Thời gian qua, triều đình Cao Ly sau khi xem xét những điều kiện nghị hòa do Sali Fai, tổng chỉ huy quân Mông Cổ đang đóng đại bản doanh ở vùng Khai Kính đưa ra, đã chủ trương tránh xung đột trực tiếp với địch. Tân dương hầu Thôi Di, người nắm giữ quyền bính là một nhân vật vốn dĩ có ác cảm với Mông Cổ cho nên không thể có nghị hòa chân thành. Nhưng vì thực lực của Cao Ly lúc bấy giờ không thể ngăn nổi bước tiến xâm lược của đại quân Mông Cổ hùng mạnh, nên không còn con đường nào khác ngoài việc lợi dụng nghị hòa do phái địch đưa ra để thoát khỏi cơn hiểm nghèo trước mắt. Do vậy, phía Cao Ly đã phải thỏa hiệp hết bước này đến bước khác, cuối cùng quyết định chấp nhận một phần các điều kiện do chúng nêu ra, cống nạp cho chúng vàng bạc, da lông thú quý v.v… và đến tháng giêng năm sau thì quân Mông Cổ bắt đầu rút. Tiếp đó, quân Mông Cổ đóng ở ngoài thành Ứng Tân cũng cùng rút theo.
Tuy nhiên do không thể chấp nhận toàn bộ những đòi hỏi vô lý của quân Mông Cổ, nên những bất đồng giữa hai nước vẫn cứ luôn luôn âm ỷ. Trong dân gian còn loan truyền lời đồi đại quân Mông Cổ sắp sang xâm lược lần nữa, làm cho lòng người chồng chất bao nỗi lo lắng, không yên. Lúc bấy giờ, Thôi Di chấp nhận ý kiến của phái cứng rắn trong triều đình đối với Mông Cổ, và tháng sáu năm Cao Tông thứ 19 đã dời đô ra đảo Giang Hoa.
Quân Mông Cổ xem việc dời đô của triều đình Cao Ly như một dấu hiệu cho thấy họ sẽ không thực hiện điều kiện giảng hòa với Mông Cổ, nên đã trao quyền cho tướng Sali Fai đưa đại quân sang đánh Cao Ly một lần nữa. Nhưng tháng mười năm đó, Sali Fai đã bị tử trận trong một trận chiến đấu tấn công vào thành Thiên Nhân ở Long Nhân, nên đại quân Mông Cổ lại rút về nước.
Sau đó đến năm Cao Tông thứ 20, quân Mông Cổ lại sang bình định nước Đông Trân ở phía bắc Cao Ly, năm sau đó tiêu diệt nước Kim, nên trên thực tế đã bình định hết cả phần đất bắc Tống mà nhà Đường đã chiếm trước đây.
Không những thế, thế lực của Mông Cổ đang dần vươn bàn tay xâm lược ra đến tận nước Tống, và ngày càng lớn mạnh khôn gì ngăn cản nổi.
Thời gian đó, Mông Cổ cử sứ thần là Cho Kha sang Cao Ly thương lượng nhưng triều đình Cao Ly đã dời đô ra đảo Giang Hoa, và do chính sách của phái Thôi Di chủ trương đối xử lạnh nhạt với Mông Cổ nên sứ thần Mông Cổ không đạt được ý định bỏ về. Trong vòng bốn năm từ năm thứ 22 đến năm thứ 24 đời vua Cao Tông, Mông Cổ đã nhiều lần sang xâm lược nhưng do nội tình trong nước nên đã tự rút lui.
Lại nói về thành Ủng Tân, dân chúng trong thành bị quân Mông Cổ xâm lược bao vây, khi được tin chúng rút về, đã reo hò mừng vui, mở toang bốn cửa thành đông, tây, nam, bắc. Dân tỵ nạn lũ lượt đi về, quang cảnh rất nhộn nhịp. Hoàng thúc đích thân cưỡi ngựa trắng đi xem xét các nơi trong và ngòai thành, vừa thăm hỏi những người dân tị nạn vừa cho người sửa giúp những nhà dân bị cháy đổ, ra sức gắng công khôi phục lại xứ sở sau chiến tranh.
Dân cư vùng Ủng Tân vốn chỉ khoảng hơn một nghìn hộ, nhưng thời gian qua, do Hoàng thúc hậu đãi hết lòng những người dân tỵ nạn, nêu sau khi quân Mông Cổ rút về rồi, họ vẫn không quên ơn đức của Hoa sơn quân. Số người tự nguyện xin ở lại thành Ủng Tân ngày càng tăng, trong vòng ba mươi năm đã lên đến hơn hai nghìn hộ.
Mọi sự trên đời không phải đứng im một chỗ mà luôn luôn thay đổi. Hàng ngàn vạn sự việc xảy ra xung quanh Hoa sơn quân cũng thay hình đổi dạng không ngừng.
Tiêu Vĩnh Vạn thoắt đến trước đây như một cơn gió, nhưng chiến tranh vừa kết thúc, cũng lại thoắt cái ra đi chẳng khác gì một cơn gió. Hình ảnh của anh đã lùi về một dĩ vãng xa xôi. Còn công tử Lý Quân Tất mấy năm trước đây được thăng lên chức tướng soát thủy quân dưới quyền của thượng tướng quân Kim Lý Sinh, chỉ huy sứ Đông nam đạo thuộc khu vực tỉnh Trung Thanh, đảm đương công việc phòng thủ vùng biển tây, nên cũng đã rời khỏi Ủng Tân. Cả đất nước biến động loạn lạc, may sao chỉ có thành Ủng Tân vẫn còn được thanh bình. Hoa sơn quân chỉ còn biết chú tâm vào việc chăm sóc đời sống của người dân trong thành, và coi đó là niềm vui lớn nhất.
Bởi vậy, ngay từ đứa trẻ thơ cũng biết đến Hoa sơn quân. Mỗi khi Hoa sơn quân cưỡi ngựa trắng xuất hiện trên đường phố, tất cả già trẻ gái trai đều đi theo bạch mã tướng quân. Họ trầm trồ nói với nhau:
"Bạch mã tướng quân đang đi kìa".
"Tướng quân anh minh đang đến kìa."
Nhưng cuộc đời mang nặng quá khứ đau thương của Hoa sơn quân trong hai mươi năm qua, toàn bộ đâu có phải chỉ như vậy. Có lẽ phần lớn chỉ có đau buồn. Gần đây nếu không nhận biết tấm lòng của người dân trong thành đối với Hoàng thúc, có lẽ đôi khi có thể nhìn thấy hình ảnh của Hoàng thúc không còn có vẻ là Hoàng thúc nữa.
Năm tháng trôi đi, mọi vật trên đời đều sinh thành biến đổi theo quy luật của chúng, chỉ duy có tấm lòng thương nhớ quê hương cố quốc đang ấp ủ trong trái tim của Hoàng thúc là không sao có thể lắng dịu nguôi quên…
Hoàng thúc không quên được cố quốc, lại trèo lên núi Hoa Sơn, nhìn lên trời ôm mặt khóc nức nở. Trong cảnh nhàn hạ, Hoàng thúc vẫn canh cánh trong lòng niềm mong nhớ về quê hương vô vọng mịt mùng.
Cùng với không gian biến đổi, những người anh hùng rồi cũng phải tuân theo quy luật và sự thuần hóa của thiên nhiên. Giữa Hoàng thúc và Trịnh Anh Cơ chỉ có hai người con trai, người con trưởng là Cán năm nay hai mươi bảy tuổi, người con thứ là Nhất Thanh hai mươi bốn tuổi. Cả hai anh em đều rất thông minh, tài trí, đã đỗ đạt ra làm quan và được điều động đến đảo Giang Hoa.
Như vậy, Hoàng thúc không tránh khỏi cảnh cô độc. Về già, không có con bên cạnh là một trong ba nỗi cô đơn.
Ngày đầu mới đến nước Cao Ly, Hoàng thúc là một chàng thanh niên mới hơn ba mươi tuổi, nay đã là ông già tóc bạc quá sáu mươi.
Năm tháng trôi đi, thời thanh xuân mới ngày nào đây nay đã là chuyện dĩ vãng xa xôi. Mới đây mà đã ba mươi năm trôi qua như một giấc mơ.
Trong thời gian ấy, quân Mông Cổ đã nhiều lần trong nhiều năm sang xâm lược. Nhưng may mắn chúng không xâm phạm vào thành Ủng Tân.
Cùng lúc ấy, triều đình Cao Ly cũng xảy ra nhiều chuyện. Tấn dương hầu Thôi Di đã qua đời, người thừa kế không có. Nhưng có một người con trai tên là Khang do kỹ nữ Đoan Diên Phòng sinh ra, được xem là con thứ thất mang huyết thống họ Thôi lên kế nghiệp triều chính.
Trong trào lưu thời bấy giờ, để lo liệu cuộc sống, Hoàng thúc cũng không thể không để tâm đến nhiều sự việc có liên quan.
Bản thân vốn là dòng dõi chính thống của vương triều Lý, đế chế Đại Việt, nhưng vương triều Lý đã chuyển sang vương triều Trần, do đó phải lánh nạn đến nơi đất khách quê người sống cuộc sống cô đơn. Cứ mỗi lần nỗi xót đau ấy bùng lên, Người lại lần hồi từng bước mệt nhọc leo lên con đường mòn trên núi Hoa sơn, rẽ lối qua những lùm cây, làm cho những con chim núi giật mình. Người cũng không quên những cánh đồng mà người đã nhiều lần đi lại trước đây. Có đôi lúc người vào quán rượu bên dưới núi Hoa sơn uống vài chén như muốn quên đi nỗi nhớ mong cố quốc tha thiết đang day dứt trong lòng không sao quên được.
Trong hơn ba mười năm qua, để xây dựng cuộc sống mới, Hoàng thúc cũng đã từng chiến đấu, đã từng làm nên những việc đầy ý nghĩa nhưng vẫn không quên tổ quốc cũ của mình. Nỗi lòng ưu tư đó, vợ con của Người đều không hay biết. Vợ con của Người chỉ biết Người là Hoa sơn quân, một trung thần của triều đình Cao Ly hơn là một Hoàng thúc của đế chế Đại Việt. Bản thân Hoàng thúc cũng phải tự nhận như vậy. Hiện thực song trùng đó có vẻ như một định mệnh không sao cưỡng lại được.
Có một hôm vào một ngày mùa thu năm thứu 39 đời vua Cao Tông, Trịnh phu nhân cảm thấy những ngày vừa qua, nỗi buồn nhớ quê hương đang sống lại trong lòng người chồng của mình.
Ngày hôm ấy, phu nhân thấy chồng sáng sớm dậy ăn cơm xong định đi lên núi Hoa sơn, bèn mỉm cười nói nhỏ nhẹ:
- Này mình ơi, gần đây mình có thì giờ thảnh thơi nên định lên núi Hoa sơn có phải không?
Hoàng thúc thấy vợ đã đoán biết ý định của mình, bèn lấy tay vuốt vuốt chòm râu, lưỡng lự một chập rồi nói lảng sang hướng khác:
- Thành Hoa Sơn có đôi chỗ cần đắp lại…
Lúc ăn cơm, phu nhân theo dõi thấy chồng trong suốt bữa ăn chỉ im lặng, không nói một câu nào.
Ăn cơm xong, Hoàng thúc đẩy bát nước lạnh sang một bên và nói với vợ:
- Mình ơi, mình cho tôi một bát nước cơm cháy với.
Phu nhân mỉm cười âu yếm:
- Mình cũng thích uống nước cơm cháy ư?
Hoàng thúc cười theo:
- Thích chứ… Dưa "kim chi" tôi cũng rất thích.
Phu nhân cảm thấy vui vui trước sự yêu thích đó của chồng, bèn nói:
- Mình muốn thưởng thức hương vị thì phải trả giá cho hương vị đó đấy nhé. Vì vậy hôm nay mình đừng lên núi Hoa Sơn nữa mà nên ngồi ở gian thư trai nhà ngoài. Hôm qua có nhiều người đến thăm rồi lại về không, thật không phải với khách.
Trước những lời nói ân cần đó của vợ, Hoàng thúc cũng cảm thấy ấm lòng. Thời gian qua, cứ nhọc công leo lên núi nhớ lại những ngày qua rồi lại buồn bã khóc lóc chẳng có ích gì. Dĩ nhiên quá khứ cũng đáng trân trọng. Nhưng hiện thực cũng đáng như thế. Bản thân mình sống trong hòan cảnh hết sức éo le, nay đã là ông già đầu tóc bạc phơ. Nghĩ đến những ngày sắp tới của các con, nghĩ đến tương lai xa hơn, Hoàng thúc cảm thấy không thể làm ngơ trước những lời khuyên nhủ tha thiết đó của vợ.
- Vâng, thôi bây giờ tôi nghe bà. Kể từ hôm nay tôi sẽ ngồi ở gian thư trai nhà ngòai.
Vừa lúc ấy, người hầu chạy vào, cúi rạp mình trước thềm, thưa:
- Bẩm quan, có khách từ kinh đô đến ạ.
- Vậy, khách từ kinh đô đến là ai thế?
Nghe Hoàng thúc hỏi vậy, người hầu hơi ngoẹo đầu suy nghĩ một chốc rồi đáp:
- Thưa, có lẽ Chu đại giám ạ…
Hoàng thúc suy nghĩ một chốc, chừng như hiểu ra người đó là ai, bèn nói:
- Có phải Chu thượng thư là anh cả của thượng tướng quân Chu Thúc đại giám, có phải không?
Lúc này người hầu ra vẻ như đã biết rõ, bèn cười hỉ, thưa lại:
- Dạ, đúng đấy ạ. Chính là Chu thượng thư đại giám đấy ạ.
- Ra mời nhanh vị ấy vòa thư trai nhà ngoài, ta mặc áo rồi ra ngay…
Bảo người hầu xong, Hoàng thúc bèn ăn mặc chỉnh tề và bước ra thư trai.
Bên ngoài thư trai, thượng thư Bộ Lễ Chu Mạc đang ngồi đợi ở ghế trên, vừa trông thấy Hoàng thúc đã vui vẻ chào hỏi.
- Đến thăm đại giám đột ngột như thế này thật không phải quá.
- Thưa đại giám. Đại nhân quý hóa hạ cố cho như thế này, tôi rất lấy làm cảm kích.
- Không có gì đâu. Hôm trước, tôi ghé lại thăm Thôi Khang đại giám, có nói chuyện nhiều về Hoa sơn quân.
- Xin cảm ơn. Tất cả cũng nhờ ơn đại nhân, và thượng tướng quân đại giám là hiền đệ của đại nhân, luôn luôn che chở cho rất nhiều.
Chu thượng thư tỏ vẻ hài lòng trước thái độ khiêm tốn của Hoàng thúc, bèn nói:
- Đại giám khiêm tốn quá.
Hoàng thúc đang sốt ruột, không biết cái ông Chu Mạc này đột nhiên tìm đến có việc gì, bèn nói:
- Sau khi dời đô ra đảo Giang Hoa, khoảng năm năm về trước, tôi đã định ra đó để thăm, nhưng rồi rốt cuộc vẫn không đi được. Thời gian qua, chắc là đã có nhiều thay đổi lắm?
- Vâng kể cũng có nhiều thay đổi. Nay đã khác trước nhiều lắm. Bọn Mông Cổ quá quắt lắm…
Hoàng thúc thấy Chu thượng thư nói có vẻ ngập ngừng như vậy, tự nhiên nhớ lại cuộc xâm lược của quân Mông Cổ trước đây, bèn nói:
- Mông Cổ phải suy vong thì chúng ta mới có thể trở về lại kinh đô cũ.
Chu thượng thư lắc đầu, có vẻ như không tán thành câu nói đó của Hoàng thúc:
- Còn lâu bọn chúng nó mới suy vong. Chúng nó đang thừa thắng tiến lên định nuốt chửng cả nước Tống. Nghe đâu chúng đang chuẩn bị lại sang xâm lược nước ta lần nữa.
Hoàng thúc cũng biết chính vì việc này mà ông ta đến đây, song nói trước điều ấy không tiện nên cứ phải tìm cách đưa đẩy câu chuyện để thăm dò. Nay thấy quan thượng thư nói thẳng đuột ra là quân Mông Cổ lại sắp sang xâm lược lần nữa nên không khỏi ngạc nhiên. Hoàng thúc im lặng, vẻ mặt trầm ngâm.
Hai người ngồi đăm chiêu tư lự,
Sau một chốc, quan thượng thư cúi mình nói với vẻ nghiêm trang, gần như van lơn:
- Trước đây Hoa sơn quân đã vì đất nước mà lập nên công lớn, cả triều đình và thần dân đều biết rõ điều đó. Quả thực trấn Ủng Tân này là nơi yếu địa nối liền với đảo Giang Hoa trên vùng bờ biển phía tây, cho nên Hoa sơn quân đại giám hãy cố gắng công cho một lần nữa.
- Thưa đại giám, quan thương thư dạy quá lời. Trước đây tôi có làm được gì đâu. Tất cả là do trăm họ nơi đây đã dũng cảm chiến đấu, quyết tâm bảo vệ thành trì nhỏ bé này nên mới được thế.
Đương nhiên, nếu sau này quân Mông cổ lại xâm lược lần nữa, thì tôi cũng sẽ quyết liều thân chiến đấu để bảo vệ bờ cõi non sông.
Nghe Hoàng thúc giải bày quyết tâm của mình, Chu thượng thư tỏ vẻ yên tâm:
- Có một việc muốn xin nhờ đại giám. Thật cũng quá thất lễ, nhưng biết nói sao…
Nghe quan thượng thư định nói ra nhưng lại ngập ngừng như vậy, Hoàng thúc nhìn kỹ ông ta, mỉm ười mà rằng:
- Đại giám đã có lời muốn cần đến bản thân, vậy chẳng hay là việc gì vậy?
Đến lúc này, Chu thượng thư có vẻ như cũng quyết tâm, bèn nói:
- Chẳng là kinh thành của chúng ta nay đã đến bước này, mọi người chẳng kể già trẻ gái trai đều lánh nạn ra đảo Giang Hoa. Nhưng thuyền không có, làm sao vận chuyển họ ra đảo được. Do vậy, triều đình sau khi bàn bạc, thấy không còn cách nào nên cử tôi đến đây mạo muội xin thương lượng với đại giám cho mượn khoảng hai mươi chiếc thuyền của thủy quân dưới quyền cai quản của đại giám, và chỉ sử dụng trong khoảng mười ngày, sau đó sẽ trả lại.
Hoàng thúc nghe Chu thượng nói vậy, bèn cười mà rằng:
- Đất nước đang trong cơn nguy biến, nếu thấy cần thì dù là thuyền của cá nhân tôi hay thuyền của thủy quân, đều phải được huy động để đi làm các việc công vụ. Một việc nhỏ như thế, thượng thư đại giám không cần đích thân đến, mà chỉ cần cử người đến đây báo là đủ.
Tất nhiên trong tầu thuyền của thủy quân Ủng Tân có thuyền của quân đội triều đình cho, cũng có thuyền do Hoa sơn quân tự bỏ tiền tư của mình ra đóng.
- Đại giám vui vẻ nhận lời như thế này, tôi rất lấy làm biết ơn.
Lúc này các người hầu đã bưng mâm rượu lên.
Hoàng thúc nhìn một lượt mâm rượu tôi mời Chu thượng thư lên ngồi ngôi trên và nói:
- Khách quý không quản đường sá xa xôi đến đây, rất tiếc vùng sơn dã hẻo lánh, thức nhắm chẳng có gì.
Chu thượng thư tỏ vẻ ngạc nhiên, nói:
- Ôi chao, thức ăn tuyệt vời thế này, chứng tỏ tài nấu nướng khéo lắm, ngay ở kinh thành cũng hiếm thấy.
Theo sự hướng dẫn của các người hầu, các cô quan kỹ bước vào phòng.
- Xin có lời vấn an đại giám từ kinh thành tới ạ. Tiện nữ là quan kỹ Ngô Minh Nguyệt ạ.
- Tiện nữ là quan kỹ Bùi Hương Lan xin có lời vấn an quan đại giám. Quan đại giám đi đường xa đến đây chắc là vất vả lắm ạ.
Minh Nguyệt và Hương Lan mặc những chiếc váy dài lượt thượt mầu hồng bằng lụa giáp sa, một vạt được cắt chéo lên giắt vào bên dưới nách, chân đi chữ bát, bước vào vấn an và cúi đầu chào nhanh nhảu. Hoàng thúc nhìn các cô quan kỹ, thấp giọng bào:
- Các cô nhớ tiếp đãi chu đáo Chu thượng thư đại giám ở kinh đô về nhá!
Minh Nguyệt cầm lấy chén rượu lên mời quan thượng thư:
- Thưa quan lớn, xin mời quan lớn dùng rượu ạ.
Chu thượng tư cầm chén rượu lên uống hết, rồi đưa chén sang mời Hoàng thúc.
- Lâu ngày mới gặp nhau, xin mời đại giám một chén rượu.
Nói đoạn, Chu thượng thư đưa chén rượu sang. Lúc này, Hoàng thúc cũng đã uống hết chén rượu và đưa sang phía Chu thượng thư:
- Tôi định mời trước đại giám một chén… Vậy ta hãy cùng trao đổi chén cho nhau. Ha, ha, ha…
Hương Lan ngồi bên cạnh Hoàng thúc, nhanh rót rượu vào chén của Chu thượng thư.
- Xin mời đại giám dùng rượu ạ.
Hai người trao đổi chén qua lại, uống với nhau được một chốc đã ngà ngà. Chu thượng thư như nghĩ ra điều gì, đột nhiên hỏi Hoàng thúc:
- Tôi có việc muốn xin hỏi Hoa sơn quân đại giám. Chả là nghe nói ở trấn này có một cô quan kỹ tên là Thu Nguyệt có phải không?
Nghe nói Thu Nguyệt, Hoàng thúc chưa trả lời, quan kỹ Minh Nguyệt ngồi bên cạnh đã nói trước:
- Quan kỹ Thu Nguyệt là một kỹ nữ danh tiếng đã lập được công đầu trong việc phòng vệ thành Ủng Tân đấy ạ.
Hoàng thúc cười, gật gật đầu nói:
- Chu đại giám biết chuyện ấy rồi. Cô ấy đã có công lớn trong cuộc chiến đấu ở Ủng Tân. Cho nên việc ấy đã được tâu lên với triều đình.
Đến lúc này Chu thượng thư tỏ vẻ có biết đầu đuôi câu chuyện, bèn nói:
- Thời gian qua, triều đình bận nhiều việc như dời đô cùng các việc khác nữa nên chưa kịp xét. Nhưng không bao lâu nữa, triều đình sẽ có khen thưởng.
Nghe nói vậy không những Hoàng thúc mà cả các cô quan kỹ cũng đều vỗ tay biểu lộ sự vui mừng.
Minh Nguyệt lại mời Chu thượng thư một chén rượu.
- Xin đa tạ Chu thượng thư đại giám đã quan tâm nhiều đến chị gái chúng tôi như vậy. Vậy xin kính mời quan đại giám một chén rượu này.
Chu thượng thư cầm chén rượu lên, đang định uống thì Hương Lan lại mời thêm một chén nữa.
- Xin mời quan đại giám uống cả chén này nữa, để cho hoa nở đều hai tay ạ.
- Chà, như thế này thì cả hai cùng hối lộ cho tôi nhiều quá! Tôi sẽ cố uống hết cả hai chén rượu trên hai tay tay do hai cô mời nhưng thế thì say mất.
Nói vậy nhưng vẫn cố uống hết cả hai chén.
Chu thượng thư quên cả phép lịch sự vì đáng lẽ khi uống chén rượu đầu tiên cũng nên nói qua một câu rượu này là rượu gì vậy. Nhưng đằng này ông đã quên khuấy đi mất, chẳng có lấy một lời hỏi han, cứ thế uống hết chén này đến chén kia, say chếch choáng rồi vẫn còn ưỡn ngực tiếp tục uống.
@by txiuqw4