sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 7: Những Ca Phẫu Thuật Đáng Nhớ

Trước khi kịp hiểu công việc, tôi đã lao vào làm không chỉ như một bác sĩ đa khoa mà còn là một bác sĩ giải phẫu, tiến hành những ca mổ cấp cứu cho những người bị thương do chiến trận.

Bệnh viện của chúng tôi là “con đường duy nhất” đối với dân chúng Quảng Trị chẳng may bị thương vì bom đạn chiến tranh, bởi không còn nơi nào gần hơn để cấp cứu nạn nhân trong tình trạng thập tử nhất sinh.

Con số thường dân thương vong dao động tùy theo tình hình chiến sự. Nếu như có một đợt tạm ngưng bắn, một thời gian tạm lắng chừng một hai ngày, thì sẽ có hàng đoàn người đến trước cổng bệnh viện để xin chữa trị. Những lời truyền miệng nhanh chóng lan ra là có một ông bác sĩ ở đây và sẽ làm việc ngày đêm để chữa bệnh và cứu thương.

“Bác sĩ Mỹ”, họ chào tôi với vẻ kính trọng, hoặc “Bác sĩ Number One”.

Điều kiện phẫu thuật tại bệnh viện tỉnh Quảng Trị rất thô sơ, điều kiện vệ sinh tồi tệ, trong khi thuốc men cũng như y cụ cần thiết không phải lúc nào cũng có.

Chìa khóa để cứu sinh mạng bệnh nhân là mau lẹ, mau lẹ và mau lẹ. Đó là bí quyết duy nhất. Phẫu thuật cấp thời là yếu tố quan trọng để cứu sống bệnh nhân. Nếu như bạn không có lượng Adrenalin(1) cao hoặc nếu bạn không đủ sức khỏe, thì vào thời điểm bệnh viện tràn ngập bệnh nhân, bạn sẽ chẳng thể cứu sống được ai cả. Dù không chú tâm đến con số thống kê về ca mổ, nhưng có thể tôi đã phẫu thuật hơn 200 trường hợp trong khoảng thời gian chừng 2 tháng. Một số ngày có ít ca mổ, nhưng những ngày khác thì chúng tôi đứng mổ đến tận nửa đêm.

Khi cần thiết thì cả tôi, các y tá Hải quân Mỹ và y tá Việt Nam tiến hành ngay ca mổ, bỏ qua mọi thủ tục giấy tờ rườm rà như thường thấy ở các bệnh viện Mỹ trước khi tiến hành một cuộc phẫu thuật cấp cứu. Thông thường, chúng tôi tùy cơ ứng biến tìm ra giải pháp, một cách làm chẳng thể được chấp nhận tại các bệnh viện Hoa Kỳ. Chúng tôi không có chuyên gia, không có bác sĩ giải phẫu thần kinh, không có chuyên gia phẫu thuật mạch máu; thực tế là không có chuyên gia phẫu thuật, mà chỉ có tôi, các y tá Hải quân Mỹ và thỉnh thoảng có thêm một bác sĩ quân y trợ lực.

Cũng như nhiều nơi khác ở Việt Nam, Quảng Trị có khí hậu nóng và ẩm vào ban ngày, ban đêm chẳng mát hơn là mấy. Trong khi các loại thuốc kháng sinh cũng như những dược phẩm thiết yếu thường hiếm hoi, thì các loại côn trùng hiện diện khắp nơi. Ruồi nhặng và muỗi mòng từng đàn từng đàn bay khắp bệnh viện, xuyên qua các cửa sổ không màn chắn và luôn phải mở ngỏ do khí hậu quá oi bức. Trong các phòng bệnh, ruồi bu đầy những vết xước hay những vết thương hở. Nếu như bệnh nhân không có ai đi theo săn sóc, quạt đuổi ruồi muỗi, thì ít nhất sẽ bị hàng chục, thậm chí hàng trăm con ruồi bu bám vào vết thương. Ruồi nhặng ở đây gợi tôi nhớ đến những ngày tháng ở nông trang Iowa. Vào những tháng nắng nóng mùa hè, ruồi bám đầy trên đầu bò và ngựa, rồi bám đầy phân bò ngựa ngay khi những con vật này vừa thải xuống đất.

Tại Quảng Trị, ngay cả phòng mổ cũng không được che chắn chống ruồi muỗi. Ruồi bu vào vết thương hở ngay cả khi chúng tôi đang tiến hành phẫu thuật, mặc dù các y tá đã cố gắng xua chúng đi. Vào ban đêm, khi lũ ruồi đã ngủ hết, thì chúng tôi lại phải đối phó với lũ muỗi đến từ ao hồ, vũng rạch, mang theo mối nguy sốt rét và các bệnh khác. Sau một thời gian, chúng tôi xin được DDT để diệt bớt côn trùng, ruồi muỗi; nhưng cũng như mọi thứ thiết yếu khác mà chúng tôi cần, DDT được cung cấp rất nhỏ giọt ở Việt Nam.

Mỉa mai thay, những gì tôi học được về thú y tại Iowa State University có lẽ lại thích hợp với những gì tôi đang làm hơn là những kiến thức, kinh nghiệm mà tôi nhận được ở trường y và ở các phòng cấp cứu tại bệnh viện. Tại trường thú y, được học tập và thực hành trên cơ thể vật nuôi như trâu, bò, ngựa, chó, mèo và những động vật nhỏ khác, tôi đã thực hành hàng trăm ca mổ và học hỏi được những kỹ thuật mổ phức tạp, rắc rối mà sau này tôi đã ứng dụng nhiều lần.

Tại Việt Nam, do tình trạng đơn thương độc mã, tôi buộc phải trở thành một chuyên gia gây mê chỉ trong vòng hai tuần lễ. Thật ra, là một bác sĩ chữa trị, tôi cũng hiểu các mức độ gây mê cần thiết cho các ca phẫu thuật cơ bản, nhưng vì không được đào tạo để trở thành một chuyên gia gây mê nên tôi lo ngại mình dùng không đúng liều lượng chất gây tê ê-te và Pentothal với bệnh nhân cần phẫu thuật. Hồi còn ở trường thú y, chất gây mê duy nhất mà chúng tôi sử dụng là Pentothal, và vì chó hay mèo có thể trọng nhỏ hơn con người rất nhiều, nên chúng tôi chỉ dùng một lượng rất nhỏ dược phẩm. Với người bệnh, tôi luôn luôn cẩn trọng và thật là may mắn là đã không xảy ra trường hợp tử vong nào do việc sử dụng thuốc gây mê không hợp lý.

Sau các cuộc giao tranh ở vùng nông thôn, những người bị thương đổ về bệnh viện. Một số được chở đến bằng xe Jeep hoặc các phương tiện vận chuyển khác của quân đội. Những người khác thì được thân nhân cõng trên lưng, đặt trên cáng hay võng và được hai chiếc xe đạp đẩy đi, hoặc nằm trên võng buộc một bên hông của trâu bò… Thương vong gây ra do đủ loại chiến cụ của chiến tranh hiện đại: đạn, lựu đạn, đạn pháo, đạn cối, bom na-pan và các loại bom khác.

Việc trước tiên là bạn phải nhìn tổng thể bệnh nhân, rồi quyết định việc gì phải làm kế tiếp. Tôi cùng các y tá Hải quân buộc phải đánh giá mức độ thương tích dựa trên những yếu tố cơ bản nhất: huyết áp, nhịp mạch và nhịp thở của người bệnh. Bạn phải dùng đủ năm giác quan: nhìn, ngửi, sờ, nghe, nếm và cả giác quan thứ sáu – lượng định những điều bất ngờ. Và bạn cần phải biết ứng biến.

Rất nhiều bệnh nhân được chuyển đến bệnh viện tỉnh Quảng Trị là do các vết thương vì bom, một số là do máy bay B-52 thả loại bom khổng lồ 2.000 cân Anh, có sức hủy diệt khủng khiếp. Loại bom này có kích cỡ to bằng chiếc xe Volkswagen Beetle, và chấn động của vụ nổ có thể cảm nhận ở nơi cách xa gần 20 km. Nếu như bạn nằm trong phạm vi 8 km khi bom nổ, bạn sẽ thấy đời mình xem như kết thúc. Mặt đất rung chuyển dữ dội cùng với tiếng ầm ầm như thể bạn đang ở trung tâm của một vụ động đất. Lần đầu tiên trải nghiệm, tôi cứ nghĩ là trái bom đã nổ ngay bên cạnh mình, nhưng sau đó mới biết là dù gây ra chấn động kinh hoàng, trái bom rơi cách rất xa chỗ tôi nên tương đối an toàn, ngoại trừ tiếng đổ, tiếng rơi của mảnh vỡ, của gạch đá.

Những vụ ném bom như thế gây ra vết thương theo nhiều cấp độ cho rất nhiều người, tùy thuộc vào khoảng cách từ nạn nhân đến chỗ bom rơi. Nếu ở gần nơi bom nổ, chấn động cực mạnh xuyên qua cơ thể có thể làm tổn thương trầm trọng tim, gan, thận, ruột. Sóng chấn động mạnh cũng có thể thổi bay con người vào tường hoặc một vật cứng nào đó và gây thương vong cho họ. Ở nơi xa hơn trung tâm vụ nổ, sóng mạnh và kéo dài cũng có thể làm rách màng nhĩ (nếu sức nổ tạo nên áp suất 7 cân Anh trên một inch vuông). Còn nếu như có ai đang tiếp xúc với vật thể rắn nào đó thì sóng chấn động của vụ nổ có thể truyền từ vật thể ấy vào cơ thể người, làm chấn thương nhiều hay ít tùy theo sức mạnh của vụ nổ. Sóng chấn động do bom mìn nổ dưới nước còn gây thương vong nhiều hơn vì truyền đi nhanh hơn và mạnh hơn, trong khi sức chịu đựng của cơ thể con người chẳng hề tăng lên khi ở dưới nước. Còn trên mặt đất, ngoại trừ việc bị rách màng nhĩ, thì cơ thể con người có thể chịu đựng được sức ép đến 30 cân Anh trên một inch vuông nếu như bạn tránh được mảnh vỡ của các vật cứng.

Về mặt y học, các vụ nổ gây nên nhiều chấn thương ở ngực, bao gồm tổn thương lồng ngực, phá vỡ các phế nang và làm xuất huyết phổi. Những chấn thương này là do sức mạnh của vụ nổ đã ép xương sườn vào phổi. Những người bị thương trong trường hợp này có thể không có biểu hiện ra bên ngoài, hoặc chỉ là ho ra chút ít máu vì xuất huyết phổi.

Trong chiến tranh hiện đại, hầu hết các thương tích thường gây nên do vật thể phóng đi như đạn, bom… Dĩ nhiên ở trong cơ thể, một viên đạn có thể gây nên sát thương khi làm vỡ xương thành nhiều mảnh nhỏ, tạo thành nhiều thương tích khác. Là bác sĩ chẩn đoán trong những trường hợp này, việc đầu tiên là phải xác định vị trí của nạn nhân vào thời điểm bị thương. Đường đi của một viên đạn hay một mảnh bom ghim vào nạn nhân đã ngã xuống thường khá khác biệt so với người bị thương trong tư thế đứng. Vết thương do viên đạn hay mảnh bom đi ra khỏi cơ thể, nếu có, sẽ luôn luôn to hơn nơi viên đạn đi vào.

Khi cân nhắc, xác định tình trạng người bị thương để phẫu thuật trong các trường hợp này thì việc phân tích hình dáng, kích cỡ và tốc độ của viên đạn hoặc mảnh bom vào thời điểm gây thương tích là rất quan trọng – không kém việc xem xét tình trạng vết thương. Nếu so sánh với vết thương do dao hoặc lưỡi lê gây ra, thì những vết thương do một viên đạn bắn ra ở tốc độ cao nghiêm trọng hơn rất nhiều vì lực phá hủy của chúng rất cao.

Tốc độ bay của đầu đạn và tên lửa đã tăng lên gần 4 lần kể từ Thế chiến thứ I, và thương vong do viên đạn bắn đi với tốc độ từ 600 đến 1.200 mét trong một giây thì thật là khủng khiếp. Khi chạm vào đối tượng, động năng của viên đạn sẽ phá tung và tạo ra một lỗ hổng tức thời quanh điểm bị bắn. Lỗ hổng này có thể lớn gấp 30 lần độ lớn của đầu đạn, phá vỡ các mạch máu, dây thần kinh và làm vỡ xương. Những vết thương do đạn của súng tiểu liên M-16 gây nên thường nghiêm trọng hơn là những vết thương do mảnh lựu đạn cho dù thoạt nhìn, vết thương do mảnh lựu đạn tạo ra thường to hơn và có vẻ khủng khiếp hơn. Dĩ nhiên, với bất cứ vết thương nào, bạn cũng phải xử lý khả năng nhiễm trùng từ quần áo, da thịt, đất cát dơ bẩn và bất cứ thứ gì đi theo viên đạn thâm nhập vào vết thương. Vết thương do viên đạn xuyên qua còn có thể nhiễm trùng từ phân, nước tiểu, xương và các loại vi khuẩn nếu viên đạn làm thủng vùng ruột.

Ngoài ra, chúng tôi cũng phải xử lý nhiều thương tích do tai nạn. Chúng tôi thường gặp những ca trẻ em chạy xe đạp bị ngã, rồi bị các loại xe quân sự cán qua người. Có em tử vong, có em bị nghiền nát tay hoặc chân. Bất cứ trường hợp nào bị nghiền nát tay chân sẽ bị hội chứng sưng tấy lên trong vòng một giờ đồng hồ: chân tay phù lên khi máu từ các mao mạch tràn ra trong cơ thể. Rồi các bắp thịt nơi bị nghiền nát sẽ phóng thích đồng loạt một lượng lớn các hóa chất như sắc tố của tế bào, kali, creatinine và a-xít có thể làm trụy gan, hạ huyết áp đột ngột dẫn đến tử vong. Khi nạn nhân của những trường hợp này được đưa tới bệnh viện, chúng tôi phải xem xét ngay là vào lúc đó, có ca bệnh nào cần thiết phải theo dõi trực tiếp hay không, rồi quyết định việc trị liệu. Thông thường, những chân tay bị nghiền nát quá nặng, hoặc bị nhiễm trùng nặng không thể cứu vãn được thì sẽ phải cắt bỏ. Đôi khi, vì có quá nhiều nạn nhân, chúng tôi phải giải quyết thật nhanh và trong phòng mổ có cả thùng chất đầy chân tay bị cắt bỏ.

Nhưng chúng tôi luôn cố gắng cứu lấy chân tay người bị nạn bất cứ khi nào có thể bằng cách nhanh chóng cắt bỏ mô hoại tử, chữa ngay các thương tích mạch máu, làm giảm sự biến chất của các mô, áp dụng liệu pháp kháng sinh – tức sử dụng hết mọi phương cách nhằm ngăn chặn sự nhiễm trùng và xuất huyết để khỏi phải dùng đến biện pháp cuối cùng là cắt bỏ. Một lý do để cố tránh việc cưa bỏ tay chân là tâm lý của nạn nhân sau khi phẫu thuật. Nếu như nạn nhân thấy được rằng đó là biện pháp cuối cùng sau khi đã tìm mọi cách cứu chữa thì họ sẽ dễ chấp nhận hơn.

Tôi nhớ một lần, khi có toán bác sĩ Canada đến giúp trong vài ngày, chúng tôi cùng làm việc suốt nhiều giờ để cứu chữa cho cánh tay một em gái Việt Nam 12 tuổi bị một chiếc xe Jeep cán qua. Một cánh tay của em đã gần như rời ra, treo lủng lẳng với các dây thần kinh, động mạch giữa, các chùm động mạch và tĩnh mạch của cánh tay. Các bác sĩ đã làm việc hết sức tận tâm. Chúng tôi lo ngại về độ ẩm, về thời tiết oi bức, về tất cả các thứ như côn trùng, bụi bặm, chất bẩn kết hợp với chấn thương nặng như thế sẽ khiến cho em không sống nổi hoặc nhẹ nhất là mất luôn cánh tay.

Tuy vậy, chúng tôi đã làm việc trong 6 giờ liền để khâu lại các mạch máu, cắt bỏ các mẩu xương gãy và sắp xếp lại các bắp thịt. Một điều thật đáng nể phục là em gái này không những đã dũng cảm chịu đựng mà còn cố nở nụ cười trên môi. Sau cuộc phẫu thuật, chúng tôi bọc tay của em bằng bao sợi saran và ngâm khuỷu tay trái vào nước đá lạnh. Chúng tôi đã làm hết sức mình nhưng định mệnh đã không chiều theo cô bé khi chúng tôi xem xét lại vết thương vào ba ngày sau. Tôi đã ngây thơ hơn tay bác sĩ chỉnh hình là người đứng mổ chính của ca này. Vào ngày thứ ba, vị chuyên gia này nhìn cánh tay của cô bé rồi phán: “Chúng ta phải cắt bỏ và ném vào thùng rác thôi”. Đây là thời khắc thật đáng buồn, nhưng ở Việt Nam lúc ấy thật sự không có nhiều thời khắc vui vẻ.

“Chuyến đi thứ hai của tôi là đợt công tác ở Quảng Ngãi và phòng bệnh tôi phụ trách gồm những ca tệ hại nhất, những người bị thương trầm trọng nhất”, Bill Owen, một bác sĩ tình nguyện khác nhớ lại. “Đó là một cô gái xinh đẹp chừng 15 tuổi với một chân bị bắn rời và chân còn lại cũng ở trong tình trạng thật là tệ hại. Tôi nói cho cô gái biết là cô cần phải chịu đựng để cắt bỏ chân còn lại. Cô òa khóc nức nở. Sáng hôm sau, cô gái biến mất khỏi bệnh viện. Gia đình đã đưa cô về nhà vào đêm hôm đó và chẳng bao lâu sau, cô gái đã chết.”

Đôi khi, hoàn cảnh và điều kiện y tế ở Việt Nam giống như thời trung cổ. Có những bà mẹ bồng con mình vừa mới đạp phải bẫy mìn với bàn chân bấy nát. Trước khi mang con đến bệnh viện, họ thường tìm cách chữa trị theo lối dân gian của người Việt Nam. Cơ bản là họ ngâm chân tay bị thương của con vào một cái chum đựng đầy phân bò bẩn thỉu, có cả giòi nên rất dễ bị nhiễm trùng. Thông thường, cách “chữa trị” theo kiểu được ăn cả ngã về không như thế hoặc có thể giết chết nạn nhân hoặc có thể giúp nạn nhân hồi phục. Sau khi được đặt vào chum đựng phân, phần còn lại của chân hay tay bị thương sẽ ngừng chảy máu. Rồi phần bị thương tích đó sẽ chuyển qua màu đen, thoái hóa và rời ra, để lại phần chân, tay cụt. Sau quá trình như thế, một số nạn nhân giành lại được sự sống, số khác tử vong.

Ở Quảng Trị, tôi đã cố gắng tìm cách cứu chữa nhiều em bé bằng y học hiện đại. Mặc dù gia đình các em không chú ý nhiều đến sự khác biệt này, chúng tôi đã dùng thuốc kháng sinh và tiếp tục chăm sóc hậu phẫu. Kết quả là chúng tôi đã chữa trị và cứu sống được nhiều nạn nhân hơn.

Người Việt Nam cũng thường áp dụng các phương cách trị liệu truyền thống của người châu Á như giác lể và châm cứu trước khi tìm đến cách trị liệu khác. Tại Vĩnh Bình, bác sĩ Victor S. Falk nhớ lại: “Điều khá thường xuyên là trước khi gặp bác sĩ Mỹ, bệnh nhân đã qua chữa trị bằng đông y của người Hoa hoặc thuốc của người Campuchia, mà hầu hết là dùng các ống giác hơi, hút trên vùng cơ thể bị đau với những vết cắt lể trên da. Keo dán của người Campuchia thỉnh thoảng cũng được dán trên trán những ai bị chứng nhức đầu. Người ta hoàn toàn có thể nhận ra bệnh của ai đó qua việc quan sát dấu vết của các thầy lang tạo ra”.

Nhiều lần, khi có bệnh nhân nhập viện với tình trạng xương ngực bị vỡ, tôi đều nhanh chóng tiến hành phẫu thuật để chữa trị vết thương theo khả năng có thể được. Các y tá Hải quân thì xử lý những thương tích đơn giản, và tôi cũng cùng làm với họ những lúc không có ca nặng. Một số y tá Hải quân nói rằng tôi là một trong những bác sĩ phẫu thuật cừ nhất mà họ từng thấy, nhưng tôi lại nghĩ việc họ khen ngợi tôi như thế là do tôi được đào tạo thành một bác sĩ tâm lý mà lại làm việc như một bác sĩ giải phẫu. Tuy không được huấn luyện nhiều về phẫu thuật nhưng tôi lại có nhiều cơ hội học hỏi và rèn luyện nhanh chóng trong lĩnh vực này.

Một lần, sau khi mở vùng bụng của một bệnh nhân, tôi chuyển nhẹ con dao mổ từ tay phải sang tay trái. Không may, lưỡi dao đâm vào cổ tay. Tôi lặng lẽ lấy con dao ra và đặt lên bàn. May mắn là chỉ còn một chút nữa thì lưỡi dao đã chạm vào các động mạch của bàn tay.

- Nào các bạn, hãy băng vết thương này lại giùm tôi. - Tôi nói một cách điềm tĩnh.

- Ối trời ơi! Bác sĩ! Ông đã đâm vào tay mình!

- Hãy băng giùm, - tôi nói, - và chúng ta hãy tiếp tục ca mổ.

Sau khi chúng tôi hoàn tất công việc và nghỉ ngơi vào cuối ngày, các y tá Hải quân nói rằng họ muốn đề xuất cho tôi nhận Chiến thương Bội tinh, một huy chương dành để tưởng thưởng cho quân nhân nào bị thương ở chiến trường. “Thôi, quên nó đi. Tôi là thường dân”, tôi nói, và tất cả chúng tôi cùng cười.

Các cuộc giao tranh ở Việt Nam thường diễn ra vào khoảng 4 giờ chiều, nên những thường dân bị thương mà không chết sẽ bị để nằm qua đêm trên hào, mương hay trên ruộng lúa ngập nước đến nửa thân cây lúa. Họ sẽ được tải thương vào lúc bình minh, khi chiến sự tạm ngưng.

Chúng tôi phải chữa trị nhiều người bị thương vì đạn của các loại súng cá nhân, vì mảnh đạn pháo và vì bẫy mìn, trong đó nhiều nhất là thương vong do mảnh bom đạn. Trong một số trường hợp khá hiếm hoi, chúng tôi cũng chữa trị những người bị thương, bị cháy bỏng vì bom na-pan. Bom này đốt cháy hoàn toàn cả xương lẫn xác thịt và khi đã dính bom na-pan, rất khó để ngăn chặn sự phát cháy nên rất ít người sống sót để được chuyển đến bệnh viện.

Khi bệnh nhân nhập viện, chúng tôi không thể biết được ai là người theo Việt Cộng, ai đồng tình với Mỹ hoặc những ai là người trung lập, đứng giữa và chỉ muốn sống sót. Chúng tôi chữa trị không phân biệt những ai đến đây, nhưng rất nhiều người bị thương quá nặng và đã không thể vượt qua cơn nguy kịch. Những y tá Hải quân có nhiệm vụ chuyển đi những thi thể bệnh nhân chết trong đêm, nhưng cũng có những thi thể được thân nhân của họ mang đi. Ngay khi chúng tôi hoàn tất khám chữa vết thương cho một người, viên y tá Hải quân trẻ tuổi nhất liền nhắc nhở việc đưa bệnh nhân kế tiếp vào. Chứng kiến sự chết chóc mỗi ngày, thỉnh thoảng họ cũng có chút hài hước về điều đáng sợ này:

- Xong rồi, hãy đem người chết kế tiếp vào!

Khi chúng tôi có quá nhiều bệnh nhân vào cùng một thời điểm thì các y tá Hải quân thực hiện giúp tôi một số ca mổ. Nếu như một bệnh nhân nhập viện với một cánh tay bị thương thật nặng và tôi đang bận rộn ở một nơi nào đó thì các y tá thường tiến hành cưa bỏ. Nếu cần thiết phải loại bỏ nhãn cầu bị hỏng của một bệnh nhân, tôi thường áp dụng thủ thuật khoét nhân và sau đó là phần việc của các y tá Hải quân. Trong trường hợp tôi quá bận, các y tá phải tiến hành thủ thuật này.

Việc phải mổ nhiều vết thương phức tạp cùng lúc ít khi xảy ra. Chẳng hạn khi một y tá Hải quân tiến hành việc cưa chân cho một người bị thương, tôi có thể đang xem xét vùng bụng cho một người khác trong lúc một y tá Hải quân nữa chăm sóc vết thương ở mông hay chuẩn bị sẵn sàng cho thủ thuật khoét nhân mắt.

Rất khó ước tính số lượng bệnh nhân nhập viện, các loại thương tích, bệnh tật của họ cũng như khối lượng công việc chúng tôi phải làm. Chỉ có thể nói rằng, số người bệnh hầu như luôn quá tải. Có lần, trong 4 ngày liền, mỗi ngày tôi tiến hành 5 ca mổ bụng quan trọng. Ở Mỹ, một ca mổ quan trọng như thế thường gây mệt mỏi cực độ cho bác sĩ đứng mổ, và hầu hết các bác sĩ phẫu thuật chỉ tiến hành không quá 2 ca mổ mỗi ngày, hoặc nhiều lắm là 3 ca trong trường hợp quá khẩn cấp. Chúng tôi đã thực hiện một loạt các ca phẫu thuật như thế trong nhiều ngày liên tiếp, trong điều kiện tệ hại về vệ sinh, an ninh, muỗi mòng, bụi bặm. Lại thêm việc các y tá thỉnh thoảng vắng mặt trong một bệnh viện không được trang bị những thứ cần thiết cho các ca mổ phức tạp cũng như việc chăm sóc hậu phẫu không chu đáo.

Tôi vẫn nhớ đến một vài người trong số các bệnh nhân của mình. Có một ngày, chiếc xe Jeep dừng gấp trước bệnh viện.

- Bác sĩ! Bác sĩ! Giúp chúng tôi với! - Một trong hai người lính Thủy quân lục chiến từ trong xe Jeep la to lên.

Tôi quan sát hai quân nhân Thủy quân lục chiến trẻ đang khiêng một người đàn ông khá lớn tuổi vào bệnh viện với sự trợ giúp của các y tá Hải quân. Nạn nhân mặc bộ đồ pyjama viền đen. Nhìn bề ngoài, người đàn ông này rõ ràng là người thuộc mạng lưới truyền tin địa phương, có nhiệm vụ đưa tin từ làng xã này qua làng xã nọ, không giống như kiểu đưa tin bằng ngựa cổ xưa ở Mỹ. Ông ta chạy bộ khoảng 10 km mỗi ngày để mang tin tức từ thủ phủ Quảng Trị về xã Quảng Điền của ông. Một trong những người lính Thủy quân lục chiến đã bắn trúng bụng ông khi ông đang chạy đi giao tin tức.

Những người lính Thủy quân lục chiến không nghĩ ông là Việt Cộng mà họ chỉ nhắm bắn vào ông vì theo lệnh, họ được quyền bắn vào bất cứ người Việt Nam nào đang chạy. Điều này vi phạm trắng trợn những quy tắc hành xử của quân đội, nhưng ở Việt Nam, những quy định không phải luôn luôn được tuân thủ.

Khi tôi nhìn vào mắt của hai người lính Thủy quân lục chiến, những đôi mắt nói được nhiều hơn bất kỳ bài viết nào về tâm lý mà tôi từng đọc về sự tàn nhẫn của chiến tranh. Cho dù quai hàm của họ đã cứng lại, nhưng hai khuôn mặt trẻ ẩn chứa sự ăn năn và hối lỗi. Những người lính Thủy quân lục chiến được huấn luyện để bắn giết, nhưng khi họ thấy những gì họ làm đối với một thường dân, họ đã nhanh chóng chuyển nạn nhân ra khỏi vùng oanh kích tự do để đưa đến bệnh viện cứu chữa, không để nạn nhân chịu đau đớn nhiều hơn.

Trên bàn mổ, người đàn ông trông khoảng 60 tuổi. Ông nhỏ người nhưng rắn chắc, cao khoảng 1,6m và nặng gần 50 kg. Tôi chỉ lo viên đạn nhằm trúng một động mạch và sẽ không thể cứu mạng ông.

Tôi xem xét vết thương nơi đường đạn đi vào. Không có lỗ ra, có nghĩa là viên đạn còn nằm đâu đó trong cơ thể ông. Nhịp mạch 140 cho thấy không có mạch máu chính nào bị thương tổn. Ông lão quằn quại với những cơn đau nhưng cũng còn tỉnh táo và nhận biết được những gì chúng tôi đang làm khi chuẩn bị gây mê. Một trong những y tá Hải quân cho một ít chất gây mê Pentothal và ê-te vào mặt nạ.

Chúng tôi làm vệ sinh vết thương, cọ rửa cho ông với các dung dịch khử trùng khác nhau. Tôi nhanh chóng rạch một đường mổ từ ngực xuống xương mu. Ông lão chỉ có lớp mỡ bụng dày chừng 1,5 cm. Vết thương nằm gần giữa bụng, hơi lệch sang trái một chút. Viên đạn phá vỡ một trong những phần chính yếu của ruột kết. Và thật đáng kinh ngạc, tôi đã phát hiện viên đạn 45 ly nằm ở một trong các đốt xương sống của nạn nhân, giữa các mạch máu chính. Viên đạn nằm chính giữa động mạch chủ ở bụng và một trong hai tĩnh mạch chính, tức động mạch lớn và tĩnh mạch vận chuyển máu đi và đến các chân và vào cơ ngang của xương sống. Thật may mắn là viên đạn đã không trúng vào động mạch chủ. Tôi cố gắng ngăn không cho xuất huyết. Phân từ phần ruột kết bị vỡ tuôn ra ổ bụng, làm tôi phải liên tục súc, rửa trong khi mổ.

- Thuốc kháng sinh! - Tôi gọi lớn.

Tôi cắt bớt phần ruột bị hư rồi súc, rửa ổ bụng.

Tạm bỏ qua viên đạn, tôi tập trung vào việc giảm thiểu khả năng nhiễm trùng. Tôi biết là mình cần phải chữa vết thương rộng miệng ở phần cuối ruột kết bằng thủ thuật cắt bỏ ruột kết nhưng chưa dám làm. Có quá nhiều ruồi nhặng, quá nhiều nguy cơ nhiễm trùng, thời tiết quá nóng và lại có quá ít thuốc kháng sinh để chống nhiễm trùng từ một vết thương mở nữa. Tôi yêu cầu đem thêm kẹp, kim, chỉ khâu. Tôi cầm máu, tiếp tục cầm máu, đóng lại hết điểm chảy máu này đến điểm chảy máu khác bằng cách tận dụng tất cả những gì có thể.

Như đã từng phẫu thuật trên chó và mèo trong thời gian ở trường thú y, tôi thận trọng cắt bớt phần ruột bị hư, khoảng 10 cm ruột kết, rồi nối lại phần ruột còn tốt bằng chỉ khâu 3-0, loại chỉ tốt nhất trong tình huống này khi phải xử lý với mô ruột. Với phần ruột ấm nóng trên tay, tôi cố tìm xem còn chỗ nào bị rách, bị thương nữa hay không và may mắn là không còn chỗ nào khác. Tôi đóng vết thương và khử trùng một lần nữa.

Tôi không tìm thấy vết thương nào khác mặc dù viên đạn vẫn còn nằm trong trục xương sống, một vị trí nguy hiểm. Vết sưng xung quanh cột sống sẽ gia tăng nếu tôi không gắp viên đạn ra. Việc nhiễm độc chì thường ít xảy ra với những viên đạn còn nằm trong cơ thể nhưng những mảnh vỡ lại có thể di chuyển và gây đau đớn, trục trặc ở một nơi nào khác. Tôi không có nhiều thời gian để quyết định xem là nên hay không nên lấy viên đạn ra. Nếu tôi gắp viên đạn ra, nó có thể gây hại nhiều hơn và ông lão có thể bị xuất huyết nhiều hơn. Những ý nghĩ này cứ luẩn quẩn trong tâm trí khi tôi đang phẫu thuật.

Cuối cùng, tôi quyết định gắp viên đạn ra. Tôi cắt xung quanh viên đạn một cách thận trọng rồi kiểm tra chức năng hai chân của ông. Thử nghiệm phản xạ Babinski ở ngón chân cho kết quả tốt. Không có dấu hiệu bị liệt. Sau khi gắp viên đạn ra, tôi đặt nó vào chiếc lọ thủy tinh nhỏ bên cạnh. Có người muốn giữ những vật như thế để lưu niệm? Không chắc đâu – tôi tự nhủ – vì có quá nhiều viên đạn như thế quanh đây. Nhìn lại vết thương lần nữa, tôi nhận thấy là ông lão đã vô cùng may mắn. Viên đạn đã hết đà khi chạm đến cơ thể ông. Thượng đế đã che chở cho ông. Nếu như ông ở gần người bắn hơn chút nữa thì chắc chắn viên đạn đã phá vỡ xương sống của ông.

Ca mổ kết thúc tốt đẹp và tôi đã cứu được ông lão. Trông ông rất khỏe, một ông lão cừ khôi. Nhưng tôi cũng biết rằng phẫu thuật thành công chỉ chiếm 20% của cuộc chiến giành sự sống. Kế tiếp, ông lão cần phải nhận được sự chăm sóc cần thiết trong 10 ngày.

Tôi nhìn quanh phòng mổ của bệnh viện Quảng Trị và nghĩ về điều kỳ diệu mà Thượng đế dành cho ông lão. Viên đạn hết đà khi chạm đến cơ thể ông. Những người lính Thủy quân lục chiến đã bắn ông, rồi cũng chính những người lính đó nhanh chóng đưa ông đến bệnh viện. Họ biết là mình nhầm vì ông không phải là Việt Cộng. Hai người lính Thủy quân lục chiến đó có lòng trắc ẩn nên đã mang ông lão đến bệnh viện để ông có cơ hội được cứu sống.

Ngày hôm sau, tôi nói chuyện về ca mổ với thông dịch viên Nguyễn.

- Thế bác sĩ có biết là ông lão bao nhiêu tuổi không? - Nguyễn hỏi tôi.

- Có lẽ 60 hoặc 65 gì đó. - Tôi đoán, dựa vào những ấn tượng đầu tiên của mình. Tôi nhớ lại các mạch máu của ông trong khi mổ, động mạch lớn chảy mạnh xuống hai chân. Không hề có chất vôi do cholesterol tích đọng khiến cơ thể ông trông giống như một người khỏe mạnh ở độ tuổi 40 hoặc 50.

- Ông lão đã 94 tuổi rồi đấy! - Nguyễn nói. Cậu ta còn cho tôi biết ông lão là người chạy đưa tin từ Quảng Trị về xã nhà Quảng Điền, nghĩa là mỗi ngày ông chạy khoảng 10 km để đưa tin chiến sự.

- Không thể tin nổi! - Tôi thốt lên.

Ông lão đã được nhìn một thế giới nhiều đổi thay với 94 năm tuổi đời. Ông đã sống qua thời thuộc địa dưới ách thực dân Pháp, thời kỳ Nhật chiếm đóng Việt Nam trong Thế chiến thứ II, thời kỳ của chế độ Vichy (Pháp) với cuộc chiến chống thực dân Pháp và nay là sự kiện quân đội Mỹ tràn lan trên đất nước của mình.

Cách sống và chế độ ăn uống đã cho ông một thể chất phi thường. Trong một quốc gia thuộc thế giới thứ ba, chế độ ăn uống thường ưu việt hơn là ở các nước phát triển. Trái cây cùng rau tươi, các loại cá và gạo là những thành phần chính trong thực đơn của người Việt Nam. Thêm vào đó, ông lão là một hiền nhân được dân trong xã kính trọng, bởi ông không chỉ là người mang tin tức đến cho mọi người mà còn là người già cả, thông thái sống trong một đất nước vốn có truyền thống tôn trọng ý kiến cùng sự thông thái của những bô lão.

Tôi không biết ông sẽ sống thêm bao nhiêu năm nữa nhưng tôi nghĩ thời gian đó không chỉ là vài năm khi quan sát cách sống của ông. Ở ông toát lên sự say mê kỳ lạ đối với cuộc sống. Trong thời gian ở bệnh viện, ông tận tình dìu dắt, hướng dẫn những bệnh nhân khác, nhất là những đứa trẻ bị cụt tay chân và đang cố học cách làm quen với chân tay giả. Ông sống theo cách sống của người Việt Nam – không nghĩ nhiều về mình mà cố giúp làm giảm cơn đau cũng như nỗi lo sợ của những đứa trẻ bất hạnh. Bù lại, những đứa trẻ kính yêu, quý mến ông. Ông đã cho chúng niềm tin và hy vọng.

Ở những nơi khác của Việt Nam, các bác sĩ tình nguyện cũng làm việc cật lực trong những hoàn cảnh khó khăn tương tự.

“Đã từng là bác sĩ phẫu thuật trong Thế chiến thứ II, tôi nghĩ là mình đã trải nghiệm mọi thứ, nhưng chỉ trong một tháng ở Việt Nam, tôi đã phải xử lý số thương vong còn nhiều hơn cả thời gian tôi phục vụ trong Thế chiến thứ II”, bác sĩ Victor S. Falk kể lại. Ông được phân bổ đi vùng đồng bằng sông Cửu Long, phục vụ tại bệnh viện tỉnh Vĩnh Bình, một bệnh viện đã được người Pháp xây dựng trước đó 70 năm. “Các thương tích gây nên do đạn, lựu đạn, mìn và bom trong các cuộc không kích. Phổ biến nhất là việc phải cưa bỏ chân tay nếu bị thương nặng, bị vỡ hay giập xương. Các cuộc phẫu thuật được hạn chế tối đa do rất dễ bị nhiễm trùng. Một trong những tình huống thống thiết nhất là trường hợp một bé gái 10 tuổi bị cắt cả tứ chi, còn vai thì bị bắn vỡ.”

“Người bị thương đến bệnh viện theo từng đợt, tương ứng với các cuộc tấn công của hai bên”, bác sĩ Frank Van Orden hồi tưởng. Ông được phân bổ đi Mộc Hóa – cách biên giới Campuchia khoảng 6 km – trong dịp Tết Mậu Thân. “Một người đàn ông 85 tuổi bị bắn trúng giữa xương ống chân, đã lội bộ hơn 20 km đến chỗ chúng tôi để xin chữa trị. Ông đã chịu đựng đau đớn với thái độ chững chạc. Chúng tôi đã làm “phẫu thuật thịt bò viên” cho ông trong cảnh một y tá lật từng trang giáo trình phẫu thuật khi chúng tôi đang mổ. Chúng tôi phẫu thuật vùng bụng, còn với những chấn thương ở đầu và ngực thì chuyển bệnh nhân về Cần Thơ. Ngoại trừ những người làm trong ngành y, thái độ của nhân viên quân sự Mỹ đối với người Việt Nam là cực kỳ xấu.”

J. Clyde Ralph, một bác sĩ tình nguyện khác, nhớ lại: “Không hiếm trường hợp các bà mẹ đến bệnh viện với đứa con thơ đã chết còn ấm nóng trên tay. Có lần, tôi đã dùng ống nghe đặt trên ngực một em bé khi tim nó đã ngừng đập. Chúng tôi dùng hết mọi phương cách để cứu chữa, kể cả việc sử dụng số oxygen quý giá của mình. Có vẻ như chúng tôi đã thành công, nhưng chỉ ba giờ sau thì đứa bé chết. Thật sự là một nỗi đau lớn khi bạn đã đặt hết niềm tin vào đó. Nhưng bạn phải nhớ rằng đây không phải là nước Mỹ. Bạn phải biết điều đó”.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx