sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 6: Ở Tiểu Đoàn Dù Số 3

Saint Brieuc. Một trại lính giống như mọi trại lính khác, mang cái tên “Charner” khiến cho tôi có ý muốn rời bỏ nơi này. Tôi đến trình diện với tiểu đoàn trưởng, thiếu tá Ayrolles: nhỏ nhắn, cơ bắp nổi rõ, bốn mươi bẩy tuổi, chuyên gia về chiến trận. Ông đã từng nhẩy dù xuống các khu du kích của nước Pháp trong thời kỳ kháng chiến chống phát xít Đức.

Tôi tiếp xúc với nhóm các trung úy của tôi, những người sẽ thực hiện nhiệm kỳ đầu tiên của họ ở Đông Dương: Vallet de Peyraud, một bàn tay bị dập trong trận đánh giải phóng nước Pháp, thuộc một dòng dõi rất lâu đời của nước Pháp, được mệnh danh là “chàng tử tước”, sẽ là cấp phó cho tôi. Chevret, có tên gọi là “Biquette”, nhanh nhẹn đẹp trai, vẫn còn là một con dê non, rất khoái chí tiếp nhận cả một đống to tướng thư từ của phụ nữ. Emptoz sôi nổi, năng động, say mê với vai trò người giải phóng, sẵn sàng đốt cháy cuộc đời. Lhuillier, được tặng thưởng nhiều danh hiệu chiến tranh, tham gia trận đánh nổi danh ở Italia, một sĩ quan vững vàng, người mà tôi gửi gắm nhiều hi vọng. Rougier, mờ nhạt hơn, nhưng nắm rất vững công việc người lính bộ binh của mình, thanh thản và thích uống rượu.

Các hạ sĩ quan, mà một nửa trong số họ đã được khẳng định, được tặng thưởng những danh hiệu vẻ vang của quân đội, và những thanh niên chưa từng tham gia chiến trận nhưng mơ ước được sánh vai với các “bậc lão thành” của họ.

Các binh sĩ tình nguyện trẻ tuổi của chúng tôi từ mười tám đến hai mươi tuổi, thuộc về một thế hệ đã chịu đau khổ trong thời kỳ đất nước bị chiếm đóng và trong thời kỳ hậu chiến.

Một số người không có vị thế gì cả, một số khác trong cuộc sống dân sự có đôi chuyện phiền phức, đa số có mặt ở đây là vì ý thích muốn phiêu lưu mạo hiểm. Sẽ phải rèn dũa, nhào nặn họ, bồi dưỡng cho họ một ý chí, một lí tưởng, dạy cho họ biết cách chịu đựng gian khổ, tiến lên một bước, lại một bước nữa. Việc làm này, qua kinh nghiệm tôi biết được là dễ dàng. Chỉ cần làm gương cho họ, trò chuyện với họ, yêu quí họ, những chàng trai dũng cảm đang hết sức sẵn sàng ấy! Sống với họ theo cách đó, người ta tự thấy như cùng tuổi tác với họ và tôi có thể nói với họ rằng: “Nào Nghiến răng lại. Tôi cũng vậy, cách đây mười hai năm, tôi đã khóc khi tiến đến chiến luỹ Maginot”1.

Việc huấn luyện được tiến hành với cường độ cao. Chúng tôi sẽ giữ lại một phần ba số tình nguyện bởi lẽ trong vài tháng nữa chúng tôi phải tham chiến với một công cụ sắc nhọn tới mức tối đa có thể, do đó phải có một cuộc chọn lọc khẩn trương, nghiêm khắc. Những cuộc hành quân đường dài, hoạt động ban đêm, xạ kích theo trực giác, đột kích theo la bàn, những cuộc vượt sông. Đại đội mỗi ngày một tiến bộ, nhưng với nhịp điệu này, đám thanh niên của chúng tôi đôi khi sẽ tự buông thả ở các quán nhậu trong thành phố.

Tiểu đoàn trưởng: quả thật, phản ứng một cách cứng rắn. Bị phạt cấm trại trong mười lăm ngày, Sautereau và Martellino, hai cậu bé láu cá của Paris, trông rất điển trai, xin với tôi cho nghỉ phép bốn mươi tám tiếng đồng hồ để về Paris. Giấu diếm thủ trưởng của mình, tôi đã đồng ý cho họ đi phép với lời dặn dò là họ phải có mặt vào buổi sớm ngày thứ hai đầu tuần. Mãi đến ngày thứ sáu họ mới trở về và ngượng ngùng lúng túng đến trình diện ở bàn giấy của tôi.

- Thưa đại úy, chúng tôi là hai thằng khốn nạn, điên khùng.

Câu trả lời:

- Cho phép lựa chọn: kỷ luật ghi vào lí lịch hay là phạt cải hối tại chỗ?

- Chúng tôi xin được phạt cải hối tại chỗ!

Tôi phạt họ “nốc-ao” trong mấy giây, hình thức có phần nào chính thống được coi là hợp pháp vào thời kỳ đó. Hai thanh niên này, về sau trở thành hai trung sĩ và sẽ đi theo tôi trong suốt năm năm trời, với nhiều lần được tuyên dương. Một cậu bị chết trong lần đánh chiếm Điện Biên Phủ, cậu kia vĩnh viễn mất tích trong cuộc tháo chạy sau khi tập đoàn cứ điểm bị thất thủ. Tôi nêu tên hai cậu đó bởi lẽ họ phản ánh rõ bước phát triển của tất cả số binh sĩ tình nguyện ấy, về sau đều trở thành những chiến binh tuyệt vời.

Đại đội của tôi hành quân đi bộ để thực tập chuyến nhảy dù ở Meucong, cách xa doanh trại một trăm kilômét. Khu trại dã chiến này nằm ở gần Vannes, ở giữa thiên nhiên trong khu rừng thông. Khu trại đã không được sửa sang cẩn thận. Chúng tôi trú quân trong những chiếc lán làm bằng ván gỗ với nhiều đoạn máng hứng nước mưa. Để sưởi ấm, có những chiếc bếp lò cũ toả đầy khói. Gaby và Marie France đến với tôi. Chúng tôi ở cách xa tòa biệt thự xinh đẹp của Annabella ở Pyla. Chẳng hề gì! Tuổi trẻ, tình yêu của chúng tôi không đòi hỏi gì nhiều.

____________________________________

1. Maginot: Phòng tuyến của quân Pháp trong chiến tranh Thế giới thứ hai. Đã bị quân Đức chọc thủng năm 1940 - N.D

Đại tá Massu chỉ huy bán lữ đoàn quân dù. Ông chịu trách nhiệm xây dựng các tiểu đoàn được gửi sang vùng Viễn Đông, đã được biết đến ở trong quân đội, là một trong những người giải phóng Paris, “một trong những người của tướng Leclerc”. Tôi yêu quí bóng dáng, những tiếng cười ròn rã của ông, cái cách thức không sao bắt chước nổi của ông khi đứng duyệt một đội quân diễu hành. Ông không để ý đến các chi tiết. Duy nhất, kết quả là đáng kể. Ở dưới sự chỉ huy của một “ông hoàng” như vậy, người ta không thích được nương nhẹ.

Chúng tôi thường xuyên nhẩy dù trong thời tiết có sức gió vượt quá thông số cho phép, điều đó dẫn tới việc chúng tôi tiếp đất trên những đoạn đường bê tông của sân bay cũ hoặc nữa, trên những mái lán nằm trong vùng lân cận. Những chiếc xe cứu thương của chúng tôi chuyển số người bị nạn về bệnh viện, nhưng chiến trận đang chờ đợi chúng tôi. Không thể lãng phí thời gian. Đại tá Massu, thân hình to cao quá khổ không có tầm vóc thích hợp của người lính dù và khi tiếp đất quả là vất vả, điều đó không hề ngăn cản ông nhẩy dù làm mẫu.

Nhịp sống tiếp diễn, những cuộc hành quân luyện tập thường xuyên kéo dài nhiều ngày. Trong những ngày đó, mọi người phải tự xoay xở giữa thiên nhiên với hành trang tối thiểu, những buổi tập làm quen với lửa đạn. Giờ đây đã được cấp giấy chứng nhận là lính dù, dáng vẻ của họ mang nét tự hào. Đại đội trông kiêu hãnh đáng sợ. Và chúng tôi trở về Saint Brieuc, tại đó tôi thuê được một căn hộ hai buồng có sẵn đồ đạc, không có vòi tắm hoa sen, để cho vợ con tôi ở.

Tháng mười 1948, chín tháng đã trôi qua và tiểu đoàn đã sẵn sàng. Được tập hợp lại trong khu trại ở Fréjus, chúng tôi đợi ngày xuống tầu. Cái quãng này bao giờ cũng nhọc lòng. Đoạn dạo đầu của một trang đời sẽ lật giở để mở sang những trang khác trong khoảng mờ mịt, vô tận. Và lại nữa, Gaby đứng trên bến cảng cùng với Marie France và còn biết bao những người vợ, người mẹ, người chị. Những người không hề ngờ rằng gần như toàn bộ lớp thanh niên tươi trẻ, tràn đầy sức sống này lại sẽ không trở về.

Trên con tầu Pasteur rộng lớn này, có tiểu đoàn số 3 của chúng tôi và tiểu đoàn dù người nước ngoài số 1. Những phương tiện chiến tranh đẹp đẽ này rồi sẽ bị nuốt chửng trong vụ Cao Bằng. Tôi nghĩ tới Gaby và đứa con gái nhỏ bé, họ quay về vùng Lorraine khắc khổ, trong khi, nếu như được tiếp tục yêu nhau trong khung cảnh hòa bình thì tốt đẹp biết bao nhiêu.

Thật vui vẻ náo nhiệt! Cuộc sống nào trên con tầu này vậy. Những bài hát của quân dù và quân lê dương cho đến tận một giờ đêm. Cùng với chúng tôi, khoảng năm chục người của S.P.F.A.T1, những cô gái tuyệt đẹp biết cách giải khuây chút ít cho tất cả đám đàn ông này và sẽ sống một cuộc sống cực kỳ gian khổ bằng cách giúp ích những công việc quý báu với tư cách là những y tá, cứu thương, những thư ký, những nhân viên gấp dù.... Tôi ngả mũ chào những cô gái cân đối và vô tư ấy. Nhưng, lần này, tôi sẽ không chơi bài Poker, sẽ không tham dự vào các trò thư giãn. Rất khôn ngoan, tôi thích nghĩ đến vợ con và hình dung ra điều gì đang chờ đón chúng tôi. Một chuyến đi dài, quá dài... Vùng biển Trung Hoa, đoạn đi ngược con sông Sài Gòn. Đối với tôi, đó là khung cảnh đã quen thuộc... Tháng mười một 1948. Lại là Sài Gòn. Cái thành phố lớn vừa xa lại vừa quá gần chiến tranh, tôi vốn chưa bao giờ thích thú với cái ồn ào náo nhiệt của thành phố ấy, nơi đó có các bộ tham mưu của chúng tôi với khá nhiều các sĩ quan sẽ trở về nước Pháp mà chưa từng có một đêm bước đi trong rừng rậm.

Thời kỳ gọi là thích nghi với hoàn cảnh mới. Toàn bộ tiểu đoàn trấn giữ một ngã tư cách Sài Gòn đâu đó ba mươi kilômét. Tám trăm quân dù để giữ một điểm tựa. Tôi không còn hiểu nổi một tí gì trong câu chuyện này nữa. Tiểu đoàn trưởng có lẽ cố ý gây áp lực trong việc chỉ huy để dạy cho chúng tôi biết sống trong điểm tựa khép kín, từ đó chúng tôi sẽ phải hoạt động ra xung quanh. Gieo rắc nỗi sợ hãi, ban đêm ông kiểm tra phản xạ của các lính gác, đòi hỏi chúng tôi mang theo vũ khí giữa ban ngày và giữa các binh sĩ của mình. Rút cục ông đã làm cho vấn đề phức tạp và chúng tôi gặp một vài sự cố. Trong một chuyến tuần tra, một hạ sĩ quan bị giết chết bởi một người đồng đội. Ban đêm, đạn nổ hàng loạt, đó là đám thanh niên của chúng tôi bị hốt hoảng. Một trung úy khỏe mạnh, hăng hái, bị đuổi khỏi tiểu đoàn vì anh ta không mang theo khẩu Colt vào giờ ăn. Bốn đại úy tỏ vẻ bất bình với tôi trước những cách làm như vậy. Chuyện làm ồn ào là đáng ghét. Thiếu tá đã duy trì thói quen của một tiểu đội trưởng chỉ huy mười lăm con người nhảy dù trong rừng rậm. Trong lúc đó, giờ đây ông có trong tay một công cụ chỉ có một đòi hỏi là được bốc lửa, những người chỉ huy đã vững vàng, những hạ sĩ quan chính ngạch và những binh sĩ được huấn luyện tốt.

Tôi thấy lại chính mình đơn độc cùng với đại đội của mình trong nhiệm kỳ đầu tiên, chiến đấu ngang sức với quân Việt, và hình dung ra điều gì tôi có khả năng thực hiện cùng với một công cụ như vậy... Rút cục với vinh dự và kỷ luật quân sự, là đại úy, tôi chỉ có thể chịu đựng và nắm chặt hai nắm tay lại. Vận may không rời bỏ tôi và duy nhất đơn vị tôi được chỉ định đi ra xứ Bắc Kỳ, ở đó người ta cần bổ sung thêm quân số. Tất nhiên, tôi là chuyên gia của vùng đất ấy và có lẽ là người “khó chịu” nhất trong số các đại úy, điều ấy trong trường hợp đặc biệt này lại rất tốt cho tôi.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx