Vài ngày sau cuộc “thẩm vấn” ma quỷ ở hầm trú ẩn, một trung sĩ Thủy quân lục chiến mà tôi quen biết đi vào bệnh viện và nói với tôi: “Này bác sĩ Hassan, ông có thích cùng tôi đi vài km về phía Bắc để khám bệnh cho lính Thủy quân lục chiến bị thương không? Tất cả đều trong tình trạng khá xấu. Họ có thể được nâng tinh thần lên với những người như ông”.
Trong một chuyến đi đến Đà Nẵng không lâu trước khi rời Việt Nam, tôi đã gặp một viên sĩ quan chỉ huy chiến trận. Ông ta mang quân hàm thiếu tá và chỉ huy một toán biệt kích ở Nam Quảng Trị.
Chúng tôi nhanh chóng kết thân nhưng trong lúc trò chuyện, ông ấy cũng có hàm ý thách thức. Có lẽ ông ấy muốn đánh giá xem viên bác sĩ trẻ tuổi và là cựu binh Thủy quân lục chiến đang đi cạnh mình can đảm đến mức nào.
- Vậy ra anh cũng là một người cứng cựa? - Ông nói với tôi. -- Nhưng anh đã thấy chiến sự kề cận chưa? Và anh nghĩ là mình có thể chịu đựng được chứ?
Viên thiếu tá chỉ huy một toán thám báo với 15 tay súng Nam Việt Nam và 8 biệt kích người Mỹ có nhiệm vụ theo dõi, dọ thám nhất cử nhất động của quân đội Bắc Việt Nam trong một chu vi nhỏ nằm sâu trong rừng già. Tôi cho ông ta biết là mình chỉ mới có mặt tại căn cứ quân sự An Khê, nơi đã diễn ra nhiều cuộc chạm súng. Ông ta gật đầu tỏ vẻ biết. Đột nhiên, viên thiếu tá mời tôi đi cùng ông ta đến một tiền đồn nhỏ nằm cheo leo, nguy hiểm bên rìa thung lũng A Sao, thuộc dãy núi A Sao - cách Quảng Trị chừng 60 km về phía Tây Nam.
- Nào! Chúng ta cùng đi. - Tôi háo hức.
Leo lên trực thăng quân sự, chúng tôi bay đến lều trại của viên thiếu tá. Bên dưới trực thăng là một màu xanh ngút ngàn của rừng già nhiệt đới, cung cấp một vỏ bọc chắc chắn cho bất cứ vật gì nằm bên dưới tàn cây. Màu xanh rậm rạp chạy dài xa tít theo hướng bay của trực thăng và viên thiếu tá nói rằng thật khó mà phát hiện được kẻ thù.
Viên thiếu tá cho tôi hay là quân đội Bắc Việt Nam ẩn nấp trong nhiều dặm đường hầm bên dưới mặt đất có thể chạy dài khắp Việt Nam. Những đường hầm này khiến quân đội Mỹ không thể phát hiện được cho đến thời điểm đối phương chui ra khỏi hầm và đánh trả. Kẻ địch nắm rõ địa thế trong ngoài và họ liên tục khiêu khích, bỡn cợt với cả quân đội Mỹ lẫn Nam Việt Nam như thể mèo vờn chuột. Trong chiến tranh, quân đội Bắc Việt Nam đã tận dụng tối đa những tình huống khách quan như mây mù, đêm tối và mưa gió. Với việc nắm vững địa thế cùng thời tiết, hầu như họ biết chính xác khi nào thì cần tấn công đối phương.
Quân đội Mỹ và Nam Việt Nam trú đóng trong những lều trại và hầm trú ẩn lầy lội, bẩn thỉu. Khi chúng tôi đến, trời ẩm ướt. Mùa mưa đã bắt đầu từ tháng Bảy và một cơn mưa đã đổ xuống khi máy bay hạ cánh.
Ngay trước khi chúng tôi đến đây, một binh sĩ Nam Việt Nam đào ngũ đã bị tra tấn và bị giết chết. Khi chúng tôi bước ra khỏi trực thăng, thi thể quắt queo của người lính này đang bị đặt nằm dưới một bao cát chẳng xa trung tâm trại lính là mấy. Viên thiếu tá chẳng tỏ chút quan tâm đến vụ việc này. Ông ta cho biết là người lính đã trốn chạy, muốn trở về làng của mình nhưng bị quân đội Nam Việt Nam bắt lại và trừng phạt như một người đào ngũ. Lính Nam Việt Nam đã đặt một bao cát thật nặng trên lưng người lính bị cáo buộc đào ngũ rồi bắt anh ta chạy quanh cột cờ nhiều tiếng đồng hồ mà không cho uống một giọt nước nào cho đến khi anh ta chết vì mất nước.
Những người lính Nam Việt Nam chỉ cho tôi xem cột cờ cùng thi thể người lính rồi giải thích: “Đây là những gì chúng tôi đã làm với những kẻ hèn nhát”.
Tôi đặt câu hỏi với viên thiếu tá về cách xử sự như thế. Ông trả lời:
- Quân đội Nam Việt Nam có quân luật của họ và chúng ta có quân luật của chúng ta. Nếu tôi can thiệp, họ sẽ cười tôi, sẽ nghĩ rằng tôi là một chỉ huy tồi và tôi sẽ mất mặt. Thế nên thây kệ họ muốn làm gì thì làm. Tôi nghĩ là nhờ vậy mà chúng ta sẽ không có người hèn nhát như thế nữa ở quanh đây.
Những quân nhân Nam Việt Nam để cho người lính nằm chết như thế, dưới bao cát nặng, với khuôn mặt nhăn nhó vì đau đớn cực độ. Họ không chôn cất và để cho thi thể thối rữa trong hai ngày, như để răn đe những binh lính khác. Chiến tranh đã mang lại sự tàn ác, nhẫn tâm cho cả hai phía.
Trong thung lũng A Sao, quân đội Mỹ và Nam Việt Nam bị “dợt”, bị thử thách suốt ngày. Doanh trại liên tục bị pháo bằng hỏa tiễn hoặc đạn cối. Thỉnh thoảng, doanh trại lại bị kẻ thù đột nhập, thường là vào lúc sáng sớm hay chập choạng tối. Lúc đó, đạn nổ rền như mưa. Vào lúc sơ hở nhất, địch quân xuất hiện, thâm nhập vào dò xét, tìm kiếm các điểm yếu trong hệ thống phòng thủ của trại.
Vào một buổi chiều mưa nặng hạt, tôi quan sát kỹ những khuôn mặt khắc khổ và gan dạ. Và những gì tôi nhận thấy trên gương mặt họ là vẻ chán nản, tiều tụy. Chính những khuôn mặt này đã giúp tôi hiểu thêm về mối hiểm nguy rình rập khắp mọi nơi trong khuôn viên doanh trại này. Tôi biết có nhiều đơn vị trú đóng trong những vị trí phòng vệ yếu kém như thế đã bị tấn công, bị xóa sổ hoàn toàn; và tất cả những quân nhân đồn trú trong thung lũng A Sao đều biết là họ có thể chết bất cứ lúc nào.
Dù kỷ luật gắt gao, nhưng chỉ trong những trường hợp bất đắc dĩ thì lính Mỹ mới chịu đi vào rừng trong những chuyến tuần tra gọi là trinh sát tầm xa. Họ e ngại bị kẻ thù phục kích. Kẻ thù ngụy trang khéo léo, ẩn náu dưới hầm hố, lại nắm rõ địa thế rừng núi hơn họ nhiều. Ngay chính binh lính Nam Việt Nam còn miễn cưỡng đi tuần tra hơn cả binh lính Mỹ.
Thật dễ dàng lọt vào ổ phục kích của quân địch, nhưng ngược lại, thật khó có thể tấn công bất ngờ vào bất cứ lực lượng có tầm cỡ nào của đối phương. Những đơn vị giống như đơn vị này thỉnh thoảng bị cô lập và có thể bị tấn công như những tiền đồn xa xôi trong nhiều tháng trời. Họ tự thiết chế những kiểu cách riêng trong hoạt động của mình chứ không theo sách vở nào cả, cũng chẳng giống chút nào phương cách họ làm ở Đà Nẵng. Trại lính này giống như một khu trừng giới, một kiểu thuộc địa xa xôi hồi thế kỷ 18 để đưa tội phạm đến thụ hình. Tại đây, viên thiếu tá thiết lập luật lệ riêng cho “vương quốc” của mình.
Tôi đã chứng kiến việc viên thiếu tá giáo dục binh lính thuộc quyền bằng cách bắt họ lặp lại theo nhịp và theo giọng của ông.
- Giết những thằng mọi (da) vàng! Tàn sát Việt Cộng! Giết hết bọn Đông Nam Á! Giết những thằng chết tiệt! Giết hoặc là bị giết! - Viên thiếu tá hô lên từng câu và binh lính của ông lặp lại từng câu một.
- Đếm xác! Tướng Westmoreland và các chỉ huy cao cấp muốn có nhiều xác chết hơn! Nhiều vùng oanh kích tự do! Nhiều vùng bắn giết tự do! Nhiều cánh đồng chết bất tận: đó là chìa khóa của chiến thắng! - Viên thiếu tá nói như hét.
- Các chiến sĩ, các bạn có biết không, một số người sẽ chiến thắng cuộc chiến tranh này và các bạn phải là những người đó! - Ông ta tiếp tục thét lên.
- Vâng, đúng vậy thưa thiếu tá! - Binh lính của ông đồng thanh đáp lại.
Hôm đó, cơn mưa nhẹ rơi trên lều của viên thiếu tá và tôi cùng ông nói chuyện thâu đêm. Viên thiếu tá là một người tin tưởng hoàn toàn vào những nỗ lực cho cuộc chiến. Ông ta tin chắc là Mỹ và Nam Việt Nam sẽ chiến thắng dựa vào hỏa lực vượt trội. Ông ta tin là chúng ta sẽ làm cho người Việt Nam phải quy phục vì hoảng sợ. Triết lý của ông ấy là hễ ai nắm được cây gậy lớn nhất và làm cho đối phương khiếp đảm nhất thì người đó chiến thắng.
Tôi thắc mắc tự hỏi về viên thiếu tá, vì ông ấy có vẻ là người hiểu biết, am tường thời cuộc. Chắc chắn là ông ta phải biết là mình đang ở vào một vị trí không thể giữ nổi khi chỉ nắm trong tay một toán biệt kích vài chục lính nằm trong một thung lũng có đến hàng trăm tay súng của kẻ địch vây quanh.
Tôi và ông ta tranh luận về cuộc chiến. Tôi cảm thấy cuộc chiến này chỉ là phần kéo dài ra của thời kỳ thống trị của thực dân Pháp. Tôi nhắc nhở viên thiếu tá về sự sụp đổ của thực dân Pháp khi bị đánh bại ở Điện Biên Phủ năm 1954.
Viên thiếu tá thích thú tranh luận. Ông ta viện dẫn thuyết domino là nếu Cộng Sản chiến thắng ở Việt Nam thì tất cả những quốc gia Đông Nam Á khác cũng sẽ trở thành những nước theo chủ nghĩa Cộng Sản. Về cơ bản, ông ta xem đây là một cuộc chiến tranh chống lại sự xâm lược của Cộng Sản.
Viên thiếu tá có bằng cấp về kinh tế. Ông ta khẳng định rằng Hoa Kỳ sẽ được hưởng nhiều lợi ích quan trọng nếu chiến thắng và thiết lập hệ thống tư bản ở Việt Nam.
- Nên nhớ rằng, - ông nói, - tất cả các cuộc chiến tranh thật ra đều không vì hệ tư tưởng chính trị. Các cuộc chiến, trước hết, là vì những lý do kinh tế.
Ông ta giải thích một cách mạnh mẽ rằng cuộc chiến hiện nay là vì vonfam – một khoáng sản chiến lược dùng để tạo ra hợp kim làm dây tóc bóng đèn – được xuất khẩu từ nhiều địa phương ở Việt Nam.
- Chúng ta có mặt ở đây là vì chúng ta cần vonfam để chế tạo các bóng đèn. Chỉ một số người cần có thứ nguyên liệu đó để cho cả thế giới phải chịu ảnh hưởng! - Ông mỉm cười.
Viên thiếu tá khẳng định đó là sự thật, và vào thời điểm đó, tôi đã nghĩ rằng có lẽ ông ta đúng. Nhưng về sau, tôi phát hiện là mặc dù Việt Nam có xuất khẩu một số kim loại nhưng đó không phải là khoáng sản chiến lược không thể thay thế như viên thiếu tá khẳng định.
Tuy vậy, biết viên thiếu ta là một người quá tin vào lập luận của mình, tôi đã không tranh cãi thêm nữa về cuộc chiến. Nhiều năm sau này, trong thời gian diễn ra cuộc chiến tranh Iraq lần thứ hai, tôi lại nghĩ là viên thiếu tá này có lý. Dường như chúng ta đã theo đuổi cuộc chiến Iraq không phải vì sợ chế độ Saddam Hussein hay vũ khí hủy diệt hàng loạt mà vì một mặt hàng chiến lược. Đó là dầu mỏ!
Hai ngày sau, viên thiếu tá chở tôi bằng xe Jeep ra khỏi thung lũng A Sao vào lúc sáng sớm. Khi chiếc xe phóng nhanh ra khỏi trại lính nhỏ nhoi đó, tôi không biết là viên thiếu tá cùng các quân nhân thuộc quyền của ông tồn tại được bao lâu trong hoàn cảnh cô lập và đầy thử thách hiểm nguy như thế.
Khi đi qua nhiều vùng trên khắp đất nước Việt Nam, những tiếng nằm lòng mà tôi nghe được từ miệng các binh lính và sĩ quan của chúng ta là: Giết! Giết! Giết! Càng nhiều xác chết càng tốt! Phải chiến thắng! Chiến thắng bằng mọi giá! Và kế sách để làm mất tính người là sử dụng những tiếng miệt thị như “mọi da vàng” và “bọn Đông Nam Á”. Nhưng cũng vào thời điểm đó, nhiều quân nhân cũng đã nhận được thông điệp từ thế giới bên ngoài rằng việc sát hại như thế là sai lầm, và thực tế là đã dấy lên những xung khắc trong nội bộ quân đội, giữa việc tuân thủ mệnh lệnh cấp trên hay là làm theo lương tâm của mình.
Một năm sau, trận chiến trên “Đồi Thịt Băm” (Hamburger Hill), một ngọn đồi ở cao độ 900m bên hông thung lũng A Sao trở thành tin nóng, tin trên trang nhất các báo ở Mỹ. Trận chiến bắt đầu khi quân đội chúng ta tập trung gần 2.000 tay súng cùng với sự yểm trợ phi pháo mãnh liệt của không lực để tiến chiếm ngọn đồi do đối phương chiếm giữ. Theo Samuel Zaffiri, tác giả cuốn Hamburger Hill thì một tháng sau khi chiếm được ngọn đồi, quân đội Mỹ đã phải bỏ vị trí này - nơi mà để giành được, chúng ta vốn đã phải chiến đấu ròng rã 10 ngày trời với số thương vong lên tới 70 người chết, 372 bị thương. Guenter Lewy, tác giả cuốn America in Vietnam cho biết, chính những thiệt hại nặng nề này đã khiến Quốc hội Mỹ nghi ngờ, đặt lại vấn đề về chiến lược quân sự của Mỹ ở Việt Nam.
Từ thung lũng A Sao, tôi an toàn trở lại Quảng Trị. Chỉ 2 tuần nữa thì thời gian làm bác sĩ tình nguyện của tôi sẽ chấm dứt. Khoảng 10 ngày trước khi rời Việt Nam, người ta đã thu hồi chiếc xe Jeep trước đây cấp cho tôi. Tôi bắt đầu cảm thấy mình là người thừa thãi. Tôi giữ im lặng đối với mọi việc mà mình đã mục kích cho đến khi rời Việt Nam, nhưng tôi rất muốn làm cách nào đó để chấm dứt cuộc chiến sau khi về nước. Và tôi đã không đơn độc trong việc này.
Tuy chỉ ở Việt Nam có 2 tháng, nhưng khoảng thời gian đó giống như cả một đời người. Tôi còn nhớ rõ ngày mà tin tức về cái chết của Robert Kennedy được truyền đi trên máy vô tuyến xách tay khi tôi đang ngồi trên xe Jeep đi Đà Nẵng. Đà Nẵng đã trở thành nơi không an toàn do đạn pháo của đối phương. Và vào thời điểm đó, tôi đã lo sợ rằng chiến cuộc sẽ kéo dài mãi mãi. Đó là bởi vì một người có mong muốn và có khả năng cho rút quân đội ra khỏi Việt Nam sau khi đắc cử tổng thống như Robert Kennedy đã bị giết chết. Tôi ứa nước mắt khi nghĩ rằng Robert Kennedy là niềm hy vọng cuối cùng của chúng tôi trong việc nhanh chóng chấm dứt cuộc chiến ở Việt Nam.
Tôi rời bệnh viện tỉnh Quảng Trị vào ngày 4.7.1968 - Ngày Độc Lập của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Trở lại miền Bắc California, tôi không có cảm giác trở về nhà bằng cảm giác đang dấn thân vào một trận chiến khác – trận chiến về vai trò của nước Mỹ trong cuộc chiến Việt Nam. Mọi việc ở bệnh viện Mendocino State không được thuận lợi. Không quan tâm đến điều đó, tôi cứ mãi suy nghĩ về những con người tàn ác, những ký ức khủng khiếp và những điều tàn khốc, vô nhân đạo mà mình đã chứng kiến ở Việt Nam. Vào thời điểm ấy, ở một mức độ nào đó, Việt Nam gần như là quê hương thật sự của tôi.
@by txiuqw4