sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 2: Bỏ Đại Học, Tự Lập Và Những Khó Khăn Bước Đầu

Sau những trăn trở và băn khoăn tôi quyết định không học tiếp đại học mặc dù kết quả thi đại học của tôi khá tốt. Tôi quyết định khởi nghiệp bằng việc xin đi học nghề.

Khi biết ý định đó của tôi, mẹ tôi phản đối kịch liệt, phải nói mãi mẹ mới đồng ý cho tôi đi học sửa điện thoại ngoài thành phố vì mẹ tôi chỉ muốn tôi ở nhà, làm những công việc đã từng làm hoặc học tiếp đại học để trở thành một giáo viên như mẹ, về trường mẹ công tác và hàng tháng lĩnh lương, lấy vợ sinh con là mẹ vui rồi, chứ mẹ không muốn tôi bươn chải ra ngoài xã hội. Bố tôi thì không nói cũng không ủng hộ cũng không ngăn cấm chuyện tôi đi học nghề, bố chỉ nói kiểu: “Có chắc làm được không?”. Tôi quả quyết “Con làm được bố ạ”. Sau câu nói đó, bố tôi đồng ý cho tôi đi học sửa điện thoại. Chả hiểu bố tôi nói gì với mẹ tôi nhưng mẹ tôi dù trong lòng không đồng ý nhưng cũng để tôi đi học sửa điện thoại. Sau này tôi có hỏi lại, vì sao mẹ đồng ý với quyết định của tôi, mẹ tôi có nói lại là:

Mẹ không đồng ý, nhưng với một đứa có cá tính mạnh như con, thì mẹ cũng chỉ biết nói và mong con hiểu, chứ mọi quyết định của con, bố mẹ đều ủng hộ và âm thầm giúp đỡ.

Thời gian đầu, tôi xin học việc ở một cửa hàng sửa chữa điện thoại trên đường Lạch Tray - Hải Phòng. Vốn dĩ tôi là đứa thông minh nên học được một thời gian ngắn, tôi đã nắm vững kiến thức và nhiều mánh mối trong nghề “điện thoại” và tôi bắt đầu nhảy vào nghề mua bán điện thoại từ đây. Công việc kinh doanh thời gian đầu của tôi chủ yếu chỉ là mua đi bán lại điện thoại, thành ra việc kinh doanh có lãi đều và cứ thế tôi dần dần đi lên. Nhớ lại ngày đó, tôi không có một đồng vốn trong tay, để có thể kinh doanh, tôi đành phải bán hết những thứ đang dùng để nhập lấy điện thoại về bán, rồi sau đó công việc buôn bán của tôi đi vào ổn định hơn.

Việc kinh doanh nào cũng có lúc không được thuận buồm xuôi gió, nhất là đối với những nghề liên quan đến dịch vụ. Đơn giản nhất là việc buôn bán hay giao hàng không phải dành cho một đứa có sức khỏe yếu, rồi cả chuyện bị khách lừa nữa. Lần bị lừa đổi điện thoại là kinh nghiệm để đời, “sống để lại, chết mang đi” của tôi. Bạn nào chơi điện thoại thì biết V3i vàng ngày đó rất có giá, và đặc biệt là nó không khác nhiều V3i thường, có khác chỉ khác cái vỏ, và một số đặc điểm đặc trưng kiểu như đèn báo sạc, nếu đèn báo sạc và bluetooth nó được làm chìm liền với kính mặt trước, bàn phím là đệm cao su thì đó là V3i vàng thật. Hôm mua lại được “em” V3i D&G, tôi mừng như bắt được vàng, càng mừng hơn khi ngay hôm sau có khách hỏi mua “em” V3i đó. Tôi phải lặn lội mấy cây số nắng nôi, một thân một lăn xe mang điện thoại đến quán nước chè, gần chỗ ngõ Nguyễn Bình ngay cạnh trường đại học Hàng Hải để bán… Tôi vừa đến quán nước thì thấy một bạn đẹp trai đang ngồi chờ ở đó, cho xem máy một lúc, bạn đó chê nọ chê kia, tôi vẫn thoải mái cho khách cầm và xem, nhưng đến lúc mải nghe điện thoại không để ý, không ngờ vị khách đẹp trai đó đổi mất cái điện thoại của tôi lúc nào không hay, về nhà kiểm tra lại thì mới rõ là bị đổi sang con làm lại vỏ. “Phốt” đó là phốt đầu tiên mà tôi “dính” quả lừa khi kinh doanh điện thoại. Vụ đó tôi mất trắng hơn ba triệu đồng kèm bài học về sự cảnh giác không bao giờ quên.

Phải mất một thời gian sau tôi mới biết những bước chân chập chững đi trên đường đời của tôi đều có bước chân theo dõi của bố, từ việc tôi đi đâu, làm gì, gặp ai, hay buôn bán như thế nào đều có sự dõi theo đúng nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Bố tôi kể:

Đàn ông thì nên mạnh mẽ, bố không ủng hộ việc con lăn lộn nhiều quá nhưng cũng không cấm, nên ra mặt đàn ông, nhưng con là con trai của bố, ra đời như vậy không lo sao được. Nhỡ có chuyện gì xảy ra thì làm sao? Nên bố theo dõi mày vài tháng xem mọi sự ra sao.

Bố càng nói tôi càng thương bố mẹ và giận bản thân mình hơn, tôi - thằng con 20 tuổi đầu vẫn phải để bố mẹ lo cho từng bước đi như vậy, nhưng tôi cũng cảm thấy có chút tự hào vì những gì tôi cố gắng đã làm bố mẹ tôi thay đổi suy nghĩ. Ngay sau vụ bị lừa điện thoại ấy, bố tôi đã tính đến chuyện thu xếp tiền để tôi có thể tiếp tục làm ăn, nhưng bố tôi đâu ngờ tôi đã xoay được vốn bằng hướng khác. Một thời gian theo dõi và thấy tôi chứng minh tôi có thể tự lập nuôi sống bản thân, bố cũng giãn ra và không kèm cặp như trước nữa (tất nhiên dù chỉ là kèm cặp trong bí mật), bố để cho tôi thoải mái làm những việc tôi thích.

Sau cú lừa đó, công việc của tôi rất thuận lợi, vừa làm ở chỗ tôi học nghề, tôi vừa tự mở một cửa hàng bán di động bé bé. Dần dần khi tích được một số vốn trong tay, tôi nghỉ hẳn làm thuê để về trông coi cửa hàng của mình.

Trong thời gian sửa chữa, buôn bán điện thoại ngoài thành phố, tôi ở cùng nhà trọ với một bà chị họ. Cứ thế mỗi sáng sáng tôi lăn xe đi làm, tối lại về nhà chị họ ngủ. Mọi sinh hoạt lúc đầu rất bất tiện do tính tôi hơi “cổ hủ”, chị lại là con gái nên hai chị em cũng khó khăn trong việc sinh hoạt hàng ngày. Tôi toàn đợi chị đi làm rồi mới bắt đầu làm những việc cá nhân, vì đôi khi có những thứ tôi không thể làm trong nhà tắm được kiểu như mặc quần áo, cho nên nếu bà chị ở nhà mà cứ “tồng ngồng” đi ra khỏi nhà tắm và mặc quần áo thì hơi vô duyên nhưng rồi dần tôi cũng tìm được cách khắc phục bằng việc thay đổi giờ giấc, thói quen sinh hoạt.

Lại nói về cái nghề sửa chữa, buôn bán điện thoại, có rất nhiều chuyện mà chỉ có người trong nghề mới biết, đó là những mánh khóe, những việc làm trái với lương tâm mà tôi sẽ “vạch mặt” qua vài mánh phía bên dưới. Bây giờ thì không biết thế nào, nhưng ngày đó để có tiền mưu sinh tôi cũng là một trong những thằng thợ “buộc” phải làm vài việc như vậy, và cũng chính vì lý do đó cho nên tôi đã quyết định bỏ nghề điện thoại, không phải vì nó bão hòa, không phải vì nó không kiếm ra tiền, mà tôi sợ nếu làm nghề này lâu thì tôi sẽ trở thành một thằng lươn lẹo và dối trá, điều đó làm lương tâm tôi không được thanh thản, bình yên…

Ngày đó, kinh doanh điện thoại ăn nên làm ra chủ yếu ở việc bán linh kiện, chưa kể khách ngày đó vẫn còn khá “gà” nên rất hay bị mấy thằng thợ như tôi lừa… Không phải ai cũng biết phân biệt một cái sạc lô và sạc zin, một cục pin xịn và một cục pin công ty. Giá một chiếc sạc chân kim ngày đó bán ra là 80K trong khi nhập vào chỉ có 20K, tức là bán ra gấp bốn lần. Còn một điều nữa, khi khách mua sẽ được người bán hỏi là “Mua sạc thường hay sạc cao cấp?” Thường là sao, cao cấp là sao? Giá sạc thường là 40K, cao cấp là 80K, sạc công ty là 120K. Nhưng thực ra, ba loại này là một, đều là loại nhập vào có giá là 20K. Kiểu gì cũng bán được hàng, pin hay bất cứ cái gì cũng được chào hàng như vậy.

Tráo cáp, câu dây là điều không một thằng thợ điện thoại nào không làm. Ngày xưa mấy cái máy nắp gập đều có hiện tượng dùng một thời gian là hỏng cáp, mua linh kiện mấy cái đó thì lại đắt, vậy đơn giản là có máy của khách tại sao không ăn? Chỉ cần tráo cáp bằng cách câu dây đồng làm thành một sợi cáp mới, và lấy cáp zin ra để bán. Điều này có ảnh hưởng gì tới chất lượng không? Cơ bản là không, vì thường câu dây sẽ chọn loại dây đồng tốt, sau đó được gia cố bằng keo và vuốt lại thành một sợi cáp gần như hoàn hảo. Chỉ là không phải ‘zin’ và nhanh hỏng hơn thôi.

Điện thoại ngày xưa bệnh nhiều nhất là ăn nguồn, tức là sau một thời gian nguồn của điện thoại đó sẽ ăn dòng lớn dẫn đến việc hao pin và hay bị sụt nguồn. Bệnh đó thì dễ “chữa”, nguyên nhân của sụt nguồn thật ra do máy dùng một thời gian bị bẩn bẩn thành ra thi thoảng nó có những bệnh “vớ vẩn” như vậy, nhất là đối với thời tiết ở miền Bắc, trời hay nồm nên dễ bị “bệnh” này hơn. Sửa rất đơn giản, chỉ cần tháo ra vệ sinh máy, hoặc đóng nhẹ lại chân nguồn là xong.

Tất nhiên nếu dừng lại ở việc sửa đơn giản thế thì không nói làm gì, khách sẽ bị thợ chặn bằng cách nói “chết nguồn” hoặc “nguồn có vấn đề”, cần thay nguồn mới thôi. Tiền sửa nguồn thợ điện thoại thường đòi khách không phải là rẻ, khoảng 180K-250K trong khi công với tiền linh kiện bỏ ra chưa đến 10K.

Máy rơi nước là dễ “ăn” lắm tiền nhất, hầu như 60% các máy rơi nước nếu xử lý kịp thời bằng cách tháo pin ra ngay lúc đó thì máy sẽ được “cứu sống”. Còn lại nếu như không ngâm nước lâu quá sẽ “cứu” được hết. Thợ sẽ lôi hết nguồn, CPU, sóng lên rồi đóng lại. Giá “cứu” một điện thoại rơi nước thường bằng 50% giá trị của cái điện thoại đó. Máy càng cỏ thì tỉ lệ “cứu sống” được càng cao.

Việc sửa máy tính cũng vậy, thợ có tâm thì lỗi Win chỉ cài lại Win hộ và lấy ít tiền uống nước như tôi, hoặc free luôn. Nhưng đối với đa số thợ thì… thay ram thôi, ổ cứng có vấn đề, hay nặng hơn là phải thay main. Thế mới nói, xã hội càng tân tiến, công nghệ thông tin càng phát triển, khách hàng càng thông minh thì chưa đầy hai giây tìm trên Google có thể tìm ra cách chữa máy, mấy ông thợ làm ăn kiểu chộp giật càng phải dạt đi chỗ khác.

Một thời gian sau thị trường điện thoại bão hòa, tôi về quê và tiếp tục công việc sửa chữa điện thoại, lần này tôi thêm cả sửa chữa máy tính. Tất nhiên là công việc có lúc thăng lúc trầm, và cuộc sống cứ thế bình bình trôi qua.

Khoảng thời gian đó, bố mẹ tôi rất mừng vì thằng con sức khỏe yếu có được một công việc phù hợp, chưa kể ổn định nữa. Ở nhà có thời gian rảnh nhiều hơn nên tôi bắt đầu cắm đầu vào máy tính và nghiên cứu nhiều hơn đến những việc có thể kiếm ra tiền từ cái "kho vàng" Internet.

Nắm được cách khai thác “kho vàng” Internet, tôi liền nghỉ làm điện thoại để tập trung làm web và free-lancer, tất nhiên những công việc trên trên mạng thì thường công việc nọ kéo theo thêm công việc kia. Công việc online có thể kiếm ra tiền nhưng cái giá phải trả rất nhiều đó là suốt ngày cắm mặt vào máy tính, quên hết xã hội, nhiều khi quên cả bố mẹ. Tôi có các đối tác tận bên nửa kia thế giới nên hay làm đêm để họp team và đưa ra những giải pháp rồi làm cùng. Chính vì thế giờ giấc cũng rất thất thường, lúc thì ngủ đêm lúc thì ngủ ngày, đây cũng chính là điều tôi phải trả giá khi mà đến thời điểm hiện tại, sau hơn 6-7 năm tôi không tài nào ngủ sớm được trước 3h sáng, và nếu có thức dậy thì sẽ thức rất sớm vào lúc 7-8h sáng, đồng hồ sinh học bị đảo lộn hoàn toàn, sức khỏe giảm sút, đây chính là cảnh báo cho những bạn hay làm việc trên mạng và một số bạn làm việc đêm mà không biết chú trọng, cân bằng lịch sinh hoạt của bản thân mình.

Mọi chuyện sẽ dừng lại ở đây, ngay cái mốc này, khi tôi có một công việc ổn định, và chỉ cần kiếm một cô vợ nữa là xong, cuộc đời sẽ tiếp tục được định sẵn như những gì đã được sắp đặt, như vốn guồng quay của nó: Sinh ra, lớn lên, lấy vợ, sinh con, già, chết. Cuộc sống như vậy sẽ y như một thước phim chiếu chậm và nhạt nhòa. Ai tiếp xúc với tôi thì đều thấy tôi không phải là một thằng dễ dàng dừng chân tại một điểm, chấp nhận cuộc sống quá dễ dàng, quá giống thước phim nhàm chán như vậy. Tôi thích một cuộc sống phải có nhiều gia vị, nếm trải đủ mùi vị cuộc đời.

Để có được cuộc sống màu sắc như vậy, tôi tự hỏi đi đâu bây giờ? Làm gì bây giờ? Câu hỏi đó được tôi suy nghĩ trong nhiều ngày rồi bắt đầu nghĩ đến việc ra khỏi nhà lần thứ hai, đi đến một nơi xa và làm việc sống, trải nghiệm tại đó. Sẽ khó khăn hơn rất nhiều so với khi tôi ở nhà, hoặc quanh quẩn ở những vùng gần Hải Phòng nhưng như vậy thì mới giống bản tính ngang, ngông và cứng đầu của tôi. Hà Nội là nơi tôi nghĩ đầu tiên. Phải lên Hà Nội! Trước mắt là đi để biết, sau đó là trải nghiệm cuộc sống bình thường tự lập. Tôi trình bày ý tưởng đó với bố mẹ, những suy nghĩ điên rồ đó được dập tắt ngay từ câu nói đầu tiên “Không được, nhất định không được” và phải mất rất nhiều thời gian cũng như năn nỉ cũng như đe dọa hoặc “dỗi” với hai đấng sinh thành thì tôi mới nhận được một cái gật đầu và điều kiện “Ngày nào cũng phải báo cáo về nhà”

Tôi ra đi, vác hành lý với mong muốn tôi sẽ đi được thật nhiều, trải nghiệm thật nhiều cuộc sống đang chạy đua ngoài kia.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx