Một trang đời mới được lật giở. Tôi không biết liệu tôi đã có thể làm nổi bật những gì của hai cái năm tuổi trẻ ấy hay không. Hai năm trời xa vợ, không ngủ hoặc ngủ rất ít trên một chiếc giường, không có lấy một bữa ăn đích thực, sống như một con vật thật sự, bước đi bằng đôi chân trần, chiến đấu hầu như không nghỉ. Nhưng bù lại là được bao bọc trong tình thương mến của một nhóm đồng sự tuyệt vời, nhóm đồng sự ấy tôi đã phải bỏ lại, phó thác cho số phận mà lẽ ra tôi những muốn biết bao, được đưa họ đi theo về nước Pháp để lấy lại chút ít hơi thở của cuộc sống.
Bị thương nặng trong một tai nạn nhảy dù ở Ấn Độ Dương năm 1972 - hai mươi nhăm năm sau, tôi đã nhận được một lá thư đầy xúc động của trung sĩ Minart, thư ký của tôi thời kỳ đó, một chàng trai rất tốt.
Thưa tướng quân.
Tôi rất vinh dự, qua lá thư này, nhắc lại với tướng quân một kỷ niệm vui, một anh trung sĩ đã ở bên cạnh tướng quân trong cái kỳ ghê gớm đến như vậy, cái thời kỳ mà không có bất cứ chuyện gì có thể xóa đi trong trí nhớ của một người đàn ông...
Từ những khoảng cách này đến khoảng cách khác (tiếc thay cả về thời gian cũng như về không gian ) tôi vẫn không ngừng theo dõi bước đi của tướng quân. Sung sướng trước tin tức về một lần thăng cấp ít hay nhiều muộn mằn, lo lắng và buồn phiền khi được biết một số câu chuyện về các thủ đoạn lừa lọc lúc nào tôi cũng trông chờ mọi tin tức liên quan đến tướng quân. Nếu như tôi có chỗ đứng nhỏ nhoi trong trí nhớ của tướng quân, ngài hẳn phải biết, thưa tướng quân (theo thói quen cũ suýt nữa tôi đã viết là thưa đại úy) ngài hẳn phải biết, tôi xin nói như vậy, rằng tôi viết thư cho ngài hoàn toàn không phải để nịnh nọt vô bổ mà hoàn toàn trái ngược lại, đó là để gợi nhớ lại cho cả hai người rằng tôi luôn luôn mến phục ngài và giữa chúng ta đã từng tồn tại một điều gì đó ngoài mối quan hệ giữa chỉ huy và cấp dưới.
Ngài không biết được đâu, thưa tướng quân, tôi tự hào đến mức nào, khi có người nhắc đến Bigeard tôi được nói lên câu sau đây: “Tôi từng là thư ký riêng của ông ấy”. Nhưng mà điều này chỉ có giá trị trước con mắt của chính tôi. Không một ai có thể hình dung ra cụ thể và thậm chí là trong hoàn cảnh như thế nào...
Vào thời kỳ đó, trang phục của chúng ta (những bộ trang phục thảm hại) chỉ có thể che dấu, bên dưới về bề ngoài đáng khinh thường, tinh thần và vinh dự của quân đội Pháp thục thụ, cái đội quân mà đáng buồn thay, người ta chỉ trông thấy bắt tay vào hành động trong những thời điểm xấu nhất của đất nước vĩ đại và tươi đẹp của chúng ta!...
Thưa tướng quân, tôi đã có dịp trở lại “cái văn phòng” của ngài ở Văn Yên, nơi mà mỗi buổi sáng, tôi đã từng đến để nhận các mệnh lệnh của ngài. Tôi vẫn còn nghe thấy giọng nói âm vang của ngài chào tôi “Xin chào, anh Minart”! Tôi cũng đã nhìn thấy lá cờ lớn, trên mảng màu trắng của nó có đóng khung một bức ảnh của con gái Marie Fance của ngài, mà lúc đó ngài chưa hề nhìn thấy mặt cháu...
Xin ngài thứ lỗi, thưa tướng quân, về cái cao trào tình cảm chủ nghĩa này, nhưng vì tôi đã là cha, thậm chí là ông nội và tôi thật lòng cầu mong là ngài cũng cùng chia sẻ niềm hạnh phúc ấy.
Liệu ngài có ghi chép trong sổ tay về tôi rằng “tính cách vẫn còn trẻ trung”? Điều đó bao giờ cũng đúng đấy, thưa tướng quân, và tôi tự khen mình về chuyện đó.
Nếu như tôi không giữ được tâm hồn trẻ trung như vậy, cái tâm hồn trẻ trung mà ngài cũng vậy, ngài đã giữ gìn được trước mọi việc và chống lại mọi việc, thì giờ đây tôi đã không có vinh dự và hạnh phúc để gửi tới ngài tất cả những lời cầu mong, chúc ngài mau chóng bình phục.
Thưa tướng quân, cho phép tôi được ôm hôn ngài với tấm lòng của đứa con trai.
Xin kính thư và mãi mãi là Minart của ngài”.
… Sau năm ngày đi bộ, chúng tôi đã tới được Sơn La. Ngọn núi đã thay đổi nhiều. Tòa nhà của viên tỉnh trưởng đã được xây dựng lại. Khu thành cũ đã được sửa sang. Trên mảnh sân bay nhỏ Nà Sản có một chiếc Dakota chờ đưa tôi trở về Hà Nội, nơi tôi phải đợi bốn mươi tám tiếng đồng hồ mới có máy bay đi Paris.
Thời kỳ đó, hành trình Hà Nội - Paris mất ba ngày, miễn sao máy bay không tự gẫy cánh. Đây không phải lúc. Ít nhất làm sao cho tôi gặp lại được những người thân yêu.... Gaby sẽ ra sao? Và Marie France nữa? Nó giống ai nhỉ? Lạy trời, ba cài ngày ấy sao mà tôi thấy dài lê thê!
20 tháng chín 1947... Sân bay Orly. Họ kia kìa. Marie France trong tay của mẹ nó. Thật ngộ nghĩnh, một bé gái xinh xắn mà ta không nhìn thấy lúc nó sinh ra. “Nó giống anh, nó sẽ giống tính anh....” Gaby, vốn dĩ như vậy, không đặt ra một vấn đề gì, chúng tôi có cảm giác chưa từng sống cách xa nhau lâu đến như thế.
Khách sạn Terminus, nhà ga Saint Lazarre. Một vài ngày ở Paris. Tôi bị nhức đầu vì tất cả cái thứ tiếng ồn này. Tôi đã mua những đôi giầy với hai kích cỡ phụ. Tôi đã cho cắt đi một cái chai chân rộng hai xăngtimét ở nhà một thầy thuốc ngoại khoa. Những tháng dài đi chân đất đã huỷ hoại bàn chân của tôi. Tôi sẽ thấy thoải mái hơn nếu được đi chân trần trên các đường phố của Paris... Sung sướng, chắc chắn là như vậy, nhưng không hài lòng, tôi nghĩ đến các đồng ngũ của tôi bị bỏ lại trong cái khu rừng rậm tệ hại nhưng hấp dẫn ấy.
Sân ga Toul! Vẫn cái sân ga không bao giờ thay đổi.
Bốn tháng nghỉ phép trong cái khung cảnh u ám của mùa đông vùng Lorraine1 trú ngụ trong một căn buồng nhỏ ở nhà mẹ vợ, thân hình tôi gầy đi, sốt rét, kiết lị. Một buổi chiều khi ngồi ở nhà người thợ cắt tóc, tôi bị ngất xỉu. Tôi trả giá cho những gì phải chịu đựng trong suốt những năm chiến trận ấy, lúc đó tôi không hề bị hắt hơi bao giờ.
Khẩu phần ăn quá béo bổ không thích hợp cho tôi, tôi cần phải có thời gian thích ứng dần dần: tôi yêu cầu cho ăn món cháo gạo và món thịt hầm. Phải, đây là thu hoạch của chúng tôi: Thiếu uý François chết, Bruillot, “ông Bournazel” của tôi, tôi quên không nhắc đến cậu ấy, đã bị thương ở chân trong trận tấn công Văn Yên, Bréau sẽ tử vong trong thời kỳ tôi nghỉ phép. Và đối với những người trở về nhà, cần phải học lại lối sống ở nơi những người văn minh.
Thời gian dài tôi cố gắng tìm cách lấy lại một sự thăng bằng có ích kể cả việc tập đi bộ hàng ngày, cuộc sống trong sạch, những chuyến đi tản bộ trong khu rừng. Chiếc xe Mercédès M.G.6142 vẫn còn chạy được. Rõ ràng là tôi thấy thiếu vắng rừng cây và các trách nhiệm. Ngày cuối cùng của kì nghỉ phép tới gần, tôi đề nghị lại được đi sang Đông Dương. Tôi không thể bỏ mặc các đồng ngũ chiến đấu ở bên đó, hoặc là nếu không thì tôi phải rời bỏ quân đội. Cuối cùng, tôi được bổ nhiệm... Tôi phải tới tiểu đoàn dù số 3 đang được xây dựng ở Saint Brieuc2.
Tháng hai 1948... Tôi sắp tròn ba mươi hai tuổi. Khoảng sân nhà ga. Tôi ra đi một mình, bao giờ cũng là cùng với một nỗi xé lòng. Tôi là đại úy, mang danh hiệu sĩ quan của đội lê dương danh dự, mười một lần dược tặng thưởng huân chương chữ thập chiến tranh, huy chương vì thành tích phục vụ xuất sắc, hai lần bị thương. Nhưng tôi vẫn cứ là con người lãng mạn và nhậy cảm của tháng chín năm 1936.
Tại sao lại tới cái tiểu đoàn dù số 3 đang xây dựng này? Liệu có lại sang Đông Dương hay không? Bỏ lại những người thân ư?... Không, không thể nào làm khác đi được. Một sức mạnh thúc đẩy tôi đáp lời “có mặt”, mỗi một khi quân đội kêu gọi lên đường đi chiến đấu và bất chấp ý kiến phản bác của những người thân của tôi. Tôi lăn bánh về cái vùng Bretagne ấy... Đến đó, tôi sẽ gặp được ai nhỉ? Ai sẽ là người chỉ huy tôi đây?
@by txiuqw4