sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 9

Tối vít thì ông Đình đến. Quân phục xanh lá cây tề chỉnh, gọn ghẽ. Chỉ thiếu quân hàm thiếu tá ở ve áo. Da trắng mịn. Mặt tròn phính. Nét mày đen nhánh. Trông đẹp như anh lính trong tranh vẽ. Trút khẩu cácbin khỏi vai, ông dựa nó vào góc nhà và ngồi xuống

trước cái bàn của Toàn, thở phù phù thoải má

Hai chiếc đèn dầu hỏa vừa thắp, soi sáng mặt bàn, trang sách chữ in và một cuốn vở.

- Thầy giáo Toàn à. Đầu tôi là cái củ chuối rồi. Học mãi mà không vào là thế đấy.

Ngước nhìn Toàn, ông học trò lập bập.

Toàn chớp chớp mắt, an ủi:

- Tập nhiều rồi sẽ quen thôi. Ai đọc sách lần đầu chả thế. Cứ kiên trì từng bước một, đồng chí ạ.

- Cám ơn thầy giáo...

- Nào, ta bắt đầu học tiếp bài trước nhé.

Toàn vừa cúi xuống trang sách Ngữ pháp lớp sáu thì bên buồng ông Đồng vỡ toang một trận cười như thác đổ kèm theo những tiếng phát đùi đen đét. Hội tổ tôm của các cán bộ văn phòng theo thông lệ đã vào cuộc. Ông Bình chờ mãi con bát vạn, giờ thế là ông ù chi nẩy rồi. Hèn nào! Lại có tiếng của ông Duyễn nói rất to như cố tình để Toàn nghe thấy. Rằng tổ tôm quả là món giải trí mang tính dân tộc và cao cấp sang trọng. Người chơi tổ tôm trông nó trang nhã, thanh tao biết ngay.

- Hừ hừm...

Toàn dọn giọng. Cố đánh tiếng thật to để bên buồng bên nghe thấy. Quả nhiên, ngay sau đó nghe thấy tiếng ông Bình xùy xùy ra hiệu mọi người hãy yên lặng. Rồi tiếp theo là ông Căn vừa đập hai rảnh đùi xuống chiếu vừa như ngân

- Ừ thì im, để ông thường vụ dự bị dạy ông thường vụ chính thức tập đọc diễn văn! Mà ông Đình ơi, đọc gì thì cũng đừng có lầm rầm như thầy bói nhẩm quẻ nhé!

Và sau nữa là tiếng ông Đồng vang vọng, như cố tình gây sự:

- Ông Đình ơi, trí thức nó không làm vua được, nhưng nó dạy vua làm vua được đấy! Ông có công nhận là thế không?

Toàn biết là ông Căn nói kháy mình, nhưng vẫn suýt phì cười vì lúc này anh còn đang mải nhìn mặt ông Đình. Ông Đình, dường như chẳng uể tâm tới ngụ ý trêu chọc chua chát của ông Đồng, đang chú mục vào những dòng chữ nhỏ như đàn kiến nối đuôi nhau lòng nhòng trên trang sách. Kính viễn mắt tròn trễ mũi. Trịnh trọng thành kính như kẻ mộ đạo, môi mấp máy, vừa đọc ông như vừa ghép vần.

Tội nghiệp! Trai Tày làng Đồng Cam. Học hết lớp ba thì vào đảng rồi được bầu làm chủ nhiệm hợp tác xã khi mới mười chín tuổi đời. Tiếp đó nhập ngũ. Với lý lịch đẹp trọn vẹn, lại tính nết hiền lành, thủ thỉ như con gái, nên qua thời kỳ tân binh thử thách, lập tức được xếp loại kế cận. Từ đó, không một ngày chiến trận, được cử đi bồi dưỡng miết, qua ngắn ngày rồi tập trung đài ngày, hết chính trị lại quân sự. Quẩn quanh hai chục năm trôi đánh vèo. Thăng tới chức thiếu tá tỉnh đội trưởng khi tuổi tròn ba mươi lăm. Nghĩ, gì cũng đã học qua, nhưng khi được bổ sung Thường vụ và Hội đồng nhân dân bầu làm chủ tịch tỉnh, mới thấy còn thiếu môn tập đọc là còn chưa được học hành đến nơi đến chố diễn văn người ta đọc mất có mươi lăm phút thì ề a lạo rạo như thầy đạo đọc kinh, lê thê mất cả tiếng. Chưa kể những chuyện các ông trợ lý vẫn đem ra giễu cợt như chuyện đọc nhầm, như chuyện có bận cô Tình đánh máy sơ ý kẹp díp hai tờ cùng số trang, cũng cứ thế đọc lại mà không biết. Tuy vậy, tệ hại nhất phải kể là không biết ngắt giọng. Chẳng có khái niệm gì về câu cú cả.

- Đồng chí Đình nghe tôi nói đã nhé.

Toàn bảo ông Đình đặt cuốn sách xuống, nhìn ông, vào bài:

- Tôi nói xa xa một tí để đồng chí hiểu thêm đã. Sống với nhau, giữa con người với con người phải có giao tiếp, phải có trao đổi, phải có chuyện trò với nhau. Có đúng không?

- Đúng!

- Giao tiếp, trao đổi, trò chuyện với nhau bằng gì? Bằng câu nói. Vậy câu là một đơn vị cơ bản của lời nói. Câu được cấu tạo thành bằng từ ngữ, theo quy tắc của từng ngôn ngữ. Mỗi câu diễn đạt trọn vẹn một ý.

- Mỗi mỗi... câu diễn đạt trọn vẹn một ý!

- Đúng rồi!

- Ví dụ: Bí thư tỉnh ủy tỉnh Hoàng Liên là ông Quyết Định. Chủ tịch tỉnh Hoàng Liên là ông Vi Văn Đình. Hai câu này diễn đạt trọn vẹn hai ý.

- Tôi hiểu hiểu... rồi, thầy

Ông Đình hơi nhổm dậy, thở phào nhẹ nhõm, rồi nhìn Toàn, cung kính:

- Thầy giáo Toàn à. Bây... bây... giờ, tôi đặt thử thử... Hai câu nhé: Đồng chí Các Mác là người Đức! Đồng chí Lênin là người Liên Xô!

- Đúng rồi!

Khoan khoái, ông Đình cười bẽn lẽn:

- Thú thật với... đồng đồng chí thầy giáo là gần đây... tôi mới được biết, Mác và Lênin là... là hai người khác nhau đấy. Thành ra ra... đặt hai câu vừa rồi tôi chỉ sợ... thầy giáo cười.

Toàn gật đầu, vui vẻ:

- Tôi nói tiếp nhé. Trong tiếng Việt của chúng ta, trật tự sau trước các từ trong câu có quy tắc rất nghiêm ngặt. Ví dụ, nói: Tôi uống rượu. Chứ không đảo lộn sau trước như...

- Rượu uống tôi.

- Đồng chí sáng ý lắm. Rượu uống tôi thì ý đã khác hẳn rồi.

- Hay đấy!

Ông Đình cười hì hì. Toàn tiếp:

- Sau khi hết một ý thì ngắt hơi một lát. Rồi mới tiếp ý sau. Trên văn bản, dấu hiệu ngắt hơi ấy là dấu chấm, dấu chấm dòng...

- Dà, bi bi... giờ thì tôi hiểu rồi đấy!

- Đồng chí nói lại đi: Bây giờ. Chứ không phải bi giờ.

- Đồng ý với thầy giáo đấy. Bây giờ.

- Trong một câu có thể có nhiều ý nhỏ. Người ta dùng dấu phẩy để ngăn cách chúng. Khi đọc gặp dấu phẩy thì ngắt hơi, dừng lại, không đọc liền mạch...

Ông Đình gật gù. Hai má ông đỏ lần mần. Hơi cúi xuống, Toàn đưa cho ông tờ giấy có dòng chữ anh viết:

- Bây giờ đồng chí đọc thử câu này xem nào.

Ông Đình đón tờ giấy, nheo mắt, may máy môi, rồi ề à:

- Ong vàng à ừ ong vò vẽ à ừ ong mật à ừ tranh nhau hút mật hoa.

- Gần đúng rồi đấy. Nhưng đồng chí cần đọc gãy gọn hơn. Bỏ những chữ à ừ đi. Đọc lại nhé!

- Ong vàng phẩy, ong vò vẽ phẩy, ong mật...

- Được rồi, bỏ chữ phẩy đi, đọc nhẹ nhàng thôi: ong vàng, ong vò vẽ...

- Ong vàng, ong vò vẽ, ong tranh nhau hút mật hoa.

- Tốt rồi!

Toàn đứng dậy lấy trên giá sách xuống cuốn Lịch sử ngày 1 tháng 5, giở trang đầu. Đưa ông Đình, anh ân cần:

- Thôi, bây giờ đồng chí tập đọc đoạn văn này.

Ông Đình vươn vai, khoan khoái, đón nhận cuốn sách Toàn đưa.

Mở cửa, Toàn đi ra sân. Đêm thu yên ả. Thoang thoảng hương rừng mát lạnh. Bên buồng ông Căn, chốc chốc lại bốc lên một trận cười nói rào rào như bọt cơm sôi. Vẳng ra từ căn buồng nhỏ của Toàn giọng đọc ngập ngà ngập ngừng của ông Đình. Ông thường vụ xuất thân nông dân đang ở trong một cuộc vật lộn thật sự! Một cuộc chinh phục thật sự với một giọng đọc khê nồng, đang dần dần vào nhịp, nhưng khấp khởi như trẻ nhỏ được nhận bài học vỡ lòng:

Thời ấy, Sicagô đã sầm uất và nhộn nhịp lắm. Từ một miền quê hẻo lánh bên hồ Misigân, thành phố công nghiệp này lớn nhanh cùng với tốc độ phát triển của chủ nghĩa tư bản Mỹ vào nửa sau thế kỷ mười chín. Sicagô lao vào cuộc chạy đua cạnh tranh tư bản với tốc độ ghê gớm. Các guồng máy chạy hết công suất. Cả ngàn vạn công nhân phải làm việc mỗi ngày từ mười bốn đến mười tám giờ. Phụ nữ cũng vậy mà lương chỉ bằng nửa nam giới. Trẻ em làm việc mười hai giờ một ngày. Họ không có ngày chủ nhật. Thất vọng nhất là công nhân từ châu Âu mới di cư sang...

- Ta giải lao một tí đi, thầy giáo Toàn!

Nghe thấy tiếng lào thào sau lưng, Toàn quay lại, đã thấy ông Đình tay cầm đèn pin khoác khẩu cácbin đứng đó. Phản quang của ánh đèn cho Toàn thấy một mảnh vải trắng đã buộc níu ở đầu ngọn súng. Và thế là Toàn hiểu. Ông Đình muốn giải lao bằng ít phút đi săn đêm.

Đi săn đêm! Thì có gì là khó khăn rắc rối đâu. Rừng ở ngay sau nhà. Vừa chập tối còn thấy cò trắng, cò xám, quạ đen, sáo mỏ vàng, sẻ đồng, vẹt, cu gáy ríu ran về tổ cả đàn trên mỏm đồi vầu. Và gà rừng từng cặp chiếm cứ từng lãnh địa, tức khí vặt đánh nhau kêu keng kéc ỏm tỏi cả một vùng đồi lau sậy ở phía nhà Thường vụ. Nhiều đêm, nồi cháo bắc lên rồi, ông Đồng mới nai nịt áo quần, đi tay không lên rừng, leo lên từng cây gu bắt chim ngủ đêm về nấu ăn xíu dề kia. Còn bây giờ thì thời khắc đã vào phần đêm khuya khoắt. Nhìn quanh, Toàn thấy bóng đêm đã đen quánh một màu. Và thi thoảng đang đi cùng ông Đình, anh và ông lại chợt ngưng bước, vì một bóng đen từ trong bụi rậm vượt qua trước mặt sang bên đường. Ấy thế, vừa mới sống với Sicagô ồn ào tiếng máy công nghiệp, cả hai đã rơi vào trạng thái mông muội của rừng đêm. Inh inh đây đó tiếng côn trùng rền rĩ. Tiếng con.chuột rón rén rình mồi. Đường trượt êm nhuội của bầy rắn độc. Tiếng kêu man rợ của các cuộc tình tự, hiếp đáp và tiếng thét kinh hoàng của con vật bị cắn xé trong những cuộc rượt đuổi, những cuộc sát sinh. Sau cùng là tiếng chân chạy nhộn nhịp của các con thú bốn chân ranh ma quỷ quái như cáo cầy đi săn mồi đêm.

Rẽ vào bờ suối có cây gáo, rọi đèn pin dưới gốc cây, ông Đình bảo: Ở đây có một bầy cáo chừng bốn, năm con vẫn thường đến ăn quả gáo và uống nước. Cạnh đó, ông nói, có lần đặt bẫy gà gô, ông bắt được một lúc hai con. Quả nhiên, Toàn nhận ra mình bị ông Đình cuốn hút. Người nông dân miền rừng núi, ông chủ nhiệm hợp tác xã này rời khỏi sách vở, lập tức trở nên khôn ngoan, sinh động lạ thường. Thoát hẳn ra cái vẻ khù khờ, ngờ nghệch thường khi, giờ, ông hoạt bát nhanh nhẹn trong dáng đi nhấc cao chân của người quen đi rừng, ở tay súng lăm lăm và hai con mắt sáng cháy lên tinh anh, rượt theo ánh đèn pin lia quét. Bắt ánh đèn, con đom đóm tóe sáng như hòn than cháy. Mắt con nhện rừng đỏ đòng đọc. Và đôi lúc mắt một con mèo nhà đi ăn đêm bất ngờ gặp ánh đèn phát sáng xanh lét.

“Đây rồi!”. Đang đi, chợt ông Đình dừng bước và thuận tay, kéo Toàn cùng rẽ trái rồi ngược dốc. Theo sau ông Đình, Toàn biết mình đang leo lên một vạt nương sắn lưu niên của người Dao đỏ. Lách qua những thân sắn lâu năm, lát sau hai người lên tới đỉnh nương. “Ta ngồi đây, chờ!”. Ông Đình bảo Toàn. Thì thầm, ông cho Toàn biết, lợn rừng nó quen ăn một chỗ. Chủ nhật trước đi lấy củi, ông đã thấy dấu vết đào dũi của đám lợn rừng này. Ông đoán, có một con mẹ và một đàn lít nhít tám chín con lợn con.

Gió đêm từ rừng giang trên đỉnh đồi thổi xuống hào hển. Ông Đình cởi khuy áo, kéo hai vạt ra khỏi thắt lưng. Hai bàn chân ông đã trút đôi giày vải từ lúc nào. Còn hai ống quần kaki thì lúc này đã xắn cao tới đầu gối. Thoắt cái, ông đã trở về trạng thái hồn nhiên nguyên thủy của một chàng trai Tày đi săn đêm. Còn Toàn thì đang bước vào một vùng đời sống hoàn toàn mới lạ. Xa xa vọng lại tiếng con suối rì rầm chảy. Thẳm sâu trong thanh vắng rỗng không, lọt tới mấy tiếng mõ tre cầm canh và đôi ba tiếng chó làng Dao sủa vu vơ. Nghênh tai, ông Đình đón bắt, thanh lọc từng âm thanh. Mắt săm soi. Mũi hít hà dồn dập. Tất cả các giác quan trong ông lúc này đang trương căng tới tột cùng. Ông Đình đang cho Toàn thấy một điều hệ trọng: Con người ta thật sự không ai là toàn thức, toàn năng cả. Mỗi người trong đời mình, chỉ có thể thành thạo một vài thao tc thôi. Và đây là lúc ông Đình biểu hiện mình đầy đủ nhất.

Sau cùng thì chính là tiếng rung cành cạch của những cành sắn già đã tố cáo sự xuất hiện của đàn lợn. Đúng như dự đoán của ông Đình, đàn lợn này có con lợn mẹ nặng gần tạ và đàn lợn con gần chục con, con nào cũng mõm nhọn, chân cao, bụng thon gọn, lông đen dày như thảm. Rất quen thuộc và tự nhiên, đến đúng chỗ hôm qua vừa đào bới, con lợn mẹ sục ngay cái mõm nhọn khỏe như một lưỡi cày xuống dũi đất. Và chỉ thoáng cái, gốc sắn lưu niên đã đổ rạp, bật rễ, chĩa lên trên mặt đất tua tủa những củ sắn mập bằng cái chuôi liềm, bằng cổ tay người lớn. Tộp tộp tộp... con lợn mẹ xốc chậm rãi. Còn bọn lợn con háu đói thì vừa rít vừa nhai nhóp nhép, vừa chen huých giành nhau từng mẩu sắn một.

Giờ phút quyết định đã đến! Bỗng nhiên Toàn muốn dấn thân vào cuộc phiêu lưu. Nhưng mà không kịp rồi, ông Đình đã giương khẩu cácbin. Luồng đèn pin rạch một đường xuyên qua bóng đêm loang lổ như đang run lẩy bẩy. Đầu ruồi của ngọn súng được đánh dấu bằng chiếc khăn tay trắng buộc làm cữ chĩa thẳng vào con lợn mẹ.

- Đoàng!

Tiếng súng phá vỡ khoảng lặng, hắt lên đỉnh núi, lan theo triền rừng, chạy ra xa tít. Mùi thuốc súng khen khét chạt lấy mũi Toàn. Ánh đèn pin tắt phụt, để lại một bóng đêm đang vỡ ra cả trăm mảnh. Tim đập thình thịch, thấy mình yếu đuối quá, Toàn đưa tay quờ quạng.

- Không được rồi, thầy giáo à?

- Sao thế?

- Tôi phân vân quá...

Kéo tay Toàn, ông Đình cùng anh trượt từng vệt dài theo chiều dốc của mảnh nương. Nghe rõ mồn một con lợn mẹ hộc một tiếng thật dữ tợn và tiếng chân đàn lợn con chạy rình rịch, rồi roàn roạt rúc bụi.

- Tôi... tôi... phân vân quá thầy giáo Toàn ạ - ông Đình hổn hển - Con lợn mẹ nó nó... còn đang nuôi con nhỏ. Thành ra, đã nhằm... vào mang tai nó rồi đầy. Mà mà mà... cuối cùng tôi lại bắn chỉ thiên.

Ngước nhìn trời đêm không ánh sao như rung rinh trong sóng dao động, Toàn bồi hồi:

- Thôi, thế là được rồi.

- Chẳng được gì cả, thầy giáo à!

Đã trở lại bình tĩnh, Toàn nắm tay ông Đình, rạo rực:

- Được! Được nhiều chứ! Tôi được hưởng chút ít cái thú vui của người đi săn đêm. Tôi được biết thêm cái tài cái tâm của đồng chí.

Xiết chặt tay Toàn, ông Đình cảm động, giọng the the:

- Ôi thầy giáo là... người có học, nói năng có khác chúng tôi thật!

Hai người trở về đến nhà thì đám tổ tôm đã tan. Thấy một bóng đèn bão vàng lự từ nhà Thường vụ đi xuống, Toàn đoán là ông Quyết Định. Giờ ông mới trở về nhà. Ông Đình quay lại, nhìn Toàn, ngần ngừ:

- Thầy giáo Toàn có mệt không? Tôi muốn... ra suối tắm một cái cho nó tỉnh táo rồi lại vào học tiếp được không, thầy? Ôi, đồng chí thầy giáo cố giúp tôi nhé. Thật tình là tôi biết mình kém lắm. Trình độ tôi làm chủ tịch xã cũng còn khó đấy. Huống gì... Hà... cấp trên bảo, Đảng bảo làm thì đành phải nhận làm chủ tịch tỉnh thôi, chứ thật là tôi không thích. Nhưng mà, có lẽ rồi tôi cũng phải đề đạt, tôi chỉ hợp với công việc lao động chân tay hay chiến trận thôi. Giá như tôi được đi Nam chiến đấu thì có phải hay không, đồng chí thầy giáo à!

Nghe những câu nói gan ruột lưu loát một cách bất ngờ của ông Đình, thật sự xúc động, Toàn chỉ muốn ôm choàng lấy ông.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx