Về Mỹ, tôi trở lại công việc tẻ nhạt của mình: bác sĩ tâm thần nội trú ở Mendocino State Hospital, một bệnh viện đang chuẩn bị đóng cửa.
Tôi đã có nhiều xung đột với những người giám sát trực tiếp của mình tại bệnh viện, và sau những kích động ở Việt Nam, tôi càng cảm thấy buồn chán với công việc của mình. Tôi đã hoàn tất bài tiểu luận về hệ thống điều trị bệnh tâm thần ở Việt Nam mà những giám sát chuyên môn chắc chắn là sẽ hài lòng nhờ chuyến đi Việt Nam của tôi vừa qua.
Tại Việt Nam, tôi đã tiến hành các chuyến đi thực tế với bệnh viện đại học Huế và đã thực hiện vài cuộc phỏng vấn trực tiếp với những bệnh nhân tâm thần cũng như xem xét hồ sơ bệnh án của họ. Dù điều kiện chữa trị và trang bị thô sơ, dù không có điều kiện sử dụng các dược phẩm hiện đại, nhưng lòng nhân ái và lương tâm nghề nghiệp của các bác sĩ và nhân viên ngành y thuộc các bệnh viện tâm thần ở Việt Nam đã cho tôi ấn tượng mạnh.
Khi trở về nước, tôi trở nên ít nói, ít tin tưởng vào người khác. Việt Nam đã thay đổi tính cách của tôi. Tôi không muốn bàn luận về những gì mình đã chứng kiến ở Việt Nam. Tôi cảm thấy việc cố mô tả hay giãi bày những điều đó sẽ khiến chúng trở nên tầm thường, đồng thời không thể hiện được hết những tác động to lớn của chúng đối với tôi.
Một trong những nhân vật thú vị nhất tôi gặp trong chuyến đi lần đầu tiên đến Việt Nam là Richard Hughes, quản lý một tổ chức nhân đạo nhỏ mang tên Shoeshine Boys of Vietnam (Những đứa trẻ đánh giày Việt Nam). Một ngày nọ, cái gã tóc dài cao lênh khênh như cây sậy đó xuất hiện tại bệnh viện tỉnh Quảng Trị trong bộ đồ lao động màu xanh lá cây, trong lúc tôi đang chữa trị cho một bà cụ 80 tuổi bị bắn vào đầu. Anh chàng trông có vẻ là một phóng viên chiến trường với mái tóc đen, dài và rậm cùng cái máy ảnh treo tòn ten trên cổ.
Richard Hughes quan sát tôi chăm sóc bệnh nhân. Bà cụ bị một viên đạn vừa chạm tới khung sọ. Viên đạn nằm nhô ra dưới làn da đầu. Khi lấy viên đạn ra, tôi để trên tay rồi chìa cho Richard xem.
- Có phải tất cả những ca bệnh của ông đều dễ dàng như thế không bác sĩ? - Anh ta hỏi bằng giọng nhỏ nhẹ.
- Tôi mong là thế. Tôi mong tất cả mọi người đều may mắn như bà cụ này. - Tôi trả lời.
Tôi xử lý vết thương bằng dung dịch sát trùng I-ốt và băng đầu lại cho bà cụ. Xong xuôi, bà đứng dậy, cúi đầu chào cảm ơn tôi và chầm chậm bước đi.
Từ đó, tôi và Richard Hughes trở thành bạn và tình bằng hữu giữa chúng tôi bền chặt suốt đời, mặc dù vào lúc đó tôi không hề nghĩ đến.
Nếu như Mẹ Teresa(1) là vị thánh ở Calcutta thì có thể xem Richard Hughes là vị thánh ở Sài Gòn. Là người từ chối lệnh nhập ngũ vì lương tâm cho là không đúng, Richard đến Sài Gòn vào khoảng đầu năm 1968. Anh giúp cung cấp thực phẩm, áo quần và chỗ ngủ cho trẻ em đường phố, những đứa trẻ nghèo bị mất cha mẹ trong chiến tranh. Tổ chức nhân đạo Shoeshine Boys of Vietnam của anh có trụ sở ở Sài Gòn nhưng cũng trợ giúp trẻ mồ côi ở nhiều thành phố khác.
Trẻ mồ côi bị hư hỏng do sự hiện diện của người Mỹ cũng như do nhiều quan chức trong chính quyền Nam Việt Nam. Mặc dù những cậu bé này có thể bám theo khách trên đường phố, nài nỉ đánh giày cho họ để nhận một ít tiền, nhưng để sống còn trên đường phố mà không có sự bảo vệ của người lớn, những trẻ mồ côi tuổi 12, 13 nhanh chóng trở thành những tay trộm vặt, mua bán ma túy, cờ bạc, bán dâm hay dẫn mối, ma cô và thậm chí có thể bị người ta thuê mướn để giết người.
Bạn cần một máy ảnh đẹp mà rẻ tiền ư? Cậu bé đánh giày sẽ ăn trộm một cái và bán cho bạn với giá chỉ 5 đô-la. Cần một cây thuốc lá 555 hoặc một ít cần sa? Cậu bé đánh giày sẽ đem ngay cho bạn với giá chừng 30 xu. Cần một ít bạch phiến? Những thằng nhóc sẽ mang lại trong chớp mắt. Bạn cần gái? Có ngay ở một góc đường nào đó, chỉ với 2 đô-la. Bạn sẽ được đứa trẻ dẫn đi qua nhiều khu phố phảng phất mùi hôi bốc lên từ cống rãnh, đến một cái phòng trọ sơ sài, cửa sổ mở, không có nước máy và bạn sẽ được những gì mình muốn trong một phòng nhỏ với một cô gái, một chiếc giường và một cái khăn tắm bẩn thỉu. Và một nửa khoản tiền mà bạn trả sẽ được chia cho thằng bé đánh giày dẫn đường, dắt mối. Nếu bạn muốn sát hại một người nào? Cho thằng bé đánh giày một ít đô-la, “công việc” sẽ hoàn tất mà không ai hay biết. Sống trên đường phố không phải là một điều dễ dàng, và trong một đất nước bị chiếm cứ thuộc thế giới thứ ba như Việt Nam, những đứa trẻ phải làm hàng loạt công việc khác nhau, xoay xở mọi cách để kiếm tiền, để tồn tại.
Richard Hughes giúp những trẻ mồ côi này có một nơi để ngủ, thực phẩm để ăn và áo quần để mặc. Một ngày nọ, tôi thấy một đám trẻ bu quanh Richard, nhảy cẫng lên đòi anh phải chia “paycheck” (tiền lương trả bằng séc) của mình.
- Xin lỗi các em, tôi chẳng có paycheck nào cả. - Anh nói.
- Tất cả lính Mỹ đều nhận paycheck mà! - Bọn trẻ đáp lại.
- Nhưng tôi chỉ là một thằng cù bơ cù bất như các em mà thôi.
Tôi không có khoản tiền nào cả. Tôi cũng nghèo như các em.
Richard tìm nơi trú ngụ và việc làm cho những đứa trẻ mà người Việt Nam gọi là “trẻ bụi đời”. Những đứa bé đánh giày tìm thấy nơi Richard Hughes một người bạn thật sự và những nỗ lực nhân đạo của anh đã giúp chúng sống còn. Anh không bao giờ làm chúng thất vọng. Những đứa trẻ chai lì nhận ra rằng, dù là một người Mỹ, anh cũng có thể chăm sóc chúng như một người cha. Khi rời Việt Nam, tôi đã giúp cho tổ chức của Richard 50 đô-la và một bài viết về “Những đứa bé đánh giày” đăng trên báo San Francisco Chronicle, làm cầu nối để độc giả trợ giúp cho tổ chức của Richard trong những năm chiến tranh.
Tháng 10.1968 ở California, trong lúc tôi cảm thấy không vui ở bệnh viện tâm thần thì nhận được một bức thư của Richard. Trong thư, Richard đặt vấn đề một cách đơn giản: “Allen, anh có thích trở lại Việt Nam và giúp chúng tôi không? Chúng tôi có một tổ chức mang tên Ủy ban Trách nhiệm (Committee of Responsibility), trực thuộc cơ quan USAID do Bộ Ngoại giao Mỹ cung cấp ngân sách hoạt động. Chúng tôi cần một bác sĩ y khoa từng quen thuộc với Việt Nam để làm công việc đánh giá mức độ thương tích của trẻ em bị thương”.
Mặc dù đã gần hoàn tất chương trình nội trú của mình, tôi lập tức bị cuốn hút với viễn cảnh trở lại Việt Nam và góp phần tích cực cứu chữa những nạn nhân trẻ em của cuộc chiến. Nhưng khi tôi xin phép các nhân vật quản lý trực tiếp ở bệnh viện Mendocino về việc này, họ nhất định cự tuyệt. Họ không cần biết là ai hỗ trợ cho chuyến đi và cũng không quan tâm đến lý do tôi đưa ra. Lúc đó, tôi đã có cảm giác rằng nghề bác sĩ tâm thần của mình sẽ không được suôn sẻ nếu như tôi đi Việt Nam lần này và tôi có thể bị loại ra khỏi chương trình nội trú bệnh viện. Đó là bởi vì nhiều nhân vật quản lý tôi thuộc loại thù địch với phong trào phản chiến. Tuy nhiên, tôi đã không nhận thức được hết những hậu quả chính trị mà mình phải đối mặt khi thực hiện đợt vắng mặt không phép lần thứ hai trong năm. Và khi chuẩn bị cho chuyến trở lại Việt Nam lần này, tôi cứ nghĩ là những người giám sát tôi sẽ hiểu ra sự việc khi tôi trở về và sẽ để cho tôi hoàn tất những tháng cuối cùng của thời gian nội trú tại bệnh viện Mendocino.
Chuyến đi Việt Nam lần thứ hai của tôi có khác biệt so với lần đầu. Vì không được phân nhiệm cho một công việc y khoa cụ thể nên tôi không có cảm giác bị áp lực về trách nhiệm chăm sóc bệnh nhân hàng ngày. Tôi không phải làm công việc cấp cứu mỗi ngày trong tình trạng thuốc men không đầy đủ và trang thiết bị lỗi thời, mặc dù tôi hiểu bằng kinh nghiệm cá nhân của mình rằng nhiều bệnh viện ở Việt Nam đang rất cần những thứ như thế. Và bằng chính kinh nghiệm đó, tôi nghĩ mình có thể giúp ích phần nào cho các bác sĩ khác.
Ủy ban Trách nhiệm bắt đầu hoạt động từ cuối năm 1966, tập hợp những bác sĩ, nhà khoa học, tu sĩ và những người quan tâm đến việc hỗ trợ thường dân bị thương trong chiến tranh Việt Nam. Bác sĩ Herbert Needleman, giáo sư tại Trường Y Đại học Temple là Chủ tịch Hội đồng quản trị trong suốt thời gian Ủy ban này tồn tại – từ 1966 đến 1974. Vào tháng 4.1967, trước khi tôi đến Việt Nam, các bác sĩ y khoa Mỹ Henry Mayer, Theodore Tapper và John Constable đã thực hiện chuyến khảo sát đầu tiên đối với 35 bệnh viện tỉnh ở Việt Nam. Họ cho biết 60% thường dân bị thương tích vì chiến tranh thuộc độ tuổi dưới 16.
Tuy nhiên, do các bệnh viện Việt Nam quá tải nên những đứa trẻ thường được sự cứu chữa sau cùng. Trẻ em chết rất nhiều vì bị phỏng bom na-pan cùng những viêm nhiễm, những thương tích trầm trọng khác. Nhiều đứa trẻ phải bị mất tay chân, hư mắt… mà trong nhiều trường hợp là có thể cứu chữa được nếu như có thể đưa đến Hoa Kỳ chăm sóc, chữa trị. Vào thời điểm tôi tiếp xúc với Ủy ban thì nhiệm vụ chính của họ là đưa các em cần được chữa trị đến Mỹ, nhưng họ gặp quá nhiều trở ngại vì cách làm việc quan liêu của viên chức chính quyền, vì sự thay đổi nhân sự và vì sự khẩn thiết phải tái lập nhu cầu y tế thực sự cho trẻ em Việt Nam.
Ủy ban Trách nhiệm quan tâm đến việc chuyển ngay bằng máy bay ra khỏi Việt Nam những trẻ em bị thương nặng cần chữa trị kịp thời, đưa các em đến một bệnh viện hiện đại ở Mỹ. Khi trở lại Việt Nam ngày 18.1.1969, tôi đại diện cho Ủy ban, chịu trách nhiệm đánh giá mức độ thương tích của trẻ em Việt Nam bị thương trong chiến tranh.
Lần thứ hai đến Sài Gòn trong vai trò bác sĩ, tôi nhanh chóng gia nhập một nhóm gồm những nhà báo và nhân viên của các tổ chức nhân đạo, những người nhiệt tình phụ giúp tôi trong nhiệm vụ mới. Richard Hughes sắp xếp cho tôi sống chung trong một gia đình người Việt cùng với Don Luce, một nhà báo và là nhân viên về nhân quyền, nhân đạo, đã sống ở Việt Nam từ năm 1958 với tổ chức Dịch vụ tình nguyện quốc tế (International Volunteer Services). Ở Sài Gòn, tôi gặp gỡ rồi kết bạn với John Steinbeck IV - con trai của tiểu thuyết gia John Steinbeck, và Sean Flynn - con trai diễn viên Errol Flynn.
Tôi cũng làm bạn với Stephen Erhart cùng người vợ trẻ đẹp của anh là Crystal. Tất cả đều là nhà báo và phóng viên thường trú nước ngoài. Tôi tin rằng những nhà báo này đích thực là những người yêu nước trong thời đại ấy. Họ điều tra, phát hiện những sự thật bị che giấu, bị lãng tránh ở Việt Nam. Sinh mạng họ bị đe dọa vì những việc làm đó. Trong chuyến đi đầu tiên đến Việt Nam, tôi đã không kết bạn thực sự được với ai ngoài Nguyễn, cậu thông dịch viên tiếng Việt của tôi, nên lần này, tôi hết sức dễ chịu với việc gặp gỡ và kết thân nhanh chóng với những nhà báo trẻ ở Sài Gòn.
Erhart, một phóng viên chiến trường sắc sảo, đã khuyên tôi để anh đi cùng trong những chuyến đi xác minh tin tức về các trẻ em bị thương tại các bệnh viện, từ Đồng bằng sông Cửu Long, Cao nguyên Trung bộ đến các tỉnh chạy dài lên phía Bắc tới bệnh viện cũ của tôi ở Quảng Trị. Trong nhiều tuần lễ sau đó, tôi và Erhart đã đi từ bệnh viện này đến bệnh viện khác bằng trực thăng, thỉnh thoảng cũng bị đạn bắn từ dưới đất lên. Tôi nhớ mãi những chuyến đi vội vã từ trực thăng này qua trực thăng khác để thu thập thông tin về những điều kiện y tế tại các bệnh viện ở Nam Việt Nam.
Erhart là một trong những người ăn nói lưu loát và sâu sắc nhất tôi từng gặp. Là phóng viên của Dispatch News Service, anh là chuyên gia về nội tình của Việt Nam. Erhart từng tâm sự với tôi rằng, là một nhà báo chuyên nghiệp, anh luôn giấu đi cảm xúc khi phỏng vấn các tướng lĩnh Hoa Kỳ và các sĩ quan khác về cuộc chiến. Những gì nghe thấy, ghi nhận được, anh đều thận trọng ghi lại mỗi tối bằng chiếc máy đánh chữ xách tay, chuyển tải vào bài viết của mình.
Trên đường đi, tôi thán phục tài nghệ của Erhart khi anh có thể lột phăng lớp vỏ xuẩn ngốc từ những lời tuyên bố của một tư lệnh quân sự và nhận ra được trong cái dáng làm ra vẻ can đảm, hiên ngang ấy là thực chất của vấn đề, cho thấy cuộc chiến đang đến hồi thất bại. Đó là những sĩ quan hàng đầu mà anh đã phỏng vấn, những người luôn muốn có cái nhìn phiến diện để giúp họ chiến thắng. Việt Nam là nơi tạo dựng binh nghiệp cho một số người và cũng là nơi chôn vùi tên tuổi một số khác, và con đường binh nghiệp của một sĩ quan đôi khi phụ thuộc vào những tuyên bố và tường trình trên các phương tiện truyền thông. Mặc dù đã nhận chỉ thị chung một cách rõ ràng, nhưng một vài sĩ quan can đảm thỉnh thoảng biểu lộ những ý kiến trái ngược khi nói bóng gió rằng chúng ta đang phung phí sinh mạng con người một cách không cần thiết, hoặc giả cho rằng cuộc chiến có thể sẽ dẫn đến thất bại.
Tôi và Erhart đã đi đến mười mấy bệnh viện ở Nam Việt Nam, gồm các bệnh viện dân sự, quân y viện và cả một tàu bệnh viện. Điều kiện tại những bệnh viện này biến thiên từ tuyệt hảo đến nghèo nàn. Tôi đã lập báo cáo về các bệnh viện ở Sài Gòn, Đông Hà, Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Chu Lai, Nha Trang, Cần Thơ, Rạch Giá và cả bệnh viện cũ của tôi ở Quảng Trị.
Tại bệnh viện tỉnh Quảng Trị, nơi tôi hiểu rõ nhất, các điều kiện đã được cải thiện rõ rệt. Những khung lưới được lắp đặt ở cửa sổ để ngăn ruồi muỗi, điều kiện vệ sinh được cải thiện. Bệnh viện có thêm một khu chữa trị bỏng và bộ phận săn sóc thường xuyên cho bệnh nhân nặng. Con số thương vong vì chiến sự giảm xuống từ trung bình 30 ca/ngày còn ít hơn 4 ca/ngày. Tại bệnh viện đại học Huế, nơi tôi từng tham dự ca phẫu thuật tim mở đầu tiên và duy nhất của mình, các bác sĩ tình nguyện đã ra đi từ nhiều tháng trước do những mối quan hệ xấu đi với cộng đồng. Hy vọng là họ sẽ sớm quay trở lại. Giám đốc bệnh viện đại học Huế cho biết, con số thương vong vì chiến tranh giảm rõ rệt và bệnh viện đang cần một bác sĩ giải phẫu tạo hình giỏi, cho dù Huế vẫn còn vấn đề mà tôi nhìn thấy ở khắp nơi: việc thiếu chăm sóc đối với bệnh nhân liệt nửa người.
Tại Đông Hà, nơi trước đây tôi đã chứng kiến những lều bạt đầy thương binh cụt cả tứ chi, chúng tôi thấy một toán gồm 4 đến 6 bác sĩ quân y làm việc hiệu quả tại bệnh viện Marines Memorial mới xây cất với điều kiện vệ sinh cao. Mặc dù các bác sĩ tại đây cho biết mỗi ngày họ chữa trị đến 130 bệnh nhân, nhưng chỉ có vài ba người bị thương tích vì chiến tranh khi chúng tôi có mặt.
Xa hơn về phía Nam là bệnh viện Đà Nẵng, nơi ngẫu nhiên có một lượng lớn các bác sĩ tình nguyện, nhưng điều kiện vật chất thì quá tệ hại. Cứ hai bệnh nhân nằm chung một giường ở khu dành cho bệnh nhân phỏng, chứng tỏ đây là khu bệnh phỏng lớn nhất tại Việt Nam. Điều kiện vệ sinh khu này kém và một y tá Mỹ không được huấn luyện về chăm sóc bệnh nhân phỏng đang cố gắng lo toan cho 70 bệnh nhân với 40 giường bệnh. Khi được hỏi về việc chữa trị cho những bệnh nhân bị liệt nửa người, một bác sĩ phẫu thuật thần kinh nói với tôi: “Chúng tôi chỉ còn cách cho họ về nhà chờ chết. Chúng tôi không có bất cứ cách trị liệu đặc biệt nào ở đây cả”. Khi tôi hỏi liệu bệnh viện có thể sử dụng các sản phẩm sữa bột gửi bằng đường biển hay không thì tôi nhận được câu trả lời: “Trước hết chúng tôi cần có nước sạch đã!”.
Ở tàu bệnh viện Heligoland của Thụy Điển, chúng tôi nhận thấy điều kiện chăm sóc bệnh nhân thật tuyệt vời, chẳng khác gì một bệnh viện của Mỹ. Tôi gọi đó là “một mô hình mẫu cho nhân dân Việt Nam”. Tại Nha Trang, chúng tôi thấy 8 bác sĩ Mỹ cùng với số dân thường bị thương phần lớn tản cư từ các vùng chiến sự đang cần phẫu thuật tạo hình phục hồi chức năng tối thiểu.
Có một bệnh viện tỉnh tuyệt vời ở Rạch Giá với các bác sĩ tình nguyện và bác sĩ quân y. Nhưng ở bệnh viện Cần Thơ thì báo cáo của tôi viết cho Ủy ban ghi: “Bệnh viện có thiết bị nghèo nàn, điều kiện vệ sinh và chăm sóc bệnh nhân kém. Một y tá Mỹ nói rằng cô ta không thể hiểu vì sao các y tá Việt Nam lại lười biếng và vô tâm như thế. Rõ ràng ở đây đã thiếu sự bàn bạc phối hợp và đề ra các quy định chung để cả hai toán có thể hoạt động nhịp nhàng, thay vì cứ tỏ ra bực bội với sự có mặt của toán kia. Công việc của các bác sĩ không quá nặng, nhưng chẳng hề có thông tin hay dự báo gì để họ chuẩn bị trong những lúc có sự gia tăng hoạt động quân sự trong khu vực khiến con số thương vong tăng lên”.
Tại Cần Thơ, tôi đã có một cuộc chuyện trò mấy tiếng đồng hồ với viên phụ trách y tế của Thủy quân lục chiến Quân đoàn IV. Ông ta nói sẽ không xác nhận chuyến đi của tôi đến Cần Thơ, bởi lẽ người đại diện sau cùng của Ủy ban đã để lại ấn tượng không mấy tốt đẹp với nhân viên của ông. Ông ta công khai quan điểm xem Thủy quân lục chiến là ưu tiên một, bác sĩ mới thứ hai, nhưng nhiều vấn đề ông ta nêu ra là khá tốt. Ông lưu ý đến sự cần thiết về việc cải thiện chăm sóc y tế cho thường dân Việt Nam và việc ông không thấy 37 tổ chức tình nguyện ở Việt Nam ưu tiên xử lý những vấn đề y tế cơ bản nhất. Ông nhận xét rằng các bệnh viện dân sự ở Việt Nam có đội ngũ nhân viên tốt hơn là các quân y viện chuyên chữa trị cho quân nhân Nam Việt Nam.
Bài ca dành cho những xác người
Sau trận chiến ở Huế, Trịnh Công Sơn, một nhạc sĩ 28 tuổi danh tiếng của Việt Nam chuyên sáng tác những ca khúc phản chiến, đã viết “Bài ca dành cho những xác người”, một trong những ca khúc xúc động nhất của anh.
Theo bài viết của Crystal Erhart trên tờ Dispatch News Service, 1968, trong cuộc chiến ở Huế, Trịnh Công Sơn đã ngồi nhìn những quân nhân thuộc quân đội Bắc Việt Nam chuyển quân qua vườn nhà mình, và sau khi sống chung với những người tỵ nạn khác trong một căn phòng tối tăm, ẩm ướt khoảng một tháng, rồi chứng kiến thảm cảnh chiến tranh khi người ta phát hiện những hố chôn người tập thể, những cuộc không kích, bắn phá thành nội, những nạn nhân đang giãy chết…, anh đã viết nên những ca từ này.
Xác người nằm trôi sông,
Phơi trên ruộng đồng,
Trên nóc nhà thành phố,
Trên những đường quanh co.
Xác người nằm bơ vơ,
Dưới mái hiên chùa,
Trong giáo đường thành phố,
Trên thềm nhà hoang vu…
Tôi và Erhart nhận thấy một hiện tượng lạ khi đi thăm các bệnh viện. Chúng tôi đã đến nhiều nơi và phát hiện các bệnh viện có rất ít thường dân bị thương vì chiến sự. Đây là một điều bất thường. Có nơi chỉ có vài trẻ em. Số người bị thương ít đi một cách lạ lùng, khác xa con số trên các bài tường thuật của các nhà báo trước đây đã từng tiến hành những chuyến đi tương tự chúng tôi. Có lẽ hành trình của chúng tôi đã được báo trước cho bên không vận Mỹ – vốn do CIA điều hành – nên các tướng lĩnh hoặc những nhà chiến lược của Việt Nam không muốn chúng tôi phát hiện thêm nhiều điều tại các bệnh viện mà chúng tôi đi thăm theo lịch trình. Ủy ban Trách nhiệm có thể bị xem như là “một nhóm hòa bình hippi” và tôi có thể bị gán cho danh hiệu “một bác sĩ dân sự đáng nghi”. Đến nay, tôi vẫn tự hỏi phải chăng một số trẻ em bị thương đã không được chuyển đến bệnh viện vào lúc ấy.
Trong một báo cáo gửi Ủy ban Trách nhiệm ngày 8.2.1969, tôi viết: “Hiện có ít nhu cầu gửi bệnh nhân đi Mỹ chữa trị”. Và nhận xét: “Mức độ chăm sóc y tế còn thấp, nhưng tôi không thể xem việc đưa đi một hay hai bệnh nhân là cần thiết, bởi đó chỉ là số ít trong số hàng loạt bệnh nhân bị nhiễm trùng hậu phẫu, những người liệt bán thân và những ca bị bỏng”.
Trong bản tóm lược gửi cho Ủy ban, tôi báo cáo là tỉ lệ thương vong đã giảm chừng 80% so với cùng kỳ năm trước. Nhìn chung, đã có đủ chuyên gia ngành y, cho dù một số nơi còn thiếu chuyên viên phẫu thuật chỉnh hình, nha sĩ và bác sĩ nội khoa. Mặc dù một số bệnh viện đã bắt đầu thực hiện mức vệ sinh tối thiểu, tôi đã lưu ý là hầu hết các bệnh viện có tỉ lệ nhiễm trùng hậu phẫu là 100% với số tử vong cao. Tôi quan sát thấy nhân viên người Mỹ và Việt Nam làm việc không ăn ý với nhau và không ai chịu trách nhiệm săn sóc bệnh nhân trong trường hợp quân đồng minh rút lui. Tôi viết thêm: “Dù chương trình USAID đã chi thêm hàng triệu đô-la cho việc chăm sóc y tế, nhưng chương trình đã này đã cơ bản thất bại”.
Sau khi đi thăm nhiều bệnh viện, tôi cũng muốn lánh xa một lúc khung cảnh bệnh viện nên đã cùng Erhart quyết định đi nghỉ một ngày ở thành phố Nha Trang. Erhart cũng muốn đi Nha Trang để phỏng vấn một vài sĩ quan Thủy quân lục chiến về diễn tiến của chiến sự.
Giống như bất cứ phóng viên lành nghề nào vào thời điểm đó, Erhart luôn mang theo trong ba lô mình chiếc máy đánh chữ xách tay, còn trong túi thì lúc nào cũng có cuốn sổ tay ghi chép. Anh ta là một người cực kỳ tinh mắt, đã để mắt tới những phụ nữ Việt Nam trẻ đẹp, mà Nha Trang thì nổi tiếng với những cô gái xinh đẹp. Nằm bên bờ biển Đông, Nha Trang khá an bình, là nơi ít bị pháo kích trong suốt cuộc chiến.
Chúng tôi leo lên chiếc máy bay nhỏ có tên “The Otter” (Con rái cá). “Con rái cá” là loại máy bay nhỏ và hiếm hoi nhưng hoàn toàn thích hợp với điều kiện Việt Nam. Nó có thể cất cánh trong địa hình nhỏ hẹp, lao nhanh xuống từ độ cao 1.200m và hạ cánh xuống đường băng ngắn hơn chiều dài một sân bóng đá trong nháy mắt. Ở Việt Nam, bất cứ máy bay nào bay dưới độ cao 1.200m đều trở thành mục tiêu của các loại súng nhỏ và súng phòng không. Khi “Con rái cá” hạ cánh xuống Nha Trang, chúng tôi khoan khoái đón nhận những làn gió nhẹ tươi tắn thổi từ biển Đông.
Erhart cùng tôi đi bộ dọc theo con đường nhỏ từ phi trường xuống bãi biển cát trắng của Nha Trang. Chúng tôi lập tức chú ý đến một khu vực bãi biển được những tay lính Thủy quân lục chiến trẻ ngực cởi trần bao quanh thành một vòng tròn lớn. Cái vòng này có đường kính chừng 15m và tròn đều như thể ta vẽ bằng compa, trông giống như một cái bánh doughnut bằng người, bao quanh là cát và các loại dù ở bãi biển.
Lại gần hơn, chúng tôi thấy những người lính này đang chăm chú vào một cô gái Mỹ xinh đẹp. Một mình giữa trung tâm vòng tròn, cô gái đáng yêu kia trong bộ đồ tắm đang ngồi dưới một cây dù. Xung quanh cô là một đám đông lính Thủy quân lục chiến đang say sưa ngắm nhìn, một vài người dùng cả ống nhòm, số khác đơn giản chỉ ngắm vóc dáng cân đối, quyến rũ của cô gái. Cô thản nhiên như thể đang ngồi trên một bệ cát, chẳng hề quan tâm đến xung quanh trong khi không một tay lính nào dám bén mảng đến gần cô hơn khoảng cách 7,5m.
Một lát sau, tôi và Erhart nghĩ là mình phải bước vào vòng “ảo ảnh” như một cảnh trong phim của Fellini này mới được. Cô gái có mái tóc dài màu hung đỏ và một khuôn mặt, một dáng dấp đẹp cùng làn da rám nắng. Chắc chắn cô không phải là người Việt Nam. Ngồi lặng yên trên cát, cô đang trầm ngâm và viết gì đó vào cuốn sổ tay.
Bằng một thái độ dịu dàng, anh chàng thạo đời Erhart nhỏ nhẹ hỏi cô đang viết gì và được biết cô ta đang viết hồi ký. Cô tên là Marilyn, vũ nữ tại một sàn nhảy địa phương. Marilyn còn cho hay là cô đã tiết kiệm được 150.000 đô-la từ công việc ở sàn nhảy và đang viết một cuốn sách về những trải nghiệm của mình tại Việt Nam.
Tôi không hiểu tại sao được đám đông ngưỡng mộ như thế mà không một người lính nào đến gần cô. Marilyn nhanh nhẹn giải thích rằng, cô thuộc loại “của cấm, không được bén mảng”. Cô cho biết, ngay khi đám lính kia đặt chân đến Nha Trang trong một kỳ nghỉ ngắn, họ đã được các sĩ quan cảnh báo là không được đến gần Marilyn quá 7,5m. Tôi lấy làm lạ là lúc đó tôi chẳng hề thấy một sĩ quan nào cả, chỉ có nhóm lính đang nhìn cả ba chúng tôi.
Marilyn hỏi xem chúng tôi ngủ lại ở đâu.
- Chúng tôi chưa biết. - Erhart nói.
- Ồ, vậy thì các anh có thể ở lại với tôi tối nay.
Thật là một câu trả lời thú vị! Tôi rộn ràng với ý nghĩ sẽ được ngủ chung phòng với cô gái này. Trước đây, tôi từng thề với lòng mình là sẽ không lợi dụng bất kỳ người phụ nữ Việt Nam nào, nhưng đây lại là một cô gái Mỹ và cô ấy đã mời chúng tôi qua đêm với cô ta. Tôi là một gã con trai Mỹ cường tráng và người đang mỉm cười với chúng tôi là một phụ nữ đẹp, ăn mặc gợi cảm. Không giống như những gã lính đang nhìn chúng tôi chòng chọc kia, người ta không nói với chúng tôi rằng Marilyn thuộc loại “của cấm, không được bén mảng”.
Erhart và tôi theo chân Marilyn về nơi ở của cô, trong một nhà tiền chế nhỏ. Khi chúng tôi bước vào cổng khu nhà, người lính gác Thủy quân lục chiến chào chúng tôi theo kiểu nhà binh. Tôi ngẫm ra ngay là chỉ có sĩ quan mới được phép đi vào khu nhà của Marilyn, bởi chỉ có sĩ quan mới được binh lính chào kiểu đó. Tôi và Erhart chào lại. Khi đi cùng Marilyn, chúng tôi đều được chào như thế ở khắp Nha Trang. Riêng Marilyn, cô không đáp trả những cái chào nhà binh đó và làm ra vẻ mặc nhiên là như thế.
Căn nhà tiền chế của Marilyn là một nơi cư trú nhỏ theo tiêu chuẩn người Mỹ vì chỉ có một phòng ngủ và một cái bếp, ngăn cách bởi một buồng tắm nhỏ. Chúng tôi thư giãn, tắm gội nhanh chóng rồi thay quần áo đi ăn tối. Marilyn diện một váy ngắn màu đen bó sát người và hầu như chúng tôi có thể thấy hết những đường cong tuyệt mỹ của cô. Quả là cô ta có đôi chân thật đẹp. Tiết trời ở Việt Nam quá nóng và ẩm nên hầu như các cô gái Việt Nam đều không mặc quần áo lót, và cả hai đứa chúng tôi chẳng ngạc nhiên gì khi Marilyn cũng mặc như thế. Tuy nhiên, vóc dáng xinh đẹp của cô trong chiếc váy đen đã cuốn hút chúng tôi ngay tức khắc.
Chúng tôi cùng ăn tối tại một nhà hàng ở Nha Trang. Cả ba đều gọi rượu vang. Tôi và Marilyn ăn cơm với tôm và món salad trộn, còn Erhart thì gọi một tô cơm lớn, cỡ bằng một phần tư ga-lông (hơn 1 lít) và anh ta ăn hết sạch.
Sau khi ăn hết tô cơm, tay phóng viên đáo để này nhìn suốt qua bàn ăn rồi dừng đôi mắt thèm muốn ở chỗ Marilyn:
- Nếu như anh có thể ăn hết thêm một tô cơm cỡ này, em đồng ý ngủ với anh đêm nay chứ?
Marilyn trả lời đồng ý trước sự ngạc nhiên của tôi.
Erhart là người có khiếu ăn nói. Như vừa rồi, anh chàng đã uốn lưỡi thật mềm và nhanh. Giờ thì tôi chỉ còn cách ngồi đó mà buồn. Một màn giành gái như trong tiểu thuyết và tôi là người thua cuộc trước khi bữa ăn tối chấm dứt.
Chúng tôi gọi thêm rượu vang. Erhart kêu thêm một tô cơm, xới lên và dùng đũa ăn theo cách của người Việt Nam. Anh ta ăn chậm dần với 2/3 tô cơm thứ hai nhưng tôi cứ thúc giục, nhấn mạnh là anh ta có thể ăn hết tô cơm, không chừa một hột. Erhart tỏ ra là người có tính ganh đua cực kỳ. Khi anh ta tiếp tục ăn, rồi ăn hết tô cơm, tôi để ý thấy vẻ mặt anh ta khang khác, một biểu hiện mà tôi chưa từng thấy trước đó bao giờ. Erhart bắt đầu đổ mồ hôi, nhưng tôi cũng thấy rằng anh ta sẽ không để cho chút trở ngại đó chi phối việc lên giường với cô Marilyn yêu kiều. Trông Erhart đã có vẻ bất ổn, nhưng tôi vẫn cứ nghĩ một cách buồn bã là việc hành xác này của anh ta sắp được bù đắp một cách xứng đáng.
Erhart ăn xong, đứng dậy và giục chúng tôi ra về. Trên đường về, tôi chú ý thấy anh ta đi chậm chạp, uể oải, lờ đờ. Erhart cũng chẳng chào lại người lính gác. Với con mắt nghề nghiệp, tôi nhanh chóng ước lượng kích cỡ dạ dày của Erhart rồi so sánh với lượng cơm mà anh ta đã ăn, cộng với hai ly rượu vang. Khi chúng tôi về đến nhà, Erhart bắt đầu bị nấc cụt và lấy tay xoa bóp bụng mình; tôi lặng lẽ tính toán, biết là anh ấy đang phải đối phó với số cơm quá nhiều trong dạ dày.
Các cửa sổ trong nhà Marilyn đã được phủ kín bằng những tấm màn đen. Sau khi chúng tôi vào nhà, cô ta cũng buộc cửa chính bằng dây buộc màu đen, rồi quay qua Erhart, lúc đó bắt đầu có vẻ tái xanh đi.
- Trông anh không được khỏe, phải không? - Cô nàng hỏi.
- Anh là của em đêm nay. - Erhart rền rĩ, rồi vội vã hướng về buồng tắm.
Cả tôi và Marilyn đều nghe rõ tiếng Erhart vừa nôn ói, vừa rên rỉ.
Tôi gõ cửa buồng tắm, lịch sự khuyên Erhart dùng một ít thuốc nhưng anh chàng từ chối và nói yếu ớt: “Tôi sẽ khỏe thôi”.
Hôm đó là ngày có thời tiết rất đặc trưng ở Việt Nam, chừng 35 độ cả ngày lẫn đêm, với độ ẩm từ 75 đến 80%. Không khí tươi mát hòa lẫn với làn gió nhẹ của biển Đông. Nha Trang vào đêm đó như khác hẳn các thành phố khác của Việt Nam, vốn thường sặc mùi khói xe, than củi và dầu lửa.
Marilyn trải một cái mền dưới nền nhà dành cho bọn tôi, còn Erhart được dành cho chiếc giường, cho dù anh chàng chẳng sử dụng được bao nhiêu. Tay phóng viên “cơm” này loạng choạng chạy tới chạy lui buồng tắm suốt cả đêm, rên rỉ và cố nôn ra cho hết những gì còn trong dạ dày. Cái vẻ hiên ngang, hoạt bát thường ngày biến đi đâu mất cùng vẻ quyến rũ đáng kể của anh ta. Nhưng Erhart cũng cố kiềm chế và giữ yên lặng.
Tôi nằm trên tấm mền cùng người đẹp Marilyn. Chỉ một va chạm với cơ thể cô nàng nằm kế bên thôi cũng khiến tôi như bị điện giật. Tất cả những gì căng thẳng và kinh hoàng ở Việt Nam tạm thời biến khỏi tâm trí tôi. Marilyn và tôi hôn nhau một cách dịu dàng. Hôn môi, hôn mắt và ngực. Tôi vô cùng hồi hộp khi có được một người đẹp như thế, ngọt ngào và đáng yêu, lại bất ngờ như thế vào đêm hôm đó.
Đột nhiên cô nàng ngồi dậy.
- Em xin lỗi. - Marilyn thì thầm. - Em không thể tiếp tục.
- Có gì vậy em? - Tôi thì thầm hỏi lại.
- Chúng ta không thể tiếp tục được anh ơi.
- Sao vậy em?
- Em bị đau bên dưới này này… - Cô thì thầm. - Em nghĩ có thể em bị bệnh hoa liễu.
- Để anh xem nào. Em biết anh là bác sĩ mà.
Marilyn kiếm cho tôi bao diêm rồi nằm dang hai tay hai chân ra trên tấm mền. Tôi quẹt diêm và khám cho cô nàng dưới ánh sáng lập lòe của que diêm. Dưới con mắt nhà nghề của tôi, Marilyn chỉ có một nốt ruồi nhỏ ở âm hộ. Tôi hỏi cô là có vấn đề gì khi tiểu tiện hay có bị đau âm đạo không. Khi nàng nói không, tức là đã “bật đèn xanh” cho hai đứa.
- Em không có bệnh gì hết! - Tôi thì thầm, không thể kiềm chế niềm đam mê của mình được nữa. Nàng là của tôi.
Niềm khoái lạc trong vòng tay Marilyn sống mãi trong tôi suốt nhiều tuần lễ sau đó, đã tách tôi ra khỏi tâm trạng căng thẳng và chán chường của cuộc chiến ghê sợ này. Tình yêu thương thật kỳ diệu.
Sáng hôm sau, ông bạn Erhart đã hồi phục. Sau khi rời Nha Trang, cả hai chúng tôi viết cho Marilyn mấy lời cám ơn và không bao giờ nhắc đến cô gái ấy nữa. Phần mình, tôi luôn hy vọng Marilyn hoàn tất cuốn sách, và mong cô sẽ có một cuộc sống tốt đẹp xứng đáng với bản chất hào phóng bẩm sinh của cô.
Khi về đến Sài Gòn, tôi nếm mùi quan liêu trong thói làm việc của công chức Nam Việt Nam. Sau chuyến thăm viếng các bệnh viện, tôi thấy việc hình thành một trung tâm thần kinh rất có ích cho người Việt Nam và Sài Gòn sẽ là địa điểm lý tưởng cho một trung tâm như thế. Tại một bệnh viện ở Sài Gòn, ông Cung – người quản lý bệnh viện – ước chừng có khoảng 1.600 bệnh nhân bị liệt bán thân tại các bệnh viện của Việt Nam.
Những bệnh nhân này chẳng hề nhận được một sự chăm sóc đặc biệt nào. Cả ông ta và ông Vi – giám đốc bệnh viện – cho tôi biết số bệnh nhân này có tỉ lệ tử vong cao bởi họ chẳng có lấy một bác sĩ chuyên khoa tiết niệu nào chuyên trị các loại nhiễm trùng vốn thường dẫn đến tử vong. Ông Cung còn ước lượng có khoảng 5.000 người Việt Nam khác bị liệt bán thân mà không nằm ở bệnh viện. Cả hai ông đều đã có dự án thành lập một bệnh viện như thế nhưng không có ngân sách. Ý tưởng thành lập bệnh viện đó với mục đích ban đầu là phục vụ bệnh nhân liệt bán thân, rồi sẽ mở rộng ra thành một trung tâm thần kinh chuyên nghiên cứu, giảng dạy và chăm sóc bệnh nhân là thường dân Việt Nam.
Ủy ban Trách nhiệm cam đoan với tôi rằng có thể tặng cho chính phủ Nam Việt Nam khoản tiền lên đến 2 triệu đô-la trong ngân quỹ của Ủy ban để giúp xây dựng một bệnh viện mới ở Sài Gòn. Người ta khuyên tôi là nên gặp ông Trần Văn Hương, Thủ tướng của Nam Việt Nam. Khi tôi liên hệ với bộ phận văn phòng thủ tướng, họ nói là tôi có thể gặp Thủ tướng tại tư dinh của ông. Khi gặp ông, chúng tôi nói chuyện thông qua thông dịch viên và tôi đề đạt với ông ý tưởng thành lập một bệnh viện thần kinh. Thủ tướng có vẻ ấn tượng với đề án. Ông nói là bệnh viện có thể chăm sóc thêm cho các trẻ em bại liệt. Tôi cam kết khoản tiền 1 triệu đô-la để khởi công.
Thủ tướng nói với tôi thông qua người thông dịch: “Ý tưởng của anh cho thấy sự am hiểu về những nhu cầu tương lai của đất nước chúng tôi”. Nhưng ông lại đưa ra một nhận xét khiến tôi phải luôn luôn ghi nhớ: “Xin làm ơn đừng có phớt lờ lịch sử của chúng tôi”.
Thủ tướng đưa ra thời điểm sắp xếp một cuộc gặp gỡ làm việc giữa tôi với Bộ trưởng Bộ Y tế, một người mà ông mô tả là trẻ tuổi, nhiệt huyết và đầy tham vọng. Ngày 13 tháng 2, tôi gặp Thứ trưởng Bộ Y tế phụ trách viện trợ nước ngoài để bàn luận về đề án. Viên chức của chính phủ này hình như cũng quá thận trọng nên chúng tôi kết thúc buổi họp bằng những nụ cười.
Don Luce tường trình trước Quốc hội.
Là đại diện của tổ chức International Voluntary Services và World Council of Churches, Don Luce đã phục vụ 12 năm tại Việt Nam. Năm 1971, anh ra điều trần trước Tiểu Ban Chet Holifield của Quốc hội Mỹ về những hoạt động của chính phủ có liên quan tới hối lộ, tham nhũng và việc tra tấn người Việt Nam.
Về việc người Mỹ tham gia vào các vụ tra tấn: “Khi tôi nói chuyện với những người từng bị giam trong các Trung tâm thẩm vấn rồi sau đó được thả ra, cùng với việc đặt những câu hỏi tổng quát với hàng trăm người bình thường khác, tôi đã nhận được ý kiến chung của người Việt Nam. Họ nói rằng hầu hết những người bị bắt đều bị tra tấn ngay tức khắc(1) rồi sau đó chuyển đến một Trung tâm thẩm vấn, hoặc một đồn cảnh sát và lại tiếp tục bị tra tấn. Còn với câu hỏi là liệu người Mỹ có dính líu gì đến các vụ tra tấn hay không thì họ nói rằng trong nhiều trường hợp là có sự hiện diện của người Mỹ. Vì thế, người Việt Nam có cảm giác rằng người Mỹ thường theo dõi việc tra tấn và thỉnh thoảng còn tham gia tra tấn nữa”.
Về hối lộ: “Viện trợ của chúng ta bị các quan chức tham nhũng rút ruột. Một viên Quận trưởng mua chức vụ của mình đã kể lại rằng, để thu hồi “vốn”, ông ta phải làm 3 việc. Thứ nhất là ông ta bán số bột mì và dầu ăn vốn được phân phối miễn phí cho dân tỵ nạn; thứ hai là đánh thuế các quán rượu và nhà thổ ở địa phương rồi bỏ túi riêng; và cuối cùng là bán thẻ căn cước (giấy chứng minh nhân dân) mà những người tỵ nạn cần để có thể xin vào làm việc trong các căn cứ không quân”.
Về bệnh hoa liễu: “Mức độ bệnh hoa liễu tăng rất nhanh… Tại Trung tâm bệnh hoa liễu quốc gia, nơi những cô gái bán bar cũng như gái bán dâm bị bắt khi một quán bar không đóng các khoản bảo kê, thì mức nhiễm bệnh của các cô gái này đến khoảng 50%. Đây là một vấn đề tồn tại trong suốt thời gian quân đội chúng ta hiện diện ở Việt Nam và vì những lý do chính trị, chính phủ chúng ta đã chưa cung cấp bất cứ sự trợ giúp y tế nào nhằm làm giảm bớt mức độ lây nhiễm bệnh hoa liễu”.
Về những đứa trẻ lai Mỹ: “Theo ước tính của tôi dựa vào những nghiên cứu của World Council of Churches về số lượng những cô gái bán bar, những người vợ tạm bợ và những gái bán dâm, cùng việc phỏng vấn họ về số con lai với người Mỹ, thì có ít nhất 400.000 trẻ lai Mỹ-Việt… Khi chiến tranh kết thúc, đây sẽ là một vấn đề hết sức khủng khiếp vì khi đó, những cô gái hiện đang kiếm được rất nhiều tiền này sẽ thất nghiệp, và tất cả những đứa trẻ lai sẽ bị đưa vào trại mồ côi; lúc đó, các trại mồ côi sẽ không có đủ ngân sách để đáp ứng”.
Về việc tái định cư cưỡng bức: “Từ năm 1965, chúng ta bắt đầu ép buộc dân chúng rời khỏi nơi cư trú của họ. Cụ thể, chúng ta đã đưa 1/3 dân chúng ở vùng nông thôn lên sinh sống tại các thành thị, xung quanh các căn cứ không quân. Chúng ta trả tiền cao để họ ngủ với binh lính, giặt ủi quần áo hoặc những công việc đại loại như thế. Hiện nay, việc làm đã trở nên khan hiếm hơn và tôi thiết nghĩ, việc bất ổn ở thành thị là hậu quả tất yếu của những gì chúng ta thực hiện hồi năm 1965 khi buộc các nông dân rời khỏi nơi sinh sống của họ… Điều đó đã phá hủy phần quan trọng nhất của xã hội Việt Nam là đời sống gia đình. Đàn ông buộc phải gia nhập quân đội bên này hoặc bên kia. Phụ nữ thì giặt ủi quần áo cho binh lính Mỹ, những cô gái thì làm trong các quán bar hoặc nhà thổ, còn các cháu bé thì đi đánh giày, giữ xe, rửa xe và trộm cắp. Đó là sự phá vỡ hoàn toàn cấu trúc của xã hội”.
Trong những ngày cuối cùng ở Sài Gòn, tôi rất kinh ngạc phát hiện ra rằng, Việt Cộng không phải là những người duy nhất sống dưới đường hầm ở Việt Nam. Erhart yêu cầu tôi – với tư cách là một bác sĩ – đi cùng anh ta đến một khu vực có nhiều binh lính Hoa Kỳ đào ngũ hoặc vắng mặt bất hợp pháp. Những người này rõ ràng là đang sống dưới các đường hầm. Cùng với một toán quay phim của hệ thống truyền hình – tôi không chắc là đài nào, nhưng có lẽ là đài truyền hình NBC – chúng tôi tìm thấy những binh lính Mỹ đào ngũ đang sống trong đường hầm ngay dưới lòng đất Sài Gòn.
Giống như những đường hầm ở vùng nông thôn sử dụng cho mục đích quân sự, người Việt Nam cũng đào một mạng lưới đường hầm ở Sài Gòn trong thời kỳ đấu tranh chống thực dân Pháp. Trong lòng đất Sài Gòn, dưới ánh sáng lờ mờ của nến và đèn xách tay, tôi khám bệnh và cấp thuốc cho những lính Mỹ đào ngũ. Họ là những thanh niên trẻ tuổi, hầu hết có sức khỏe tốt, đang lẩn trốn để tìm cách trở về Hoa Kỳ. Họ gồm đủ cả da trắng, da đen, người gốc La-tinh và ngay cả một người gốc da đỏ. Khi được các phóng viên truyền hình phỏng vấn, tất cả lính đào ngũ này đều nói rằng họ không muốn vô lý giết thêm bất cứ một người Việt Nam nào nữa.
Nơi ẩn nấp kín đáo dưới lòng thành phố Sài Gòn này là một trong những nơi kỳ bí nhất mà tôi từng đến. Khi tôi tiết lộ với người bạn cùng phòng Don Luce thì anh chàng tỏ ra kinh ngạc. Chúng tôi bàn luận và nhất trí giữ bí mật để bảo vệ những người lính này. Vì một vài lý do, những thước phim do các phóng viên truyền hình quay đã không bao giờ được phát sóng, có thể là để bảo vệ những người lính đào ngũ khỏi bị trừng phạt hoặc là để tránh cho chính phủ không bị lúng túng. Khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, chính phủ Mỹ chính thức công bố có gần 50 binh lính phục vụ ở Việt Nam bị xem là đào ngũ. Tuy nhiên, một số nhà điều tra về những người Mỹ mất tích trong khi thi hành nhiệm vụ đã đưa ra con số không chính thức là từ vài trăm cho đến một ngàn người. Một số những người lính Mỹ này chắc là đã ở lại Việt Nam, ra khỏi đường hầm, học tiếng Việt và lập gia đình với phụ nữ Việt Nam sau khi Sài Gòn sụp đổ.
Tôi rời Việt Nam không lâu sau đó và tự hỏi không biết cái bệnh viện tâm thần thật sự cần thiết đó đến chừng nào mới được khởi công. Tôi đã biết là tham nhũng, đút lót, hối lộ và tống tiền đã tràn lan trong chính quyền Nam Việt Nam. Chắc chắn là công việc trông nom, quản lý một dự án như thế không dễ gì thông qua hệ thống viên chức quan liêu mà không bị bòn rút tiền nong. Nhưng ít nhất, khi leo lên máy bay giã biệt Sài Gòn, tôi biết là mình đã để lại nhiều người bạn tốt ở Việt Nam.
Chiến sự vẫn tiếp diễn và bạn bè tôi ở Sài Gòn đã rẽ theo những số phận của riêng mình. Ông bạn Don Luce hướng dẫn dân biểu William Anderson và Augustus Hawkins thăm nhà tù Côn Đảo, nơi họ chứng kiến cảnh “chuồng cọp” tàn bạo. Họ làm ầm lên và kết quả là chính quyền Nam Việt Nam trục xuất Don khỏi Việt Nam vào tháng 5 năm 1971. Crystal Erhart thì mệt mỏi với ông chồng thích tán gái Stephen Erhart nên đã rời bỏ anh ta. Là một nhà báo sắc sảo, cô gia nhập nhóm du hành bằng mô tô do Sean Flynn và John Steinbeck IV khởi xướng. Họ sống lang thang như những tay biệt kích làm báo, truyền tải tin tức về chiến tranh Việt Nam. Crystal kết hôn với John Steinbeck IV và cuối cùng, họ trở về nước Mỹ. Sean Flynn mất tích khi anh theo dõi và đưa tin một sự kiện ở Campuchia năm 1970 với phóng viên ảnh chiến trường Dana Stone.
Những phần còn sót lại của hài cốt anh được phát hiện nhiều năm sau này nhờ vào nỗ lực của phóng viên ảnh chiến trường Tim Page. Dựa vào các chứng cứ pháp lý, có lẽ Sean đã bị quân Khmer Đỏ bắt và hành quyết khi anh vượt biên giới vào Campuchia. Richard Hughes là người bạn Mỹ sau cùng của tôi rời Việt Nam vào tháng 8 năm 1976, mười sáu tháng sau khi Việt Nam thống nhất, khi anh đã giúp đỡ rất nhiều cho “Những đứa trẻ đánh giày Việt Nam” trong 8 năm trời. Cùng thời điểm đó, Stephen Erhart được chẩn đoán là bị ung thư dạ dày. Anh chết ở Ấn Độ năm 1976 khi đang tìm phương cách điều trị.
@by txiuqw4