sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 22: Người Già Nhưng Tâm Hồn Không Già

Chuyện sinh hoạt trong nhà của tôi chỉ có vậy. Còn chuyện “sinh hoạt”, “quan hệ” bên ngoài của tôi thì rất lắm chuyện để kể. Trong những mối quan hệ của tôi, tôi có gặp những người anh, người bạn rất tốt, có người cũng khá đặc biệt. Như đã miêu tả từ đầu, có lẽ do tôi hiền lành, chất phác, có chút gì đó đáng yêu nên được rất nhiều anh quý, có anh dù bây giờ ở cách xa tôi đến nghìn câu số nhưng hễ cứ nghe tin gì về “thằng em” Ngọc Anh gặp chuyện không hay lại vội vã gọi điện hỏi thăm và không bao giờ quên dặn dò “khó khăn gì thì phải nói anh”.

Được cái, “thằng em” vâng dạ ngoan ngoãn nhưng hễ có chuyện không hay xảy đến với mình thì quên hết các anh. Còn bao giờ có chuyện vui mới nhớ đến những người anh em giàu tình cảm và ấm áp như anh em, ruột thịt, quen biết có, họ hàng có, chiến đấu cùng có, đổ máu cùng có, nên hình như máu của bố tôi ngấm sâu vào tôi rồi, nên đi đến đâu cũng được anh em (miễn là trai) quý mến… Bố tôi từng dặn, “Làm gì thì làm, sống hết mình là được, đừng vì bản thân, cái tôi nhiều quá". Mãi sau này mới hiểu ý bố tôi nhắc nhở luôn phải nghĩ đến anh em, bạn bè và những người xung quanh mình.

Như đã nói, Bờ Hồ là địa điểm quen thuộc tôi hay đến, để chụp ảnh, hoặc chỉ để nhìn dòng người đi qua. Nhiều lúc ở nhà đi là 4 giờ chiều, lên đến Bờ Hồ cũng tầm 6h, sau đó là đi dạo 1-2 vòng quanh hồ, kiếm một góc khuất khuất ngồi ở đó và tự kỉ nhìn ra giữa hồ. Tôi nhớ có lần tôi đang ngồi thẫn thờ nhìn hồ suy nghĩ về những gì mình đã làm và nên làm tiếp theo, nên đi tiếp hay dừng lại ở Hà Nội, nên “kiếm gấu” ở đây hay về Hải Phòng kiếm cho gần bố mẹ, tôi cứ thế này có ổn không… thì có hai bạn nữ ở đâu đi đến, vỗ vai tôi và nói, “ngồi lui vào trong đi bạn, kẻo rơi xuống” vì lúc đó tôi ngồi trên xe lăn, sát mép hồ. Tôi nghe hai bạn liền đẩy xe lùi lại một chút, chả hiểu sao tôi đã lùi xe như hai bạn đó bảo rồi mà hai bạn đó có vẻ không yên tâm, ngồi lại trò chuyện với tôi, và cũng chả hiểu sao hai bạn nữ kia đứng lại hỏi han chuyện trò với tôi một lúc.

- Bạn tên gì?

- Dạ, Ngọc Anh. Tôi trả lời và đến giờ vẫn chưa biết tên hai bạn đó hoặc có thể lúc nói chuyện hai bạn đó có giới thiệu tên nhưng tôi quên.

- Mình thấy bạn ngồi trầm tư suy nghĩ, có vẻ hệ trọng. Có thể kể được không?

Trong hoàn cảnh đó, nhiều bạn như tôi phải suy nghĩ một điều: “Hai con bé này bị dở hơi à? Người ta nghĩ gì là việc của người ta chứ?” Nhưng nói thế hơi vô duyên mà tôi vốn là người lịch thiệp nên đành để lại câu đó trong đầu và bảo hai bạn đó là tôi chỉ suy nghĩ linh tinh về cuộc sống và kế hoạch tương lai thôi.

Hai bạn nữ đó chăm chú lắng nghe, thi thoảng gật gù đồng thuận, lúc tạm biệt nhau hai bạn đó ngập ngừng mãi mới dám nói thật: “Bọn mình tưởng bạn có ý định tự tử nên mới ngồi sát vậy, chứ thường chả ai ngồi gần hồ vậy đâu”. Mồm tôi lúc đó há hốc, mắt mở to nhìn hai bạn đó. Thực sự tôi chưa bao giờ muốn chết cả, có thể do mặt tôi hơi béo, nhìn “đần đần” nên mới khiến hai bạn đó hiểu lầm đến vậy. Hỏi han thêm vài thứ thì mới biết hai bạn nữ đó hơn tuổi tôi, một bạn xin số điện thoại tôi để khi nào tôi lên hồ thì gọi bạn ấy ra ngồi chơi và nói chuyện vì công ty cũng gần hồ (hình như trong list yahoo còn nick của bạn đó nhưng tôi quên mất nick bạn đó là gì). Vậy là nhờ cái mặt “thộn” của tôi mà tôi có thêm bạn bè, anh em tình cờ như vậy.

Sau này, có rất nhiều mối quan hệ của tôi được tạo nên bằng những lần “tình cờ” như thế. Có một cô bé không nhớ được đường đi, cứ đi ra đường là lạc nên lúc nào cũng phải có bạn hoặc người khác đi cùng, nó bảo bị mất phương hướng, gặp tôi đi hai vòng hồ nên nó đến làm quen (lúc nghe nó nói thế, tôi tưởng nó bịa vì rành rành nó ở Hà Nội từ thuở lọt lòng mà đến đường không nhớ, sau chơi với nó mới biết nó nói thật).

- Em gặp anh 2 lần đi quanh vòng hồ rồi đấy, và em nghĩ chắc chắn anh và em có duyên. Nó thản nhiên bảo tôi thế rồi hớn hở kể chuyện không đầu không cuối của nó.

Vậy là quen nhau thôi, rất đơn giản.

Lứa tuổi nào cũng có “dị nhân”, đó là điều đã được tôi kiểm chứng, lấy ví dụ cũng chả ở đâu xa lạ mà ngay trên cái Hồ Gươm “bé bằng mắt muỗi” này. Có lần tôi đang ngồi khu đối diện ngân hàng ANZ Hồ Gươm thì thấy một đám đông tụ tập, với bản tính “tò mò” của người Việt Nam chính hiệu, tôi rẽ vào đám đông đó xem có chuyện gì xảy ra thì thấy một ông lão râu trắng, đội mũ cao bồi, nước da đã nhuốm màu thời gian đầy đồi mồi đang kéo đàn Violin. Tiếng đàn của ông không thực sự hay nhưng tình cảm, khiến nhiều người phải dừng lại lắng nghe, phải cảm nhận và lặng người. Mọi người đang nghe nhạc hay, sâu lắng thì không biết từ đâu quản lý khu vực hồ chạy đến, giải tán đám đông mặc cho cho ông râu trắng kéo violin giải thích, “Đây là giải trí chứ có phải tụ tập gây rối trật tự gì đâu mà các chú kêu giải tán”. Ông và người quản lý khu vực lời qua tiếng lại một lúc thì ông cũng cất cây đàn vào hộp và ngồi trầm tư ngó Hồ như bao người khác.

Tôi đẩy xe ra sát bờ, bên cái ghế và cũng ngó hồ. Ngồi như vậy một lúc thì ông lại lôi đàn ra chơi nhẹ nhàng, tiếng đàn làm tôi thấy bình yên và phấn chấn hơn, thấy tự dưng thân thiết với ông hơn. Ông râu trắng kéo đàn khá kín tiếng về cuộc đời mình, ông chỉ kể ông vốn là người Tràng An chính gốc, nhưng vì hoàn cảnh xô đẩy nên phải vào Nam sinh sống, giờ tuổi cao ông mới có cơ hội ra Hà Nội, mang tiếng đàn và tình cảm thương nhớ quê hương bao năm trời trở về.

- Bác đi ra ngoài này thế nào ạ?

- Đi tàu thôi, vừa đi vừa đàn là đủ tiền vé.

- Lát nữa bác về đâu ngủ?

- Bác về nhà người quen ở ngay chợ Gạo. Bác chỉ đi và mang tiếng đàn thay cho tiếng nói thôi. Bác kể, nhiều lúc cũng khó khăn, ăn bánh mì uống nước lọc, nhưng bác đã quen với khó khăn, khổ cực rồi nên chả là gì, giờ bác chỉ mong còn sức kéo đàn phục vụ quê hương là bác đã mãn nguyện và hạnh phúc. Có nghe bác kể chuyện mới thấy bác yêu Hà Nội dường nào, hình như Hà Nội có sức quyến rũ gì đó khiến nhiều người dù chê trách nó nhưng vẫn muốn đến, quay lại và trở về dù chỉ một lần. Nghe bác kéo đàn mà tôi thấy cả một Hà Nội trong đó, một Hà Nội cổ kính, một Hà Nội “lá bàng rơi, sóng Hồ Gươm” hay một Hà Nội xa xăm có tiếng tàu điện leng keng, có kem Tràng Tiền và những đứa trẻ hái sấu…

- Bác hay ra đây không?

- Bác ở Hà Nội 6 tháng rồi lại về Sài Gòn 6 tháng, nhưng gần đây bác muốn ở lại Hà Nội nhiều hơn, vì già rồi, đi lại nhiều cũng không được nữa.

- Gia đình bác thì sao?

Bác im lặng rồi nhìn lên những gợn sóng Hồ Gươm, tôi cũng không hỏi nữa, lặng ngắm Hà Nội cùng bác. Sau đợt đó thì mỗi lần lên Bờ Hồ tôi đều trò chuyện cùng bác, thi thoảng còn mua biếu bác chai nước hay chiếc bánh mì. Ông râu trắng nãy giờ tôi kể hẳn nhiều bạn đã đoán được, đó chính là bác Hải - người nghệ sĩ đường phố đã từng nhiều lần được lên truyền hình và báo chí.

Ngoài bác Hải thì bác Vinh (Nguyễn Tấn Vinh) cũng là một người tôi hay gặp trên Bờ Hồ. Lần đầu tiên gặp bác Vinh là lần tôi đang chán đời, công việc đang gặp khó khăn, gần như nhẵn túi, chỉ còn lại cái máy ảnh để chụp giải khuây.

Một ông lão, trông qua thì giống mấy ông thợ chụp ảnh trên hồ, nhưng nhìn kĩ thì có nét gì đó lãng tử, phong trần, và rất Hà Nội. Bác thấy tôi ôm máy chụp lại ngồi xe lăn nên chụp tôi mấy kiểu rồi hai bác cháu hỏi han làm quen, từ vài câu hỏi han ban đầu, tôi với bác dần trở thành tri kỷ, chia sẻ cho nhau về chuyện cuộc sống, chụp ảnh, các góc chụp.

Tầm tuổi bác Vinh thường thích chơi máy số hơn máy cơ vì mắt họ giờ kém, chụp máy số thuận tiện và dễ dàng hơn. Nói về ảnh thì ảnh bác Vinh không thật sự đẹp, nhiều khi ảnh còn lệch góc nhưng ảnh nào bác chụp đều rất có hồn, ẩn chứa cả một câu chuyện trong đó, có cái thể hiện những khoảng khắc cuộc sống mà phải những người từng trải như bác mới nắm bắt được. “Mỗi buổi chiều bác đi chụp được cả nghìn cái, về lọc ra còn 100-200 cái rồi up, chủ yếu bác up trên xóm, giờ đây có facebook thì up lên cả đó nữa. Giờ bác đang là thành viên VIP trên xomnhiepanh đó” - Bác hồ hởi kể cho tôi nghe.

Mãi sau này, tôi mới được biết biệt danh của bác Vinh là “ông vua Hồ Gươm” vì ảnh bác chỉ xoay quanh chủ yếu đề tài Hồ Gươm và bác là người chụp được nhiều ảnh cụ Rùa nổi nhất.

Có nói chuyện với bác mới biết được rằng ngày xưa bác thích nhiếp ảnh lắm, nhưng cuộc đời cứ cuốn bác đi theo những hướng khác nhau mà đam mê và niềm vui nhỏ nhoi không thể thực hiện được. Bác nói, “Phát minh vĩ đại nhất của con người, bác nghĩ là chiếc máy ảnh, nhờ nó mà người ta lưu giữ lại được những khoảnh khắc mà lẽ ra nó sẽ bị lu mờ theo thời gian và trí nhớ…”. Cũng đúng các bạn ạ, sau này có dịp đi nhiều, tôi mới thấy việc chụp lại, hay lưu lại những hình ảnh của nơi đến, sau này có dịp ngồi xem lại những khoảnh khắc đó với cảm tượng như “sóng đánh uỳnh cái vào người và lăn ra đất dãy đành đạch muốn xỉu”.

- Bác có hay đi không ạ?

- Ngày nào bác cũng đi, hôm nào ốm thì ở nhà thôi.

- Thế còn mưa nắng thì sao ạ?

- Mưa nắng thì có cái hay của mưa nắng, những bức ảnh mưa cũng đẹp, nhưng lúc đó chỉ sợ hỏng máy móc thôi, chứ để cho những bức ảnh về mưa đẹp thì cũng phải hy sinh. – bác cười..

- Giờ bác đi đâu ạ? Cháu đi theo được không? – Tôi hỏi và ngó lên nhìn bác.

- Đi qua đây gặp mấy ông của bạn bác, ngồi uống trà chút rồi ta đi tiếp?

Vậy là tôi đi theo chân bác. Một già, một trẻ, chậm rãi bước đi trên những bậc vỉa hè không bằng phẳng của Hồ Gươm.

Thì ra, có nguyên một hội những người cao tuổi thích chụp ảnh như bác. Tôi và bác ngồi nói chuyện với mấy bác trong hội, phần lớn câu chuyện của các bác trong hội xoay quanh việc máy ảnh và ảnh. Chỉ đơn giản là khoe nhau máy mới mua, khoe một bức ảnh mới chụp hay một khoảnh khắc hiếm gặp… Nhìn họ lúc đó, những ánh mắt, nếp nhăn của tuổi xế chiều ánh lên một hạnh phúc khó tả. Dường như tuổi tác không thể đánh bật được niềm đam mê trong con người các bác, “Thà muộn còn hơn không”, các bác nói với tôi như vậy sau những lần họp hội ấy. Nhìn các bác, tôi như được tiếp thêm sức mạnh để thực hiện niềm đam mê của mình, tôi tự nhủ vậy. Bánh xe lăn của tôi sẽ in dấu đủ 63 tỉnh thành Việt Nam, và biết đâu đó có ngày bánh xe lăn của tôi sẽ còn vươn tới một Châu Âu, Châu Mỹ, Châu Phi.

Đôi lúc tôi nghĩ cô bé “lạc đường” đó nói cũng đúng, phải có duyên gì đó với nhau mới gặp được nhau, mới quen được nhau và mới chơi được với nhau. Mỗi cái duyên đều đem lại có thể là hạnh phúc, khổ đau, nước mắt, niềm vui… nhưng nhờ đó mà ta mới có mục đích để sống thật sự. Có đi nhiều, có gặp gỡ nhiều mới thấy cuộc sống là cả một kho tàng để khám phá, không chỉ về kiến thức mà cả về cách cư xử và những thứ mà chẳng bao giờ biết gọi bằng gì. Người ta nói cuộc đời như một chuyến đi, mỗi người trên đó điều khiển một chiếc xe chính cuộc đời mình. Đường đi có thể giống nhau nhưng cách điều khiển cuộc sống của mỗi người là khác nhau. Cũng đừng vì như thế mà lái xe xuống vực hoặc gây tai nạn mọi người bạn nhé! Vì đi được một bước thì sẽ có một bước tiếp hiện ra để đi tiếp. Cuộc sống còn nhiều điều tốt đẹp đang ở phía trước, không đi, không tới thì ai biết nó sẽ như thế nào.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx