sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

06. Vô đồng câu căm, câu rê

Vô đồng câu căm, câu rê

Thỉnh thỉnh Ba-sát-cá được tía má nó bảo vào chòi ruộng ngủ để trông nom ruộng, thường vào ngày thứ bảy, chủ nhật hay những ngày nghỉ học. Những lần như vậy thế nào nó cũng sang nhà tôi, xin phép má tôi cho tôi cùng đi, và thế nào nó cũng mang đồ nghề theo bắt cá. Khoảng xế chiều, ăn xong một bụng cơm, Ba-sát-cá và tôi mang đồ nghề xuống xuồng, bơi loanh quanh theo con rạch nhỏ chừng bốn, năm cây số là thấy chòi ruộng của nó nằm bên bờ rạch. Việc đầu tiên chúng tôi làm là đi kiếm vài con cá lóc để tối nấu cháo ăn chơi. Ba-sát-cá vác cần câu rê lên vai. Chúng tôi theo bờ ruộng đi sâu vào đồng. Ruộng đất quê tôi, như người thường nói, cò bay thẳng cánh. Đứng ở đây, chỉ nhìn thấy rặng vườn ôm theo con rạch phái bên kia xa. Có lần, mùa khô, chúng tôi đã thử đi chơi, mất một buổi sang mới đến bìa vườn bên đó. Mùa này lúa cấy đã xong, đang phát lên xanh mởn. Lúa cấy ngay hàng thẳng lối mà không cần chăng dây. Không biết từ thuở nào cấy thẳng hàng đã là tập quán, cứ một hàng ngang bốn khóm, người cấy cừ vậy mà cắm thẳng tắp. Nước ruộng ngập gần đến gối chúng tôi. Các loại cá đồng tha hồ sống vì thức ăn sẵn lắm. Đặc biệt là cá lóc, rất nhiều, to con. Ba-sát-cá đã lựa và chặt ra trong bụi tầm vông trước nhà nó, rồi gom lá cây, đốt một đống lửa, uốn cây tầm vông cho cong theo đúng ý muốn. Phía dưới gốc, nó gắn vào một chỗ cây cong, hình cung, cạo gọt láng mướt. Cái chạc này nó tì vào bắp đùi, làm chỗ tựa giữ chiếc cần câu dài nghêu ấy, nếu không, ai mà cầm giơ lên hoài cho được. Trên đường ra đây, nó đã chộp mấy con nhái nằm theo bờ ruộng, lận vào thắt lưng, bây giờ nó chỉ việc lấy ra móc vào lưỡi câu. Lưỡi câu rê bằng kèo dù (thép làm nan đỡ tấm vải để căng dù/ô) do nó uốn lấy, bởi vì lưỡi câu bán ở chợ thường không chịu nổi sức căng rất khỏe và dữ tợn của những chú cá lóc to, hay cong hoác ra, sẩy cá. Lưỡi câu rê bằng thép kéo dù thì tốt nhất, không còn thứ nào hơn. Móc xong con nhái vào lưỡi câu, nó lấy một cọng cỏ nhỏ như cái tăm chống từ chót lưỡi câu, chỗ mũi nhọn nhất, lên đến cái mấu chỗ tóm lưỡi câu vào sợi nhợ. Nó nói: “Để khi mình rê, lưỡi câu nhọn bén không móc vào cỏ, vào lúa”. Sửa soạn xong xuôi, nó chống cần vào đùi, tay trái đỡ cần, tay phải cầm sợi nhợ có lưỡi câu đã móc mồi, quay tròn tít lên lấy đà rồi ném vụt ra thật xa trong ruộng lúa, đồng thời hạ ngọn cần câu thật thấp. Chiều dài cần câu cộng với chiều dài sợi nhợ có đến cả chục mét. Rồi nó từ từ nâng ngọn câu lên, vừa nâng vừa giật nhẹ. Nó rê con mồi trên mặt nước giữa hai hàng lúa, nên con nhái đã chết vẫn cứ nhảy lách chách như con nhái sống. Khi con mồi đến gần, nó nâng mạnh ngọn câu, con mồi lại bay lên, vào tay nó. Cứ thế, nó lại quay lưỡi câu, lại ném, lại rê ở một đường lúa khác. Tôi đứng xem, và chẳng phải chờ lâu. Ba-sát-cá tài ở chỗ cứ đứng nhìn ruộng lúa, nó biết chỗ nào có cá đang nằm, có khi là chỗ cỏ rậm, có khi là chỗ lúa cao, có khi là chỗ nước sâu… Nó bày hết cho tôi. Nhưng cái nghề này nó linh động, biến hóa lắm, chỉ có thể đoán nhận, dự cảm, chứ không thể cắt nghĩa rạch ròi được. Đúng vậy. Tôi nghe “xoảng!” một cái như hai lưỡi kiếm va vào nhau. Nghe tiếng đớp cũng biết được con cá rất to vì răng nó to và sắc như dao vậy. Ba-sát-cá giật mạnh. Trong ruộng lúa, tiếng quẫy đùng đùng. Mắc câu rồi, cá to quá! Ba-sát-cá ngã ngửa người, ra sức kép lưỡi câu. Con cá vòng cả thân mình ôm chặt bụi lúa. Tôi thấy bụi lúa xanh đảo qua đảo lại lia lịa. Nó đang quệt mồm vào gốc lúa tháo lưỡi câu. Ghê chưa! Nhưng Ba-sát-cá đâu phải tay vừa. Nó đứng yên, giữ cho thẳng nhợ câu, không để chùng xuống. Thằng Ba và con cá, hai đứa đang đọ sức và đọ cả mưu trí. Một lúc, con cá vừa mệt, vừa đau, nằm im. Ba-sát-cá biết ý chùng bớt nhợ câu. Con cá thấy sức giật ở mồm giảm xuống, lắc đầu nhẹ nhẹ thăm dò. Mấy cái lá lúa rung động. Thằng Ba chùng thêm nhợ xuống. Anh chàng cá thấy sức ép bỗng giảm đột ngột, tưởng có thể thoát, vội nhoài người ra khỏi bụi lúa, phóng chạy. Ba-sát-cá chỉ chờ có vậy. Nó giật cần thật mạnh, giật ngược con cá lên không. Anh chàng cá to như cổ chân tôi bay là là trên ngọn lúa, vùng vẫy dữ tợn. Thằng Ba cứ kéo lết nó vào. Con cá vừa lên bờ, thằng Ba nhanh nhẹn quăng cần, đè cả người lên, hai tay chặn ngang cổ nó. Con cá chịu phép, chỉ còn ve vẩy cái đuôi. Thằng Ba thọc mấy ngón tay vào mang cá, đè chặt rồi khéo léo tháo lưỡi câu ra. Răng anh chàng cá này chơm chởm, to, sắc, nó mà đớp, khéo đứt cả lóng tay. Bỏ cá vào giỏ xong, Ba-sát-cá giơ tay quệt mồ hôi trán, hếch mũi nhìn tôi cười. Xong xuôi, nó lại móc mồi, ném câu, tiếp tục những đường rê mới.

Trong khi Ba-sát-cá câu rê, tôi lúi húi đi bắt nhái và mở bó câu cắm ra. Câu cắm là những thanh tre vót cong, có khi là ngọn trúc, cành tre để cắm theo bờ ruộng, có khi là hai đoạn sậy giăng một sợi nhợ ngang, buộc vài lưỡi câu để cắm giữa ruộng lúa. Cắm xong cứ bỏ đấy, dăm ba tiếng đồng hồ sau đi thăm một lần, gỡ cá mắc câu và thay mồi mới. Mồi câu là mồi sống (hay mồi chạy), tức là những con nhái còn sống, lưỡi câu móc lưng để cho nó chạy trên mặt nước, dụ cá lóc đến. Cũng có khi mồi ấy là con cá sặt bướm nhỏ cỡ một hai ngón tay, cạnh đuôi phớt hồng, có một vài chấm đen tròn phía gần đuôi. Ba-sát-cá đã chỉ cho tôi cách bắt cá sặt bướm bằng đó hay bằng lờ. Lờ được làm bằng những cọng tre vót nhỏ như tăm, đan lại thành tấm, rồi cuộn tròn, một đầu bịt lại, đầu kia đặt hom để cho cá vào được mà không ra được. Cũng có loại lờ bốn mặt, hình ngôi sao bốn cánh, có bốn hom, bắt được nhiều cá hơn. Ba-sát-cá thường đặt lờ ở những chỗ đầu bờ, tạo một đường nước chảy từ ruộng này sang ruộng kia, theo thói quen lũ cá sặt hay qua lại. Những con cá vào lờ rồi, không ra được; những con bên ngoài nhìn thấy tưởng trong ấy “vui vẻ”, có nhiều thức ăn, lại bâu đến, bơi loanh quanh rồi cũng chui tiếp vào. Vì vậy mà có câu: “Cá trong lờ đã khờ con mắt. Cá ngoài lờ lúc lắc muốn vô”. Vùng sông nước đồng bằng Cửu Long có nhiều ca dao, thành ngữ gắn với cá tôm và các cách đánh bắt. Ví dụ như: “Trách ai ham đó bỏ đăng. Ham lê quên lựu, ham trăng quên đèn”. Hoặc là: “Anh đau, đắp chiếu trùm mền. Em mua tép bạc nấu canh rau dền anh ăn”. Hay như: “Câu tôm ngủ gục, anh hụt con tôm càng. Phải chi vớt trúng, anh mua vàng em đeo”.

Tôi cắm xong bó cần câu thì trời cũng vừa chạng vạng tối. Thằng Ba đã câu thêm được hai con cá nữa. Lúc này là lúc cá hay ăn mồi. Chẳng thế mà những người đánh bắt cá có câu: “Nhất chạng vạng, nhì rạng đông”. Chúng tôi trở về chòi. Nghỉ ngơi một chút, Ba-sát-cá bảo tôi: “Mày lấy ít gạo, bắc cái nồi kia lên. Tao đi làm cá, rồi mình nấu cháo…” Tôi hào hứng làm ngay, trong khi thằng Ba mở hom giỏ, lôi ra con cá lóc to nhất. Nó nói:

- Hai con kia đem rộng (nhốt trong nước cho khỏi chết), để mai mang về nhà.

Tôi bảo:

- Ăn con nhỏ thôi. Con lớn để má mày bán.

Nó lắc đầu:

- Tía tao nói người làm ra cá được phép ăn cá ngon nhứt. Với lại bữa nay có mày, tao muốn đãi mày.

Về sau tôi mới biết: không phải chỉ có tía thằng Ba mới rộng bụng như vậy, mà đó là cái luật của những người làm tôm cá. Sau này, có dịp theo người làm đáy, người đánh cá biển…tôi thấy họ đều theo cái luật này. Chẳng biết cái luật này hay dở tới mức nào, có điều nó thành một cá tính của thằng Ba, của những người lao động quê tôi. Có lẽ nó góp phần vào cái tài “sát cá” của thằng Ba chăng?

Vào khoảng chín giờ đêm hôm đó, chúng tôi đi thăm câu lần đầu. Trời có trăng; Chúng tôi không phải thắp đèn. Ban chiều, tôi cắm câu, vậy mà bây giờ tôi không nhớ tôi đã cắm những cần câu ở đâu nữa. Ba-sát-cá thì trái lại. Nó chỉ đi kiểm tra các cần câu một vòng lúc trời sụp tối, thế mà nó nhớ hết. Những cần câu cắm mép bờ dù dao cũng dễ tìm ra, nhờ có cái bờ. Thảng hoặc có cần bị cá lôi đi, nó cũng nhớ mà tìm ra. Còn những cần cắm giữa ruộng lúa mới khó tìm. Trăng sáng lờ mờ, những hang lúa chạy dọc, đen đen, biết đâu mà kiếm. Ba-sát-cá bảo tôi:

- Mày mọp xuống. Tầm mắt ngang ngọn lúa thì sẽ thấy.

Ờ, há! Nó nói như y. Nghiêng đầu sát ngọn lúa, tôi nhìn thấy những đoạn sậy chĩa lên dáng đen lờ mờ, cao cao trên nền trời trắng nhạt.

Đi một vong, trở về chúng tôi được ngót chục con cá nữa. Thằng Ba đeo cái giỏ xệ vai. Trước khi đi ngủ, chúng tôi mang cháo cá ra ăn. Cháo cá lóc nấu nhừ, rỉa hết xương bỏ ra rồi, nêm chút nước mắm nhỉ (nước mắm cốt, vừa rỉ ra từ thùng làm nước mắm), rắc chút tiêu mà thằng Ba đã mang theo, ngon ơi là ngon! Nhứt là sau khi đi thăm câu ngoài ruộng về, đang đói lại lạnh nữa. Thằng Ba gắp cho tôi cái ruột cá lóc. Nó nói:

- Mày ăn coi. Ngon nhứt trong con cá lóc.

Cái dạ dày cá lóc mà thằng Ba gọi là cái “tù và” ăn giòn rụm lại ngọt. Còn đùm ruột thì mềm và béo cách lạ! Tôi xẻ đôi, chia với nó. Nó nói:

- Ở đây xa vườn. Nếu ở gần, mình kiếm trái dừa, lấy nước cốt cho vào thì ngon “ác” nữa.

Húp bát cháo đầu tiên, tôi toát mồ hôi trán, người khoan khoái, các bắp thịt như thư giãn ra. Thật tình, tôi biết Ba-sát-cá rất thảo với bạn bè và rất yêu thương bố mẹ. Bao nhiêu cá câu được, nó đều đem về, phần nào ăn thì ăn, còn đâu nó bảo má nó đem bán, mua gạo, may áo và mua sách vở cho anh em nó. Có một lần tôi sang chơi, thấy má nó bị cảm. Nó nấu cho má nó một nồi xông, sau đó thì nấu một tô cháo cá ám. Nó bắt con cá lóc to nhứt làm xong rút hết xương, xắt từng miếng mỏng bỏ vô cái tô đã có nhiều gừng thái chỉ với nước mắm ngon. Cháo trắng nấu nhừ, đang lúc sôi nó múc đổ vào bát. Những lát cá lóc từ màu trắng trong, ánh vân xanh đỏ chuyển sang màu trắng đục như sữa và cong lên nhìn thấy đã ngon. Ăn xong tô cháo cá ám, má nó toát hết mồ hôi và cười nói: “Má thấy nhẹ người rồi”. Đó cũng là một đặc tính khác của thằng Ba. Quê tôi có câu: “Tôm càng lột vỏ bỏ đuôi. Giã gạo cho trắng mà nuôi mẹ già”. Có lẽ câu hát quê tôi cũng góp phần vào cái tài “sát cá” của thằng Ba chăng?


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx