Vài ngày sau cuộc “thẩm vấn” ma quỷ ở hầm trú ẩn, một trung sĩ Thủy quân lục chiến mà tôi quen biết đi vào bệnh viện và nói với tôi: “Này bác sĩ Hassan, ông có thích cùng tôi đi vài km về phía Bắc để khám bệnh cho lính Thủy quân lục chiến bị thương không? Tất cả đều trong tình trạng khá xấu. Họ có thể được nâng tinh thần lên với những người như ông”.
Đông Hà nằm cách vùng phi quân sự – biên giới giữa Bắc và Nam Việt Nam – chừng 12 km. Mặc dù biết đề nghị của viên trung sĩ là khá nguy hiểm nhưng tôi không từ chối. Vào thời điểm đó, chúng tôi không mấy bận rộn ở bệnh viện nên tôi bảo thông dịch viên Nguyễn cùng đi với mình. Tôi biết rằng những người lính Thủy quân lục chiến trẻ tuổi mà tôi sắp khám bệnh đã được chuyển khá xa ra khỏi vùng chiến sự.
Tôi leo lên xe khi Nguyễn dò đài phát thanh của Việt Cộng trên chiếc máy bộ đàm của anh ta. Chúng tôi đang hướng tới khu vựcnguy hiểm nhất ở Việt Nam: Đông Hà. Xe phải chạy mất nửa tiếng đồng hồ trên Quốc lộ 1, mà phải chạy hết tốc độ để tránh bị bắn tỉa. Các tay súng bắn tỉa làm cho con đường này nguy hiểm vào ban ngày và không thể sử dụng vào ban đêm, nhưng người tài xế cam đoan với tôi là sẽ chạy thật nhanh để Việt Cộng không thể bắn trúng được.
- Chúng ta không phải lo bị phục kích, bác sĩ à. - Nguyễn nói, đặt chiếc máy bộ đàm xuống. - Việt Cộng thông báo có một tu sĩ đi trên xe của chúng ta.
Hướng về phía Bắc, tôi trông thấy những vòm cây xinh đẹp, màu xanh cây rừng tươi tốt lướt qua hai bên đường. Thỉnh thoảng, xe chạy qua một cánh đồng lúa xanh tươi, nước ngập một ít dưới gốc lúa. Cảnh đồng quê thật thanh bình. Ngoài tiếng động cơ của chiếc Jeep, âm thanh duy nhất mà chúng tôi nghe chính là tiếng gió thổi qua tai khi xe chạy trong bầu không khí ẩm ướt.
Đó là một ngày nắng chói chang. Khi xe chạy gần đến Đông Hà, tôi thấy núi non trùng điệp và bị mây phủ ở phía xa xa. Tôi chú ý đến vài cụm khói xuất phát từ các vụ không kích, đạn pháo, hỏa tiễn.
Những thứ tôi thấy trước tiên ở trại lính là 3 chiếc lều bạt lớn và một bảng hiệu ghi “Tổng hành dinh Miền của quân đội Mỹ”. Tim tôi đập hơi mạnh khi bước xuống xe Jeep. Nếu theo học trường Thủy quân lục chiến ở Annapolis, tôi đã trở thành một sĩ quan chiến đấu. Tôi phải cam đoan phục vụ 8 năm sau khi tốt nghiệp ở Annapolis và có thể tôi dễ dàng bị thương ngay tại đây, như là một sĩ quan trực tiếp chiến đấu tại một khu vực nguy hiểm nhất Việt Nam.
Khi viên trung sĩ dẫn tôi vào căn lều trại thứ nhất, tôi thấy nhiều người bị thương nặng nằm bên trong. Ít nhất 200 lính Thủy quân lục chiến bị thương nặng nằm trên những dãy giường được xếp ngăn nắp, gọn gàng. Đi xuyên qua trại, rồi từ trại này qua một trại kế tiếp, tôi thật sự kinh hoàng về quy mô to lớn của những cuộc tàn sát diễn ra quanh mình. Hầu hết thương binh đều bị cụt tay, cụt chân, và cũng giống như những công dân của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, họ gồm nhiều chủng tộc, sắc dân. Họ có màu da từ đen thẫm đến vàng, đồng, đến nâu rồi trắng tái. Một số thương binh không kềm được tiếng rên rỉ, nhưng hầu hết vì bị thương quá nặng hoặc vì quá chán nản nên chẳng rên la gì cả.
Hầu hết thương binh ở đây không có tay mà cũng chẳng còn chân. Họ bị cưa hết tứ chi, dù một số người vẫn còn khúc tay hoặc khúc chân cụt. Những thân thể trẻ với bắp thịt nảy nở nay chỉ còn trơ ra đầu và thân mình.
Tôi bước qua từng hàng thương binh bị cụt cả tay lẫn chân. Những ống dẫn nối liền đầu, ngực và bụng của họ - để rút mủ, máu hoặc dịch - chạy vào một hệ thống mê cung những ống và chai treo xung quanh và bên dưới những người lính Thủy quân lục chiến bị thương trầm trọng. Khi đi ngang qua những thương binh này, tôi không thể chú tâm nổi vào những ống dịch truyền đã cạn. Điều làm tôi chú ý nhất chính là những khuôn mặt và những đôi mắt đau đớn tuyệt vọng, mất hết thần khí của họ.
Tôi ở đấy với tư cách là một bác sĩ dân sự, cố nâng tinh thần của họ lên. Đi dọc những lều trại, cố gắng lên “dây cót” chia sẻ an ủi, và rồi tôi nhận thấy đây là một việc làm vô ích. Không ai trong số những thương binh trẻ này có thể trò chuyện hay lắng nghe hoặc ngay cả việc đủ sức nhìn thấy tôi rõ ràng.
Phục vụ số thương binh nặng này là những y tá quân y, những nhân viên cứu thương có khuôn mặt u sầu, hầu hết trong độ tuổi dưới 20. Nhìn vào tuổi tác của thương binh và nhân viên phục vụ, tôi cảm thấy họ giống như những thiếu niên tự chăm sóc cho nhau.
- Chúng ta có thể làm điều gì đó tốt hơn nhiều cho những thương binh này nếu như chúng ta nhanh chóng đưa họ về nước. -- Tôi khẩn thiết nói và cảm thấy rất cần một sự chăm sóc y tế khẩn cấp cho cảnh tượng kinh khủng mà tôi đang chứng kiến.
- Ít nhất một số thương binh này có thể hưởng những ngày cuối cùng của cuộc đời họ bên cạnh gia đình ở Mỹ. Có nhiều chuyến bay có thể đưa họ về nước mà. Họ cần được như vậy.
Những người y tá quân y im lặng lắng nghe.
- Một máy bay tải thương Medevac có thể chở tất cả ra khỏi nơi đây ngay lập tức. - Tôi nói. - Có vấn đề gì không? Họ sẽ được chăm sóc chu đáo khi trở về nước.
- Chúng ta không thể đưa những thương binh này về nước được, thưa bác sĩ. - Một nhân viên cứu thương trẻ nói. - Chúng ta không thể chở họ trở về Mỹ, trừ khi họ nằm trong túi đựng tử thi để không ai nhìn thấy họ.
- Cái gì? Tại sao?
- Tình trạng của họ quá phản cảm. - Một nhân viên cứu thương giải thích. - Người ta sẽ phải ngưng cuộc chiến này ngay giây phút trông thấy cận cảnh tấn thảm kịch thực tế này. Ngay khi chiếc Medevac hạ cánh xuống lãnh thổ Hoa Kỳ và mọi người nhìn thấy những thương binh như thế, họ sẽ bạo loạn và đòi cuộc chiến phải chấm dứt.
Đối với tôi vào thời điểm đó thì việc di tản những thương binh này là việc cần làm. Tôi biết là tất cả những thương binh cụt cả tay lẫn chân này đã được những bác sĩ giải phẫu quân y có khả năng chuyên môn cao hơn tôi chữa trị. Họ đã được di tản khỏi chiến trường và được chăm sóc đặc biệt trong một bệnh viện dã chiến gần đó. Nhưng tôi không thể tin rằng có một quyết định cố ý để cho toàn bộ những thương binh cụt cả tay chân này nằm lại trong những lều trại quân y ảm đạm cho đến khi họ chết trong rừng nhiệt đới ở Đông Hà – một kiểu chết cho khuất mắt – chỉ có dàn kèn đồng quân đội và những nhân viên y tế mới biết được những gì xảy ra. Tôi nhắc lại một lần nữa là tối thiểu, những thương binh nặng này cần được chết tại quê nhà.
Một y tá Hải quân khác nghe cuộc đối thoại của chúng tôi và tham gia:
- Bác sĩ nói đùa à? Chúng ta đã nhận lệnh. Chúng ta không thể đưa những thương binh này về nước. Chúng ta cần chiến đấu và chiến thắng cuộc chiến tranh này, ông quên điều đó sao? Không thể để họ phơi bày sự thật với thế giới bên ngoài.
Sau cuộc trao đổi này, tôi đi ngang qua các thương binh nặng trong lều trại cuối cùng, cố gắng nói chuyện và động viên họ. Tôi chỉ nhận được có tiếng lầm bầm hoặc vài ánh mắt động đậy như là câu trả lời của họ.
Một y tá trẻ với vẻ mặt khá phiền muộn đang dọn dẹp các bô trong lều trại khi tôi đi qua.
- Anh đã ở đây bao lâu rồi? - Tôi hỏi người y tá.
- Tôi ở Đông Hà đã gần một năm, thưa bác sĩ. - Anh ta đáp. -- Nhưng có lẽ tôi sẽ không thể trở về nhà, cũng giống như những bệnh nhân này thôi. Địch quân bao vây chúng tôi, cô lập chúng tôi trên những ngọn đồi. Chúng ta càng đánh dồn dập thì họ càng đưa thêm quân đội vào đường mòn Hồ Chí Minh. Vị trí đóng quân hiện nay của chúng tôi có thể bị họ tràn đến bất cứ lúc nào. Tôi cảm nhận điều đó qua ba, bốn cuộc hành quân tệ hại trong mấy tháng qua. Có lẽ đời tôi sắp kết thúc.
Nghe những lời bi quan của anh chàng này, tôi nhận ra anh ta đang ở trong tình trạng “sắp trở về”, tức là những quân nhân sắp đến hạn kỳ được xuất ngũ và trở về nước. Người y tá này đang trải qua cái gọi là “hội chứng 30 ngày”: Càng gần đến ngày được trở về nước bao nhiêu thì các chiến binh càng sợ chết bấy nhiêu. Được trở về nhà là một giấc mơ mà họ thiết tha mong đợi. Sau nhiều tuần, nhiều tháng cận kề chiến trận, chứng kiến quá nhiều cái chết của đồng đội, nhiều quân nhân đã không tin là mình nằm trong số những kẻ may mắn sống sót để trở về nhà. Và người y tá này không chỉ lâm vào “hội chứng 30 ngày” mà còn tệ hơn thế, anh ta phải làm việc trong môi trường của những thương binh hạng nặng, bị què cụt, luôn nhắc nhở anh từng giây từng phút về cuộc chiến thật sự ác liệt và tàn khốc đang diễn ra quanh mình.
Vào cuối chuyến đi, tôi tự hỏi phải chăng việc đưa tôi đến trại thương binh này là một sự sắp đặt của những kẻ lạ mặt đã đến căn hầm trú ẩn của tôi mấy ngày trước đó. Nếu đúng thế thì thông điệp đã khá rõ ràng: Ngay cả những anh hùng thương binh cũng không được phép làm gián đoạn cuộc chiến. Tôi nhận ra rằng không bao giờ chúng ta có thể biết được cái giá đích thực phải trả của cuộc chiến tranh tàn bạo đối với cả hai bên.
Sau khi chứng kiến tất cả, tôi cuốc bộ trên con lộ đất bụi để trở về nơi đậu chiếc xe Jeep mà Nguyễn đang chờ tôi. Tôi và viên trung sĩ thấy một gia đình trẻ đang dắt hai con trâu ngang qua một cánh đồng cỏ cách chúng tôi khoảng gần 100 mét. Họ gồm hai vợ chồng và ba đứa con nhỏ. Trong một trại quân dọc theo con lộ, một binh sĩ Hoa Kỳ trông thấy họ và vội nạp đạn vào khẩu súng cối. Hắn ta nã đạn hết viên này đến viên khác nhắm vào gia đình đó mà không có một lý do nào cả, như thể tất cả đang là một trò chơi - hắn ta đang chơi trò ru-lét Nga với các thường dân Việt Nam.
Trong khi đó, trên cánh đồng cỏ, cả gia đình đã bỏ hai con trâu lại và hối hả chạy trốn. Những quả đạn cối nổ sát sau lưng họ.
- Đồ điên! - Tôi hét lên. - Mày đang làm cái trò quỷ quái gì thế?
Người lính nghênh mặt quay về phía tôi.
- Ngưng ngay hành động ngu xuẩn này đi! - Tôi la to.
- Chỉ là một mục tiêu thực hành thôi mà. – Tên lính lớn tiếng đáp trả.
- Mẹ kiếp! - Tôi thét lên. - Ngưng ngay! Họ là những dân thường chẳng hề có vũ khí!
Hắn ta ngưng lại một chốc trước khi bắn đi một mục tiêu khác. Rồi hắn nhún vai nhìn tôi, đốt một điếu thuốc như thể chẳng có gì xảy ra.
Lúc đó, cả gia đình nọ hầu như đã thoát khỏi tầm nhìn của chúng tôi. Tôi thở phào nhẹ nhõm khi biết rằng gia đình nọ và hai con trâu đều an toàn. Họ may mắn không bị thương tích vì mấy quả đạn cối.
Khi bước đến chiếc xe Jeep vào thời khắc đó, đầu óc tôi tràn đầy những ý nghĩ. Đây là một cuộc chiến tranh tàn bạo, không chút danh dự, một cuộc chiến không vinh quang, thiếu cân nhắc, một cuộc chiến không kết thúc, một cuộc chiến mà trong đó thường dân bị tàn sát dã man như một trò tiêu khiển, còn những người lính thì không được phép trở về chết vinh quang trên quê nhà. Đó là một cuộc chiến mà chúng ta không thể tránh được thất bại. Mỗi một gia đình thường dân Việt Nam vô tội bị làm mục tiêu cho trò giải trí điên rồ hoặc bị bắn một cách vô tội vạ trong vùng oanh kích tự do sẽ được chuyển thành lời, thành chuyện kể, rồi từ đó truyền đi các nơi và cuối cùng, ngay cả đồng minh Nam Việt Nam của chúng ta cũng sẽ biết hết và họ sẽ muốn chấm dứt sự hiện diện quân đội của chúng ta, sự bảo vệ của chúng ta.
Và giá như người dân Mỹ biết những gì đang xảy ra với con cái của họ. Những gia đình có con em bị thương nặng và bị từ chối đưa về nước chết trong vòng tay người thân sẽ nổi loạn chống lại chính quyền đã đưa con em họ đến vùng đất này. Giá mà họ biết đến phạm vi rộng lớn của các hành động tàn ác điên rồ diễn ra khắp mọi nơi thì tôi nghĩ, những gia đình người Mỹ sẽ từ chối đưa con em họ tham gia vào một cuộc chiến vô nghĩa và nhục nhã như thế.
Chiếc Jeep quân sự vẫn vội vã đưa tôi cùng Nguyễn xuôi Nam trên Quốc lộ 1, lăn bánh trên “Con đường khổ ải”.
@by txiuqw4