Con đường Quốc lộ 1 Việt Nam – cũng còn được biết dưới cái tên “Street Without Joy” (Con đường khổ ải) – là con đường nguy hiểm, là trục lộ chính chạy dài từ Bắc vào Nam do người Pháp xây dựng và đặt cho một cái tên buồn “La Rue Sans Joie”(1).
Chạy dài từ Sài Gòn ra Huế, Quảng Trị và tiếp tục qua bên kia vùng phi quân sự, Quốc lộ 1 là con đường huyết mạch mà các đoàn xe quân sự Mỹ và Nam Việt Nam thường xuyên bị các tay súng bắn tỉa của đối phương tấn công cả ngày lẫn đêm trong chiến tranh Việt Nam. Rời Sài Gòn, máy bay đưa tôi đến Phú Bài, một phi trường nhỏ có căn cứ an toàn của Thủy quân lục chiến nằm cách thành phố Huế khoảng 10 km. Tại Huế, tôi gặp vài bác sĩ tình nguyện trước khi leo lên xe Jeep chạy thẳng đến Quảng Trị.
Tôi còn nhớ cảnh mình rời khỏi chiếc máy bay nhỏ, loại 10 hành khách, bước xuống đường băng đen nhánh, đang bốc hơi. Khu rừng bao quanh sân bay Phú Bài đã được phát quang một phần bằng bom và bằng những chất làm cây rụng lá, nhưng đường băng với nhựa đường đen thì vẫn còn mới tinh và không bị hư hỏng. Tôi mang cái ba lô chứa một số đồ linh tinh như bàn chải, kem đánh răng, bộ dao cạo râu, ba cái áo thun ngắn tay, một quần jeans, cuốn cẩm nang phẫu thuật của NATO, một cuốn sách về bệnh nhiệt đới, hai trái táo, một trái cam và một trái chuối. Viên đại tá dẫn tôi xem qua bệnh viện quân sự một tầng, nhỏ nhưng sạch sẽ, ngăn nắp trong một khu nhà tiền chế(1) ở Phú Bài. Tôi nhớ rõ sự yên ắng cùng mùi khử trùng ở bệnh viện quân sự nhỏ này. Những dãy giường sạch gọn, và trên mỗi giường là một thương binh thuộc Thủy quân lục chiến hoặc một quân nhân thuộc binh chủng khác. Một vài người bị thương ở chân được treo chân lên, nhưng hầu hết là những vết thương không nhìn thấy được dưới lớp chăn quân đội màu xanh nâu.
- Chào bác sĩ, tôi đây này! - Một giọng nam cất lên.
Ai ở đây mà biết tôi là bác sĩ vậy? Cách chỗ tôi đứng không xa là một khuôn mặt râu ria sạch nhẵn trên đôi vai rộng, cặp mắt đượm buồn và mái tóc húi cua theo “tiêu chuẩn quân đội” ló lên khỏi chiếc chăn. Đó là một gã đẹp trai, cằm vuông mà tôi chỉ biết tên là Jerry, một trung úy Thủy quân lục chiến. Trước đó mấy tháng, chúng tôi có gặp nhau tại quán rượu Shadowbox – nơi thỉnh thoảng các bác sĩ nội trú tụ tập, gần bệnh viện Mount Zion ở San Francisco. Lúc đó, Jerry trong bộ quân phục Thủy quân lục chiến và tôi cho anh biết mình cũng từng là lính Thủy quân lục chiến. Chúng tôi chuyện trò, tán gẫu và uống với nhau một vài cốc trong khi chờ các cô gái nhảy. Tôi có những nghi ngờ của mình về cuộc chiến. Jerry cũng có sự ngờ vực của anh nhưng anh nói, vì là một trung úy Thủy quân lục chiến trung thành nên anh chấp hành lệnh điều động đi đến bất cứ nơi đâu. Và nay thì anh đang ở tại một bệnh viện ở Việt Nam.
- Xin chờ tôi một lát. - Tôi nói với viên đại tá và đi tới bên cạnh giường Jerry.
- Trời đất, Jerry! Anh làm cái quái gì ở đây thế?
Jerry cho tôi biết là chỉ mới vài tuần trước đây, tức khoảng đầu tháng 5, anh ở Đông Hà trong đợt hai của cuộc Tổng công kích Tết Mậu Thân. Đông Hà là thị trấn nằm cách thủ phủ Quảng Trị - nơi tôi được phân bổ - chừng 12 km về phía Bắc. Jerry mô tả đó như là một hỏa ngục với quá nhiều kẻ thù và quân đội Mỹ không thể giữ nổi chiến tuyến. Jerry đã nhảy vào một hố bom để tránh đạn nhưng một quả đạn pháo cối đã bám theo và phát nổ. Giờ đây, các bác sĩ vẫn còn tiếp tục gắp những mảnh đạn găm trên lưng anh. Jerry bị tê liệt từ thắt lưng trở xuống và cánh tay cũng cử động khó khăn.
- Nhưng trông anh khá lắm. - Tôi nói.
- Tôi không khá đâu. - Vừa nói anh vừa kéo chiếc chăn lên một chút.
Viên đại tá bước đến và nói rằng đã đến lúc phải đi. Tôi nói cho ông ấy biết là chúng tôi đã làm quen với nhau lúc ở San Francisco. Tôi cũng an ủi Jerry rằng các bác sĩ của quân đội rất giỏi và anh sẽ nhanh chóng hồi phục. Jerry nói có lẽ sau này anh chỉ có thể uống rượu được với tôi thôi, còn việc khiêu vũ thì chắc là không thể nghĩ tới được nữa.
Cuộc hành trình ngắn từ phi trường về thành phố Huế bằng xe Jeep là một chuyến đi sởn tóc gáy. Tay tài xế nói là phải chạy nhanh để tránh các nòng súng bắn tỉa của Việt Cộng, vốn thường nhắm vào tấn công các xe quân sự Mỹ. Xe phóng xuống Quốc lộ 1 rồi qua con sông Hương tuyệt đẹp. Con sông được đặt tên theo những loài hoa thơm ngát mọc xanh tốt hai bên bờ sông.
Huế là thành phố văn hiến với hơn 100.000 dân. Ở đây có nhiều kiến trúc truyền thống của Việt Nam, kể cả cung điện, lâu đài, lăng tẩm nguy nga, nhưng nhiều kiến trúc đã bị phá hủy trong chiến tranh. Việt Nam là đất nước có 4.000 năm văn hiến và Huế là một trung tâm văn hóa và học thuật, là cố đô của các hoàng đế phong kiến Việt Nam. Trung tâm của thành phố là Tử Cấm Thành. Qua triều đại của 13 vị vua, Huế trở thành nơi quy tụ những học giả, nghệ sĩ, triết gia và bác sĩ hàng đầu Việt Nam. Trong khi sự chiếm đóng của người Pháp ở Đông Dương từ 1889 đến 1954 bị xem là bóc lột, tàn ác vì đã duy trì tình trạng nghèo đói cho hầu hết dân chúng Việt Nam thì họ vẫn có được một vài động tác nhân đạo nổi bật. Đó là việc xây dựng hai Viện Pasteur đầu tiên bên ngoài Paris ở Việt Nam vào cuối thế kỷ 19.
Huế cũng là nơi có một bệnh viện đại học lớn, có lẽ là bệnh viện tốt nhất ở Nam Việt Nam. Bệnh viện 1.000 giường do người Pháp xây dựng với mục đích giảm thiểu bệnh tật bằng công tác vệ sinh, huấn luyện kỹ năng chuyên môn cao cho các bác sĩ người Việt để tiến hành một số công trình đáng kể ở Đông Nam Á.
Tại Huế, tôi gặp nhiều bác sĩ người Mỹ, trong đó có bác sĩ Howard Detwiler, một người bệ vệ, chuyên gia về tai mũi họng và là cố vấn dày dạn kinh nghiệm của tôi trong mấy hôm sau đó. Ông Detwiler tốt bụng đã 65 tuổi và gần nghỉ hưu khi ông rời phòng mạch của mình ở Michigan để tình nguyện đến Việt Nam. Đội ngũ bác sĩ ở Huế còn có thêm ba người khác là bác sĩ X-quang Grant Raitt, bác sĩ nhi khoa Ralf Young và bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình Joe Nettles.
“Đúng là có từ hai đến ba bệnh nhân nằm trên cùng một giường trong cái bệnh viện cả ngàn giường này”, nhiều năm sau này, bác sĩ Nettles viết, “kể cả trong một khu dành cho bệnh nhân bị bệnh phong. Bệnh viện an ninh vào ban ngày nhưng đêm đến thì đạn pháo nổ nhiều lần quanh đó. Chúng tôi được khuyên là hãy ngủ trong khu bệnh nhi và phải mang theo súng M-16 cùng lựu đạn để đề phòng việc Việt Cộng tràn vào lần nữa. Mỗi buổi sáng, những nạn nhân của các cuộc dội bom bằng B-52 trong đêm lại nằm sắp lớp trước cổng bệnh viện. Những vết thương khủng khiếp khó mà mô tả và chắc chắn là rất khó điều trị. Hàng ngày, tôi bận rộn từ sáng đến tối mịt và chỉ nhớ một điều là khi thời tiết trở nên nóng bức sau buổi trưa thì tôi rời bệnh viện, chạy băng qua đường rồi nhảy ào xuống dòng sông Hương. Tôi bơi một hồi thỏa thích cho đến khi thân thể mình chạm vào một dòng nước âm ấm mà tôi biết là dòng nước từ ống cống bệnh viện chảy ra sông.”
Trong mấy ngày đầu tiên ở Huế, tôi đã nếm mùi những gì sẽ chờ đợi mình ở Quảng Trị. Đó là một kiểu rối loạn tâm thần, mất trí nhất thời mà người đang phải đối phó lúc ấy là bác sĩ Detwiler.
Tôi bắt gặp bác sĩ Detwiler đang trốn chui trốn nhủi bên dưới một gầm giường. Một binh sĩ Nam Việt Nam giận dữ, tay cầm khẩu M-16 đang đi lùng sục khắp các tòa nhà của bệnh viện để tìm kiếm ông ta. Tay súng này giận dữ hét lên là sẽ bắn chết Detwiler, một bác sĩ già, tốt bụng mà anh ta cho rằng đã giết chết con trai của mình. Số là bác sĩ Detwiler đã tiến hành phẫu thuật vá môi sứt – một dị tật rất phổ biến ở Việt Nam – cho đứa bé trai con của người lính chiến kia. Nhưng thằng bé lại có một cái răng long, có thể rơi ra bất cứ lúc nào. Sau khi vá môi xong và được chuyển xuống phòng hậu phẫu, thằng bé hút bật hơi làm sao để chiếc răng long ra, lọt vào khí quản, khiến cậu bé tử vong vì ngạt thở. Cái chết này một phần là do các y tá đã không chăm sóc cẩn thận. Vị bác sĩ cân nặng gần 110 kg đã thoát chết bằng cách trốn dưới gầm chiếc giường nhỏ trong một phòng bỏ trống của bệnh viện, và rốt cuộc, người lính kia đã bình tĩnh trở lại.
Ba ngày sau, tôi và bác sĩ Detwiler chạy ra khi trông thấy một binh sĩ Việt Nam nằm gục trên thềm tam cấp bệnh viện. Có một vết nhỏ màu đỏ trên ngực anh ta và máu trào ra ướt đẫm bộ quân phục. Chữ thêu trên quân phục cho biết anh ta là hạ sĩ Bình. Người lính trẻ này xem ra gần chết và bác sĩ Detwiler chú ý đến những tĩnh mạch cổ sưng phồng của anh ta.
- Chúng ta có một ca ép tim do tràn dịch ngoài màng tim.
- Bác sĩ Detwiler nói.
-Đưa ngay anh ta vào phòng phẫu thuật cấp cứu!
Tôi cùng ông Detwiler mất khoảng một phút để khiêng anh lính trẻ cân nặng chừng 55 kg này đặt lên bàn mổ. Đây cũng chính là cái phòng đã được dùng để mổ cho cậu bé trai vừa tử vong nói trên.
- Mang cho tôi dao mổ! Cho tôi dịch truyền, máu và tất cả những gì các anh có, nhanh lên!
Bác sĩ Detwiler kêu lên. Bác sĩ Nettles cũng đến nhập vào toán phẫu thuật cùng với nhiều y tá người Việt.
- Mở ngay tĩnh mạch bắp đùi bệnh nhân, - ông Detwiler nói,
- cả đùi phải lẫn đùi trái. Chúng ta cần truyền dịch ngay cho anh ta. Anh ta đã mất khá nhiều máu. Hãy chuẩn bị để mở lồng ngực.
Chúng tôi đổ cồn lên ngực rồi buộc chặt cơ thể người lính trên bàn mổ. Mặc dù anh ta đã trong tình trạng nửa hôn mê, nhưng bác sĩ Detwiler không muốn người lính động đậy trong khi đang tiến hành phẫu thuật. Ông yêu cầu mang ê-te lại, vốn là tất cả những gì chúng tôi có dành để gây mê, ngoại trừ chất Pentothal có thể làm cho bệnh nhân bị mê sâu hơn. Chúng tôi cô lập hai tĩnh mạch ở đùi và đặt ống dẫn để truyền máu về tim. Thật may mắn, nạn nhân không bị mất máu quá nhiều.
Việc tối quan trọng là đặt bệnh nhân nằm đúng vị thế, nằm ngửa, đầu hơi cao để anh ta không bị chết ngạt. Chúng tôi đặt một ống dẫn, thông từ lỗ mũi xuống khí quản để anh ta dễ thở.
- Anh có biết là nên mổ ở đâu không? - Bác sĩ Detwiler hỏi tôi.
- Tôi nghĩ nên như thế này.
Tôi nói và rạch giữa xương sườn số 6 và số 7, một đường rạch dài từ đỉnh xương ức xuống tận nửa nách. Tôi nhớ lại bài học ở trường y: dây thần kinh, động mạch, tĩnh mạch, tôi cũng nhớ là những dây thần kinh, những động mạch và tĩnh mạch đều nằm bên dưới mép xương sườn, và nếu không khéo tay mà làm tổn thương đến chúng thì bệnh nhân có thể xuất huyết cho đến chết hoặc tổn hại dây thần kinh trầm trọng. Trong ngày đó, vì một số lý do, tôi liên tưởng đến sự kết hợp của các từ N, V và A với những từ North Vietnamese Army(1). Tôi cắt và mở lồng ngực của bệnh nhân rồi đặt một cái kẹp banh miệng vết mổ. Khi mở lồng ngực, một vòi máu bắn phụt lên trần phòng mổ. Và trong suốt thời gian chúng tôi làm việc, máu của người lính cứ tiếp tục nhỏ giọt.
Việc máu bắn phụt ra như thế chứng tỏ rằng trái tim mà chúng tôi kéo ra khỏi lồng ngực vẫn còn sống và còn đủ mạnh để hồi phục. Chúng tôi đụng đến màng bao quanh tim, vốn đã chứa đầy máu và làm cho tim ngừng đập, dẫn đến việc tĩnh mạch cổ của bệnh nhân sưng phồng lên, mà ngay lúc đầu bác sĩ Detwiler đã nhận định là một ca ép tim do tràn dịch ngoài màng tim.
Mặc dù bệnh viện Huế được xem là có cơ sở vật chất tốt nhất Việt Nam, chúng tôi vẫn không có một máy theo dõi để quan sát chức năng của tim, cũng không có thiết bị quang điện đo lượng oxy trong máu. Cũng giống như cách những bác sĩ thường hành xử ở Việt Nam, chúng tôi hành động dựa vào trực giác và kinh nghiệm. Bác sĩ Detwiler ra lệnh cho truyền nhiều hơn dịch truyền vào tĩnh mạch đùi nhằm bổ sung cho lượng máu mà người lính đã bị mất, đồng thời làm giảm khả năng bị sốc.
Trong khi bệnh nhân đang tiếp nhận dịch truyền thì bác sĩ Detwiler yêu cầu cho thêm ê-te. Chúng tôi lo lắng, cố tránh cho bệnh nhân không bị sốc vì đó là nguyên nhân chính dễ dẫn đến tử vong trong những tình huống như thế này. Lật người bệnh từ bên này qua bên kia trong thời gian phẫu thuật cũng có thể gây sốc hoặc làm tình trạng xấu hơn. Sốc có thể xuất hiện ngay lập tức hoặc âm ỉ. Đó là một phản ứng tự vệ làm gia tăng nhịp tim và làm suy yếu hiệu quả của sự tuần hoàn máu, làm bệnh nhân tái nhạt, một triệu chứng thiếu oxy ở não bộ và ngăn chặn các chức năng của cơ thể. Trong trường hợp bị sốc nặng, người bệnh có thể bị trụy thận, gan, dẫn đến tử vong.
Chúng tôi thăm dò và phát hiện ra một vết thương 3 cm xuyên qua tim của anh ta. Rõ ràng, người lính này đã lãnh nguyên một lưỡi lê vào giữa xương sườn thứ 6 và 7. Đó là một vết thương gây ra bằng một nhát đâm có tốc độ chậm và không nguy hiểm như những vết thương sau này tôi thường gặp, vốn gây ra do đạn, mảnh bom, mìn, đạn đại bác. Tuy nhiên, đầu của lưỡi lê đã xuyên thủng qua tim của anh ta, xuyên qua màng ngoài tim, cả hai tâm thất, mô cơ gian tâm thất và khía vào cơ hoành. Và lúc đó quả tim tràn máu của anh ta đã ngừng đập.
- Tôi lo phần bên phải, còn anh lo phần bên trái. - Bác sĩ Detwiler nói.
- Tôi nên dùng loại chỉ nào, 4-0 crom chăng?
- Không, hãy lấy loại 3-0 crom. - Bác sĩ Detwiler hướng dẫn tôi dùng một loại chỉ phẫu thuật dày và chắc hơn.
Để giữ mạng sống cho người lính, chúng tôi phải khâu các lỗ thủng của tim anh ta. Chúng tôi tiến hành thật nhanh. Nếu nạn nhân qua khỏi ca mổ này, chúng tôi còn nỗi lo những biến chứng về sau như hụt vách ngăn tâm thất hay sự bám dính hình thành xung quanh màng ngoài tim. Hai chúng tôi khâu lỗ thủng trên tim trong khi máu vẫn rỉ ra từ hai vết thương.
Kỳ diệu thay, khi chúng tôi đang khâu lỗ thủng từ hai phía của trái tim, thì tim của người lính trẻ bắt đầu đập trở lại. Do trái tim đã làm việc, chúng tôi phải chờ đợi để khâu theo nhịp đập của trái tim. Khi trái tim anh ta đập, chúng tôi móc một mũi rồi cố thắt lại, tim đập, cố móc và thắt một mũi khác và cứ thế tiếp tục. Công việc này giống như ta đang cố gắng khâu cho một con ếch còn sống, ẩm, ướt nhờn, lắc lư và chực chờ nhảy ra khỏi lòng bàn tay mình. Trong khi đó, máu từ tim vẫn tiếp tục rỉ ra.
Với từng nhịp đập của trái tim người lính, tôi cảm nhận sự thành công tới càng gần hơn, khả năng cứu mạng người lính rõ ràng hơn. Chúng tôi nghĩ là người lính có thể sống sót một khi chúng tôi đóng được lỗ thủng trên trái tim anh ta.
Chúng tôi làm việc nhanh chóng và cẩn thận. Chúng tôi truyền cho anh ta lượng dịch truyền bình thường. Nạn nhân đã mất ít nhất 3 lít máu và có lẽ lượng hồng huyết cầu giảm còn 6, tức ít hơn một nửa so với mức bình thường. Chúng tôi không có máu để thay thế và việc quan trọng là làm sao duy trì mạng sống cho anh ta.
Trong vòng 10 phút kể từ khi bắt đầu, tâm thất và vết thương ở tim đã được đóng kín. Chỉ có 10 phút mà giống như đã hàng giờ đồng hồ. Hít một hơi thở sâu, chúng tôi tiến hành bước kế tiếp ở màng bao ngoài tim. Bác sĩ Detwiler nói:
- Tôi không phải là chuyên gia phẫu thuật tim, nhưng tôi nghĩ là chúng ta phải để nó mở.
- Chắc là vậy. - Tôi đáp.
Chúng tôi đặt những ống dẫn nhỏ ở bên trái và bên phải, sử dụng những miếng gạc sát trùng cỡ 1cm x 6 cm để cho máu có thể thoát ra khỏi màng ngoài tim trong khi chờ đợi vết thương ở tim lành lặn. Chúng tôi phải làm thật cẩn thận, vì nếu máu rỉ ra mà không có lối thoát thì chúng tôi buộc phải làm lại từ đầu, và người lính lại phải trải qua một cuộc phẫu thuật lần thứ hai.
Chúng tôi bắt đầu đóng lồng ngực. Tôi để ý thấy bác sĩ Detwiler đầm đìa mồ hôi và khuôn mặt ông đã tái nhợt.
Đột nhiên, ê-te hết tác dụng và người lính trẻ tỉnh dậy. Anh ta cố ngồi lên và rên rỉ. May thay, anh ta vẫn còn váng vất do hậu quả của ê-te và yếu sức vì mất máu nên những nhân viên y tá và hộ lý đã giữ được anh ta nằm yên cho đến khi chúng tôi hoàn thành công việc.
Người lính muốn ngồi dậy và đòi trở về nhà ngay khi cuộc phẫu thuật vừa hoàn tất, cô y tá người Việt đã thuyết phục và nhẹ nhàng vỗ về anh ta ở lại bệnh viện. Tôi hít một hơi thở sâu và thư giãn trong chốc lát. Sự việc đã đến và tôi đã hoàn thành. Tuy nhiên, vào sáng hôm sau, khi tôi và bác sĩ Detwiler trở lại bệnh viện, chúng tôi phát hiện ra là bệnh nhân phẫu thuật tim mở đầu tiên của chúng tôi đã bỏ đi. Việc bệnh nhân tự ý rời khỏi bệnh viện sau khi phẫu thuật xong như thế không phải là điều bất thường ở Việt Nam.
“Những chuyến đi kiểm tra vào buổi sáng sẽ phát hiện nhiều bệnh nhân “mất tích””, Carnes Weeks – một bác sĩ tình nguyện phục vụ ở Phan Rang – nhớ lại. “Nếu họ chết, họ sẽ được đem về quê chôn cất. Ngược lại, nếu như cảm thấy bệnh tình đã khá hơn thì thân nhân của họ sẽ tìm cách giúp họ “tự xuất viện” về nhà. Chúng tôi phải hỏi y tá trực về tình hình diễn biến trong đêm.”
“Theo thói quen, nhiều thành viên trong gia đình luôn ở bên cạnh bệnh nhân”, bác sĩ R. B. Richards từng phục vụ tình nguyện tại Ban Mê Thuột hồi tưởng. “Họ có thể nấu nướng ở một bếp nhỏ trên sân bệnh viện. Những khi đi kiểm tra, tôi thường phát hiện ra là một hoặc hai người bệnh rất nặng đã không còn ở trong phòng điều trị. Tôi hỏi y tá thì cô cho biết là gia đình đã đưa bệnh nhân về nhà vì theo họ, thà chết ở nhà còn hơn là chết trong bệnh viện.”
Sau vài ngày tập huấn với các đồng nghiệp người Mỹ ở Huế, tôi lên xe Jeep hướng về bệnh viện tỉnh Quảng Trị. Chúng tôi phóng xe theo hướng Bắc của Quốc lộ 1. Tôi sẽ hợp lực với một bác sĩ quân đội đang làm việc tại Quảng Trị. Các đồng nghiệp ở Huế cho là tôi điên nên mới tình nguyện ra Quảng Trị, nơi chiến sự nặng nề vây quanh. Nghĩ lại, có lẽ tôi đã hơi quá nhiệt tình khi hăm hở rời Huế như vậy. Sau khi đặt chân đến Quảng Trị, tôi biết rằng nơi đây có thể là một trong những nơi nguy hiểm nhất trên hành tinh này.
@by txiuqw4