sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 14: Hai Người Lạ Mặt Bí Ẩn

Cách bệnh viện hơn hai khu nhà về phía trung tâm tỉnh lỵ là một tòa nhà đơn giản, bình thường mà lúc đầu tôi được biết là tổng hành dinh Bình định Nông thôn.

Số là trong một lần đi xuống phố, một bác sĩ đã nói cho tôi biết cơ quan Bình định Nông thôn đóng trụ sở ở đây. Nhưng một ngày nọ, khi tôi và Nguyễn đi ngang qua tòa nhà, tôi nói điều gì đó liên quan đến trụ sở Bình định Nông thôn thì anh chàng thông dịch viên trẻ tuổi này nhìn tôi bằng cặp mắt sửng sốt pha lẫn thú vị.

- Ông nói đùa đấy chứ, bác sĩ? Ông không biết à? - Nguyễn nói.

- Đó là tổng hành dinh của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) ở Quảng Trị.

- Anh lầm rồi Nguyễn à. - Tôi trả lời.

- Không, tôi không lầm đâu.

- Vậy chứ CIA làm gì ở cái thị xã này?

- CIA điều hành cuộc chiến. - Anh chàng thông dịch viên nói.

Vào những ngày đầu tháng 6 năm 1968, sau vụ thảm sát các cháu bé, danh hiệu “Bác sĩ Number One” bị bào mòn dần trong tôi. Tôi đã chứng kiến quá nhiều điều tồi tệ ở Việt Nam: những bệnh tật có thể cứu chữa nhưng vì không được chăm sóc mà dẫn đến tử vong, những vết thương do bom đạn dẫn đến những cái chết không đáng có hay những vụ cưa chân tay không cần thiết, thường dân bị biến dạng cơ thể vĩnh viễn do ảnh hưởng của hóa chất, bom đạn và tai nạn trong chiến tranh. Nhưng trên tất cả sự chết chóc và thương tích đó, chính là sự vô cảm, sự lạnh lùng không có tình người một cách đáng sợ.

Tại Việt Nam, các lực lượng chiến đấu của Mỹ hầu như luôn luôn nhận được sự chăm sóc tuyệt vời. Nhưng đối với thường dân bị thương, sự chăm sóc y tế là hết sức cẩu thả. Tôi đã thấy nhiều người dân bị cưa cả hai chân vì đạp phải bẫy mìn, nhưng việc cưa chân đó có thể không xảy ra nếu như được chăm sóc đúng mức. Các nhân viên quân y thường cũng cố cứu mạng những thường dân bị thương do chiến trận, nhưng với những người bị quân đội Nam Việt Nam hoặc Mỹ nghi ngờ, quy cho là “Việt Cộng” thì sẽ không được nhanh chóng cứu chữa. Tôi nhớ có lần, tôi ở trong vùng chiến sự đang diễn ra dữ dội trong vài ngày. Sau khi làng mạc bị dội bom và bị lực lượng Thủy quân lục chiến tàn phá, trong những người bị thương mà tôi giúp đưa lên xe chở về bệnh viện có nhiều bà mẹ và trẻ em.

Trước khi chứng kiến việc hành hình những em bé Việt Nam trong vụ trực thăng chuyển các cháu tới bệnh viện và chết trước mắt tôi, tôi chưa từng thấy bất cứ một vụ tàn sát nào ở Quảng Trị nhắm trực tiếp vào một đối tượng nào đó. Nhìn chung, có vẻ như chúng ta đã buông lỏng việc sử dụng hỏa lực quá mạnh ở một quốc gia thuộc Thế giới thứ ba, một hỏa lực vượt quá mức cân xứng với đối thủ, mà phần lớn là sử dụng không hiệu quả và cuối cùng, dẫn đến việc phản tác dụng trong việc tranh thủ nhân tâm.

Tại Mỹ, Tổng thống Lyndon Johnson giận dữ gọi Việt Nam là một “đất nước đáng nguyền rủa”. Ông hạ lệnh cho quân đội phải thắng cuộc chiến này. Những nhà chiến lược dân sự lẫn quân sự đã xem thường đối phương và cứ việc gửi thêm quân đến chiến trường. Trong trường hợp quân đội Mỹ xét thấy việc khai hỏa dữ dội từ một làng xã nào đó nhắm vào hàng ngũ của mình, các cấp chỉ huy của chúng ta vội cho phép tuyên bố làng xã đó là “vùng oanh kích tự do” và rồi, binh lính trực thuộc có quyền bắn bỏ bất cứ thứ gì có thể “nhúc nhích”. Phụ nữ và trẻ con không phải là mục tiêu, nhưng trong nhiều trường hợp, chính họ lại là nạn nhân. Các lực lượng Việt Cộng và quân đội Bắc Việt Nam thường đào hào, hố hoặc chuẩn bị rút vào hệ thống đường hầm khi cần thiết, trong khi thường dân thì hoàn toàn phơi bày ra ở chốn hiểm nguy.

Từng trải nghiệm qua tâm trạng cả yếm thế lẫn tỉnh ngộ, một buổi tối nọ, tôi thực sự sửng sốt khi có hai người hoàn toàn xa lạ đến “thăm viếng” nơi cư ngụ của mình. Sau vụ pháo kích mới đây và may mắn thoát chết, tôi đã dời chỗ ngủ của mình xuống hầm trú ẩn, một nơi an toàn được hai lớp bao cát bảo vệ, nhưng tôi lại chạm trán với những kẻ hết sức “tình cờ” mà tôi chẳng quan tâm là mấy.

Tối hôm đó, sau khi tôi vừa từ bệnh viện trở về, có hai quân nhân lạ mặt trong quân phục tác chiến đến hỏi xin tôi được ngủ nhờ qua đêm dưới hầm trú ẩn. Việc “tiếp khách” là quân nhân hiếm khi xảy ra ở nơi tôi cư ngụ và lần duy nhất mới xảy ra gần đây thôi là khi viên chỉ huy quân đội, bác sĩ quân y Hurst – người giám sát tôi, đến thăm khi tôi bị sốt rét. Vì vậy, việc xuất hiện của hai quân nhân bí ẩn này khiến tôi hơi nghi ngờ. Tuy nhiên, họ đang mặc quân phục và rõ ràng là người Mỹ nên tôi không thể từ chối việc cho họ ngủ nhờ qua đêm.

Hai người lạ mặt bí hiểm này ăn mặc chỉnh tề và gọn gàng. Họ có phong thái của những sĩ quan ở độ tuổi 23 hoặc 24. Trông họ giống như vừa mới bước ra từ phim trường Hollywood. Bộ đồ họ mặc để ngụy trang được ủi thẳng nếp nhưng lại không gắn phù hiệu cho biết họ thuộc binh chủng nào của quân đội. Vũ khí họ mang cũng như những quả lựu đạn được gắn vào nịt thắt lưng trông rất mới và bóng láng, như thể vừa mới được lấy từ trong thùng ra. Mặc dù họ mặc quân phục Mỹ, mang vũ khí Mỹ, nhưng trông họ chẳng giống như những tay súng trong khu vực chiến sự nóng bỏng của vùng hỏa tuyến này.

Sau đó, tôi nhận ra rằng những người này có lẽ đến đây theo cái mà CIA gọi là “lượng giá điều bất lợi” căn cứ vào mức độ nghiêm trọng mà tôi đã được báo cáo về thông tin các trẻ em bị sát hại. Theo những tác giả khác, chiến dịch Phượng Hoàng của CIA không chỉ thiết lập những “trại cải huấn” trên khắp lãnh thổ Việt Nam, nơi mà con người bị tra tấn hàng ngày, mà những người thực hiện chiến dịch Phượng Hoàng còn thủ tiêu những ai mà họ xem là “có vấn đề” vào thời điểm đó, ngay cả việc thủ tiêu người Mỹ nếu xét thấy cần thiết.

Hai người mặc quân phục lấy ra một bộ bài, tỏ ra muốn tôi được thư giãn. Họ nói họ đến đây chơi bài và để tán gẫu với tôi về “tình hình” của bệnh viện. Chúng tôi chơi bài dưới ánh sáng bập bùng của nến dưới hầm trú ẩn.

Sau một hồi trò chuyện vặt, một trong hai người bắt đầu hỏi tôi một số câu có tính dò dẫm.

- Bác sĩ! Chúng tôi nghe là ông đang có một số vấn đề ở đây.

Một số vụ việc khiến ông đang lo buồn phải không?

Tôi cảm thấy như là mình đang bị thẩm vấn. Bản năng tự vệ nổi dậy.

- Tôi là một cựu quân nhân Thủy quân lục chiến. - Tôi giận dữ trả lời. - Và tôi biết rất rõ những người lính Thủy quân lục chiến đang đối diện với cái chết trên khắp chiến trường Quảng Trị. Họ đang chết như ruồi nhặng trong cuộc chiến chết tiệt này mà chẳng có lấy một nguyên nhân nào cả. Đây là một cuộc chiến tàn bạo, vô nghĩa, nhưng nếu như có ai đó bị lãnh đạn một lúc nào đó, hoặc những người thường dân vô tội bị trúng đạn, thì đó chỉ là một phần của cái giá vô lý mà chúng ta phải trả khi hiện diện ở Việt Nam.

Tôi trả lời lớn tiếng với chủ đích sử dụng ngôn ngữ theo bản năng của người lính Thủy quân lục chiến, xổ ra một loạt những lời nói báng bổ và điều đó hình như đã đẩy hai người kia trở lại vị trí những người khách bình thường, ngồi đánh bài với nhau. Nhưng về phần mình, tôi đã bị kích động, bối rối. Đó là một buổi tối căng thẳng và tôi vẫn không cảm thấy dễ chịu ngay cả khi hai kẻ này đã ngủ yên trong hầm trú ẩn của tôi.

Trong đêm, đạn pháo cối nổ chẳng xa hầm trú ẩn của tôi là mấy. Hầu hết pháo là từ phía Việt Cộng, một vài quả phản pháo từ vị trí đóng quân của quân đội Nam Việt Nam. Do vị trí căn hầm trú ẩn của tôi nằm giữa một bên là kho đạn, một bên là dinh Tỉnh trưởng nên chẳng ai dại gì muốn có mặt nơi tôi ở vào ban đêm. Chính điều này dấy lên mối nghi ngờ về hai người khách lạ đã chọn qua đêm với tôi thay vì tìm một địa điểm quân sự an toàn hơn.

Đến sáng, họ mặc lại quân phục, lặng lẽ nai nịt gọn gàng cùng khẩu súng ngắn 45 ly đeo nơi dây nịt gắn đầy lựu đạn.

Trước khi giã từ, một người đến gần tôi, dùng tay chỉ vào mặt tôi, ngón cái và ngón trỏ ghép lại như hình khẩu súng ngắn, đe đe cách mặt tôi chừng hơn một phân.

- Tối qua ông bạn suýt chết đấy? - Anh ta nói.

- Ô! Anh muốn ám chỉ các viên đạn súng cối ấy à? - Tôi nói.

- Không phải những viên đạn súng cối. - Giọng anh ta trở nên lạnh lùng và gằn từng chữ. - Và vẫn còn sự chọn lựa cho ông. Chúng tôi đang theo dõi ông về những câu chuyện vô bổ hoặc bất cứ thứ gì đáng ngờ khác.

Rồi họ ra đi. Tôi đã không ý thức đầy đủ về những gì đã diễn ra vào thời điểm đó. Sau này nhìn lại, tôi đoan chắc là mình đã bị một đơn vị thuộc chiến dịch Phượng Hoàng của CIA theo dõi. Có lẽ họ nghe nói về cảnh tượng ở bệnh viện cùng phản ứng của tôi. Có lẽ tôi đã bị đánh giá là nguy hiểm, cho dù tôi từng là một quân nhân Thủy quân lục chiến và là một bác sĩ đang làm nhiệm vụ nhân đạo ở vùng chiến sự. Giờ đây, tôi tin là mình đã từng là mục tiêu của cái mà CIA gọi là “hoạt động phản gián”. Năm 1988, quyển Sổ tay CIA đã định nghĩa hoạt động phản gián là “dùng mánh khóe để điều khiển, lừa gạt và kiềm chế những cá nhân, nhóm người, những tổ chức hướng tới hoặc bị nghi ngờ hướng tới những hoạt động gián điệp, và họ phải bị triệt phá hoặc bị làm mất tác dụng những hoạt động như thế”.

Dĩ nhiên là sự nghi ngờ trong tôi tăng lên. Sau cuộc viếng thăm của hai kẻ lạ mặt cùng với lời cảnh báo úp mở là “hãy giữ mồm giữ miệng”, tôi tin chắc là mình đang bị theo dõi. Tôi biết tổng hành dinh của CIA chỉ nằm cách bệnh viện mấy khu nhà nên tôi bắt đầu chắp nối tất cả sự việc lại với nhau và nhìn sự việc với cái nhìn tổng thể hơn.

Như một hành động tự vệ nhằm bảo toàn tính mạng, tôi ngưng ngay việc kể về vụ thảm sát những em bé với bất cứ ai. Tôi không báo câu chuyện cho vị tu sĩ Thiên Chúa giáo thường viếng thăm bệnh viện, cũng không nói với những quân nhân Thủy quân lục chiến thân cận, với các y tá Hải quân luân phiên phục vụ tại bệnh viện và ngay cả với Nguyễn, người thông dịch viên trung thành của tôi.

Phát biểu của cựu chiến binh chiến tranh Việt Nam Christopher Kane, bệnh nhân PTSD của bác sĩ Hassan.

“Ý nghĩ đầu tiên khi tỉnh dậy vào mỗi buổi sáng là mình đang ở Việt Nam. Trong thời gian phục vụ tại Tiểu đoàn quân báo 519, tôi đã từng lâm vào tình thế hiểm nguy của 4 vụ đánh bom khủng bố, 2 vụ pháo kích, 1 vụ tấn công bằng hỏa tiễn, 2 vụ quân nhân bắn lẫn nhau, một số tai nạn giao thông và 1 vụ nổi loạn nho nhỏ.

Tôi nhận lệnh ‘xác định bất cứ văn kiện nào tiết lộ vị trí địa lý của tất cả cán bộ Việt Cộng, bộ đội Bắc Việt Nam, các bệnh viện và các điểm phát thuốc’. Khi tôi phản đối lệnh này vì nó vi phạm công ước Geneve và điều lệnh quân đội, viên trung sĩ vẫn thản nhiên. Nhưng khi tôi nói: “Nếu chúng ta thi hành lệnh này thì chúng ta chẳng hơn gì lũ tội phạm chiến tranh Đức quốc xã”, anh ta đổi ngay thái độ rồi cùng tôi đi gặp viên thiếu tá. Vụ việc đã làm thay đổi thái độ của viên thiếu tá. Khi ông ta gọi điện cho vị tướng hai sao thì sự việc lại rơi vào những “lỗ tai điếc”. Câu trả lời của vị tướng là: ‘Tôi gửi lệnh này theo hệ thống quân giai và người đầu tiên từ chối thi hành lệnh sẽ được gửi đi nhà tù Long Bình".

Buổi tối, khi đi ngủ và biết rằng một vài đồng loại của mình đang tìm cách sát hại mình trước khi trời sáng thì thật là kinh sợ. Biết rằng mình cùng đồng đội sẽ làm việc cật lực ngày hôm sau để “cung cấp” những người bị giết theo kiểu “hiệu quả nhất, năng suất cao nhất” cũng kinh tởm như thế. Tôi xử lý những tài liệu đoạt được từ đối phương như là một phần nhiệm vụ của mình (Phân tích tình báo 96B20A). Những tài liệu này thường thu thập được từ trong túi quần áo của các tử thi nên thường bị thấm đẫm máu. Khi tôi nhận tài liệu thì máu đã khô. Khi viết lại điều đó trong những dòng chữ này, cái mùi vị ấy như trở lại với tôi.

Tôi cũng giúp những người trong chiến dịch Phượng Hoàng CIA tìm tòi tài liệu. Thỉnh thoảng họ lại huyênh hoang, khoác lác, biến cơ quan tình báo quân đội Mỹ thành một dàn đồng ca nam. Sự thật về việc họ thỉnh thoảng đã sát hại người Mỹ nay vẫn bị chính phủ chúng ta từ chối và xem là tài liệu mật. Lúc đó, tôi chỉ là một thanh niên 19 tuổi, thật quá xuẩn ngốc khi nghĩ rằng mình có thể bảo họ hãy ngậm miệng lại. Sau này ở Đà Nẵng, tôi đã biết được tường tận về những gì người Mỹ làm và tại sao họ phải làm như thế. Khi tôi kể chuyện cho những thường dân Mỹ (ngày nay) về những gã này, họ nói là không tin tôi, và rồi họ xa lánh tôi như thể xa lánh dịch bệnh”.

Bị ám ảnh nặng nề với cảm giác nhất cử nhất động của mình đều bị CIA theo dõi và sẵn sàng trừ khử, tôi trở nên kinh sợ và cảnh giác quá mức. Tôi e rằng nếu như mình nói về những hành động tàn nhẫn mà mình đã chứng kiến vài ngày trước đây thì tôi sẽ dễ dàng bị dẫn đến một nơi hẻo lánh nào đó và bị bắn vào sau sọ theo kiểu bị hành hình giống như trường hợp các cháu bé đã bị sát hại.

Một trong những quân nhân có nhiều huy chương nhất trong lịch sử quân đội Mỹ là đại tá David Hackworth, người từng phục vụ 4 năm ở Việt Nam. Vì chán ngấy chiến lược cùng những tổn thất nặng nề của Mỹ nên đại tá David Hackworth đã chống đối và công khai trước các phương tiện truyền thông đại chúng về những thất vọng này. Sự kiện này khiến ông trở thành “người không được chấp thuận” (persona non grata) trong quân đội Mỹ.

Trong tự truyện About Face, đại tá Hackworth kể lại một sự cố khiến ông giật thót mình trong ngày rời Việt Nam. Hôm ấy, khi kiểm tra xe cộ như thường lệ, ông phát hiện một quả lựu đạn đặt ngay bên dưới ghế ngồi phía trước của chiếc Jeep. Chốt cài lựu đạn đã được tháo ra. Quả lựu đạn được chêm và chỉ cần xe nhún lên nhún xuống ở mức nhẹ nhất là nó sẽ phát nổ ngay lập tức. Ông đã may mắn. Những sự cố kiểu này – người sĩ quan bị ngay chính “người của mình” sát hại như thế – không phải là điều hiếm thấy trong “thế giới ác mộng” ở Việt Nam. Và đại tá Hackworth đã viết là sự vượt quá giới hạn của CIA ở các nước thuộc thế giới thứ ba sau Thế chiến thứ II đã “cạnh tranh” được với những gì mà Đức quốc xã đã làm vào thời điểm cực thịnh của họ.

Những lời hăm dọa, cảnh cáo đó ám ảnh tâm trí tôi hàng ngày. Cả ngày lẫn đêm, tâm trí tôi suy đoán liên tục về những tay sát thủ trẻ em một cách tàn bạo ấy. Ở Việt Nam, tôi đã có kinh nghiệm là mọi việc thường không giống như những gì ta trông thấy. Tôi tự hỏi, sự thật về những hành động tàn bạo này là gì? Ai thật sự dính líu vào những vụ này? Có phải đúng là một nhóm quân nhân Mỹ đã nổi điên với thú tính khát máu? Hay đó là một trò nham hiểm của Việt Cộng? Hoặc là do quân đội Nam Việt Nam đạo diễn? Hay đó là kết quả một âm mưu độc ác của CIA, phơi bày ra tại bệnh viện của tôi và bằng cách nào đó làm cho tôi dính líu vào?

Tôi đã suy nghĩ về những biến cố đó trong nhiều năm trời. Tôi vẫn chưa biết được chắc chắn là ai đã tiến hành những hành động tàn bạo đáng tởm mà tôi đã chứng kiến hậu quả ở bệnh viện tỉnh Quảng Trị vào buổi chiều tháng Năm ấy. Những dòng chữ trên dải băng đính trên tay các cháu bé rõ ràng cung cấp chứng cứ rằng chính Thủy quân lục chiến đã trực tiếp liên quan đến vụ sát hại, và tôi đã từng nghi ngờ rằng, thủ phạm của các tội ác này là những kẻ giấu mặt, đứng đằng sau để chỉ đạo những vụ bạo loạn ở Quân đoàn I.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx