm phiền chủ nhân, thật là không phải. Xin lỗi, nhà đi cầu ở chỗ nào?

Chu Nhật Thường thấy bộ dạng của Tiêu Vĩnh Vạn có vẻ chướng mắt, bèn ra hiệu bảo:

- Nhà cầu ở đằng trước kia kìa.

Tiêu Vĩnh Vạn có ý dùng tay phải nắm lấy lưng quần, đứng dậy:

- Xin thất lễ một chốc.

Nói đoạn, bước ra ngoài, vào cầu tiêu ngồi đưa mắt quan sát xem bọn khiêng kiệu đã khiêng về cái gì.

Nhưng cả bọn chúng vẫn còn ngồi nguyên tại chỗ. Ngồi trong nhà xí một chốc, mùi thối cứ xộc vào mũi không sao chịu được. Tiêu Vĩnh Vạn phải lấy tay bịt mồm bịt mũi, chịu cho muỗi đốt khắp người.

Một lát sau, bọn khiêng kiệu đặt chiếc kiệu ở chỗ phía sau chân, rồi vặn lưng cho đỡ mỏi. Một tên thốt lên:

- Ái dà, suýt chết!

Một tên khác nhìn đồng bọn của chúng:

- Mẹ kiếp, chẳng khử cho nhanh đi còn chờ cái gì. Có ai trông thấy mà sợ.

Bọn khiêng kiệu mở cửa kiệu, lôi từ trong ra hai mạng người và mang vào trong phòng phía đông cầu tiêu.

Từ trong cầu tiêu nhìn qua khe cửa, Tiêu Vĩnh Vạn thấy rõ cảnh tượng ấy, bèn từ từ đứng dậy đi ra và quay trở vào nhà.

- Xin lỗi các vị. Tôi thất lễ quá.

Chu Nhật Thường mở to mắt liếc nhìn Tiêu Vĩnh Vạn, nói:

- Vị khách này trông có vẻ đau bụng thì phải.

- Bụng đau, chân đau, tôi thật mang bệnh đầy người, khổ quá!

Chu Nhật Thường cười hì hì, mời rượu mọi người:

- Nào các vị khách đã quá bữa. Xin mời quý vị một chén.

Nói đoạn, như để mọi người yên tâm, y cầm chén rượu đặt trên mâm lên uống cạn một hơi.

Hoàng thúc và Lý công tử nhìn Tiêu Vĩnh Vạn. Tiêu Vĩnh Vạn nháy mắt ra hiệu cứ yên tâm uống đi không sao.

- Xin phép chủ nhân.

Tiêu Vĩnh Vạn nói đoạn, đưa chén lên uống cạn một hơi, xong đưa chén đó mời chủ nhân:

- Xin mời chủ nhân một chén. Rượu ngon quá.

Chu Nhật Thường nhận chén rượu nói:

- Rượu này là rượu cao lương đấy. Uống vào không sợ nhức đầu đâu.

Hoàng thúc nghe nói rượu cao lương, cảm thấy lạ tai, bèn cầm chén rượu đặt trên mâm lên nhìn và nói:

- Tôi đến đây được uống rượu cao lương và được sống.

Chu Nhật Thường không trả lời câu nói đó mà liếc mắt nhìn Tiêu Vĩnh Vạn:

- Giọng nói của ông hoàn toàn khác với giọng nói của nước Đại Việt. Chẳng hiểu vì sao vậy?

Chu vừa nói vừa hấp háy cặp mắt.

Tiêu Vĩnh Vạn trả lời:

- Vâng, tôi sinh ra ở nước Đại Việt, nhưng đã sống khá lâu trên đất nước Cao Ly này.

- Thế à.

- Nghe giọng nói của chủ nhân, chúng tôi đoán có lẽ là người nước Tống. Có phải không ạ?

- À, à…

Chủ nhân ấp úng không trả lời, bèn rón rén đứng dậy nói:

- Tôi … ra ngoài một tý sẽ trở lại. Xin mời quý khách cứ tự nhiên.

Tiêu Vĩnh Vạn đoán rằng tên ác ôn này bắt đầu hành động, bèn giả vờ say, mắt hấp háy, khoát tay nói:

- À, xin mời chủ nhân cứ yên tâm đi, chốc sau trở lại nhé.

Sau khi tên Chu đầu lĩnh đi ra ngoài rồi, Tiêu Vĩnh Vạn bèn rỉ tai Hoàng thúc và Lý công ty điều gì đó.

Lúc này, người hầu mang thêm rượu và thức ăn vào sắp đầy lên mâm.

Người hầu lấy rượu vốn đặt sẵn trên bàn đưa xuống gầm bàn dọn đi mấy đĩa thức nhắm cũ sau đó mới đem rượu và thức nhấm mới đặt lên bàn rồi định bước ra.

Tiêu Vĩnh Vạn nhắm mắt lim dim, đưa một chén ra nói:

- Này cậu kia ơi, rót cho tôi một chén đi.

Nhìn diện mạo của người này có thể thấy rõ hắn là một tên đao phủ chứ không phải một người hầu rượu. Thân hình hắn vạm vỡ, to béo, hai mắt xếch ngược, trông người gân guốc dữ tợn.

- Dạ vâng, tiện nhân xin rót rượu mời quý khách. Xin quý khách uống thoải mái.

Nói đoạn, hắn rót rượu vào chén của Tiêu Vĩnh Vạn, rồi lần lượt rót đầy các chén đặt trước mặt mọi người. Xong hắn đảo mắt nhìn một lượt khắp bàn rượu và nói:

- Chà… Xin mời quý vị uống rượu. Vị chủ nhà chúng tôi sắp vào rồi đấy ạ.

Nói xong hắn cúi đầu chào và đi ra ngoài.

Từ gian nhà này đi về phía đông khoảng một trăm bước, có một mỏm đá nhô ra. Bên dưới mỏm đá, bọn người ở đây đã đào một cái hầm lớn, bên trong xây một nhà hầm, rộng khoảng một trăm pyrong 1. Bốn tường xung quanh nhà hầm thắp đèn sáng trưng.

Tiết trời tháng sáu nóng nực. Chu Nhật Thường mình trần chỉ mặc độc cái quần đùi. Y tập hợp khoảng hơn ba mươi lâu la đến để ra oai. Bọn chúng rải chiếu trong nhà hầm, mạnh đứa nào đứa nấy ngồi duỗi chân la liệt. Tên Chu cho tay chân đổ thuốc độc vào trong rượu và bưng đến mời đoàn năm người của Hoàng thúc uống xong quay về đây ngồi chờ để bắt giết họ. Chờ mãi không thấy Son Chin, tên mang rượu và thức nhắm đến cho khách quay trở về. Chu Nhật Thường có vẻ sốt ruột.

- Thằng Son Chin sao chưa về? Cứ mang rượu đến bày lên đó rồi về nhanh, còn ba hoa cái trò gì ở đấy nữa?

Một tên lâu la ngồi trước mặt vụt đứng dậy.

- Thưa đầu lĩnh, để tiểu đệ xin đi ra xem sao.

- Không được. Chúng mày cứ đi lại vô tích sự, đánh động chúng nó biết hết. À nhưng mà chúng nó là một lũ chuột một mắt, ta có thể làm gọn.

Đúng vào lúc đó. Son Chin mang chiếc mâm không xuống, mở cửa nhà hầm bước vào.

Chu Nhật Thường vừa nhìn thấy Son Chin bước vào đã quát to:

- Sao lâu thế? Mày lại ba hoa cái gì ở đó chứ gì.

- Thưa không ạ. Bọn họ đã say mèm cả rồi, trông thấy tiểu đệ lại còn đòi rót cho mỗi người một chén to rượu nữa, nên mới về muộn.

- Thế được đấy! mấy thằng điên ấy, ta sẽ sớm ném chúng xuống biển làm mồi cho cá.

Tiếng khóac lác một mình của Chu Nhật Thường vang lên đập vào bốn bức vách của căn hầm. Không ai nói câu gì. Bọn cướp của giết người nào cũng thế, chúng chỉ tỏ ra nghiêm túc với công việc cướp đi mạng sống của con người ta. Không khí trở nên trầm lặng. Tên Chu lại ra lệnh:

- Thằng Son Chin đâu, mày ra xem động tĩnh của chúng nó thế nào rồi về đây báo cho ta!

- Vâng ạ.

Son Chin lại vào phòng khách. Hắn bước đi rón rén, lặng lẽ đến cửa sổ phía sau nhìn vào trong nhà quan sát.

Trong phòng, những ngọn đèn dầu cáy loe lét. Trên bàn rượu mấy đĩa thức nhắm mà hắn mang đến đều hết nhẵn, các chén rượu nằm chỏng chơ. Như vậy rõ ràng bọn người này đã ăn uống sach. Không những thế, cả đám người say rượu nằm lăn quay, ngổn ngang chỗ này mấy mống, chỗ kia mấy mống. Thừa lúc khách nằm vật ra yên lặng, một con mèo nhảy lên bậu cửa đứng kêu "meo, meo". Nó nhìn xem động tĩnh trong phòng như định ăn trộm các thức nhắm còn thừa, nhưng bất ngờ nó bắt gặp ánh mắt của Son Chin từ khe cửa liếc nhìn vào, thế là nó biến mất ra sân.

Son Chin nhìn thấy cảnh tượng giống như những xác chết nằm thẳng đờ, hắn cảm thấy lo lắng như có điều gì chẳng lành đang ập đến. Mặt hắn bỗng tái nhợt. Hắn ù té chạy.

Son Chin nhảy bổ vào căn nhà hầm.

- Thưa đầu lĩnh! Xong hết cả rồi a.

Chu Nhật Thường ngồi mé dưới gần bếp trong căn nhà hầm trợn tròn mắt:

- Thằng này, mày bảo xong hết cái gì?

- Dạ thưa, rượu và thức nhắm tiểu đệ bưng lên lúc nãy, họ đã ăn uống hết ráo, rồi nằm lăn quay ra hết.

Nghe nói vậy,tên Chu tỏ vẻ yên tâm, bèn đứng dậy.

Hắn đã lập kế gian định quẳng những người nằm quay lơ kia xuống biển. Trước hết hãy cho lấy dây thừng trói chặt họ lại rồi ném xuống nước thế là xong. Mấy thuyền viên còn lại ngoài biển, sẽ cho bọn lâu la ra diệt nốt. Như vậy, hôm nay mọi việc sẽ vạn sự đại thành. Hắn nghĩ vậy và cảm thấy hí hửng trong lòng.

- Bây giờ chúng mày hãy đến lấy dây thừng đi trói những thằng đã ngã lăn ra trong phòng, xong đem ném xuống biển sâu cho ta, rồi về đây báo cho ta biết.

Bọn lâu la trong nhà hầm không biết nghĩ thế nào, đã định mang mã tấu và giáo mác đi theo.

Nhìn thấy thế, Chu Nhật Thường tỏ vẻ không hài lòng.

- Này, đi trói những thằng ốm, thằng chết mà chúng mày vác giáo mác đi làm gì.

Bọn lâu la nghe vậy, cười nhăn nhở. Chúng đặt giáo mác, mã tấu cuống, đi tay không ra ngoài. Tên Chu có vẻ nghĩ ngợi điều gì, cũng đi ra ngoài, vượt lên trước, bước vào phòng khách. Hắn nhìn thấy cảnh tượng đúng như lời Son Chin nói, tất cả đều nằm. Hơn ba mươi tên lâu la đi theo sau bước vào. Vừa lúc định lấy dây thừng ra trói, bỗng từ phía ngoài vang lên những tiếng kêu thất thanh: "Ối! ối!". "Ối! ối!.", giống tiếng nhiều người bị đánh nằm gục kêu la.

Bọn lâu la trong phòng thấy xảy ra chuyện bất ngờ, vội hốt hoảng quay lại nhìn phía sau.

Đúng vào lúc đó, trong phòng cũng vang lên tiếng kêu rống "Úi giời ơi". Trong khoảng khắc đó, cả trong nhà và ngoài sân đều đã trở nên náo loạn đấm đá túi bụi. Hơn ba mươi tên lâu la bị đánh ngã gục. Những tên còn lại không còn đường thoát thân, bí quá đành cắm đầu xuống sàn nhà để tránh đòn sấm sét, giống như những con chim chính bị chim ưng săn đuổi.

Chu Nhật Thường ở trong phòng bị một nhát dao găm của Lý công tử đâm vào vai, máu chảy lênh láng, định nhảy trốn ra cửa sau, bỗnh nhanh như cắt. Tiêu Vĩnh Vạn chạy đến, bằng miếng võ cao cường đá thốc vào bụng hắn, kiến hắn bay lên không trung rồi ngã chúi cổ xuống con suối ở phía sân sau.

Lý công tử cùng với Tiêu Vĩnh Vạn và các tráng đinh, tất cả đều chạy tới, lấy dây thừng do bọn cướp mang đến, trói gô chúng lại. Thật đúng như câu ngạn ngữ "dây ông trói tay ông".

Hơn hai mươi tên lâu la bị bắt trói được dẫn đến.

Các tráng đinh mang những cây đèn dầu và nến ở trong phòng ra thắp sáng cả khoảng sân rộng.

Cùng với ánh trăng chênh chếch về tây, các ngôi sao cũng nhấp nháy tỏa sáng xuống đảo Xương Lân. Gió từ biển thổi vào, làm dịu đi đêm hè oi ả.

Tiêu Vĩnh Vạn và Lý công tử vào khám xét căn nhà hầm của bọn cướp.

Hai người sực nhớ tiếng rên của người con gái mà họ đã nghe thấy ở bến thuyền.

Họ bước vào một phòng xép phía sau, mở toang vửa ra. Lý công tử rọi chiếu đèn nến vào, thấy có hai người bị trói chặt bằng dây thừng đang thoi thóp.

"Hình như đang còn sống".

Tiêu Vĩnh Vạn đến gần thấy có một ông già trạc khoảng trên năm mươi và một cô gái trẻ khoảng hai mươi tuổi. Tiêu Vĩnh Vạn đến mở trói cho họ. Bọn cướp đã trói thít họ lại không chút thương xót.

Nhưng họ vẫn chỉ kêu rên quằn quại.

Tiêu Vĩnh Vạn đưa hai tay ôm lấy ông già dìu đứng dậy, nói:

- Chúng ta hãy bế họ vào phòng lớn kia. Có lẽ bọn cướp đã làm cho họ quá hoảng sợ, hồn vía bay hết lên mây rồi. Nhưng không bị thương, chắc không sao đâu.

Lý công tử cũng đặt cây nến cầm trên tay xuống, bế cô gái đưa vào phòng.

Hoàng thúc nhìn thấy họ tỏ vẻ xót thương.

- Tội nghiệp quá, nhưng hình như chưa việc gì.

Lý công tử nhìn họ vẫn nằm nguyên trên sàn gỗ rên rỉ, bèn nói:

- Vâng, không có việc gì đâu ạ. Có lẽ một chốc nữa họ sẽ tỉnh lại thôi.

- Ta xuống thuyền lấy thuốc lên cho họ uống đi.

Lúc này, Lý công tử mới nhớ ra, bèn gọi một tráng đinh đến ra lệnh:

- Nhà ngươi về thuyền mang gói thuốc để trong khoang và gọi năm người nữa lên đây. Nhà ngươi bảo với số còn lại đêm nay không được ngủ, phải trông giữ thuyến cẩn thận cho đến sáng ngày mai, nghe rõ chưa.

- Vâng ạ.

Người tráng đinh trả lời xong vội chạy đi.

Hoàng thúc ngồi trông coi ông già và cô con gái. Còn Tiêu Vĩnh Vạn và Lý công tử đi lôi tên đầu sỏ toán cướp Chu Nhật Thường về.

Hai người xét hỏi tên đầu sỏ và bọn lâu la, kết quả đã biết rõ được đầu đuôi sự việc.

Họ biết được có một nhân viên công vụ giữ chức thừa lại của huyện này đã dính líu vào vụ việc này như thế nào, và còn biết được sáng ngày mai, viên thừa lại họ Trương sẽ đến sào huyệt của bọn cướp.

Họ thức suốt đêm, lấy thuốc bôi vào các vết thương của bọn cướp, chữa chạy cho chúng xong trói chúng lại và đưa chúng vào nhà hầm.

Nhà hầm chỉ có một cửa ra vào độc nhất, nên nhốt bọn cướp vào trong này rất thuận tiện chi việc canh gác.

Sáng ngày hôm sau, qua lời khai của bọn cướp, Hoàng thúc biết được sự thật, càng thương xót cho cảnh ngộ của hai bố con ông già.

Ông già họ Trịnh và cô con gái nằm trong phòng đã tỉnh lại. Cô con gái vừa khóc thút thít, vừa lấy tay xoa bóp lên những chỗ bầm tím trên người bố do dây thừng bọn cướp thít chặt. Nhưng ông lão họ Trịnh vẫn còn đau buốt khắp người, chưa cử động được.

- Bố ơi, bố có làm sao không bố ơi.

Ông già Trịnh hai mắt lim dim, nói vớ cô con gái giọng yếu ớt:

- Bố đã già rồi không sao đâu. Con có làm sao không?

- Con cũng không sao bố ạ.

Bên ngoài cánh cửa mở toang, có hai người tráng đinh đang đứng gác, nên hai bố con sợ sệt chỉ dám thì thầm nói chuyện với nhau.

Cả ba người Hoàng thúc, Tiêu Vĩnh Vạn và Lý công tử cùng bước vào phòng. Tiêu Vĩnh Vạn mỉm cười.

- Hôm qua, lão nhân và quý cô nương đau đớn quá. Nay bọn cướp đã bị bắt gọn toàn bộ rồi, xin lão nhân và quý cô nương yên tâm.

Nhưng hai bố con chưa hết nỗi bàng hoàng, không hiểu đầu đuôi sự thể ra sao, nên chỉ biết hết nhìn Hoàng thúc lại nhìn Tiêu Vĩnh Vạn và Lý công tử, theo dõi cử chỉ của họ và giữ im lặng.

Hoàng thúc từ ngày còn ở trong nước đã có học tiếng Cao Ly, dù nói không được lưu loát, giọng còn trọ trẹ không được tự nhiên, vẫn cố biểu đạt tình cảm:

- Thưa… lão nhân đừng e ngại, chúng tôi không phải là những người xấu.

Ông già Trịnh Nhân Hưng là người có học thức rộng, có phẩm đức. Ông nhìn mọi người và qua giọng nói cũng như diện mạo, cử chỉ của họ, ông cảm thấy có phần vững tâm, bèn cuối rạp người nói:

- Chúng tôi có tội tình gì mà lôi chúng tôi đến đây như thế này. Xin quý đại nhân tha cho chúng tôi lần này và cho chúng tôi về nhà.

Giọng ông già nghẹn ngào, xen lẫn với tiếng rên rỉ. Tiêu Vĩnh Vạn cảm thấy rất thương tâm, đã chân thành an ủi ông để ông yên tâm.

- Không phải thế đâu ạ. Những kẻ đã đưa lão trượng đến đây là bọn cướp Chu Nhật Thường. Cả bọn chúng nay đã bị bắt giam trong căn nhà hầm ở phía sau kia. Còn đây, vị này là Hoàng thúc của nước Đại Việt, muốn sang sinh sống ở nước Cao Ly chúng ta.

Đến lúc này, ông lão Trịnh mới hiểu ra tất cả, bèn ngồi dậy chào.

- Thưa Hoàng thúc, xin cảm ơn Hoàng thúc, Hoàng thúc đã cứu sống hai cha con chúng tôi như thế này, công ơn đó chúng tôi biết lấy gì đền đáp.

Hoàng thúc chỉ còn biết nhìn hai bố con ông già đầu cúi rạp, Tiêu Vĩnh Vạn đứng bên cạnh bèn lựa lời an ủi:

- Xin lão trượng đừng lo lắng gì. Thừa lại họ Trương của xứ huyện này sắp đến bây giờ. Bắt được tên này, chúng ta sẽ cùng nhau đến gặp quan tri huyện.

Tiêu Vĩnh Vạn giãy bày hết mọi điều từ đầu đến cuối, ông lão họ Trịnh đã thực sự yên lòng. Lúc này người tráng đinh đứng gác bỗng hớt hải chạy vào nói:

- Thưa Lý công tử, có một chiếc thuyền đã cập bến.

- Ta biết rồi.

Tiêu Vĩnh Vạn mói đoạn, bèn đứng dậy quay về phía Hoàng thúc.

- Thưa Hoàng thúc, có lẽ tên thừa lại họ Trương đã đến. Tôi xin một mình đi ra bắt hắn lô về đây.

Lý công tử theo Tiêu Vĩnh Vạn bước ra ngoài, còn quay lại nhìn Hoàng thúc và nói:

- Thưa Hoàng thúc, tôi cũng xin đi cùng Tiêu đại nhân ra xem sao. Để Tiêu đại nhân đi một mình, không yên tâm.

Hoàng thúc mỉm cười suy nghĩ. Tiêu Vĩnh Vạn là người võ nghệ cao cường, lại có tài xuất quỷ nhập thần như vậy thì bọn Thừa lại họ Trương chỉ một dúm kia, ăn thua gì. Nhưng để Tiêu Vĩnh Vạn đi một mình là không phải đạo. Hơn nữa, nếu xảy ra chuyện gì bất trắc thì hối hận sao kịp.

- Phải đấy. Lý công tử cũng phải đi theo chứ.

Lý công tử dắt hai con đoản đao vào hai bên thắt lưng, đi theo sau Tiêu Vĩnh Vạn.

Sau khi tiễn Tiêu Vĩnh Vạn và Lý công tử đi rồi, Hoàng thúc bước vào phòng.

Các tráng đinh mang cơm sáng vào và lúc này ông già họ Trịnh cùng cô con gái Anh Cơ đã ăn xong.

- Sao lão nhân và quý cô nương ăn cơm ít vậy.

Giọng nói nhỏ nhẹ của Hoàng thúc bằng tiếng Cao Ly dù chưa sõi lắm, vẫn là giọng nói ân cần đầy tình nghĩa.

Ông già Trịnh tỏ vẻ rụt rè.

- Nhờ ơn phù hộ. Các vị đã cứu sống bố con tôi. Chúng tôi lại còn làm phiền quý vị như thế này thật là không phải lắm.

- Không có gì đâu. Cứu giúp nhau trong lúc hoạn nạn cũng là lẽ thường tình của con người ta ở đời thôi mà.

Ông già Trịnh đưa mắt liếc nhìn Hoàng thúc đang ngồi nói chuyện nhỏ nhẹ, cảm thấy Người là một bậc quý nhân chứ không phải chỉ là một người thường, bởi phong độ cao thượng của người, bởi ấn tượng và tiếng nói ôn hòa, ấm áp mà thanh cao của Người.

Cô con gái Anh Cơ đang ngồi khép nép một bên cũng trộm nhìn Hoàng thúc. Người là ân nhân đã cứu sống hai bố con mình. Cô nghĩ vậy, nên đối với cô, có lẽ Người không giống như một người nước ngoài, một người xa lạ.

Vào lúc ấy, đôi mắt của Hoàng thúc và đôi mắt của Anh Cơ tình cờ gặp nhau. Hoàng thúc bỗng tỏ ra bối rối.

- "A…"

Cả ông già và cô con gái đều đưa mắt nhìn về phía Hoàng thúc. Ông già có phần lo lắng hỏi:

- Lạy trời đất, chẳng hay Hoàng thúc có điều gì không được an tâm vậy?

Vẫn chưa hết nỗi bàng hoàng, Hoàng thúc đáp:

- À, không có gì.

Ông già và cô con gái cảm thấy có điều gì khác thường, khiến họ nghĩ đến điều chẳng lành. Phải chăng ông này đang hối hận là đã cứu sống chúng ta.

Song có vẻ như hai bố con ông già đã xóa đi tất cả những mặc cảm ấy, bởi lẽ những gì diễn ra chẳng phải đã hết sức rõ ràng đó sao. Hai bố con cúi đầu, mắt nhìn như dán xuống nền nhà.

Hoàng thúc như đọc đuợc những ý nghĩ trong lòng của hai bố con.

- Điều hiện giờ làm cho tôi ngạc nhiên là hình ảnh của quý nương sao mà giống như hai giọt nước với hình ảnh của một tiểu thư mà tôi đă từng quen biêt ở đất nước chúng tôi. Đúng như vậy, nên lần đầu gặp gỡ, tôi cứ ngỡ mình nhìn lầm.

Nghe nói vậy, hai cha con thở phào nhẹ nhõm. Lúc ấy, ánh mắt của Hoàng thúc và của cô gái lại bắt gặp nhau. Cô gái mỉm cười, cúi nhìn xuống đất. Chao ôi, hình ảnh của nàng sao mà giống hệt hình ảnh của Ngô Anh Cơ, một tiểu thư mà ta đã tùng bịn rịn chia tay ở Thuận Hoá làm vậy! Đúng rồi không sai, đây là hoá thân của Ngô Tiểu Thư.

Trong gian phòng chỉ còn lại sự trầm lặng. Cô gái nhìn bố nói giọng nhỏ nhẹ:

- Bố ơi, bố có làm sao không?

- À, bố không việc gì. Bố không bị gãy chân, gãy tay, thế là may lắm rồi.

Hoàng thúc nhìn những chỗ bị dây thừng thít chặt trên cánh tay, trên ống chân còn để lại những vết máu ứ tím bầm như sực nhớ ra điều gì, bèn móc trong túi lấy thuốc ra, đặt trước mặt ông già.

- Lão nhân hãy lấy thuốc này đắp vào những chỗ ứ máu, sẽ khỏi ngay thôi.

- Thế này thật phiền quý vị quá.

Ông già đưa hai tay ra đỡ gói thuốc và chuyển cho Anh Cơ.

Anh Cơ vẫn cúi mặt nhìn xuống, đưa hai tay đỡ lấy gói thuốc bố đưa cho.

Giữa lúc ấy, ngoài phía cổng có tiếng người nói lao xao.

Một lát sau, Tiêu Vĩnh Vạn và Lý công tử bước vào sân, theo sau là ba con người bị trói do tráng đinh giải về.

Ba tên bị bắt quỳ xuống sân.

Tất cả ánh mắt trong phòng đều đổ dồn về phía đó.

Bằng một giọng nghiêm khắc, Tiêu Vĩnh Vạn ra lệnh:

- Thằng bất lương kia, mày hãy ngước đầu lên nhìn ông già.

Chúng không cất nổi thân mình đã bị trói chặt. Khó khăn lắm chúng mới ngước nổi đầu lên. Ánh mắt của tên thừa lại họ Trương vấp phải ánh mắt của ông già.

Gã họ Trương và hai tên sai nha vừa nhìn thấy ông lão vội cúi gằm mặt xuống đất. Ông già Trịnh đưa ánh mắt oán hận nhìn y. Ông nhéch mép như tự nói một mình: "Đồ quân ăn ở bất nhân!"

Vì Hoàng thúc chưa hiểu rõ hết sự thể đầu đuôi, nên Tiểu Vĩnh Vạn phải kể lại câu chuyện để Hoàng thúc nghe:

- Viên thừa lại họ Trương này đã thoả thuận với Chu Nhật Thường, sáng ngày hôm sau hắn đưa tên sai nha tâm phúc đến dò xét động tĩnh nhà ông lão họ Trịnh thì thấy đúng như mưu đồ do chúng sắp xếp. Hai bố con bị mất tích, ngôi nhà lớn trở nên trống trơn. Mọi việc đã diễn ra nhanh gọn, ngay đến nhà bên cạnh cũng không hay biết. Nếu mọi việc diễn ra theo đúng mưu kế của Chu Nhật Thường thì giờ đây có lẽ thân ông già Trịnh đã chìm sâu dưới đáy biển rồi. Còn Anh Cơ thì đuợc Thừa lại họ Trương vớt lên cứu sống, lẽ tự nhiên sẽ phải về ở với hắn và hắn sẽ nghiễm nhiên cướp gọn cả gia tài của ông họ Trịnh. Cả ngôi nhà lớn kia cũng sẽ nằm gọn trong tay hắn…

Hắn mơ tưởng như vậy và chạy ra đảo Xương Lân…không ngờ ăn phải nắm đấm như trời giáng của Tiêu Vĩnh Vạn, nên hắn mới phải cụp tai như thế kia.

Bình nhật, Hoàng thúc rất điềm đạm. Nhưng hôm nay lại nghe tường tận câu chuyện, Người không nén nổi cơn phẫn nộ, bèn quay sang Lý công tử.

- Lý công tử hãy sai hai tráng đinh sang lôi cổ tên Chu Nhật Thường về đây để đối chất với tên kia.

- Thưa vâng.

Hai tráng đinh được lệnh vội chạy về phía căn nhà hầm. Một chốc sau họ đã lôi Chu Nhật Thường ra sân.

Tên Chu không nén nổi đau đớn nơi các vết thương trong đêm qua, mặt nhăn nhó, đến quỳ xuống phía trước mặt Thừa lại họ Trương cũng đang quỳ ở đó.

Ánh mắt hai bên vừa gặp nhau, Chu Nhật Thường tỏ vẻ vẫn còn muốn theo đuổi kế hoạch nào đó để được sống sót. Hai mắt hắn ứ lệ, chảy lăn xuống mặt. Còn Trương thừa lại, thường ngày hay to tiếng quát tháo, đồng loã với Chu Nhật Thường tiến hành những vụ cướp biển, và bản thân hắn cũng đã từng đi ăn cướp một mình may mà còn được vô sự. Bây giờ hắn tỏ vẻ buồn bã, coi như ngày tàn của hắn sắp kết thúc. Đầu hắn cúi gầm xuống đất. Nhìn cảnh tượng đó, Tiêu Vĩnh Vạn hỏi:

- Trong chúng mày, đứa nào chủ trương đi ăn cướp trước?

Tên Thừa lại và Chu Nhật Thường vẫn cúi gục đầu xuống đất im lặng.

Tiêu Vĩnh Vạn đã nghĩ ra rồi. Xét tất cả các mưu gian mà chúng đã bày ra tối hôm qua thì có nhiều chứng cớ cho thấy Chu Nhật Thường là thủ phạm, còn Thừa lại họ Trương là đứa đồng loã với mưu gian lường gạt của tên kia.

- Chu Nhật Thường, đầu tiên chính mày đã lừa phỉnh tên thừa lại họ Trương kia để bày trò ăn cướp, có phải không?

- Dạ thưa, không phải thế.

Tên thừa lại họ Trương nghe Chu Nhật Thường nói vậy, bèn ngước đầu lên nhìn hắn với cặp mắt căm thù.

Hoàng thúc lắc đầu nói:

- Tướng mạo của tên kia trông rất bất nhân. Thừa lại họ Trương, nhà ngươi ăn bổng lộc của nhà nước, mà không biết phận trung thành đã là có tội rồi. Đằng này làm sao nhà ngươi lại đang tâm cấu kết với bọn cướp tàn ác vô đạo, đi ăn cướp của lương dân như vậy?

Thừa lại họ Trương cúi đầu gập xuống đất van lơn:

- Thưa, tội con đáng chết, chỉ dám mong được tha cho lần này.

- Ta không có quyền gì để tha hay không tha tội của nhà ngươi. Ta chỉ là người muốn đến sống ở đất nước nhà ngươi. Thế nhưng, tội của nhà ngươi và của tên kia là quá nghiêm trọng, cho nên ta phải tâu lên triều đình xem xét.

- Thừa lại họ Trương chừng như đã hiểu tất cả, đầu hắn cúi gằm xuống đất, nín im thin thít.

Hoàng thúc nhìn Tiêu Vĩnh Tường đang đứng bên cạnh nói:

- Tiêu đại nhân, thế này thì ta phải đưa nhanh tất cả bọn cướp lên thuyền và chở vào trấn Ủng Tân ngay thôi.

- Thưa vâng!

Lý công tử cũng quay sang Tiêu Vĩnh Vạn:

- Tiêu huynh xem, chúng ta có cần để lại một số tráng đinh của chúng ta trên đảo này không?

- Vâng đúng thế, chúng ta cần để khoảng năm người để canh gác nơi đây.

Các tráng đinh áp giải Chu Nhật Thường, Thừa lại họ Trương và khoảng hơn ba mươi tên lâu la lên thuyền, đứng canh giữ chúng đồng thời đưa ông già và Anh Cơ vào khoang trong.

Sau khi mọi công việc sắp xếp xong xuôi, thuyền nhổ neo, nhằm hướng trấn Ủng Tân xuất phát.

Mặt trời tháng sáu từ phía đông nhô lên tỏa chiếu xuống mặt đất, cái nóng đã bắt đầu bốc lên hầm hập. Đó đây, dưới bóng cây trong các sân nhà, trẻ con cởi trần trùng trục, chơi đùa say sưa với các trò chơi của chúng. Những con chó nằm cạnh đấy lè lưỡi thở hổn hển, chứng tỏ mới sáng sớm mà trời đã nóng như một cái nồi rang.

Thông thường quan huyện Ủng Tân không ra công đường vào những ngày nắng nôi như thế này. Nhưng hôm nay quan huyện lại ra xem xét các công việc lớn nhỏ còn đọng lại chưa xủ lý xong.

Quan huyện cho gọi một sai nha đến hỏi:

- Thừa lại họ Truơng chưa đến à?

Người sai nha quỳ phủ phục, đầu gục xuống.

- Dạ thưa quan lớn, chưa đến ạ.

Quan huyện chau vầng trán, khiến cho khuôn mặt của ông vốn đã nhăn nheo càng nhăn nheo thêm.

- Tại sao bây giờ chưa đến? Bây đâu, đến nhà thừa lại họ Trương xem sự thể ra sao rồi về báo cho ta biết!

- Bẩm vâng.

Người sai nha trực phiên cử một anh lính đi thăm dò.

Vừa lúc ấy, một người lính đưa một bà lão đến trước mặt người sai nha trực phiên.

Bà lão này là người bà con với ông già họ Trịnh. Bà ta đến thăm nhà ông già, nhưng nhà vắng teo, đang lo không biết ông bố và cô con gái đi đâu, thì có một ông lão ở cách nhà ông gìa Trịnh không xa nói rằng ông ta thấy đêm hôm qua có một toán người ăn vận giống như một lũ cướp đã bắt ai đó nhốt lên kiệu rồi khiêng đi.

Bà cụ già họ Hồng này không giấu nổi nỗi lo lắng, đã đem chuyện này kể lại cho người lính tuần đi ngang qua, và tiếp tục tìm kiếm tứ phương. Nhưng lạ lùng thay, không thể nào biết được hành tích của bố con ông lão họ Trịnh, do đó bà đã đến cửa quan để bẩm báo việc này.

Người sai nha trực phiên sau khi nghe hết đầu đuôi câu chuyện đã trình lên quan huyện.

Quan huyện rất đỗi sửng sốt.

- Nhà ngươi nói cái gì?

- Hiện nay bà lão họ Hồng đang chờ ngoài kia là chỗ bà con với nhà ông lão Trịnh, đã cùng với một lính tuần tra họ Kim của huyện đường chúng ta đi tìm khắp mọi nơi, nhưng vẫn không tìm ra tung tích ông già và cô con gái. Theo lời một ông già nhà bên cạnh, thì hai bố con ông lão đã bị một bọn cướp bắt cóc mang đi rồi.

Quan huyện nghe đến đây, bỗng có một dự cảm khác thường. Tại sao thừa lại họ Trương vẫn chưa thấy đến."Con quạ vừa bay, quả lê đã rụng".

Việc này thế tất có liên quan đến những lời đồn đại về quan hệ tài sản mờ ám giữa y với ông già Trịnh mà quan huyện đã nghe được và đã có lần nhắc nhở y. Nếu ngộ nhỡ hắn mang danh một quan chức nhà nước mà làm điều thất đức với bố con ông lão, thì… Quan huyện suy nghĩ miên man rồi ra lệnh cho quan đô giám họ Phác, là người có theo dõi về những lời dị nghị này phải dò tìm tung tích của hai bố con ông già họ Trịnh.

Thời gian từng khắc, từng khắc trôi qua, nhưng không một người nào tìm ra được tung tích của họ.

Giữa lúc Quan huyện không còn cách nào khác, đã dứt khoát quyết định dán yết thị khắp nơi và trình báo việc này lên An Tây Đô hộ phủ, thì viên nha lại trực phiên chạy đến:

- Thưa quan lớn, có một vị là Lý Long Tường, Hoàng thúc của một đất nước có tên Đại Việt Hoàng quốc đã đưa theo hai mươi mốt người thân nhân đi thuyền đến xin cư trú vĩnh viễn tại xứ sở của chúng ta. Hiện nay thuyền đang đậu ở cửa lạch trước. Các vị ấy đã tìm đến xin gặp và báo với quan lớn nhiều sự việc.

Trước việc này, quan huyện cảm thấy rất khó nghĩ. Giữa lúc có việc rắc rối xảy ra bất ngờ, đang phải dốc sức vào đây như thế này, nếu không phải là Quốc khách, ai đến cũng không thích: Nhưng dù sao thì việc cũng đã rồi.

- Nhà ngươi nói vị ấy là Hoàng thúc của Hoàng Quốc Đại Việt đến đây xin định cư à?

- Thưa đúng như vậy.

Quan huyện tỏ vẻ không sốt sắng gì, bèn chép miệng nuốt nước bọt đắng nghét.

- Vậy đưa các vị ấy vào đây.

Người sai nha hướng dẫn ba người khách đến trước mặt quan huyện.

Tiêu Vĩnh Vạn bước đến trước mặt quan huyện lễ phép cúi chào.

- Xin vấn an quan lớn. Ngài Lý Long Tường, Hoàng thúc của nước Đại Việt cùng công tử Lý Quân Tất và các vị trong hoàng tộc muốn xin đến quý quốc để sinh sống. Rất mong quý quốc bao dung cho đuợc định cư.

Quan huyện chăm chú nhìn họ. Vẻ mặt và hình dáng của những người ngày trong giống người nước Cao Ly. Chợt nghĩ ra điều gì, quan huyện nói:

- Các vị đi đường xá xa xôi chắc vất vả lắm. Tôi đuợc biết Hoàng Quốc Đại Việt là một nước ở phía Nam xa xôi. Xin muốn biết Đức Hoàng thúc tôn quý sao lại tìm đến tận nước chúng tôi.

- Xin lỗi cùng quý vị. Tôi là Lý Long Tường, Hoàng thúc của nước Đại Việt. Ở nước chúng tôi giờ đây Vương triều nhà Lý đã suy vong, được thay bằng triều đại nhà Trần. Không còn cách nào khác, tôi đành phải rời bỏ cố quốc ra đi. Tôi đã quyết tâm đến đây, gởi thân nơi quý quốc, một đất nước mà tôi hằng ngưỡng mộ bấy lâu nay.

Lý công tử cũng tiến lên phía trước chào quan huyện:

- Tôi là Lý Quân Tất.

Quan huyện vuốt vuốt bộ râu, hết nhìn người này lại quay sang nhìn người khác.

Rõ ràng vị Hoàng thúc có diện mạo đoan chính, phong độ cao thượng đáng để nhiều người chiêm ngưỡng.

Quan huyện có thói quen không bỏ đuợc là khi nói chuyện thường hay vuốt râu. Ông vuốt vuốt bộ râu dài một chặp, ho khan một tiếng rồi nói:

- Xin mời Hoàng thúc lên đây ngồi.

Ông mời Hoàng thúc ngồi lên ghế trên bên cạnh mình.

Người lính hầu mời Hoàng thúc ngồi trên tấm đệm bọc lụa.

- Xin cảm ơn sự hậu đãi của quan huyện.

Hoàng thúc bước lên chỗ ngồi, lễ phép quay sang quan huyện, mỉm cười bày tỏ niềm kính trọng.

- Không có gì đâu. Hoàng thúc quá lời.

Tiêu Vĩnh Vạn bước lên phía trước nói với quan huyện.

- Bẩm quan lớn, chúng tôi xin đến quý quốc sống nhờ cố nhiên là điều quan trọng. Nhưng có một chuyện khẩn cấp xin được thưa ngay cùng quan lớn.

Quan huyện nghe nói vậy bèn nghĩ đến chuyện khẩn cấp đang đè nặng trong lòng. Nếu không tìm ra được tung tích bố con ông già họ Trịnh và chỗ ẩn náo của Trương thừa lại, thì bản thân mình là người cai quản địa hạt này bị mất thể diện đã đành lại còn phải chịu trách nhiệm nặng nề. Nỗi khổ tâm ấy lại dấy lên dày vò tâm can ông.

- Quý ông có nói đến chuyện khẩn cấp, vậy là chuyện gì? Có yêu cầu gì không?

- Không ạ. Chúng tôi không có yêu cầu gì. Chỉ xin hỏi ở địa hạt này, có ai là thừa lại họ Trương và có người nào tên là Trịnh Nhân Hưng không?

Đó là những việc trọng mà bản thân quan huyện đang cố sức tìm cách để nắm biết. Ông tỏ vẻ sốt ruột bèn nói:

- Vâng có đấy. Thế ra các ông biết những người đó à.

Tiêu Vĩnh Vạn thuật lại những việc mà họ đã làm đêm hôm qua và cho biết hiện nay toàn bộ bọn tội phạm đã bị trói lại đưa lên thuyền áp giải về đây; và ông già họ Trịnh cùng cô con gái đã được cứu thoát.

Quan huyện bất ngờ nghe được những điều do Tiêu Vĩnh Vạn kể lại, tỏ vẻ rất áy náy. Ông trút một hơi thở dài nhẹ nhõm.

- Tiểu quan có thiếu sót, suýt mang hoạ lớn. Cũng may nhờ có quý nhân từ nơi xa xôi đến cứu giúp cho, nếu không nỗi bất hạnh chắc khó lườn. Sự việc xảy ra quá đột ngột, đã làm cho cả huyện trấn suýt bị náo động lên. May nhờ có quý vị giúp đỡ hộ cho một việc lớn lao như vậy. Công ơn to lớn đó biết lấy gì để đền đáp lại quý vị.

Hoàng thúc nhìn viên quan huyện:

- Thưa đâu dám. Chúng tôi là những người xấu số, xin đến nương nhờ quý quốc, thấy xảy ra những chuyện chẳng lành mà lòng cứ bức rứt không yên.

Tiêu Vĩnh Vạn nói với Hoàng thúc:

- Thưa Hoàng thúc, bọn cướp nay còn ở trên thuyền, vậy xin cho dẫn độ chúng đến đây để trao lại cho quan huyện, có đuợc không ạ?

Quan huyện thấy Hoàng thúc còn đang chần chừ chưa biết nói thế nào, bèn buộc mồm thỉnh cầu Hoàng thúc:

- Xin Hoàng thúc hãy có lời chỉ bảo. Xin Hoàng thúc hãy giao lại bọn cướp cho bản quan. Được thế bản quan lấy làm cảm ơn lắm lắm.

- Quan huyện khiêm nhường quá.Tất nhiên chúng tôi áp giải bọn chúng đến đây cũng là để đuợc giao lại cho quan huyện.

Hoàng thúc lại nhìn Lý công tử và Tiêu Vĩnh Vạn:

- Theo lời của quan huyện, vậy hai vị hãy đi cùng với các vị quan viên trong huyện đường ra bến thuyền bàn giao bọn cướp.

Quan huyện không giấu nổi nỗi vui mừng, song cũng biết rằng sau khi việc mong đợi của huyện mình đuợc đáp ứng rồi, không thể không nghĩ đến việc phải đối xử như thế nào với những người ngoại quốc đến xin cư trú ở đây.

Quan huyện quay về phía Hoàng thúc nói:

- Tôi thật có nhiều điều thất lễ với các vị quý khách từ nơi xa xôi đến đây. Chỉ mãi lo bàn đến những việc khẩn cấp của bản quan mà quên khuấy đi mất những điều bận tâm của quý khách.

Nói đoạn, quan huyện gọi một người nha lại đến ra lệnh:

- Nhà ngươi đi nhanh đến nhà khách ngoài cửa đông, sửa soạn phòng để 21 khách ở, nhà người còn phải dọn dẹp thật sạch sẽ phòng sang để chuẩn bị đón Hoàng thúc đến đó. Nghe rõ chưa?

- Bẩm vâng!

Quan huyện lại gọi Phác đô giám trông coi trại lính đến ra lệnh:

- Còn thầy, hãy đưa 30 lính đi cùng với hai vị khách này lên thuyền tíêp nhận toàn bộ bọn cướp mang về đây cho ta.

Phác đô giám cúi đầu:

- Xin tuân lệnh!

Vừa lúc Lý công tử và Tiêu Vĩnh Vạn đang định đứng dậy đi theo Phác Đô Giám, thì một đứa tiểu đồng bưng vào một cái khay, trong để một chiếc bát đẹp đựng nước mật ong tới đứng bên cạnh.

Quan huyện nhìn Hoàng thúc nói:

- Đón tiếp một vị thượng khách như thế này thì quá sơ sài, bản quan rất lấy làm áy náy trong dạ. Dám xin Hoàng thúc lượng thứ cho. Trời nóng nực, xin mời các vị hãy uống một ngụm nước mật ong này cho mát người. Xin mời quý vị ngồi.

Họ vừa định ra đi, phải quay trở lại. Đứa tiểu đồng chần chừ, vẫn bưng chiếc khay trong đặt bát nước mật ong đứng nguyên tại chỗ. Tiêu Vĩnh Vạn nhìn lên quan huyện:

- Xin cảm ơn quan huyện. Công việc gấp quá, nếu cứ đứng thế này thì thật là thất lễ.

Nói đoạn, bèn bưng lấy bát nước mật ong uống ừng ực một hơi hết sạch.

Lý công tử vốn tính e dè vì có Phác đô giám đứng bên cạnh, nay thấy thế cũng bắt chước Tiêu Vĩnh Vạn cầm lấy bát nước mật ong, đứng uống hết một hơi rồi đi thẳng ra ngoài.

Quan huyện nhận thấy họ là những người tài trí, chất phác và đáng tin cậy như vậy nên rất hài lòng. Ông nhìn đăm đăm về phía họ, rồi quay sang nhìn Hoàng thúc nói:

- Hoàng thúc có được những vị tùy tướng tốt quá. Vượt qua được quãng đường dài hàng mấy vạn dặm, đến được nơi đây an toàn thế này cũng là nhờ có những con người tài ba thao lược như vậy.

- Quan huyện quá khen.

Một đứa tiểu đồng cầm chiếc quạt to đến, quạt sau lưng Hoàng thúc và quan huyện.

Từ nãy đến giờ do mải mê công việc, họ đã quên đi cái nóng oi bức, nay có gió từ chiếc quạt tỏa ra, họ mới bắt đầu cảm thấy nóng. Có lẽ vì vậy mà những giọt mồ hôi lấm tấm như những giọt châu đã bắt đầu chảy từ trên trán xuống.

Các tiểu đồng dùng bàn tay nhỏ bé đưa những chiếc khăn tay lên lau mồ hôi cho hai vị. Quan huyện lại nhìn Hoàng thúc nói:

- Hoàng thúc chắc nóng lắm. Xin mời uống một bát nước lạnh cho mát.

- Xin cảm ơn.

Hoàng thúc từ từ cầm bát nước mật ong đưa lên uống mấy ngụm. Trên đất nước quê nhà, có nước dừa cùng nhiều loại hoa trái nhiệt đới khác mang lại hương vị thơm ngon, nhưng đến đây được uống nước mật ong, cảm thấy mát và có hương vị đặc biệt.

- Chà, nước mật ong ngon quá.

Quan huyện cầm bát nước mật ong lên uống hết một hơi, dáng chừng muốn bắt chước cách uống của Tiêu Vĩnh Vạn.

"Chà… mát quá." Quan huyện lẩm bẩm một mình, bỗng chợt nghĩ ra điều gì, bèn quay sang phía Hoàng thúc:

- Việc Hoàng thúc định sang sinh sống nơi đất nước chúng tôi, chắc là Triều đình sẽ hoan nghênh. Tất nhiên đó là điều mà bản quan cũng như trăm họ xứ này tha thiết mong muốn, khỏi phải nhắc lại đến lời thứ hai. Hoàng thúc vừa mới đến miền đất này mà đã làm được bao điều tốt đẹp. Tất cả mọi việc này nếu không phải ý trời sắp đặt thì làm sao có được. Tuy nhiên, một việc trọng đại như thế này không thuộc quyền sở định của bản quan, không thể tự quyết định theo ý mình. Sau khi thu xếp xong công việc của ông già Trịnh Nhân Hưng và Trương thừa lại, bản quan sẽ làm tờ sớ trực tiếp mang lên tâu với Triều đình. Bản quan sẽ gặp quan đại giám Tấn dương hầu 2, thưa lại mọi việc để Tấn dương hầu tâu lên với đại vương Cao Tông, mong được đức vua hạ cố cho phép.

Hoàng thúc nghe những lời phân trần đó của quan huyện, ít nhiều có phần lo lắng, đưa mắt lơ đãng nhìn xuống đất. Nếu mệnh lệnh của triều đình bảo không ở được nơi đây thì liệu quan huyện sẽ làm gì được hơn. Nghĩ vậy, Hoàng thúc nói với quan huyện:

- Xin cảm ơn quan huyện. Nhưng liệu Triều đình có cho phép một kẻ xấu số như tôi được ở lại nơi đây không?

- Xin Hoàng thúc đừng lo lắng. Đức đại vương Cao Tông của chúng tôi rất nhân từ rộng lượng. Bản quan sẽ tâu lên Đức vua một cách tỷ mỷ phẩm đức cao quý của Hoàng thúc cùng nhiều các việc làm khác nữa nên chắc rằng đức vua sẽ cho phép. Mặt khác quan đại giám Tấn dương hầu là chỗ quen biết, Tấn dương hầu rất yêu quý bản quan nên xin Hoàng thúc đừng ngại. Chỉ vì thủ tục của phép nước là như vậy, nên chúng ta phải làm cho đầy đủ mà thôi.

- Dù sao thì mạng sống của mấy chục con người chúng tôi đều nằm trong tay quan huyện cả. Muôn sự xin nhờ ơn quan huyện.

Hoàng thúc cũng thừa hiểu thủ tục phép nước là phải như vậy, nên ít nhiều Người đã vững dạ hơn trước những lời nói có thể hiểu được là xuất phát từ sự chân tình của quan huyện. Người ngước nhìn lên nét mặt của quan huyện, qua diện mạo và phong độ của ông có thể đoán chắc ông là người có thể tin cậy được, không có điều gì đáng ngờ vực.

Lúc này, người nha lại đi lo sắp đặt nhà khách đã trở về.

- Bẩm quan lớn, theo lệnh của quan lớn, chúng con đã quét dọn nhà khách sạch sẽ, chuẩn bị mọi thứ xong xuôi, nay xin trở về đợi lệnh.

- Vậy phòng đón khách quý đã chỉnh trang xong toàn bộ chưa?

- Thưa, xong hết tất cả rồi ạ.

Từ đáy lòng mình, Hoàng thúc hết sức biết ơn quan huyện. Người đã vững dạ tin rằng tấm lòng của quan huyện chân thành đối xử với mình sau này cũng sẽ không thay đổi.

- Chúng tôi thất cơ lỡ bước sang nương nhờ quý quốc, được quan ngài lo toan chu đáo như thế này thật cảm thấy áy náy trong lòng quá.

- Hoàng thúc nói quá lời. Sức lực có đến đâu, bản quan xin làm hết mình đến đấy. Sau này bản quan cũng sẽ không quản khó nhọc, xin hết lòng vì Hoàng thúc.

Nói xong, quan huyện bèn quay sang nhìn người nha lại.

- Nhà ngươi hãy rước Hoàng thúc về nhà khách nghe!

Nói đoạn, quay sang Hoàng thúc:

- Thưa Hoàng thúc, Hoàng thúc nay đã mệt, vậy xin hãy về nhà khách nghỉ ngơi. Tôi đi xử lý xong bọn cướp, sẽ xin đến thăm Hoàng thúc.

- Vậy tôi xin về nhà khách trước. Việc công vụ ở huyện đường thật là rất bận.

Hoàng thúc vừa đứng dậy, quan huyện cũng đứng dậy theo. Quan huyện bảo người nha lại:

- Nhà ngươi mời Hoàng thúc lên chiếc kiệu bốn người khiêng của ta nghe.

- Bẩm vâng!

Hoàng thúc quay về phía quan huyện lễ phép vái chào. Trên khuôn mặt người vẫn còn đượm vẻ ưu tư, chỉ mong sao quan huyện lo toan cho để được định cư trên miền đất này.

Quan huyện càng nghĩ xót thương Hoàng thúc.

- Hoàng thúc chắc đã mệt. Xin mời Hoàng thúc về nhà khách trút bỏ hành trang đi đường vất vả, yên tâm nghỉ ngơi. Mọi việc đã có bản quan, dù sức mọn cũng xin cố gắng hết lòng lo mọi việc.

Những lời nói của quan huyện là tiếng nói đáng tin cậy xuất phát từ tấm lòng chân thành.

- Vậy xin quan huyện ở lại thu xếp công việc được tốt.

- Xin chào Hoàng thúc nghỉ ngơi bình yên.

(1)Một pyrong tương đương 3,3m2

(2)Một chức vụ ngang như tể tướng


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx