Tôi lên máy bay ở San Francisco ngày 3.5.1968 và đến Hồng Kông ngày 5.5. Ngày 7.5, tôi rời khách sạn Peninsula, đáp chuyến bay thương mại đi Việt Nam. Máy bay chở hơn 10 bác sĩ tình nguyện và nhiều binh lính bay thẳng đến Sài Gòn, thủ đô của Nam Việt Nam.
Khi chúng tôi vào không phận Việt Nam, máy bay bắt đầu bay chệch hướng từ bên này qua bên kia, theo cách “bay ngoằn ngoèo, bay hình chữ chi” để tránh bị bắn hạ. Một cô tiếp viên hàng không nói với tôi là đã có 4 chiếc bị bắn hạ trong vòng hai năm qua.
Chỉ mới vài tháng trước đây, cuộc Tổng công kích và nổi dậy Tết Mậu Thân đã làm đảo lộn tình hình chiến cuộc Việt Nam. Các lực lượng Bắc Việt Nam cùng Việt Cộng(1) đã đồng loạt tấn công vào những thành phố Nam Việt Nam. Các lực lượng này bị đẩy lui với tổn thất nặng nề. Vào thời điểm máy bay chúng tôi chuẩn bị đáp xuống Sài Gòn, thì một cuộc Tổng tấn công khác -- với quy mô nhỏ hơn cuộc Tổng công kích Tết Mậu Thân - đang diễn ra ở thành phố này, trong đó có cuộc tấn công vào khu vực Chợ Lớn.
Từ trên máy bay, tôi đã có thể nhìn thấy những cánh rừng, những cánh đồng tươi tốt bị cắt bằng một mê cung với những con sông uốn khúc chảy ra biển Đông. Khung cảnh bên dưới chúng tôi thật là hiền hòa, giống như một tấm bưu thiếp vĩ đại chụp cảnh trời quang mây tạnh. Thế nhưng máy bay hạ cánh chẳng an bình chút nào.
Cách thức máy bay hạ cánh đã xác nhận là chúng tôi đang ở trong vùng chiến sự. Trên bầu trời Sài Gòn, viên phi công bất thình lình cho máy bay đâm bổ xuống, tức hạ độ cao một cách cực nhanh, rồi hạ cánh với tiếng rít bánh máy bay trên đường băng mà tôi tưởng như thể máy bay có thể quay ngoắt lại, lật nhào từ đằng mũi. Chúng tôi nhanh chóng rời khỏi máy bay chạy vào nhà đón khách của phi trường Tân Sơn Nhất. Rõ ràng chúng tôi đang ở trong vùng chiến sự. Nhiều máy bay hư hỏng nằm ụ trên đường băng cũng như trong các nhà chứa máy bay. Cả phi trường lẫn nhà ga đều được quây xung quanh bằng loại vòng kẽm gai concertina. Các ụ bao cát phòng vệ được thiết lập cách nhau chừng 15m. Khu vực quanh sân bay được phong tỏa, bảo vệ để ngăn chặn sự xâm nhập của Việt Cộng.
Khi lên xe buýt đi về khách sạn, chúng tôi mới bắt đầu đổ mồ hôi vì thời tiết nóng và độ ẩm cao của khí hậu Việt Nam. Những thứ đầu tiên mà tôi chú ý là các tấm lưới bằng kim loại mỏng được thiết kế ở cửa sổ xe buýt, nhằm chống lại việc ném lựu đạn vào xe. Sau này, Việt Cộng đã tìm cách phá hỏng kế hoạch bảo vệ xe như thế bằng cách sử dụng lựu đạn tấn công với chất liệu là đinh, mảnh kim loại.
Sài Gòn – thủ phủ cấp tỉnh đẹp như tranh từ thời Pháp – trở thành thủ đô của Nam Việt Nam. Thành phố cổ này hầu như hoàn toàn được xây dựng trong thời Pháp thuộc với sức quyến rũ riêng của nó. Đường phố đầy người đi bộ, đi xe hơi, xe đạp và xích lô. Dân chúng mặc quần áo với sắc màu nhẹ, thanh thoát. Nhiều người đội chiếc nón lá che nắng đặc trưng của Việt Nam. Nhiều lâu đài, biệt thự mang dáng dấp của thời thực dân Pháp. Nhưng tôi và những bác sĩ đồng nghiệp khác cũng nhận ngay ra một Sài Gòn khác, với những cuộc chạm súng lác đác: Sài Gòn đã là một pháo đài quân sự. Chúng tôi đã nhìn thấy nhiều hố bom trên đường phố cùng một số tòa nhà tan tác vì bom đạn. Du kích quân Việt Cộng đã chiếm những cánh rừng và ngọn đồi lân cận thành phố, gây áp lực bằng các cuộc tấn công vào ban ngày.
Chúng tôi đi qua nhiều công sự, boong-ke, nhiều vị trí đặt súng máy với bao cát và dây kẽm gai bao quanh. Tại các vị trí đó, những binh lính thuộc quân đội Nam Việt Nam mang kính râm, tay lăm lăm súng liên thanh. Cuộc Tổng tấn công đợt hai bắt đầu vào ngày 7 tháng 5, tức ngay ngày chúng tôi đến Sài Gòn. Giao tranh đang diễn ra ở Sài Gòn và tiếp tục gần một tháng ở khắp miền Nam Việt Nam. Và thật là nhẹ cả người khi đến được Caravelle – một khách sạn cổ và thanh nhã thời Pháp, được đặt làm tổng hành dinh của các bác sĩ tình nguyện ở Việt Nam. Tại khách sạn Caravelle, chúng tôi gặp một bà chủ khách sạn Việt Nam tuyệt đẹp, một người hiền lành đáng mến, tuy không bao giờ cười nhưng đã tiếp đãi chúng tôi như những ông hoàng trong hai ngày.
“Trong thời gian ngắn ngủi ở Sài Gòn, chúng tôi được thông báo ba lý do cho sự hiện diện của mình ở đây”, bác sĩ Victor S. Falk – người được phân bổ đi Vĩnh Bình – nhớ lại. “Trước hết là tác động tâm lý, cả đối với người Việt Nam và ở quê nhà. Thứ đến là việc huấn luyện người Việt ở các bệnh viện tỉnh, nơi chúng tôi sẽ được phân công đến làm việc. Có lẽ một vài phương pháp hoặc cách thức khám bệnh của chúng tôi có thể làm mẫu mực cho nhân viên Việt Nam. Thứ ba là công việc chăm sóc y tế cấp thời. Công việc cuối cùng này là quan trọng nhất và chiếm hết thời gian của chúng tôi.”
Gặp gỡ một số bác sĩ tình nguyện trong khách sạn Caravelle, tôi biết rằng không một ai trong chúng tôi được biết trước địa điểm phân công nhiệm sở của mình. Chúng tôi thảo luận về tình hình Việt Nam và về khả năng công việc còn bỏ ngỏ. Chỉ trong vài ngày, tất cả chúng tôi đều được phân bổ đi các nơi, hầu hết là rời Sài Gòn để đến một nơi nào đó ở Nam Việt Nam.
Tối hôm ấy, chiếc giường êm ấm và an toàn của tôi tại khách sạn Caravelle đã bị rung lên do ảnh hưởng của những vụ ném bom gần đó. Trong chuyến tham quan Sài Gòn vào hôm sau, tôi có thể nhìn tường tận cuộc chiến diễn ra quanh mình khi đứng trên mái nhà của khách sạn.
Số là trong bữa ăn sáng, tôi tình cờ gặp Jim Cavanaugh, một bác sĩ tình nguyện lớn hơn tôi 10 tuổi mà tôi đã làm bạn từ lúc còn quá cảnh ở Hồng Kông. Lúc đó, chúng tôi đã nhanh chóng kết thân với nhau bởi lẽ Jim là một cựu binh Nhảy dù và tôi là một cựu binh Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ. Người ta khuyên là nên ở lại khách sạn, nhưng chúng tôi quyết định là phải xem xem việc gì đã xảy ra tối qua. Chúng tôi leo lên một chiếc taxi đi đến chỗ bị đánh bom tối hôm trước, vốn chẳng xa khách sạn là mấy. Trên đường đi, Jim cho tôi xem khẩu súng ngắn mà anh mang theo từ Mỹ.
- Anh chẳng biết lúc nào thì phải cần đến thứ này ở Việt Nam đâu! - Jim nói, tay vỗ vỗ vào khẩu súng 45 ly.
Jim là một cựu binh ưa mạo hiểm và nghiện rượu nặng, một lính Nhảy dù trong cuộc chiến Triều Tiên và là một bác sĩ thích sống trong những tình huống nguy hiểm. Khi đến Việt Nam, anh đi vào nhiều vùng hoang vu, nguy hiểm cùng với lực lượng đặc biệt Mỹ. Anh ta là nhân vật đặc biệt vì là bác sĩ Mỹ tình nguyện duy nhất bị trục xuất khỏi Việt Nam, nhưng chúng tôi vẫn giữ tình bạn và sau khi trở về Hoa Kỳ, chúng tôi còn có một thời gian ngắn cùng hoạt động chung với nhau trong ngành y.
Bước ra khỏi xe taxi, tôi và bác sĩ Cavanaugh cùng quan sát khu vực Chợ Lớn, nơi vừa bị đánh bom tối hôm qua. Những chiếc máy bay phản lực bay thấp bắn phá, dội bom vào những địa điểm được xem là nơi trú ẩn của Việt Cộng. Khu vực này vẫn còn âm hưởng của vụ đánh bom, còn hơi nóng và còn những nơi âm ỉ cháy. Đó là lần đầu tiên chúng tôi nhìn thấy sự tàn phá của chiến tranh Việt Nam.
Một khu vực của thành phố đã bị đánh bom. Vật đầu tiên mà tôi thấy là một chiếc nệm đang cháy âm ỉ, bốc lên một mùi khét là lạ mà sau này tôi mới biết là của bom na-pan. Mặc dù không nhìn thấy bất cứ một thi thể nào, nhưng là bác sĩ, chúng tôi cảm nhận được mùi tử khí bốc lên trong không khí và nghĩ rằng, những nạn nhân chết và bị thương đã được chở đi. Đối với tôi, việc đánh bom vào khu dân cư đông đúc của một thành phố lớn như thế là bừa bãi, không thể chấp nhận được. Tôi đã tự hỏi: Ai đã làm việc này? Với mục đích gì? Vì sao họ có thể liều lĩnh như thế? Nhưng trả lời những câu hỏi đại loại như thế này thì thật là khó ở trường hợp của Việt Nam.
Tôi và Jim trở về khách sạn và thấy rằng mình đúng là “cựu chiến binh” hơn là bản thân đã cảm nhận trước đó.
Trong mấy ngày ở khách sạn Caravelle, những bác sĩ tình nguyện chúng tôi gặp nhau một cách tự nhiên để tìm hiểu và để cùng chia sẻ, trao đổi ý tưởng cũng như thông tin cần thiết. Nhiều người là những nhà phẫu thuật tài ba. Rất nhiều người là bác sĩ giải phẫu thần kinh, bác sĩ chuyên khoa chỉnh hình cùng những chuyên gia giàu kinh nghiệm khác. Hầu hết trong độ tuổi 40, 50, một số ở độ tuổi 60. Tôi là bác sĩ trẻ nhất trong nhóm và điều đó làm cho tôi thú vị. Tương phản rõ nét với những bác sĩ quanh mình, tôi là một thầy thuốc chuyên về thần kinh với rất ít kinh nghiệm về phẫu thuật và sắp được bổ nhiệm trong chức năng một bác sĩ y khoa ở một nơi nào đó trên đất nước Việt Nam. Nhưng tất cả chúng tôi đều có điều gì đó chung nhất, cái điều đã đưa chúng tôi đến Việt Nam.
“Tôi không tin chắc vào quyết định tình nguyện đi Việt Nam của mình”, bác sĩ William P. Levonian nhớ lại. “Cơ quan Phát triển Quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao lên kế hoạch giúp đỡ thường dân ở Việt Nam và tôi chỉ nghĩ đó là một việc làm đúng đắn. Tôi tự hỏi là mình có quyền làm tổn thương đến hạnh phúc cũng như tương lai tốt đẹp của cả gia đình mình hay không khi đưa tay vẫy chào tạm biệt qua cửa sổ máy bay. Tuy nhiên, việc vợ và các con tôi đứng vẫy chào giã biệt đã cho tôi câu trả lời xác đáng về quyết định của mình.”
“Có thể nói là có rất nhiều lý do để phục vụ trong vai trò một bác sĩ tình nguyện ở Việt Nam”, William J. Rogers III, một bác sĩ tình nguyện ở Đà Nẵng nhận xét. “Khi chuyện trò với những bác sĩ Mỹ tình nguyện, tôi phát hiện ra rằng, nguyên nhân đưa họ đến đây chẳng hề dễ dàng diễn tả. Những người này hoàn toàn khác biệt nhau. Tất cả đều nói là họ muốn làm một cái gì đó, cần phải làm, phải cống hiến mà không thể nói là tại sao. Họ không thể kiềm nén động cơ thúc đẩy đó bằng những việc đơn giản như lái chiếc xe hơi mốt và sang trọng nhất, hoặc giả là cò kè đòi tăng lương, được cất nhắc lên một địa vị cao hơn và cả ngàn lẻ một sự việc nào đó mà thỉnh thoảng có vẻ như là mục đích cuối cùng của các y bác sĩ.”
Bộ Ngoại giao Mỹ đã cung cấp tài liệu tóm tắt, hướng dẫn cho chúng tôi về lịch sử, tình hình kinh tế và quân sự của Việt Nam. Việc phân nhiệm cuối cùng được giao cho bác sĩ Charles H. Mosley, lúc đó là giám đốc khu vực của chương trình ở Sài Gòn. Một trong số những nơi cần một bác sĩ dân sự là tỉnh Quảng Trị xa xôi ở cực Bắc của Nam Việt Nam. Quảng Trị cần một bác sĩ đa khoa. Quảng Trị là một tỉnh không an ninh nằm gần vùng phi quân sự, và là trung tâm của các cuộc giao tranh dữ dội, có thủ phủ nằm cách đường phân chia ranh giới Nam - Bắc Việt Nam chỉ chừng 40 km. Người ta thông báo cho chúng tôi biết là vị bác sĩ được phân bổ đi phục vụ tại bệnh viện tỉnh Quảng Trị cần phải là người có kinh nghiệm về quân sự, tốt nhất đã từng phục vụ trong các đơn vị nhảy dù hoặc đơn vị chiến đấu nào khác, chứ không lưu ý đến một chuyên khoa ngành y nào cả.
- Tôi đi Quảng Trị. - Tôi nói và giơ tay lên. - Tôi từng phục vụ trong lực lượng Thủy quân lục chiến. Tôi có thể tự lo cho mình được.
Các đồng nghiệp quay nhìn tôi chòng chọc, điều mà vào thời điểm đó tôi chẳng mấy quan tâm. Không còn một ai khác xung phong nhận vị trí này nên nhiệm vụ đó hầu như được giao cho tôi ngay vào lúc ấy. Vì đã từng là lính Thủy quân lục chiến, tôi nghĩ là mình có thể xoay xở trong bất kỳ tình huống nào, dù không chắc chắn lắm. Tôi còn độc thân, đó là một lợi thế nữa. Hầu hết các bác sĩ tình nguyện khác đều được phân bổ đi những nơi tương đối ít nguy hiểm hơn và tôi trở thành bác sĩ tình nguyện đầu tiên đi Quảng Trị. Sau này, trong những ngày tháng ở Việt Nam, nhiều lần tôi vẫn ghi nhớ và hành động theo phương châm của những bác sĩ tình nguyện “Nếu việc gì đến với bạn, hãy tiếp nhận nó”.
Thời tiết nóng và ẩm khi tôi leo lên máy bay rời Sài Gòn.
@by txiuqw4