sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 16: Hội An

Đêm buông xuống, toàn thân tôi ê ẩm sau vụ tai nạn hồi chiều, nằm trằn trọc một lúc không ngủ được, tôi quay sang thấy Thành cũng vậy.

- Đi hóng gió không Vếu?

- Ok, ở đâu?

- Hồ Thạc Gián. Gần đây thôi.

Vậy là hai đứa ra khỏi nhà, mẹ Thành thấy thế không quên hỏi đêm hôm rồi còn đi đâu.

Hồ Thạc Gián làm tôi khá ấn tượng, lý do vì ở đây buổi đêm, hai thằng ra đó ngồi hóng gió tầm 2 giờ đồng hồ mà đếm được khoảng hơn chục người ra “đái bậy”. Nói vui vậy thôi, chứ buổi hôm đó, tôi và Thành ngồi nói chuyện rất nhiều về những gì hai thằng đã làm được, hai chúng tôi trạc tuổi nhau, tính tình cũng khá là hợp nên cũng dễ tâm sự với nhau.

Thành là một thằng cũng đi nhiều, cũng lang thang chỗ này chỗ khác, cũng trắc trở trong mọi chuyện, từ chuyện tình yêu cho tới công việc. Tính Thành khá tốt nhưng hay bảo thủ và không nghe lời khuyên từ người khác. Chính vì cái tính của Thành này mà đôi khi tôi hay mất bình tĩnh khi nói chuyện với nó. Có những lúc, hai thằng cãi nhau nảy lửa, đến mức mà tôi chỉ muốn đánh nhau với nó nhưng rồi hôm sau hai đứa lại nhìn nhau và cười.

Lúc đó, Thành mới bỏ việc ngoài Hà Nội, tạm rời xa Thủ đô để về Đà Nẵng “chờ thời” – câu mà tôi hay nói với nó. Có thể do tính cách của Thành như vậy nên sẽ không thành công được đến mức mà nó muốn trong công việc chuyên môn, nhưng tôi tin trên đường đời nó là đứa “thành công”, vì nó sống theo đúng tính cách, bản chất của mình.

- Vếu có bao giờ nghĩ là sẽ làm được một cái gì đó to lớn không?

- Có chứ. Tớ lúc nào chả muốn làm được cái gì để lại cho đời.

Rồi hai thằng ngồi nói về chuyện tình cảm, chuyện công việc của nó sắp tới. Đôi khi trong cuộc sống hiểu được người khác là một điều rất khó, có thể người ta sẽ phải mất cả đời để hiểu được ai đó nhưng để hiểu người đó được một phần thì hoàn toàn có thể làm được.

Sáng hôm sau, Thành và tôi đi Hội An thăm quan theo đúng lịch trình của tôi. Phố cổ Hội An nằm ở hạ lưu sông Thu Bồn, ven biển tỉnh Quảng Nam, cách Đà Nẵng khoảng 30 km. Hội An từng là một thương cảng quốc tế sầm uất, nơi gặp gỡ của những thuyền buôn Nhật Bản, Trung Quốc và phương Tây trong suốt thế kỷ 17 và 18. Trước thời kỳ này, nơi đây cũng từng có những dấu tích của thương cảng Chăm Pa hay được nhắc đến cùng con đường tơ lụa trên biển. Thế kỷ 19, do giao thông đường thủy ở đây không còn thuận tiện, cảng thị Hội An dần suy thoái, nhường chỗ cho Đà Nẵng khi đó đang được người Pháp xây dựng. Hội An may mắn không bị tàn phá trong hai cuộc chiến tranh và tránh được quá trình đô thị hóa ồ ạt cuối thế kỷ 20. Cuối những thập niên 1980, Hội An bắt đầu được mọi người để ý và dần trở thành một địa điểm du lịch nổi tiếng của Việt Nam. Ban ngày và tối ở đây khá nhộn nhịp đông vui nhưng tôi nghe nhiều bạn nói rằng, thật ra Hội An không có mấy người ở, những người ở đây chỉ kinh doanh ban ngày và tối, đêm họ trở về nhà của họ cách Hội An không xa nên có thể coi nơi đây như “thành phố chết”. Tôi không biết có đúng không, nếu đúng Hội An giống một khu vui chơi nhân tạo hơn là một “phố cổ”.

Muốn di chuyển đến Hội An, bạn có thể chọn rất nhiều phương tiện nhưng xe bus được nhiều người chọn nhất vì nó rẻ, bạn có thể tiết kiệm được một khoản tiền để mua sắm. Lần đầu tiên đi xe bus đối với tôi thật mới lại, trước đây cũng có vài lần tôi muốn thử đi xe bus nhưng nói đến xe bus là nói đến sự “kinh hoàng” đối với người khuyết tật ở Hà Nội cho nên mãi hôm nay tôi mới được cảm nhận “vị xe bus” giống như năm nào tôi đi xe khách từ quê lên thành phố để bó bột. Hội An trong hình dung của tôi nó sẽ “na ná” phố cổ ở Hà Nội, nhưng không phải vậy, Hội An “duyên dáng” hơn nhiều, không sầm uất và xô bồ như Hà Nội. Lúc đầu, tôi cứ tưởng phố cổ Hội An rộng lắm vì từ chỗ bến xe bus đã là phố cổ rồi, nhưng sau nghe Thành nói mới biết Phố cổ Hội An chỉ có diện tích khoảng 2km vuông. Điểm đặc biệt tôi thích nhất ở đây là những con đường, ngắn – hẹp – và dốc có đoạn uốn lượn, nhà cửa thì nhỏ xinh, chắc ngày xưa người Việt Nam bé tí nên xây nhà không cần cao lắm. Như tôi đã nói ở những phần trước, đi đến đâu tôi cũng rất thích những kiến trúc cổ hoặc cũ cũ cho nên lần này tới Hội An cũng không phải ngoại lệ, tôi ngắm nghía những ngôi nhà cổ, những con đường cổ, những cây cầu đã có từ hàng trăm năm, tất cả đều nhỏ xinh, dễ thương ẩn hiện trong nắng miền Trung gắt nhưng dịu. Đan xen với khu dân cư là các quầy bán hàng, nhà hàng, nhà nghỉ hoặc quầy bán quà lưu niệm cũng như các ngôi nhà cổ điển hình, một số hội quán do người Hoa xây dựng như hội quán Quảng Đông, Trung Hoa, Phúc Kiến… do ngày xưa Hội An là một thương cảng nổi tiếng cho nên người Hoa vào đây buôn bán và lập nghiệp rất đông. Hội An có một phần phong cách kiến trúc mang hơi hướng Trung Hoa. Ngoài những kiến trúc cổ của người Hoa, nơi đây cũng in dấu một phần kiến trúc của người Pháp khi Pháp xâm lược Việt Nam, hầu hết những nơi này đều là nhà ở của các công chức người Pháp ngày đó.

Ngoài ra, Hội An còn nổi tiếng với các món ăn đặc trưng của người dân trong vùng như cao lầu, bánh đập, hến, cơm gà…

Buổi tối ở Hội An lung linh trong đèn lồng trải dài khắp con phố và các chương trình văn nghệ nằm ngay cạnh sông Hoài- con sông cầu nối giữa hai bên kiến trúc Phương Tây và Trung Hoa sát lại gần nhau. Đến với Hội An, bạn còn có thể chứng kiến màn thả hoa đăng và đi thuyền trên sông, tôi thì không thử màn thả hoa đăng nhưng để ý thấy có vài người đứng phía dưới vớt hoa đăng đã được thả lên và… đem bán tiếp hoặc đem đi chỗ khác thả. Đã là du lịch thì ở đâu cũng vậy, có nhanh nhạy, có tiết kiệm mới kiếm được tiền nên tôi cũng không thấy họ đáng trách. Kết thúc một ngày ở Hội An, tôi và Thành chọn một nhà trọ ở kèm cùng gia chủ, ngủ một giấc đến sáng hôm sau về Đà Nẵng để chiều tôi ra Hà Nội. Rời Hội An, trong tâm thức tôi muốn đi xa hơn nữa, muốn định cư và làm việc ở một thành phố xa hơn Hà Nội, tôi bắt đầu nghĩ đến việc di cư vào Nam.

Các bạn thấy đấy, cuộc đời tôi có lẽ là “những chuyến đi” khám phá bản thân, khám phá những vùng đất mới mà chưa từng đặt chân đến. Sau này có dịp ngồi lại, nghĩ về nó, nghĩ về những gì tôi đã trải qua rồi mỉm cười sung sướng tự hào về hành trình của mình. Cuộc sống mà, đơn giản lắm, bạn sẽ thấy hạnh phúc khi bạn có thể làm những gì mình thích.

Đến bây giờ, thời gian tôi đang kể trong quyển sách này đã, đang rất gần với thì hiện tại của tôi, tức là chỉ còn cách thời gian tôi hoàn thành quyển sách này vài tháng thôi. Cho nên tôi xin tạm dừng phần 1 của câu chuyện về chuyến đi ở đây, tại Hội An này như đánh dấu việc tôi đã đi được một nửa Tổ quốc.

Trọn vẹn phần 1 này là những gì tôi đã trải qua, những gì tôi đã dừng lại trong 10 năm. Hơn chục chương trong phần 1 này tôi viết với rất nhiều cảm xúc và cũng không ít lần viết “nhảm nhí, linh tinh”, nhưng đó là một sự đánh dấu trưởng thành của Vũ Ngọc Anh như các bạn vẫn quen gọi, đôi khi tôi đọc lại những câu truyện của tôi, thấy đâu đó những ký ức như kiểu mới hôm qua thôi, còn nguyên ngay đó vậy.

Các bạn thân mến, tôi viết sách không mong để lại một bài học nào đó, tôi chỉ mong các bạn thêm hiểu đam mê trong tôi thôi. Những gì tôi đã trải qua hơn 10 năm và tôi chỉ muốn chia sẻ cho mọi người bằng một câu duy nhất “Nếu không đi, biết bao giờ chúng ta mới bắt đầu?” Cuộc hành trình “Không thể vỡ” vẫn tiếp tục, tôi sẽ cập nhật tiếp ở một nơi khác, trong một điều kiện khác hoặc có thể một quyển sách khác. Mong các bạn vẫn giữ ngọn lửa đam mê trong mình như tôi đã, đang, sẽ làm.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx