Ba người ngồi chụm đầu vào nhau điểm lại mọi chuyện xảy ra trong ngày hôm ấy. (Lý công tử và Tiêu Vĩnh Vạn cùng với Phác đô giám lên thuyền bàn giao tất cả bọn cướp xong liền tiến hành xét hỏi cung bọn chúng thì được biết: Bọn chúng vốn là một toán cướp biển thường hay cướp bóc các thuyền buôn qua lại vùng biển miền trung thuộc biển tay của nước Cao Ly. Chúng đã tìm cách lôi kéo viên thừa lại họ Trương vào những hành vi tội ác hãm hại dân lành trong huyện Ủng Tân. Việc chúng đồng mưu với viên thừa lại, cướp đoạt nhiều tài sản của ông già họ Trịnh đã gây ra bao hành vi tội ác tối hôm qua. Lý công tử và Tiêu Vĩnh Vạn là những người làm chứng cho tội ác đó của bọn chúng. Không còn cách nào khác, bọn tội phạm đã cúi đầu nhận tội. Sau đó, chính quyền huyện đã lập hồ sơ về toàn bộ bọn cướp và giam chúng vào nhà ngục. Còn ông già Trịnh và cô con gái Anh Cơ thì đưa về nhà. Cả Tiêu Vĩnh Vạn và Lý công tử còn kể lại tỉ mỉ việc quan huyện đã đích thân đứng ra chỉ huy xử lý vụ cướp cùng mọi việc có liên quan trước và sau đó).
Nghe được một lúc những lời thuật lại của Tiêu Vĩnh Vạn, Hoàng thúc lo lắng hỏi thăm:
- Vậy ông già Trịnh và cô con gái có bị thương nhiều không?
- Cũng không có gì đáng gọi là thương nặng. Chỉ có điều tối hôm qua bị bọn cướp trói chặt, cả người đau ê ẩm nên vẫn còn rên rỉ.
Nghe nói đến ông già họ Trịnh, Lý công tử không giấu nổi ngạc nhiên, nói thêm:
- Cho đến khi chúng tôi về đến đây thì cô con gái đã về nhà; chỉ có ông già ở lại, nói là có lời muốn thưa với quan huyện.
Tiêu Vĩnh Vạn đã quen thân với ông già họ Trịnh từ lúc nào, nên hình như biết rõ nội dung việc này, bèn nói thêm:
- Có lẽ ông già họ Trịnh muốn xin bày tỏ lòng biết ơn đối với quan huyện cũng như với Hoàng thúc chúng ta.
Cả Hoàng thúc lẫn Lý công tử đều gật đầu tỏ vẻ đồng ý với lời nhận xét đó của Tiêu Vĩnh Vạn.
Bao sự việc phức tạp, éo le trong ngày đều được báo cáo với Hoàng thúc. Mọi người đều mải mê nên thời gian qua nhanh mà không biết.
Trong nhà khác, đã đến giờ ăn cơm.
Cơm nước xong được một lúc thì quan huyện cùng với ông già họ Trịnh đến thăm. (Ngày hôm ấy, quan huyện ngồi ở huyện đường trực tiếp chỉ huy việc điều tra rành mạch vụ án của Trương thừa lại và hành vi cướp biển của bọn Chu Nhật Thường. Đặc biệt quan huyện đã ra nghiêm lệnh đối với những việc có liên quan đến Trương thừa lại, dù việc nhỏ đến đâu cũng không được bỏ qua. Bởi vậy đến tối, toàn bộ vụ án cũng như tất cả tội ác của chúng đã được lôi ra ánh sáng. Trương thừa lại thú nhận mấy năm qua hắn đã dùng đủ mọi mánh lới để lừa đảo, chiếm đoạt nhiều tài sản của ông già họ Trịnh. Chắc chắn kỳ này, các tài sản bị cướp đi của ông già sẽ được trả lại).
Hoàng thúc vội bước ra sân đón quan huyện và ông già họ Trịnh.
Ánh trăng sáng vằng vặc như ban ngày. Nhà khách do có khách quý nên bên dưới vòm mái cong bốn góc nhà, những chiếc đèn lồng xanh thắp sáng rực rỡ đã được treo lên để làm tăng thêm sự trân trọng.
- Xin chào quan huyện, quan huyện đến thăm như thế, làm chúng tôi xúc động quá. Hôm nay quan huyện rất vất vả. Xin mời quan huyện ngồi chỗ này.
- Không có gì đâu ạ. Để Hoàng thúc phải chờ lâu như thế này, thật lấy làm áy náy. Nhờ ơn quý vị, đã quét sạch được bọn cướp, do đó trăm họ nơi đây từ nay sẽ được sống trong thái bình yên ổn.
Hoàng thúc tỏ vẻ khiêm nhường nói:
- Quan huyện quá khen, chúng tôi đâu dám nghĩ thế.
Hai người vừa chào hỏi nhau xong, thì ông già họ Trịnh bèn cúi sụp người xuống trước mặt Hoàng thúc, vái chào:
- Hoàng thúc đã cứu sống bố con tôi, tôi biết lấy gì để đền đáp công ơn trời biển đó.
Hoàng thúc hết sức bối rối, vội đỡ ông già họ Trịnh dậy.
- Thưa lão trượng, lão trượng dạy có điều không phải. Có lẽ mọi việc đều nhờ công lao đức cả của quan huyện, nhờ thần linh, đất trời phù hộ cho.
Quan huyện rất cảm phục phẩm đức khiêm tốn cao cả đó của Hoàng thúc.
- Tôi xin có lời muốn nói với Hoàng thúc. Chả là ông cụ già họ Trịnh này có lời thỉnh cầu với bản quan xin được đón Hoàng thúc và cả đoàn lữ hành về ở tại nhà mình. Vì vậy mới mời Trịnh lão nhân cùng tôi đến đây.
Hoàng thúc đã nghĩ rồi. Làm sao chỉ vì một chút may mắn cứu được bố con ông lão mà lại đưa hơn hai mươi người đến ở nhà ông, gây bao phiền hà cho gia đình ông, đó là điều không nên làm.
Nghĩ vậy, Hoàng thúc quay về phía ông già họ Trịnh, nói với vẻ chân thật:
- Xin lão trượng đừng lo lắng gì cho chúng tôi. Chúng tôi có được sống trên đất nước của quý quốc hay không vẫn còn là điều chưa được định rõ. Thời gian qua, ở trong nước ra đi, chúng tôi cũng mang thu được ít nhiều tài sản, đủ để bù đắp cho chi dùng ở nhà khách này. Mặt khác, hơn hai mươi tráng đinh kia còn có một chiếc thuyền, họ có thể dùng thuyền đó đi làm thuê làm mướn hoặc đi đánh cá, chẳng lẽ không đủ sống sao.
Nhìn thấy thái độ không lay chuyển của Hoàng thúc, ông già họ Trịnh buồn bã nhìn quan huyện, ánh mắt ông già họ Trịnh đượm vẻ van vỉ.
Quan huyện hiểu được tấm lòng khiêm tốn của Hoàng thúc, và cũng hiểu được mong muốn thiết tha của ông già họ Trịnh. Ông nghĩ nên khuyên Hoàng thúc một lần nữa:
- Hoàng thúc ạ, bản quan cũng nghĩ như vậy và cũng đã nhiều lần nói lời khuyên nhủ với ông già họ Trịnh về việc muốn giữ Hoàng thúc ở lại. Nhưng tình hình nhà cửa ông già họ Trịnh lại đòi hỏi Hoàng thúc và đoàn tùy tùng phải thiết lưu lại ở đó. Trước hết, một ngôi nhà to rộng như thế mà chỉ có hai người ở nên không những cảm thấy quanh hiu mà sau khi xảy ra vụ bắt cóc như vậy, lại càng lo sợ không dám ở. Còn tất cả những chi phí ở nhà khách mà Hoàng thúc vừa nói đến, thì bản huyện sẽ chu cấp, mong Hoàng thúc đừng lo lắng. Mặt khác, nhà ông già họ Trịnh lần này cũng thu được nhiều ruộng đất, nhưng không có người trông coi, người làm. Do vậy, nếu Hoàng thúc và các tráng đinh ở lại nhà đó, thì càng thuận lợi cho ông già họ Trịnh. Mong Hoàng thúc đừng nghĩ gì khác mà hãy chấp nhận lời mời của ông cụ.
Tiêu Vĩnh Vạn ngồi cạnh tỏ ý muốn chấp thuận. Ông già họ Trịnh lấy tay bấm bấm vào chân Tiêu Vĩnh Vạn. Quan huyện liếc nhìn thấy cảnh tượng ấy nháy mắt ra hiệu cho Tiêu Vĩnh Vạn. Tiêu Vĩnh Vạn biết là quan huyện nhìn mình và muốn bảo hãy thêm lời khuyên Hoàng thúc.
- Thưa Hoàng thúc, ngài quan huyện và cụ già họ Trịnh nói đúng đấy ạ. Tất nhiên chúng ta ở lại tại nhà khách này cũng tốt. Nhưng nếu vậy thì huyện đường phải cử lính đến nhà cụ Trịnh để bảo vệ. Mặt khác, quan huyện với tấm lòng ưu ái đã dùng kinh phí nhà nước để trả cho nhà khách. Làm cả hai việc cùng một lúc như vậy, huyện nhà chẳng phải sẽ khó khăn thêm hay sao. Chi bằng chúng ta chỉ mượn tạm nhà cụ Trịnh để ở, còn việc ăn uống và chi dùng khác, chúng ta sẽ tự lo lấy, có lẽ là thượng sách đấy ạ.
Hoàng thúc cũng cho ý kiến của Tiêu Vĩnh Vạn là đúng song còn nghĩ đến ở như vậy có vẻ quá lúi xùi, nên vẫn cố suy nghĩ thêm.
Lý công tử cũng đứng về phía Tiêu Vĩnh Vạn nói thêm vào:
- Thưa Hoàng thúc, quan huyện cũng đã có lời phân trần. Hạ cấp nghĩ rằng đó là phương sách tự sống tốt nhất giúp chúng ta có thể sống được mà không phải gây nhiều phiền hà cho cụ Trịnh và quan huyện.
Hoàng thúc vẫn còn như đang suy nghĩ điều gì, chưa trả lời.
Quan huyện cho đây là dịp tốt, bèn khuyên thêm:
- Thưa Hoàng thúc, ý kiến của các vị ở đây đã như vậy, lời mời của ông lão Trịnh cũng hết sức tha thiết. Mong Hoàng thúc hãy tạm như vậy đã.
- Vẫn biết thế…
Ông lão Trịnh nghe Hoàng thúc nói vậy, đoán biết Người đã có phần xiêu lòng, bèn ngồi dịch lại phía trước nói:
- Thưa Hoàng thúc, lời thỉnh cầu của lão nhân, thế nào cũng mong Hoàng thúc chấp nhận cho. Hoàng thúc mà chấp nhận cho lời thỉnh cầu này của lão, coi như Hoàng thúc đã cứu sống bố con lão một lần nữa. Nếu không được như vậy, ngày mai bố con lão đành phải bỏ hết tất cả gia cơ tài sản, rời khỏi xứ này.
Sự việc đã đến nước này, Hoàng thúc dường như không còn cách nào khác.
- Quan huyện cũng như các vị đã có lời như thế, và tình hình của Trịnh lão trượng nếu quả thực như vậy, thì hãy theo như lời Tiêu đại nhân. Chúng ta sẽ chỉ mượn tạm nhà một thời gian và đến lưu lại ở đó.
Được Hoàng thúc chấp thuận, cả quan huyện và ông già họ Trịnh đều tỏ vẻ vui mừng hẳng lên.
Ông già Trịnh không giấu nổi niềm sung sướng, đưa mắt nhìn khắp lượt tất cả các vị đang ngồi, cúi rạp người xuống nói:
- Xin cảm ơn đức quan huyện. Bản nhân biết lấy gì để đáp ơn đức này. Bản nhân muốn nói thêm mấy lời tạ lễ nữa, nhưng ở nhà chỉ có một mình cháu gái, nên mạn phép xin về trước trông coi cửa nhà. Xin các vị thứ lỗi cho.
- Đâu dám. Xin mời lão trượng về trước trông nom nhà cửa.
Trong khi mọi người đứng dậy để tiễn ông già họ Trịnh, thì Tiêu Vĩnh Vạn, vốn biết được tình hình nhà ông, bèn thỉnh cầu Hoàng thúc:
- Thưa Hoàng thúc, nhà lão Trịnh rất vắng vẻ quạnh hiu, xin Hoàng thúc cho phép cắt ba tráng đinh ra ở trước.
- Tiêu đại nhân liệu thu xếp cho tốt.
Theo lệnh của Hoàng thúc, các tráng đinh đang ở trong phòng khách đã đưa ông già họ Trịnh về nhà.
Sau khi ông già họ Trịnh đi rồi, mọi người quay về ngồi lại trong phòng.
Quan huyện đưa mắt nhìn khắp một lượt Hoàng thúc, Tiêu Vĩnh Vạn và Lý công tử.
- Sáng ngày mai, tôi phải lên kinh thành xem sao.
Nghe câu nói bất ngờ, mọi người ngồi đó đều rất ngạc nhiên. Hoàng thúc tỏ vẻ lo lắng:
- Chẳng hay quan huyện có việc gì phải lên kinh thành đột ngột đến vậy?
Quan huyện hiểu được nỗi lòng lo lắng của Hoàng thúc, bèn nói:
- Trước hết, cần nhanh chóng tâu lên triều đình việc của Hoàng thúc, để Hoàng thúc sớm ổn định mọi bề. Còn một việc khác nữa, đó là Chu Nhật Thường đã có những hành vi cướp biển, nay đã bị bắt giam. Trong số những người bị hắn hãm hại có một người thuộc trong số những nhà buôn lớn sống ở kinh thành. Phải xử lý nhanh chóng vụ này mới có thời gian để vui cùng Hoàng thúc.
Hoàng thúc cảm ơn tấm lòng chân thật của quan huyện. Người trịnh trọng đáp:
- Để quan huyện phải bận tâm thế này thật là không phải. Không sống được ở nước mình nên chúng tôi mới phải lưu vong sang đây. Chúng tôi đã được quan huyện đối xử hết sức ân cần.
Tiêu Vĩnh Vạn và Lý công tử đều cúi đầu cảm tạ quan huyện.
Lúc này Minh Nguyệt bước vào xin được bưng mâm rượu vào. Mọi người đều ngồi dịch ra phía sau, chừa khoảng trống ở giữa.
Mâm rượu được đưa vào. Trên chiếc bàn tròn lớn thấp chân được làm bằng gỗ tử đàn, một thứ gỗ quý màu đỏ tía, bày đủ các thứ nhắm được đựng trong những chiếc đĩa sứ đầy màu sắc. Hoàng thúc và quan huyện ngồi đối diện với nhau, giữa là bàn bày đầy rượu và nhiều thức nhắm thơm ngon. Tiêu Vĩnh Vạn và Lý công tử ngồi hai bên.
Tiếp theo sau, ba cô quan kỹ bước vào. Các cô cúi đầu sát đất vái chào.
- Tiểu nữ là quan kỹ, tên gọi là Thu Nguyệt ạ.
Thu Nguyệt khép nép đứng dậy, đến ngồi bên cạnh quan huyện, rút chiếc quạt ở thắt lưng ra quạt phe phẩy cho quan huyện.
- Tiểu nữ là quan kỹ, tên gọi Hạ Nguyệt ạ.
Hạ Nguyệt cúi chào đến ngồi bên cạnh Lý công tử.
- Tiểu nữ tên là Hương Lan ạ.
Hương Lan đến ngồi bên cạnh Tiêu đại nhân. Các cô đào lần lượt ngồi xuống mỉm cười, lấy quạt phe phẩy các vị khách, trông thật dịu dàng dễ mến.
Một tiểu đồng trong quán khách mang một chiếc bình đựng rượu bằng bạc ra. Minh Nguyệt cầm lấy bình rượu, theo thứ tự rót đầy vào các chén bạc cho Hoàng thúc, quan huyện và các vị khác xong cất lời mời:
- Xin mời Hoàng thúc dùng ngự tửu.
Quan huyện cầm chén rượu của mình lên, nhìn Hoàng thúc và mọi người đang ngồi.
- Chà, chúng ta hãy uống vui với nhau một chén đi.
Mọi người đều cầm rượu lên uống. Hoàng thúc và quan huyện chén thù chén tạc mới nhau được mấy tuần, người bắt đầu chếnh choáng hơi men. Lý công tử sau khi uống được mấy chén mới thưởng thức được hết hương vị.
- Chà, rượu này có hương vị thật là thơm ngon. Chẳng hay là rượu gì vậy?
Hạ Nguyệt ngồi bên cạnh mỉm cười đáp:
- Thưa, rượu này là loại rượu nổi tiếng của Cao Ly, pha chế bằng nhân sâm đấy ạ.
Thu Nguyệt cười tủm tỉm:
- Lý công tử sao quá vô tình. Rượu ngon thế mà nỡ ngồi im lặng uống một mình, chả cho Hạ Nguyệt ngồi bên được một chén.
Mọi người trong cuộc vui đều vỗ tay cười ồ và mời rượu các quan kỹ ngồi cạnh mình.
Lúc này Minh Nguyệt đưa bàn tay nhỏ nhắn ra cầm chén rượu nâng lên nói với Hoàng thúc:
- Thưa Hoàng thúc, xin cho phép tiện nữ mời Hoàng thúc một chén theo kiểu "cấu vào mạng sườn nhắc nhẹ để xin được một lời chào ạ".
- Cuộc gặp gỡ hôm nay rất vui, tôi đã uống nhiều rồi.
Minh Nguyệt cầm chén rượu kề lên môi Hoàng thúc, tay trái đưa ra giữ bờ môi bên dưới như sợ có giọt rượu nào rơi xuống.
Một chén rồi hai chén, rượu mời nhau đã uống được mấy tuần. Mọi người trong cuộc đều có vẻ đã say.
Quan huyện ngồi dựa vào Thu Nguyệt, đưa mắt nhìn Hạ Nguyệt đang ngồi canh Lý công tử nói:
- Hạ Nguyệt này, hãy hát một bài hát thật đặc sắc cho vui nào.
Hạ Nguyệt đột nhiên đứng dậy. Hai cánh tay đưa lên rồi lại chống xuống đất, giống như đám lính trong nhà các quan mỗi lần bẩm báo với quan trên.
- Lệnh của đức quan huyện, tiện nữ đâu dám không tuân. Tiện nữ dù thân phận hèn mọn cũng xin hát một bài để mua vui.
Quan huyện và cả những người ngồi trong cuộc đều ôm bụng phá lên cười.
Hạ Nguyệt vờ như không biết.
- Minh Nguyệt này, mày đánh trống nhá!
- Ừ.
- Thu Nguyệt này, mày gảy đàn thập lục nhá!
- Ừ.
- Hương Lan này, mày mời rượu các quý khách nhá!
- Dạ xin tuân lệnh. Tiểu nữ xin cố gắng ạ.
Mọi người lại vỗ tay cười phá lên trước màn hài kịch ngắn của Hạ Nguyệt.
Các cô quan kỹ, ai theo việc của người ấy.
Người đánh trống, người đặt đàn thập lục lên đầu gối so dây.
Đêm đã khuya, gần đến giờ tý. Mặt trăng trung tuần tháng sáu, treo lơ lửng trên đầu chòm sao Chu tước trên núi Lam sơn.
Tiếng trống, tiếng đàn so dây chưa hòa quyện được vào nhau, tạo thành một thứ âm thanh hỗn tạp.
Những ngọn đèn nến được thắp sáng cầm trên các đế đèn cao lêu nghêu đặt bốn góc, lặng lẽ cháy tỏa sáng khắp gian phòng. Chỉ có những sinh vật nhỏ bé khờ khạo như những con hù du, con thiêu thân là dám liều lĩnh bay vào phòng, chao đảo đập cánh vào ngọn nến và cháy vèo rơi xuống. Các tiểu đồng rộn ràng chạy vào nhặt xác của chúng vất ra ngoài.
Minh Nguyệt và Thu Nguyệt dáng chừng đã sẵn sàng, đang chờ Hạ Nguyệt cất tiếng hát.
Hoàng thúc muốn nghe bài hát của nước Cao Ly, bèn mời Hạ Nguyệt một chén rượu.
- Này, nàng hãy uống đi. Uống vào người lâng lâng tiếng hát càng say đắm.
- Thưa Hoàng thúc, tiểu nữ đâu dám. Nhưng nếu người say thì tiếng hát cũng say theo rượu, khó lên xuống những đỉnh cao réo rắt cung theo bậc ạ.
Mọi người trong cuộc lại một lần nữa phá lên cười vui vẻ trước những lời đối đáp của Hạ Nguyệt. Nhưng nàng vờ như không biết, và bắt đầu hát theo tiếng đàn réo rắt đệm theo.
Tiếng hát của Hạ Nguyệt hòa theo tiếng nhạc, vang lên khắp gian phòng, đã làm thổn thức tâm can các bậc trượng phu ở đây, càng gợi lên nỗi mong nhớ quê hương tha thiết trong lòng Hoàng thúc. Tối hôm ấy mọi người mải vui với nhau đến quá khuya, không biết thời gian trôi qua từ lúc nào. Ngày hôm sau quan huyện khởi hành lên kinh đô.
Sáng hôm sau, Hoàng thúc ngủ dậy muộn, Lý công tử và Tiêu Vĩnh Vạn dậy từ sớm, đang chờ Hoàng thúc thức giấc.
Bên cạnh giường, Minh Nguyệt đang đổ mồ hôi, lặng lẽ cầm quạt phe phẩy cho Hoàng thúc đang mệt nhọc chìm trong giấc ngủ.
Ông già Trịnh hôm nay mời mọi người ăn cơm ở nhà mình, nên định sẽ đưa toàn bộ số tráng đinh còn lại trong nhà khách về hết nhà mình. Còn đối với Hoàng thúc, chờ đến khi ngủ dậy sẽ rước bằng kiệu bốn người khiêng do huyện cấp về tại gian ngoài của nhà mình nay được dùng làm thư phòng.
Hoàng thúc đã thức dậy, nhưng Minh Nguyệt vẫn ngồi cạnh giường quạt mát cho Hoàng thúc.
- Chà, nàng vất vả quá.
- Dạ không ạ. Hoàng thúc chắc mệt. Xin mời Hoàng thúc uống ngụm nước lạnh cho mát.
Minh Nguyệt lấy hai tay bưng bát nước đã lấy sẵn từ lúc nào đưa lên Hoàng thúc. Người lặng lẽ không nói gì, cầm lấy bát nước uống một hơi, cảm thấy tinh thần sảng khoái.
- Chà, thật là hay! – Người vừa nói vừa ngồi dậy.
Lý công tử, Tiêu Vĩnh Vạn và ông già họ Trịnh đều đến vấn an Hoàng thúc.
- Hoàng thúc đêm qua ngủ có ngon giấc không ạ.
Hoàng thúc nhìn ông già họ Trịnh, vui vẻ chào:
- Lão trượng đã đến, quý hóa quá.
Người quay sang nhìn Tiêu Vĩnh Vạn và Lý công tử mỉm cười. Người vặn mình vươn vai rồi nói:
- Tối hôm qua say quá.
Minh Nguyệt mỉm cười nói:
- Hoàng thúc bảo uống rượu quá say, chứ thức ra mấy đêm nay Hoàng thúc ngủ không được yên giấc nên cảm thấy trong người lao đao vậy thôi. Quan huyện sai đưa Hoàng thúc lên giường nằm, tiện nữ phải nhờ Lý công tử và Tiêu đại nhân giúp sức mới đưa được Hoàng thúc lên giường.
- Thế vậy ư, tôi thật thất lễ nhiều. Chắc là còn gây ra nhiều điều không được đẹp mắt khác đối với quan huyện.
- Không phải thế đâu ạ. Hoàng thúc là người có nhân phẩm cao quý, dù say thế nào chăng nữa cũng không thể nào có những việc như vậy.
Lý công tử nói:
- Thưa Hoàng thúc, chúng ta phải đến ngay nhà cụ Trịnh ạ. Ông lão đã thân hành đến chờ chúng ta. – Nói đoạn quay sang nhìn ông già họ Trịnh.
Hoàng thúc nói vẻ nghiêm chỉnh:
- Phiền Trịnh lão trượng nhiều quá.
Trước lời nói ôn tồn đó của Hoàng thúc, ông già họ Trịnh đáp:
- Nhà cửa của lão sợ quá lụp xụp, các vị sang đấy chỉ sợ không được thoải mái.
Minh Nguyệt mang áo lại cho Hoàng thúc và nói:
- Nhà cụ Trịnh là ngôi nhà to nhất trong xứ huyện này đấy ạ, trông trang nhã và đẹp hơn nhiều so với nhà khách này.
Sau đó, Hoàng thúc và đoàn tùy tùng cũng theo ông già họ Trịnh đi về phía ngôi nhà ở chân núi Hoa Sơn.
Ngôi nhà này do ông cụ tổ ba đời của ông già họ Trịnh, làm đến chức Đại tư hiến, nhưng đã treo ấn từ quan về định cư ở đây xây dựng nên. Đây là ngôi nhà ngói lớn gồm hơn một trăm gian. Phía trước phía sau nhà đều có vườn trồng các loại hoa cỏ đủ mầu sắc, tạo nên cảnh trí tuyệt vời.
Ông già họ Trịnh và cô con gái sống ở gian chính giữa. Nhưng mấy năm gần đây, do số chẳng may, gia đình ông đã liên kết với Trương thừa lại, vay tiền của hắn để đi đánh cá ở biển Vĩnh Bình nhưng năm nào cũng thua thiệt, phải bán sạch cả đất đai ở quanh nhà. Có lẽ những thua thiệt trong làm ăn đã là nguyên nhân dẫn đến nông nỗi này. Cứ mỗi lần đưa thuyền ra biển đánh cá là biệt tích tăm hơi, không bao giờ còn thấy thuyền trở về. Đây chính là mưu gian của bọn Chu Nhật Thường và Trương thừa lại, chúng đã bí mật tung bọn cướp biển ra bắt các thuyền đánh cá này. Bị mắc vào mưu gian đó, nợ nần mỗi ngày một chồng chất ngay cả ngôi nhà này cũng lọt vào tay Trương thừa lại, đến nỗi ông già họ Trịnh không còn chỗ nương thân.
Bọn chúng đã dồn ông già vào chỗ khốn cùng rồi mà vẫn thấy chưa đủ, lại còn bắt cóc cả hai bố con ông. Cũng may đất trời phù hộ, nên Hoàng thúc đã cứu được bố con ông. Đã gặp may lại được thêm phúc – quan huyện đã đòi lại tài sản bị bọn Trương thừa lại và Chu Nhật Thường cướp đi và trả lại cho ông. Do vậy, công ơn của Hoàng thúc đối với hai bố con ông là công ơn trời biển, không sao nói hết được bằng lời.
Ông già họ Trịnh mời Hoàng thúc và Lý công tử cùng Tiêu đại nhân ở tòa chính điện, còn hai mươi tráng đinh thì cho chia nhau ra ở trong các phòng. Chỉ riêng một tòa chính điện đã có ba phòng lớn, nên Hoàng thúc ở thoải mái. Hoàng thúc định rước các bài vị của các đại vương thuộc tám đời vua nhà Lý cùng các đồ tế lễ vào trong thảo đường ở phía sau nhà ông già họ Trịnh.
Đã lâu lắm, nay mới có dịp chỉnh đốn lại bài vị của các tổ tiên và các đồ tế lễ, nỗi nhớ thương cố quốc càng trào dâng mãnh liệt trong lòng Hoàng thúc. Mảnh đất của cố quốc quê hương xiết bao thương nhớ mãi mãi không bào giờ có thể quay lại được nữa, càng cố quên đi bao nhiêu, càng nhớ thương da diết bấy nhiêu. Không những vợ con yêu dấu mà còn cả bao nhiêu sự việc của những ngày qua lại hiện lên rõ nét trong tâm trí Hoàng thúc.
Những giờ phút cuối cùng rời cố quốc đi trên cửa biển Thuận Hóa, hình ảnh Ngô Anh Cơ đau khổ khóc than thảm thiết… những ký ức đó càng sống lại bao nhiêu càng làm cho trái tim của Hoàng thúc như thắt lại bấy nhiêu.
Ông già Trịnh, Lý công tử cũng như Tiêu Vĩnh Vạn, ngày nào cũng tìm hết cách an ủi Hoàng thúc, nhưng nỗi nhớ thương da diết ấy trong lòng Người vẫn không nguôi quên được chút nào.
Có một điều luôn luôn vấn vương trong tâm trí của Hoàng thúc. Đó là sự lạ lùng không sao cắt nghĩa nổi về người con gái của ông già họ Trịnh sao lại giống nhau như hai giọt nước với Ngô Anh Cơ, người con gái đã nặng lòng lưu luyến chia tay Hoàng thúc ở Thuận Hóa, mảnh đất nơi phương nam của tổ quốc thân yêu.
"Làm sao nàng lại giống Ngô Anh Cơ làm vậy? Hay nàng chỉ là một ảo ảnh của Ngô Anh Cơ mà ta đã tưởng lầm?" Hoàng thúc tự nhủ thầm trong lòng như vậy. Nếu triều đình Cao Ly cho phép ta được định cư vĩnh viễn nơi đây thì hay biết bao… Chỉ hiềm một nỗi quan huyện đã lên kinh đô năm, sáu ngày mà vẫn chưa thấy về, không thể không lo lắng.
Hoàng thúc đang phải sống những ngày buồn tẻ và chờ đợi tin tức tốt lành do quan huyện mang về. Có một đêm, Hoàng thúc ra thăm thảo đường, nơi đặt các đồ thờ cúng.
Thảo đường tuy đơn sơ nhưng các bài vị của các bậc đại vương qua các đời đã trị vì hơn 220 năm hoàng quốc Đại Việt được rước về đây, và các đồ tế lễ được xếp đặt ngay ngắn, nên trông cũng trang nghiêm. Các ngọn nến được thắp lên, gian phòng rực sáng.
Hoàng thúc không nén được nỗi đau thương trong lòng òa lên khóc nức nở. Tiếng khóc đau thương của Hoàng thúc xuyên qua màn đêm vang ra bên ngoài.
Phía nam của thảo đường này còn có một thảo đường khác nhỏ hơn, dùng làm phòng học của Anh Cơ, con gái ông già họ Trịnh. Anh Cơ năm nay hai mươi tuổi. Tại thảo đường này, nàng đã được bố dạy học chữ, học đàn nhạc và thư nghệ. Nhưng, mấy năm qua, gia sản bị khánh kiệt, nên việc học hành cũng bị bỏ dở. Nay, sau khi thu hồi lại được tất cả tài sản, Anh Cơ bắt đầu học chữ trở lại.
Đang ngồi đọc sách, Anh Cơ bỗng nghe văng vẳng bên tai tiếng khóc đau buồn nức nở của Hoàng thúc.
"Chao ôi, tội nghiệp cho Hoàng thúc quá".
Anh Cơ không ngăn được nỗi xót thương trong lòng, đã gấp sách lại, cầm lấy đàn thập lục gảy nên khúc nhạc bi ai.
Những điệu nhạc buồn da diết đó vang lên khiến cho những con chim đang ngủ cũng cất cánh bay, và anh linh của các bậc đại vương qua tám đời của nước Đại Việt dường như cũng đang thổn thức.
Hoàng thúc đang suy sụp, lạy than và khóc trước bàn thờ bỗng lắng tai nghe tiếng đàn thập lục từ đâu vọng đến.
Tiếng đàn nghe lạ lùng lắm. Có phải các bậc thần tiên đang cố ý chế giễu ta hay an ủi ta đây. Miên man trong niềm suy nghĩ đó, Hoàng thúc lặng lẽ rón rén bước ra ngoài của, tìm đến nơi có tiếng đàn lạ lùng kia.
Người bước đi một bước, rồi hai bước… cuối cùng đã đến trước gian thảo đường nho nhỏ.
Nhìn vào mới biết, bên trong thảo đường là một mỹ nhân đẹp như tiên, đang vừa đàn vừa hát.
Lời hát ấy chính là lời an ủi ta. Nhìn vào bên trong thảo đường qua khe cửa mở… Chao ôi, nàng không phải là ai khác mà chính là Ngô Anh Cơ của tổ quốc.
Nhưng định thần lại, Hoàng thúc thấy đó chỉ là ảo giác, Anh Cơ làm sao có thể đến được nơi vạn lý tha hương này!
Hoàng thúc nhìn kỹ vào bên trong nhà, quả là Ngô Anh Cơ không sai. Những giọt lệ như những giọt châu đang lăn trên má nàng. Những âm thanh trầm bảng vẫn tiếp tục.
"Chàng mà mang thiếp lên trời…"
"A, Anh Cơ…!". Hoàng thúc bỗng dang rộng hai tay khóc òa lên.
Nghe bên ngoài có tiếng động, người con gái lặng lẽ đứng lên đưa mắt nhìn ra mới biết là Hoàng thúc.
- Thưa Hoàng thúc, xin Hoàng thúc đừng quá buồn phiền.
- A, Anh Cơ sao thế?
Cố nhiên Anh Cơ không hề biết gì về chuyện quá khứ giữa Hoàng thúc và người con gái có tên Anh Cơ khi Người giã từ tổ quốc ra đi. Còn Hoàng thúc, người đã cứu thoát hai bố con nàng sau lần gặp mặt ngắn ngủi đầu tiên, đã cảm thấy có sự xúc động khác thường, và sau đó, qua những người gia đình mới được biết tên nàng.
Người con gái lặng lẽ bước ra ngoài vui vẻ đón chào.
- Xin mời Hoàng thúc vào nhà. Đây là phòng học của tiện nữ ạ.
Đến lúc này Hoàng thúc mới bình tĩnh khỏi cơn hoang tưởng, nhưng đã quá muộn. Cô con gái ông già họ Trịnh mà Người đã nhìn thấy một lần hôm nào chính là đây. Hoàng thúc cũng biết phong tục tập quán của nước Cao Ly "nam nữ hữu biệt", thế mà lại bất chấp lễ giáo, đang đêm đường đột tìm đến thư phòng người con gái thì sao cho tiện. Thế nhưng Hoàng thúc với một mối tình bị dồn nén trong nỗi cô đơn và đau buồn, vẫn mang trong lòng mình một niềm hoan tưởng đối với Ngô Anh Cơ ở đất Thuận Hóa. Người nhìn Trịnh Anh Cơ, hiện thân của niềm hoan tưởng đối với mảnh đất cảu tổ quốc mà không sao có thể quay gót bỏ đi.
Trịnh Anh Cơ lặng lẽ cúi chào.
- Công ơn cao dày của Hoàng thúc đã cứu sống bố con tiện nữ, tiện nữ tha thiết mong có dịp được gặp và thưa với Hoàng thúc một lời tri ân, nhưng vì "nam nữ hữu biệt" nên không gặp được, mãi đến hôm nay, nhờ ơn trời đất, tiện nữ mới được gặp, thật lấy làm áy này trong lòng.
Hoàng thúc nhìn Anh Cơ:
- Nàng ơi, nàng nói gì vậy. Chính chúng tôi mới là những người không biết xấu hổ, đã đến xin nhờ vả gia đình nhà ta, thực là không phải.
Anh Cơ vội vã đỡ lời:
- Thưa Hoàng thúc, xin Hoàng thúc đừng nghĩ như vậy.
Hoàng thúc nhớ ra rồi, tên người con gái này hình như là Anh Cơ. Nhưng Hoàng thúc vẫn muốn xác nhận lại.
- Tên nàng là…?
- Hoàng thúc mà chế giễu tiện nữ, tiện nữ chẳng thích đâu. Chẳng phải Hoàng thúc đã từng gọi tiện nữ là Anh Cơ đó sao.
Hoàng thúc gật đầu. Song người cảm thấy không thể thổ lộ với người con gái trong trắng ngây thơ này về những ngày đau thương đã qua của bản thân mình. Người vờ như không biết:
- Thế mà tôi…
Người lặng nhìn người thiếu nữ với thái độ nghiêm trang. Dáng của nàng sao mà giống Ngô Anh Cơ như hai giọt nước, đến cả tên gọi cũng giống, thật lạ lùng và cũng thật đáng yêu.
- Hoàng thúc sống trong cảnh cung cấm thềm cao chín bậc, có lẽ không biết đến cuộc sống dân dã; nay đến ở trong căn nhà thấp hèn của bố con tiện nữ chắc là khổ lắm ạ.
Hoàng thúc nhìn xuống đất im lặng. Anh Cơ nghĩ có lẽ mình đã lỡ lời khiến Hoàng thúc buồn lòng:
- Thưa Hoàng thúc, tiện nữ xin dạo một khúc để Hoàng thúc giải khuây.
Anh Cơ đặt chiếc đàn thập lục lên đầu gối và bắt đầu dạo. Đây là khúc nhạc diễn tả cảnh các nam nữ tay nắm tay xô kéo nhau. Vốn có sức tưởng tượng trời phú, Hoàng thúc có cảm giác như đôi vai đang rung lên, hai tay choàng ra phía trước cùng với đôi chân nhún nhảy theo điệu múa, trong lòng rộn lên niềm xúc động muốn ôn cô gái vào lòng.
- Bài này thuộc khúc điệu nào thế?
- Đây là khúc nhạc "Dương tản đạo" ạ.
- Chao ôi điệu này hay quá.
- Ai nghe khúc nhạc này đều có thể quên hết mọi nỗi ưu phiền ngang trái trên cõi đời.
- Nàng bảo tôi nếu nghe điệu nhạc này sẽ quên hết mọi điều. Nhưng mà…
Nhìn Hoàng thúc vẻ đăm chiêu tư lự, lời nói ngập ngừng, người con gái cảm thấy ái ngại.
- Nhưng mà có điều gì đó nữa, sao Hoàng thúc chưa nói ạ?
Hoàng thúc hơi có vẻ lưng túng.
- À… không có gì.
Hoàng thúc muốn có Anh Cơ ngồi bên cạnh gảy đàn, nhưng đã cố ghìm lại, không nói ra lời. Còn Anh Cơ thì lại nghĩ theo các của mình, muốn nghe những lời không được thổ lộ của Hoàng thúc.
- Vậy tiện nữ xin gảy một khúc nhạc nữa để Hoàng thúc nghe. Nhưng mà Hoàng thúc phải nói cho tiện nữ được biết những điều Hoàng thúc đang giấu kín trong lòng. Nếu không, tối hôm nay tiện nữ sẽ không sao chợp mắt được.
Anh Cơ lại dạo thêm một khúc nữa.
- Hoàng thúc ơi, sau này có gì Hoàng thúc cũng nói cho tiện nữ được biết với nha.
Anh Cơ ngồi bên cạnh gảy đàn cho tôi được nghe khúc nhạc đó, thì tôi sẽ quên hết mọi ưu phiền, và hạnh phúc biết bao!
Anh Cơ nghe câu nói đó, mặt đỏ bừng, không nén nổi những xúc động trong lòng. Như được tiếp thêm sức mạng, Anh Cơ bạo dạn nói:
- Xin cảm ơn Hoàng thúc. Tiện nữ muốn được gảy khúc nhạc này bên cạnh Hoàng thúc trong suốt cả cuộc đời mình.
Tiếng nói run run của Anh Cơ tràn đầy tình cảm mãnh liệt. Trong phút giây như tỉnh như say, Hoàng thúc dương như đã mất lý trí, lấy tay vuốt lên lưng Anh Cơ.
- Chao ôi, nếu Anh Cơ ở bên cạnh tôi suốt đời thì tôi có thể quên đi tất thảy.
- Hoàng thúc ơi…
Nhưng Hoàng thúc lòng vẫn còn nặng trĩu mối lo âu. Nếu quan huyện tâu lên triều đình mà triều đình không cho phép thì biết làm thế nào. Nghĩ vậy, Hoàng thúc bèn đáp:
- Nhưng mà…
Hoàng thúc không nói được nữa, chỉ biết im lặng thở dài.
Anh Cơ nhìn dáng điệu của Hoàng thúc, càng chạnh lòng thương mến:
- Hoàng thúc ơi, đã thưa sẽ xin đi theo cùng Hoàng thúc suốt đời, vậy thì còn ngại điều gì trắc trở?
Anh Cơ nói như tha thiết van nài.
- Tôi rất hiểu tấm lòng đáng trân trọng của Anh Cơ. Nhưng nhỡ triều đình ra lệnh cho tôi không được sống ở nơi đây thì… …
Anh Cơ ngả người vào đầu gối của Hoàng thúc, khóc nức nở:
- Hoàng thúc ơi, triều đình chẳng nỡ hắt hủi những người nhân từ như Hoàng thúc.Vạn nhất có thế nào chăng nữa, tiện nữ cũng quyết đi theo Hoàng thúc, dù có nghìn vạn dặm nữa, tiện nữ cũng cam lòng.
Đôi vai của Anh Cơ rung lên theo tiếng khóc, Hoàng thúc vuốt ve an ủi người thiếu nữ:
- Nàng ơi, chắc sẽ không phải thế. Vì rằng như vậy chăn nữa, nếu được sống cùng với Anh Cơ, dù ở đâu tôi cũng cảm thấy mãn nguyện.
Lúc này Anh Cơ đã quay người ngồi lại ngay ngắn.
- Hoàng thúc ơi, đêm đã khuya rồi, xin Hoàng thúc về nghỉ. Tiện nữ xin đưa Hoàng thúc về.
Sau khi đưa Hoàng thúc về gian chính điện, Anh Cơ trở về phòng riêng của mình.
Từ hôm ấy trở đi, tình yêu của hai người mỗi ngày một thêm thắm thiết.
@by txiuqw4