sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 21: Quân Mông Cổ Lại Sang Xâm Lược

Lại nói về quân Mông Cổ. Chúng sang xâm lược nước Cao Ly, rồi quay về. Được mấy năm chúng sang xâm lược lần nữa.

Vào năm Cao Tông thứ 39, bị đặt trong tình thế đó, triều đình đã cử sứ thần Lý Hiên sang Mông Cổ tìm cách đánh lừa, nói rằng Cao Ly sẽ thực hiện tất cả những gì mà Mông Cổ yêu cầu, và rằng triều đình đã dời đô từ Giang Hoa trở lại Tùng Đào rồi. Nhưng Mông Cổ không tin Cao Ly, nên sau khi sứ thần Lý Hiên trở về rồi, họ bèn cử một đoàn sứ giả đông đến ba mươi bảy người do Ta Kha dẫn đầu sang Cao Ly để xem rõ thực hư. Lý Hiên biết rõ điều đó nên đã sai viên ký lục của mình là Trương Giám bí mật về báo với triều đình kế hiểm đó của Mông Cổ.

Nhưng rồi đến đầu tháng tư năm Cao Tông thứ 40, cuối cùng Yakul của Mông Cổ cùng với em vua là Long Chu cử Amukhan làm tướng tiên phong kéo đại quân sang xâm lược Cao Ly. Quân Mông Cổ tiến quân như thế trẻ che. Chúng đã chiếm hết cả vùng quan bắc và xâm nhập vào vùng biển tây. Theo đó cúng dần dần tiến quân về phía nam, xâm nhập vào tận trung châu.

Trong tình hình đó, dĩ nhiên bàn tay xâm lược của quân Mông Cổ cũng đã vươn đến thành Ủng Tân.

Tháng tám năm đó, á tướng của Đường Cô là Khalitan dẫn hơn một vạn kỵ binh và bộ binh tiến đánh vào Ủng Tân.

Khalitan đã quét sạch cả một vùng biển tây của tỉnh Hoàng Hải; đến tháng chín năm đó thì bắt đầu bao vây thành Ủng Tân.

Để bao vây thành Ủng Tân, Khalitan đã thay đổi cách đánh so với cách đánh của Đường Cô trước đây; Y mở ra hai mặt trận. Một vừa để kiềm chế quân phòng vệ cửa tây bắc thành Ủng Tân, vừa để đối chọi với quân Cao Ly ở núi Quảng Đại. Một mặt trận khác chúng bố trí ở mạn Đông Nam, dựa lưng vào núi Liên căn, chuẩn bị tấn công vào thành Việt Nam ở núi Hoa Sơn và cửa thành phía đông nam.

Tình hình đã đến bước này, nên cả quan huyện Ủng Tân coi sóc nơi này, cũng như đốc binh biệt quân sơn thành và cả quan mục sứ ở Hải Châu tất cả đều cuống cuồng lo tìm cách đối phó.

Sơn thành của trấn Ủng Tân này nằm dưới quyền quản hạt của Mục sứ Hải Châu. Mục sứ trước đây được gọi là An tây đô hộ phủ sứ, nhưng từ năm Cao Tông thứ 34 trở đi, đổi cách gọi là mục sứ. Mục sứ Hải Châu - gọi như vậy vì Hải Châu là nơi đặt An tây đô hộ phủ - bên cử quan truyền lệnh đến gặp đốc binh biệt quân sơn thành Trác Vĩnh Phúc và quan huyện Ủng Tân An Ngọc, báo cho hai người biết, trong việc phòng vệ thành Ủng Tân, dựa theo kinh nghiệm chiến đấu lần trước, cần bàn bạc với Hoa sơn quân, và phối hợp với nghĩa binh của Hoa sơn quân.

Đốc binh biệt quân sơn thành Trác Vĩnh Phúc là người hay cố chấp, thường xung khắc ý kiến với quan huyện, không phục ông này nên quan mục sứ đã có lời phê phán nghiêm khắc.

Do quân Mông Cổ nhiều lần sang xâm lược, nên triều đình đã huy động dân binh toàn quốc đắp cao các con đê dọc theo vùng bờ biển, tăng cường nhiều biện pháp phòng thủ.

Ở thành Ủng Tân cũng vậy. Quan huyện và đốc binh sơn thành đã chấp nhận chỉ thị của Hoa sơn quân, xây dựng lại thành lâu, và gia cố nhiều công trình phòng vệ khác.

Mỗi lần quân Mông Cổ sang xâm lược. Mục sứ Hải Châu lại khẩn khoản liên hệ với Hoa sơn quân. Còn quan huyện An Ngọc và đốc binh Trác thì nhiều lần tìm đến cúi rạp mình nhờ Hoa sơn quân giúp đỡ. Song không hiểu sao Hoa sơn quân cứ từ chối không muốn ra khỏi thành Việt Nam.

Nhưng quan huyện An và đốc binh Trác cứ tìm đến nằng nặc van nài.

Quan huyện An là người nhã nhặn, luôn đưa mặt nhìn lên hai khuôn mặt của Hoa sơn quân và đốc binh sơn thành nói:

- Hoa sơn quân đại giám cứ từ chối như thế này thì nguy lắm ạ. Trấn Ủng Tân của chúng tôi mà thất thủ thì mối nguy sẽ không lường hết được.

Lời nói đó của Quan huyện như đấm vào tai đốc binh Trác. Quan huyện An không phải con nhà binh mà lại ăn nói một cách tùy tiện như vậy trong khi đốc binh là con nhà binh đang ngồi bên cạnh rõ ràng làm cho đốc binh khó chịu, nhưng ông ta không thể chống lại mệnh lệnh của thượng cấp cũng như không thể phản ứng lại quan huyện trước mặt ông cụ già.

Bởi thế, ông ta đành phải cúi đầu xuống đất nhận rằng lời nói của quan huyện An là đúng. Có lẽ thấy tội nghiệp trước những lời van xin của quan huyện và đốc binh đã nhiều ngày nay, cuối cùng Hoa sơn quân vuốt vuốt một chặp bộ râu trắng như cước, chép miệng nói:

- Tôi nay cũng đã già, tuổi cao sức yếu mà quan huyện An và đốc binh Trác vẫn có lòng đến bảo tôi gánh vác trách nhiệm, tôi xin cảm ơn hai vị nhưng thật lòng rất lo. Quan huyện An thì đã đành rồi, nhưng đặc biệt có đốc binh Trác, võ nghệ rất cao cường, cho nên mong hai vị đừng nghĩ rằng tôi chịu trách nhiệm là tôi sẽ làm tổng chỉ huy mà cả ba chúng ta hãy thỏa thuận cùng nhau bảo vệ thành Ủng Tân. Được như vậy mới là quý.

Nghe Hoa sơn quân nói vậy, đốc binh Trác phấn khởi, niềm vui mừng hiện trên nét mặt. Nhưng nhớ lại việc này là mệnh lệnh đặc biệt của mục sứ giao cho nên chấp hai tay vái lạy Hoa sơn quân mà nói rằng:

- Thưa Hoa sơn quân, có tin hiện nay quân Mông Cổ đã đến cách ngoài thành có mấy chục dặm. Vì vậy, càng vào lúc này, càng cần phải thống nhất quân lệnh chỉ huy. Hoa sơn quân có chấp nhận cho lời cầu khẩn này thì mới bảo vệ được thành và mục sứ của chúng tôi cũng giữ được thể diện.

Hoa sơn quân suy nghĩ rất nhiều. Ngày trước, Lý án sát sử là chỗ quen thân đặc biệt với Người, nhưng nay quan mục sứ mới đến, tuy có quen biết nhau nhưng không phải là bạn bè thân thiết. Ông ta thông qua đốc binh dưới quyền mình có thể nay bảo phải làm thế này, mai bảo phải làm thế nọ. Ngộ nhỡ bại trận, thì mình sẽ phải hứng chịu những lời oán thán. Hoa sơn quân rất ngại điều đó, nhưng thấy đốc binh Trác mũi chấm đất, cúi đầu van lạy như vậy và trong giờ phút quân Mông Cổ đã tiến đến cách ngoài thành chỉ có mấy mươi dặm, nên tình thế không cho phép trì hoãn thêm được nữa. Không còn cách nào khác, Hoàng thúc bèn chấp nhận.

- Hai vị đã có lòng. Tôi cũng xin nhận lãnh trách nhiệm tổng chỉ huy vậy.

Quan huyện An và đốc binh Trác cúi đầu tạ lễ.

- Xin cảm ơn Hoa sơn quân. Vậy chúng tôi xin trở về báo lên quan mục sứ, xong sẽ quay lại.

Nói xong hai người bèn đứng dậy, chẳng kịp đợi Hoa sơn quân có nói lại điều gì không.

Hoa sơn quân thấy họ mấy ngày nay van vỉ mãi, nay mới được chấp nhận, mà lại có thái độ như vậy kể cũng có phần xem thường. Song, nghĩ lại thấy bổn phận của người lính trước hết là phải báo cáo ngay điều đó lên cấp trên, nên Người chỉ cười, ngồi nhìn theo bóng hai người đang đi ra khỏi cổng.

Hai người đi rồi, trong lòng Hoàng thúc lại nói lên bao nỗi suy tư ngổn ngang trăm mối. Ngày trước bên cạnh Hoàng thúc còn có Lý công tử Lý Quân Tất, và Tiêu Vĩnh Vạn, tất cả đều hết lòng giúp đỡ, hơn nữa thể lực của Hoàng thúc lúc ấy còn cường tráng. Mặt khác, hai đứa con trai của Người nếu có ở đây cũng giúp đỡ được cho bố, nhưng đằng này chúng nó cũng theo con đường của chúng nó, đi làm quan ở triều đình, đang đảm đương những công việc quan trọng hơn, nên không biết phải xoay sở sao đây.

Lúc này có một người tráng đinh chạy vào báo cáo.

- Thưa Hoa sơn quân, ngựa đi tuần tra đã sắp đến rồi ạ.

Hoàng thúc muốn đi xem xét một lượt trong ngoài thành, nên đã lệnh cho những người lính hầu cho rơm cỏ để ngựa ăn no và đóng yên lên con ngựa trắng mà người rất yêu quý.

- Thế thì hãy đi quanh một vòng xem sao.

Nói đoạn, người bước lên lưng ngựa và đi ra phố.

Trên đường phố, thấy Hoa sơn quân xuất hiện, mọi người già trẻ gái trai đều lộ nét mặt vui mừng hoan hỉ.

- Bạch mã tướng quân của chúng ta đã cao tuổi nhưng trông còn khỏe.

- Tướng quân chiến đấu bằng sức mạnh, nhưng cũng bằng cả trí tuệ nữa đấy! Hoa sơn quân của chúng ta là vị tướng anh minh, quân Mông Cổ là cái thá gì.

Trên đường phố, người nọ gặp người kia, bàn tán rôm rả, thể hiện lòng dân trong thành muôn người như một đoàn kết nhất trí với Hoa sơn quân, cho nên sự thắng bại của thành này coi như có thể biết trước được.

Quan huyện An và đốc binh Trác sau khi lên thư lại với mục sứ Hải Châu, đã quay lại gặp Hoàng thúc báo cáo công việc.

- Thưa, Hoa sơn quân đi đâu vậy! Chúng tôi đang có một trác thư gấp muốn được trình lên Hoa sơn quân.

Trời rét cóng mà Hoa sơn quân thấy họ chạy đến vã cả mồ hôi trán, bèn mỉm cười nói:

- May quá, nào chúng ta hãy cùng nhau đi xem xét trong thành một lượt rồi về nhà nói chuyện.

Đốc binh Trác, thấy Hoa sơn quân đã xiêu lòng thì rất biết ơn, nhưng không nói được nên lời, chỉ biết đi theo sau Hoàng thúc.

Quan huyện và đốc binh Trác đi theo hai bên, Hoàng thúc đi giữa, cảm giác trống trải đã mất đi. Không những vậy, họ còn cảm thấy có thể nghĩ ra được những sáng kiến hay. Ba người vừa đi vừa suy nghĩ, chẳng bao lâu đã đến núi Quảng Đại ở phía ngoài cửa Bắc. Núi Quảng Đại là nơi đốc binh Trác dàn trận địa lập phòng tuyến bảo vệ cửa thành phía tây bắc. Quân Cao Ly binh lực ít, không chiếm nổi vùng núi Thanh Nham là nơi đội quân đi trước của Mông Cổ đang dồn trú, nhưng do đã bố trí những lực lượng tinh nhuệ ở chân núi phía tây bắc núi Quảng Đại cho nên đã tạo ra một thế trận tốt, có thể diệt gọn quân Mông Cổ dám liều lĩnh tấn công vào trong thành Ủng Tân. Sau khi đi thăm một lúc thế trận đó, Hoàng thúc tỏ vẻ hài lòng khen:

- Trận pháp của đốc binh Trác khá đấy!

Với vẻ đắc ý hiện trên nét mặt, đốc binh Trác khiêm nhường đáp lại:

- Trận pháp này do bản quan học được của mục sứ. Nhưng năng lực chỉ huy của bản quan vốn kém lắm ạ.

Hoàng thúc nhìn đốc binh Trác, rồi lại nhìn ra trận nói:

- Sách có câu "Thiên thời bất như địa lọi" gặp thời cơ tốt không bằng gặp địa thế tốt. Hình thế của núi Quảng Đại chẳng phải thế sao? Đúng vậy, thế trận này là "bát trận đồ".

Đốc binh Trác nở cả ruột gan, cười hi hi nói:

- Thưa Hoàng thúc, thế trên này có làm được đúng theo quy cách không ạ?

- Khá lắm. Khi còn ở cố quốc, tôi đọc sách thấy nói ngày xưa Gia Cát Khổng Minh đã lập ra bát trận đồ rất giỏi. Tôi sang nước Cao Ly thấy dường như ai cũng làm giỏi bát trận đồ.

Nghe câu chuyện trao đổi giữa Hoa sơn quân với đốc binh Trác như vậy, quan huyện An là quan văn không biết có phải vì ghen tức hay không, bèn nhăn trán nói một câu:

- Thưa Hoa sơn quân, làm tốt bát trận đồ cố nhiên là tốt rồi. Nhưng có được trí tuệ tốt như vậy mà lại không làm được cái việc "bổ lưới tứ phương" để bắt quân Mông Cổ, không buộc được chúng phải co vòi bó tay mà cứ để chúng luôn luôn sang đánh [há nước ta như vậy, thử hỏi chẳng phải đã là tốt hay sao?

Đốc binh Trác tỏ vẻ khó chịu, nhìn chằm chằm vào quan huyện An. Nhưng Hoàng thúc gật gật đầu, nói:

- Quan huyện An nói như vậy cũng có cái lý của mình. Một vị danh tiếng dù có tài ba lỗi lạc bao nhiêu, nếu không gặp thời thì cũng không thể nổi danh được. Biết đâu, một ngày nào đó, nhờ tài năng của đốc binh Trác chúng ta sẽ đánh lui được đại binh của Mông Cổ chỉ trong một trận cho mà xem. Chỉ có điều, thời thế đã vậy, thì đất nước này phải chịu vậy thôi.

Trong lúc mọi người đang nói chuyện với nhau bỗng có ba người trong đó có cô á tướng sơn thành Lư Quân Đạt đến Thanh Nham sơn trinh sát địch tình trên đường trở về, trông thấy đốc binh bèn cúi chào thưa rằng:

- Thưa, chúng tôi vừa được tin tướng Mông Cổ Khalitan đã tập kết gần ba nghìn kỵ binh và hơn năm nghìn bộ binh ở chân núi phía nam của Thanh Nham sơn, dàn trận địa ở đó và bố trí khoảng hơn năm nghìn kỵ binh và ba nghìn bộ binh ở phía núi Liên Căn.

Hoàng thúc đứng bên cạnh nghe trình bày như vậy, bèn quay lại hỏi Lưu Quân Đạt:

- Vậy, cờ soái của chúng treo ở núi nào?

Nghe hỏi vậy, Lưu Quân Đạt vẹo đầu suy nghĩ một chốc rồi trả lời:

- Dạ, vốn dĩ trên trận địa của quân Mông Cổ cắm rất nhiều cờ không phân biệt rõ được. Nhưng ở Liên Căn sơn thì không có cờ lớn, còn ở giữa trận địa Thành Nham sơn có vẻ như có một lá cờ rất to. Có thể đó là cờ soái của tướng Khalitan cũng nên.

Cả quan huyện An và đốc binh Trác đều có vẻ như đang chờ Hoa sơn quân nói tiếp. Hoàng thúc suy nghĩ một chập rồi nhìn đốc binh Trác nói:

- Như vậy chủ lực của địch chắc chắn đông ở Thanh Nham sơn, có lẽ chúng đang chuẩn bị đánh vào cửa thành phía bắc của chúng ta.

Đốc binh Trác đến lúc này chừng như đã hiểu, ít nhiều tỏ vẻ lo lắng.

- Thưa Hoa sơn quân, binh lực của bản quan ít quá…

- Tôi cũng nghĩ như vậy. Cho nên ngay tối hôm nay cần điều động gấp một số binh lực ở phía ngoài cửa nam lên cửa bắc.

Hoa sơn quân chỉ thị như vậy, quan huyện An biết phải điều lực lượng của khu vực mình phụ trách lên phía bắc, ít nhiều muốn cưỡng lại, bèn lắc đầu nói:

- Thưa Hoa sơn quân, binh lực ở phía nam chúng tôi cũng mỏng lắm.

Đốc binh Trác thấy quan huyện An nói năng không hợp lẽ, nhưng trước mặt Hoa sơn quân không tiện vặn lại hỏi quan huyện. Hoàng thúc nhìn dáng vẻ đó của họ một chặp rồi nghiêm sắc mặt ra lệnh:

- Các ông là những tướng lĩnh dưới quyền chỉ huy của tôi. Theo binh pháp kẻ nào chống quân kỷ, sẽ chịu số phận bi thảm. Không cho phép cưỡng lại mệnh lệnh, phải chấp hành nhanh lên.

Lúc bình thời, Hoàng thúc rất ôn hòa nhưng trong giờ phút đối mặt với quân địch, khí phách của Người tưởng như có thể lay chuyển được cả núi Thái Sơn. Quan huyện An và đốc binh Trác bị áp đảo trước vẻ uy nghiêm đó của Hoa sơn quân, đã cúi đầu sát đất cùng đồng thanh hứa: "Xin tuân lệnh".

Hoàng thúc mỉm cười trên khuôn mặt đã ôn hòa trở lại. Người thấp giọng nói:

- Quan huyện An này, công việc phòng vệ ở cửa nam, tôi đã biết rồi, chúng ta sẽ có cách, cứ yên tâm.

Hai người thở phào nhẹ nhõm trước lời nói đó của Hoa sơn quân. Người ngừng giây lát rồi nói tiếp:

- Quân Mông Cổ mới từ xa tới, còn mệt mỏi, nên trong vòng hai ba ngày tới chúng chưa thể tấn công ngay được. Do vậy đốc binh Trác cứ yên tâm củng cố trận địa cho thật vững chắc. Còn quan huyện An hãy cùng tôi đến cửa nam môn xem xét thế trận ở đó như thế nào rồi.

Hoa sơn quân cùng với quan huyện quay lại cửa nam, điều động một số binh lực ra phía cửa bắc. Còn quan huyện an thì chuyển hành dinh vào trong thành đất, tức thành Việt Nam ở núi Hoa Sơn. Ở phía cửa Nam cửa thành, ngược lại cho cắm cờ xí rợp trời, khiến quân địch ở Liên Căn sơn sợ không dám xâm nhập. Sau đó ở núi phía tây-bắc, đặt phục binh ở núi Quảng Đại sơn, biến trận địa thành một nơi gần như trống vắng.

Lý do của việc nghi binh này là vì chủ lực của quân địch đóng ở núi Thanh Nham sơn, nên trước hết cần dụ lực lượng chủ lực của địch đánh vào cửa phía bắc.

Mặt khác về phía quân địch, tướng Khalitan sau khix em xét hình thế của thành Ủng Tân, cũng đã xây dựng một kế hoạch tác chiến đánh vào cửa Bắc trước. Chủ lực ở Thanh Nham sơn áng binh bất động, nhưng lại sử dụng binh lực ở Liên Căn sơn bắt đầu đánh vào cửa nam. Tuy vậy, các cuộc tấn công của chúng rất tản mạn. Âm mưu của chúng là kéo hết chủ lực của quân Cao Ly về phía đó để chúng tấn công vào cửa bắc.

Nhưng Hoa sơn quân đã biết trước kế hiểm đó của giặc và đã ra tay trước.

Lúc bấy giờ vào khoảng thượng tuần tháng mười.

Những bông tuyết đầu mùa bay lả tả, sương giá bắt đầu phủ trắng mặt đất. Quân Mông Cổ dù sống quen ở xứ lạnh cũng không thể không lo lắng.

Tại bản doanh đặt ở Thanh Nham sơn, tướng Khalitan lúc này chỉ còn chờ thời cơ để xông vào đánh chiếm thành Ủng Tân. Sau khi quyết định tổng công kích, tối hôm đó y gọi tất cả các tướng lĩnh dưới quyền chỉ huy của y đến và ra lệnh. Các tướng sau khi nhận được lệnh có liên quan đến phần việc của chính mình đều lần lượt ra về.

Cũng do vậy mà tối hôm đó, ngay từ đầu hôm đã có tiếng hò reo của quân Mông Cổ đánh vào cửa nam thành Ủng Tân.

Mặc khác, vế phía quân Cao Ly, Hoa sơn quân đã gọi đốc binh Trác và quan huyện đến, lập kế hoạch phòng bị cuộc tổng tấn công của quân Mông Cổ sẽ nổ ra vào tối hôm đó.

Trong căn lều dùng làm bản doanh, các ngọn nến được thắp sáng rực. Thời tiết đầu tháng mười, trời rét căm căm, nhưng bên trong lều, lửa trong lò cháy rực bùng lên những tàn lửa sáng lấp lánh nên không ai cảm thấy lạnh.

Đốc binh Trác chờ đợi mệnh lệnh tác chiến của Hoa sơn quân. Nhưng hình như Người vẫn đang đăm chiêu suy nghĩ một điều gì…

Trong lều chỉ huy, không khí tạm lắng xuống. Nhưng đôi mắt của Hoa sơn quân bỗng sáng lên khác thường.

Một chốc sau, Hoa sơn quân nói:

- Giờ đây quân Mông Cổ đang tấn công rời rạc vào phía nam. Chúng tấn công sớm như vậy là để tiến hành cuộc tổng công kích vào lúc canh hai. Do đó, đốc binh Trác hãy tổng huy động toàn bộ binh lực ở Quảng Đại sơn chuẩn bị xuất kích!

Nghe chỉ thị như vậy, đốc binh Trác ít nhiều có vẻ ngạc nhiên, bèn hỏi:

- Thưa, vậy công việc phòng thủ cửa bắc phải làm thế nào ạ?

Hoa sơn quân gật đầu có vẻ cho đốc binh Trác hỏi đúng, bèn trả lời:

- Đúng vậy, tối hôm nay tôi sẽ lo liệu việc phòng thủ cửa bắc.

Đốc binh Trác tỏ vẻ mãn nguyện. Bản thân đốc binh Trác cũng muốn đề nghị như vậy nhưng đã cố nín lặng vì không thể nói điều như vậy với Hoa sơn quân nay đã già yếu.

- Thật chúng tôi không phải với Hoa sơn quân.

Không để ý đến câu nói đó, Hoàng thúc giở tấm bản đồ tác chiến ra, lấy tay chỉ chỗ nọ, chỗ kia. Bằng giọng nói hết sức nhỏ nhẹ, người ra chỉ thị rồi lệnh cho mọi người:

- Nếu tất cả đã rõ cả rồi thì hãy xuất phát ngay.

Đốc binh Trác đứng dậy, kính cẩn chào tạm biệt Hoa sơn quân trước khi ra trận. Như để bày tỏ niềm kính trọng lớn lao nhất đối với Hoa sơn quân, không những là người rất đáng tin cậy mà còn hiểu sâu sắc nỗi lòng của mình, đốc binh Trác cảm kích nói.

- Bản quan về xin làm hết trách nhiệm theo mệnh lệnh.

Hoa sơn quân cũng đứng dậy, lấy tay vỗ lên lưng đốc binh Trác.

- Số phận của thành này nằm trong tay đốc binh mong đốc binh chiến đấu hết sức mình. Tôi tin ở đốc binh. Mong đốc binh chú ý giữ gìn.

Đốc binh Trác rời bản doanh với vẻ mặt trầm lắng, lòng được khích lệ vô hạn trước lời nói đó của Hoa sơn quân.

Hoa sơn quân nhìn theo bóng dáng phía sau của đốc binh Trác rồi đưa mắt về phía quan huyện An nói:

- Tôi sắp đi ra cửa bắc. Quan huyện hãy ra cửa nam, phòng thủ cho tốt.

- Thưa vâng.

Nhìn thấy quan huyện đứng dậy, Hoa sơn quân lại lưu ý ông ta:

- Quân Mông Cổ tối hôm nay sẽ mở trận đánh rất khác thường. Đừng có chửi bới hoặc cho rằng lực lượng địch ít rồi xem thường chúng, mà phải đóng cửa thành thật chặt, chốt giữ bên trong. Cấm không được có bất kỳ hành động nào như mở cửa thành ra truy kích quân địch để lập công. Rõ chưa?

- Vâng, rõ rồi ạ!

- Vậy quan huyện hãy đi nhanh đến cửa thành xem xét tình hình xem sao!

Tiễn xong mọi người ra các vị trí chiến đấu thì đêm đã khuya.

Đêm không trăng, tối đen như mực. Chỉ có các vì sao nhấp nháy.

Hoa sơn quân lên ngựa cùng với tráng đinh và dân binh tiến thẳng ra cửa Bắc.

Ở đây chỉ có người đội trưởng giữ cửa thành và một số dân binh nữa đang phòng thủ cửa thành. Tất cả họ đều đã ngủ, quang cảnh im lặng như tờ.

Sở dĩ như vậy là do lệnh của đốc binh Trác cho lính nghỉ ngơi đầy đủ từ đầu hôm đến giờ tý.

Hoa sơn quân leo lên thành lầu, nhìn ra bốn phía, đêm đã khuya, cảnh vật chìm trong im lặng.

Về phía trận địa địch, chỉ có ánh sáng leo lét, tất cả chỉ là đêm tối mịt mùng.

Nhưng chòm sao Bắc đẩu đêm hôm nay không hiểu sao bỗng rực sáng lạ lùng, dáng chừng như đang tự hào về hiện diện của Hoa sơn quân ở thành Ủng Tân này. Lúc này đã là giờ tú, nhưng đang có chiến tranh, cấm đánh trống báo giờ nên trong thành vẫn im phăng phắc, không ai biết đã mấy giờ rồi.

Một khắc trôi quan, tất cả quan và lính đều đã thức dậy và ăn cơm sáng.

Trong thành đã có lệnh của đốc binh Trác bắt buộc tất cả quan lính đều phải hết sức nhẹ nhàng trong lời nói và hành động, không được tạo nên tiếng động. Do vậy binh sĩ chú ý tuân theo hành động rất lặng lẽ.

Hoa sơn quân gọi các tướng đến, cho triển khai xây dựng trận địa theo kế hoạch tác chiến.

Hoa sơn quân đứng trên thành lầu chăm chú theo dõi trận địa quân Mông Cổ ở Thanh Nham sơn, thấy ánh đèn bập bùng chỗ này chỗ nọ, nhiều hơn so với lúc đầu hôm. Rõ ràng quân Mông Cổ đang hối hả chuẩn bị tổng công kích. Người bèn ra lệnh cho toàn thể quân lính trong thành sẵn sàng chiến đấu.

Lúc này là canh hai.

Hoa sơn quân báo cáo cho toàn thể quân lính biết sự thật đó.

Tướng Khalitan của quân Mông Cổ trực tiếp chỉ huy toàn bộ quân địch từ núi Thanh Nham mở cuộc tổng tấn công, tiến về phía thành Ủng Tân.

Trong lúc quân Mông Cổ tiến về phía thành Ủng Tân, bỗng nhiên từ chân núi Quảng Đại, những ngọn đuốc nhất tề vụt sáng lên, cùng với tiếng quân reo vang trời dậy đất.

Quân Mông Cổ tạm dừng cuộc hành tiến. Tướng Khalitan lệnh cho cánh quân đi đầu tấn công vào núi Quảng Đại, còn bản thân y thì đốc suất cánh quân đi giữa và cánh quân đi sau đột kích vào cửa bắc thành Ủng Tân.

Đúng lúc đó, từ mé gò đôi đối diện với núi Quảng Đại, tiếng quân reo hò vang động khắp nơi, quân Cao Ly lao tới đánh vào lưng quân Mông Cổ.

Đêm tối như mực, quân Mông Cổ bị quân Cao Ly tấn công bất ngờ, không tiến lên được, bắt đầu hoang mang nháo nhác bỏ chạy tán loạn, đội binh rối tung. Thừa cơ, trong thành Ủng Tân khắp nơi nổi đuốc sáng rực. Cửa thành phía bắc bỗng mở toang, một đội kỵ binh từ trong thành lao ra như một mũi tên. Đoàn kỵ binh xông tới đánh vỗ mặt vào quân Mông Cổ, làm cho chúng dù có là đại quân hùng mạnh đến đâu cũng không thể nào thoát khỏi cảnh hỗn loạn.

Thế là chỉ với số quân của Ủng Tân không đán bao nhiêu, nhưng do được tổ chức hiệp đồng tuyệt vời nên đã giáng cho bọn địch một đòn thất điên bát đảo.

Tướng Khalitan hoảng hốt trước đoàn phản kích bất ngờ không còn cách nào, đành ra lệnh rút lui.

Nhưng quân Cao Ly lợi dụng bóng đêm, vừa reo hò vang trời dậy đất vừa xông vào chém giết quân giặc. Bị tấn công bất ngờ từ ba mặt, quân Mông Cổ bị tổn thất mấy trăm tên. Chúng vất bỏ cả ngựa chiến, quân xa và tất cả các chiến cụ khác, chạy thục mạng về Thanh Nham.

Thời gian qua có nhiều cuộc đụng độ lẻ tẻ, nhưng đụng độ lớn thì đây là lần đầu tiên. Phía quân Cao Ly đã lợi dụng đêm tối không trăng, và hiểu rõ lợi thế địa hình cũng như tình hình quân địch khi chúng tấn công vào đây, nên chỉ với một binh lực nhỏ đã phản kích rất hữu hiệu. Còn quân địch thì do đêm tối như mực, chúng không nắm được thực lực của quân ta, nên chúng đã thất bại cay đắng.

Mờ sáng ngày hôm sau, trong thành Ủng Tân những bữa tiệc khao quân lớn đã được mở ra.

Hoa sơn quân ủy lạo quan huyện An và đốc binh Trác.

- Đốc binh Trác vốn là một võ quan nổi tiếng lập được công như vậy là lẽ đương nhiên, còn quan huyện An không phải quan võ mà là quan văn, nhưng trong cuộc chiến đấu lần này cũng lập được công lớn như vậy, thật là một kỳ tích đó.

Quan huyện An nghe nói vậy, nét mặt không giấu nổi bối rối, bèn nói:

- Hoa sơn quân đã khen ngợi một quan huyện không có công lao gì. Tôi xin cảm ơn. Công lao trong cuộc chiến đấu lần này là do hai vị lập nên đó ạ.

Hoa sơn quân nghiêm mặt nói:

- Tất nhiên như vậy không có nghĩa là đốc binh Trác hoặc tôi không chiến đấu. Thế nhưng để đưa cuộc chiến đấu lần này đi đến thắng lợi, phải nói là quan huyện An đã chiến đấu tốt ở phía cửa nam nên viện binh của địch ở núi Liên Căn không đến được. Nếu cuộc tác chiến của quan huyện không tấn công giỏi cắt đứt liên lạc của địch mà lại để cho chúng huy động được lực lượng ở núi Liên Căn ra yểm trợ thì chúng tôi có tài thánh cũng chẳng làm nên sự tích gì.

Đốc binh Trác và cả quan huyện nữa nghe Hoa sơn quân giải thích như vậy đều cảm thấy có lý.

Hoa sơn quân quả là một vị tướng anh minh theo phong cách "dưới tướng của một danh tướng không có người lính tồi:. Bất kỳ người lính nào nếu thực hiện đầy đủ mệnh lệnh của người chỉ huy đều có thể lập nên công trạng.

Về phía quân Mông Cổ, tướng Khalitan khinh thường thành Ủng Tân, tưởng rằng chỉ trong một trận có thể chiếm gọn, nào ngờ đã nuốt phải quả đắng, khiến y không khỏi khiếp đảm. Trong tay có hơn một vạn binh lực, nhưng y cứ ngỡ trong thành Ủng Tân có khá nhiều quân, nên đã phải liên lạc với nguyên soái Amokhan yêu cầu cho thêm viện binh.

Lúc này nguyên soái Amokhan đã tiến đến tận tỉnh Trung Thanh, không thể đưa viện binh đến sớm được, nên phải hơn một tháng sau, tức là vào trung tuần tháng một, khoảng hơn một vạn viện quân gồm cả kỵ binh và bộ binh mới đến được. Như vậy là Khalitan đã phải dùng một đại quân hơn hai vạn tên để tìm cách tiến đánh trấn Ủng Tân một sơn thành nhỏ chỉ có hơn một nghìn quân sĩ Cao Ly trấn giữ.

Thành Ủng Tân biết rõ mọi việc lớn nhỏ xảy ra ở phía trận địa quân địch. Nhưng vì binh lực nhỏ và chủ yếu lấy phòng vệ làm chính nên không có đủ binh lực để có thể đương đầu với đại quân Mông Cổ và cũng không còn cách nào khác.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx