sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 8: Con Người Việt Nam

Vẻ đẹp và sự yên bình của Việt Nam nổi bật lên trong những thời khắc ngắn ngủi giữa các trận giao tranh. Rất nhiều, nếu như không muốn nói là hầu hết quân nhân Mỹ đều xem Việt Nam như một hỏa ngục.

Nhưng khi Quảng Trị không phải là quang cảnh của một bãi chiến trường, tôi lại nhanh chóng bị hút hồn bởi vẻ đẹp không lẫn vào đâu của vùng đất này. Chẳng hạn như những khu nhà trong thị tứ hoặc vùng phụ cận. Đó là những khu nhà trông có vẻ ọp ẹp, xiêu vẹo như các lán trại, nhưng bên trong là những mái nhà ấm cúng, sạch sẽ với các chủ nhân rất hiếu khách.

Cảnh quan của Quảng Trị đẹp dịu dàng với những con sông, con suối cắt ngang đồi núi bạt ngàn và những cánh đồng chạy dọc theo bờ biển. Buổi sáng, ta có thể nghe tiếng chim hót trong các bụi cây đang hiện dần trên đồng lúa. Bên ngoài khu thị tứ, những người nông dân Việt Nam trồng lúa trên đồng ruộng, một công việc mà tổ tiên họ đã làm từ hàng nghìn năm nay với niềm yêu thích việc đồng áng. Nhà nông Việt Nam làm việc 12 giờ một ngày trong suốt vụ mùa. Họ giữ được mực nước hợp lý trên đồng bằng cách sử dụng một hệ thống và cách thức tưới tiêu thô sơ, sử dụng sức người nhưng rất hiệu quả.

Khi phát âm, tiếng Việt nghe trầm bổng như hát. Tùy thuộc vào người nói và ngữ cảnh, những âm thanh đó có thể chuyển từ êm dịu dễ nghe sang chênh chênh buồn nản, đau đớn hoặc hoảng sợ.

Người Việt Nam không chỉ đẹp về thể chất mà còn thể hiện nét đẹp qua tinh thần hợp tác, chia sẻ và giúp đỡ lẫn nhau ở một phạm vi mà tôi không bao giờ thấy ở Hoa Kỳ. Tôi vẫn nhớ hình ảnh các em nhỏ phụ giúp cha mẹ trong những công việc thường nhật ở nhà. Tại Việt Nam, trẻ em 10 tuổi hoặc nhỏ hơn là đã có thể gánh vác việc nhà và nhận lấy trách nhiệm như một thiếu niên đến độ tuổi trưởng thành ở Mỹ. Những đứa trẻ – với vẻ già dặn hơn tuổi thật của mình – luôn hăng say làm việc, không hề tỏ ra miễn cưỡng. Chúng chăm sóc lẫn nhau. Những bé gái 5 hay 6 tuổi đã có thể cõng đứa em 8 tháng tuổi trên lưng của mình. Công việc “giữ em” như thế thường là tự nguyện chứ không bắt buộc và những em bé được anh hoặc chị “nhí” của mình chăm sóc rất tốt, hơn cả mức độ của một người giữ trẻ được đào tạo bài bản ở Hoa Kỳ.

Xã hội Việt Nam không dựa vào chủ nghĩa cá nhân, mà dựa vào đạo lý chứa đựng sự hợp tác. Đó là việc thực hiện những hành vi tốt đẹp cũng như sự quan tâm và chân thành chăm sóc người khác - thể hiện rõ nhất ở các gia đình nền nếp. Điều gây ấn tượng lớn với tôi là hầu như không có tính ích kỷ, nhỏ nhen trong các gia đình người Việt Nam, cho dù cuộc sống của họ đang bị chiến tranh đe dọa. Tôi tin chắc rằng, rất ít quốc gia trên trái đất này còn có được những đứa trẻ có tinh thần và tâm lý lành mạnh như trẻ em Việt Nam, đặc biệt là trong hoàn cảnh chiến tranh như thế.

Cùng lúc với việc chứng kiến những vết thương kinh hoàng mà chiến tranh gây ra cho người dân Việt Nam, tôi đã hiểu biết thêm nhiều điều về họ. Và cũng giống như nhiều bác sĩ tình nguyện khác, tôi cảm phục và yêu mến tình cảm ấm áp, giản dị và chân thành của họ.

“Cho dù có những vấn đề về vệ sinh, tôi yêu những con người này”, bác sĩ Clyde Ralph ở Nha Trang viết. “Dường như họ rất dễ hòa nhập với cuộc sống, tỏ ra vô tư với hoàn cảnh sống mà bề ngoài, hoàn cảnh đó có vẻ chỉ đưa lại cho họ chút ít niềm vui. Trẻ con thì chạy loanh quanh, chỉ mặc độc chiếc áo mà không có quần, hồn nhiên ngồi chồm hỗm bất cứ nơi nào và bất cứ khi nào chúng muốn. Gương mặt chúng sáng sủa, còn miệng thì luôn cười rạng rỡ. Đôi mắt tinh anh của chúng ánh lên niềm vui của sự nhận thức về những điều tốt lành trong cuộc sống. Tuổi trưởng thành dường như đã biến đổi rất nhanh điều đó. Chúng trở nên dè dặt và ngờ vực nhiều hơn, ít còn tin tưởng vào những điều tốt lành của cuộc sống; nhưng có phải đó là điều tất yếu ở con người?

Bác sĩ Ralph nhớ lại cảnh vật vào cuối một ngày làm việc, khi ông rời bệnh viện Nha Trang về nhà. Ông thấy một nông dân đang cày trên đồng với chiếc cày bằng gỗ do bò kéo. Gần đó, hai chú bé đang tát nước vào ruộng với một dụng cụ thô sơ: gàu dai(1). “Thật khó diễn tả được cảm xúc của tôi lúc đó, ngoại trừ sự thán phục và ngạc nhiên”, Ralph nói. “Thán phục những nụ cười tươi sáng, hạnh phúc của trẻ em Việt Nam. Thán phục vẻ đẹp đứng đắn, đoan trang của phụ nữ Việt Nam. Ngạc nhiên ở sự vô nghĩa của cuộc chiến đang bao phủ và gây tang thương cho cuộc sống của họ. Ngạc nhiên ở sự vô nhân đạo giữa con người với con người và sự bất công, nghiêng hẳn về một bên trong phân phối của cải và sự dư thừa của đời sống. Nhưng đó có phải thật sự là vấn đề hay không, khi những con người này đang tận hưởng một cuộc sống hạnh phúc? Và tôi đã tự hỏi là liệu chúng ta có thể cải thiện gì để hướng tới một cuộc sống tốt hơn.”

“Tôi luôn lấy làm lạ về khả năng của người Việt Nam trong việc giữ quần áo tươm tất, sạch sẽ, với nét thanh nhã và quyến rũ kỳ lạ”, John McBratney, một bác sĩ tình nguyện ở Quy Nhơn và Phan Rang nói. “Những người trẻ tuổi xuất hiện mỗi ngày từ những nơi có thể nói là có điều kiện thô sơ nhất - như nền nhà bẩn thỉu chẳng hạn - nhưng lại với nụ cười rất tươi và áo quần thật bảnh bao.”

Tại Quảng Trị, khi thỉnh thoảng thả bộ qua vài khu nhà trên đường đến bệnh viện vào buổi sáng, tôi cũng cảm nhận được nhiều điều lý thú. Trước hết, trên đường đi thế nào cũng có vài đứa bé nhảy lò cò theo chân tôi. Tôi cảm thấy mình có đôi chút giống như Pied Piper(1) của Quảng Trị khi mấy đứa trẻ này vừa chạy theo tôi vừa la hét: “Bác sĩ Number One! Bác sĩ Number One!”.

Sau một vài lần, tôi chợt nhận ra có thể đây là một cách cảnh báo với lực lượng Việt Cộng rằng tôi chẳng phải là mối đe dọa của họ, không phải là mục tiêu của họ. Dĩ nhiên tôi là người Mỹ, nhưng tôi không phải là lính chiến mà là một bác sĩ y khoa nên có thể tôi đã nhận được một số phương cách bảo vệ để không trở thành mục tiêu trực tiếp của các lực lượng thù địch. Tiếng Việt gọi những người hành nghề như tôi là bác sĩ mà theo thông dịch viên Nguyễn, từ này không chỉ có nghĩa là người làm nghề khám chữa bệnh, mà còn hàm nghĩa kính trọng, dành cho người được tôn trọng, được tin tưởng và được vinh danh. Cũng với ý nghĩa tôn trọng, người Việt Nam gọi lãnh tụ Cách mạng Hồ Chí Minh là Bác Hồ.

Được xem là những chuyên gia, các bác sĩ có một vị trí đặc biệt trong nền văn hóa và lịch sử của Việt Nam. Vào thế kỷ 19, Hải Thượng Lãn Ông – một học giả danh tiếng của Việt Nam - đã từ quan trở về quê nhà, dành hết cuộc đời của mình cho việc nghiên cứu y học chữa bệnh. Ông là một thầy thuốc tài ba đã đặt nền tảng cho nhiều nguyên tắc quan trọng của vệ sinh và phòng ngừa bệnh trong các công trình đồ sộ của mình. “Y học là nghệ thuật của con người, có nhiệm vụ duy trì sự sống, giúp chống lại nỗi đau, chăm sóc bệnh tật của con người mà không quan tâm đến tiền bạc hoặc sự đền ơn”, Hải Thượng Lãn Ông đã viết như thế. Ông quan niệm “Những người giàu có không thiếu thầy thuốc chăm sóc, nhưng người nghèo khó thì không thể, nên chúng ta cần phải đặc biệt chú ý đến họ. Y học là một nghệ thuật cao quý. Chúng ta phải phấn đấu để giữ vững nền tảng đạo đức thanh khiết đó”.

Mặc dù hầu hết người Mỹ không mấy chú tâm, nhưng nền văn hóa Việt Nam với các tác phẩm chạm khắc, tạo hình của khu vực Đông Dương trước đây thật là quyến rũ. Đa số người Việt Nam theo đạo Phật, một số theo đạo Thiên Chúa, dù những tôn giáo khác như Khổng giáo, Lão giáo hay tập tục thờ cúng tổ tiên, ông bà cũng ảnh hưởng đến nền văn hóa. Ở Việt Nam, người già có vị trí tôn kính trong xã hội. Đức tin về việc đầu thai sau khi chết đã tạo được mối ràng buộc gia đình rất bền chặt, không chỉ với những người hiện hữu mà còn cả đối với những thành viên gia đình đã khuất. Đức tin này cũng khiến cho con người tiếp tục yêu thương và chú ý chăm sóc đến phần mộ của những người thân đã mất. Ý tưởng về sự đầu thai làm cho quan niệm của người Việt Nam về cuộc đời không là một khái niệm về đường thẳng – với một khởi đầu và kết thúc giống như cách nhìn của người phương Tây – mà là một sự tuần hoàn theo chu kỳ, có luật nhân quả chi phối. Và người Việt Nam có một thái độ tôn trọng – mà theo quan điểm của người phương Tây có thể là buồn cười – đối với cuộc sống của mọi sinh vật. Thế giới quan này cho phép họ, hoặc phớt lờ đi, bỏ qua một con gián mà bất cứ người Mỹ nào trông thấy cũng cố công trừ khử, hoặc thậm chí còn nhẹ nhàng nhặt lên và đưa con vật đi chỗ khác. Đối với người theo đạo Phật thì việc phóng sinh, việc thả những con vật trở về đời sống hoang dã hay bảo vệ chúng, sẽ tích đức cho họ trong kiếp sau. Vì thế, nhiều động vật, nhiều chim lạ thỉnh thoảng được thả khỏi lồng trong những dịp lễ hoặc những sự kiện trọng đại. Trong khi người phương Tây hăm hở săn tìm hạnh phúc hão huyền thì người Việt Nam cảm nhận rằng họ đã được sinh ra với niềm hạnh phúc, và việc quan trọng nhất trong cuộc đời là bảo vệ niềm hạnh phúc đó, không để nó mất đi. Trong các mối quan hệ, người Việt Nam không phô bày hết những cảm nghĩ thực sự của mình, mà thường cố chứng tỏ rằng cuộc đời là một trải nghiệm hạnh phúc. Việc Phật tử tâm niệm rằng dục vọng là nguyên nhân chủ yếu gây ra đau khổ đã khiến họ an phận với kiếp nghèo để hưởng thụ cuộc sống thanh nhàn, khác với những gì ở Mỹ.

Cuộc sống ở Việt Nam cực kỳ đơn giản nếu như so sánh với cuộc sống ở Mỹ cùng thời điểm đó. Bác sĩ tình nguyện B. L. Tom phục vụ ở Đà Lạt, một khu nghỉ mát xinh đẹp ở miền núi, cách Sài Gòn mấy trăm kilômet về phía Bắc. Vào mùa mưa, mặc dù bệnh nhân xếp hàng thành cả đoàn và những cơn mưa tầm tã mỗi ngày, ông nhớ là mình vẫn có những giây phút giải trí vào ban đêm, gợi nhớ đến những gì từng diễn ra ở Hợp chủng quốc Hoa Kỳ cả trăm năm về trước: “Không hề có tivi, radio, cũng chẳng có máy hát, nhưng chúng tôi vui đùa thỏa thích ở nhà dưới. Phòng ăn này có một lò sưởi lớn làm cho căn phòng trông giống như một căn lều ở vùng trượt tuyết. Tất cả chúng tôi tụ tập vào chiều tối để ca hát và nghe vài bạn bè người Thượng chơi đàn ghi-ta. Nhiều buôn làng người Thượng chuyển sang theo đạo Cơ Đốc và những người truyền giáo – vốn đã thâm nhập vào khu vực này một thời gian dài – đã cùng nhập bọn với chúng tôi hát những bài thánh ca. Dù hầu hết người Việt Nam theo đạo Phật, nhưng họ cũng rất thích thưởng thức âm nhạc”.

“Tôi nhớ đến những trại mồ côi đông đúc và sự chịu đựng đau đớn cùng cực của con người”, Richard F. Harper, một bác sĩ tình nguyện được phân bổ phục vụ tại Mộc Hóa nhớ lại. Mộc Hóa là một thị trấn nhỏ trong vùng Đồng Tháp Mười, nằm cách Sài Gòn gần 100 km về phía Tây. “Tôi cũng nhận ra nghị lực của con người Việt Nam. Họ quyết sống còn và cố giữ cho được phẩm giá của mình.”

“Khi tất cả mọi việc đã được tuyên bố và thực hiện xong, điều gây ấn tượng nhất đối với tôi trong ba tháng làm việc ở đây chính là những con người Việt Nam”, bác sĩ Tom H. Mitchell, người tình nguyện phục vụ ở Bạc Liêu nói. “Sự chấp nhận và chịu đựng của họ đối với nghịch cảnh cũng đáng kinh ngạc như sự tự nguyện và tính kiên trì của họ. Họ có một khả năng hồi phục mà bạn hiếm khi thấy ở Hoa Kỳ. Khi trở lại quê nhà, tôi đã có khoảng thời gian khá khó khăn để chấp nhận một số điều khó hiểu phải đối diện khi hành nghề y.”

Cậu thông dịch viên Nguyễn trẻ tuổi thông minh đã hướng dẫn cho tôi khá nhiều về lịch sử và chính trị trong vùng, kể cả những kiến thức tổng quát về văn hóa Việt Nam. Mặc dù tôi không quan tâm đến việc tìm kiếm một người bạn gái hay một người vợ, Nguyễn đã vài lần cố lôi kéo tôi, cố giới thiệu cho tôi một cô gái.

Nguyễn và gia đình cậu đã gắn số phận của mình với chính quyền Nam Việt Nam và Hoa Kỳ. Họ có thể sẽ bị giết chết nếu như các lực lượng Việt Cộng tiến chiếm Quảng Trị. Cha của Nguyễn là Tỉnh trưởng, một chức vụ cao cấp đầy quyền lực trong chính quyền Nam Việt Nam, chức vụ có thẩm quyền phân phối thực phẩm và hàng tiếp liệu do Cơ quan Viện trợ Mỹ cung cấp. Sau này, một vài người có nói với tôi rằng, có lẽ cha của Nguyễn đã mua chức vụ tỉnh trưởng với giá 50.000 đô-la Mỹ, và hầu hết những ai đã đầu tư theo kiểu mua quan bán chức như thế thì đều lấy lại khoản tiền mà họ đã bỏ ra chỉ trong vòng bốn tháng. Trong thời gian ở Quảng Trị, do Nguyễn quá tử tế và giúp đỡ tôi nhiều việc nên tôi thật ngây thơ khi nghĩ rằng cha cậu ta phải là người thông minh, thân ái và là người không bao giờ lừa dối dân chúng hoặc ăn chặn, ăn bớt của những kẻ nghèo khó.

Một hôm nọ, tôi nhận được lời mời đến ăn cơm tối tại tư dinh của cha Nguyễn. Tôi nghĩ, được quan đầu tỉnh mời như thế là một vinh dự lớn nên vui vẻ nhận lời. Do cha của Nguyễn không biết tiếng Anh còn tôi thì chỉ biết lõm bõm một vài tiếng Việt nên Nguyễn lại phải làm thông ngôn trong bữa ăn xa xỉ có đến 10 món ăn.

Khi viên tỉnh trưởng biết là tôi chưa có vợ, ông ta biểu lộ sự quan tâm.

- Chúng tôi có nhiều cô gái đẹp và đáng yêu đang cần một tấm chồng. - Ông nói bằng tiếng Việt và Nguyễn dịch lại cho tôi.

- Chúng tôi sẽ kiếm cho ông một cô vợ xinh đẹp.

Tôi lịch sự cám ơn và tiếp tục ăn. Mặc dù tôi yêu phụ nữ, nhưng tôi cũng đã quyết định là không đụng chạm đến bất cứ cô gái Việt Nam nào vì tôi nghĩ, làm như vậy chẳng khác gì một hình thức bóc lột.

Cha của Nguyễn đẩy qua cho tôi một đĩa mà ông nói là đặc biệt thơm ngon. Trên đĩa là những lát thịt thái mỏng, có màu hơi đen đen được gói trong những lá xanh có mùi thơm bạc hà. Ông nài nỉ tôi ăn thử. Đĩa thịt trông ngon lành và tôi đã ăn hết cả đĩa rồi quay qua hỏi Nguyễn tên món ăn này.

Nguyễn nói cho tôi tên tiếng Việt của món ăn.

- Cậu nói gì? - Tôi hỏi lại.

- Thịt chuột. - Nguyễn giải thích bằng tiếng Anh.

Tôi đã từng biết thịt chuột là món ăn phổ biến ở nhiều nước Đông Nam Á, nhưng tôi không nghĩ là chính mình sẽ nếm thử. Tôi phải thừa nhận là mùi vị thơm ngon của thịt chuột làm tôi ngạc nhiên, nhưng khi nghĩ về bệnh giun xoắn có thể nhiễm vào những loại thịt như thế, tôi đã lịch sự từ chối đĩa thứ hai.

Mặc dù không thường gặp viên tỉnh trưởng này, thỉnh thoảng tôi vẫn cảm nhận được sự lưu tâm của ông đối với cuộc sống của mình.

Một vài ngày sau bữa ăn tối tại tư dinh tỉnh trưởng, Nguyễn kéo tôi ra cửa sổ bệnh viện và chỉ cho tôi nhìn ra bên ngoài. Tôi thật ngạc nhiên khi thấy khoảng 100 cô gái trẻ đẹp đang đứng xếp hàng một cách từ tốn. Tôi chưa từng thấy cảnh tượng như thế bao giờ. Các cô gái thanh xuân trong độ tuổi trên dưới hai mươi. Tất cả đều mặc những chiếc áo dài truyền thống của người Việt Nam bằng lụa trắng khiến họ trông giống như những thiên sứ đến thăm chúng tôi.

- Những cô gái này đến đây để làm gì? - Tôi hỏi Nguyễn.

- Để xin châm cứu. - Nguyễn đáp.

- Nhưng mà Nguyễn này! Tôi đâu có biết châm cứu!

- Không, không. - Nguyễn giải thích. - Họ đã được châm cứu rồi, nhưng vẫn còn kim châm cứu trên thân thể.

- Tôi phải làm gì với những cây kim đó?

- Họ biết ông từng lấy những viên đạn ra khỏi cơ thể nên bây giờ, họ muốn ông lấy những cây kim kia ra. - Nguyễn nói. - Ngoài ra, ông có thể chọn bất cứ cô nào ông thích để làm bạn gái.

- Bác sĩ không được quyền hẹn hò với bệnh nhân của mình. - Tôi nói và giải thích cho Nguyễn biết về lời thề Hippocrates.

- Không thành vấn đề. - Nguyễn nói. - Ông không cần phải hẹn hò với cô nàng. Ông có thể cưới bất cứ cô nào mà ông thích.

Nguyễn tỏ ra vui vẻ khi ra hiệu cho cô gái đầu tiên đi vào phòng khám. Sau khi cô gái cởi áo dài ra, tôi thấy có ba gốc kim châm cứu nhỏ – như thể kim bị gãy – dưới da cô gái. Châm cứu là một cách trị liệu chính của Đông y và tất cả những cô gái đang chờ tôi khám bệnh đều đã được chữa trị bằng phương pháp này cho mọi chứng bệnh, từ ho, đến cảm lạnh, nhiễm trùng đường tiểu và ngay cả bệnh sốt rét nữa. Những cây kim châm cứu dài, nhỏ, thường được dùng đi dùng lại, có khi bị gãy trong khi châm cứu và các vị Đông y sĩ cứ để mặc như thế. Các cô gái không được chữa trị gì thêm cho đến khi các gốc kim lồi lên khỏi da. Một ai đó – có lẽ là viên tỉnh trưởng, cha của Nguyễn – đã tập trung họ lại để cho tôi giải quyết, giúp họ tránh những vết sẹo do gốc kim gây ra. Lúc đó, dường như tôi không để ý là tại sao không có lấy một người đàn ông nào trong số những người đến nhờ tôi lấy gốc kim châm cứu ra.

Tôi đã cố hết sức để giúp họ. Với cô gái đầu tiên, sau khi khử trùng vùng da, tôi rạch bằng một cây dao nhỏ, nhưng khi tôi cố gắp cây kim ra - tương tự như khi gắp viên đạn hay mảnh bom - thì gốc kim chẳng hề suy suyển. Các gốc chân kim này đã hoàn toàn kết dính với những mô sợi. Với chỉ hai cô gái đầu tiên thôi, tôi đã mất ba hoặc bốn tiếng đồng hồ, trong lúc những cô gái khác vẫn kiên nhẫn xếp hàng chờ đợi trong chiếc áo dài bằng lụa trắng. Sau một lúc làm việc, tôi thấy thật khó để lấy những gốc chân kim này, và vết sẹo chắc chắn là vẫn còn sau khi đã lấy kim ra.

Cuối cùng, tôi bảo Nguyễn là hãy nói với các cô gái đang chờ rằng tôi muốn giúp họ nhưng việc gắp những gốc chân kim cũng không tránh khỏi việc để lại vết sẹo, thậm chí còn sâu hơn là vết sẹo đã có sẵn. Tôi cho Nguyễn biết là không thể khám cho các cô ngay bây giờ vì còn nhiều bệnh nhân già yếu và trẻ con đang chờ. Bằng một lệnh ngắn gọn, Nguyễn giải tán ngay các cô gái rồi trở lại làm việc với tôi.

- Sao ông không là một người hạnh phúc ở Việt Nam? - Nguyễn hỏi tôi khi trở lại. - Ông đã khá lớn tuổi và có thể lập gia đình ở đây. Ông cần phải là một người hạnh phúc từng ngày. Tôi muốn kiếm cho ông một người vợ tốt.

Tôi mỉm cười và nháy mắt với Nguyễn. Tôi biết ý định tốt của cậu ta.

Nguyễn luôn luôn để ý đến những mối quan tâm của gia đình, bạn bè và những ai có nhu cầu. Cậu ấy cho rằng tôi thật sự cần có một tình bạn khác phái cho dù tôi không nghĩ như vậy. Và mặc dù không nhận thức được ngay thời điểm đó, nhưng sự hấp dẫn của cuộc sống đời thường giản dị mà cậu ấy đang hưởng thụ hằng ngày, cũng như chính cuộc sống mà tôi đang trải nghiệm, đã cuốn hút và làm thay đổi quan điểm của tôi theo nhiều cách khác nhau.

Với nền văn hiến mấy nghìn năm, người Việt Nam có rất nhiều ngày lễ lớn để tổ chức kỷ niệm. Thông thường, những bữa tiệc tối là cơ hội cho hội hè đình đám. Những ngày lễ hội như thế giúp cho người Việt Nam giảm bớt căng thẳng từ cuộc chiến bằng thời gian thư giãn và vui chơi. Một đôi lần, tôi may mắn được mời tham dự vào những lễ hội này. Tôi còn nhớ mãi những âm thanh trang nhã, mượt mà của âm nhạc châu Á trong lúc những đứa trẻ sung sướng cùng gia đình san sẻ thức ăn với nhau.

Vào một trong những dịp lễ hội như thế, tôi được mời thưởng thức một món ăn đặc biệt mà mọi người trong bàn đều muốn tôi nếm thử. Món ăn đầu bữa này thoạt nhìn giống như món bánh kem sô-cô-la. Mọi người đều nói món này ngon tuyệt. Nhìn quanh, tôi thấy những người ngồi chung bàn đều múc vào đĩa thức ăn một cách nhiệt tình.

Khi ăn thử một miếng, tôi kinh hãi với vị đắng gắt nên liền phun ra khỏi miệng một cách bất lịch sự. Vài người giải thích cho tôi biết món ăn ngon đó của địa phương chính là món tiết canh, làm bằng hỗn hợp của huyết với lòng.

Và khi tôi nói rằng mùi vị đó không hợp với mình, với khẩu vị người Mỹ của tôi, mấy đứa trẻ phục vụ muốn đền bù lại cho tôi nên chúng mang đến một món ngon khác: trứng vịt lộn.

Khi tìm hiểu, tôi mới biết rằng những cái trứng mà bọn trẻ đem ra đãi tôi chính là trứng vịt đã được chôn dưới lòng đất ấm trong nhiều tháng trời. Mặc dù bị chôn như thế, con vịt con ở trong trứng vẫn lớn lên theo thời gian và phát triển đến độ hình thành mắt, và đôi khi cả mỏ nữa. Khi trứng đến độ vừa ăn, người ta đem luộc lên và bọn trẻ đem ra mời tôi.

- Hãy thử đi. Ông sẽ thích lắm đó! - Lũ trẻ nói.

Tôi cám ơn nhưng bọn chúng vẫn tiếp tục nài ép tôi ăn. Tôi không thể ăn được. Thế là các em chia nhau ngay những trứng vịt lộn đó. Sau này tôi mới biết là bọn trẻ đã thể hiện lòng quý mến nên mới mời tôi ăn những quả trứng đầu tiên.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx