sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 3: Những Bác Sĩ Tình Nguyện Đến Việt Nam

Vào tháng Giêng năm 1968, tôi chú ý đến một mẩu quảng cáo ngắn trên tờ tạp chí uy tín Journal of the American Medical Association (Tạp chí của Hiệp hội Y học Mỹ).

Quảng cáo viết: “Chúng tôi cần những bác sĩ tình nguyện đến Việt Nam Cộng Hòa (Nam Việt Nam) để chăm sóc sức khỏe cho dân chúng. Chương trình được Hiệp hội Y học Mỹ đỡ đầu”.

Năm đó, tôi là một trong số khoảng 200 bác sĩ Mỹ đáp ứng lời kêu gọi nhân đạo của Hiệp hội Y học Mỹ. Chương trình Bác sĩ tình nguyện cho Việt Nam (VPVN) đã bắt đầu 3 năm trước đó, do Hiệp hội Y học Mỹ quản lý về hành chính và được sự hỗ trợ về ngân sách của Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID)(1). Có rất ít bác sĩ trẻ tham gia chương trình này mà hầu hết là những vị ở độ tuổi trung niên, một vài người đã trên 70 tuổi.

Vào thời điểm đó, dân chúng Việt Nam đang rất cần y, bác sĩ. Cho đến khi Chương trình Bác sĩ tình nguyện cho Việt Nam kết thúc vào tháng 6.1973, cứ mỗi hai tháng, Việt Nam cần thêm 32 bác sĩ tình nguyện và rất nhiều bác sĩ Mỹ đã tình nguyện phục vụ. Tổng cộng, có 774 người tình nguyện phục vụ thời hạn hai tháng không lương, chỉ nhận tiền chi phí 10 đô-la mỗi ngày và chính sách bảo hiểm 50.000 đô-la. Tôi tự hào là một trong số bác sĩ tình nguyện đến Việt Nam và nằm trong số 17% trở lại Việt Nam phục vụ đợt hai. Trong quá trình chuẩn bị cho cuốn sách này, tôi đã viết thư cho nhiều bác sĩ từng tham gia chương trình và những vị đó đã phúc đáp kèm theo những lời bình luận sâu sắc, được trích dẫn trong sách.

Một trong những bác sĩ tình nguyện đầu tiên đến Việt Nam là bác sĩ William Shaw, đã 72 tuổi khi ông đến Việt Nam vào năm 1965. Mặc dù bác sĩ Shaw đã mất năm 1973 sau khi được vinh danh trong vai trò bác sĩ gia đình và bác sĩ phẫu thuật trong quân đội, ông đã ghi lại nhiều con số thống kê, tài liệu về thực hành ngành y trong chiến tranh Việt Nam. Vào lúc đó, miền Nam Việt Nam với 17 triệu dân nhưng chỉ có 700 bác sĩ có giấy phép hành nghề. Trong số này, hết 500 bác sĩ phục vụ cho quân đội Nam Việt Nam, để lại hàng triệu cư dân cho chỉ 200 bác sĩ trị liệu. Một số bác sĩ từ các nước như Úc, New Zealand, Philippines, Hàn Quốc, Ý và Iran đã hiện diện tại đây để lấp bớt khoảng trống khi ông Shaw đến Việt Nam. Theo các tài liệu của bác sĩ Shaw thì tại các thành phố Việt Nam, một bác sĩ phải chăm sóc cho 25.000 người, còn ở vùng nông thôn thì một bác sĩ phải lo cho gần 100.000 dân. Trong khi vào thời điểm đó, tỉ lệ ở Mỹ là 1 bác sĩ/700 người và ở Nhật là 1 bác sĩ/920 người.

Khi tình nguyện tham gia chương trình, tôi không nhận thức được rằng một công việc ngắn hạn ở Việt Nam như thế lại trở thành một giai đoạn có ý nghĩa quan trọng trong cuộc đời mình. Vốn là lính Thủy quân lục chiến, tôi sẵn có niềm yêu thích đối với vùng Viễn Đông - chiến hạm của chúng tôi đã từng cặp bến ở Hồng Kông, Ma Cao, Nhật Bản, Hàn Quốc cũng như các hải cảng khác của Thái Bình Dương. Ngoài tiếng Anh, tôi nói được một ít tiếng Trung Quốc, tiếng Nhật, tiếng Hàn Quốc. Do mối liên quan chặt chẽ của những ngày phục vụ trong lực lượng Thủy quân lục chiến trên chiến hạm USS Toledo, Viễn Đông là một vùng hấp dẫn đối với tôi. Nhưng có lẽ lý do trước hết của việc tình nguyện đi Việt Nam là vì lúc đó tôi cực kỳ chán ngán công việc của một bác sĩ nội trú tại bệnh viện Mendocino.

Cuối cùng, quyết định đi Việt Nam đã giúp tôi chấm dứt chương trình nội trú chỉ mới kéo dài được 3 tháng tại khoa bệnh học thần kinh. Có thể tôi đã hành động một cách bốc đồng nhưng đúng là tôi đang rất cần một sự đổi thay. Tôi bị cuốn hút về phía cuộc chiến này không chỉ vì bản thân là cựu quân nhân Thủy quân lục chiến, mà còn vì tôi là một bác sĩ đang mong muốn được làm những công việc hữu ích.

Những bác sĩ giám sát tôi tại bệnh viện Mendocino tỏ vẻ không hài lòng về việc tôi bỏ dở thời gian làm bác sĩ nội trú. Họ tổ chức một cuộc họp và phủ quyết việc tôi tình nguyện đi Việt Nam phục vụ. Nhưng cuối cùng tôi đã thuyết phục được các bác sĩ giám sát rằng chương trình nghiên cứu của tôi sẽ càng tăng giá trị một khi tôi viết luận văn về phương pháp chữa trị bệnh thần kinh ở Việt Nam. Sau đó, tôi xin nghỉ phép không lương và chuẩn bị cho chuyến đi Nam Việt Nam.

Vào thời điểm đó, Việt Nam là một đất nước bị chia cắt, là nơi diễn ra cuộc chiến giữa chính quyền Cộng sản miền Bắc Việt Nam với chính quyền Nam Việt Nam do Mỹ hậu thuẫn. Việt Nam là một đất nước nông nghiệp mà sản phẩm chủ yếu là gạo và cao su, vốn được trồng trong hệ thống đồn điền do người Pháp quản lý cho đến khi chiến tranh Đông Dương kết thúc năm 1954. Khi người Pháp rút lui, Hiệp định Geneve tạm thời chia cắt Việt Nam làm hai phần. Hồ Chí Minh – một anh hùng yêu nước – nhanh chóng thiết lập chính quyền Cộng sản ở miền Bắc Việt Nam. Gần một triệu người Thiên Chúa giáo đã di cư vào Nam. Chiến tranh lại tiếp diễn và dân chúng sống ở vùng nông thôn miền Nam Việt Nam bị buộc phải tản cư, buộc phải về sinh sống ở các khu vực thành thị, hình thành sự chuyển động dân cư từ nông thôn lên thành thị. Khi các cố vấn, rồi kế đến là quân đội Mỹ tràn vào giúp Nam Việt Nam trong cuộc chiến tranh kéo dài, quân đội Bắc Việt Nam đã hợp lực với du kích quân thuộc Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam chiến đấu để tái thống nhất đất nước. Cuộc chiến đẫm máu với tổn thất sinh mạng ngày càng cao, cho đến khi lệnh ngừng bắn được thực hiện vào tháng Giêng năm 1973.

Hiệp hội Y học Mỹ gửi những tài liệu hướng dẫn cho các bác sĩ tình nguyện của mình qua một loạt các bức thư ngắn. Những bức thư này giải thích rõ ràng về những loại vắc-xin hay dược phẩm nào sẽ nhận, chỉ dẫn cách thức xin hộ chiếu v.v. Có một bức thư yêu cầu chúng tôi học nhanh một số vốn từ tiếng Việt và tiếng Pháp. Chúng tôi cũng được cảnh báo là sẽ phải đối phó với những bệnh tật miền nhiệt đới mà chúng tôi chưa từng thấy ở Hoa Kỳ, chẳng hạn như bệnh dịch hạch, số rét và sốt thương hàn tràn lan trong nhiều làng xóm. Chúng tôi cũng phải chuẩn bị để chữa trị những ca nhiễm trùng, bị thương vì bom đạn vốn là hậu quả tất yếu của chiến tranh.

Tôi thật sự háo hức khi đi đến một vùng đất lạ, hơn nữa lại được thoát khỏi công việc nhàm chán ở bệnh viện tâm thần. Tôi cũng thật sự háo hức muốn đóng góp những gì hữu ích cho đồng loại trong chức năng một bác sĩ y khoa. Nhưng tôi cũng phải chuẩn bị kỹ càng vì tôi biết là mình sẽ không có được điều kiện làm việc như một bác sĩ ở Hoa Kỳ khi hành nghề trong hoàn cảnh của Việt Nam.

Tôi mang theo một số sách vở, tài liệu y khoa liên quan đến bệnh nhiệt đới, phẫu thuật chấn thương, phẫu thuật chỉnh hình, làm thế nào duy trì cân bằng chất điện giải trong phòng cấp cứu. Cuốn sách hữu dụng nhất trong số này là cuốn sách nhỏ, mỏng có tựa Emergency War Surgery - NATO Handbook, Department of Defense-United States of America mà tôi đã mua với giá 2,25 đô-la tại một hiệu sách ở San Francisco, gần bệnh viện Mount Zion. Tôi ngây thơ nghĩ rằng mình có thể đọc những quyển sách y học này vào chiều tối, sau một ngày làm việc. Tôi đã không nhận thức được công việc cấp cứu liên miên trong ngày đã vắt kiệt sức lực của mình đến nỗi không còn một chút thời gian và sức lực để đọc, ngay cả những gì cần thiết. Tôi đã không đánh giá đến mức độ hạn chế của đèn cầy trong hầm trú ẩn, không lường được việc sử dụng đèn ban đêm có thể làm mục tiêu cho các cuộc pháo kích. Nói chung, giống như nhiều bác sĩ tình nguyện khác, tôi cũng có một số điều ngây ngô về điều kiện thực tế ở Việt Nam.

“Đến Nha Trang một mình với một chút sợ hãi”, bác sĩ William P. Levonian nhớ lại tình huống lúc ông đến phục vụ tại một trong những bệnh viện tỉnh của Việt Nam. “Không có ai đón mình ở phi trường. Cũng không chắc là mình đã đáp máy bay xuống đúng thành phố đã định. Không ai quanh mình biết nói tiếng Anh nên chẳng thể biết lối nào về thành phố. Đi nhờ xe ô tô đến bệnh viện tỉnh mà không biết ai là Việt Cộng, ai là kẻ thù của họ. Bệnh viện thì nghĩ là tôi sẽ đến vào ngày kế tiếp.”

Bác sĩ William Shaw đã ghi lại suy nghĩ của mình ở Nha Trang: “Trong một tháng ở bệnh viện, có quá nhiều bệnh tật như viêm gan, viêm a-mi-đan, bệnh bạch hầu, bệnh giun đũa, bệnh phong, viêm não, bệnh dịch hạch, bệnh cơ, bệnh lỵ, suy dinh dưỡng và bệnh dịch tả. Trong khu phẫu thuật của tôi có 30 bệnh nhân thì có đến 13 người bị thương tích do chiến sự. Nhìn chung, 50% bệnh nhân của chúng tôi là nạn nhân của các cuộc giao tranh, nhưng rất nhiều lần, chúng tôi phải chứng kiến cảnh những nạn nhân này chết trước khi được nhập viện. Chẳng hạn trong một lần, có 4 trong số 6 thường dân bị thương đã chết trước khi có thể tiến hành phẫu thuật cứu chữa”.

“Ngày đầu tiên là ngày khó khăn nhất đối với tôi”, bác sĩ Carnes Weeks nhớ lại. Không may khi đến Phan Rang, ông bị một cơn đau bụng dữ dội. “Trong khi cơn viêm dạ dày và viêm ruột cấp tính của tôi càng tệ hại hơn với mùi khó chịu của bệnh viện đông người, thì cả một dòng bệnh nhân chen chúc, trải dài ra cả 3 khu nhà của bệnh viện (nhiều bệnh nhân đi chân không hoặc đi bằng xe bò suốt đêm để đến được bệnh viện). Trong ngày hôm đó, tôi thật diễm phúc và xin cám ơn tục lệ địa phương về giấc ngủ trưa trong một buổi trưa nắng nóng như thế. Tôi tranh thủ nằm được vài tiếng đồng hồ và trở lại tươi tỉnh sau khi uống nước và nghỉ ngơi. Trong tháng kế tiếp, chúng tôi trở nên nhuần nhuyễn hơn trong việc ứng biến, nhanh chóng nhận bệnh và phân loại bệnh, cũng như cảm thông với người bệnh hơn. Chúng tôi trị liệu các chứng bệnh mà tôi chỉ nêu ra một số như bệnh dịch hạch, dịch tả, bệnh uốn ván, bệnh bại liệt ở trẻ em và bệnh lao.”

Bác sĩ Bill Owen nhớ lại ấn tượng mạnh nhất đối với anh khi được phân bổ tới bệnh viện tỉnh Bạc Liêu: “Bệnh viện không có nước máy. Heo và dê thì chạy loanh quanh trong các phòng bệnh bỏ trống. Tôi thấy khoảng 120 trẻ em trong khu khám bệnh dành cho bệnh nhân ngoại trú đầu tiên của mình. Một bà mẹ đi vào và trao cho tôi đứa bé đã chết trên tay”.

Bác sĩ phẫu thuật Marvin H. Lottman nhớ như in lần ông đến Gò Công trợ giúp cho một nhóm bác sĩ Tây Ban Nha mà ông cho là “một thời điểm buồn tẻ nhất trong đời hành nghề thầy thuốc của tôi”. Khi đến bệnh viện, ông nhìn trước ngó sau và nhận ra rằng “Những dụng cụ duy nhất còn có thể dùng được đều cũ kĩ, hoen gỉ và thiếu khử trùng. Những gì có thể dùng cho phẫu thuật vùng bụng chỉ là một số dụng cụ dùng cho trực tràng, cơ quan sinh dục và tiết niệu. Chẳng có lấy dụng cụ chỉnh hình, cũng chẳng có dụng cụ kéo tay, kéo chân nào cả. Không có hoặc có rất ít chỉ khâu. Thuốc kháng sinh duy nhất dùng được là những gì tôi mang theo bên mình. Không có dụng cụ lọc máu, không ngân hàng máu, không truyền máu qua tĩnh mạch, không hợp vệ sinh. Càng quan sát, tôi càng phát hiện thêm nhiều vấn đề, nhiều trở ngại tệ hại”.

Tại Quảng Ngãi, bác sĩ Gilbert Lee cho biết, bệnh viện phải chăm sóc 600 bệnh nhân mỗi ngày, trong khi cơ sở vật chất thiếu thốn, không có hệ thống thoát nước và chất thải, nước máy thì chảy nhỏ giọt, bóng đèn thì chẳng có chụp đèn tụ sáng. Ông viết thêm: “Tôi bị sốc trong cảnh khốn khổ này. Hàng dòng người bệnh và bị thương đổ vào bệnh viện cùng với dòng người tản cư, lánh nạn chiến tranh. Vào cuối tuần lễ đầu tiên ở Việt Nam, tôi mới tin chắc là việc hành nghề thầy thuốc ở Việt Nam khác xa với những gì tôi đã làm ở Hoa Kỳ”.

Vào thời điểm đó, tôi đã sẵn sàng gia nhập hàng ngũ những bác sĩ tình nguyện và đã chuẩn bị cho chuyến bay đến Việt Nam.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx