sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 18: Trở Về Hoa Kỳ

Một người lính Pháp tên Henri Martin đến bán đảo Đông Dương để chuẩn bị đánh lại quân đội Nhật hoàng khi Thế chiến thứ II sắp kết thúc. Nhưng khi người lính trẻ biết được sự thật về những gì đang diễn ra ở vùng Đông Dương thuộc Pháp, anh đã khước từ chiến đấu và trở thành một người từ chối nhập ngũ vì lương tâm cắn rứt.

Henri Martin đã đưa ra những lời lẽ đanh thép, vang dội trong phiên xử của tòa án quân sự. Những cáo giác của anh cũng có thể áp dụng cho trường hợp sau này khi người Mỹ dính líu vào Việt Nam, vì họ đã sử dụng những chiến thuật tàn bạo mà vô ích giống như người Pháp trước đây.

“Tại Đông Dương, quân đội Pháp đã hành động giống như những tay phát xít Đức từng làm trên đất Pháp”, Martin đáp lại các công tố viên tại tòa án quân sự. “Tôi ghê tởm những hành động của họ. Tại sao máy bay chúng ta hàng ngày bắn phá trên đầu những ngư dân tay không? Tại sao binh lính chúng ta cướp bóc, đốt phá và bắn giết? Có phải đó là việc khai hóa một xứ sở? Chúng ta không phải đang đương đầu với một nhóm nổi loạn mà là cả một dân tộc đã nhất quyết bảo vệ nền độc lập của họ. Xin thưa với các ông rằng ở đất nước này, tất cả đều là Việt Minh và cho dù bất cứ điều gì xảy ra đi nữa, thì các ông cũng không thể tàn sát hết tất cả mọi người”.

Võ Nguyên Giáp, vị tướng lĩnh huyền thoại của Việt Nam, người đã từng đánh bại quân Pháp ở Điện Biên Phủ, đã tuyên bố sau khi lực lượng Mỹ rút lui rằng, nhân dân Việt Nam sẵn sàng hy sinh 10 người để đổi mạng một quân nhân Mỹ trên rừng núi hay đồng ruộng của Việt Nam. Trong chiến lược tiến hành cuộc chiến tranh du kích trường kỳ kháng chiến, về cơ bản, Tướng Giáp hoàn toàn đúng khi mà các chiến lược gia quân sự tài ba của Mỹ đã giết hàng triệu người lính và thường dân Việt Nam bằng hỏa lực cực mạnh, nhưng cuối cùng lại là kẻ thua cuộc.

Quân nhân Mỹ gọi việc từ Việt Nam trở về là “back in the world”. Nhiều bác sĩ từng phục vụ ở Việt Nam cũng trải qua một cú sốc sâu sắc khi họ trở về Mỹ và một số bị ám ảnh do những ký ức ở Việt Nam. Bác sĩ Ralf Young, chuyên gia nhi khoa, người từng hướng dẫn cho tôi khi tôi mới đến Huế, đã tự vẫn sau khi về nước. Về phần mình, tôi cũng đã thay đổi ở một mức độ nào đó mà bản thân tôi không thể hiểu ngay được sau mỗi chuyến đi Việt Nam.

Khi tôi trở lại bệnh viện Mendocino, hai bác sĩ giám sát tôi -- Wally Cook và Hewlett Ryan - đã không cho phép tôi hoàn tất chương trình nội trú bệnh viện. Họ nói rằng tôi đã vắng mặt không phép tại bệnh viện. Tôi là người kiên quyết chống lại cuộc chiến trong khi những người giám sát của tôi lại ủng hộ chiến tranh. Tôi đã không được phép khi định chiếu cuộn phim 28 phút về cảnh con người tàn bạo với con người ở Việt Nam cho những bác sĩ nội trú khác thuộc khoa bệnh học thần kinh bệnh viện Mendocino cùng xem. Các bác sĩ giám sát không muốn nghe về những điều tàn bạo mà tôi đã chứng kiến ở Việt Nam. Tôi bị chấn động đến tận xương tủy trước những gì mình đã trông thấy và đã kể cho nhiều người nghe về cuộc tàn sát những em bé thơ dại. Tại Mount Zion, tôi viết cho bác sĩ Weinshol về các vụ thảm sát nhưng ông ta không bao giờ trả lời thư của tôi. Sau một cuộc họp với bác sĩ Ryan và Cook, bác sĩ Wallerstein bảo rằng tôi đã xuyên tạc sự thật, rằng tôi không nên hành nghề chữa bệnh tâm thần nữa mà nên kiếm một nghề khác làm kế sinh nhai.

- Nhưng tôi chỉ còn có 3 tháng của thời hạn 3 năm! - Tôi nói.

- Vâng, Hassan, anh có thể ứng biến được mà. - Ông ta trả lời. - Tôi tin chắc anh sẽ tìm ra một con đường để kiếm sống.

Rồi các bác sĩ giám sát đưa một bản đề nghị cho tôi. Họ nói là sẽ để cho tôi hoàn tất 3 tháng sau cùng của thời kỳ nội trú nếu như tôi chịu viết bản hối lỗi và hứa sẽ không bao giờ làm những việc như thế nữa. Tôi không thể. Tôi nghĩ rằng thời gian ở Việt Nam, tôi đã làm được nhiều việc tốt hơn là những gì mình có thể làm khi ở lại California.

Thế là chúng tôi chia tay. Một thời gian ngắn sau đó, bệnh viện Mendocino đóng cửa vĩnh viễn. Không biết nhiều về tôi, thế mà bác sĩ Ryan – cũng là một cựu binh Thủy quân lục chiến – người phản đối dữ dội quan điểm chống chiến tranh của tôi, đã viết là tôi đã cố ý bóp méo sự thật. Ông tuyên bố: “Nếu anh ta không từ chức, tôi sẽ đuổi cổ anh ta”. Bác sĩ Cook thì để lại một tờ phê bình trong hồ sơ của tôi với nhận xét rằng tôi “được phát hiện là quá gần gũi với những người nghèo, người bất hạnh, những người thua thiệt của thế giới, đặc biệt là với người Ả Rập”. Ông ta còn đề nghị không đề cử tôi vào bất cứ hội đồng nào.

Nhiều năm sau, khi đọc được những hồ sơ này, tôi thật sự bất ngờ với điểm lưu ý về người Ả Rập trong tờ phê bình của bác sĩ Cook, bởi vì tôi chỉ có một người bạn duy nhất vào thời điểm đó có thể được xem là người Ả Rập, nhưng anh ấy chỉ đến thăm tôi có một lần ở Mendocino. Cũng trong hồ sơ của tôi, Phyllis Kemper, trưởng khoa tâm lý ở Mount Zion, đã phê trong một bản ghi nhớ khác rằng, tôi có thể không bao giờ trở thành một bác sĩ tâm thần vì tôi là một người Ả Rập, và những người Ả Rập thì chiếm giữ phụ nữ như là bất động sản. Nói chung, nhiều bản ghi nhớ và thư chỉ trích như thế được đặt trong hồ sơ của tôi. Những giấy tờ này nằm lặng yên trong hồ sơ của tôi ở Hội đồng Y khoa California, im lặng đầu độc nghề nghiệp của tôi. Sau sự kiện khủng bố 11.9.2001, một số trong những văn kiện cũ này đã được sử dụng để đánh giá lòng ái quốc của tôi.

Tuy nhiên, vào thời điểm đó, tôi là một chàng trai trẻ cô độc và đã bớt đi ảo tưởng. Đó là năm 1969. Người ta thẳng thừng yêu cầu tôi rời bệnh viện tâm thần trong khi tôi chưa chuẩn bị hướng đi nào cho mình. Là một bác sĩ nội trú khoa tâm thần, tôi nằm trong loại ưu tú của lớp học trước khi đi Việt Nam, nhưng giờ thì tôi không biết phải làm sao để giải thích việc không hoàn tất chương trình nội trú với Hội đồng Y khoa. Trong khi chờ đợi, tôi sống bằng công việc của một bác sĩ ở bộ phận cấp cứu trong khu vực Sacramento vào cuối tuần, luân phiên giữa nhiều bệnh viện như Folsom, Twin Lakes, Mercy San Juan, Carmichael và Arcade. Nhưng hồi ức về Việt Nam vẫn cứ ám ảnh tôi. Chỉ trong năm đầu tiên trở về từ Việt Nam, tôi đã nhận đến 19 phiếu phạt của cảnh sát về hành vi chạy xe quá tốc độ trên đường đi về nơi làm việc. Một tối nọ, tôi làm việc tại phòng cấp cứu cùng với bác sĩ Gerald Flick, một trong những người năng nổ nhất mà tôi từng gặp. Bác sĩ Flick đang đọc một cuốn sách luật. - Jerry này, chắc là anh bị điên rồi! Làm bác sĩ chưa đủ hay sao? - Tôi nói.

- À! Tôi gặp quá nhiều vấn đề với những quy định tại bệnh viện Kaiser nên tôi quyết định phải trở thành luật sư. - Bác sĩ Flick trả lời.

Điều này gây ấn tượng với tôi. Lúc đó tôi nhận ra rằng, hoặc tôi là người kém cỏi, hoặc bác sĩ Flick làm quá nhiều, quá ham hố. Sau đó, tôi quyết định theo học trường luật.

Vài năm trước đây, khi tôi bắt đầu viết cuốn sách này, tôi đã viết thư cho các bạn từng là bác sĩ tình nguyện ở Việt Nam, đề nghị họ viết lại cảm nhận về những trải nghiệm ở đất nước này. Hơn hai mươi bác sĩ đáp lại bằng những bức thư chân tình mà tôi đã trích dẫn trong cuốn sách này. Tôi nhận thấy nhiều bác sĩ tình nguyện ở Việt Nam đã có những cảm nhận giống tôi, và rằng những trải nghiệm ở Việt Nam đã thay đổi quan điểm về chính trị và cuộc sống của họ.

“Những trải nghiệm ở Việt Nam tác động đến tôi nhiều hơn bất cứ bệnh nhân nào mà tôi từng chữa trị, mặc dù tôi đã làm công việc phục vụ một cách đầy hy vọng”, bác sĩ Joe Nettles - người từng phục vụ hai đợt tình nguyện ở Huế và Đà Nẵng – đã nói như thế. “Tôi ra đi như một kẻ diều hâu, hiếu chiến, nhưng trở về như một người theo chủ nghĩa hòa bình sau khi chứng kiến sự tàn khốc mà cuộc chiến gây ra cho những thường dân vô tội”.

“Việt Nam trong giai đoạn từ tháng Hai đến tháng Tám năm 1972 đã biến tôi từ một bác sĩ đầy lạc quan thành một người am hiểu nhiều hơn về thế giới đau khổ và bất hạnh”, bác sĩ David F. Goldstone – người từng phục vụ ở Quảng Trị và Quy Nhơn – nhớ lại.

Bác sĩ Thomas Felix Oram tình nguyện phục vụ ở Việt Nam năm 1967. Bác sĩ Oram là người Anh, có cha là bác sĩ y khoa thuộc quân y hoàng gia. Ông Oram từng là bác sĩ y khoa làm việc ở Malaysia trong 5 năm rồi chuyển đến Hoa Kỳ và tại đây, ông tình nguyện đến phục vụ ở Việt Nam.

“Tôi đi Việt Nam với một ít hoài nghi về những gì chúng ta đang làm”, bác sĩ Oram viết. “Và khi rời đất nước đó, tôi không hoài nghi nữa mà tin chắc là chúng ta đã có những hành động sai lầm. Tôi cảm thấy những vấn đề sau đây:

1. Quyết định của Hoa Kỳ trấn áp chủ nghĩa Cộng sản đã hỗ trợ cho BẤT CỨ(1) chế độ chống Cộng nào ở bất cứ nơi đâu.

2. Hoa Kỳ quyết định hậu thuẫn cho một loạt các chính quyền ở Việt Nam, trong khi đó là những chính quyền tham nhũng và nhìn chung là KHÔNG(2) phục vụ đại đa số người Việt.

3. Hậu thuẫn quân đội Nam Việt Nam, một quân đội có ít trụ cột, niềm tin và thiếu những kế hoạch phối hợp tốt để chống lại Cộng quân.

4. Các cố vấn của quân đội Mỹ bị thay thế với số lượng ngày càng tăng cùng với sự gia tăng không ngừng của vũ khí và không lực, trong khi các hướng dẫn, chỉ thị rõ ràng những gì phải thi hành thì cứ giảm mãi.

5. Đánh giặc mà như bị trói một tay. Không lực hầu như có thể xóa tên miền Bắc Việt Nam trên bản đồ, nhưng Bắc Việt Nam lại là nơi không được đụng đến.

6. Quan trọng nhất là việc người Việt Nam không tôn trọng và sợ hãi chính quân đội Nam Việt Nam của họ hơn là sợ Việt Cộng.

7. Dân chúng Nam Việt Nam tỏ ra không ghét chủ nghĩa Cộng sản.

8. Số vụ tham nhũng mà người Mỹ dính líu vào có lẽ sẽ không bao giờ biết hết được. Nhiều người Mỹ mong muốn chiến tranh tiếp diễn vì nếu không, nguồn cung cấp tiền bạc cho họ sẽ cạn đi.

9. Hơn 50.000 sinh mạng người Mỹ đã chết trong một cuộc chiến tranh là một mất mát nhục nhã mà lại không có lý do rõ ràng.

10. Nhiều người Nam Việt Nam hầu như xem Hoa Kỳ như là một đế quốc thực dân chỉ quan tâm đến những mẫu mực lý tưởng của riêng họ và chà đạp lên những điều khác”.

Stanley M. Garstka, một bác sĩ tình nguyện ở Nha Trang và Ban Mê Thuột, đã phân tích những nỗ lực y tế của Hoa Kỳ vào ngày 24.6.1968, và những nhận xét này đã được đưa vào hồ sơ Quốc hội Hoa Kỳ. “Trong khi người Việt Nam cảm kích sự trợ giúp của chúng ta,” – bác sĩ Garstka nhận xét – “thì vẫn tồn tại những vấn đề như việc các bác sĩ ngạo mạn và thiếu kinh nghiệm, hay các bác sĩ đã tiến hành những phẫu thuật phức tạp mà không chuẩn bị chăm sóc hậu phẫu thích hợp, nhất là với các ca chỉnh hình, giải phẫu thần kinh và tiết niệu vốn quy định việc theo dõi tiếp tục là điều bắt buộc. Bác sĩ Mỹ đã không tiệt trừ bệnh bạch hầu, bại liệt trẻ em, bệnh đậu mùa, ho gà và bệnh uốn ván ở Việt Nam, mặc dù chúng ta có đủ vắc-xin để xóa sổ tất cả những bệnh này. Các bác sĩ Mỹ đã không giảm được mức độ các bệnh hoa liễu, dịch tả, thương hàn, sốt rét, dịch hạch, bệnh đường ruột và các bệnh khác. Tử lệ tử vong cao ở bệnh nhân sau phẫu thuật cũng như ở những thường dân bị thương do chiến tranh không chỉ liên quan đến chất lượng các khoa, phòng phẫu thuật, mà còn là do việc săn sóc tiếp theo không đầy đủ”.

Bác sĩ Garstka tiếp tục: “Cần phải thừa nhận ngay là chúng ta đã thất bại một cách thảm hại ở Việt Nam, không phải vì chúng ta thiếu khả năng hoặc thiếu động cơ thúc đẩy, mà vì Bộ Ngoại giao và những cơ quan trực thuộc đã là công cụ tạo nên tình trạng hỗn loạn, tham nhũng và làm thất vọng cả người Việt Nam lẫn người Mỹ. Đây là nguyên nhân cơ bản dẫn đến thất bại của chúng ta ở Việt Nam”.

Bác sĩ B. L. Tom phục vụ tại Đà Lạt, cách Sài Gòn mấy trăm km về phía Bắc, nơi không có tivi, radio hay máy hát. Ông đã được truyền cảm hứng từ những lời văn của bác sĩ Tom Dooley, một bác sĩ có nhiều năm cống hiến quên mình ở Việt Nam: “Hãy hiến dâng một phần đời mình cho những người khác. Sự cống hiến của bạn sẽ không vô ích. Nó sẽ là một trải nghiệm rất thú vị bởi đó là những nỗ lực mãnh liệt hướng tới một mục đích đầy ý nghĩa… Và bạn sẽ hưởng được niềm hạnh phúc khi phục vụ cho những người khốn cùng”.

Năm 1970, tôi vào làm việc ở phòng khám bệnh của bác sĩ James Cavanaugh tại Sacramento, California. James là bạn thân cũ của tôi từ chuyến đi đầu tiên đến Việt Nam. Tôi thích thành phố Sacramento, thủ phủ bang California. Bao quanh bằng những đồng lúa bát ngát, những vườn cây ăn quả và nhiều cây nông nghiệp khác, lại không xa dãy núi Sierra, Sacramento khá tách biệt với các thành phố lớn nằm dọc theo bờ biển của California và vẫn giữ được chút ít dáng vẻ của một thành phố nhỏ. Khi tôi ổn định cuộc sống ở Sacramento thì James và vợ anh ly hôn. Rồi James để lại phòng mạch cho tôi.

Tôi vẫn cố giữ quan hệ với các bạn cũ ở Việt Nam, nhưng thời gian trôi qua, chiến tranh Việt Nam trở thành lịch sử. Tôi tiếp tục hành nghề bác sĩ ở Sacramento, chuyên làm bác sĩ gia đình, tiến hành nhiều ca phẫu thuật và giúp hạ sinh nhiều em bé.

Năm 1975, tôi được bổ nhiệm làm Chủ tịch Tổ chức Bác sĩ Gia đình thuộc bệnh viện Community Memorial ở Sacramento. Tôi vinh dự được nhận danh hiệu “Bác sĩ của năm” do Sacramento Bee bầu chọn năm 1976. Trong 3 năm liền, tôi là Chủ tịch Hàn lâm viện Mỹ của các bác sĩ gia đình và là đại biểu tại Hiệp hội Y học California. Tôi cũng được tiến cử cả vào chức Chủ tịch của Hiệp hội Y học California nhưng tên tôi bị rút đi một cách bí mật khi cân nhắc vào những phút chót mà vào lúc đó tôi không biết được lý do. Vào thời điểm đó, tôi cũng bắt đầu nghiên cứu luật học, một môn học mà tôi từng quan tâm từ những ngày còn trên con tàu USS Toledo.

Tôi theo học trường Luật thuộc Lincoln University ở Sacramento và gặp gỡ người vợ tương lai của mình - Sherry Nix - tại một trận đấu quyền Anh giữa hai luật sư. Tôi là bác sĩ săn sóc viên của trận đấu, còn cô ấy là người cầm bảng số cho biết số hiệp thi đấu của trận đấu. Là cựu hoa hậu bang Arizona, trở thành luật sư, rồi thẩm phán, Sherry có lẽ là người phụ nữ đẹp nhất mà tôi từng gặp, lại còn thêm vẻ thông minh một cách lạ thường. Chúng tôi nhanh chóng đồng cảm và say mê nhau. Cả hai đều thích nghiên cứu luật và đã cùng sống chung với nhau một thời gian. Chương trình của trường Luật bao gồm 80% là đọc sách và 20% nghe các giáo sư giảng giải. Tuy chậm nhưng chắc chắn, trường Luật đã thay đổi cách nhìn của tôi về thế giới.

Đáng tiếc là tôi không thể quên được Việt Nam. Trong tuần trăng mật ở Rome và Majorca năm 1974, vợ tôi đưa cho tôi cuốn sách có tựa Home From the War (Trở về từ cuộc chiến) của tác giả Robert J. Lipton. Cuốn sách đã khơi dậy trong tôi những ký ức về Việt Nam, lôi cuốn và ám ảnh tôi. “Việc chứng kiến cái chết của những người già và trẻ em đã khắc ghi vào tâm khảm tôi. Bị bắn vào đầu. Tại sao?”. Tôi viết vào bên lề trang sách đang đọc. “Có lẽ tôi không bao giờ có thể quên được những điều ấy.”

"Chiến tranh chưa chấm dứt"

Khi Richard Hughes trở về Mỹ vào ngày 7.11.1976, anh đã trò chuyện cùng William V. Dunlop, phóng viên của báo The New York Times. Dưới đây là một số cảm nghĩ của Richard vào thời điểm đó:

“Chiến tranh đã chấm dứt ở Việt Nam nhưng vẫn còn tiếp tục ở Hoa Kỳ. Nó vẫn còn mưng mủ trong chúng ta, không chỉ bởi những tổn thất mà chúng ta đã gây ra cho đất nước Việt Nam mà còn vì ảnh hưởng của cuộc chiến đó đã tác động trực tiếp đến mỗi công dân Mỹ. Hiện chúng ta chỉ đang lướt qua và đề cập đến nó một cách chung chung bởi vì đó là một vấn đề quá lớn, cả về thể chất lẫn tinh thần.

Một trong những nguyên nhân khiến vấn đề Việt Nam bị đưa vào “hậu trường” là vì dân chúng cảm thấy những việc họ làm cũng chẳng ích gì, và họ không muốn dính líu đến những gì mà họ cảm thấy mình không thể giải quyết được. Nếu họ biết rằng những hành động của họ có thể giúp ích thực sự cho nhân dân Việt Nam, tôi chắc chắn rằng họ sẽ nhập cuộc ngay tức khắc.

Người Mỹ không căm giận nhân dân Việt Nam. Người Mỹ chỉ phẫn nộ với lãnh đạo của nước Mỹ, những người đã tiến hành chính sách Việt Nam mà không nói sự thật cho dân chúng biết. Đó cũng là nguyên nhân khiến chúng ta hình thành những cảm xúc ức chế về Việt Nam.

Có rất nhiều điều chúng ta có thể học hỏi từ người Việt Nam. Giữa một xã hội mà cái chết hầu như hiện diện ở khắp mọi nơi mà con người vẫn tiếp tục cuộc sống một cách sinh động, đầy tình người. Giữa một xã hội đầy rẫy bạo lực mà con người vẫn dũng cảm, hiên ngang. Và tôi nghĩ rằng nếu chúng ta có được những gì mà nhân dân Việt Nam đã chiêm nghiệm từ cuộc sống thì hẳn chúng ta sẽ có lời giải đáp cho rất nhiều câu hỏi của chính mình.

Tôi nghĩ sẽ có việc bình thường hóa mối quan hệ hai bên… Sẽ có đàm phán về trách nhiệm, và nên chăng chúng ta hãy nhận lấy phần trách nhiệm ấy về mình. Chúng ta có sức mạnh, và khi chúng ta sử dụng sức mạnh đó ở bất kỳ đâu thì chúng ta cũng phải có trách nhiệm. Chúng ta đã ở đó, ở đó với tầm ảnh hưởng quá lớn. Và giờ đây có rất nhiều việc chúng ta có thể làm và cần phải làm. Chúng ta có khả năng. Chúng ta có thể làm điều gì đó để giảm bớt những đau thương, giúp họ cải thiện cuộc sống; và ngược lại, họ có thể giúp chúng ta thoát khỏi những nỗi ám ảnh, day dứt triền miên.”

Rồi cuộc hôn nhân của tôi với Sherry gặp khó khăn và có nguy cơ tan vỡ do những căng thẳng, áp lực trong việc cả hai cùng theo học trường luật. Công việc của tôi lúc ấy là duy trì một phòng mạch khá lớn, làm giảng viên khoa bác sĩ gia đình tại trường Y Davis thuộc University of California, chuẩn bị cho kỳ thi hành nghề luật sư và cố gắng ngăn chặn nguy cơ kết thúc đời sống vợ chồng với Sherry. Tình hình càng đặc biệt căng thẳng khi những hồi ức và ác mộng về Việt Nam hiện về, hòa trộn với những lo toan kể trên. Nhiều đêm tôi giật mình tỉnh giấc sau một giấc mơ về Việt Nam, cả người lạnh toát mồ hôi. Tôi hối hả học cho xong chương trình luật giống như có ma quỷ đuổi theo sau lưng mình. Sherry cũng ngạc nhiên và hỏi xem tôi gặp vấn đề gì.

- Có cái gì đó ở phía sau cứ đẩy anh tới. - Tôi trả lời.

- Đó là cái gì vậy?”

- Sự sợ hãi.

Thay vì đối mặt để giải quyết những vấn đề trong hôn nhân, tôi lại tìm cách làm việc nhiều hơn. Khi tình thế không còn cứu vãn được nữa, tôi bị trầm cảm trong khi vẫn tiếp tục đối đầu với những thứ quỷ ám. Sherry khẳng định là có nhiều nhận xét trong hồ sơ nghề nghiệp của tôi khiến cho tôi gặp nhiều trở ngại trong việc hành nghề bác sĩ. Cô ấy thúc giục tôi điều tra, nhưng tôi quá bận rộn để theo đuổi những việc như thế. Lúc ấy, tôi đang đảm nhiệm công việc trong Hội đồng y khoa, điều hành một phòng mạch hoạt động rất tốt và chuẩn bị hoàn tất chương trình luật học.

Cũng vào khoảng thời gian ấy, tôi lại gặp tai nạn. Một buổi sáng năm 1980, khi đang lái xe trong trạng thái mệt mỏi đến tham gia một ca mổ, tôi cho xe vượt qua ngã tư và tông vào một chiếc xe ủi đất của công ty Pacific Gas and Electric. Tai nạn làm tôi bị thương ở cổ, liệt cánh tay trái khiến từ đó về sau tôi không còn hành nghề phẫu thuật được nữa. Sau khi được bạn tôi, bác sĩ Ed Gamel giải phẫu, cánh tay tôi hồi phục được ít nhất 70% nhưng tai nạn này đã kết thúc nghề giải phẫu và bác sĩ sản khoa, cho dù đến lúc đó, tôi đã giúp cho hơn 400 hài nhi ra đời. Năm 1981, tôi và Sherry ly hôn. Cũng trong năm ấy, tôi vượt qua kỳ thi hành nghề luật sư ở California sau lần dự thi thứ tư. Tình cờ, tôi và Sherry ngồi cạnh nhau trong kỳ thi kéo dài 3 ngày này. Khi chúng tôi do dự trước những câu hỏi hóc búa, Sherry còn nghịch ngợm thúc nhẹ vào đầu gối tôi dưới gầm bàn, làm như thể tôi chưa chịu đủ đau khổ trong việc đèn sách cho 4 lần thi vậy!

Ngay sau đó, tôi được cơ quan cựu chiến binh bổ nhiệm làm bác sĩ tâm thần, chuyên trị liệu cho các cựu chiến binh bị hội chứng căng thẳng do rối loạn chấn thương tâm lý sau chiến tranh Việt Nam (PTSD). Tôi hỗ trợ các cựu chiến binh trong chức năng một bác sĩ và luật sư am hiểu những thiệt hại do cuộc chiến gây nên cho họ, cả tinh thần lẫn vật chất. Cũng như nhiều cựu binh bị chấn thương tinh thần sau chiến tranh mà tôi tiếp xúc hàng ngày, tôi không thể quên được Việt Nam.

Nếu như bạn chưa bao giờ tham gia vào một cuộc chiến tranh, chưa từng chứng kiến những trận đánh thì có thể bạn sẽ không hiểu những gì tôi đang nói. Một nỗi day dứt cứ bám mãi trong tâm hồn mình. Là một bác sĩ, tôi không muốn quên đi những gì mình đã thấy. Tôi không thể như thế vì tôi đã nếm mùi chết chóc, đã chứng kiến cảnh chết chóc, cảnh chặt chân tay, và cũng vì tôi có khả năng phán đoán khi chứng kiến những thảm kịch, cũng có thể là vì tôi cảm thấy mình may mắn sống sót sau tất cả những gì đã xảy ra. Tôi muốn ghi nhớ cảm giác đau lòng khi nhìn dòng máu nóng chảy ra từ cánh tay một em nhỏ vừa bị bom đạn xé toạc đi và tôi đang cố cầm máu cho em.

Tôi muốn ghi nhớ các ca phẫu thuật mổ bụng trẻ em, tìm kiếm mảnh bom đạn để cố cứu sống những sinh linh nhỏ bé này; ghi nhớ khoảnh khắc đau đớn khi phát hiện cột sống của một cháu bé bị tổn thương nặng khiến cháu sẽ không bao giờ bước đi được nữa, không kiểm soát được việc tiêu tiểu, không còn cảm giác khoái lạc tình dục và không còn khả năng định hướng tương lai cho mình trong một đất nước thuộc thế giới thứ ba, vốn không thể hỗ trợ cái mà chúng ta gọi là sự hồi phục. Vì những trải nghiệm như thế, nên cảm giác của tôi khi trở về đời sống dân sự là: Đừng có cố thuyết phục tôi chấp nhận những việc không đúng sự thật. Đừng có kể cho tôi nghe thế nào là cuộc chiến tranh anh hùng, và cũng đừng trông mong là tôi sẽ trả lời hay viết một bài bình luận về điều đó.

Cũng đừng có bàn tán về những “thiệt hại phụ”. Những ai từng kinh qua cuộc chiến đều đã chứng kiến những chịu đựng, đau đớn, chết chóc và hủy hoại. Những kẻ chủ xướng gây thêm nhiều cuộc chiến hơn nữa là những người chưa từng chứng kiến cái chết của những em bé, chưa từng nhìn thấy những thùng chứa đầy chân tay vừa mới được phẫu thuật cắt bỏ để cứu lấy sinh mạng những người bị thương. Có một nỗi day dứt đọng mãi trong tâm hồn bạn khi phải chứng kiến sự tàn sát con người ở quy mô lớn.

Một cường quốc đã tiêu diệt hơn 2 triệu sinh mạng con người ở một đất nước vùng Đông Nam Á làm sao có thể lên lớp với phần còn lại của thế giới về thái độ, hành động dã man, tàn bạo? Những tiếng rì rầm khốn khổ từ những mảnh đời mà chúng ta đã gieo tai họa cùng những thi thể tan vữa như những làn sóng âm ỉ lan truyền khắp thế giới, chạm đến tất cả những người có liên quan. Dù thế nào đi nữa, từ lâu tôi đã thấy rằng chúng ta cần phải chuộc lỗi với những gì mà mình đã gây ra, phải trung thực với sự thật và đồng thời phải chấm dứt việc gây nên cái vòng quay chết chóc, đau khổ không ngừng đó.

Năm 1988, tôi tham gia Flying Samaritans, một nhóm các bác sĩ và nhân viên y tế đi đến các nước thuộc thế giới thứ ba như Mexico để chăm sóc y tế cho người nghèo. Cuộc thăm viếng những ngôi làng nhỏ ở Baja, Mexico làm tôi nhớ đến Việt Nam. Cả khu vực này hầu như chẳng biết đến y học phòng bệnh là gì. Những nông dân Mexico chẳng hề nhận được sự chăm sóc y tế nào cả. Khi tôi khám cho một đứa bé, tôi cầu trời cho cháu hết bệnh sau khi dùng thuốc, bởi vì tôi sẽ không thể khám lại cho cháu trong nhiều tháng trời và cháu cũng chẳng có một nơi nào khác để khám bệnh. Và cũng giống như khi ở Việt Nam, tôi chỉ có thể làm hết sức mình trong khả năng lúc đó với những gì mình có thể làm.

Tuyên bố của cựu binh chiến tranh Việt Nam Pedro Hernandez, một bệnh nhân PTSD của bác sĩ Allen Hassan:

“Như các bạn biết, tôi đã được hai vị Tổng thống, một Bộ trưởng Tư pháp và hai vị Thống đốc bang California vinh danh về những công việc có liên quan đến các băng đảng và những vấn đề ma túy của các băng nhóm này. Tôi đã từng phục vụ ở Việt Nam nên tôi biết khi bạn viết hay kể về những việc làm điên rồ của mình, thì đó là sự thật. Rằng chiến tranh là điên cuồng, rằng Pedro – người được các vị chính khách nói trên vinh danh – cũng là điên khùng nốt. Gần như tôi đã muốn tự sát sau khi trở về từ cuộc chiến, và con trai tôi đã đến nói với tôi: “Cho dù ba không thương lấy bản thân mình thì con vẫn yêu thương ba”. Và nhờ thế mà tôi đã bỏ đi ý định tự tử.

Chúng ta đã tiếp tay cho CIA. Tôi đã quan hệ chặt chẽ với họ. Khi trở về Mỹ, tôi đã nghĩ về tất cả những cái chết và quyết định đi gặp một người tư vấn vì tôi cảm thấy mình quá tội lỗi. Tôi kể mọi việc, và người tư vấn nói: “Tôi quá mệt mỏi nghe anh nói, anh điên quá. Tôi không muốn thấy anh nữa. Tôi không muốn nghe bất cứ điều gì anh nói. Tôi không tin những gì anh kể là đã xảy ra”.

Anh hỏi tôi về những gì chúng tôi đã làm. Rằng chúng ta có giết hại tù binh chiến tranh hay không? Dĩ nhiên là có! Và chính phủ đã phủ nhận việc này? Dĩ nhiên là thế! Liệu tôi có bị hội chứng căng thẳng vì chấn thương tâm lý sau chiến tranh Việt Nam hay không? Hãy xem này, tôi đã muốn tự sát đấy. Nhưng nay thì tôi hiến dâng đời mình để giúp đỡ trẻ em, giúp đỡ con người.

Ở Việt Nam, đơn vị của tôi có đến 300 người đã chết và chỉ còn có 8 người sống sót. Vâng, tôi có điên không? Có thể lắm chứ!”

Một số sự việc ở Mexico khắc ghi vào tâm khảm tôi, như những điều tôi từng thấy ở Việt Nam. Tôi nhớ có lần chúng tôi bay đến một ngôi làng trong mùa mưa ở Mexico. Từ trong bệnh xá tạm bợ nhìn ra khung cửa sổ vào một ngày mưa, tôi thấy một số người đang bước vội qua cánh đồng lầy tiến về phía chúng tôi. Khoảng cách ít nhất cũng gần 2 km. Khi đến nơi, họ có vẻ rất mệt. Trong số họ, có một bà mẹ trẻ với một cháu bé được quấn trong tấm áo. Tôi biết được rằng người mẹ đã phải lội bộ 13 km để được gặp bác sĩ Mỹ khám miễn phí. Nghe câu chuyện cô kể và nhìn cử chỉ biết ơn của cô khiến tôi nhớ đến lý do tại sao mình trở thành một bác sĩ y khoa. Cũng kể từ đó, cứ 6 tháng một lần, tôi trở lại Mexico mà cảm thấy là mình đang làm một phần của việc chuộc lỗi cá nhân cho những gì mà nước Mỹ đã gây ra cho dân chúng Việt Nam. Nhiều năm trước đó, tôi từng giảm bớt công việc để làm thêm chức năng bác sĩ tâm thần tại nhà tù Pelican Bay ở thành phố Crescent, California, trợ giúp cho 2.000 tù nhân thụ án tù chung thân ở đó.

Tôi khám bệnh cho một số cựu chiến binh tại phòng mạch của mình và giúp cho nhiều cựu binh nhận được sự điều trị cũng như những khoản phúc lợi khác mà họ xứng đáng được hưởng. Tôi yêu mến những nam nữ quân nhân Hoa Kỳ và khinh bỉ những quan chức đã bịa ra đủ lý do để gửi những nam nữ thanh niên này dự phần vào cuộc chiến kinh hoàng, để rồi lấy đó mà đánh bóng lý lịch chính trị của mình. Sau khi đã mục kích sự tàn bạo ở Việt Nam, tôi có thể công khai tuyên bố rằng, mỗi bác sĩ có nghĩa vụ dành ra ít nhất là 3 phút để khám bệnh cho một cựu binh đã bị thương vì chiến tranh.

Nhiều cựu binh của Thế chiến thứ II, của chiến tranh Triều Tiên, Việt Nam, Iraq và các cuộc chiến khác đang phải tiếp tục chịu đựng những tổn thương tâm lý từ những trải nghiệm trong chiến tranh của họ, kể cả hội chứng căng thẳng do rối loạn chấn thương sau chiến tranh và gia tăng khả năng mắc các chứng ung thư, tiểu đường vì nhiễm các hóa chất diệt cỏ gây ung thư như chất độc da cam. Với kinh nghiệm về ngành y và là một luật sư, tôi đã giúp nhiều cựu binh nhận được những phúc lợi xứng đáng. Qua nhiều năm, sự cảm thông và thương cảm của tôi đối với những người lính lớn dần, trong khi lại giảm đi thiện cảm đối với các tướng lĩnh và chính khách, những người đã gửi binh lính của chúng ta vào các cuộc chiến tranh vô nghĩa. Những chuyện kể của các cựu binh làm tôi nhớ lại những tháng ngày ở Việt Nam.

Họ nói rằng bạn không thể chữa khỏi mặc cảm tội lỗi của hội chứng căng thẳng do rối loạn chấn thương tâm lý sau chiến tranh, mà chỉ có thể che bớt đi một chút. Họ nói là những ai đã dính líu vào những cái chết tàn bạo, phát hiện ra rằng bạo lực là do bàn tay con người tạo ra, thì không thể nào quên được. Nó giống như chứng loạn thần kinh: bạn nghe giọng nói cùng tiếng reo hò và thấy những ảo ảnh chết chóc. Người ta ước tính có khoảng 500.000 trong số 2,5 triệu người đã từng phục vụ ở Việt Nam có trực tiếp dính líu đến cái chết của người Việt Nam và phải chịu hội chứng căng thẳng do rối loạn chấn thương tâm lý sau chiến tranh. Hầu hết trong số 500.000 người này đã tìm quên bằng rượu hoặc ma túy, đã trải qua nhiều cuộc hôn nhân, đã toan tự tử và tự tử thật sự, và còn rất nhiều chuyện nữa… để lại biết bao thương cảm về cuộc đời của họ. Tôi đã thấy chấn thương chiến tranh gây ra biết bao mất mát cho những người còn sống sót. Những cựu chiến binh này chính là những vị anh hùng còn sống của tôi và tôi đã chữa trị cho nhiều người trong những năm qua. Khi họ bước vào phòng mạch, tôi có thể cảm nhận được nỗi đau từ trước khi họ khai bệnh.

Trong cuốn sách Trauma and Recovery (Chấn thương và hồi phục), nữ tác giả Judith Herman đã viết: “Sự rối loạn trong quan hệ với người khác, dẫn đến nguy cơ của hội chứng căng thẳng do rối loạn chấn thương tâm lý sau chiến tranh, là rất cao khi kẻ sống sót không những chỉ đơn thuần là người chứng kiến thụ động, mà kể cả đối với kẻ tham gia tích cực vào sự chết chóc tàn bạo đó. Chấn thương càng nặng khi không thể biện minh cho những cái chết tàn khốc bằng những giá trị hoặc ý nghĩa cao hơn. Trong chiến tranh Việt Nam, binh lính hoàn toàn mất tinh thần khi chiến thắng tại mặt trận là mục tiêu bất khả thi và tiêu chuẩn chiến thắng trở thành trò hề, như việc đếm xác chết chẳng hạn. Trong hoàn cảnh như thế, người ta không chỉ đơn thuần phơi bày xác chết mà còn tham gia vào các hành động tàn phá, giết chóc vô nghĩa vốn gây nhiều tác hại khiến con người bị tổn thương lâu dài về tâm lý”.

Mặc dù tiếp tục thành công ở phòng mạch và văn phòng luật sư nhưng tôi vẫn khổ sở với những cơn ác mộng triền miên về Việt Nam. Nhiều tháng, nhiều năm sau khi trở về Hoa Kỳ, giấc ngủ của tôi vẫn bị gián đoạn vì những hình ảnh hãi hùng. Tôi thường nằm mơ thấy cảnh người ta mang thi thể những cháu bé vào bệnh viện ở Việt Nam và các cháu chết ngay trước mắt tôi. Tôi mơ thấy mình đang nâng lên và đọc dòng chữ ghi rõ ràng trên dải băng tay: “Thủy quân lục chiến Mỹ thẩm vấn”.

Có một giấc mơ khác cũng thường lặp đi lặp lại. Bắt đầu bằng một phát đạn cối nổ vang, rồi tiếng la thét vì đau đớn và sợ hãi bao phủ quanh tôi. Tôi ngồi bật dậy trên giường, toát mồ hôi trán. Tôi vừa mới thấy những đứa trẻ xuyên qua làn khói. Dường như có ba, bốn đứa trẻ Việt Nam. Chúng đang nhìn chằm chằm vào tôi - bác sĩ của chúng.

Tôi nghĩ, chúng tôi phải sơ tán cả bệnh viện, không thì chết hết.

Tôi chụp lấy hai đứa nhỏ nhất, ôm bổng chúng rồi ra hiệu cho các cháu khác.

“Đi theo chú!”, tôi thét lên trong giấc mơ.

Chúng tôi chạy xuống hành lang bệnh viện và khi vừa ra đến cổng thì tôi ngã quỵ. Tôi nhìn xuống và thấy máu ướt đẫm áo sơ mi của mình và chảy nhỏ giọt xuống đất. Một sự yên tĩnh lạ lùng và tôi dịu đi trong vô thức…

Mặc dù các giấc mơ về Việt Nam không chấm dứt, tôi vẫn tiếp tục hành nghề thầy thuốc ở Sacramento, rồi thành phố này trở thành quê hương của tôi. Một ngày, Dick Hughes gửi cho tôi một tấm ảnh toàn những đống gạch vụn mà anh nghĩ rằng đó là tất cả những gì còn lại của bệnh viện tỉnh Quảng Trị của tôi sau khi bị bom đạn chiến tranh tàn phá.

Qua nhiều năm, tôi đã tìm cách kể cho nhiều người biết về chuyện trẻ em bị tàn sát ở Việt Nam. Ít nhất, tôi đã kể cho hơn 10 vị bác sĩ. Năm 1987, tôi gửi một bức thư cho Bộ Quốc phòng yêu cầu điều tra vụ việc. Họ trả lời bằng một cuốn sách mỏng cho biết rằng điều luật của quân đội không cho phép một việc tàn bạo với trẻ em như thế. Năm 1989, tôi viết thư cho tướng Colin Powell – Chủ tịch Hội đồng Tham mưu Liên quân – và ông ta cũng chẳng thể giúp đỡ gì hơn. Tướng Powell cho một thuộc cấp viết thư trả lời, đề nghị tôi cung cấp thêm thông tin về vụ thảm sát cho Cơ quan Thanh tra của binh chủng Thủy quân lục chiến ở Washington D.C. Năm 1990, chính tôi lại bị Phòng An ninh Hải quân điều tra vì những cáo giác của mình. Năm 1991, tôi viết thư cho Thượng nghị sĩ John McCain, người chuyển tiếp một báo cáo của An ninh Hải quân với nội dung là không có chứng cứ về một vụ thảm sát trẻ em như tôi chứng kiến. Mỗi cơ quan chức năng có liên quan – nơi có thể biết được vụ thảm sát – đều không có hồ sơ lưu trữ về vụ việc, hoặc phủ nhận là không bao giờ có sự việc như vậy xảy ra.

Năm 1991, tôi quyết định viết thư cho ông chú Mortimer Marks, một anh hùng trong Thế chiến thứ II. Lúc đó, ông chú của tôi đã ngoài 90. Khi còn là một cậu bé, tôi được nghe những người trong gia đình tự hào kể về những chiến tích oai hùng của ông trong nhiệm vụ một quân nhân Thủy quân lục chiến, khi ông sống sót sau sự kiện Bataan Death March(1) và bị quân đội Nhật cầm tù 3 năm. Tôi viết một số cảm nghĩ của mình và ông đã trả lời bằng thư với nội dung gồm những nhận xét sau đây:

Cháu Allen thân mến,

Ông phải đọc bức thư 3 trang của cháu nhiều lần mới thấm thía mọi việc và ông đi đến kết luận chung là ông cháu mình có rất nhiều điểm giống nhau.

Chúng ta giống nhau ở điểm mang hai dòng máu. Cháu, một nửa Thụy Điển, một nửa Ả Rập; còn ông thì một nửa Thụy Điển, một nửa Do Thái. Do mang dòng máu lai như thế, nên cả hai ông cháu mình phải chịu nhiều điều tiếng chẳng dễ chịu tí nào. Ông lấy làm phẫn nộ khi biết rằng một thuyền trưởng Hải quân từng nghi ngờ lòng trung thành của cháu vì cháu có mang dòng máu Ả Rập. Nếu như có quyền, ông sẽ đưa viên sĩ quan này ra tòa án quân sự vì đã dám xúc phạm phẩm cách của cháu. Về phần mình, ông cũng từng bị gièm pha về gốc gác Do Thái bởi những người chẳng biết chút gì về tổ tiên Do Thái của ông. Đối với ông, định kiến chủng tộc luôn luôn là một tồn tại thối tha. Nó quá khiếm nhã, dốt nát và phá hoại xã hội. Cách tốt nhất để đối phó với nó là phải công khai đương đầu ở bất cứ nơi đâu có sự xuất hiện của nó.

Ông nghĩ rằng cháu đã thể hiện một cách tốt đẹp và cô đọng ý nguyện chung của loài người khi nói: “Cháu hy vọng rằng trái đất sẽ trở thành một Hiệp chủng quốc của thế giới, và chúng ta có thể nói lời cám ơn về sự đa dạng văn hóa ở khắp mọi nơi thay vì cố gắng làm cho toàn thể nhân loại giống như chúng ta”.

Một trong những điều không thể xác định được của mọi thời đại là tình trạng thù địch tồn tại từ rất lâu giữa người Ả Rập và người Do Thái ở khu vực Trung Đông. Lịch sử cho chúng ta biết rằng cả hai nhóm sắc tộc này đều có nguồn gốc từ cùng một người cha Abraham. Vì sao mà họ đã phát triển rồi tách hẳn ra và thù địch nhau như vậy? Có thể là do chính trị, do quyền lực cai trị, và rồi, có thể là do tôn giáo. Cả ba tôn giáo lớn: Do Thái giáo, Cơ Đốc giáo và Hồi giáo đều có một mối liên kết chung. Đức Moses ảnh hưởng đến Chúa Jesus và Chúa Jesus lại ảnh hưởng đến Tiên tri Mohammed. Jerusalem là thủ đô tôn giáo của cả ba. Dường như có khá nhiều điểm chung giữa hai cộng đồng người Do Thái và Ả Rập để họ có thể cùng sống trong hòa bình hơn là cứ tranh chấp với nhau triền miên. Một lần nữa, thói xấu định kiến đã gây ra những nỗi thống khổ.

Mortimer Marks

Ngày 4 tháng 2 năm 1992

Nhiều năm sau khi từ Việt Nam trở về, tôi tự hỏi phải chăng những trải nghiệm của tôi ở Việt Nam đã gây ảnh hưởng đến khả năng hình thành các mối quan hệ lâu dài của tôi. Những ký ức và những giấc mơ thỉnh thoảng lại xen vào cuộc sống. Tôi tự hỏi, phải chăng cuộc hôn nhân của tôi sẽ không tan vỡ nếu như tôi không có những cơn tỉnh giấc vào lúc nửa đêm, toàn thân ướt đẫm mồ hôi, kinh hãi với những hình ảnh quằn quại và và đang chết dần của các em bé. Sau 30 năm, tôi vẫn còn nằm mơ thấy mình đang nâng cánh tay rũ rượi của một cháu bé bị bắn một phát đạn ngay vào đầu, đang đọc dòng chữ rõ nét trên dải băng tay “Thủy quân lục chiến Mỹ thẩm vấn”. Tôi không thể lay chuyển ký ức về một hội trường bệnh viện vấy đầy máu, về những điều kinh hoàng và về những cú sốc từ tất cả những gì mình đã chứng kiến.

Trong 30 năm qua, tôi thường dành khoảng một tiếng đồng hồ mỗi ngày để theo dõi tin tức thế giới. Tôi đã đọc hơn 200 cuốn sách viết về Việt Nam và còn sẽ đọc tiếp những cuốn xuất bản sau này. Giống như nhiều người từng có mặt ở Việt Nam, tôi tiếp tục quan tâm đến những thông tin làm rõ sự dính líu của chúng ta trong chiến tranh Việt Nam. Và trong nhiều năm qua, tôi vẫn thường tự hỏi về những gì đã xảy ra đối với những con người tôi từng quen biết mà nay vẫn còn sinh sống tại đó.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx