Tôi đến Quảng Trị bằng xe Jeep và ngạc nhiên một cách thú vị trước cấu trúc bằng gạch và gỗ nổi bật của bệnh viện tỉnh. Bệnh viện gồm nhiều tòa nhà được người Pháp xây dựng, theo kiểu mẫu kiến trúc thời thực dân Pháp với những cầu thang đẹp và cổng vòm to lớn, trang trí công phu.
Khách được chào đón bằng một hội quán hấp dẫn với nền bằng đá cẩm thạch luôn được lau chùi sạch bóng. Trung tá Hải quân Mỹ Robert Hurst là bác sĩ giải phẫu của bệnh viện tỉnh lẻ này. Trung tá Hurst hướng dẫn tôi xem toàn bệnh viện với 80 giường bệnh, và cả hai lều bạt lớn bên ngoài có thể giúp mở rộng bệnh viện lên 350 giường khi cần. Hai lều trại chỉ dành cho những trường hợp quá tải và vẫn còn để trống vào thời điểm tôi đến. Ông Hurst giới thiệu tôi với toàn bộ nhân viên gồm vài y tá Hải quân Mỹ cùng những y tá, hộ lý người Việt Nam.
Phòng mổ xây bằng gạch và có nhiều cửa sổ để lấy ánh sáng, là nơi làm việc khá lịch sự. Cả phòng mổ lẫn các phòng bệnh đều không có máy điều hòa không khí, cũng chẳng có cửa lưới để ngăn chặn muỗi mòng. Tuy nhiên, bệnh viện có hệ thống nước máy và hệ thống cống rãnh tốt. Theo cách nhìn của người Việt Nam, trung tá Hurst bảo đảm với tôi rằng, bệnh viện tỉnh Quảng Trị là nơi có điều kiện thuận lợi nhất cho việc hành nghề y và là niềm hy vọng lớn lao của dân chúng địa phương, những người luôn ước ao được chữa trị hiệu quả trong khu vực chiến sự diễn ra hàng ngày này.
Họ chẳng cấp màn cho tôi mà chỉ phát một cái chăn len chống muỗi để tôi ngủ trong một phòng nhỏ của bệnh viện. Ngay sau khi đến Quảng Trị, tôi bị sốt nặng và sa sút hẳn với chứng bệnh mà sau này được chẩn đoán là sốt rét khi tôi trở về Hoa Kỳ. Trung tá Hurst đến thăm tôi trong căn phòng nhỏ và tôi đã báo với ông rằng mình đã tự chích lấy vào mông nhiều liều lớn penicillin để hồi phục cho nhanh. Có lẽ nhờ sự nài nỉ của trung tá Hurst, tôi đã uống lại chloroquine phosphate hai lần một tuần để chống sốt rét và đã có thể trở lại làm việc nhanh hơn dự đoán. Trước đó, tôi đã ngưng dùng thuốc này một thời gian vì những tác dụng phụ của nó.
Rủi thay, khi tôi bắt đầu hồi phục thì trung tá Hurst lại suy sụp với chứng viêm gan mà nguyên nhân có thể là do ông đã không dùng găng tay cao su khi giải phẫu. Găng tay cao su không phải lúc nào cũng có hay cũng được sử dụng khi phẫu thuật ở Việt Nam. Như vậy, chỉ vài ngày sau khi tôi đặt chân đến Quảng Trị thì trung tá Hurst lại ra đi. Có lẽ ông được đưa đến USS Sanctuary – một tàu bệnh viện đậu ngoài khơi, cách bờ biển Quảng Trị vài dặm. Là bác sĩ dân sự đầu tiên trong bệnh viện với chức năng như một bác sĩ đa khoa, giờ đây tôi lại trở thành bác sĩ duy nhất ở cơ sở chữa trị này và sẽ phải đứng mũi chịu sào trong các ca phẫu thuật.
Tôi vẫn là vị bác sĩ duy nhất thường trực tại bệnh viện tỉnh Quảng Trị trong hai tháng tới. Thỉnh thoảng có những toán y bác sĩ người Úc và Canada tạt qua, và có một bác sĩ quân đội Mỹ làm việc ở đây hai tuần. Trong hầu hết nhiệm kỳ, tôi là bác sĩ dân sự duy nhất làm nhiệm vụ. Như là một bác sĩ nội trú, tôi được một nhóm y tá trợ giúp. Đó là 8 y tá Hải quân Mỹ làm việc luân phiên và đáng tin cậy. Ngoài ra còn có một nhóm y tá Việt Nam chẳng đáng tin cậy là mấy.
Quảng Trị thuộc khu vực rừng nhiệt đới, nhưng không phải là rừng rậm dày dặc như ở lưu vực sông Mê Kông. Một số vùng đất của Quảng Trị được trồng lúa hoặc các loại hoa màu. Những cánh rừng Quảng Trị cũng giống như ở nhiều thành phố khác của Nam Việt Nam, có một hệ thống chằng chịt đường hầm sâu, nơi lực lượng quân đội Bắc Việt Nam và Việt Cộng ẩn náu và tung ra các cuộc tấn công bất thần.
Thị xã Quảng Trị có dân số khoảng 35.000 người khi tôi đến đây, nhưng có rất nhiều cư dân sinh sống ở miền quê, ở các làng mạc xa xôi hẻo lánh. Trong khu vực này có đến 87.000 lính Thủy quân lục chiến thuộc Quân đoàn I. Vào đúng thời điểm tôi nhận nhiệm vụ ở Quảng Trị, thì cách khoảng 150 km về phía Nam, thuộc khu vực của Quân đoàn II, vị Bộ trưởng Ngoại giao tương lai của Hoa Kỳ – ông Colin Powell – đang phục vụ với vai trò sĩ quan thông tin trong vụ thảm sát 500 thường dân Việt Nam ở Mỹ Lai.
Hàng chục ngàn binh lính Thủy quân lục chiến trú đóng ngay trong thị xã Quảng Trị và khu vực phụ cận. Đây là vùng chiến sự và để bảo vệ, người ta đã tăng viện rất nhiều xe tăng, đặc biệt là những chiếc xe bọc thép có thiết kế 2 khẩu 40 ly, rất thích hợp để hoạt động ở những vùng có rừng nhiệt đới như ở đây. Xe tăng và xe bọc thép chở đầy lính Mỹ và lính Nam Việt Nam chạy suốt ngày trên các đường phố Quảng Trị.
Không lâu sau đó, tôi được cấp cho một xe Jeep và một khẩu M-16. Quảng Trị không xa vùng phi quân sự nên chiến sự diễn ra thường xuyên quanh chúng tôi. Một lần có tin tỉnh lỵ có thể bị đối phương tràn vào, tôi đã thấy nhiều trực thăng quân sự đậu sẵn ngoài sân bệnh viện, sẵn sàng di tản chúng tôi trước khi đối phương tấn chiếm.
Tình hình hầu như chẳng thay đổi bao nhiêu kể từ khi người Pháp muốn tái chiếm Đông Dương. Trong chiến tranh Đông Dương, tướng Pháp Pellet đã có nhận định như thế này: “Kẻ thù hiện diện khắp nơi. Không có chiến tuyến rõ ràng, không có hào lũy kiên cố để binh lính chúng ta có thể phát huy hết hiệu quả của vũ khí hiện đại. Mỗi gốc tre, mỗi chòi lá đều có thể là nơi ẩn náu của đối phương. Chẳng trách binh lính chúng ta bị căng thẳng khi cả ngày lẫn đêm phải trực diện với kẻ địch khi ẩn khi hiện ở tất cả mọi nơi”.
Hầu như mỗi ngày đều có hàng chục binh lính và thường dân chết và bị thương. Chiến trường đẫm máu, trong đó tổn thất nhân mạng nhiều nhất lại xảy ra ở các “vùng oanh kích tự do”(1), từng là khu vực sinh sống của dân chúng miền quê, nên nạn nhân có thể là những nông dân trở về lo cho đàn trâu, đàn bò của họ; có thể là phụ nữ hoặc trẻ em trở về nhà đốt nhang trên những nấm mồ ông cha. Mặc dù hầu hết người Việt Nam sống quanh quẩn ở làng quê, cả đời ít khi đi xa khỏi bán kính 10 km, nhưng hàng triệu người đã phải chạy loạn khắp nơi trong chiến tranh. Và người Mỹ đã xem người Việt Nam là “gió chiều nào ngã theo chiều đó”, nghĩa là sự trung thành của họ thay đổi tùy thuộc vào ai đang kiểm soát được khu vực họ đang sinh sống.
Chiến sự diễn ra ác liệt. Trong tuần lễ tôi đến Việt Nam, quân đội Mỹ chịu tổn thất nặng nề hơn bất cứ tuần lễ nào trong suốt cuộc chiến. Có 713 quân nhân Mỹ thiệt mạng trong tuần từ ngày 3 đến ngày 10 tháng Năm, tức hơn 100 người mỗi ngày. Cuộc Tổng công kích Tết Mậu Thân khởi phát từ 31.1.1968 đã lại tiếp diễn đợt hai sau đó 4 tháng. Trong tháng Năm, tổng cộng có đến 2.370 quân nhân Mỹ tử trận ở Việt Nam. Chiến tranh Việt Nam đang leo thang đến đỉnh điểm của nó và chưa có dấu hiệu chấm dứt.
Sau đợt Tổng công kích Tết Mậu Thân và sự trả đũa quá mạnh của Mỹ, đã bắt đầu có những suy luận cho rằng, hoặc là Việt Cộng đã bị đánh bại bằng lực lượng quân sự, hoặc là Mỹ mất hết kiên nhẫn do con số thương vong kinh hoàng. Và dĩ nhiên trong tình hình đó, hầu hết bác sĩ Việt Nam và bác sĩ Mỹ ở Việt Nam đều được tăng cường phục vụ cho quân đội. Do đó, rất nhiều thường dân chết và bị thương mỗi ngày lại thiếu y bác sĩ chữa trị. Bên cạnh nạn nhân thương vong vì bom đạn, còn có nhiều bệnh nhân mắc các chứng bệnh nhiệt đới vốn đã ảnh hưởng đến Việt Nam hằng thế kỷ nay.
Tôi đến phục vụ ở Quảng Trị khi mới 32 tuổi, là một bác sĩ còn khá trẻ và chưa có nhiều kinh nghiệm, tuy đã được đào tạo về y khoa tổng quát, về nhi khoa và về thú y. Một năm làm việc tại các phòng cấp cứu của bệnh viện ở California đã cho tôi một số kinh nghiệm ứng phó với những ca chấn thương. Khoảng thời gian làm trợ lý phẫu thuật giúp tôi có thể cảm nhận được những vấn đề phẫu thuật phức tạp mà tôi phải ứng phó khi trực tiếp đứng mổ ở Quảng Trị. Khả năng làm việc nhanh và nặng, tính kỷ luật và tự lực mà tôi đã rèn luyện được từ lúc còn niên thiếu ở nông trang cũng như thời gian phục vụ trong lực lượng Thủy quân lục chiến đã giúp tôi rất nhiều khi đối phó với những thử thách hiện tại, trong điều kiện làm việc khó khăn với quá nhiều bệnh nhân người Việt.
Ngành y ở một nước thuộc thế giới thứ ba hoàn toàn khác biệt với những gì mà nhiều bác sĩ có thể hình dung, nhất là sự thiếu thốn về y cụ hiện đại. Một số bác sĩ được biệt phái đến phục vụ trong môi trường y tế thô sơ như thế đã yêu cầu được trở lại Sài Gòn hoặc chuyển đi phục vụ ở Nhật Bản, nơi có đầy đủ y cụ hơn. Trước khi đến Quảng Trị, tôi không hề biết là một mảnh bom đạn nhỏ cỡ bằng móng tay cũng có thể dễ dàng gây tử vong cho con người khi xuyên thủng một cơ quan trọng yếu của cơ thể. Tôi chưa thấy những nạn nhân mình đầy thương tích – những vết thương nhỏ xíu có thể nhìn rõ được bằng mắt thường – sẽ chết trên bàn mổ của mình. Làm việc với dân chúng trong tình huống có nhiều ngờ vực nhau – khi mà một bác sĩ có thể là anh hùng ngày hôm nay, nhưng lại có thể bị bắn chết ngày mai do một bất cẩn trong điều trị – khiến bất cứ vị bác sĩ nào cũng phải cẩn trọng khi làm nhiệm vụ. Họ phải nhanh chóng thích nghi và xây dựng niềm tin với những người cùng làm việc, cũng như với cộng đồng dân cư nơi mình hoạt động.
Tôi nhanh chóng được nhận một phòng trong một căn hộ ở Quảng Trị, chung nhà với một gia đình truyền giáo người Mỹ. Căn nhà cách bệnh viện một quãng ngắn nên mỗi ngày tôi có thể đi bộ đến bệnh viện được.
Quảng Trị cách Huế khoảng 60 km nên chỉ trong vòng vài tuần lễ, tôi đã dễ dàng có mối quan hệ với những bác sĩ ở Huế, thỉnh thoảng thăm viếng họ, hoặc đôi lúc phụ giúp họ trong các ca phẫu thuật. Chúng tôi luôn ý thức rằng mình đang ở trong một xứ sở nhiệt đới với những vấn đề về vệ sinh cần phải cải tiến liên tục. Việt Nam là nơi có độ ẩm luôn ở mức cao, khoảng từ 75% đến 80%. Nhiệt độ trung bình hàng năm ở miền Nam Việt Nam khoảng 290C, nhưng ở Quảng Trị thì nóng hơn.
Ngay cả “mùi vị” của các bệnh viện ở Việt Nam cũng khác hơn so với vẻ trang trọng, sạch sẽ của bệnh viện ở Mỹ. Đó là mùi cồn hăng hăng trộn lẫn mùi khử trùng. Clyde Ralph - một bác sĩ tình nguyện khác - đã nhớ đến bệnh viện với điện đóm mù mờ, cũ kĩ ở Nha Trang như là một “bệnh viện của nhiều thứ mùi tỏa ra”. Bác sĩ Ralph mô tả: “Bệnh viện có nhiều mùi hôi. Phân và nước tiểu có ở khắp mọi nơi và hình như người ta sống như thế quen rồi nên chẳng có thái độ gì tỏ ra khó chịu cả”.
Người thông dịch viên cho tôi ở Quảng Trị là một thanh niên 17 tuổi dễ mến, họ Nguyễn. Nguyễn là một họ phổ biến ở Việt Nam, nhưng anh chàng này không là người bình thường chút nào. Nguyễn có đôi mắt đen sáng quắc, mái tóc đen, và là con trai của vị quan đầu tỉnh. Cậu ta luôn nở nụ cười cho dù TS của mình chẳng có gì ngoài bom đạn chiến tranh. Là người lạc quan, không giấu giếm tình cảm của mình, Nguyễn biểu lộ vẻ thán phục đối với tôi. Nguyễn thường đi với tôi khắp bệnh viện, quan sát và cố học hỏi càng nhiều càng tốt. Bản chất tốt đẹp nhất ở chàng trai này là sự khao khát được giúp đỡ những người quanh mình, và tôi thấy rõ điều này mỗi khi đi cùng Nguyễn. Nguyễn nói với tôi là cậu muốn trở thành bác sĩ, và gần như ngày nào cậu cũng nhắc đi nhắc lại lời yêu cầu là nhờ tôi giúp cho cậu được đi Mỹ học trở thành bác sĩ. Nguyễn giúp tôi thật nhiều việc ở Quảng Trị.
Mỗi sáng, Nguyễn xuất hiện với áo trắng, quần dài đen, chân đi xăng-đan và miệng cười vui vẻ:
- Bác sĩ, hôm nay tôi có thể giúp gì cho ông nào?
Thông thạo cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt, Nguyễn giúp tôi giao tiếp với bệnh nhân cũng như với các y tá hoặc nhân viên người Việt khác. Ngoài ra, cậu ta còn dạy tôi học tiếng Việt và giúp tôi tìm hiểu cả nền văn hóa và lịch sử của đất nước Việt Nam.
Không lâu sau khi tôi đến Quảng Trị, Nguyễn bị bệnh và đến gặp tôi để nhờ tôi trị bệnh với một thái độ hết sức tin cậy. Cậu có triệu chứng sốt, bị run, lạnh và mất nước. Tôi chẩn đoán là bị nhiễm trùng thận, nhưng do không có thử nghiệm nước tiểu để xác nhận chẩn đoán của mình nên tôi ghi toa đưa cho Nguyễn đi nhận thuốc và nói là cậu hãy nghỉ ở nhà 5 ngày.
Năm ngày sau, Nguyễn trở lại và nói: “Tôi vẫn còn bệnh. Tôi chưa thể đỡ được”.
Đến lúc đó, tôi đã hiểu biết thêm về cách chữa trị bệnh của dân chúng địa phương. Thí dụ, tôi biết là có một số người Việt Nam đặt thuốc lên trên bếp đốt bằng than củi, một nghi lễ mà họ tin rằng sẽ giúp họ hết bệnh nhanh hơn là uống bằng miệng như thông thường.
- Tôi không muốn cậu đặt thuốc trên bếp lò củi. Tôi muốn cậu uống thuốc. - Tôi nói nhanh.
- Không, không. - Nguyễn làm yên lòng tôi. - Tôi là người Việt Nam có học. Tôi uống thuốc chứ!
Nguyễn cho tôi biết là khi thấy bệnh tình không đỡ hơn, cậu đã đi khám ở một đông y sĩ người Hoa và nhận thuốc đông y trị chứng sốt rét. Khi tôi khám lại cho Nguyễn, thì cậu đã có những tín hiệu cho thấy hồi phục tốt, dù chậm nhưng chắc chắn. Mặc dù tôi đã chẩn đoán sai một chứng bệnh nguy hiểm có thể gây chết người, Nguyễn không bao giờ nhắc đến chuyện đó nữa.
Tôi nhanh chóng nhận ra rằng chương trình y học của Hoa Kỳ không dạy cho mình đủ những điều cần phải biết trong một xứ sở nhiệt đới như Việt Nam. Vị y sĩ của Nguyễn đã cho anh uống đông dược của người Trung Quốc, vốn đã được dùng để trị chứng sốt rét từ nhiều thế kỷ nay ở Đông Nam Á. Nhận thức được hiệu quả của đông dược, tôi nói Nguyễn mang vào bệnh viện một số thuốc đông y loại này. Chúng tôi giữ trong tủ thuốc để phòng trị bệnh sốt rét.
Trợ lực cho tôi còn có 8 y tá Hải quân Mỹ, làm việc theo chế độ luân phiên. Những người này thật dũng cảm, lịch sự và hết lòng đối với bệnh nhân người Việt.
Vào những ngày nghỉ, họ thường đổ đầy bình xăng chiếc xe Jeep mà thỉnh thoảng được sử dụng như là xe cứu thương. Họ chất thuốc men cùng dụng cụ y tế cần thiết lên xe và gọi tôi:
- Bác sĩ ơi, chúng ta đi vào trong xóm trị bệnh cho dân chứ!
Vậy là chúng tôi lên đường, đi sâu vào những làng mạc xung quanh thị xã Quảng Trị. Chúng tôi khám bệnh cho dân chúng - vốn rất mong đợi chúng tôi đến - chích thuốc và phát các loại vitamin. Chúng tôi cũng sử dụng chiếc xe Jeep này để đến các điểm chích vắc-xin cho trẻ em địa phương. Thỉnh thoảng cũng đi sâu vào những vùng “nóng”, đang có giao tranh.
Các y tá Hải quân thật đáng tin cậy. Họ đến làm việc tại bệnh viện bất kể có tin Việt Cộng tấn công hay không. Họ luôn luôn có mặt, dù là trong tình thế tệ hại đi nữa. Nhưng họ không bao giờ ở lại bệnh viện sau 6 giờ chiều vì họ có lệnh phải trở về trước khi trời tối.
Ngược lại, những y tá người Việt thỉnh thoảng vắng mặt, ngay cả trong ngày làm việc của mình. Y tá là người cung cấp chăm sóc ban đầu cho bệnh nhân tại bệnh viện. Họ cũng chính là người săn sóc người bệnh vào ban đêm. Nhưng họ lại không đáng được tin cậy. Họ không được đào tạo chính quy, không được đăng ký hành nghề chuyên nghiệp như ở Mỹ, mà thường là những người y tá bán chuyên nghiệp, học hỏi lẫn nhau trong công việc chứ rất ít khi được huấn luyện chính thức. Khi cuộc chiến trở nên ác liệt, tôi phát hoảng khi biết rằng chỉ cần một tin đồn nhỏ là bệnh viện sẽ bị tấn công thì đội ngũ y tá sẽ bỏ chạy hết. Sự việc này đã diễn ra nhiều lần trong thời gian tôi làm việc tại bệnh viện. Người bệnh, người bị thương bị bỏ mặc, chẳng hề được tiêm, truyền tĩnh mạch hay nhận được thuốc men, thiết bị duy trì sự sống. Một số bệnh nhân đã tử vong vì không có y tá làm việc.
Tôi có hỏi những bác sĩ khác là phải hành xử ra sao trong trường hợp này.
- Hãy cứ làm những việc trong nhiệm vụ của mình. - Một bác sĩ khuyên.
- Hãy làm những gì tốt nhất mà mình có thể làm. - Một bác sĩ khác thở dài.
Khi những y tá Việt Nam biến mất, tôi cùng các y tá Hải quân Mỹ đi kiểm tra bệnh viện vào sáng hôm sau. Chúng tôi kiểm tra xem những chai truyền tĩnh mạch nào đã cạn, những bệnh nhân nào đã chết trong đêm. Vài lần chúng tôi phát hiện có những trẻ em đã chết trong đêm. Điều này thật đáng nản lòng. Nhưng rồi qua thời gian, tôi trở nên chai sạn hơn đối với cái chết của những đứa trẻ mà đáng ra là có thể được cứu sống. Mặc dù tình trạng này gần như quá sức đối với tôi lúc đó, tôi quyết định là phải làm hết sức mình cho dân chúng ở vùng đất mà mình đã tự nguyện đến giúp đỡ.
Tại Việt Nam, tôi đã thấy những lần dịch bệnh dữ dội mà trước đây tôi chưa hề thấy ở môi trường sạch sẽ và thuốc men đầy đủ như Hoa Kỳ. Bệnh bại liệt trẻ em – hầu như đã bị xóa sổ ở Mỹ bằng vắc-xin chủng ngừa vào thời điểm đó – vẫn còn phổ biến ở Việt Nam. Bệnh sốt rét, bệnh lỵ, bệnh than, dịch tả và sốt thương hàn là một trong số những bệnh đặc trưng ở Việt Nam.
Tại bệnh viện tỉnh Quảng Trị, tôi không nhớ là đã có bao nhiêu bệnh nhân mà tôi phải bó tay vì những bệnh nhiệt đới, trong khi đó là những bệnh có thể ngăn chặn hoặc trị liệu dễ dàng ở Hoa Kỳ. Tôi phải chứng kiến nhiều bệnh nhân chết vì dịch hạch và sốt thương hàn. Tại Hoa Kỳ, tôi sẽ phải cô lập những người bệnh này trong một phòng ở bệnh viện trong vòng 6 tháng. Nhưng ở Việt Nam thì không thể. Chúng tôi điều trị cho họ như những bệnh nhân ngoại trú. Tôi chỉ có thể chích một mũi thuốc, cho họ vài viên thuốc và bảo họ trở lại tái khám trong vòng 10 ngày với niềm hy vọng là họ sẽ khá hơn.
Chúng tôi đã chứng kiến nhiều ca sốt thương hàn, dịch hạch và bại liệt. Họ đến bệnh viện và được trị liệu thành công. Chúng tôi có đủ thuốc kháng sinh để đối phó với sốt thương hàn, và những bệnh nhân này có thể được chuyển đến điều trị tại một khu đặc biệt thuộc bệnh viện đại học Y khoa Huế. Bệnh dịch hạch cũng thường tràn lan khắp Việt Nam vào mùa mưa và tôi phát hiện ra rằng mình đang ở một khu vực của Việt Nam vốn được mệnh danh là “thủ đô bệnh dịch hạch của thế giới”. Mặc dù tôi đến trước mùa mưa, nhưng đã có nhiều dấu hiệu về sự quấy phá của lũ chuột. Chuột mang bọ chét, vốn là ổ chứa khuẩn que truyền bệnh dịch hạch. Dịch hạch là một trong những căn bệnh thuộc loại “dễ dàng chữa trị hoặc là chết” của chúng tôi, với việc bệnh nhân được cho dùng thuốc kháng sinh liều cao và được chữa trị ngoại trú. Ít nhất 80% người mắc bệnh này được cứu sống. Chúng tôi hiểu đây là một tỉ lệ quá tốt. Chloramphenicol và penicillin là những gì chúng tôi có để đối phó với tất cả các loại bệnh do nhiễm khuẩn như dịch hạch. Nhưng cũng có những bệnh nhân mà chúng tôi chỉ có thể dành cho họ sự chăm sóc hỗ trợ, chẳng hạn như trong các trường hợp bệnh bại liệt ở trẻ em – chúng tôi đã không thể trị liệu.
Sau khi xem xét nhiều ca bại liệt ở trẻ em, tôi có lưu ý với một trong số những y tá Hải quân giúp việc cho mình rằng vắc-xin phòng chống bại liệt của Mỹ có thể ngăn chặn sự bùng phát của chứng bệnh nguy hiểm này. Trong vòng ba ngày, bệnh viện chúng tôi bất ngờ nhận được kiện hàng vắc-xin phòng chống bệnh bại liệt gửi bằng đường biển. Tôi chắc rằng viên y tá Hải quân đã dàn xếp việc này.
Tôi bắt đầu nghiên cứu tất cả các loại bệnh tật bất cứ khi nào có chút thời gian rảnh rỗi, bằng cách tham khảo sách chuyên khoa, thảo luận với các đồng nghiệp và quan sát những gì bệnh nhân Việt Nam mô tả về các triệu chứng bệnh. Với Nguyễn làm thông dịch viên luôn bên cạnh, chúng tôi đã cứu được nhiều sinh mạng. Loại đông dược mà Nguyễn mang vào bệnh viện đã chứng tỏ sự hữu dụng đối với chứng sốt rét. Nhưng cũng có rất nhiều vấn đề về y học mà tôi chưa bao giờ biết đến ở Mỹ.
Những bác sĩ tình nguyện khác cũng đã từng đối diện với những căn bệnh nhiệt đới này. Ở Bạc Liêu, bác sĩ tình nguyện Tom H. Mitchell nhớ lại: “Sự hiện diện của quá nhiều ca bệnh lao làm chúng tôi sửng sốt trước thực tế là chúng tôi chỉ có rất ít – và thường là không có – thuốc chữa trị cho người bệnh. Cường độ dữ dội của bệnh tiêu chảy và hậu quả của sự mất nước thật là kinh hoàng, nhất là đối với trẻ em. Có ngày tôi được báo là có đến 5 ca tử vong ở khoa nhi. Thật là đáng buồn. Nếu như được tiếp tế đầy đủ và tiếp cận bệnh nhân dễ dàng thì những ca chết người này đều có thể ngăn chặn. Bạn chỉ làm được những gì tốt nhất có thể và với những gì mình có”.
Bác sĩ Gilbert Lee cũng có kỷ niệm của riêng mình: “Khi đi từ Sài Gòn đến các vùng châu thổ, tôi thấy các bệnh viện đều quá tải. Tôi cũng chú ý đến một tòa nhà với các phòng bệnh bỏ trống. Tôi đem thắc mắc của mình hỏi thì được một cô y tá kéo sang một bên rồi báo cho tôi biết rằng mùa mưa sắp đến”. Khi bác sĩ Lee cám ơn cô một cách mỉa mai về thông tin “dự báo thời tiết” đó thì cô y tá đã kiên nhẫn giải thích cho ông rõ là khi mùa mưa đến, hàng đàn chuột sẽ đua nhau tràn vào nhà, mang theo bọ chét truyền bệnh dịch hạch. Và đúng như dự đoán của cô y tá, sau đó tất cả các giường trong những phòng bệnh bỏ trống đã đầy rẫy bệnh nhân dịch hạch.
“Bảy mươi hai giờ sau cuộc nói chuyện với cô y tá, những cơn mưa bắt đầu rơi tầm tã”, ông Lee nhớ lại. “Hai tuần sau, tôi đã thấy những diễn biến của chứng dịch bệnh phổ biến này trên nhiều phần lãnh thổ Việt Nam. Trong khi đó, cả tôi lẫn những cuốn sách giáo khoa của tôi đều chẳng có thông tin gì về những việc như thế cả.”
“Khoảng một tuần rưỡi trong chuyến đi Nha Trang của mình, tôi đã chứng kiến một trận dịch tả bùng phát và cảnh hỗn loạn không thể kiểm soát nổi”, bác sĩ William P. Levonian - người đã bỏ lại phòng mạch của mình ở Santa Cruz, California, để tình nguyện phục vụ tại Việt Nam - kể lại. “Nhiều bệnh nhân nằm la liệt trên nền nhà các phòng bệnh, trong hội trường, ngoài hành lang hoặc bất cứ nơi đâu trong bệnh viện. Máy phát điện của bệnh viện thường xuyên không hoạt động. Không điện đóm, không nước máy. Máy bơm nước giếng thì lệ thuộc vào điện. Bệnh nhân nôn mửa và tiêu chảy bừa lên khắp mọi nơi, trên giường, trên chiếu, trên nền nhà. Các cửa sổ của bệnh viện hoàn toàn không có màn che và rác rến, ruồi nhặng đầy dẫy ở xung quanh. Tôi phải viết nhanh bằng tiếng Pháp các toa thuốc cũng như phiếu cấp dung dịch truyền tĩnh mạch và điện giải. Giữa cơn khủng hoảng, tôi lại suy tư về điều đã dẫn mình đến nơi chốn xa lạ và hỗn độn này.”
Một trong những ca phẫu thuật đầu tiên của tôi ở Quảng Trị là mổ cho một người đàn ông Việt Nam 44 tuổi bị thương nằm ngoài đồng ruộng suốt cả 4 ngày. Tôi nhận ra ông là người thỉnh thoảng tôi vẫn nhìn thấy trên phố khi đi bộ đến bệnh viện làm việc. Khi tiếp nhận ca bệnh, tôi mới biết là ông bị thương vì mảnh bom. Ông cũng bị bỏng một mảng lớn quanh vết thương khiến lòi cả xương sống ra.
Vết thương của ông rất nặng và tôi sợ là ông không thể sống qua vài ngày. Dĩ nhiên, khi tiến hành mổ, các cửa sổ được mở toang để không khí được thông thoáng. Ruồi nhặng bay khắp nơi. Vết thương đã mưng mủ và nhiều đốt xương sống đã trơ xương ra ngoài. Tôi cắt bỏ những mô hoại tử, nhẹ nhàng rửa vết thương và quan sát những dây thần kinh khi chúng chìm vào trong các bắp thịt quanh tủy sống.
Từ lúc chúng tôi chữa trị cho ông với thuốc kháng sinh, vết thương đã ngưng nhiễm trùng. Vấn đề chính yếu còn lại của ca này là chứng uốn ván, do khuẩn clostridium tetani kỵ khí có thể sinh sôi nảy nở gấp bội trong vết thương khi có sự hiện diện của nguyên tố sắt trong mảnh bom. Các bào tử uốn ván hình thành trong đất đá và trong ruột của động vật, ngay cả con người. Những vi khuẩn này có thể xâm nhập vết thương rồi sinh sản nhanh chóng tại vị trí nhiễm trùng khi có sắt hiện diện.
Do bệnh nhân nam này đã không chích vắc-xin ngừa uốn ván – chẳng có mấy người Việt Nam được chích loại vắc-xin này – và chúng tôi cũng không có huyết thanh kháng độc tố để điều trị, nên tôi biết là ông ta sẽ chết. Do cơ thể sản xuất ra độc tố uốn ván nên ông run lập cập suốt ngày đêm. Những động thái co giật thình lình một cách vô thức hay còn gọi là những cơn kịch phát ấy chính là đỉnh điểm của bệnh uốn ván, khi vi khuẩn sinh sản và tràn lan. Tôi biết bệnh nhân đau đớn kinh khủng và tôi cũng biết là ông ấy nhận thức được những gì đang diễn ra xung quanh.
Tôi thăm bệnh mỗi ngày, cho ông dùng thuốc chống uốn ván lấy lệ và chích morphine giảm đau. Chúng tôi rửa vết thương nhiều lần với chất khử trùng là nước oxy già nhưng chẳng hiệu quả. Tôi cố gắng mỉm cười và tỏ vẻ hớn hở khi khám bệnh vì muốn cổ vũ và cho ông hy vọng sống. Thời gian cứ trôi đi, tôi đuổi ruồi và cắt bỏ những mô hoại tử của vết thương dọc theo tủy sống của ông, dùng nước rửa sạch mủ để tránh nhiễm trùng. Nhưng khi tôi ra khỏi phòng, ruồi nhặng lại bu quanh vết thương của ông.
Tôi đã học được một số từ tiếng Việt và muốn ông ấy thoải mái nên khi khám bệnh, tôi nói với ông bằng tiếng Việt: “Này ông bạn, tôi mến ông lắm”. Ông đáp lại bằng nụ cười nhè nhẹ, mắt ánh lên khi biết là có người chăm sóc mình.
Tại bệnh viện tỉnh Quảng Trị, với những cánh cửa sổ mở rộng để cho hơi nóng, ruồi nhặng và bụi đỏ thổi cuộn vào, vết thương của ông – giống như nhiều trường hợp khác – biến thành một ổ vi khuẩn uốn ván khổng lồ. Đến ngày thứ tám thì bệnh nhân tử vong. Sau khi đã sử dụng hết mọi phương cách, tôi chỉ còn cách gửi cho ông một nụ cười hiền lành, lịch sự và đón nhận lời cuối cùng của người đàn ông: “Cám ơn bác sĩ”.
Tôi không bao giờ tìm hiểu về khuynh hướng chính trị của ông ta, và tôi cũng không quan tâm đến vấn đề đó. Thật khó xác định người nào thuộc phe nào trong chiến tranh và chúng tôi chữa trị cho bất cứ ai cần đến sự chăm sóc y tế của bệnh viện. Tôi biết là nếu như ông được chủng ngừa vắc-xin phòng uốn ván, hoặc nếu như chúng tôi có đầy đủ thuốc men, ông ấy sẽ không chết cho dù vết thương rất nặng. Sau khi ông ta chết, tôi đặt một tấm thẻ lên thi thể của ông với dòng chữ: “Một con người kỳ diệu của thế giới”.
@by txiuqw4