sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 10

Anh Toàn à! Không hiểu đi công tác với nhau mấy tháng nay, nói năng những gì với nhau mà anh Quyết Định có vẻ mê anh lắm đấy.

- Có gì đâu! Trí khôn của tôi nằm vẻn vẹn ở trong mấy cuốn sách đã đọc thôi mà.

- Anh có quá khiêm tốn không đấy. Anh Toàn à, chính các ông trợ lý, nhất là ông Đồng, xưa nay vốn chẳng ph cũng khen anh là hiểu biết và thông minh lắm đấy!

- Tôi nói thật chứ không nhún mình đâu. Gia đình tôi mấy đời làm giáo học. Tôi học xong đại học, lẽ ra là đi chiến trường, nhưng lẻo khoẻo quá, khám nghĩa vụ mấy lần đều bị xếp loại B2, nên được phân công đi dạy học. Công việc dạy học đòi hỏi phải tiếp xúc nhiều với sách vở. Bản tính tôi lại hay nghĩ ngợi gần xa đây đó. Còn mấy cái tích chuyện trong Đông Chu liệt quốc, trong Tam Quốc diễn nghĩa... thì ai mà chẳng biết.

- Anh Quyết Định thích những bài anh viết cho anh ấy lắm đấy, anh biết không?

- Thật tình, viết những văn bản như thế không khó lắm đâu. Ai mà chẳng viết được. Hơn nữa, nghe tin được điều sang làm thư ký cho bí thư tỉnh ủy, tôi lập tức đã lo ngay việc sưu tầm tư liệu rồi. Chị Yên à! Tất cả đều ở trong sách cả đấy. Người hướng dẫn tôi làm luận án tốt nghiệp là giáo sư rất có tài. Hỏi ông, tại sao tài cao thế, ông bảo: Đó là do tôi thường xuyên được họp mặt, được gặp gỡ các bậc đại gia, từ Hêghen, tới Các Mác, Nítxơ, Phơrớt, Lỗ Tấn, Lê Quý Đôn, Hồ Chí Minh... Thì ra ngày nào ông chẳng mở sách của các vị ấy ra đọc. Ông bảo: Các cụ thông minh lắm, nhưng cũng khiêm nhường lắm. Lại chẳng biết đòi trả công gì. Chị Yên có biết, Lỗ Tấn nói thế nào về chữ và sách không? Khi con người sinh ra chữ thì quỷ thần trong núi than khóc! Chữ là cái gì mà quỷ thần cũng sợ thế!

- Anh Toàn nói hay quá! Anh Toàn dạy học chắc được học sinh yêu quý lắm nhỉ?

- Cái chính là tôi yêu quý các em, tôi thương các em học sinh của tôi lắm, chị Yên ạ. Chúng còn rất nghèo, nhưng rất thông minh, ham học. Kể chị nghe: Có một em tên là Trương Công Phiêu. Quêở Nam Định. Bố chết sớm. Mẹ đi lấy chồng. Mười hai tuổi, Phiêu đã trôi dạt lên tỉnh Hoàng Liên ta. Từ đó, tự kiếm sống bằng việc kiếm củi, bán sức làm thuê bất cứ việc gì và theo học mà học rất giỏi. Toàn đứng đầu lớp. Vừa rồi, sắp thi tốt nghiệp thì tòng quân. Chia tay, tôi ôm em mà ứa nước mắt. Cả một đời, em đã có ngày nào được sung sướng! Thế mà em lại động viên tôi: Thầy đừng khóc. Em sẽ trở về. Em sẽ trở thành một người có ích cho xã hội! Dạy những học trò như thế, hỏi làm sao tôi không gắng sức?

Hai người đi bên bờ con suối lớn. Toàn đi trước. Yên theo sau. Lưng người nào cũng thắt một bao dao đi rừng. Hôm nay là ngày chủ nhật, mọi người trong cơ quan đều phải đi rừng lấy củi về đóng góp cho nhà bếp. Lẽ ra thì Toàn đi cùng tốp các ông trợ lý. Nhưng, ông Quyết Định hẹn Toàn sang nhà ông ăn sáng rồi cùng đi. Bất ngờ, sắp ăn sáng thì có điện thoại mời ông đến dự lễ khánh thành phân xưởng nước chấm làm từ đậu tương - một khâu trong vòng tròn khép kín của chương trình cây đậu tương tăng vụ ở vùng cao của chính ông - thế là dự định không thành. Toàn ăn cơm rang với ông Quyết Định và Yên xong, thì Yên chít cái khăn lụa đỏ, như làm đỏm, nhí nhảnh từ bếp bước ra: “Để Yên đi lấy củi thay anh Quyết Định!”. Yên là kế toán viên ở Ty Lương thực. Ông Quyết Định cười: “Tốt rồi! Tuần tới tôi sẽ đổi công: lấy chuối lợn!”.

Nắng đầu đông hoe hoe trên các đỉnh núi. Nước suối bốc hơi mờ mờ. Cỏ bên đường mòn ướt đẫm. Mạng nhện giăng màn long lanh sương đêm trên các bụi lạc tiên vàng óng. Cao bổng trên vòm trời mấy vệt mây trắng như dấu vệt chổi quét sân một sớm mai. Thời tiết hứa hẹn một ngày đẹp trời.

Thật ra, lúc đầu Yên và Toàn cố rảo bước để đuổiịp tốp các ông trợ lý. Nhưng, mải nói chuyện nên họ tụt lại sau mỗi lúc một xa. Đi chừng hai cây số, chợt Yên dừng lại, chỉ tay lên một khe núi um tùm bên đường, nói: “Chỗ hẻm này mình và anh Quyết Định thường lên lấy chuối rừng về nấu cho lợn ăn đấy”. Thấy Toàn tủm tỉm cười, Yên quay hẳn lại.

- Anh Toàn vừa có ý nghĩ gì đấy?

- Vài chục năm nữa, kể lại chuyện đệ nhất phu nhân và bí thư tỉnh ủy đi lấy chuối rừng nuôi lợn chắc không ai tin nhỉ!

- Nghe anh Đồng phong là đệ nhất phu nhân Yên thấy sợ sợ là. Thực ra Yên là một người rất tầm thường thôi.

- Và nuôi lợn rất giỏi?

Yên cười nhè nhẹ:

- Không hiểu sao Yên nuôi lợn mát tay lắm. Hàng xóm ai mua lợn giống về cũng nhờ mình thả lợn vào chuồng. Mà anh Toàn này, anh có tin vào số mệnh, vào tướng số, vào tử vi không?

- Tin vừa vừa thôi.

- Yên thì Yên tin lắm. Tháng Sáu vừa rồi tử vi Yên nói có lời thị phi. Quả nhiên đúng thế. Cái đầu năm nay, Yên đã đi cúng giải hạn cho anh Quyết Định rồi đấy chứ. Anh ấy năm nay có sao La Hầu chiếu mệnh, dễ gặp tai nạn lắm.

Toàn lắc lắc đầu:

- Tôi biết loáng thoáng tí chút khoản này

- Tử vi, tướng số đúng lắm, anh Toàn à. Anh Đồng lập lá số cho Yên đấy. Yên tuổi Canh Tý, mệnh Thổ, đất ở đầu vách. Lá số từ vi của Yên bảo: tính tình cứng rắn, cung Quan lộc và cung Tài bạch có các sao Lộc Tồn, Bác Sĩ, nhất là có Quốc An, Long Trì, Hoa Cái tại cung Thân thì cuộc đời có trướng phủ màn che, nhưng bạc tiền thì như thể chiêm bao, sớm chảy vào tối lại rút ra hết.

Đường rộng, hai người đi song song nhau. Thoáng thấy gương mặt Yên trắng hồng trong tấm khăn lụa đỏ mỏng mảnh, ngắn ngũn, Toàn lại nhớ tới lời bọn các ông trợ lý tán về nhan sắc Yên. Về cái dáng vượng phu ích tử, về cái bước đi xà hành tước bộ, về cái cằm chẽ đôi của Yên. Về cái sắc đẹp làm vui mắt người, cái sắc đẹp bản năng, hiếu động của Yên. Và anh nhận ra, quả nhiên là trực giác của anh ở cái buổi đầu gặp Yên khi qua chiếc mảng vầu nơi con ngòi nhỏ để vào nhận việc ở O Tròn, đã không đánh lừa anh. Yên là một phụ nữ đẹp. Chị thật đẹp, nhất là ở buổi sớm mùa thu trong sáng này, như thiếu nữ trong thời đoạn yêu đương, chị là cây cối đang nở hoa. Khuôn mặt cân phân... Sắc da tươi nhuần. Nhãn cầu sáng tươi. Mắt phượng, môi hồng. Vừa thấp thoáng nét khoan thai đoan chính cổ điển, chị vừa rộn ràng lồng lộng sắc thái tươi trẻ hờn nhiên và điệu đàng.

Đưa mắt sang nhìn Toàn, Yên tiếp:

- Nhưng số Yên cũng không may lắm đâu. Anh Toàn có biết vì sao không? Vì Yên sinh vào mùa hạ, lỗi số chữ Canh biến thành chữ Cô. Nên trẻ thì lao khổ. Hậu vận may ra mới được sung túc an nhàn một chút.

Toàn nhấn nhá:

- Giờ thì đang chiế, ai mà sung sướng được! Thế còn số anh Quyết Định?

- Anh Quyết Định cũng tuổi Tý, mệnh Thủy. Hồi thanh niên hai mươi tuổi một mình một ngựa đi vào vùng thổ ty, anh ấy rất đẹp, rất oai vệ và cũng rất khỏe. Còn bây giờ, trông người vậy mà phộp phạp, không bền sức đâu. Thuở nhỏ vốn yểu nhược, lại tật bệnh, giờ thi thoảng lại mắc chứng dị ứng. Da anh ấy rất dữ, động tí là viêm nhiễm biến chứng, anh Toàn ạ.

Ngừng lại một lát, Yên chép miệng, hạ giọng:

- Còn về của nả thì tiếng là bí thư mà nhà cửa của nả có gì đâu, anh Toàn. Có được con lợn nuôi còn là may đấy. Anh Quyết Định còn một bà mẹ tám mươi ốm đau luôn, thuốc nặng hơn người và một cô em dở người ở quê phải cưu mang. May mà Yên gửi được hai cháu ở với bà ngoại bên Tuyên Quang. Vậy mà họ hàng cứ tưởng bí thư tỉnh ủy thì thiếu gì. Thế là cứ ùn ùn kéo nhau ra chơi. Thành ra tháng nào nhà cùng thiếu gạo. Ông Duyễn phải viết công văn sang Ty Lương thực nói khó xin cho mua ít gạo quét kho bù vào đấy. Mà anh Toàn có biết không?

Toàn quay lại. Mắt mòng mọng, Yên thở một hơi dài:

- Hôm rồi, chẳng hiểu thế nào mà cả ông Gia, rồi tiếp đó ông Văn Hiến cũng ghé vào chuồng lợn nhà Yên xem con lợn Trại giống Mường Thông họ biếu? Yên kể lại chuyện cho anh Quyết Định nghe. Anh ấy chẳng nói gì. Đi cùng anh Quyết Định, anh Toàn có thấy anh ấy hiền không? Anh ấy có trình độ đấy, biết cả đấy. Biết cả ông Văn Hiến đang kèn cựa với anh ấy. Chê anh ấy là lập trường trung nông, hữu khuynh, không quyết đoán. Nhưng anh ấy chỉ im lặng nhịn nhường. Ừ, tính anh ấy rất hay nhịn nhường. Anh ấy không hay nói. Chỉ âm thầm làm việc. - Ngừng lại giây lát Yên nhìn Toàn, khe khẽ, dè dặt - Anh Toàn à,như anh ấy đang chỉ đạo thí điểm nghe đâu như là thay đổi phương thức khoán quản hợp tác xã trồng đậu tương ở Bản San đấy, anh Toàn có biết không?

Hai người bắt đầu rẽ vào rừng. Qua một nương lúa vừa gặt, đường bắt đầu dốc ngược. Lát sau, cả hai đã chìm vào màu xanh của rừng nứa ngộ. Nứa ở đây to bằng bắp tay. Nhưng rõ ràng là đã được khai thác nhiều, nên rất ít cây khô. Lại tiếp tục leo dốc nữa. Qua một rừng giang thân bò nghềnh ngàng thì lên tới khu rừng cây gỗ tái sinh. Ở đây mọc nhiều cây gu đay thau tháu bằng cổ chân, da nâu sậm như xoan vườn. Chen lẫn là lớp cây màng tang lá nhỏ và xoan tra thân cành rùm ròa. Nghe lao xao tiếng người và tiếng dao chặt lách cách ở khu rừng bên, đứng lại, hai người nhận ra tiếng cười đùa cợt nhả của cô Tình và Kiến.

- Anh Toàn nhìn kìa!

Đang đi, Yên bỗng kêu khe khẽ. Toàn dấn lên mấy bước. Hai người đã lên tới đỉnh một ngọn đồi cao. Trước mắt họ là một khoảng không trống rộng. Từ đây có thể nhìn thấy toàn cảnh triền rừng bên và phóng tầm mắt có thể thấy rất xa, tận thị xã tỉnh ly ngoài kia.

Một vùng sơn lâm hoang dã đang vào tiết đông giá với vẻ khép nép lạ thường. Sắc lá rừng đã nhợt phai. Giờ, xung quanh hai người mênh mang một màu xanh mềm mại, dịu hiền. Cây cối định hình một vóc dáng gọn ghẽ sau một mùa hè nắng lửa mưa dầu hối thúc sinh sôi. Không còn vẻ náo nhiệt tưng bừng ở mỗi ngọn cây, chồi búp. Nhưng thấp thoáng đó đây, vẫn thấy những bắp chuối rừng nở đỏ chon chót, bừng sáng cả tầng rừng âm u. Cây cũng như mọi sinh vật khác vẫn âm thầm tích tụ sự sống và luôn biết trang điểm cho mình. Trong lặng lẽ, sung và vả vẫn chíu chít trên thân cành những chùm quả tím hồng. Cây hồng bì rừng treo bung bênh từng chùm quả vàng ánh như đồ chơi con trẻ. Còn dâu da, từ gốc tới c thì xúm xít những chùm quả hồng như chứa lửa. Loạt soạt đây đó tiếng chân con chuột rừng chạy, con sóc nhảy. Thột giật mình, hai người có lúc xáp tới bên nhau, vì từ một bụi rậm bên vệt đường mòn, vụt bay lên một con bìm bịp kéo lê thê bộ đuôi dài trên tầng rừng sẹ non. Nghe động, chim cu gáy đang nhặt lúa rụng ở mảnh nương cùng vỗ cánh ào ào, lượn vòng qua trước mặt họ. Chà, những con cu gáy cổ ba tầng cườm, mắt lóng lánh tinh anh! Thoáng cái, thấy bóng Yên và Toàn, chúng lập tức lẩn mình vào cây bồ hòn tán tròn như hình chiếc dù căng ở bìa rừng bên. Cây bồ hòn mùa đông lá chuyển màu vàng. Còn đàn chim cu trú ẩn trong lùm cây lá ngọc cành vàng thì đang cất giọng thổ giọng kim. Cúc cù cu cu! Giọng kim thánh thót. Giọng thổ trầm vang. Khúc trong trẻo ngân vang. Khúc luyến láy ngọt ngào. Khúc đầm ấm xôn xang.

Thốt nhiên, Toàn nhận ra, anh và Yên như cùng vừa nhận được sự sai khiến của một đấng tối cao, trong khi nghe tiếng cu gáy đã xích lại gần nhau và cả hai đã tay trong tay nhau từ lúc nào. Ngước lên nhìn Toàn, mắt Yên rờ rỡ một trạng thái tâm lý duy nhất là nỗi đam mê, trong khi khuôn ngực nhô cao sau lần vải áo đầy vẻ phồn thực của chị lại thầm thì những tiếng đập của một con tim khao khát. Chẳng lẽ hạnh phúc là một đồng cảm có thể được xác lập ngay tức khắc, đơn sơ và thấm thía thế sao? Thoáng chút ngây ngất khó hiểu và sau đó ập ngay tới nỗi bàng hoàng run rẩy, ký ức một đêm đi với Phong trên con phổ dốc ở thị xã chợt nghe tiếng đàn măngđôlin vừa vụt trở lại, Toàn nhận ra trong giây lát cả anh và Yên đã chủ động buông tay nhau.

Đưa tay xoa xoa mắt như xóa bỏ ảo ảnh, Yên hơi rướn chân lên, nhìn về xa xa, ngập ngừng, giọng lạc hẳn đi:

- Anh Toàn, đứng ở đây anh có trông thấy ngôi trường cấp ba của anh không?

Trong nắng mùa đông, toàn cảnh thị xã tỉnh lỵ như một vầng sáng lấp lóa. Ngôi trườngấp ba hai tầng ngói đỏ chon von trên một ngọn đồi, trông cô đơn tội nghiệp quá! Cây cầu sắt in một vệt đen mờ nối hai bờ con sông sáng trắng như một dòng thiếc chảy. Khu nhà máy điện, một cấu trúc nhấp nhô với cây ống khói đâm ngọn lên cao, bên tả ngạn, nơi Phong đã gần chục năm làm việc và trong những ngày chưa được cử đi học Đại học Bách khoa, hết ca làm, Phong lại nhận súng CKC trực chiến ở quả đồi trận địa bên cạnh, nhìn từ đây còn thấy vết đất đào đỏ lựng. Giờ thì Phong đem cả hai con theo mình đi học và nhà trường đã sơ tán lên tận trên Thất Khê Lạng Sơn. Căn buồng nhỏ của vợ chồng anh ở cạnh nhà máy thế là bỏ hoang. Toàn theo trường sơ tán vào chân núi Tà Ngào. Rồi bây giờ chuyển công tác về cơ quan Tỉnh ủy này.

Nhận ra nét mặt Toàn thoáng chút bần thần, Yên dịch lại gần anh, khe khẽ:

- Chị Phong còn đi học lâu không, anh Toàn?

- Nhà tôi còn học hai năm nữa.

- Mỗi người một nơi kể cũng buồn nhỉ.

Toàn quay lại. Mặt Yên vừa ngoảnh đi, thấp thoáng một nỗi niềm. Toàn biết, Yên cũng có tâm sự riêng. Chị nói, tháng Sáu theo tử vi, có kẻ đặt lời thị phi cho chị. Vậy, chuyện chị và giáo Cầu là thực hay là hư? Và như vậy thì mối duyên tình giữa anh hùng và mỹ nhân đã chẳng còn nồng đậm? Giữa chị và ông Quyết Định hiển nhiên là đã chẳng thiết lập được một mối quan hệ hài hòa như mong muốn? Hay ít nhất là không có được sự hài hòa như anh và Phong? Phong yêu anh và anh yêu Phong một tình yêu chỉ có thể đổi lại bằng chính tình yêu. Một tình yêu trong sáng, thuần khiết tuyệt đối và hoàn toàn không vương gợn. Chưa thể hiểu được, nhưng bằng trực giác, Toàn cũng có thể nhận ra, ít nhất thì giữa ông Quyết Định và Yên cũng đã xuất hiện một trạng thái không cân bằng. Ông Quyết Định thì bận rộn tối ngày. Ông hòa tan, hòa đồng, đồng nhất với công việc. Ông không có thời gian tâm sự, hứng thú dành cho gia đình. Tựu trung như định mệnh từ ông bước ra, ông vẫn chỉ là chiến binh một người một ngựa xông pha nơi chiến trận. Ông là một trang nam nhi ham mê chiến công. Còn Yên. hai con rồi mà ánh mắt còn tươi mưởi thế kia, vóc hình còn óng ả, rạng rỡ, đa cảm và sôi nổi thế kia! Yên là cuộc sống đời thường với tất cả các chiều kích nhộn nhàng của nó. Nhưng mà như thế thì chẳng lẽ giữa Yên và ông Quyết Định đã tồn tại một khoảng cách không thể san bằng?

Rừng về trưa càng lúc càng náo động. Tiếng dao chặt lách cách. Tiếng cây đổ ào ào. Tiếng cành khô gãy răng rắc. May, nơi này chưa thấy dẫu vết của dân khai thác. Màng tang, mít rừng, sơn tra, chết khô rải rác đó đây. Chỉ một cây ba gạc bật rễ vì lũ quét cũng đủ cho Yên và Toàn mỗi người một bó củi lớn. Vầu khô gác trong các bụi cây dài như cái sào phơi cũng sẵn. Kéo, đẵn, thoáng cái hai người đã có thể rứt dây sắn rừng bó được hai vác dài. Đã có kinh nghiệm chở củi trên con suối lớn, Yên bảo Toàn chặt thêm hai bó nứa ngộ tươi nữa để ép hai bên thành bè.

Việc tiếp theo là chuyển củi và nứa xuống bờ suối. Công đoạn này hóa ra vất vả nhất. Đường đã ngoắt ngoéo lại dây rợ lằng nhằng, vướng vít. Mỗi bước chân chuyển là một khó nhọc. Chỉ một lát đã thấy áo sơ mi của Yên ướt đẫm một mảng lưng. Một mảng lưng mịn màng, đầy đặn, nổi gờ vệt dây chiếc nịt vú mờ mờ. Quay lại, như bắt quả tang cái nhìn tò mò của Toàn, Yên cúi xuống, tủm tỉm:

- Anh Toàn để Yên vác nốt bó nứa này cho.

- Tôi vác được

- Ai ơi chớ lấy thầy đồ. Dài lưng tốn vải ăn no lại nằm.

- Thầy đồ ngày xưa mới thế thôi. Còn thầy đồ ngày nay, việc thổ mộc gì cũng phải biết. Thành ra chị Yên có biết không. Học trò ấy mà, chúng ngây thơ lắm. Chúng coi ông thầy như thần tượng ấy. Ơ, thầy cùng đi rừng với chúng em ạ? Thầy cũng chặt được cây ạ? Nhìn mâm cơm các thầy ăn, chúng kinh ngạc kêu: Ơ, các thầy mà ăn cơm với rau muống ạ? Thôi, để tôi vác. Chị Yên kéo theo một cây nứa bánh tẻ để làm nẹp bè đi.

Toàn xốc bó nứa lên vai. Hóa ra bó nứa ngộ to dài tới ba mét rất nặng. Loạng choạng, đầu chúi về phía trước như sắp ngã sấp xuống dốc, Toàn vội đưa tay nắm lấy một sợi dây nâu. Đã giữ được thăng bằng. Anh thấy mình mạnh lên trong mắt Yên.

Cuối cùng hai bó nứa sau rốt đã được thả trôi trượt theo chiều đường dốc xuống tới tận chân đồi. Yên ngồi xệp xuống đất. Tấm khăn lụa đỏ mong manh đã tụt xuống cổ. Mồ hôi ướt sũng hai bả vai. Chỉ còn lại một khoang ngực nổi bồng bềnh là khô ráo. Toàn quay đi, bâng quơ:

- Hết chiến tranh chắc cũng sẽ không còn thấy lại cảnh này nữa nhỉ?

- Thế hết chiến tranh anh Toàn sẽ làm gì?

Toàn quay lại. Mắt Yên mâng mâng ướm hỏi.

- Tôi sẽ xin trở lại nghề dạy học thôi, chị Yên à. Tôi yêu nghề ấy. Và tôi ưa một cuộc sống điều hòa, êm ả, một nhịp điệu động cần mẫn, bền bỉ tháng ngày. Và tôi xin nói thật...

Đột ngột, Toàn nhìn thẳng vào hai con mắt đa cảm của Yên, giọng bỗng như lạc đi, không thật:

- Chị Yên à, tôi không thích hợp với công việc hiện thời. Mặc dầu tôi rất yêu, rất kính trọng anh Quyết Định. Rất yêu rất kính trọng. Chị có tin là thế không?

- Yên tin!

- Thế đấy, nói riêng ra thì tư cách mỗi ủy viên thường vụ, mỗi cán bộ trợ lý ở đây... thật sự cũng chẳng có gì đáng phàn nàn. Ai mà chẳng có nhược điểm này khác. Tôi cũng đầy rẫy những yếu kém đó thôi. Tôi chỉ không thích hợp với cuộc sống ở đây thôi. Cuộc sống ở đây không xấu xa, không thấp kém hơn nơi khác, nhưng với tôi nó có cái gì đó như là... sự vô nghĩa... Tôi nói thế có quá không, chị Yên. Xin chị nhớ cho là tôi không chê bai gì mọi người ở đây cả. Cuộc sống nó là thế. Nhưng công việc của tôi ở đây là gì chị có biết không? Là viết báo cáo hàng tuần, hàng tháng, hàng quý và soạn thảo các bài diễn văn, nói thật là rất tẻ nhạt, trong khi tôi muốn làm nhiều việc hợp với sở trường của tôi hơn, có ích hơn. Cho nên thật sự là, tôi sợ sẽ đến một ngày nào đó tôi sẽ không chịu nổi nữa...

Im lặng tỏa ra từ cặp mắt thấp thoáng nét u sầu chia sẻ của Yên. Toàn quay đi, nghe thoảng trong gió tiếng Yên khẽ khàng:

- Anh Toàn à, Yên cũng có lần nói với anh Quyết Định thế này. Anh ơi, sao anh lại quyết định lấy một giáo viên dạy văn giỏi ở trường cấp ba tỉnh nhà sang để phục vụ riêng cho anh. Ngộ nhỡ anh ấy không thích thì sao? Anh Quyết Định thần mặt ra một lúc rồi đáp: Thế chả lẽ một bí thư tỉnh ủy không xứng đáng có được một giáo viên giỏi giúp việc ư?

Toàn cắn môi:

- Tôi biết anh Quyết Định là người rất tốt, rất nhạy cảm và tự trọng rất cao. Một vương bấn nhỏ trong công việc trong đời sống cũng khiến anh ấy băn khoăn, áy náy. Thậm chí, anh ấy xấu hổ, trong khi những kẻ khác thì trơ trơ, vô cảm.

Không ngờ Yên cũng là người đóng bè giỏi. Vật liệu đã được chuẩn bị từ trên rừng. Giờ, bốn bó củi khô ghép lại, hai bên ép vào hai bó nứa ngộ, dùng cắng và lạt giang, dây rừng níu lại, thành thân lập tức một cái bè rộng đủ cho hai người.

- Anh Toàn ngồi ở cuối bè, để Yên chở cho!

- Không được! Đàn ông trên sông nước không đứng cái chịu sào là thế nào.

- Anh chú ý chỗ Thác Đôi nhé!

- Tôi biết chỗ ấy rồi.

- Có lần Yên bị lật mảng ở đó rồi đấy.

- Yên tâm vào tay lái của tôi đi, chị Yên!

Toàn bước lên đầu bè. Bè nổi bập bềnh. Cầm cây sào nứa đầu ghép tấm đan như cái vỉ ruồi, Toàn đẩy bè củi ra giữa dòng. Suối ở đây nông chỉ đến bụng. Nước trong vắt. Nhìn thấy những viên sỏi và cả mảnh trời xanh vắt vẻo mấy sợi mây trắng ở dưới đáy. Thuận theo chiều nước chảy, chiếc bè trôi lềềnh. Gặp chỗ nước đổ dốc, Yên kêu thích quá vì bè rập rình như nhảy múa theo nhịp điệu.

Thanh thản, Yên cởi tấm khăn đỏ, tháo cặp, lắc đầu xõa tóc. Hóa ra, tóc Yên buông dài ngang vai. Trông Yên như nữ sinh trung học. Gió tươi lành. Mát rười rượi. Mát xanh những nương ngô, nương sắn bên hai bờ. Vẳng lại tiếng gà gáy trưa và tiếng chó sủa bóng. Cảnh trí bình dị, yên bình như trích đoạn từ một trang sách tả cảnh nào đó, mới thích thú làm sao! Yên nghển lên. Chị đinh hỏi! Anh Toàn có thấy thích không? Thì đúng lúc trên không trung phát một tiếng nổ lớn. Máy bay thám thính không người lái của Mỹ vừa tăng tốc vào vùng trời ngay trên đầu hai người.

Hơi giật mình, Toàn nhấc cây sào, ngước lên. Lại vẫn là cái cảnh tượng quen thuộc thường khi. Chiếc máy bay thám thính như một mũi kim nhọn, kéo sau đuôi nó một vệt khói xoăn như một sợi len trắng phớ, cắt ngang qua bầu trời.

Tuy nhiên, Toàn đã không thể ngờ, chính là chiếc máy bay nọ lại là thủ phạm gây ra tai biến cho chiếc bè. Thế đó! Thác Đôi! Toàn đã biết nó. Cũng đã vài lần cùng học sinh đóng bè qua con thác này. Nhưng, lần này thì do chú ý vào chiếc máy bay ở trên không mà Toàn sơ ý. Và như vậy, đáng lẽ phải mạnh tay chống sào đẩy chiếc bè sang dòng phụ bên trái thì anh đã để lỡ cơ hội, buột tay để mặc nó lao theo dòng thác chính. Dòng thác chính ầm ầm thốc tháo đập vào hai dông đá lớn chẹn ngang, tung bọt mù mịt, đổ sầm sập vào một vũng hủm sâu hoăm hoẳm.

- Chị Yên! Bám chắc vào bè!

Chỉ kịp kêu có vậy, đầu bè đã đâm đánh bịch vào một bên dông đá. Và Toàn như một vật thể nhẹ bẫng tưởng như thình lình bị một sức đẩy từ bên dưới, đã lập tức bắn vọt lên cao, rồi rơi đánh ùm xuống hủm nước. Ngoi vội lên, vuốt mặt, Toàn quạt cánh tay, đưa mắt tìm kiếm. Nước réo ồ ồ. Bụi nước tung tóe mờ mờ. May quá, chiếc bè không vỡ. Nó vừa nổi bềnh lên ở cách anh mấy sải. Và ở đó, Yên bám chặt cạnh bè, đang quay đầu lại tìm anh.

- Anh Toàn! Anh có làm sao không?

- Không! Chị Yên thế nào?

- Rơi hết hai con dao xuống vực rồi.

- Thôi, thế là may.

Cách thác chừng trăm mét, nước cạn, hai người kéo được chiếc bè vào bờ. Đứng trước mặt nhau, vừa thở hổn hển, cả hai cùng vừa bật cười, rồi thoáng cái, ngay sau đó, bỗng như vừa mới nhận ra nhau, vội vàng ngượng nghịu quay mặt đi.

Yên, trong ướt át, lồ lộ một vóc hình thiếu phụ đang ở độ thuần thục, tròn đầy. Một mái tóc đen nhánh. Hai bầu vú nở bồng căng nức. Một ngấn cổ nõn nà. Một bờ hông đầy đặn. Một cơ thể đàn bà tràn trề cảm hứng dục lạc! Nhìn Toàn, một thân thể đàn ông cân đối, tráng kiện trong bộ quần áo ướt rượt, chị cúi xuống, thèn lẹn:

- Về nhà, nghỉ, thay quần áo đã. Chốc nữa vác củi sang bếp cũng được, anh Toàn.

Nghe Yên, Toàn đi theo chị về nhà. Ông Quyết Định vẫn chưa về. Nắng ngả chiều bập bùng sáng tối. Yên vào buồng trong thay quần áo. Toàn ngồi ở gian ngoài, pha chè vừa uống hết chén nước thì nghe tiếng sột soạt ở buồng trong và tiếp đó tiếng Yên gọi riết róng

- Anh Toàn vào đây lấy hộ Yên cái khăn!

Toàn dò dè bước vào. Thấy ngờ ngợ, anh vừa định rút chân lại thì Yên đã xô ra. Mái tóc xõa đen nhánh. Đôi môi chín mịn đỏ màu ớt. Vẫn là bộ quần áo ướt đẫm nước suối, nhưng vạt áo đã phanh rộng, để hở hai bầu vú trắng ngộn, vổng vểnh. Như một cơn bão lớn, chị phủ trùm lấy Toàn và thở dồn, rối rít:

- Anh.Toàn! Đừng sợ! Anh Toàn! Anh Toàn hôn Yên đi! Anh Quyết Định anh ấy không biết hôn. Chưa bao giờ anh ấy hôn môi Yên cả, anh Toàn à.

Toàn có hôn môi Yên không? Thực tình là chính anh cũng không hiểu. Anh nhớ lúc đó, chi phối anh là những cảm xúc rất đa chiều. Anh nhớ đến Phong, nhớ đến nụ hôn đầu tiên của anh với nàng. Đó là một đêm Nôen giá buốt căm căm. Đi dọc theo một con phố lớn trong thị trấn Hoàng Liên đổ dốc, lần này không phải là tiếng đàn măngđôlin tan thấm vào tâm tưởng. Mà là cả một hồi chuông nhà thờ ở giữa con phố vào thời điểm Chúa giáng sinh rền vang lồng lộng bao bọc họ. Ngôn ngữ đã biến mất, chỉ còn tiếng đập của con tim. Cả hai ôm chầm lấy nhau cùng chung cảm giác quay đảo và bồng bềnh trôi dạt trong tiếng chuông càng về cuối càng lanh lảnh não nề. Anh nhớ đến Phong. Nhưng thật tình là lúc đó anh cũng không vô tình với Yên. Chưa bao giờ anh thấy thương chị như lúc này. Cảm tình dồn nén suốt từ buổi hôm nào gặp Yên đầu tiên bên bờ con ngòi đi vào O Tròn đã rất xa, qua bao tháng ngày tích tụ, cho đến lần đi rừng cùng nhau này, khiến anh càng lúc càng nhận ra, Yên là một phụ nữ rất đẹp, rất nên thể tất và rất đáng yêu. Rất đáng yêu! ả sự sôi nổi dạt dào và vẻ yểu điệu cao quý, sang trọng ở chị.

Loạng choạng, vội vã, Toàn ra khỏi nhà Yên và đi thẳng ra bờ suối. Một sức mạnh kỳ lạ bất ngờ bộc phát. Chỉ hai chuyến, anh đã chuyển hết bốn bó củi và hai vác nứa ngộ, phần đóng góp của anh và của Yên, tức của ông Quyết Định, vào bếp tập thể.

Đã ngả hẳn sang chiều. Bóng cây mít, cây vải, cây ổi đổ dài gầy gùa. Toàn về buồng thay quần áo. Rồi nằm thiếp đi chừng nửa giờ thì tỉnh giấc. Từ văn phòng vọng lại tiếng người ồn ào. Lắng nghe, Toàn nhận ra công đoàn đang họp bàn chuyện chia số cao hổ Thường vụ vừa cử Muôi, người trực tiếp nấu, phân phối cho. To tiếng nhất lại là Kiến. Kiến huếnh hoáng nói rằng: Vì cú ngã từ trên xe MTZ ở Na Ẳng, tớ đáng được thưởng công đầu. Tiếp đó là Muôi. Muôi thì lì như chì đổ lỗ, không thể ngờ, mở mồm là văng tục. Tiên sư thằng nào nói điêu, Muôi sẵng. Này nhé, trước hết là lọc xương, xếp đúng hình hài bộ cốt con hổ. Việc này có người Ty Công an giám sát. Rồi sau đó tẩy rượu. Tiếp đó, cưa xương thành từng khúc ngắn. Rồi chẻ nhỏ thành từng mảnh nhỏ và đánh bóng lên. Cuối cùng mới cho vào chảo đun. Mẻ thứ nhất, chắt ra để vào một nồi. Tiếp đó, mẻ thứ hai. Mẻ nào cũng có giám sát. Công an cử hẳn một tiểu đội canh gác vòng trong vòng ngoài. Tiên sư thằng nào thổi mồm nói rằng, Muôi này đang nấu thì cho quả trứng vào chảo để nó hút hết chất bổ, chảo cao cuối cùng chỉ còn lại nước sái loãng! Chuyện có vẻ căng thì Kiến lại giơ tay xin nói. Lần này thì Kiến kể lại chuyện ông Văn Hiến say thuốc lào buổi sáng ấy ở trên Na Ẳng rồi cười khì khì: Sao không học tập cách chống các loài chim rừng ăn hạt giống lúa mì bằng cách nấu luôn một chục nồi cao hổ, rồi chia thoải mái cho anh em có phải hết cả cãi nhau không! Mọi người được thể cười ồ ồ

“Nghe làm gì chuyện của họ”. Toàn nghĩ, ra khỏi buồng, lên nhà Thường vụ. Trên mặt bàn làm việc của ông Quyết Định, bộ tiểu thuyết Những người khốn khổ bốn cuốn của Víchto Huygô Toàn đưa ông đọc vẫn còn nguyên trong bọc giấy báo. Góc bàn, báo chí về chất ngất cả tuần chưa tờ nào được bóc vỏ. Buồn buồn, ôm chồng báo chí, định đi ra cửa, Toàn bỗng đứng sững.

Buồng trong có tiếng lạt xạt như tiếng chân người chuyển dịch, rồi thầm thì thầm thì tiếng một người đàn ông và một phụ nữ.

- Ứ ừ để em thanh toán số tem phiếu C, ô thịt chuyển thành mỡ em mua hộ anh đã.

- Việc ấy để chốc nữa. Lát nữa anh còn nhờ em tiếp một việc nữa cơ. Việc gì em biết không? Là bà Yên vợ ông Quyết Định sau khi được người ta biếu con lợn giống, có tiếp tục nhờ mua cám lợn giá nội bộ ở Trại giống Mường Thông không? Nhưng mà này, sợ anh ăn thịt hay sao mà rúm tứ túc lại thế?

- Thì chả ăn thịt thì là gì!

Trời, thì ra là ông Văn Hiến và cô Tình. Mà lại đang là lúc họ vờn vỡ nhau. Toàn có cảm giác mình ngừng thở. Nhất là khi, nghe ình một tiếng và đưa mắt nhận ra tấm cót đan dựng làm vách ngăn bỗng phồng phình về phía ngoài, in rõ dấu hình ông Văn Hiến vừa xô đẩy cô Tình vào. Và tiếp đó là tiếng cô Tình èo ẹo như năn nỉ, như nũng nịu:

- Ứ ừ nhưng mà anh phải bảo công đoàn họ phân cho em một lạng cao hổ cơ.ưởng gì! Anh sẽ đền hẳn hai lạng. Bằng cái ấy của em là được chứ gì!

- Khiếp quá thôi! Ăn với chả nói!

- Anh đùa tí thôi mà. Chà, hai cái bánh dày của em thơm quá. Cho anh cắn cái nào!

- Ái! Đau bỏ xừ đi ấy! Răng gì mà nhọn như răng chuột thế!

- Hì hì... anh yêu mà.

- Nhưng mà em sợ lắm. Không khéo lại vỡ lở như vụ ông Trần Quàn thì em chết!

- Thỉ thui cái mồm em đi. Nào! Ngoan nào.

- Ứ ừ vướng víu lắm! Anh phải cởi bỏ hẳn cái quần dài ra kia!

- Được rồi! Ừ ừ, thế thì được ngay thôi mà. Nào nào...

Tấm vách rùng rùng rung động. Toàn bủn nhủn cả chân tay. Thật là một ngày đầy ấn tượng và kết thúc bằng một nỗi kinh hoàng!


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx