sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 3: Hà Thành Khó Khăn Và Trải Nghiệm

Hải Phòng, một sáng sớm, tôi bắt chuyến xe đầu tiên đi đến Hà Nội với một balo quần áo, cái laptop cùng chiếc xe lăn đã đồng hành cùng tôi bao năm tháng qua. Đây cũng là lần đầu tiên tôi đi xa nhà đến vậy, đến một nơi mà tôi không có một mối quan hệ nào trong công việc lẫn cuộc sống.

Quãng thời gian ở Hà Nội thì có rất nhiều chuyện để kể, chương này tôi muốn tập trung kể những ngày đầu tôi chập chững đến nơi đây. Đặt chân đến Hà Nội, tôi dường như bắt đầu từ những con số không tròn trĩnh: Không việc làm, không quen biết, không bằng cấp. Những số không đó đẩy tôi đến hoàn cảnh cực khó khăn, tôi không kiếm được tiền để duy trì cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Tiền tiết kiệm của tôi chỉ để đủ trả tiền nhà trọ trong 1-2 tháng. Thời gian đầu ở Thủ đô tôi đã phải rất vất vả đứng lên và kiếm miếng ăn. Tôi đã phải lên lại thời gian biểu từ đầu: 6-12 tiếng chủ yếu rơi vào đêm cho công việc online, tất cả thời gian còn lại tôi dành cho những sinh hoạt cá nhân, tập thể lực và khám phá những ngóc ngách, con đường Hà Nội - vùng đất mang đầy sự trái nghịch trong sự vồn vã, nhộn nhịp ẩn chứa sự bình yên, những con người, những dấu tích lịch sử ẩn trong vẻ hiện đại, đôi chút bất cần đời của nơi đây.

Trở lại thực tế sau những mơ mộng, ngày đầu tiên ở Hà Nội tôi dành trọn ngày đi tìm nhà trọ. Lúc đầu, tôi đến một cái nhà trọ bên bãi An Dương, xa trung tâm lại còn đi qua cái nghĩa trang mới tới được nhà trọ đó; bé em họ tôi lúc đó đang học đại học trên này, em ấy nghe nói là tôi sẽ lên Hà Nội nên đến dọn dẹp cái nhà bên An Dương cho tôi. Nhưng sau khi tôi và em ấy đến, thấy cuộc sống ở đây hơi phức tạp, tôi đi lại sẽ gặp khó khăn vì cách xa trung tâm, đường xấu và nhiều tệ nạn xã hội, chính vì thế tôi quyết định dọn tạm về nhà đứa em để ngủ nhờ một hôm. Sau “ngày An Dương” đó, tôi cũng kiếm được một chỗ trú chân ổn định tại Hà Nội. Rồi tôi thuê nhà dưới khu Trần Duy Hưng, bác chủ nhà tốt bụng hỏi han xong về hoàn cảnh, ước mơ của tôi đã ủng hộ nhiệt tình bằng cách giảm 500K tiền thuê nhà cho tôi.

Đọc đến đây nhiều bạn sẽ cảm thấy tôi điên, đang yên đang lành ở Hải Phòng sao phải nhảy lên Hà Nội. Hình như tôi của chương này có gì đó khang khác với tôi ở hai chương trước? Sự “điên rồ” này và sự “khang khác” đó xuất phát từ một cái “tôi” khác của mình, một cái “tôi” muốn đi thật nhiều, muốn khám phá mọi thứ, một cái “tôi” muốn kể cho các bạn nghe những chuyến đi của mình không phải dưới góc nhìn của một thằng làm kinh doanh mà dưới góc nhìn của một thằng mang chủ nghĩa xê dịch.

Như tôi đã nói từ đầu chương, tôi không quen, không thân ai, công việc thì chỉ trông vào những việc đã làm từ ngày còn ở Hải Phòng. Tôi muốn đi xa vì tôi mong muốn bản thân mình được trải nghiệm, đi đến những vùng đất mà tôi chưa từng đặt chân tới. Cũng chính vì “bán mặt” ở ngoài đường nhiều, những gì tôi thấy, những gì tôi nghe được đã giúp ích rất nhiều cho chuyện sau này tôi sẽ sống như thế nào, và đây cũng chính là lúc tôi nhận thấy cuộc sống của tôi không bằng phẳng. Thực sự có quá nhiều khó khăn để làm một việc gì đó to lớn đối với một đứa ngồi xe lăn.

Việc lao ra đường đó là giải trí của tôi ở Hà Nội, còn việc tiền nong, ăn uống thì sao? Trên cái đất ngàn năm văn hiến này nhưng giá cả siêu đắt đỏ, những ngày có tiền thì không sao, nhưng những ngày đói thì tất nhiên rất khốn nạn, tôi không thể gọi điện thoại về nhà để xin bố mẹ gửi tiền lên được, làm thế khác gì mấy thằng “loser”, trong khi cái tôi muốn là đi và trải nghiệm bản thân, càng khó khăn càng tốt để tôi có thể học được kĩ năng tồn tại và sống tốt khi tiền không có. Nhớ có đợt trong túi còn vài nghìn lẻ, mà tiền thì chưa về, tôi đã nhịn ăn mất khoảng 1 tuần và hàng ngày chỉ có rau luộc qua ngày đoạn tháng, sau 1 tuần người xanh như rau luôn. Đợt đó may mà mua được rau giá rất rẻ từ chị bán rau người Thái Bình cũng trọ ngay phòng bên cạnh.

Nhiều khi trong túi chả có đồng cắc nào khiến cái quyết tâm đi chinh phục được nhiều vùng đất mới lại trùng xuống, cũng đúng thôi, phải có thực mới vực được đạo, không tiền thì chơi bời kiểu gì, đam mê kiểu gì được. Những lúc đó, tôi chỉ muốn chạy về nhà thật nhanh, ăn một bữa cơm thật no, uống cốc nước chanh mát lạnh mẹ pha. Con người không trừ bất kì ai khi rơi vào cái khắc nghiệt của cuộc sống, của cơm áo gạo tiền đều có những cảm xúc yếu đuối nhất thời như vậy. Phải thú nhận rằng, lúc rơi vào cảm xúc yếu đuối đó, tôi đã nằm một mình, đóng chặt cửa phòng và khóc nức nở như một đứa trẻ, rồi khóc chán ngủ quên lúc nào không hay, sáng tỉnh dậy mắt đỏ hoe nhưng tôi vẫn phải tiếp tục những công việc dang dở của mình, tôi biết mình không thể dừng chuyến hành trình của mình lại được nữa.

Sống tự lập mới biết có quá nhiều thứ cần phải lo, từ việc nhỏ nhất như mua tăm xỉa răng, giấy vệ sinh cho đến chuyện giặt quần áo. Mọi người đọc từ đầu tới giờ cũng đã biết tôi thể trạng yếu nên việc giặt quần áo đó là việc hơi quá sức với tôi, nhất là giặt cái quần bò. Hôm nào giặt cái quần bò là mệt thôi rồi, như đánh vật với nó trong nhà vệ sinh. Giặt quần áo xong là lại phải lo đến phơi quần áo. Ngày đấy nếu phơi quần áo thì phải phơi ngoài dây treo cao tít trên mái hiên cửa phòng, tôi thì không đứng cao được như vậy nên nghĩ ra một cách là chăng dây vào nhà vệ sinh và phơi luôn trong đó. Hơi lâu khô một chút nhưng cuối cùng quần áo cũng sẽ khô, tôi cứ tranh thủ có 1-2 bộ dơ thì giặt luôn khỏi để lâu, lại tích tụ một đống quần áo, mà quần áo nhiều thì lại không có chỗ phơi. Nhiều lúc con bé hàng xóm sang thấy tôi đang lụi cụi giặt quần áo, con bé vừa đứng cửa nhà tắm vừa trêu kiểu “Con trai giặt quần áo như thế này, mai mốt lấy vợ, vợ sướng lắm”. Lúc đó nhìn con bé chống nạnh cười cợt, tôi thấy tức lắm chỉ muốn tiến tới véo má nó một cái cho chừa cái tội trêu đùa tôi.

Còn chuyện nấu ăn nữa, một việc mà tôi chưa bao giờ tôi phải đụng tay đụng chân khi còn ở nhà với bố mẹ. Những ngày tháng ở Hà Nội, bữa cơm của tôi chỉ chủ yếu là rau luộc hoặc tất cả các thể loại luộc, dần dần thì tôi học được cả cách chiên trứng, rang cơm. Tất nhiên những món đó ai chả làm được nhưng mức độ ngon hay không mỗi người một khác. Không phải tự khen, những món tôi nấu không đến nỗi là không ăn được, mấy món cơ bản như rang cơm, xào mì, thịt luộc, thịt kho thì ăn không chê vào đâu được. Thấy tay nghề đầu bếp của mình đã điêu luyện nên đôi lần tôi làm thử vài món là lạ trong sách nhưng chả hiểu sao làm xong không giống như trong sách miêu tả. Trong hình của người ta thì rau xanh mát còn rau tôi làm thì chỉ một màu vàng và nát bét, trong hình rau dền họ nấu nước đỏ trong nhìn thích mắt còn nước rau dền của tôi thì… nước sông Tô Lịch phải “lắc đầu chịu thua”… nhưng nấu ra chả lẽ đem đổ, thôi thì cố nuốt rồi tự mình tấm tắc khen ngon. Sau này quá ngán ngẩm chuyện bếp núc và số lần cố gắng nuốt đã lên con số kỉ lục nên tôi thủ sẵn thùng mì tôm, cứ đói là lại mì, còn hôm nào cảm hứng bếp núc dâng trào tôi mới đi chợ về nấu.

Hà Nội - bây giờ mà hỏi ở Hà Nội có gì đặc sắc thì tôi chịu, nhưng nếu hỏi tôi nơi này có gì khiến tôi ấn tượng thì có lẽ đây là nơi sống chậm nhất Việt Nam. Mang tiếng là Thủ đô, là cửa ngõ của kinh tế, chính trị, văn hóa mà chả có gì nhộn nhịp hay vui vẻ như thành phố Hồ Chí Minh - nơi tôi đến sau này cả. Vì chả có gì chơi nên thú vui duy nhất hồi tôi còn ở Hà Nội là lên Bờ Hồ chụp ảnh. Các bạn cứ tưởng tượng tôi gần giống bác Tấn Vinh (người chuyên chụp ảnh Hồ Gươm) nhưng tôi không dám nhận là bản sao tuổi trẻ của bác, những bức ảnh của tôi đơn giản chỉ là ghi lại những gì tôi đã thấy qua nhiều lớp ống kính máy ảnh. Phương tiện đi lại của tôi ngày đó chỉ là xe lăn, mà ngồi xe lăn như ngồi ghế thêm bánh xe, di chuyển rất khó, mỗi lần ra đường tôi phải nhìn ngó rất lâu để tránh va chạm người khác nhất là khi sang đường và đi ngược chiều. Vỉa vè ở Hà Nội nổi tiếng chỗ nào cũng cao, đôi khi lại có gánh hàng rong hay bãi gửi xe nên tôi không làm sao mà lên được vỉa hè để đi, toàn lao ra đường mà phóng.

Phòng trọ tôi ở gần BigC Trần Duy Hưng, từ đó đi lên Bờ Hồ khoảng 8km. Mỗi lần lăn xe tôi đều vừa đi vừa nghỉ nên không thấy mệt nhưng về đến phòng thì thở không ra hơi thấy đoạn đường đó sao dài khủng khiếp, sao xa như ngàn cây số. Cũng có lần tôi đi được nửa đường thì chân bắt đầu mỏi và căng lên như sắp vỡ ra do dùng thường xuyên vượt những đoạn đường khó (các bạn đừng tưởng hai chân tôi vô dụng nhé, chúng chính là gậy ủn xe của tôi đó). Và thường những lúc mệt như thế thì chỉ có nhịn ăn vài ngày đi taxi về thôi. Chả hiểu taxi ở nước ngoài nước trong thế nào chứ taxi Hà Nội cứ thấy người tàn tật như tôi là “chạy”, họ ngại chở một thằng “què”, ngại đưa người tàn tật đi lên đi xuống xe, thành ra hôm nào không gọi taxi thì tôi đi xe ôm. Thuê một bác xe ôm thì cái xe lăn chỉ có nước nằm nhà nên mỗi lần thuê xe ôm tôi phải thuê tận hai bác, một bác chở tôi, một bác chở “anh bạn” xe, tuy mất gấp đôi tiền xe ôm nhưng tính ra còn rẻ hơn đi taxi mà các bác xe ôm lại nhiệt tình. Nhưng dù là gì thì mỗi lần về đến nhà tôi chỉ biết nằm dài để chân tay bớt đau nhức rồi nghĩ ngợi xem làm thế nào để nâng cao thể lực. Có thể lực tốt mới có thể đi được nhiều nơi, mới có thể làm tất cả những điều mình thích được.

Đi lại ngoài đường là vậy, leo cầu thang lại phải sử dụng biện pháp khác, ở nhà mỗi lần leo cầu thang tôi còn có người giúp chứ ở Hà Nội thì phải tự thân vận động. Bạn nào thử leo cầu thang bằng đầu gối chưa? Cũng thú vị ra phết đấy! Tay thì kéo xe lăn lên cùng, đầu gối thì nhấc từng tí để lên hay xuống bậc thang cao hơn cứ như leo lên đỉnh vinh quang ấy, mà có leo cầu thang bằng đầu gối tôi mới hiểu để đạt được ước mơ của mình thì không thể không có sỏi đá, không thể không có khó khăn hay gian khổ, càng như vậy tôi càng trân trọng ước mơ của mình hơn.

Sau vài tháng sống trên đất Thủ đô thì tôi cũng quen dần với những việc sinh hoạt nhỏ nhặt như thế, tôi không còn là “em Chã” trong vỏ bọc của bố mẹ như trước, mà đã thành Ngọc Anh “đảm đang” như mọi người đã biết và tôi đã biết ước mơ của mình có thể thành hiện thực.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx