Lúc bấy giờ, đức đại vương Cao Tông, đời vua thứ hai mươi ba của triều đại Cao Ly, kế vị phụ vương là Khang Tông, trị vì thiên hạ đã được mười ba năm trong triều đình, Tấn vương hầu Thôi Trung Hiếu liên tục nắm quyền chính qua năm đời vua Minh Tông, Thần Tông, Hy Tông, Khang Tông và Cao Tông. Đến đời con của Thôi Trung Hiếu là Tấn dương hầu Thôi Di thì thiết lập thể chế hành chính mới gọi là "Chính phòng" ngay tại nhà mình. Tấn dương hầu Thôi Di ngồi tại nhà điều hành mọi công việc chính sự đến nay đã được một năm.
Lúc đầu dưới triều vua Minh Tông, Tấn dương hầu Thôi Trung Hiếu đặt ra thể chế hành chính "Trọng phòng" gồm Nhị quân, Lục vệ, đã loại bỏ Lý Nghĩa Văn là một quan võ bất chấp phép nước đã làm điều gàn dở. Về sau con của Lý Nghĩa Văn là Lý Chí Vinh, chạy trốn về An Tây (Hải Châu ngày nay), nắm quyền An Tây đô hộ phủ, cướp đoạt nhiều tài sản của các quan chức và dân chúng địa phương, gây nên bao nỗi oán hận. Trước tình hình đó Tấn dương hầu đã cử tướng hàn Hưu về quét sach bọn loạn tặc mang lại bình an cho dân lành. Đến đời Thần Tông, nhà sư Vạn Tích đã cùng với các nhà sư khác như Diên Phúc, Thàn Phúc, Vi Triều Di, Tiêu Tam, Hạo Tam… tụ tập nhau tai chùa Hưng Quốc. Họ bàn nhau: Làm gì có chuyện tướng tay của hoàng hậu khác với chúng ta là những nhà sư hèn mọn, thay vị chỉ biết sống hết đời như cái cây ngọn cỏ, phải đứng lên giết Thôi Trung Hiếu đi để nắm lấy quyền chính và họ đã lập mưu tạo phản. Nhưng việc không thành, bị Thôi Trung Hiếu phát hiện, hơn một trăm người đã bị bắt ném xuống sông làm mồi cho cá.
Kế tục thân phụ lên nắm quyền, Thôi Di được coi là một nhân vật đặc sắc, chữ viết rất đẹp, một trong bậc kỳ tài của đất nước.
Ông lập ra chế độ "Chính phòng" ngay tại nhà mình, và định ra các chức vụ như "thư đề", "thượng thư’… tương đương như các chức vụ chủ nhiệm, bộ trưởng ngày nay vậy.
Bộ máy chính quyền trung ương là như vậy. Còn công việc chính sự ở điah phương quan trọng cũng phải thông qua văn phòng chính sự là Tấn dương phủ đặt tại tư dinh của Thôi Di rồi mới được tâu lên nhà vua để xin quyết định.
Quan huyện Ủng Tân trước hết lên gặp văn phòng chính sự của Tấn dương phủ báo cáo đầu đuôi sự việc Hoàng thúc nước Đại Việt lưu vong sang nước Cao Ly, cùng các hành vi tội ác của Chu Nhật Thường và Trương thừa lại.
Tấn dương hầu Thôi Di quyết định Tấn dương phủ sẽ xử lý tội cướp biển tây của Chu Nhật Thường, còn việc Hoàng thúc nước Đại Việt lưu vong xin định cư thì tâu lên đại vương Cao Tông.
Do vậy quan huyện Ủng Tân tạm phải nán lại nhà khách ở kinh đô để chờ quyết định cho phép của nhà vua.
Lúc bấy giờ đại vương Cao Tông cùng với vương hầu An Huệ đang sống những ngày tháng yên bình nơi cung cấm. Có một đêm, đức vua Cao Tông nằm ngủ trong nội cung mơ thấy một điều kỳ lạ.
Nhà vua mơ thấy một con hạc rất to từ phương nam bay tới đến làm tổ ở miền đất ủng Tân.
Điều mộng rất khác thường nên ngày hôm sau nhà vua lâm triều cho gọi viên quan nội giám đến, và bảo đi tìm nhà bác học Thái Du Cảnh, nhà bói toán nổi tiếng thời bấy giờ đang trông tư thiên đài đến để giải mộng.
Công việc chính trị của đất nước hầu hết đều do Tấn dương phủ điều hành. Chỉ có những việc quan trọng hoặc những việc cung nội mới phải xin phép đức vua. Do vậy vương cung rất nhàn nhã, không có gì phải bận rộn. Quan nội giám đưa Thái học sĩ đến yết kiến nhà vua.
- Kẻ hạ thần Thái Du Cảnh, làm nghề bói toán ở Tư thiên đài xin có lời vấn an lên đức đại vương.
- Ờ, khanh hãy lại gần đây!
Đại vương Cao Tông đích thân mời Thái học sĩ đến ngồi bên cạnh mình. Thái học sĩ cúi đầu lạy tạ.
- Xin đội ơn đức đại vương.
Ông cúi khom lưng từ từ đến trước mặt đại vương cúi đầu thi lễ xong rồi ngồi xuống.
- Trẫm cho gọi khanh đến là có chút việc như thế này. Đêm qua trẫm nằm mơ thấy có điều khác thường nên cho gọi khanh đến thử đoán xem sao.
- Dạ muôn tâu đại vương, chẳng hay đại vương nằm mộng thấy điều gì ạ?
- Đêm hôm qua vào khoảng giờ sửu, trẫm nằm mộng thấy có một con chim hạc lớn từ phương nam bay tới đậu và làm tổ ở miền đất Ủng Tân biển tây nước ta.
Thái học sĩ nghiêng nghiêng đầu sang một bên, bấm bấm các đốt ngón tay; một lúc sau mới thưa rằng:
- Muôn tâu đức đại vương, đây là điềm mộng lớn hết sức tốt lành đấy ạ. Sách xưa có nói rằng mỗi khi thánh hiền xuất hiện, thì người ta thấy kỳ lân hoặc chim phượng hoàng bay lượn. Trong giấc mơ, đức đại vương thấy có chim hạc lớn bay tới, đó là điềm lành cực kỳ đấy ạ.
Vừa lúc ấy Tấn dương hầu dẫn các quan viên trong văn phòng chính sự đến sụp lạy trước mặt nhà vua;
- Muôn tâu đức đại vương, kẻ hạn thần Tấn dương hầu Thôi Di kính lời vấn an lên đức đại vương.
Nhà vua trông thấy Thôi Di bên tươi cười hớn hở nói.
- Trẫm đang định gặp Tấn dương hầu đây. Đã cho quan nội giám đi gọi. May quá Tấn dương hầu đã đến.
Thôi Di lại cúi đầu lễ phép thưa:
- Xin đội ơn bệ hạ. Kẻ hạ thần vừa lúc định đến bái yết đại vương thì nhận được chỉ của đức đại vương.
Đại vương Cao Tông lấy hai tay vuốt vạt áo lông bào, vui sướng nhìn Tấn dương hầu và Thái học sĩ, nói rằng:
- Trẫm hôm nay sở dĩ muốn gặp Tấn dương hầu và Thái học sĩ là vì thời gian qua mọi công việc chính sự của quốc gia đều do Tấn dương hầu chăm lo vẹn toàn, đất nước thanh bình thịnh trị. Nay trẫm có một điều muốn bàn với Tấn dương hầu.
- Xin đội ơn bệ hạ. Dù không như vậy, kẻ hạ thần cũng có một việc quan trọng, đang phải trình bái tâu lên đức đại vương.
Thôi Di hai tay cầm tờ biểu ghi lại tỉ mỉ việc Hoàng thúc nước Đại Việt sang xin lưu vong và những hành vi của Chu Nhật Thường, dâng lên đức vua, đức vua xốc lại áo long bào, cầm lấy tờ biểu của Thôi Di đặt lên long án. Lúc này Thái Du Cảnh đứng cạnh đã thuật lại cho Thôi Di nghe câu chuyện giấc mộng đêm qua của đại vương. Nghe xong câu chuyện, Thôi Di gật gật đầu, ra vẻ nghĩ ngợi rồi nói:
- Lời giải mộng của Thái học sĩ rất đúng.
Thái học sĩ nghe thấy quan Tấn dương hầu Thôi Di là người cầm quyền lúc bấy giờ khne mình giải mộng đúng, rất lấy làm hãnh diện và phấn khởi, Tấn dương hầu quay về phía đức vua:
- Tâu đại vương, hạ thần đã nghe Thái học sĩ giảng giải điềm mộng của đức đại vương đêm qua, hạ thần rất lấy làm cảm phục.
- Tấn dương hầu cũng có suy nghĩ về điềm mộng của trẫm như vậy ư. Nếu Tấn dương hầu và sự giải mộng của Thái học sĩ là giống nhau thì quả đây là một điềm mộng lớn.
- Muôn tâu đức đại vương, hạ thần có một điều định tâu lên đức đại vương. Sự việc như thế này: Vương triều Lý của nước Đại Việt đã suy vong, có một Hoàng thúc tên là Lý Long Tường muốn tìm đến một đất nước của bậc thánh hiền ở miền Đông Hải, nên đã dẫn hai mươi mốt gia đình dùng thuyền vượt sóng trùng dương đến lưu lại ở đất ủng Tân, vùng bờ biển phía tây của nước ta và muốn tâu lên đức đại vương xin phép được định cư tại đó. Điềm nằm mơ trông thấy của đức đại vương như vậy là điềm lành hết sức lớn lao đấy ạ.
Đại vương hài lòng bèn hỏi lại với vẻ nghiêm chỉnh:
- Vậy nội dung của tờ sớ chính là thế ư?
- Muôn tâu đức đại vương quả đúng như vậy.
Nhà vua Cao Tông cầm tờ sớ mở ra đọc, tỏ vẻ ngạc nhiên, nói:
- Điều mộng của trẫm thật quả kỳ lạ. Người có tên Lý Long Tường của nước Đại Việt đến nước ta là điềm tốt vậy.
Tấn dương hầu nghe nói thế thì thấy làm vui sướng trong lòng, bèn tâu với đức vua:
- Hạ thần cũng nghĩ như vậy ạ: theo báo cáo của quan huyện Ủng Tân, thì bọn cướp biển Chu Nhật Thường đã bị đoàn tùy tùng của Hoàng thúc nước Đại Việt bắt sống và đã giao cho quan huyện Ủng Tân. Bọn chúng hiện nay đang bị giam giữ trong nhà giam.
- Thật vậy ư? Thế ra họ là những người trí dũng và chân thật như vậy?
- Theo lời quan huyện Ủng Tân, vị Hoàng thúc đó là người rất có nhân đức.
- Thế thì quý hóa quá. Đây không phải là công đức của trẫm mà do Tấn dương hầu hết lòng chăm lo việc nước, nên trời đã biết mà gửi người lành xuống cho đấy.
Tấn dương hầu Thôi Di cảm kích cúi đầu:
- Tâu đại vương, đại vương quá khen, khiến kẻ hạ thần cảm thấy còn phải cố gắng nhiều. Việc này là việc đại sự quốc gia. Hạ thần dám mong đức đại vương ban cho thánh chỉ.
- Trẫm cảm thấy hài lòng mà ý của Tấn dương hầu cũng là như vậy. Ta cho được định cư ở nước ta là điều tốt.
- Xin đội ơn đức đại vương. Hạ thần xin phụng mệnh thánh chỉ, sẽ hết sức lo liệu để cho vị ấy định cư ở đất nước ta. Chỉ có điều muốn để cho vị ấy định cư ở đất nước ta thì không thể để cho vị ấy sống như thường dân được. Do vậy hạ thần trộm nghĩ đức đại vương chỉ trao tặng cho vị ấy một thực ấp và một tước vị nào đó thì tiện hơn cả.
- Ý kiến của Tấn dương hầu quả là sáng suốt. Trẫm mong tất cả mọi việc Tấn dương hầu sẽ xem xét lo liệu cho tốt.
Nhà vua Cao Tông không chịu nổi cái nóng giữa mùa hè, mồ hôi chảy ròng ròng trên long nhan của Người. Các thị nữ mang quạt đến quạt, nhưng không sao xua đi được cái nóng oi bức.
Tấn dương hầu cảm thông trước điều đó bèn thưa:
- Tâu đại vương, hạ thần xin lui bước. Kính mong thánh thượng hồi cung tĩnh dưỡng.
- Trẫm cũng vào nội cung đây. Tấn dương hầu đại giám cũng nên về sớm để tránh bớt cái nóng.
Nhà vua Cao Tông nói xong, được các thị nữ đưa vào nội cung. Quan đại giám Thôi Di trở về Tấn dương phủ.
Tại Tấn dương phủ, đủ mặt các sắc khanh lớn nhỏ trong văn phòng chính sự đang đừng đợi.
"Quan đại giám Tấn dương hầu đã về!"
Theo hiệu lệnh của người sai nha, tất cả mọi người cúi đầu chào.
Thôi đại giám trở về, bước lên thượng tọa, gọi một sắc khanh tên là Biện Đạt Thụ đến và nói:
- Sắc khanh hãy mau gọi quan huyện Ủng Tân đến đây.
- Bẩm vâng.
Sắc khanh họ Biện bước ra ngoài. Một chốc sau quan huyện Ủng Tân đến. Sau khi bước vào trong cửa, quan huyện cúi gập lưng, bước theo sau Biện sắc khanh, đến trước Thôi đại giám, cúi rạp mình thi lễ.
- Tri luyện Ủng Tân Lý Hoàn Khuê xin kính lời vấn an lên đức đại giám.
- Quan huyện Lý đấy à. Vụ cướp biển Chu Nhật Thường thế nào rồi.
- Bẩm quan lớn, theo lệnh của quan lớn, chúng tôi đã hợp lực với phủ cấm vệ điều tra kỹ việc này. Sự thật quả đúng như vậy.
- Quan huyện Lý vất vả nhiều. Do công lao lần này, triều đình sẽ có thưởng cho quan huyện. Còn về vị có tên là Lý Long Tường, Hoàng Thúc của nước Đại Việt, theo ý của quan huyện Lý, ta đã tâu lên đức đại vương và đã được đức đại vương cho phép.
- Xin muôn vàn đội ơn đức đại vương, đại giám.
Quan huyện Lý cúi đầu chạm xuống đất, không giấu nổi niềm sung sướng.
Sau một chốc Tấn dương hầu nói:
- Quan huyện Lý này……, về việc ấy, ta đã tâu lên đức đại vương, và đức đại vương đã cho phép vị khách ấy được định cư suốt đời. Đức đại vương còn lệnh sẽ cấp cho thực ấp và tước vị nữa. Vậy quan huyện Lý trước hết về Ủng Tân đón được vị gọi là Hoàng Thúc ấy lên đây.
- Thưa vâng… Tiểu quan xin làm ngay theo lệnh của quan đại giám.
Thôi đại giám nét mặt tràn đầy niềm vui, nhìn về phía quan huyện Lý nói:
- Quan huyện Lý ở Ủng Tân đã được mấy năm rồi?
- Thưa quan đại giám, đã được ba năm.
Thôi đại giám như nghĩ ngợi điều gì một chốc rồi nói với một giọng trìu mến:
- Theo ta nghĩ rằng, viên phủ sứ của An Tây đô hộ phủ làm việc không ra gì, dọc vùng bờ biển phía tây, tình hình khá lộn xộn. Vụ việc vừa rồi cũng nói lên sự yếu kém của An Tây đô hộ phủ. Do vậy ta định trong dịp chọn án sát sứ cho đô hộ phủ, quan huyện Lý sẽ là người hợp ý ta đấy. Kỳ này ta định thăng cấp cho quan huyện lên chức án sát sứ đô hộ phủ. Nhưng chỉ biết vậy thôi, không được để lộ ra ngoài. Nào về đi rồi trở lại.
- Thưa quan đại giám! Xin đội ơn quan đại giám. Quan đại giám đã quá quan tâm đến kẻ tiểu quan còn được toàn vẹn này.
Tấn dương hầu Thôi Di có mối tình cảm tốt đẹp với quan huyện Lý là người có diện mạo thật thà và nhân phẩm chính trực, nên đã quyết định thăng cấp cử đi làm án sát sứ của An Tây đô hộ phủ. Do vậy trong những ngày lưu lại ở kinh đô, quan huyện Lý đã thảo ra các bản tường trình nhiệm vụ của mình phải thực hiện gửi đi các phủ, bộ có thế lực như Bộ Hình pháp, Bộ Cải huấn để các cơ quan trên xem xét năng lực. Quả vậy, đối với công việc nào, quan huyện cũng đều tỏ ra là con người nhạy bén và chính trực.
@by txiuqw4