sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 7

Mấy hôm nay Quý ròm có ý đợi Văn Châu. Cũng như Tiểu Long và nhỏ Hạnh, nó đang ôm trong lòng biết bao nhiêu là thắc mắc. Rằng tại sao ông của Văn Châu lại không ở chung với gia đình nó? Rằng tại sao ba nó lại chọn bạn cho nó mà không cho nó tự do tìm bạn? Rằng tại sao nó là con gái mà mang cái tên Trần Văn Châu hệt như tên một đứa con trai? Lúc ở nhà ông của Văn Châu, Quý ròm đã muốn hỏi lắm lắm nhưng bầu không khí ngột ngạt làm nó ngần ngại. Quý ròm định bụng sẽ chặn đường Văn Châu lúc nó đi học thêm để hỏi cho ra lẽ.

Nhưng khổ nỗi, lúc Quý ròm không có ý định gặp Văn Châu thì nó cứ nhởn nhơ lượn qua lượn lại trước cổng hoài, còn khi Quý ròm nôn nao muốn gặp mặt nó thì nó mất tăm mất tích hệt như hòn sỏi rơi xuống hồ.

Đợi thêm chừng vài ngày, Quý ròm lắc đầu nói với Tiểu Long và nhỏ Hạnh:

- Chịu! Nó biến rồi.

Nhỏ Hạnh ngơ ngác:

- Sao thế? Văn Châu nghỉ học luôn à?

- Ừ! – Quý ròm ỉu xìu – Mấy hôm nay nó không đi ngang nhà tôi nữa.

- Không thể như thế được. – Tiểu Long nhíu mày – Văn Châu mới đi học chưa được một tháng, lẽ nào lại nghỉ học?

Nhỏ Hạnh lộ vẻ lo âu:

- Hay là Văn Châu gặp chuyện gì?

Sự phỏng đoán của nhỏ Hạnh khiến Tiểu Long chột dạ. Nó hít vào một hơi dài và cố trấn an:

- Văn Châu không gặp chuyện gì đâu. Có thể nó chỉ bị ốm thôi.

Quý ròm nhanh nhảu:

- Nếu vậy tụi mình phải đi thăm nó ngay.

Tiểu Long ngập ngừng:

- Tụi mình đã biết nhà của Văn Châu đâu.

- Cứ đến nhà ông nó. – Quý ròm khoát tay – Biết đâu nó đang nằm ở đó. Nếu không, mình sẽ nhờ ông nó chỉ nhà giùm mình.

Khi bọn Quý ròm tới, cánh cổng sắt trước nhà ông Văn Châu vẫn đóng im ỉm. Cả bọn đứng thập thò ngoài cổng dáo dác nhìn vào xem thử có Văn Châu lảng vảng trong đó không nhưng bên trong tịnh không một bóng người.

Đứng một hồi mỏi cẳng, Quý ròm tặc lưỡi đề nghị:

- Hay là mình gọi ông nó?

- Theo Hạnh là không nên. – Nhỏ Hạnh lắc đầu – Ông bị lòa, chớ làm kinh động tới ông.

- Ừ, phải đấy. – Tiểu Long hùa theo – Ông không nhìn thấy gì, nếu lò mò ra mở cổng cho mình, nhỡ vấp té thì khổ.

Cả bọn còn đang loay hoay, nhỏ Hạnh chợt nhìn thấy chị Thắm thấp thoáng đằng góc rào, liền mừng rỡ kêu:

- Chị Thắm! Chị Thắm!

Nghe tiếng gọi, chị Thắm ngạc nhiên nhìn quanh và khi phát hiện ra bọn Quý ròm đang đứng lố nhố bên ngoài, chị buông thùng tưới xuống, vội vàng bước lại:

- Các em đi đâu đấy? – Giọng chị căng thẳng.

- Tụi em đi thăm Văn Châu.

Chị Thắm nói nhanh:

- Hôm nay Văn Châu không đến đây.

Tiểu Long gãi đầu:

- Thế nhà bạn ấy ở đâu, chị biết không?

Chị Thắm ngó lơ chỗ khác:

- Chị không biết.

Thái độ của chị Thắm khiến nhỏ Hạnh đâm nghi. Nó chưa kịp nghĩ ra cách nào dò hỏi thì Quý ròm bỗng chép miệng bâng quơ:

- Không hiểu sao liên tiếp mấy buổi chiều vừa rồi bạn ấy không đi học. Chắc bạn ấy đang ốm liệt giường phải không chị?

Chị Thắm không biết Quý ròm giăng bẫy, thật thà đáp:

- Không phải đâu. Nó khoẻ như vâm chứ ốm o gì.

Chỉ đợi có vậy, Quý ròm cười toe:

- Chị bảo Văn Châu không đến đây, sao chị biết bạn ấy không ốm o gì?

Câu hỏi vặn của Quý ròm làm chị Thắm ngẩn ra đến một lúc. Nhưng rồi chị trả lời được ngay:

- Hôm nay Văn Châu không đến nhưng hôm qua nó có đến.

Quý ròm không ngờ chị Thắm lại thoát ra khỏi bẫy rập của mình một cách dễ dàng như thế nên nó chỉ biết đực mặt đứng ngẩn tò te.

Đúng vào lúc cả bọn đang sắp sửa lãnh “một bàn thua trông thấy”, một ý nghĩ mới mẻ loé lên trong đầu nhỏ Hạnh. Nó nhìn chị Thắm và nói bằng giọng nghiêm trang:

- Nếu không có Văn Châu thì chỉ để tụi em vào thăm ông của bạn ấy vậy.

- Tụi em vào thăm ông? – Chị Thắm há hốc miệng.

Nhỏ Hạnh trịnh trọng gật đầu:

- Đúng vậy. Hôm trước ông có dặn tụi em khi nào rảnh thì đến chơi với ông.

Nhỏ Hạnh vốn không quen nói dối. Nhưng hôm nay trước tình thế quá sức khó khăn, nó bỗng nói dối trơn tru đến mức “tổ sư bốc phét” Quý ròm cũng phải bái phục. Thực ra nhỏ Hạnh không bịa đặt hoàn toàn. Hôm trước ông của Văn Châu có bảo bọn nó siêng năng đến chơi thật. Nhưng đến chơi là chơi với Văn Châu chứ không phải với ông. Bữa nay nhỏ Hạnh lặp lại đúng câu nói đó của ông, chỉ sửa lại chút đỉnh, nên nó không cảm thấy ngượng miệng cho lắm.

Chị Thắm có tài thánh mới biết được sự lắt léo bên trong đó. Thấy nhỏ Hạnh đem ông ra làm bằng cớ, mặt mày lại thành khẩn, trang nghiêm, chị không dám chần chừ, liền rút chùm chìa khoá trong túi ra lật đật mở cổng:

- Vậy thì các em vào đi!

Rồi chị cẩn thận dặn thêm:

- Nhưng các em nhớ đừng ở chơi lâu quá đấy nhé!

- Sao vậy hở chị? – Quý ròm thắc mắc.

Chị Thắm đáp bằng giọng bối rối:

- Chị chỉ sợ… ông mệt.

Ông của Văn Châu đón tiếp bọn Quý ròm với vẻ niềm nở:

- À, các cháu lại đến chơi với bạn Văn Châu đấy ư?

- Vâng ạ! – Nhỏ Hạnh rụt rè đáp – Lâu quá không thấy Văn Châu đi học, tụi cháu định đến thăm.

- Cháu nói gì lạ thế? – Ông của Văn Châu tỏ vẻ ngạc nhiên – Sáng nào Văn Châu cũng đi học kia mà.

Quý ròm khịt mũi:

- Tụi cháu muốn nói đến lớp học thêm buổi chiều ấy.

- À! – Giọng ông bỗng dưng trầm xuống – Lớp đó thì Văn Châu nghỉ luôn rồi. Bây giờ nó không đi học thêm ở ngoài nữa. Ba mẹ nó rước thầy về dạy ngay trong nhà.

- Sao thế hở ông? – Quý ròm hỏi.

- Nói chung là… – Giọng ông thoáng ngập ngừng – Nói chung là ba mẹ nó không muốn nó đi ra ngoài nhiều, sợ nó kết bạn lung tung.

Rồi dường như sợ bọn Quý ròm tự ái, ông tặc lưỡi nói thêm:

- Ông thì ông chẳng nghĩ như vậy. Một đứa trẻ nếu được giáo dục tốt nó sẽ tự khắc biết chọn bạn mà chơi. Bổn phận của các bậc làm cha làm mẹ là dạy con biết phân biệt điều đúng điều sai chứ không phải cấm cản hoặc giữ rịt nó trong nhà.

Nhỏ Hạnh thình lình hỏi:

- Nếu thế thì tại sao ba mẹ bạn Văn Châu không ngăn cản bạn ấy đi học thêm ngay từ đầu mà đợi đến bây giờ mới cấm hở ông?

Câu hỏi bất ngờ của nhỏ Hạnh khiến ông lộ vẻ khó xử. Sau một thoáng đắn đo, ông chậm rãi đáp:

- Điều đó chẳng qua là do ba của bạn Văn Châu đã tình cờ trông thấy các cháu.

- Trông thấy tụi cháu? – Ba cái miệng cùng bật hỏi – Thấy lúc nào kia ạ?

- Lúc các cháu đến đây chơi ấy.

Quý ròm trố mắt:

- Hôm đó tụi cháu nấp ở đằng sau kia mà.

Ông thở dài:

- Lúc các cháu nấp thì ba của Văn Châu không biết, nhưng khi các cháu ra về thì ba nó trông thấy.

- Sao lại như thế được? – Quý ròm gãi cổ – Khi tụi cháu ra về thì ba của bạn ấy đã về trước rồi kia mà.

Ông mỉm cười:

- Sao các cháu lẩn thẩn thế! Từ nhà Văn Châu ngó qua đây, đến con kiến cũng có thể nhìn thấy nữa là các cháu.

Câu nói của ông làm bọn trẻ chưng hửng. Ba cái miệng cùng nín thở:

- Thế nhà bạn Văn Châu là nhà nào hở ông?

Tới phiên ông chưng hửng:

- Các cháu không biết thật sao?

- Dạ, không biết ạ! – Bọn Quý ròm đồng thanh.

Ông im lặng một lúc rồi chậm chạp trỏ tay về phía ngôi biệt thự trong vườn:

- Nhà nó đấy.

- Ôi! – Bọn trẻ rên lên sửng sốt – Thế mà bạn Văn Châu bảo là nhà bạn ấy ở xa lắm. Còn đây chỉ là nhà hàng xóm.

Ông lại mỉm cười:

- Nó nói dối các cháu đấy.

Phát hiện bất ngờ này khiến bọn trẻ lặng người, thẫn thờ suy nghĩ. Thế ra Văn Châu không ốm! Nó chỉ bị ba mẹ bắt phải bỏ học những lớp buổi chiều. Giờ này chắc nó đang khổ sở với vị gia sư mới rước về trong ngôi nhà đẹp đẽ nhưng tù túng kia. Và biết đâu trong khi bọn Quý ròm cất công đi tìm nó thì nó cũng đang nhớ tới bọn Quý ròm, những người bạn tuy mới quen nhưng đã có chung với nhau những kỉ niệm đặc biệt không thể nào quên.

Sực nhớ ra một chuyện quan trọng, nhỏ Hạnh rụt rè lên tiếng:

- Ông ơi!

- Gì thế cháu?

Nhỏ Hạnh thu hết can đảm:

- Tại sao bạn Văn Châu lại… trông giống con trai thế hở ông?

Bọn trẻ cứ lo thắc mắc của nhỏ Hạnh sẽ làm ông phật ý. Nhưng điều đó đã không xảy ra. Giọng ông bình thản:

- Không chỉ các cháu mà rất nhiều người đều ngỡ Văn Châu là con trai. Hồi bà chưa mất, mắt ông chưa bị loà, Văn Châu đã nom hệt một thằng nhóc rồi. Lỗi không phải do nó. Ngay từ khi chưa sinh ra, nó đã là một đứa con trai rồi.

Tiết lộ của ông bí hiểm đến nỗi bọn Quý ròm cứ thuỗn mặt ra. Dường như ông cũng biết thế nên ông hắng giọng từ tốn kể:

- Chả là trước khi Văn Châu ra đời, nó đã có hai người chị…

Câu chuyện ông kể lạ lùng đến khó tin. Bọn Quý ròm nín thở nghe, miệng há hốc như nuốt lấy từng lời:

- Hai người chị của Văn Châu là Hồng Lam và Ngọc Diệu. Hồng Lam là chị cả. Ngọc Diệu là chị thứ hai. Ba mẹ của Văn Châu thoạt đầu chỉ định sinh hai đứa con. Nhưng rồi thấy cả hai toàn là gái, ba nó quyết định sinh thêm đứa thứ ba để mong kiếm một đứa con trai. Sự khao khát đó lớn đến mức khi đứa con còn nằm trong bụng, ba mẹ nó đã may sẵn cho nó các loại quần áo kiểu con trai. Những thứ đồ chơi của con trai như banh bóng, súng gươm, xe tăng đại bác… cũng được sắm sẵn. Ngay cả cái tên cũng đặt trước: Trần Văn Châu, ý nói con trai là “châu báu” ở trong nhà…

- Ôi! – Nghe đến đây, không nén được nhỏ Hạnh bật kêu – Chẳng lẽ bạn Văn Châu mang tên Trần Văn Châu thật hả ông?

- Cũng gần như thế. – Ông gật gù – Khi biết Văn Châu là con gái, tất nhiên ba mẹ nó thất vọng não nề. Cuối cùng, hai người bàn với nhau cứ xem Văn Châu như con trai cho đỡ ấm ức. Thế là để xoa dịu tâm lí của ba mẹ, ngay từ lúc mới lọt lòng, Văn Châu đã nghiễm nhiên trở thành một đứa con trai từ cách ăn mặc cho tới tóc tai đầu cổ. Cái tên Trần Văn Châu vẫn được giữ lại, chỉ “bổ sung” thêm một chữ “Thị” vào giữa: Trần Thị Văn Châu.

- Hèn gì! – Tiểu Long vỡ lẽ, tặc tặc lưỡi.

Quý ròm cũng thở phào:

- Có thế chứ. Con gái ai lại mang tên Trần Văn Châu bao giờ.

Nhỏ Hạnh hồi hộp:

- Rồi sao nữa hở ông?

- Tất nhiên là nó giống hệt một thằng nhóc chứ sao. – Ông nhún vai – Ở nhà cũng như ở trường, nó chỉ chơi với bạn trai. Nó mê vật lộn hơn là nhảy dây, thích đá bóng hơn chơi đánh đũa. Nó còn ghi tên sinh hoạt ở Câu lạc bộ võ thuật và lớp năng khiếu bóng đá quận…

Lời kể của ông dần dần làm sáng tỏ những điều bí mật vẫn bao quanh “nhân vật” Văn Châu. Tiểu Long cứ “Hèn gì!” luôn miệng. Còn Quý ròm và nhỏ Hạnh thì không ngớt gục gà gục gặc…

- Tính tình cũng như cách nói năng đi đứng của Văn Châu khiến ba mẹ nó ngày càng đâm lo. Nhất là từ khi thằng Bạch Kim em nó ra đời sau đó sáu năm đã thoả mãn được nỗi khát khao của ba mẹ nó…

Ông vừa ngừng lời, Quý ròm đã nôn nóng hỏi:

- Thế bạn Văn Châu có… biến thành con trai thật không ông?

- Làm gì có chuyện đó. – Ông cười khẽ – Văn Châu là đứa có thể chất tốt, lại chơi với bạn trai từ nhỏ nên nó hiếu động thế thôi. Chừng vài năm nữa, bắt đầu đến tuổi trưởng thành, tính tình và kiểu cách sinh hoạt của nó dĩ nhiên sẽ khác đi. Hơn nữa, tuy bề ngoài ngổ ngáo là thế, nhưng những khi ở bên ông, Văn Châu vẫn là một đứa cháu gái dịu dàng, khéo léo. Nó phụ với chị Thắm giặt giũ, nấu nướng, quét dọn giúp ông hệt như một cô nội trợ đảm đang ấy chứ.

Ông nói về cô cháu gái của mình bằng giọng yêu thương, âu yếm và tin cậy. Nghe ông giải thích, bọn Quý ròm thở phào. Nỗi lo lắng mơ hồ về cô bạn Văn Châu bỗng chốc bay biến mất.

- Thế còn ông? – Quý ròm bỗng vọt miệng.

- Ông sao?

Quý ròm nói nhanh, không nhìn thấy cái nháy mắt ngăn cản của nhỏ Hạnh:

- Sao ông không sống chung với ba mẹ bạn Văn Châu mà lại sống một mình trong căn nhà này? Hay là… hay là…

Thấy Quý ròm ấp úng một hồi vẫn không nói hết câu, ông hiểu ngay sự thắc mắc trong lòng nó. Ông quay mặt ra ngoài sân, thong thả:

- Nhiều người cũng nghĩ như cháu. Nhưng không phải. Con và dâu của ông không hề bạc đãi ông, ngược lại đối xử với ông rất tốt…

Nói đến đây, đột nhiên ông ngừng lời, trán cau lại như đang nghĩ xem nên bắt đầu câu chuyện như thế nào…


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx