sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

07. Câu không có cần

Câu không có cần

Nếu hiểu theo cách nào đó thì câu giăng cũng là loại câu không có cần. Nhưng đó chỉ là những lưỡi câu móc mồi vào, bỏ xuống sông, cá ăn thì gỡ. Còn nếu hiểu “câu” là bàn tay mình trực tiếp điều khiển lưỡi câu, khi cá cắn giật lên bắt, thì câu lươn mới chính là loại câu không có cần.

Có nhiều cách bắt lươn, chủ yếu là đặt trúm. Trúm là một ống tre, thường cắt dài hai đốt, thừa thãi cho một chú lươ to nằm. Một đầu trúm là mắt tre kín, còn đầu kia để ngỏ, tra một cái hom. Tất nhiên là mắt tre trong lòng trúm phải đục bỏ để ống trúm thong từ miệng tới đáy. Ba-sát-cá và tôi nhiều lần cũng đi đặt trúm bắt lươn. Chúng tôi đặt mồi vào miệng trúm. Mồi thường là cá sặt để ươn, trộn cám, nấu chín. Lươn thích ăn mồi thối. Mồi gói lá môn, giắt phía trong hom để nhử lươn chứ không cho lươn ăn. Như vậy mỗi ống trúm có khi vài ba con lươn chui vào. Trúm có thể đặt ở mương, nhưng ở mương thường chỉ có lươn bé. Lươn trong đồng mới to, nhiều con bằng cổ tay chúng tôi.

Đi dỡ trúm thích nhất là khi nhấc ống lên, dốc đáy xuống con lươn rơi đánh bịch một phát vào mắt tre. Khi không nghe tiếng lươn rơi nhưng ống nặng trịch, ở lỗ thông hơi chảy ra một ít nước có lẫn nhớt thì ống trúm ấy đã đầy lươn. Còn lúc nào nhấc ống lên, nước ruộng theo lỗ thông hơi chảy ra tong tỏng thì đó là ống trúm rỗng không.

Câu lươn có cái thích khác mà trẻ con chúng tôi hay làm. Bởi vì đi đặt trúm mất thời giờ, vả lại muốn làm ống trúm thì phải có tre, có xuồng chuyên chở vào đồng… Đằng này chỉ cần một sợi nhợ và cái lưỡi câu, còn thời giờ của trẻ con thì tha hồ. Ba-sát-cá làm cho tôi “cần” câu lươn bằng sợi nhợ khá to, to hơn nhợ câu rê. Một đầu nhợ là lưỡi câu, còn đầu kia, miếng gỗ nhỏ để nắm mà kéo… Tất cả có thể nằm gọn trong lòng bàn tay.

Khi lúa trên đồng đã gặt xong, nước đã rút hết, mặt ruộng ướt lép nhép, không còn chỗ đặt trúm hay câu cá, thì đó là lúc chúng tôi dỡ đồ nghề câu lươn ra. Ba-sát-cá dắt tôi dắt tôi đi men theo bờ mương hay bờ lạch nhỏ trong đồng, lúc này cũng chỉ còn một ít nước. Chân bước trên bùn nhưng đôi mắt nó chăm chú dò tìm hang lươn. Trên mặt bùn của đáy mương có rất nhiều hang, phải biết phân biệt hang lươn và hang các con khác. Thấy hang lươn rồi, còn phải quan sát xem hang có mà hay không có mà. Mà là loại bùn nhão ướt nước trào ra một ít quanh miệng hang, do lươn đùn lên hay ban đêm lươn đi kiếm ăn, sáng ra trở về, chui vào hang còn để lại dấu vết mới mẻ. Gặp một hang lươn có mà còn mới, Ba-sát-cá quay lại hếch cái mũi, nheo mắt chỉ cho tôi xem. Nó dỡ đồ câu ra, móc mồi vào lưỡi câu. Nó lấy dao nhỏ cắt một đoạn sậy hay ống cỏ mọc gần đó, cắm vào mũi nhọn lưỡi câu. Nó dùng đoạn sậy ấy đút lưỡi câu đút lưỡi câu vào miệng hang, từ từ, nhẹ nhàng. Đoạn sậy trở thành cần câu. Nhưng cần câu không buộc ở cuối sợi nhợ mà gắn vào lưỡi câu. Cần câu không để giật mà để đẩy mồi tới miệng con lươn. Một tay cẳm ống sậy, một tay giữ sợi nhợ, hai tay phối hợp nhịp nhàng, nó đẩy xuống, rút lên miếng mồi, nhử con lươn. Có tiếng lươn chép miệng dưới bùn. Nó nhìn tôi, nhếch mép cười đắc ý. Bỗng sợi nhợ bị rút mạnh. Nhanh như cắt, Ba-sát-cá rút đoạn sậy vứt đi, tay kia nó cũng giật mạnh. Con lươn trì lại. Ba-sát-cá kéo lên. Nó giữ chặt trong mấy ngón tay cái mẩu gỗ buộc đầu sợi nhợ và ra sức kéo. Một tiếng “ó…o…t” lớn, rồi nước bùn dềnh lên, trào ra miệng hang, đồng thời con lươn cũng bị lôi khỏi lỗ. Ba-sát-cá xách con lươn giơ cao, mang nhanh lên bờ. Con lươn to như ngón chân cái người lớn, dài gần bằng cánh tay tôi, giãy giụa loằng ngoằng. Tôi phụ với nó, nhét đuôi con lươn vào cái hom giỏ. Tôi vuốt bùn bám, con lươn lộ ra mảng da nhớt bóng, vàng nghệ. Ba-sát-cá gỡ lưỡi câu. Giống lươn phàm ăn. Câu mắc vào khó gỡ. hai chúng tôi phải loay hoay mất một lúc mới xong.

Lươn nghệ thịt mềm và béo hơn lươn trắng. Lại còn có loại lươn bông, da xam xám, mốc trắng loang lổ. lươn làm được nhiều món ăn “cao cấp”: lươn om nước dừa, lươn rút xương nhồi thịt, lẩu lươn… Đó là các món ăn bán ở nhà hang “đặc sản” Sài Gòn, ngon nổi tiếng. Lươn cũng rất có giá trị trên thị trường thế giới. Thịt nó ngon, bổ, nhiều chất dinh dưỡng. Nước ta và một số nước trên thế giới có lươn sống xuất khẩu cho thị trường Hồng Kông, bán rất được giá.

Còn tôi, tôi không thể nào quên món canh chua lươn nấu trái giác, thứ trái của một loại dây leo sống ở vùng nước mặn U Minh, có rất nhiều trong rừng đước U Minh, mà tôi đã ăn hoài những ngày kháng chiến chống Pháp.

Nói đến loại câu không có cần, tôi không thể nào không nhắc lại với các bạn nhỏ một thứ “câu” chẳng những không có cần mà còn không có nhợ và không có lưỡi câu nữa. Nói đúng hơn, đây là một trò chơi nghịch của trẻ con, song cũng được nhiều cá, cá to hẳn hoi. Tôi có một ông cậu ở vùng trên, phía sông Tiền. Vùng này người ta hay đào ao nuôi cá tra, vá vồ. Đó là loại cá không vảy, thịt ngon, béo, kho hay chiên đều ngon, đặc biệt nấu canh chua thì rất tuyệt. Ao cá thường đào phía sau nhà, có cầu rửa bát, bên trên làm giàn trồng bầu, trồng mướp, vừa có trái ăn, vừa che mát ao cá. Hoa mướp vàng nở ra thật đẹp, thu hút đám ong bầu. Ong bầu to khoảng ngón tay cái, mình xanh biếc đầy long và có một ngấn vàng rất đẹp chạy quanh bụng. Ong bầu sống riêng từng con, không sống thành đàn như ong mật. Ong bầu khoét lỗ, làm tổ trong ống tre giàn bầu. Trẻ con chúng tôi tìm một cái chai không, áp miệng chai vào lỗ tổ ong, rồi cầm thanh củi gõ mạnh. Ong bầu nghe động chạy ra, chui tọt vào chai. Chúng tôi bịt miệng chai, lừa bắt ong bầu ra rồi rứt cánh vứt xuống ao. Cá tra quen lệ lên đớp mồi, liền bị ong bầu chích. Ong bầu chích đau lắm, sưng cả tay. Chú cá bị ong bầu chích đau, lăn lộn trên mặt nước, vừa ngáp vừa phơi bụng trắng hếu. Chúng tôi lấy rổ vớt cá lên, thế là được một bữa cá nấu canh chua, “câu” bằng cái trò nghịch với chú ong bầu. Tất nhiên, chúng tôi bị rầy và không bao giờ dám tái diễn kiểu câu “không nhợ không cần” ấy nữa.

Đi câu là một thú vui đặc biệt thích hợp với tuổi nhỏ, cho nên tôi kể nhiều những chuyện đi câu để các bạn nghe. Chứ ở vùng sông nước quê tôi, còn nhiều cách bắt cá tôm khác, một lúc được rất nhiều. Tôi sẽ kể qua một vài cách mà Ba-sát-cá và tôi lúc đó có thể làm được. Các bạn có thích nghe nữa không?


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx